Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.214.754
 
Hồn quỳnh 2
Phùng Văn Khai

Tin tổng trấn Phạm Đa Biền nổi tiếng liêm chính từ quan ra đi biệt dạng đồn nhanh như đám dầu loang khắp vùng đất thuộc lộ Hải Đông. Đám người áp tải quân lương của triều đình thừa cơ tiếp quản công đường một mặt dâng biểu vu cáo họ Phạm lời lẽ hàm hồ về dinh thống đốc quân vụ bốn tỉnh Đông Bắc một mặt ngang nhiên viện cớ đại diện triều đình vơ vét hà hiếp dân chúng. Dân chúng vùng đất này vốn đã nhiều năm đói khổ, nay gặp buổi loạn thần không sao chịu thấu, mười phần bỏ đi đến ba bốn phần. Cầm đầu bọn giải lương là Ôn Tử Kiền, gốc người tầu xứ Quảng Thuận xuất thân buôn bán bản tính nham hiểm cùng bọn đàn em móc nối với gian thần coi việc quân lương chuyên bòn rút của công, đánh tráo lộn sòng, ăn bớt làm điêu tác oai tác quái đã mấy năm trời. Thống đốc quân vụ họ Hoàng nhận được biểu báo ngài xem xét kĩ lưỡng nội vụ nhằm khi thiết triều tấu trình hoàng thượng cứ thở vắn than dài. Ai chứ Phạm Đa Biền ngài còn lạ gì. Mấy bận theo hầu hoàng thượng tuần thú Đông Bắc vua vẫn khen họ Phạm có tài thơ phú lại cốt cách hơn người. Luôn mấy năm lũ giặc Tây giở trò quỉ quái ngài quá  bận bịu việc quân nên không tin tức thư từ với quan tổng vẫn hằng biết tấm lòng trung trinh của họ Phạm. Đang định hết mùa đông khi tuần du các tỉnh, lộ, trấn vùng Đông Bắc cũng là ngầm tính kế lâu dài với lũ giặc nếu cuộc chiến chẳng đặng đừng. Nào dè họ Phạm đột ngột từ quan, lại bị vu hãm khép trọng tội thất tán quân dụng bất giác quan ngài cứ nhìn mãi lên án thư chạm trổ rồng phượng. Thống đốc quân vụ nổi tiếng thanh liêm và tài cầm quân của ông tướng lĩnh trải mấy triều đều trân trọng, nể phục. Ông cũng là người mà các đại thần phe chủ chiến rất tin cậy còn ngầm uỷ thác trọng trách việc binh vùng Đông Bắc nếu cuộc chiến lan rộng. Bản thân ông, cứ thấy dân tình nháo nhác, lòng người mỗi người một bụng, bọn gian thần lộng hiểm thao túng triều chính thì tự ông định ra cuộc chiến đã bắt đầu rất lâu rồi và mầm hoạ đang lan nhanh như dầu cháy. Xem biểu báo kể tội Phạm quan lòng ông sôi giận song vốn người trí lự quan ngài chỉ đi đi lại lại bất đồ gọi vọng ra: Gia nhân. Bảo Kỳ Lân lên ngay có việc. Rồi có khách thì nói ta bận công vụ”. Gã gia nhân không biết nấp ở đâu “dạ” một lát đã thấy chàng trai trạc hăm sáu hăm bảy mắt sáng, mày rậm, môi đỏ như son vóc người cao lớn bước vào cúi chào quan thống đốc. Họ Hoàng nhìn chàng trai nghiêm lạnh chỉ vào tấm biểu tấu đặt sẵn trên bàn nhẹ giọng: “Con xem đi. Xem rồi bàn chuyện cùng ta”.

 

Chàng thanh niên tiến đến lướt nhanh tấm biểu, sắc mặt giận dữ rồi trầm xuống tiến đến quan ngài nói rõ từng tiếng: “Thưa cha ! Người đắc tội là con mọt họ Ôn chứ không phải Phạm huynh. Cha cho gọi con là ý người đã quyết không dung lũ hại dân bán nước. Con xin đợi lệnh”.

