Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.389
 
Lang thang chữ nghĩa
Phan Huy Đường

1.Ngày ngày Lang thang chữ nghĩa

Trong văn học Pháp, Lang thang chữ nghĩa thuộc loại Carnet của nhà văn, thi sĩ, triết gia. Lúc viết, họ hay giả vờ : ghi cho mình đừng quên thôi, không có ý đăng. Như Pensées của Pascal ấy mà. Nhưng nhiều người thầm kín mong sẽ được người đời đăng và quan tâm, thậm chí mê, sau khi mình đã đi chầu Diêm Vương. Ở Alain, thường là những châm ngôn (aphorismes). Ở Sartre thì mỗi đề tài són thành vài... trăm trang : Carnets de la drôle de guerre, Carnets pour une morale et tutti quanti. Sartre trung thực với triết lý của chàng khi chàng cho phép đăng tất cả thư từ, bản nháp et tutti quanti mà chàng đã từng viết : chúng đã từng là (est été) chính mình, sao phải phụ nhận chúng ?

Ở tôi, Lang thang chữ nghĩa là triết dưới hình thái... mì ăn liền ! Nó chỉ khác mì ăn liền thông dụng ở một điểm thôi : thiếu bột gia vị phong phú của công nghiệp đánh chén. Muốn thưởng thức nó một cách trọn vẹn, phải tưới nước dùng độc nhất hợp khẩu vị với nó : Tư duy tự do (Nxb Đà Nẵng, 2006) và http://amvc.free.fr/PHD/TDTD/TuDuyTuDoTable.htm.

2009-05-30. PHD

2.Ngôn ngữ đời thực và nghệ thuật bằng ngôn ngữ

Ngày nào con người biết nói chuyện thật thà với nhau vì biết tin cậy, quý trọng và trìu mến nhau bất kể khác biệt thậm chí đối kháng nhau, ngày ấy thơ văn tiêu vong.

Chính vì ngôn ngữ chính trị và ý thức hệ, trong đó có thơ văn, là công cụ hữu hiệu nhất cho phép con người lừa nhau, giả dối với đời, giả dối với chính mình, một cách rất văn chương, mà trong thế giới ngôn ngữ[1] còn có đất sống cho thơ văn.

Khi người ta gọi một kế hoạch đào thải con người ra ngoài xã hội, biến nó thành kẻ thất nghiệp, không cần thiết nữa cho xã hội – môi trường tồn tại, nên người và làm người của nó – và, vì thế, không có quyền kiếm ăn để tồn tại bằng lao động của mình, không có quyền sống như một con người, là kế hoạch xã hội tính (plan social, hàm ý : một kế hoạch nhân ái bảo vệ con người trong xã hội), thơ văn sẽ còn điều đáng nói với người đời.

Sau đó, chỉ còn những điều chưa hề có ai nói tới mà vẫn đầy người khát khao hướng tới, trên khắp thế giới, ở cả loài người hôm nay. Như em chẳng hạn, hè hè. Khó lắm đấy, bạn đời văn chương Ziao Chỉ ơi… Có mấy nhà văn nhà tư tưởng Ziao Chỉ đã làm được điều ấy cho người đời không Ziao Chỉ trong thế kỷ 20-21 ? Trong lĩnh vực tư tưởng, nếu có, ta xin lạy thầy cho con được làm đệ tử.

Trong khi chờ đợi, ta đành lang thang chữ nghĩa.

Bạn đời ơi, hãy cùng ta lang thang nhé. Chẳng vinh hiển gì, nhưng cũng zui zui, và chẳng chết ai cả. Biết đâu cũng có lúc gặp nhau.

Ngoài chuyện ấy, ta chẳng gì, gì, còn ai. Hè hè…

2009-04-09.PHD

[1] quan hệ hoàn hảo nhất giữa người với người trong tư cách người. Không có nghĩa là tốt đẹp nhất, chỉ có nghĩa là đầy đủ nhất, kể cả dưới dạng "nghệ thuật" nhất, đểu nhất : văn chưong.

3. Quán tính của ngôn ngữ

Ta tư duy bằng ngôn ngữ. Quan tính của ngôn ngữ của người đời trong đầu ta, rất đáng sợ. Nhưng quán tính của ngôn ngữ của chính ta trong đầu ta, có lúc còn đáng sợ hơn.

Ta bấp bênh tự do giữa hai sự lệ thuộc ấy.

