Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.604
 
Thơ Lê Khánh Mai “vút lên lóng lánh vui buồn trần gian”
Vũ Nho

1. Lê Khánh Mai là một nhà thơ nữ đắm say, bền bỉ, chung thủy với thơ ca. Và chính sự đắm say, bền bỉ, chung thủy đó đã được đền đáp. Đam mê thơ, cần mẫn sáng tạo, trăn trở đổi mới, khát khao bứt phá và hoàn thiện đã tạo cho thơ chị một gương mặt, một giọng điệu riêng.Thường thì các nhà thơ, nhất là các nhà thơ nữ ngày nay, hay viết về cái tôi thân phận cá nhân của mình. Đó vừa là xu hướng hướng nội ( để khắc phục tình trạng toàn hướng ngoại một thời), vừa là khát vọng bộc lộ, khẳng định cái “tôi” của người viết. Lê Khánh Mai cũng thế nhưng không chỉ có thế. Làm thơ từ thời sinh viên, xuất hiện khá sớm trên thi đàn ( năm 1984 với tập thơ in chung Dòng sông khoảng đời), Lê Khánh Mai thể hiện một bút lực dồi dào với đề tài thơ phong phú và đa dạng. Có thể nói Lê Khánh Mai là một trong số không nhiều cây bút nữ có thành tựu cả ở ba lĩnh vực truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ; trong đó nổi trội nhất là thơ. Chị đã từng phát biểu về tính cách miền Trung :“Chắt chiu mà rộng mở, đằm sâu mà mạnh mẽ, bộc trực mà ân tình, đam mê mà tỉnh táo, ẩn nhẫn mà vượt thoát” (Tạp chí Thơ số 23, 5/2005). Tôi nghĩ, thơ Lê Khánh Mai là một trong những thể hiện tiêu biểu và sinh động của tính cách ấy.Xuyên suốt 7 tập thơ đã in của Lê Khánh Mai là tình cảm đằm sâu ân tình với quê hương đất nước, ám ảnh thân phận đàn bà và khát vọng thơ ca, trăn trở về vận mệnh thơ, sự đa đoan của trái tim thi sĩ.


2. Sinh ra ở miền Nam, lớn lên trên đất Bắc, trở về xứ Trầm Hương trong những ngày đất nước ầy rẫy khó khăn sau khi thống nhất, Lê Khánh Mai có tuổi thơ và tuổi thanh xuân thấm đẫm gian nan, vất vả. Chị “sinh ra từ bùn” trên cánh đồng chiêm, lớn lên trong hoàn cảnh gieo neo đặc biệt:
ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm

căn nhà tập thể chín mét vuông

tôi chen nhau với sách vở đèn dầu, chai lọ
Mẹ tôi gương mặt mùa đông góa bụa
thức dậy bốn giờ sáng, ra đi hun hút gió
đón chuyến xe đầu ngày
cà mèn cơm rau muốn, đậu phụ bữa trưa công sở
Tuổi thơ tôi côi cút co ro
(Hà Nội mùa đông đầu thế kỉ )
Phải chăng vì thế mà Lê Khánh Mai luôn biết ơn mẹ, biết ơn cuộc đời, biết ơn những vùng đất đã đùm bọc, cưu mang? Và đồng thời chị cũng biết chắt chiu, nâng niu những hạnh phúc đơn sơ, niềm vui nho nhỏ từ cuộc đời bề bộn vất vả, gian lao?
Những câu thơ về quê hương Tu Bông nhiều gió “Con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối/ Người dân gồng mình đỡ cơn gió xối”; về xứ Trầm Hương “ Lặn vào giông bão thầm thầm tỏa hương”; về Hà Nội “tuổi thơ ở lại”; về Nha Trang “ căng mình trước đại dương/như vồng ngực trần của chàng trai vạm vỡ/ kiêu hãnh và trẻ trung trong nắng gió mặn mòi” là những câu thơ tràn đầy tình cảm được viết ra từ “một tình yêu suốt đời mắc nợ”.
Thơ Lê Khánh Mai trân trọng, nâng niu những hạnh phúc đơn sơ, vì đó là niềm “ hạnh phúc chắt ra từ cay đắng, nhọc nhằn” ( Vòm trời cổ tích). Niềm vui, hạnh phúc đó có thể là trong gia đình nhỏ bé của chị:
Nhà ta nghèo nhưng đầy ắp niềm vui
mái dột, trời mưa, xoong chậu đem ra hứng
con ướt át lấy đũa khua chiêng trống
hát nghêu ngao chẳng ra cuối ra đầu
(Chàng trai của mẹ )
Đó có thể là niềm vui của những người đàn bà bình thường tất tả mưu sinh:
Những người đàn bà tong tả gánh gồng
ngược xuôi buổi chợ
quán nhỏ xiêu nghiêng
mời mọc những buồng dừa trĩu quả
như bầu vú mơn mởn, tươi non
(Ninh Hòa đoản khúc)
Đó là niềm vui như hội trong ban mai của người đàn bà xứ biển, của những dân chài với mất ngủ, với nụ cười nhễ nhại:
Người đàn bà xứ biển hằng đêm mất ngủ
đợi chồng về từ phía hừng đông
bến cá mỗi ban mai mở hội
tấp nập thuyền ghe, nhễ nhại những nụ cười
(Nha Trang của tôi)


