1.NGÔN NGỮ CỦA TÌNH CẢM
Trong các lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên , có một khoảng thời gian cực kỳ sôi động là múa Soang cộng đồng – tất cả những người có mặt tại lễ hội đều có thể tham dự vào vòng Soang kỳ ảo. Về kỹ thuật múa Soang không khó: mọi người nối tiếp nhau thành một vòng tròn rộng, vừa chuyển động theo vòng tròn vừa nhún nhảy chân, đung đưa tay và rung lắc thân mình theo nhịp cồng chiêng…Múa Soang nói thì đơn giản như thế, nhưng khi đạt tới độ tột cùng của nghệ thuật múa thì vòng Soang trở nên huyền diệu vô cùng bởi khi ấy các cô gái người dân tộc trong bộ trang phục lễ hội tuyệt đẹp, thêu hoa văn kỳ ảo đã trở thành những tiên nữ đưa vòng Soang uốn lượn trong tiếng cồng chiêng rộn rã, trong ánh mắt lung linh, trong nụ cười lấp lánh... Điều này đã có nhà thơ viết thành thơ:”Như là ở giữa thác ghềnh / Vòng Soang ơi, cuốn bạn tình đi đâu?”
Trong một lễ hội lớn lần ấy, có rất nhiều đoàn khách trung ương và nước ngoài tới dự. Có một vị khách trung ương nhập vào vòng Soang và ngẫu nhiên ở kề sát một cô gái Ba-na. Cô gái có đôi mắt lung linh như mặt hồ gợn sóng, có nụ cười rạng rỡ khiến ánh sáng cười theo và điều đặc biệt là thân hình căng tràn sức sống thanh xuân…Cô gái đã làm cho vị khách nọ ngây ngất…Vũ điệu Soang đã kết thúc từ lâu, mọi người í ới gọi nhau ra về. Ông giáo sư trưởng đoàn của trung ương bỗng phát hiện thiếu một người. Mọi người bổ đi các ngả gọi tìm…Hồi lâu mới thấy vị khách trung ương kia đang đứng dưới một tán cây, nơi góc vườn cà phê u tùm. Ông trưởng đoàn hỏi:”Cậu làm gì ở đây thế?” Đáp:”Tôi đứng đợi người yêu!” Lại hỏi:”Người yêu nào?” Đáp:”Thì cái cô gái múa Soang cạnh tôi đó. Cô gái luôn nhìn tôi đắm say, luôn cười với tôi bằng nụ cười mời gọi, bàn tay thì như chỉ ra góc vườn này mà nói “Hãy ra tán cây nơi góc vườn đợi em, em sẽ là của chàng tất cả” – tôi đã đọc được những lời hẹn đó trên thân thể cô gái, trong ánh mắt và cả nụ cười!”Tức thì ông giáo sư trưởng đoàn la to:”Trời đất ơi! Cậu lấy bằng Tiến sĩ ở trường Cambridge danh tiếng mà dịch sai toét ngôn ngữ múa!” Ông giáo sư trưởng đoàn kêu mấy người trai trẻ khỏe mạnh lôi người Tiến sĩ Cambridge đi về nhưng người này không chịu, họ cứ kéo đẩy nhau mãi không biết bao lâu mới thôi!...
2.OAN THỊ KÍNH
Ông Dư Hải đã gần 50 tuổi, mới được ra tù sớm trong đợt lễ Quốc tế Lao động vừa rồi. Tôi theo một người bà con tới thăm và chúc mừng ông vì người bà con này là bạn thời đại học với ông. Khi nghe ông kể tại sao bị lao tù, tôi kinh ngạc hết sức và chép lại sự việc đó ra đây: Lúc ấy , ông Dư Hải vừa nhận bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ngành Toán. Ông đang thong thả bách bộ về nhà thì thấy trước cửa một căn hộ có một cành cây gai nhỏ, không biết ai quăng hay làm rơi ra đó. Ông cúi xuống nhặt cành gai bỏ vào cái sọt rác gần đó. Đi được dăm bước chân thì có người chạy theo, nói:”Này anh kia! Anh vừa nhặt tờ 50 ngàn con tôi làm rơi trước cửa, trả lại tôi ngay!” Đáp:”Tôi đâu có nhặt tờ 50 ngàn nào!” Lại nói:”Anh lại chối hả? Tôi đang từ trong nhà đi ra thí thấy anh cúi xuống nhặt!”, nói rồi người này sấn tới đòi lục soát túi quần Dư Hải. Hai bên giằng co, xô đẩy một lúc thì người kia té ngã, đầu đập vào chân cột điện, chết tức thì!... Sau đó Dư Hải phải lãnh án 30 năm tù vì tội ngộ sát! Lần này anh được ra tù trước thời hạn 5 năm!...
Cám cảnh cho Dư Hải, tôi và người bà con ngồi uồng rượu với anh thâu đêm…Lúc chia tay, anh bùi ngùi nói:”Chỉ vì nhặt một cành gai để tránh cho ai đó đạp phải mà bị tù 25 năm trời, oan của tôi còn hơn cả Thị Kính. Vì thế, tôi chỉ có một ước vọng duy nhất là nhờ ông anh đây viết chuyện của tôi thành một cuốn tiểu thuyết. Được như vậy cho dù có thất nghiệp chết đói tôi cũng không kêu ca gì!”
Nghe Dư Hải nói vậy, tôi bàng hoàng mà rằng:”Ước nguyện của cậu giản dị quá, nhưng lại khó cho tôi! Trước mắt, tôi viết chuyện của cậu thành một cái Truyện ngắn ngắn được không?” Tức thì Dư Hải nắm chặt tay tôi nói líu ríu:”Đội ơn anh, đa tạ anh…”. Cái truyện ngắn ngắn này là tôi viết xong trên đường từ nhà Dư Hải về nhà tôi!...
3.CHUYỆN TÌNH KHÔNG ĐẦU KHÔNG CUỐI
Cô Hằng Nga là hàng xóm của ông Nhân từ thuở ấu thơ. Ông thầm yêu cô Hằng Nga nhưng không hiểu sao, đến lúc cô Hằng Nga lên xe hoa ông mới té ngửa: thì ra cô Hằng Nga chê ông vừa nghèo vừa ngố!...
Lần ấy, chồng cô Hằng Nga đi học ở nước ngoài ba năm mới về mà cô Hằng Nga lại có bầu với ai không biết. Cô Hằng Nga bị đánh rồi đuổi về nhà mẹ đẻ, găp ông Nhân, khóc lóc như mưa kêu khổ, nhờ ông Nhân nghĩ cách giúp. Ông Hài Nhân nói:”Chỉ có một cách duy nhất mà thôi”. Hỏi cách gì, nói:”Cách này là không làm gì cả!” Hỏi thế nghĩa là sao, nói:”Mình cứ để sự việc nó trôi đi theo sự điều khiển của tạo hóa…giống như cây củi trôi trên sông, nó sẽ trôi tới đâu làm sao biết trước?”
Cô Hằng Nga cho là hay, bèn trở lại nhà chồng. Chồng hỏi tại sao quay về, không sợ bị đánh à, cô Nga liên kể lại lời ông Hài Nhân. Người chồng nghe xong thì lẩm bẩm:”Không làm gì cả!...Không làm gì cả!”…
HCM, 13-5-2009