2009-04-11.PHD

4.Một loại nhà văn

Chúng ta nặng tình chữ nghĩa, sống với nội tâm nhiều hơn với đời thực người thực. Chữ nghĩa quay cuồng trong đầu ta, tỏa vào cơ thể, lộ thành nét vui nỗi buồn trong vẻ mặt, hơi thở, cử chỉ, lời nói… Thỉnh thoảng tuôn vào ngòi bút. Năm thì mười họa biến thành văn.

Máu thịt của ngôn từ ở ta là như thế. Nó cũng cho phép con người thương nhau.

2009-04-13.PHD

5.Ngôn ngữ của tiềm thức

Khi viết văn tiếng Việt hay tiếng Pháp, tôi không bao giờ dịch từ tiếng này qua tiếng kia. Tuy vậy, trong văn tiếng Việt của tôi, thỉnh thoảng có cách nói đúng là "Tây con". Rõ ràng tiếng Pháp đã ngấm vào tiềm thức của tôi nên ngay khi viết chính mình bằng tiếng Việt, nó cũng hồn nhiên tự phát. Trong lĩnh vực này, con người chưa tự do ở đó. Nó mãi phải vươn tới tự do ngay ở chính mình. Thỉnh thoảng đọc văn tiếng Pháp của mình, tôi phát hiện điều ngược lại : rõ ràng có ý, có câu, gốc gác VN. Tôi không bao giờ sửa : đó là tiếng Pháp của tôi và tôi không có nhu cầu đầu quân Hàn lâm viện Pháp.

Giao lưu văn hoá có thể như thế đó.

Học thuyết Darwin hiện đại hoá + Khoa học về neuron + Ngôn ngữ học có thể giải thích được Freud lắm.

Nếu như Marx nói, "gốc gác của con người chính là con người"[1], thì bản-thể của ta là ngôn ngữ của loài người đọng ở trong óc não của ta. Ngoài vài tiếng nói đang tiêu vong của các bộ lạc đang ngắc ngoải trong rừng thẳm vùng Amazonie, mọi ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, đều lai căng vì không ngôn ngữ nào phát triển và tồn tại được cho tới ngày nay một cách biệt lập với các ngôn ngữ khác. Ai muốn đi tìm bản-thể của mình, chỉ cần trực diện đối đầu với ngôn ngữ đanh hoành hành trong đầu mình, tri phối tình cảm và tư duy của chính mình.

Không dễ nhé, bạn đời ơi.

2009-04-13.PHD

[1] Mais la racine pour l’homme, c’est l’homme lui-même. Marx Engels, Études Philosophiques, Éditions Sociales, 1974, p. 27

6. Sợ - 2

Nỗi sợ cho thân phận của chính mình tự nó đã khủng khiếp.

Nhưng có lúc nỗi sợ cho thân phận của thân nhân – cha mẹ, anh chị em, con cháu, bạn bè… chẳng hạn, hay cho những người ta quý trọng đang đứng mũi chịu sào trong hoàn cảnh khác hoàn cảnh êm ả của ta, còn kinh hoàng hơn nữa : nó có khả năng thắt họng ta, người dám liều cầm bút.

Không có phương trình giải đáp toàn hảo, tuyệt đối, vĩnh cửu. Ứng xử thế nào đi nữa cũng đượm mùi ngụy biện. Hậu sinh nhớ nhé.

Làm gì, nói gì bây giờ đây ? Đến bao giờ kiếp người mới hết là kiếp nhục ?

Hè hè…

2009.04.22.PHD

7.Hành động bằng văn chương

Khi hành động vì những giá trị, ý tưởng, tri thức đáng khiến ta hành động, vẫn phải biết nhắm hiệu quả trong bối cảnh nào đấy.

Khi viết văn, chỉ có thể yêu điều "vô tư" và, nếu được, zui zui !

Câu hỏi nan giải của kẻ muốn hành động bằng văn chương một cách có ý thức đó.

2009-04-24.PHD

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 4420
Ngày đăng: 02.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những hàng cây thị xã - Ngô Kế Tựu
Quà dành tặng các con - Vũ Trọng Quang
Tổ quốc, quê hương, đất nước - Imre Kertész
Kiến nghị làm người - Phan Huy Đường
Tản mạn chuyện thơ : Ai bảo thơ Đường không có Mật ? - Cao Quảng Văn
Lời cỏ cây - Márai Sándor
Từ khóc cười của tuổi thơ - Trần Hạ Tháp
Từ Phố núi - Võ Quê
Tình đất tình người - Nguyễn Trung Bình
Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương - Minh Nguyễn