 

Họ Hoàng ngắm đứa con yêu lòng khấp khởi như được tiếp thêm sức lực. Bao năm bôn ba hòn tên mũi đạn đã bao giờ Kỳ Lân rời ông nửa bước. Trận chiến này rồi đây sẽ dồn sang đôi vai trẻ trung kia. Nó là đứa con rất hiểu bụng ông. Khi tán vụ quân lương triều đình cử Ôn Tử Kiền tải lương mấy lộ Đông bắc Kỳ Lân đã bất chấp luật lệ chạy thẳng đến thư phòng thống đốc khẩn thiết: “Cha ơi! Để bọn con buôn thao túng quân lương là hoạ cháy thành tiếp củi đấy. Cha cho phép con bí mật cảnh cáo cắt tai một vài tên gian nịnh” ông đã mắng: “Pháp có pháp quốc. Gia có gia quy. Ngươi tự tiện hành động như thế tội đáng chém đầu” thì Kỳ Lân mới ngẩn ra, mới thấy quan ngài bao đêm ngày lo toan việc nước tóc râu đã bạc trắng hết. Kỳ Lân vội sụp xuống: “Là con, là con nói thật lòng mình. Con xin chịu tội” thì họ Hoàng đã nhận ra tính tình khẳng khái, chính nghĩa, cả sự trưởng thành của người con. Ông dịu giọng: “Việc triều đình ta là mệnh quan phải tuân phục. Việc binh bị quân cơ càng phải tuyệt đối thi hành. Lần này ta tha. Lần sau còn hàm hồ sẽ trị tội. Liệu mà giữ mình.”.

 

Kỳ Lân hồi nhớ trận lôi đình hôm nọ không biết mấy lời buột miệng có phật ý cha không đã thấy quan ngài cười khà khà: “Ngươi vẫn chứng nào tật ấy. Kẻ trượng phu hành sự ở đời nhanh như mưa giông chớp giật, mưu sự kín nhẹm huyền vi, lời nói quí hơn ngàn vàng, lấy ơn nghĩa mà đãi đằng môn khách. Ngươi đã đoán được bụng ta ư?”. Kỳ Lân ngồi im khe khẽ ngước nhìn án thư bụng thầm nghĩ chắc có chuyện đại sự và sắc diện của người thế kia đủ biết dù tình hình cấp bách đến mấy cũng có dự liệu cả rồi. Mấy lời mắng mỏ chẳng qua cũng là dặn dò công việc.

 

 

Quả nhiên quan ngài nói rành rẽ từng tiếng ôn tồn đầm ấm: “Kỳ Lân! Bao năm theo ta dù chưa có công lao ta vẫn tin  tài trí của con. Con phải lưu tâm việc hiện thời dụng trí hơn dụng sức. Từ lúc triều đình kí hoà ước liên tiếp chuyển nhượng lục tỉnh cho giặc lòng ta như có lửa, ngặt nỗi thời thế mỗi ngày một xấu. Binh sĩ ốm yếu bệnh tật chưa đánh đã tan. Bọn gian thần ma mãnh, bưng bít hoàng thượng. Quân lương quân dụng lũ sâu mọt cấu kết tẩu tán hà lạm. Ngay gia nhân của ta còn ăn không no mặc không ấm thử hỏi phải làm sao. Con đã lớn ta cũng chẳng can nghị chí hướng chỉ lưu tâm việc gì cũng phải lấy đức làm trọng. Làm tôi trung có thể phải hy sinh tuẫn tiết chứ tuyệt đối không được a dua xu phụ lũ nịnh thần cầu an hưởng lạc. Việc Phạm Đa Biền con đi chuyến này tuỳ cơ hành sự. Trong sáu tháng nếu không tìm được Phạm quan cũng phải lập tức trở về. Ta đồ rằng, ta đồ rằng cũng chỉ chừng ấy thời gian bọn chó Tây sẽ khai hoả vào đất Bắc rồi  loạn lạc điêu linh không biết đến bao giờ. Ta ngày đêm trông chờ tin tức ở nơi con”.

