Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.299
 
Chị Bông
Huỳnh Văn Úc

1-

Cách đây hơn 30 năm tôi là cán bộ của Phòng Thiết kế Nhà máy Điện Cơ, còn chị tên là Bông, Trưởng phòng Tổ chức của nhà máy. Hồi ấy tôi phải hoàn thiện bản lý lịch cá nhân để gửi cho đơn vị của chồng tôi. Ngay từ hồi ấy mọi người trong đơn vị vẫn gọi anh là "Quân đầu bạc", vì lúc sắp lấy nhau, tuy mới quá 25 tuổi nhưng ở sau gáy anh có một nhúm tóc bạc tạo thành một đốm tròn nho nhỏ, không cách gì làm cho cái đốm trắng khó chịu ấy biến đi được. Cái đốm trắng không hề ảnh hưởng đến tình cảm sâu đậm giữa chúng tôi, suốt hơn 5 năm anh được gửi đi đào tạo ở Belarus trong Học viện Kỹ thuật quân sự, những cánh thư chúng tôi gửi cho nhau theo địa chỉ Minsk 75-10A của anh và  địa chỉ nhà máy của tôi vẫn qua lại đều đặn. Bây giờ nhớ lại nội dung ướt át của những lá thư đi về, tôi không khỏi cười thầm nếu không nói là đỏ mặt; tuy anh ấy đã nói rõ cho tôi biết là cả thư đi và thư về-theo quy định, đều phải qua cấp uỷ đảng của đơn vị học viên quân sự đọc để biết nội dung, điều ấy cần thiết cho việc giáo dục và uốn nắn tư tưởng trong điều kiện du học ở nước bạn- nhưng tôi bất cần, những xao động, nhớ nhung sâu kín nhất tôi đều viết cho anh ấy, cuối thư không quên trăm ngàn chiếc hôn thắm thiết.

 

Anh về nước với quân hàm trung uý, công tác tại một trường Cao đẳng quân sự ở Sơn Tây. Một trong những công việc quan trọng để tiến tới tổ chức hôn lễ là gấp rút hoàn thành bản lý lịch cá nhân của tôi để gửi cho đơn vị anh xem xét.

 

Tôi đã khóc rất nhiều sau khi anh trả lại cho tôi bản lý lịch viết lần thứ nhất. Tính cẩn thận, trước khi nộp cho cấp uỷ, anh đưa cho bạn xem và phát hiện ra những điều không thể chấp nhận được vì tôi viết thật quá. Cũng may mà anh chưa nộp lên trên.  Bố tôi là giáo viên tiểu học, mất sớm từ lúc tôi lên ba, mẹ tôi ở vậy nuôi con, cả nhà tôi từ quê lên Hà Nội từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, mẹ tôi với gánh bún riêu cua bán rong lăn lộn ở các lề đường kiếm sống nuôi con...khai những điều ấy thì không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Còn ông bà nội ngoại của tôi, rồi cậu ruột của tôi, sao tôi lại dại dột sờ đầu gối khai thật làm gì? Chị Bông an ủi tôi:

- Sao mà dại dột thế em ơi! Tất cả những điều về ông nội, ông ngoại em-đều là địa chủ trong cải cách ruộng đất- và người cậu ruột di tản vào Nam năm 1954 em viết làm gì? Hồi về quê em thẩm tra lí lịch để làm thủ tục kết nạp Đảng, chị biết tất cả những việc ấy từ bí thư Đảng uỷ xã-không kết nạp được thì thôi-chị và Phòng Tổ chức biết vậy...

- Nhưng mà chị biết rồi thì em dấu làm sao được, chị ơi!

- Mày ngu lắm, con ngố ạ! Chị biết, nhưng giá như tất cả những điều ấy em không viết kỹ, chỉ khai tên ông nội và ông ngoại thôi, nghề nghiệp viết là làm ruộng- tôi là phận cháu, các cụ làm ruộng như thế nào, tôi biết đấy vào đâu?- còn cậu ruột đi nam thì cho qua, không lẽ chị lại không có thể đóng cho em con dấu và ký cho em một chữ ký hay sao? Chị biết em là một đoàn viên thanh niên tốt, trung thực, chuyên môn giỏi, được quần chúng yêu mến, chị xem em như em gái, làm sao chị có thể vì một bản lý lịch mà để cho tình duyên của em trắc trở được.

 

Chị Bông! Ôi chị Bông, ân nhân của em! Em phải cảm ơn số phận đã run rủi cho em gặp được một người nhân hậu như chị, không có chị cứu em, chắc em chết mất, chị Bông!

 

Những ngày chờ đợi tin tức do bản lý lịch viết lại lần thứ hai mang lại, tôi như người trong mộng. "Quân đầu bạc" của em! Nếu không lấy được anh, thì em tìm đâu ra trên thế gian này người đàn ông có cái đốm trắng sau gáy-cái đốm đã quá quen thuộc với em đến mức em nghĩ rằng thiếu nó thì người đàn ông không thể nào có được tình yêu chân thực và nồng cháy như anh. Không lấy được anh thì em chết mất, ới anh Quân!

