Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.529
 
Bàn về Quan hệ nhân quả -1
Nguyễn Ước

I. Luật nhân quả -II. Tầm quan trọng của luật nhân quả -III. Các thái độ trước đây trong lịch sử-IV. Các thông giải thời hiện đại -V. Tóm lược

 

I. Nguyên lý nhân quả

Mọi sự có thứ lớp

Nếu mượn hình ảnh của kịch trường để diễn tả, chúng ta sẽ thấy thế giới giống một sân khấu trên đó không diễn viên nào có thể bước ra sàn diễn nếu không nhận được dấu báo hiệu cho riêng mình. Không một cái gì có thể hình thành hoặc ra đời do bởi ý thức thất thường hoặc đột ngột của tự thân nó.

Khi ánh chớp lóe lên, sấm nổ rền, gió thổi rạt rào và nước lũ hay triều cường dâng cao, chúng ta biết chắc chắn chúng là kết quả của những điều kiện vật lý khác. Những cái được cuộc đời hiến dâng như hạnh phúc, khốn khổ, đau đớn, bệnh tật, nghèo cực, v.v. đều có nguyên nhân của nó. Mọi sự hiện hành đều được sản sinh từ những sự khác đang hiện hữu.

Ðều phải có nguyên nhân

Không cái gì có thể thành hiện thực cho đến khi các điều kiện của nó được thể hiện thỏa đáng và khiến cho nó xuất hiện. Như trong một cuộc trình diễn có trình tự tốt đẹp trên sân khấu, vị đạo diễn thiên tài của mọi lớp lang ấy chính là quan hệ nhân quả (causality), hình thành nguyên lý quan hệ nhân quả (the principle of causality), hay luật nhân quả (law of causality).

Mỗi biến cố phải có nguyên nhân. Ðó là qui luật nền tảng, cho thấy ý nghĩa của trật tự trong thiên nhiên; và dường như nó ít ra cũng có ý nghĩa với cuộc đời của nhiều người.

 

II. tầm quan trọng

của nguyên lý nhân quả

1. Công dụng

Từ quả tìm nhân

Luật nhân quả đôi khi được dùng như một nguyên lý nhằm giải thích theo ý nghĩa rằng nếu có thể thấy cái tạo ra cái gì đó, chúng ta có thể chứng minh tại sao và bằng cách nào xảy ra cái đó.

Trong tiểu thuyết trinh thám bình dân, khi tìm thấy một tử thi nhét trong tủ áo, hai tay bị trói quặt ra sau lưng, viên thám tử bắt đầu một chuỗi điều tra. Y tiến hành nhiều cuộc thăm dò, có khi đúng đường có khi sai hướng. Nhưng cuối cùng y vẫn tìm ra thủ phạm, phá được vụ án bí ẩn đó.

Không ai có thể hiểu tại sao công nhân trong các đồn điền cao su Nam bộ thời Pháp thuộc bị mắc bệnh vàng da và sốt rét cấp tính khiến nhiều người phải bỏ mạng giữa chốn rừng xanh đất đỏ, cho tới khi chuyên viên y tế cho thấy vai trò của muỗi sốt rét trong việc truyền bệnh từ những suối nước đầy lá mục và rác bẩn. Ảo thuật gia và nhà văn Mỹ gốc Hungary *Harry Houdini (1874-1926), theo lời người ta kể lại, có thể giải thích hiện tượng những buổi gọi hồn của con đồng khi ông dùng các phương tiện tự nhiên diễn lại đúng y như các hiện tượng đó.

Gia tăng tầm kiểm soát

Nguyên lý nhân quả quan trọng vì càng hiểu rõ nguyên nhân, con người càng mở rộng tầm kiểm soát các điều kiện tự nhiên. Không biến cố nào có thể xảy ra nếu trước đó không xảy ra nguyên nhân của nó. Khi hiểu nguyên nhân, con người có thể ngăn chận biến cố bằng cách loại trừ các điều kiện phát sinh nó. Hoặc con người có thể tạo biến cố bằng cách cung cấp những điều kiện thích hợp.