3. Thơ Lê Khánh Mai thường đề cập đến bổn phận, thân phận, số phận của kiếp đàn bà, của chiếc lá, hạt cát, bông hoa- những vật mỏng manh, nhỏ bé gần với đàn bà. Có đến hơn hai mươi bài thơ trong số một trăm lẻ bảy bài trong tập “Giấc mơ hái từ cơn giông” nhắc đến từ phận. Đây là vài ví dụ:
Đàn bà
đôi vai oằn bổn phận
chông chênh đỉnh cô đơn
(Bổn phận )
Mang thân đàn bà phận lá
nào ai lường hết nẻo tình
đã đau đến cùng sỏi đá
thì thôi mình thương lấy mình
(Bạn gá)i
Đau chi thế thái nhân tình
Nhỏ nhoi hạt cát phận mình mà thôi
(Ru trái tim buồn )
Câu thơ nước chảy bèo trôi
Vẫn nghiêng về phía phận người khổ đau
(Hương cỏ )
Đức tính của phụ nữ Việt Nam là nhẫn nhịn, hi sinh. Yên phận, cam phận thành ra một nết đẹp buồn. Nói nhiều đến bổn phận, sự cam phận, nhưng Lê Khánh Mai không ca ngợi bổn phận như là ưu điểm : “ bổn phận là cánh buồm / mắc cạn / mòn đời ngưỡng vọng khơi xa…Một ngày kia/ ta về nơi gió cát/ không để lại dấu vết/ bổn phận nhạo cười tiễn đưa ta” (Bổn phận). Nhà thơ cũng mạnh bạo và đầy tính thuyết phục nói đến nỗi đau không thể hóa đá của những phận đàn bà:
Xứ sở này liên miên chiến tranh giặc giã
cổ tích hàng thiên chẳng ghi hết nỗi buồn
trùng trùng đá không tạc nổi bao đợi chờ, chia li truyền kiếp
cô đơn đến kiệt cùng có hóa đá được đâu
đàn bà vẫn phải đau
nỗi đau của hình hài xương thịt
hồn vọng phu mòn mỏi xác thân phàm
(Kiếp vọng phu)
Chị thấy phận mình trong thân phận của những người cùng giới, những người oằn bổn phận trên vai; nhưng không cam phận, vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh, hi sinh, nhận lấy phần thua thiệt để đem niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, như loài trai biển “đau kia kết ngọc/ cho người long lanh” ( Nỗi niềm).
Có nhiều hình ảnh người đàn bà trong thơ Lê Khánh Mai. Người đàn bà bán rau, người đàn bà “ hát ru thầm một kiếp vùi quên”, người đàn bà lặng im như cát, người đàn bà đi chợ, người đàn bà làm thơ “ ngày ngày cày trên trang báo/ câu thơ yểu mệnh đêm trường”, người đàn bà vọng chồng hóa đá, người đàn bà “đã chờ con suốt hai mươi lăm năm/ và sẽ chờ mãi mãi”,… Không chỉ có nhận thức sâu sắc về bổn phận, mà còn có sự cảm thông chia sẻ với “phận người khổ đau”. Và hơn thế nữa, Lê Khánh Mai tôn vinh, ca ngợi họ.
“ Cánh buồm” là bài thơ độc đáo ca ngợi người đàn bà sinh nở, ca ngợi vẻ đẹp và thiên chức làm mẹ. Bài thơ gợi nhớ đến truyện ngắn nổi tiếng của M. Gorki “ Một con người ra đời” nhưng nhà thơ nữ thiên về ca ngợi vẻ đẹp chứ không nhấn mạnh sự đau đớn, niềm vui làm mẹ và “chức vị làm người”:
Người đàn bà trong cơn đau sinh nở
đẹp như một thiên thần
Không điểm phấn tô son
chẳng lượt là khăn áo
chị chín đầy như hoa trái mùa xuân
(Cánh buồm )
Lê Khánh Mai ngưỡng mộ Xuân Quỳnh, đã làm luận văn thạc sĩ về thơ Xuân Quỳnh. Và chị đã viết thật sâu sắc, cảm động về bàn tay của nữ nhà thơ, cũng là bàn tay tảo tần của phụ nữ Việt Nam mọi thời đại:
Bàn tay gài khuy áo cho chồng
khép cửa phòng khi trời trở gió
vỗ giấc con thơ, nhặt rau nhóm lửa
tất bật sớm chiều, giặt giũ, vá may
rồi bàn tay cuống quýt nắm bàn tay
để yêu thương khi yên ngày thác lũ
Bàn tay viết những câu thơ bão tố
về khát vọng tình yêu
(Bàn tay chị Xuân Quỳnh )
Có lẽ người đọc cũng hiểu như tôi rằng bàn tay nhà thơ Xuân Quỳnh ngày ấy cũng là hình ảnh bàn tay tảo tần của người viết bây giờ…