 

Kỳ Lân nghe lời cha dặn cảm thấy tình hình đã vào lúc lâm nguy. Phạm Đa Biền từ quan trong không khí này quả ngoài dự liệu của cha tức là sự lũng đoạn của bọn gian thần đã đến hồi đỉnh điểm. Lại nữa, hẳn để Kỳ Lân đi Đông Bắc ý ngài thống đốc còn nhằm chuẩn bị một cuộc chiến lâu dài, khốc liệt. Ngẫm đến chiến tranh bất giác Kỳ Lân thảng thốt tâm thần vụt trong đầu óc là ngàn vạn sinh linh vô tội bỏ mạng dưới mũi tên hòn đạn  Kỳ Lân không thốt nên lời chỉ rộn một niềm tôn kính. Bỗng quan ngài rời kỉ tiến đến vỗ vai Kỳ Lân: “Con đi chuyến này có khi lại hoá hay. Bắc hà sĩ phu thời nào cũng có âu cũng là để con có dịp mở rộng tầm mắt. Có chi cần kíp, cứ liệu dụng kì bài của ta. Nhớ là phải lấy việc dụng mưu làm trọng”...

 

*

Từ ngày tiếp quản dinh thự quan tổng Ôn Tử Kiền không ngừng ăn chơi hưởng lạc. Dòng máu tàu lai trong y giờ tung tác, thành con quỉ sống vùng đất Hải Đông. Xóm làng ngày một điêu linh, khói chiều gần như không buông trong làng ngoài tổng. Đến bọn nha dịch và lính dõng các xã ấp cũng chịu không thấu kiếm cớ bỏ đi vãn cả. Chợ búa xao xác, xóm mạc âm u. Ngày trước, khi cử tên nha tướng vào dinh quan tổng thông báo việc quân lương của triều đình bị cướp nơi cửa sông y đã đắc chí chờ sự tác oai của kế hiểm. Một mũi tên giương bắn gục ngã mấy địch thủ làm y khoái chí. Phạm Đa Biền ơi là Phạm Đa Biền! Vẫn đồn người là người cơ trí sao trở tay không kịp. Làm gì có quân lương quân dụng. Làm gì có chuyện đi đường thuỷ bị cướp. Thế thì mi chịu chứ ai chịu vào đây. Triều đình càng nhá nhem càng tốt và ta, Ôn Tử Kiền sẽ tìm mọi cách để được bổ dụng vào mảnh đất đầy sản vật lắm gái đẹp này. Ta sẽ biên thư cho Fran lấy lợi nhử để y biến báo về mẫu quốc thì cái chức thống soái Đông bắc còn vào tay ai nữa. Khi ấy ta sẽ thao túng cả bọn mũi lõ mắt xanh cả bọn An nam mông muội. Nghĩ đến đấy, họ Ôn cười lên sằng sặc. Tưởng có chuyện gã nha tướng vội nhô người vào còn chưa hết ngạc nhiên Tử Kiền đã quát: “Mẹc xà lù. Hẩu à. Sẹc. Sẹc. Kiếm gái cho ngộ gấp à” cứ thế nửa Tây nửa tầu, Tử Kiền xổ một chặp. Gã nha tướng sau phút ngơ ngác cười híp: “Hảo lớ...hảo lớ” rồi chạy biến đi một lúc đã thấy y lôi ở đâu về một đứa con gái phốp pháp, trắng trẻo lạ lùng đẩy giúi vào thư phòng.