Ngay trong buổi bình minh của thời hiện đại, hai triết gia Anh Francis Bacon và Thomas Hobbes đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề ấy. Cả hai nhấn mạnh nhu cầu khiến khoa học phải tập trung vào việc khám phá cách phát sinh biến cố hoặc cung cấp nguyên nhân của chúng, nhằm cải thiện số phận con người. Cả hai vạch rõ rằng không phải lúc nào cũng thấy rõ nguyên nhân vì thế có thể cần phải nghiên cứu một cách chuyên môn và tường tận.

Kể từ thời của hai triết gia ấy, các nhà luận lý học cùng các nhà khoa học nỗ lực phát triển các phương pháp chính xác để khám phá cho ra nguyên nhân.

Và để thẩm tra triết học

Ðã được chứng minh là rất thành công trong việc cắt nghĩa cùng thông giải các ứng dụng khoa học, nguyên lý quan hệ nhân quả cũng hữu ích cho công tác thẩm tra triết học. Các nhà thần học dùng luận cứ rút từ quan hệ nhân quả ra để kiến lập sự hiện hữu của Thượng đế, vì có vẻ vũ trụ – giống như mọi thứ bên trong nó – đều phải tùy thuộc vào cái gì đó khác với chính nó để hiện hữu.

Có những triết gia tiếp thu các nguyên lý tổng quát của chủ nghĩa duy nghiệm do Locke, Berkeley và Hume trình bày nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận cái kết luận cho rằng thế giới chỉ hiện hữu trong ý tưởng của chúng ta, họ cố tìm lối thoát ra khỏi thuyết duy ngã (solipsism) bằng cách lập luận rằng hết thảy các ý tưởng của chúng ta phải có nguyên nhân ở bên ngoài chúng ta, vì thuyết duy ngã cho rằng con người chỉ có thể hiểu biết bản thân thôi.

Ứng dụng vào nhiều lãnh vực

Có những nhà khoa học muốn chứng minh các tiên đoán của mình về cái sẽ xảy ra trong tương lai; họ đặt căn bản đức tin của mình lên tính đồng nhất và đơn điệu của thiên nhiên mà theo ý nghĩa độc nhất, là một phương cách rất ngăn nắp, tề chỉnh, đưa tới sự có mặt một cách phổ quát của quan hệ nhân quả.

Có những tác viên xã hội hy vọng giải quyết các vấn đề, thí dụ thiếu niên phạm pháp, bằng cách cải tạo môi trường xã hội; họ phải dựa vào quan hệ nhân quả để biện minh cho quan điểm đấu tranh của mình rằng các điều kiện nhất định sẽ sản sinh các kết quả nhất định.

Sự ứng dụng nguyên lý quan hệ nhân quả còn đi quá bên kia những minh họa vừa kể. Rất có thể nó còn được những người sống trong mọi cảnh ngộ của cuộc đời với đủ loại quan tâm cùng sở thích khác nhau xem như một trong những điều khoản nền tảng nhất của đức tin. Ở đây, tôi chỉ có ý nhấn mạnh rằng nó được xem như một điều khoản của đức tin như một sự giả định.

Những kẻ tùy thuộc một cách rõ rệt vào nó thường cho rằng họ biết họ có ý nói gì khi dùng cụm từ "quan hệ nhân quả" và họ cũng chẳng chút nào ngờ vực thực tại của nó. Tuy thế, nếu có thể chứng minh rằng ý nghĩa của nhân quả như đã được chấp nhận một cách tổng quát, là vô căn cứ, thì kết quả của sự chứng minh đó hẳn đánh đổ một số khái niệm về vũ trụ.

2. Nhân quả là tương quan

Chưa đánh giá đúng mức

Khởi sự suy ngẫm về nguyên lý quan hệ nhân quả, ấn tượng đầu tiên của chúng ta là kinh ngạc về việc người đời dường như không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của lời họ nói khi họ khẳng định rằng "Mỗi kết quả phải có một nguyên nhân".

