Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.445
 
Trường ca Đỗ Quyên
Nguyễn Đức Tùng

Trong buổi sinh hoạt văn nghệ hàng năm nhân dịp ra mắt tạp chí Người Việt Hải Ngoại tại Vancouver, ngày 1-12-2007, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã đọc bài tham luận về trường ca Đỗ Quyên sau đây. (Tạp chí NVHN)

Hôm nay là ngày tuyết rơi đầu tiên ở Vancouver, báo hiệu mùa Giáng sinh đang tới gần. Đón tuyết, chúng ta cũng đón nhà thơ Đỗ Quyên, người bạn cũ, vừa trở về sau những ngày giang hồ ở xứ Úc có khí hậu sa mạc. Anh có mặt trong tuyển tập văn chương Người Việt Hải Ngoại năm nay 2007, với nhan đề Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời. Cùng có mặt với anh trong tập sách này là nhiều người ở Vancouver, ở hải ngoại và từ trong nước. Tôi có thể kể, không theo một thứ tự nào: Mai Văn Phấn, Khải Minh, Nam Dao, Thận Nhiên, Nguyễn Viện, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Duy Minh, Vi Thùy Linh, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Văn Thọ, Vân Hải, Việt Phong, Nguyễn Ước, Trương Tư, Trịnh Thanh Thủy.

Từ xa trở về, Đỗ Quyên mang theo một cánh cửa bí ẩn, để chúng ta:


Mở
Mở nữa

Mở mãi

Mở những gì có cửa

Mở những gì chưa có cửa

(“Thơ thời gian”)

Anh cũng mang đến một nỗi buồn muộn màng nhưng cần thiết.


Cả những nỗi buồn muộn cũng cần vô ngần

Khi thế kỷ qua mặt mình mỗi buổi

(“Buồn muộn cùng thế kỷ”)

Giữa hai đoạn thơ này là một khoảng thời gian chín, mười năm. Anh bắt đầu viết trường ca vào đầu những năm 1990, ở hải ngoại như thế nghĩa là rất sớm so với nhiều người, mặc dù anh không phải là người đầu tiên. Từ đó đến nay, anh liên tiếp có những tác phẩm dài hơi, như “Lòng hải lý”, “Buồn muộn cùng thế kỷ”, “Đống chữ”, “Biển đỡ”, “Ba người nữ một mùa thu”, “Thơ thời gian”… *)

Trường ca là một thể thơ không quen thuộc lắm với nhiều người, nhưng lại có một lịch sử lâu đời. Giữa hoặc sau những người viết trường ca trong vài chục năm trở lại đây như Du Tử Lê, Thi Hoàng, Thu Bồn, Cao Đông Khánh, Trần Nghi Hoàng, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, có những khuôn mặt mới rất được nhiều người chú ý như Đỗ Quyên, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái. Trường ca là những bài thơ dài, có cấu trúc phần nào của các loại truyện kể và tiểu thuyết, có thể có nhiều nhân vật, và tác giả có thể chọn điểm đứng không phải là ngôi thứ nhất như trong thơ trữ tình quen thuộc. Một số trường ca có các yếu tố kịch. Tên gọi trường ca có tính cách quy ước, vì các tác phẩm này không phải là các bài ca (songs) hoặc thuần tuý là các ca khúc trữ tình (lyrics). Mặc dù vậy, chữ “trường ca” cũng làm tôi nghĩ đến những nguồn gốc sâu xa, có thể có, của nó trong các anh hùng ca và các sử thi.

Mặc dù đã xuất hiện nhiều năm, chủ yếu trước 1975 ở miền Bắc, sau 1975 ở trong Nam và ở hải ngoại, trường ca, như một thể thơ, chưa bao giờ nhận được sự phê bình thấu đáo xứng đáng với nó. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này: tình trạng đọc (readership) của người đọc tiếng Việt, vốn không chuẩn bị cho việc đọc dài hơi, hoặc là một số nhà phê bình chưa kịp nhận ra tác động của trường ca lên sự phát triển của thơ nói chung, một tác động mà theo tôi là rất lớn. Thành tựu nghệ thuật, sức hấp dẫn của các trường ca cũng có thể là ngăn cản đầu tiên đối với người đọc.