 

Tiêm xong chặp thuốc phiện, họ Ôn bổ tới vồ cô gái. Chắc hẳn đã được thoả thuận hậu hĩnh cô gái ú ớ cuốn vào vòng tay Tử Kiền. Ngoài trời sương đông buông mịt mùng đã mấy tuần trăng gần đây tiếng quạ, tiếng chim lợn eng éc suốt đêm  thay thế tiếng gà tiếng chó đêm nay còn hoà lẫn tiếng rú rít cuồng loạn của gã tàu lai...

 

*

Kỳ Lân một mình một ngựa ngày đi đêm nghỉ. Cải trang thành thương khách ruổi ngựa phăm phăm hơn một tuần mới đến trấn Hải Đông. Đập vào mắt là la liệt hình dán truy tróc Phạm Đa Biền lời lẽ mạt sát, hàm hồ. Kỳ Lân nhíu mày sôi tiết khi gian tặc Tử Kiền dám tự tiện dùng danh nghĩa triều đình tróc nã quan tổng. Nhớ lời dặn của phụ thân, Kỳ Lân tấp vào bãi chợ ven sông chọn một quán khuất. Con ngựa rũ bờm tung bụi mù mịt. Tìm góc quán sơ sài ngồi xuống thấy bên sông tiêu điều xơ xác. Mấy con đò nhỏ nhoi rách nát nép mình bên vạt lau chiều ủ rũ thê lương. Hôm nay đúng tết ông Công mà suốt dọc vạt mái gianh  hai bên sông tịnh không giọt khói mỏng là dân tình đã đứt bữa nhiều lắm. Thế là tấm lòng trông cậy nơi triều đình đã nguội tắt từ lâu. Kỳ Lân nhìn sâu vào lòng quán rách bổng phát hiện một bà cụ yếu ớt ngồi dựa vào giỏ nước trà nguội ngắt không hơi không khói đặt bên cạnh chiếc bát mẻ. Kỳ Lân tiến đến thưa thốt: “Cụ ơi! Cụ bán cho con bát nước”. Bà lão không nhúc nhích chắc là ngãng tai Kỳ Lân thương cảm nhắc to hơn bỗng thấy nơi giành tích một dòng chữ Nôm viết bằng vôi nét còn nét mất Uống... cho xin năm xu…  bèn tự rót uống cạn hai bát nước rồi móc tiền đặt vào tay bà lão. Bà lão cơ chừng đã không còn để ý đâu là chuyện đang xảy ra nơi dương gian hay âm phủ cứ im lìm mắt không chớp tay không động đậy mặc kệ sự sửng sốt của ông khách. Ông khách lắc lắc đầu đi giật lùi thoảng nghe tiếng “cảm ơn ông” rõ ràng tự miệng bà lão thình lình nhìn kĩ vẫn thấy bà ngồi bất động. Mẩm bụng đây chắc là kì nhân dị tướng gì chăng bèn tiến đến cung kính: “Thưa cụ, chẳng hay từ đây về dinh quan tổng còn bao nhiêu đường đất” cụ già mấp máy môi: “Ông khách chắc là ở xa mới tới. Bây giờ đâu còn dinh quan tổng nữa. Ngài bỏ dân đi dân cũng bỏ đi gần hết rồi. Ta già lại mù loà nên mới ở đây đợi ngày quan tổng về ông khách ạ” Kỳ Lân nghe giọng nhủ thầm đây chắc hẳn người khác thường bèn thưa: “Cụ ơi, một thân một mình ở đây, nghe đồn lũ cướp Hải Đông tự tung tự tác cụ không sợ ư? Chẳng hay quan tổng vướng vào vụ gì mà cụ phải đợi.” Bà lão nghe lời nhíu mày: “Ông khách à. Ta nghe cung cách ông chắc là người tử tế. Muốn biết sự việc thì cứ men bờ sông này, cuối sông có nếp đình cổ mà hỏi tên quỉ gàn thủ từ ở đấy là biết rõ mọi chuyện. Ông khách đi đi kẻo muộn”.