Ðối với một số triết gia, đó không phải là lời phát biểu mang tính sự kiện mà chỉ là một cách đầu hàng các yêu cầu của ngôn ngữ. Nó có vẻ như một lối nói có này có nọ cho phải phép. Nghĩa là không thể nào nói tới nguyên nhân mà không nhắc tới kết quả, giống như khi ta đề cập tới "nóng" mà không ngụ ý tới "lạnh", hoặc "dài" mà không ngụ ý tới "ngắn". Cũng thế, từ ngữ "nguyên nhân" ngụ ý tới "kết quả", và trong chính nó chẳng chứng minh gì cả ngoài tương quan tất yếu giữa hai từ ngữ đó.

Phải là tương quan giữa các biến cố

Nếu nguyên lý ấy biểu hiện cho cái gì đó có thật, nó phải được giảm thiểu thành những lời phát biểu không phải về tương quan giữa các từ ngữ mà là giữa các biến cố: lời phát biểu rằng biến cố B không thể nào xảy ra mà không có biến cố A đi liền trước nó và sản sinh ra nó. Thế nhưng, trong thực tế, có lẽ không dễ dàng thiết lập được tương quan ấy.

Khi gợi ý rằng biến cố A đi liền trước biến cố B và làm phát sinh biến cố B, dường như ta có ngụ ý rằng cả hai biến cố đó khác nhau. Nếu quả thật chúng khác nhau thì câu nói biến cố này gây ra biến cố kia quả thật khó hiểu. Làm thế nào một biến cố tự nhiên lại sản sinh ra cái hoàn toàn khác với nó? Từ đâu xuất hiện biến cố mới? Nếu kết quả hoàn toàn khác với nguyên nhân, thì có một lỗ trống giữa chúng cần được lấp đầy, và quan hệ nhân quả dường như không đủ để lấp đầy lỗ trống ấy.

Nếu nguyên nhân và kết quả không khác nhau thì dường như chúng phải giống nhau. Nếu chúng giống nhau thì quả thật khó hiểu vì làm thế nào cái mới có khả năng xảy ra giống với cái cũ đã xảy ra.

Ở đây, hầu như chúng ta đối mặt một nan đề. Nếu giả định rằng B khác với A thì thấy không thể nào chứng minh chúng có tương quan. Nếu giả định rằng B hoàn toàn giống A thì thấy không thể nào chứng minh vạn vật đều biến đổi. Dường như không có lối thoát nào cho câu hỏi không có cách trả lời ấy.

Lập trường của Long Thọ

Cách đây gần hai ngàn năm, tại Ấn Ðộ, đại luận sư Long Thọ, khoảng thế kỷ 2-3 sau C.N., người hệ thống hóa triết học Phật giáo, đặt nền móng cho Trung quán tông của Ðại thừa, mà những phát biểu của ông về Không tính của vạn sự vạn vật đã đưa tới những áp dụng vào vấn đề quan hệ nhân quả như sau:

1. Nguyên nhân và kết quả không thể giống nhau (vì ngược lại, sẽ không xảy tới cái gì mới mẻ);

2. Nguyên nhân và kết quả không thể không nối kết với nhau (vì ngược lại, cái này không thể gây nên cái kia – kinh nghiệm cho chúng ta thấy thực tế chúng nối kết vì nói cho cùng, thế giới có thể được dự đoán phần nào);

3. Kết quả không thể là thành phần của nguyên nhân (vì ngược lại, sẽ không thể nào gây nên cái gì đó mới mẻ);

4. Do đó, theo tư duy qui ước, để cho cái gì đó được tạo nên, phải có sự liên tục nhưng đồng thời cũng phải có cái gì đó mới mẻ;

5. Vì thế, lối lập luận có tính qui ước ấy bị sụp đổ, nó không có khả năng giải thích quá trình biến đổi.

(Xem Ðại cương triết học Ðông phương, cùng một soạn giả)

3. Nan giải khi định nghĩa

Sai lầm tự căn bản

Nếu chúng ta hiểu lời phát biểu rằng mỗi biến cố phải có một biến cố khác đứng trước có ý nghĩa một chuỗi mang tính nguyên nhân được tạo thành bởi các biến cố đơn thuần riêng rẽ, lúc đó, nói theo tinh thần Long Thọ, chúng ta mắc phải sai lầm. Vì khi chịu khó suy ngẫm đôi chút về vấn đề đó, chúng ta sẽ thấy nó quả thật không đúng như thế.