Thơ Đỗ Quyên có hai nguồn. Anh có những cảm hứng cổ điển, thể hiện trong những hình thức cổ điển:


Thời gian chạy làm lề

Không gian thành giấy phẳng

Khổ đau trong câu chữ

Hạnh phúc hiện ra hình

Những xúc động của anh lại có thể rất mới, được viết ở thì hiện tại. Đỗ Quyên mới đến nỗi rất ít người nhận ra. Xét riêng về thời gian, anh là một trong vài ba người làm mới sớm nhất trong những kẻ cách tân thơ Việt Nam ở hải ngoại.


Bàn tay ấy vuốt cong người mỗi sáng

Bỗng xoè ra đợi kim ngày tháng đâm mình

Câu thơ của anh chứa những hình ảnh đẹp.


Khi con chó nhỏ bỏ người đàn bà

Trong một chiều thứ bảy

Tới cắn day dây giày người đàn ông phụ bạc

Thềm nhà lạ sẽ đổ mồ hôi và khóc

Và những ý lấp lánh, mà nếu không đọc kĩ, người ta dễ bỏ qua:


Ngoài hiên đôi sẻ sang hàng

Thật ra, trích dẫn thơ cho các trường ca là việc khó khăn. Thơ Đỗ Quyên hình như không có nhiều những thể nghiệm ngôn ngữ. Anh không cố tình đảo chữ, đảo câu nhiều như những người khác. Anh viết thản nhiên và trực tiếp. Chữ của anh đơn giản nhưng cấu trúc câu thơ của anh lại phức tạp. Về hình thức, trường ca Đỗ Quyên là thơ tự do. Thơ tự do của anh có những đặc tính sau đây:

Một, anh đưa ngôn ngữ thơ gần lại với ngôn ngữ văn xuôi. Hai, anh tận dụng các thể thơ cổ điển ở hình thức lỏng lẻo nhất, và làm chúng lệch đi, biến dạng đi. Ba, anh cưỡng lại các cấu trúc duy lý của câu văn phạm. Đỗ Quyên sử dụng nhiều các yếu tố thứ nhất và thứ hai, và ít sử dụng hơn yếu tố thứ ba. Nhờ vậy trong từng đoạn, thơ anh khá dễ hiểu đối với người đọc trung bình.

Tôi vừa chạm đến khái niệm dễ hiểu và khó hiểu. Đây là một lãnh vực không giản dị chút nào. Đối với nhiều người, thơ anh vừa dễ hiểu vừa khó hiểu, đọc từng câu thì hiểu, đọc toàn bài thì không hiểu gì cả. Như thế là vì anh đi trước độc giả quá xa, hay vì tính đặc trưng của thơ anh là vượt thoát các cố gắng giải thích?

Khi nói đến giải thích, chúng ta nói đến nghĩa của một bài thơ. Nhưng “nghĩa của một bài thơ là gì?” không phải là một câu hỏi dễ dàng. Nhờ dung lượng lớn, các trường ca, nhất là khi chúng thành công, có khả năng tạo ra một hiện thực riêng biệt làm nền cho ý nghĩa của bài thơ. Đối với thơ Đỗ Quyên, hiện thực lại là cái mà anh tin, và làm cho chúng ta tin. Như vậy, niềm tin của nhà thơ chính là hiện thực của bài thơ, nhưng là một hiện thực không trực tiếp dẫn đến ý nghĩa của bài thơ, không trực tiếp dẫn đến sự giải thích. Vì vậy mà trường ca Đỗ Quyên có thể trở thành một thách thức đối với người đọc; các tiêu chuẩn phê bình thông thường đôi khi khó áp dụng.

Ấn tượng tôi có khi lần đầu tiên đọc anh, cách đây chín, mười năm, là cảm hứng lãng mạn. Đi sâu hơn nữa, một trong những bút pháp mà anh thường sử dụng cũng là bút pháp lãng mạn. Đừng nhầm bút pháp lãng mạn với thủ pháp hài hước nhẹ nhàng mà Đỗ Quyên thỉnh thoảng vẫn sử dụng.