4. Cũng như nhiều người làm thơ, Lê Khánh Mai có ý thức chia sẻ với bạn đọc về ý nghĩa của thơ ca, về những nỗi vất vả gian nan của người thơ, và một chút riêng tư thi sĩ.
Với người làm thơ, thơ không là cơm ăn, không là nước uống, không là tiền bạc. Thơ không là vật chất, nhưng thơ có sức mạnh nâng đỡ, cứu rỗi con người:
Khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau
thơ vực tôi đứng dậy
(Tôi và thơ )


Thơ cũng không phải là mảnh đất mỡ màu, càng không phải trò chơi con chữ, thơ đòi hỏi sự hi sinh:
"Trả giá một đời chỉ gặt hái đôi câu"


Buồn vui của thơ là buồn vui của đời, nhưng đem được những vui buồn đó đến cho bạn đọc không phải là một công việc dễ dàng:


Mỗi câu thơ mang bóng dáng nụ cười
hay nước mắt buồn đau số phận
tôi đã đổi bằng bao cay đắng
có khi như vắt kiệt chính mình
(Tâm sự thơ ca)


Nhà thơ cũng cho bạn đọc thấy những thoáng chốc riêng tư của một tình cảm âm thầm:


Em ngồi hóa núi lặng thinh
nghiêng thẩm biển cạn, vọng tình thẳm xa
(Vọng )


Một xao xuyến bâng khuâng:
Người còn giữ lửa chung tình
để ta ươm bão ủ xanh đợi mùa
(Đợi mùa )


Một chiêm nghiệm về tình ái:
Rằng yêu là cái nghiệp đời
càng mê mẩn lắm, càng rời rã đau
(Ơi người )


Một tâm sự gần như tự thú:


- Em khát sống
những gì chưa kịp sống
và vội yêu
những gì chưa được yêu
em thất thường, nắng sớm mưa chiều
và hoang tưởng như cầu vồng bảy sắc
(Khát )
- Anh, người đàn bà ấy và em đều biết mình vô lí
nhưng chúng ta từ chối giải thoát mình
(Nhận diện một tình yêu)


Những câu thơ tình yêu của Lê Khánh Mai là những lời giãi bày, sẻ chia chân thành của một “trái tim chớp bể mãi còn đa đoan”.

5.Là người đắm đuối với thơ, một cây bút có tính chuyên nghiệp cao về thơ, Lê Khánh Mai thường trăn trở suy nghĩ về phận thơ, phận người sáng tạo. Chị không giấu niềm băn khoăn:
Chết vùi đi hay là thắp lửa
Đơn giản vô cùng sao cứ mãi phân vân
(Khát vọng)
Tất nhiên , băn khoăn, phân vân, nhưng chị đã chọn thắp lửa, đã chọn cháy lên, chọn “vắt kiệt mình để nuôi một giấc mơ”( Giấc mơ tôi hái). Người viết thường phải có cao vọng, có khát vọng ( và không tránh khỏi nhiều khi là ảo vọng). Lê Khánh Mai cũng vậy. Hơn một lần chị nói với người cha đã khuất: “ Trong con một niềm tin bất tuyệt/ con sẽ hái những vì sao xa lắc/ bởi vì có cha nâng cánh cho con” ( Cha ơi!). Khát vọng của chị hướng lên vời vợi chốn cao xanh, hướng xa thăm thẳm ngàn khơi, hướng tới xa tít chân trời màu lam:


Thắp lên niềm kì vọng bầu trời
tôi kí thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi
(Tâm khúc)


Tuy nhiên, sự mãi phân vân trong tình cảm là có thật. Bởi thế mới có một hiện tượng như là mâu thuẫn. Khát vọng hái vì sao xa lắc, khát vọng thắp lên niềm kì vọng bầu trời, nhưng khi tỉnh táo, lại có cảm giác tự ti về thân phận:


- Có ta trời thản nhiên xanh
Không ta mây trắng yên lành vẫn trôi
(Đơn sơ )
- Tôi là ai
Bạn là ai
chỉ như khói thoảng sương bay thôi mà
đường về La Mã vời xa…
(Ơi người)
- Nhà thơ, thi sĩ, thi hào
những danh hiệu cao vời
xin dành cho tiền nhân, hậu thế
ta- người thơ tỉnh lẻ
(Uống rượu với bạn thơ Đăk Lăk)


Hình ảnh con thuyền nhỏ hay cũng chính là phút nản lòng của người ôm hoài bão lớn lao : “ Và run rẩy/ úp vào ngực cát/ khóc một niềm vô vọng ngàn khơi” (Con thuyền nhỏ).