Khi chúng ta chọn một cái nào đó như nguyên nhân của một biến cố, dường như cái đó chỉ phản ánh sự hiểu biết hoặc mối quan tâm của chúng ta mà thôi. Hầu hết người ta cho là thích đáng khi nói: "Cục đá đó làm vỡ cửa kính", có nghĩa cục đá đó được xem là nguyên nhân duy nhất gây ra biến cố đó. Ðối với nhà vật lý học và nhà hóa học, lời giải thích ấy không thích đáng vì tự thân cục đá không thể nào làm vỡ cửa kính.

Thêm nữa, có khả năng người chủ của ngôi nhà có cửa kính bị vỡ ấy qui trách cho kẻ bị ông thấy đang ném cục đá. Nhà tâm lý học có thể truy tầm nguyên nhân của biến cố ấy trong sự xáo trộn tâm lý của người chủ nhà khi bị ngân hàng đòi tịch biên nhà vì không trả nổi tiền nợ mua nhà nên ông ta tức tối tự ném vỡ cửa kính nhà mình.

Qui cho nguyên nhân đơn lẻ

Hết thảy các thành tố này nọ đều liên quan tới toàn bộ hoàn cảnh, và không có toàn bộ hoàn cảnh thì bất cứ lời giải thích nào cũng không thỏa đáng. Khi chúng ta nói tới nguyên nhân, chúng ta quả thật có ý đề cập tới một thành tố trong số các điều kiện; đối với chúng ta, thành tố ấy có vẻ thích đáng chỉ vì mối quan tâm của chúng ta, hay nói một cách nôm na là dường như nó đúng với ý của chúng ta. Nếu quả đúng như thế, khi nói tới một nguyên nhân đơn lẻ tạo thành một biến cố tức là ta đã giảm thiểu.

Sách lịch sử sơ cấp thường can tội giảm thiểu như thế khi đưa ra nguyên nhân của một biến cố lịch sử. Không gì có thể phi lý hơn khi cho rằng Hoa Kỳ tham gia Thế chiến Hai chỉ vì Trân Châu Cảng bị ném bom.

Cũng một biến cố lịch sử, người ta có những lời giải thích khác nhau do các sử gia ở nhiều quốc gia khác nhau, và hầu như chúng đều liên quan tới loại giản lược ấy. Sử gia và triết gia người Mỹ *Will Durant (1885-1981) nói rằng ông có thể cắt nghĩa động lực biến đổi của lịch sử loài người không phải do bởi đấu tranh giai cấp mà chỉ vì xung khắc tôn giáo, hoặc vì đam mê tình ái, hoặc vì tham vọng quyền lực của các bậc vua chúa, v.v. tùy vào sở thích hoặc quan tâm của ông.

Rõ ràng ta cần phải ngừng lại tại một chỗ nào đó việc qui kết nguyên nhân cho một hoạt động mà bỏ sót các điều kiện có thể tác động lên tri thức của chúng ta, nhất là đối với các hiện tượng như động thái của con người mà rõ ràng chúng ta phải dồn hết mọi nỗ lực để tìm hiểu chúng.

Qui cho nguyên nhân sức mạnh

Niềm tin hoàn toàn vào quan hệ nhân quả, dù qui cho một hay nhiều điều kiện, chỉ là ý tưởng cho rằng trong nguyên nhân hàm chứa một sức mạnh phát sinh nào đó. "Không có lửa làm sao có khói". Từ ngữ "nguyên nhân" tập kết nghĩa rộng vừa nói ấy vào trong nó có lẽ vì nó tương hợp với ý chí hành động của bản thân chúng ta. Khi tôi đẩy một chướng ngại vật ra khỏi lối đi của mình, hoặc ngay cả khi tôi nhấc cánh tay của mình lên, hậu quả ấy có quan hệ với hành động tạo tác của ý chí của tôi.