Hai tay cầm mãi cũng rơi

Chữ đây đã rụng nghĩa rày đã tan

Giữa những câu thơ dài gần như bất tận, có thể làm người đọc ít kiên nhẫn dễ trở nên mệt mỏi, là một cấu trúc âm nhạc ngấm ngầm. Thơ anh là phức hợp của bốn yếu tố: bài hát ru, thơ cổ điển Đông phương, văn xuôi và phong cách ngẫu hứng kiểu nhạc jazz.

Về mặt âm nhạc, mặc dù không phải thường xuyên thành công, thơ Đỗ Quyên, trong những mạch chảy óng ả nhất, có vẻ tiến đến gần một dàn hợp xướng.

Anh không viết nhiều về thời sự. Trong trường ca của anh không có các sự kiện cụ thể, các dấu ấn mạnh mẽ của những khúc quanh xã hội chính trị. Nhưng đọc kỹ có thể nhận ra một dòng suy nghiệm triết học đặc biệt về văn hoá Việt Nam và về lịch sử đất nước, thiết tha, sôi động. Anh ở nước ngoài hai mươi năm nhưng một nửa tâm hồn anh có lẽ còn ở Việt Nam. Thì cũng như nhiều người khác.

Cái nhìn của Đỗ Quyên vừa lạc quan vừa sầu muộn, vừa nhân từ vừa khốc liệt, đôi khi có phần lạnh lùng. Cái chất lạnh lùng này làm cho nó, tức là cái nhìn, trở nên đau đớn. Nhưng không tàn nhẫn.

Mặc dù được sắp xếp theo chương hồi, trường ca có nhiều đoạn ngẫu hứng. Ở đó anh để lộ ra năng khiếu thơ của mình. Về hình thức, ngẫu hứng là các đoạn viết theo thể thơ cổ điển, ví dụ năm chữ:


Tìm về tìm cho anh

Dòng âm thanh xưa khuất

Cây guitar muốn dành

Cho xứ nào trẻ nhất

Hay sáu chữ:


Lối quen mòn thêm lần nữa

Người yêu yêu tới cuối đường

Gót nhỏ đau không bật tiếng

Sấm là sấm của trời xanh

Về nội dung, ngẫu hứng là tính tự phát của các suy tưởng độc lập, có phong dạng trẻ trung, tinh thần trẻ thơ. Theo tôi, nói chung, muốn nhận ra tay nghề của một nhà thơ, có “sạch nước cản” hay không, cách dễ nhất, chứ không phải là duy nhất, là tiếp cận nhà thơ đó ở các bài có phong cách cổ điển hoặc gần cổ điển của anh ta. Xin mở ngoặc nói rằng, cũng có những nhà thơ không bao giờ làm thơ ở dạng cổ điển hay gần cổ điển; đối với những người này, không có một tiêu chuẩn đánh giá nào cả, và có lẽ chỉ có những nhà thơ không những tài năng mà còn rất tiên phong mới đủ khả năng (authority) nhận ra họ mà thôi. Đóng ngoặc. Nhưng muốn nhận ra tài năng của một nhà thơ, chứ không phải chỉ là cái mở đầu bắt buộc, tức là tay nghề, thì phải tìm anh ta ở các biên giới của ngôn ngữ và quy luật. Điều đáng tiếc là, ở các biên giới này, các nhà phê bình xuất sắc và vô tư của chúng ta, vốn thỉnh thoảng mới hiện hữu trên đời, không phải khi nào cũng có chung tiếng nói với đám đông.

Nhờ chiều kích của trường ca, là thứ mà các bài thơ thông thường không có được, nhà thơ triển khai rộng các đề tài (topic) và chủ đề (theme) và khác nhau. Đỗ Quyên viết về cuộc sống hàng ngày, tình yêu nam nữ, tình yêu đối với chữ nghĩa, sự hy sinh của người phụ nữ, viết về thời gian, về chính thế hệ của anh, lưu đày viễn xứ. Anh suy nghĩ rất sâu và cẩn trọng về các vấn đề nội tại của thơ ca như thơ viết về thơ, một vấn đề lớn mà ít người chú ý hoặc viết được.