 

Chỉ hơn một tuần chờ đợi kể từ khi bản lý lịch thứ hai- được chị Bông vẽ đường cho hươu chạy- gửi đi mà tôi tưởng như hàng thế kỷ đã đi qua. Rồi thì mãn nguyện, rồi thì hôn lễ, chớp mắt một cái bây giờ đã hai mặt con, một trai, một gái, con gái đầu đã lấy chồng và chúng tôi có cháu ngoại để nâng niu nựng nịu. Chồng tôi được gửi đi đào tạo tiếp lần thứ hai ở Đại học Hàng không Matxcơva để lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành thiết kế chế tạo vật thể bay, bây giờ vẫn tại ngũ đồng thời có chân trong Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần kỹ thương GBS-JSC, cái đốm trắng sau gáy vẫn thế, với tôi và với bạn bè vẫn là "Quân đầu bạc" chu đáo, nhân hậu trước sau như một.

 

Chúng tôi sắm được chiếc Toyota Vios làm phương tiện di chuyển của gia đình, nhà ở 3 tầng, con cái ngoan ngoãn và thành đạt, tất cả những điều ấy đều có công của chị đấy, hỡi chị Bông yêu quý của em! Đường quan lộ của chị cũng rộng mở, tôi được biết hình như con người phúc hậu ấy được chuyển từ nhà máy lên nắm giữ một vị trí quan trọng trong Thành hội phụ nữ Hà Nội, bây giờ cả hai vợ chồng đã nghỉ hưu, đứa con trai duy nhất đã lấy vợ -tôi nhận được giấy mời và đến dự hôn lễ-anh chị đã có cháu đích tôn nối dõi.

 

2-

Hôm ấy là ngày nghỉ, buổi sáng chúng tôi có việc đi qua đường Hồ Đắc Di, con đường sát mép nước hồ Xã Đàn. Chiếc Toyota Vios do chồng tôi lái bon trên đường, thằng cháu ngoại lên ba ngồi trong lòng tôi đang líu la líu lô, thì bỗng tôi nhận ra ai như chị Bông. Chị Bông! Đúng chị rồi. Nhà chị ở gần đây mà! Chồng tôi dừng xe lại. Nhưng sao lại thế này. Từ xa, tôi đã thấy một người đàn bà có tuổi cầm trên tay một vật dụng tự tạo để múc nước, cán bằng tre, gàu là hộp đựng sữa bò loại lớn, cái vật dụng này được cầm ngược để cán chĩa về phía trước tạo thành một thứ vũ khí răn đe. Răn đe ai? Đối tượng bị răn đe là một thanh niên, cỡ bằng tuổi con trai tôi, ban đầu thì rút lui, nhưng sau đó quay ngược lại:

- Tôi đã bảo bà thôi đi, không được trồng rau ở chỗ đất ấy...

- Á à! Thằng này láo, đất của ông bà nhà mày để lại đấy hử?....

 

À! Thì ra là trồng rau, và cái gàu múc nước tự tạo bằng hộp đựng sữa bò là để múc nước tưới rau. Và chỗ đất trồng rau bị tranh chấp quyền sử dụng trông méo mó, diện tích tổng cộng cỡ bằng hai chiếc chiếu đôi, là khoảng đất sót lại nằm kẹp giữa con đường lát gạch để mọi người đi dạo quanh hồ và mép hồ kè bê tông. Đã nhìn thấy tôi, nhưng chị Bông  chỉ hơi gật đầu nhẹ một cái, rồi tiếp tục cuộc cãi vã với thằng bé, cuộc cãi vã cuốn hút chị với những lời lẽ không mấy đẹp đẽ của cả hai bên cho đến khi thằng bé xì một cái rõ dài rồi bỏ đi. Đến lúc ấy chị mới đưa tay gạt mồ hôi trên trán, vồn vã hỏi thăm chúng tôi, rồi khen thằng cháu ngoại,  rồi mời vào nhà chơi...Chúng tôi chuyện vãn một lúc rồi cả nhà tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình.

 

Ngồi trên xe, tôi miên man suy nghĩ không hiểu tại sao một mảnh đất tí hon lại làm chị Bông xúc động đến thế.

 

3-

Giáp Tết Kỷ Sửu 2009, chúng tôi lại có việc phải đi qua con đường ven hồ ấy. Công nhân của Công ty Cây xanh Hà Nội đang hối hả hoàn thiện nốt những công việc cuối cùng để trồng những luống hoa vạn thọ trên dải đất ven hồ. Thôi! Thế là hết tranh chấp, chị Bông nhé, chị Bông ân nhân của em! Đời có những người một bước lên mây nhờ đất, ngược lại cũng có những kẻ thân bại danh liệt vì đất, có tuổi rồi chị bận tâm làm gì vì một thẻo đất con con diện tích chỉ bằng hai chiếc chiếu đôi, hỡi chị Bông!

 

Hà Nội, tháng 2-2009

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 2875
Ngày đăng: 26.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mối lái - Giản Tư Hải
Truyện ngăn ngắn -1 - Mang Viên Long
Combo gà rán -Một chuyện na ná cổ tích… hay là ảo giác của người “nghiện” gà rán KFC - Lưu Quang Minh
Truyện ngắn ngắn – 6 - Đỗ Ngọc Thạch
Hồn quỳnh I - Phùng Văn Khai
Chuyện Cổ tích của Mẹ - Nguyễn Hồng Nhung
Những bè gỗ - Vladimir Vysotsky
Xoa tay và cười… - Ngô Phan Lưu
Cống ngầm - Phùng Văn Khai
Cơn giông - Nguyễn Thúy Ái
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)