 

Kỳ Lân thấy trời tối rất nhanh. Con ngựa đột nhiên vỗ móng bồm bộp. Định quay ra xem có chuyện gì với con ngựa quí đã thấy nó lúc lắc bờm thản nhiên nhìn chủ. Ngẩng nhìn trời nước mang mang tìm hướng xuôi của dòng sông Kỳ Lân ngoái lại căn lều tạ ơn bà lão nhìn quanh quất không thấy ai cả. Ông khách rùng mình nhìn kĩ một lượt vẫn không thấy bà cụ đâu kể cả cái giành tre đựng trà cũng biệt vô tăm tích chỉ chiếc bát sứt lỗ chỗ còn khư khư trên tay. Rúng động tâm can, ông khách tiến đến con ngựa vỗ vỗ vào trán rồi phóc lên lưng xuôi về cuối dòng sông. Bóng tối buông sau vó ngựa mịt mùng đêm táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình bẩm tấu việc dương gian đang rối bời như mớ bòng bong đã mấy mươi năm .

 

*

Sau cuộc mây mưa đứa con gái lăn ra ngủ  chẳng biết cái gì đang xảy ra ở trên đời. Họ Ôn sau cơn cuồng phóng thân thể rã rời khoác vội manh áo ngủ bước ra thư phòng nơi quan tổng vẫn dùng đọc sách, đánh cờ, thưởng trà luận bàn công việc. Họ Ôn với bình nước tu òng ọc đột ngột nhổ phọt ngay ra vung vãi khắp phòng chửi: “Sẹc...Sẹc...Mẹc xà lù... Hảo à…” Một thứ nước  lạnh thấu óc đi vào tứ chi thất khiếu xộc vào tim óc buốt vào xương tuỷ tên tầu lai khiến hắn hoảng sợ trợn trừng đôi mắt dã nhân ú ớ: “Bớ bớ...Lẩu ớ… lẩu ớ...”. Tên nha tướng như hồn ma bóng quế hiện vào hốt hoảng: “Đại nhân...đại nhân...có thuộc hạ”. “Sẹc... Có đứa đầu độc ngộ”. Gã nha tướng mắt một mí nhảy nhanh đến bình trà hít hít đám bã chủ nhân vừa khạc nhổ bừa bãi liến láu: “Dạ dạ, đây là trà hắc quỳnh bọn hầu cận không hâm nóng. Loại này là đặc sản, nhưng chiêu cất phải bài bản mới được. Để tiểu nhân xử trí”. “Hẩu à… sẹc... Đưa rượu cho ngộ”. Tên nha tướng quát tháo tiếng tàu líu lô. Đứa gia nhân ngái ngủ bê lên một bình rượu nghi ngút khói. Chưa kịp rót bỗng ở đâu hương quỳnh hăng hắc lan mạnh rồi thổi ù ù như xiên vào mấy gã người tàu. Nhăn mặt bưng bát rượu từ tay thuộc hạ, Tử Kiền hớp hớp thấy đắng ngét nhổ toẹt xuống bàn bắn vào cả gã nha tướng hằm hè: “Sẹc. Sẹc. Sặc mùi quỉ quái! Bay đâu! Coi chừng đứa con gái đánh độc ngộ à. Mang nó ra đây trị tội.”.

 

Gã nha tướng và tên gia nhân lấm lét nhìn chủ cùng bước vào căn phòng ngủ diêm dúa. Cả hai kinh hoàng kêu ré lên. Ngay giữa phòng, chiếc giường ngủ trống trơn không một bóng người. Phòng chỉ có một cửa thông ra ngoài và lũ lính gác trung thành đứng chắn dày đặc suốt đêm không có lệnh tuyệt đối không ai được ra vào không biết cô gái nọ biến đi đường nào. Kinh khiếp hơn, hàng bạch lạp sáng trắng rọi từng tấc vuông căn phòng ngủ của họ Ôn mùi quỳnh ở đâu cứ lồng lộng tuôn ra và giữa tấm lụa trắng trải giường một đoá hắc quỳnh vụt hiện rõ dần rồi cứ thế động đậy phập phồng giương mắt phun mù mịt một thứ sương trắng. Hai gã gia nhân cùng lúc hét lên man dại hộc máu ngã vật ra bất tỉnh nhân sự. Khi bọn lính gác ùa vào thắp được đuốc đã thấy họ Ôn cùng thuộc hạ nằm đè sấp lên nhau miệng thổ máu tươi chúng mới hô hoán náo loạn cả một vùng giữa đêm khuya.