Những ai một lần làm thơ về thơ

Thoát một lần tự tử

Tôi có bốn mươi lăm phút

Chào hôn những chữ cuối cùng

Tôi có ba tiếng

Đánh chửi hai câu lục bát lạc vận

Tôi có mười hai tiếng

Đàm đạo ngang cơ cùng một đoạn nửa tự do nửa tứ tuyệt

Do sự quen biết riêng, tôi có dịp nhận thấy Đỗ Quyên là người có kiến thức văn học uyên thâm và, như được thể hiện khi anh phê bình đối với từng bài thơ của nhiều người khác, khả năng thẩm định về thơ của anh đã đến mức xuất sắc. Có thể vì vậy mà thơ anh, nhất là những đoạn bàn về các vấn đề sáng tác, chứa những vấn đề, những mâu thuẫn, đối nghịch, như thể chính cuộc đời. Tính cộng đồng và tính riêng tư, tính vị tha và tính cá nhân, tính văn hoá và tính chống văn hoá cùng nhau xác lập thế đứng của mình trong trường ca Đỗ Quyên.


Hãy công kênh nhau vượt lỗ trôn kim

Trổ cho mỗi sợi tóc bạc những cửa sổ xanh

Khoá cửa mình không cần mã số

Vết chân giang hồ treo nơi bàn thờ tổ

Một giọt máu đào gửi chốn garage sale

(“Thơ thời gian”)

Anh nói nhiều về thời gian. Chúng ta yêu các nhà thơ vì cũng như họ, chúng ta thường bị ám ảnh trong cái bẫy của thời gian và sự chết. Nhà thơ là người có một sinh hoạt cụ thể, lớn lên trong một môi trường cụ thể, thường thì không bao giờ hoàn toàn giống với những hoàn cảnh của người đọc. Vì vậy tiếng nói của hai người, nếu được chia sẻ với nhau, bao giờ cũng bắt đầu từ các xúc cảm tâm lý tức là các kinh nghiệm về thời gian hơn là các quan sát thực tiễn. Có lẽ Đỗ Quyên là người mất mát rất nhiều, nên thơ anh khi nói về thời gian cũng là nói về sự mất mát.


Em né mặt sau những trang thơ

Cho cuộc đời hiện diện

Càng đi xa càng thấy tháng ngày đau

Lá rụng xuống không để người cúi nhặt

Nhưng anh không dừng ở đó. Trong một thời đại mà khả năng tự ý thức về mình phát triển lên rất cao, con người ngày càng cô độc khi đứng trước cái bóng của mình, trường ca của anh là cố gắng bất tận chống lại sự cô đơn. Những cố gắng như thế vừa lạc quan vừa bi quan, được bày tỏ tinh tế trong những đoạn thơ anh nói thầm với chính mình. Những lúc ấy anh thoát khỏi giọng điệu tán thán và tuyên bố, vốn là điểm yếu của thơ anh.


Ta đi mãi. Gió mưa này đã khóc

Đã than rằng ơi hỡi Đỗ Quyên ơi

Gió giật thổi một đời không lại

Mưa trút gào trọn kiếp không thôi

(“Ba người nữ một mùa thu”)

Thơ anh phần lớn không phải là thơ tình, nhưng tình yêu bàng bạc man mác trong thơ không dứt. Tình yêu vừa có tính vĩnh cửu vì nó trở đi trở lại, lại vừa có tính tạm thời vì dễ mất. Như mùa màng xuân hạ thu đông. Anh không ngại các chủ đề tình dục và các chữ thô bạo ráo riết, nhưng tâm hồn anh, mà tôi nghĩ có khi chính anh cũng không biết, vốn dịu dàng thơ mộng hơn là tư tưởng của anh. Điều này dẫn đến việc một số chữ táo bạo của Đỗ Quyên nâng câu thơ lên, trong khi một số chữ khác lại bị bật ra ngoài lề.

Thơ là mơ hồ, nhưng thơ không phải để đoán. Tôi nhấn mạnh điều này vì tin rằng Đỗ Quyên thỉnh thoảng phạm lỗi kỹ thuật khi tạo nghĩa nước đôi.