Muốn bứt phá, muốn “sống vượt mình”, muốn “quên mình là đàn bà” nhưng lại vấp rào cản bổn phận, lại quay về với bình yên ngày thường “ Cho em về nương tựa vào anh/ nối kết buồn vui làm cánh võng”. Yên ổn, để rồi sau đó lại “vẫn khát viết vần thơ định mệnh” ( Khát).
Lê Khánh Mai từng hoài nghi, những chính là khẳng định sự lựa chọn tỉnh táo của mình: “Có thể nào chạy trốn đời thường nhật/đánh đổi cái vững bền lấy cái mong manh” ( Đời thường). Khát vọng bề cao, bề rộng, bề xa là có thật; khát vọng khai mở những con đường là có thật. Nhưng đó là “cái mong manh”. Lê Khánh Mai đã chọn “cái vững bền”, chọn “đời thường nhật” và tìm thấy hạnh phúc của mình, nguồn thơ của mình ở đấy. Nhưng chị vẫn không nguôi hướng tới “cái mong manh”. Điều đó làm nên bản sắc thơ Lê Khánh Mai.
Tôi không nghĩ rằng Lê Khánh Mai không dám và không thể bứt phá vì đã chọn “cái vững bền”, đã chọn “bổn phận” và bị ngợp trước “bao đền đài thơ sừng sững”. Tôi thấy Lê Khánh Mai có những lúc không tự tin, tự ti như những câu thơ đã dẫn ở trên. Nhưng chị không hề có tư thế lép vế.


Bao đền đài thơ sừng sững
ta gieo xác chữ ích gì
(Nhà thơ nữ bứt phá)


Tôi hiểu và muốn mọi người hiểu các nhà thơ nữ không làm việc vô ích là gieo xác chữ trước các đền đài thơ sừng sững. Nghĩa là họ sẽ gieo gặt những mùa thơ mới, sẽ xây những đền đài mới của riêng mình. Câu thơ đó là một khẳng định quyết tâm bứt phá. Cũng như tôi tin tưởng rằng : “Những câu thơ/ như chú ngựa bất kham nơi lồng ngực/ mơ một ngày tung vó thảo nguyên” ( Khát) không có bất cứ lí do gì để coi đó chỉ là giấc mơ. Những chú ngựa ấy đã tung vó trên những thảo nguyên thơ có tên "Cát mặn", "Đẹp, buồn và trong suốt như sương" và "Giấc mơ hái từ cơn giông.".


6. câu thơ nghẹn lại nửa chừng
chồng chất lo âu, vất vả nhọc nhằn
manh áo miếng cơm xoay vần chóng mặt
những trách móc giận hờn thường nhật
ta đánh mất tình yêu, đánh mất chính mình
(Đời thường)

Chính khi tưởng là đánh mất ấy, Lê Khánh Mai đã tìm thấy mình, tìm thấy tình yêu. Và những câu thơ nghẹn lại nửa chừng kia đã được sinh thành, hồng hào, khỏe mạnh. Thơ của Lê Khánh Mai là thơ của đời thường muôn mặt với chiến tranh, mất mát, nghèo khó, vất vả lo âu, vật lộn, bươn chải, nắng sương, mưa dầm, giông bão và niềm " hạnh phúc chắt ra từ cay đắng nhọc nhằn". Vì thế thơ chị không phải là tình ca, anh hùng ca, hoặc sầu ca hay bi ca. Đó là bài ca cuộc sống “vút lên lóng lánh vui buồn trần gian” ( Đêm sông Hậu nghe đờn ca tài tử).

Hà Nội, cuối tháng 11/2008

Vũ Nho
Số lần đọc: 2362
Ngày đăng: 19.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Wũ Khang & “Quà tặng của quỷ sứ” - Inrasara
Tế Hanh – "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ! - Lê Ngọc Trác
Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông - Huỳnh Minh Tâm
Đọc Quyên ở ngoài nước Đức - Đỗ Quyên
Trái Tim Còn Lại – Thơ Hoàng Lộc - Mang Viên Long
Phương Quý – Tình người xứ cọ - Tạ văn Sĩ
Đỗ Thượng Thế và Tập Thơ Trích Tôi - Huỳnh Minh Tâm
Đọc "Ma thuật ngón" - Phan Chín
Sen hồng vô tận ý - Cao Quảng Văn
Đoàn Văn Cừ : Đường Về Quê Mẹ - Một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 - Lê Xuân Quang