 

*

Tin đám gian thần Ôn Tử Kiền mắc trọng bệnh lan nhanh khắp vùng. Các lý trưởng, chánh tổng bân phân rồi cũng bàn nhau cho người nhà gánh rượu, quẩy gà, đưa thuốc nam thuốc bắc đến thăm hỏi đại diện triều đình. Tên nha tướng mặt mày xanh lét gắng gượng đứng ra cảm tạ bọn chức dịch còn bảo nếu ai tìm được thầy giỏi chữa khỏi bạo bệnh đại quan sẽ trọng thưởng hậu hĩnh. Bọn kia vâng dạ lấm lét rút lui bàn tán xì xào trong đám dân nhưng đã mấy tuần không ai dám đến chữa bệnh cho quan lớn. Đám dân đen còn đồn rằng đây là kế hồi thương của quan tổng Phạm Đa Biền và nghe đâu chính ngài đang lặn ngòi ngoi nước về triều đình tấu trình sự thật. Lại có tin đồn sau ngày kí hiệp ước nhượng địa lục tỉnh cho giặc thì lũ lang sa đang  ép triều đình bồi thường chiến phí và khoản tiền lớn đến mức nếu trả đủ thì phải bán một nửa nước mới thoả bọn cuồng ngông. Triều đình giữa hồi sa cơ vướng vào đại hoạ. Khắp nơi giặc cướp nổi như ong, dân đen đi theo nhiều không sao kể xiết.

 

Kỳ Lân quất ngựa về cuối triền sông lau lách um sùm chỉ tiếng quạ, tiếng chim ác rền rú ảm đạm. Trời đã tối một canh giờ mấy dặm dài không bóng nhà cửa thuyền bè. Con ngựa ô vốn giống ngựa quí miền Thuận Quảng chạy suốt dặm ngàn vẫn thuần thục uyển chuyển. Men một chặp đường sông, phía trước trong đám lau lách xa xa nhô lên tầng cổ thụ đen thẫm trên nền trời mờ mịt. Đoán định đó là nếp đình cổ mà bà lão buổi chiều chỉ cũng là dặn dò của ngài Thống đốc về trạm thám du đích tay ông xây dựng mấy chục năm trước ở đây Kỳ Lân bỗng cảm thấy ấm lòng. Nếp đình cổ rõ dần. Kỳ Lân phóng khỏi lưng ngựa cột con ngựa quí sát cổng đình bước vào trong sân. Gian nhà le lói đèn nến. Kỳ Lân  gõ vào cánh cửa gỗ ba tiếng.

 

Đến lần gõ thứ hai mới có tiếng người vọng ra ấm vững: “Hiền đệ dắt ngựa vào trong sân có cỏ khô đấy. Chắc hẳn đường xa mỏi mệt”. Kỳ Lân dắt ngựa lấy cỏ rồi quay lại gian nhà cửa đã mở. Bên kia cái bàn gỗ, một trung niên thần thái an nhàn đang châm rượu ra hai chén gỗ. Chao ôi! Bao nhiêu năm nay trạm thám du của cha ta vẫn hoạt động như thường mặc thời mặc thế. Kỳ Lân tiến tới: “Thưa hiền huynh, hiền huynh có phải là Phùng Chấn Sơn không?”. Người trung niên mỉm cười ra hiệu mời ngồi, tay đưa chén gỗ thơm nồng bảo: “Cậu hẳn là Lân công tử rồi. Chắc quan ngài đã chủ tâm quyết chiến với bọn chó chết”.