Bắc Đảo! Bắc Đảo! Bắc Đảo!

Nhà thơ như ông đang chết

Tôi có cảm tưởng rằng mặc dù là một người có tinh thần tự do, anh vẫn chưa cho phép mình những dịp thám hiểm đến tận cùng các vực thẳm của tình yêu và sự tuyệt đối riêng tư trong thơ, vốn có khi khắc nghiệt và cay đắng.

Quả thật tôi không rõ lắm tâm hồn anh có hoàn toàn Đông phương không. Nhưng anh không phải là Tây phương, theo nghĩa thông thường.

Phần đầu, bài nói chuyện này có nhắc đến cánh cửa trong một trường ca mới viết của Đỗ Quyên. Thật

ra, chính thơ anh là một cánh cửa. Cánh cửa mở thẳng vào chủ nghĩa hậu hiện đại.

Cho phép tôi lùi lại ở đây. Tôi biết rằng nhiều người tìm cách định nghĩa “Chủ nghĩa Hậu hiện đại” (CNHHĐ) trong một vài câu ngắn gọn. Những người đó bao giờ cũng sẽ thấy mình cần mở rộng hơn nữa các bổ sung của định nghĩa. Tôi cho rằng điều này thuộc về bản chất của CNHHĐ, vốn không thể diễn giải trong một vài câu ngắn được. Vậy tôi sẽ không cố gắng định nghĩa nó, mà chỉ nói về kinh nghiệm của mình đối với CNHHĐ, và cách mà nó đã dẫn tôi đến với trường ca Đỗ Quyên. Hiện đại vừa là một chủ nghĩa, vừa là cái đương thời. Hậu hiện đại vừa là cái sau của chủ nghĩa hiện đại, vừa có nghĩa là phía sau của thời hiện tại. Phía sau của thời hiện tại là gì?

Là vực thẳm. Sống tinh thần hậu hiện đại là sống trên bờ vực, trên đầu lưỡi kiếm của hiện thực hiện tại.

Khác với nhiều người đến với CNHHĐ bằng lý thuyết, theo tôi nghĩ, Đỗ Quyên đã đến với nó vì những nguyên nhân nội tại. Nội tại của thơ ca và nội tại của đời sống thực tiễn. Vì thế thơ anh có nhiều chiều, nhiều mặt cắt, có tính biểu hiện cao (expressive) và chống thuần lý hay siêu thuần lý (suprarational). Đó là ba biểu hiện của trường ca Đỗ Quyên.


Thì lại gieo mình trên ghế xưa

Thư vàng mỗi cánh lại đong đưa

Chủ nghĩa tiêu thụ của xã hội công nghiệp, tức là đứa con được nuông chiều và hư hỏng của nó, đã gây ra biết bao di hại cho môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Chính tinh thần duy lý và khuynh hướng chú trọng các tiến bộ (progress), vốn là con đẻ của thời đại Phục hưng (thế kỷ 15-16) và sau đó, thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ 17-18), cuối cùng đã dẫn dắt chúng ta đến với một xã hội duy vật chất như ngày hôm nay. Điều này không những được thấy rõ ở các nước phương Tây đã phát triển mà còn được thấy, thậm chí rõ hơn, khốc liệt, cay đắng hơn, ở những nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nay tiến lên chủ nghĩa tư bản. CNHHĐ là khuynh hướng chống lại điều đó, tức là một cuộc vận động văn hoá. Chính đây là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa CNHHĐ và các suy nghiệm văn hoá miệt mài trong thơ của anh.