 

Cạn chén rượu cúc, Kỳ Lân nhìn người đàn ông mà thường thời cha chàng rất hay khen ngợi tài đức cùng nhân cách. Ngài thống đốc bảo: “Thức thời không ai bằng Phùng Chấn Sơn mà gàn bướng cũng ít người sánh. Thời loạn phải thế mới giữ được mình”. Kỳ Lân vẫn ao ước có ngày diện kiến bèn bảo: “Thưa huynh, tiểu đệ chuyến này ra đây phiền luỵ huynh nhiều lắm. Mong huynh vì đại cục mà giúp dập triều đình”. Họ Phùng cười lớn: “Có gì mà hiền đệ khách sáo vậy. Việc đáng làm thì dẫu đầu rơi máu chảy ta cũng chẳng quan ngại còn như việc chẳng nên dẫu tiền ngàn bạc vạn phú quí vinh hoa ta cũng chẳng màng. Việc của hiền đệ ta đã đoán ra được bảy tám phần rồi. Đa tạ ngài thống đốc còn tin dùng kẻ sĩ. Ha ha ha...”

Tiếng cười rung lửa nến bập bùng. Kỳ Lân phấn chấn cạn dăm bảy tuần rượu. Ngoài trời, chú ngựa ô sau khi chén sạch bồ cỏ khô khoan khoái vẫy tai lúc lắc bờm nhìn âu yếm vào căn phòng le lói sáng...

 

*

Luôn mấy tuần Ôn Tử Kiền đau nhức không sao chịu nổi. Một mùi hương u uất, bí ẩn thổi rào rạo vào xương tuỷ vào mạch máu y. Họ Ôn mất ăn mất ngủ ngày đêm tìm mọi phương thuốc nhưng thuốc gì nuốt vào lại nôn ra bằng sạch. Cả loại thuốc tây nhỏ li ti đích thân ngài Fran một lần cử bác sĩ tới tận nhà riêng biếu hồi đầu năm cũng vô phương hiệu dụng. Lúc nào cũng thấy mùi hương hăng hắc hăng hắc ù ù thổi tứ bề. Họ Ôn như con hổ đói giữa cũi chuồng dinh thự cũ của quan tổng. Đến cả việc lập đàn cúng sống quan tổng y cũng đã sai đám gia tướng thực hiện mà mùi hương quái quỉ kia cứ đè y sấn tới. Ngay hôm được cứu tỉnh nghe thuật lại sự xuất hiện của bông hoa lạ trên chiếc giường mây mưa họ Ôn đã gai người sởn óc nhẩm bụng mình đã mắc vào con hồ ly yêu nữ nào rồi. Họ Ôn giở các sách tàu về bùa chú, ẩn, yểm mời thầy cúng thầy mo khắp vùng bệnh tình càng ngày càng nặng. Điên tiết, y hạ lệnh quân lính nhổ sạch toàn bộ cây quỳnh trong dinh thự quan tổng còn bắt dân trong vùng nhổ tận gốc trốc tận rễ loài quỳnh đem quẳng xuống sông. Nhựa từ rễ từ thân cây vô tội ứa ra như máu trắng rồi bầm đen thấm sỉn cả lòng sông. Lính và quan dân địa phương lấy làm lạ cái lệnh quái đản của đại diện triều đình nhưng cũng ngầm hiểu con bệnh đã đến hồi kịch phát chẳng còn được mấy nả nữa và biết đâu trời đã thấu lòng dân nên bấm bụng làm theo.

 

Đang quát tháo lũ gia tướng chợt có tin có thầy lang tận vùng cực bắc nghe tin quan triều đình mắc bệnh lạ tìm đến xin gặp. Họ Ôn vội đổi giận làm vui nén đau ra chào khách. Thầy lang dáng điệu phiêu diêu tuổi ngoại năm mươi đi cùng tên tiểu đồng. Vừa bước vào đến thư phòng thầy lang đã nhăn mày xua xua tay: “Ngài bị hồn quỳnh ám nặng lắm rồi. Nếu không gặp ta bảy ngày nữa hẳn là khó toàn tính mạng”. Tử Kiền nghe xong đứng không vững lẩy bẩy quì mọp dưới chân người trung niên van vỉ: “Xin thầy gia ân cứu mạng... Đã mấy tuần hạ quan ngồi đứng không yên”. Người trung niên bảo: “Cũng còn tuỳ xem vận số của đại nhân thế nào đã. Có phải trước khi ngã bệnh ngài đã truy hoan với một cô gái phốp pháp và rất trắng không”. “Lạy thầy... Con lạy thầy” cứ thế họ Ôn lạy như bổ củi mà tâm thần xao xác không ngờ việc phòng the kín nhẹm mà người này cũng biết tường tận càng dập đầu khấn khứa: “...Con cắn rơm cắn cỏ lạy thầy. Xin thầy cứu mạng. Bao nhiêu châu báu ngọc ngà tiền bạc con xin cung phụng...”. Người trung niên đưa mắt nhìn tên tiểu đồng gật đầu bảo: “Phòng này hồn quỳnh còn u uất lắm, nay quan ngài hãy chuyển lên phòng thượng ta sẽ chẩn mạch bốc thuốc chữa trị cho. Bảo cả hai tên gia tướng gia nhân của quan ngài nữa, ta đặng chữa trị một thể”.

 

Trên căn phòng nơi gác thượng, chốn thâm nghiêm của dinh thự tổng trấn Phạm Đa Biền không một ai chứng kiến thầy trò người trung niên ấy chữa trị bệnh cho họ Ôn và gia tướng thế nào. Chỉ biết rằng buổi tối, khi hai thầy trò bước khỏi dinh đã dặn đi dặn lại lũ lính canh cứ để kệ quan ngài và mấy người bệnh mặc sức ngủ dài ba ngày ba đêm thì khỏi. Bước sang ngày thứ tư lũ lính thân cận sốt ruột ngồi đứng không yên cũng là lúc quạ ở đâu kéo về bay loạn kêu gào nháo nhác nơi gác thượng. Không chờ đợi được nữa, lũ lính xộc lên căn gác thượng bỗng kinh hoảng bật lùi lại. Một cảnh tượng khủng khiếp bày ra trước mặt. Họ Ôn đại quan triều đình cùng hai gã tuỳ tùng treo cổ chết mắt trợn trừng trừng. Khuôn mặt rúm ró kinh hãi một điều gì ghê gớm, bàn tay nắm chặt nổi hằn xương cốt. Mấy tên lính bạo gan tiến tới gỡ tay người chết đều ồ lên kinh ngạc khi trong ấy là mấy cánh hắc quỳnh khô xác. Cánh hoa từ từ rời lòng tay người chết rơi xuống đất một làn gió ở đâu thổi tới liền không ai thấy cánh hoa nữa cũng là lúc những cặp mắt hãi hùng mở ngược của người quá cố từ từ khép lại./.

 

Đại Lải tháng 3-2005

Phùng Văn Khai
Số lần đọc: 2274
Ngày đăng: 29.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái tát - Nguyễn Minh Phúc
Một khoảng không cuộc đời - Hồ Tĩnh Tâm
Đò đêm - Đặng Văn Sinh
Chị Bông - Huỳnh Văn Úc
Mối lái - Giản Tư Hải
Truyện ngăn ngắn -1 - Mang Viên Long
Combo gà rán -Một chuyện na ná cổ tích… hay là ảo giác của người “nghiện” gà rán KFC - Lưu Quang Minh
Truyện ngắn ngắn – 6 - Đỗ Ngọc Thạch
Hồn quỳnh I - Phùng Văn Khai
Chuyện Cổ tích của Mẹ - Nguyễn Hồng Nhung