Cấu trúc, xét về toàn bộ, không phải là điểm mạnh của trường ca Đỗ Quyên. Các tác phẩm hậu hiện đại thường có cấu trúc đa chiều; nhưng đa chiều không phải là lỏng lẻo. Ở trên tôi cũng có nói đến hiện thực và niềm tin trong thơ Đỗ Quyên. Tôi có cảm tưởng rằng anh để lộ niềm tin đó quá sớm, hay là quá rõ, hay là cả hai, trong mỗi bài thơ, và do đó mà khép lại bớt các khả năng vô hạn của người đọc. Nói một cách dễ hiểu hơn, anh có xu hướng đi về phía chủ quan hơn là phía khách quan. Điều này thể hiện trên hai hình thức: trường ca của anh nặng về phía trữ tình, và nhân vật thu hẹp lại chỉ còn là một người, đó là người nói (speaker). Người nói hay người kể chuyện trong trường hợp này lại trùng với tác giả (author). Thứ hai là ngôn ngữ của anh, trong những đoạn thơ không thành công, nặng về tán thán, tuyên bố, kể lại, thiếu tính trực tiếp vốn là điểm mạnh trong mạch thơ Đỗ Quyên.

Tôi muốn nói một vài lời trước khi ngừng lại bài nói chuyện đã dài. Vì sao nhiều người dành trọn một tối thứ bảy trước Lễ Giáng Sinh bận rộn để đến đây tham dự buổi sinh hoạt về thơ và văn chương này?

Tôi thiển nghĩ: thơ không làm cho chúng ta sống tốt hơn, nó chỉ có thể làm cho chúng ta sống hạnh phúc hơn, vì sống có ý thức hơn. Chúng ta đọc thơ vì nhận ra rằng nhiều người cũng như chúng ta đang giằng co giữa thời gian và vô hạn, giữa sống và chết. Họ cũng đau khổ như chúng ta, mất mát và hạnh phúc, hy sinh và tội lỗi như chúng ta, thất bại và vượt qua, trong giông bão và an bình, như chúng ta. Còn muốn sống tốt hơn, thật không phải dễ dàng, và con người cần nhiều thứ khác.

Nhà thơ, bằng tác phẩm của mình, hay đôi khi bằng cả cuộc sống của họ, mà trong trường hợp này, một cách hết sức thận trọng, tôi muốn nhắc đến ví dụ Đỗ Quyên, giúp chúng ta ý thức về đời sống - dòng chảy của mỗi người. Người đọc tìm thấy trong thơ tiếng nói của mình, qua những khúc quanh khác nhau của cuộc đời bí ẩn mà chỉ riêng họ biết mà thôi, một tiếng nói dịu dàng nhưng nghiêm khắc, kiêu hãnh nhưng nhân từ, đem họ trở lại với cội nguồn sâu thẳm của đời sống, như trong những câu sau đây:


Tìm về tìm cho anh

Nắm cơm khô sũng nước

Người nhắm mắt còn nhường

Tới những người muộn chết

Vì sao ngày mai sẽ thiếu

Bóng đàn bà trên đường

Với chú chó con chạy trước

Mẩu xương quá khứ chân tường

Nếu có những người như thế trong một trăm năm mươi thính giả chọn lọc tối hôm nay, tôi xin phép được cám ơn họ, những độc giả thật sự của thơ, đã đến đây để hào phóng chia sẻ hạnh phúc của mình với những người khác, lắng nghe, trò chuyện và tranh luận, và bằng cách đó, góp phần làm giàu thêm cho ngôn ngữ Việt Nam, cho tâm hồn Việt Nam, ở một nơi xa quê hương. /.



Vancouver, December 01, 2007 (Đọc lại: May 15, 2009)

----------

*) Một số trường ca của Đỗ Quyên, đăng trọn vẹn, có thể đọc trên

http://www.maivanphan.com/TacGia.asp?id=DQ

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 3345
Ngày đăng: 22.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Lê Khánh Mai “vút lên lóng lánh vui buồn trần gian” - Vũ Nho
Trần Wũ Khang & “Quà tặng của quỷ sứ” - Inrasara
Tế Hanh – "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ! - Lê Ngọc Trác
Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông - Huỳnh Minh Tâm
Đọc Quyên ở ngoài nước Đức - Đỗ Quyên
Trái Tim Còn Lại – Thơ Hoàng Lộc - Mang Viên Long
Phương Quý – Tình người xứ cọ - Tạ văn Sĩ
Đỗ Thượng Thế và Tập Thơ Trích Tôi - Huỳnh Minh Tâm
Đọc "Ma thuật ngón" - Phan Chín
Sen hồng vô tận ý - Cao Quảng Văn
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)