Ðối với các triết gia suy tưởng về khoa học (philosophers of science), khái niệm đó gây khó khăn cho họ hơn bất cứ triết gia nào khác vì một đằng nó dường như có một ý nghĩa nào đó, một đằng hầu như không thể nào khám phá ra ý nghĩa ấy là gì. Không có chứng cớ khoa học cho thấy có sức mạnh nào như thế, cũng không có ý nghĩa hợp qui cách (legitimate) nào của từ ngữ "nguyên nhân" hiểu theo nghĩa rộng ấy.

Nạn nhân của nguyên nhân

Chừng nào còn viện dẫn từ ngữ "nguyên nhân" để giải thích quan hệ nhân quả, dường như chừng đó chúng ta vẫn là nạn nhân lẩn quẩn của một quá trình vớ vẩn, ở đó chúng ta sử dụng một từ ngữ mà mình vừa không hiểu rõ vừa xem nó như một giải pháp thích đáng cho vấn đề.

Tuy thế, nếu từ ngữ "nguyên nhân" không cần thiết thì có vẻ như thể chẳng có cái gì có thể được gọi một cách thích đáng là quan hệ nhân quả, và chúng ta chấm dứt trong ngõ cụt. Nếu có một lối ra khỏi tình thế tới lui đều khó này (dilemma), chúng ta phải tìm cho ra, bằng việc xem xét một số giải đáp từng được đưa ra cho vấn đề quan hệ nhân quả.

 

III. Các thái độ trước đây trong lịch sử

1. Hai loại giải thích

Mê tín và khoa học

Không chắc người nguyên thủy có khả năng phân tích một khái niệm trừu tượng như quan hệ nhân quả không, nhưng có bằng chứng rằng họ chấp nhận nó như một thực tế. Ở những chỗ thiếu tri thức khoa học, con người có khuynh hướng bù đắp vào bằng những giải thích mê tín.

Hễ nơi nào thái độ khoa học thắng thế, những giải thích mê tín bị hất cẳng bởi những giải thích tự nhiên. Người ta giả định rằng các biến cố tự nhiên đều có nguyên nhân tự nhiên; nếu khám phá ra nguyên nhân ta có thể kiểm soát biến cố ấy.

Người mê tín qui bệnh tật cho bùa ngãi độc dữ hoặc hành động của đấng "Hoàng thiên nổi cơn thịnh nộ". Các nhà khoa học tìm kiếm nguyên nhân của bệnh tật trong các sự việc như điều kiện vệ sinh, chứ không phải sự ghét bỏ mang tính thiêng liêng hay huyền bí, vì nếu tình trạng thiếu vệ sinh hiện hành có liên quan tới bệnh tật thì có thể cải thiện tình trạng đó. Trong hình thức y dược hiện đại, kết quả của lối tiếp cận mới này là bằng chứng thực tiễn và tốt đẹp cho tính chính xác của nó.

2. Aristotle và bốn nguyên nhân

Aristotle là một trong các nhà tư tưởng đầu tiên đưa ý tưởng quan hệ nhân quả làm đối tượng cho một cuộc phân tích khắc nghiệt, và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những triển khai về sau của nó nếu chúng ta xem xét kỹ lý thuyết của vị triết gia Hi Lạp cổ đại ấy.

Bốn nguyên nhân

Nếu xem xét bất cứ đối tượng sống động hay bất động nào, chúng ta sẽ thấy cái nào cũng có một "lịch sử". Mọi cái chúng ta đang quen thuộc đều đến từ cái nào khác, và nếu không có cái nào khác ấy, chúng không thể thành hiện thực. Ðiều đó có nghĩa rằng có một nguyên nhân chất liệu (material cause) cho mọi cái, hiểu theo ý nghĩa của học thuyết Aristotle thì cái này nào đó là tiềm năng (potential) của cái khác nào đó. Ðể xây cất một ngôi nhà, chúng ta phải có đá hoặc gỗ, v.v. Những cái đó không thật sự là ngôi nhà mà chỉ là cái tiềm năng, và do đó, biểu hiện cho nguyên nhân chất liệu.

Gạch đá hoặc gỗ tự chúng không có khả năng hình thành ngôi nhà. Ðể làm chuyện đó, chúng ta cần thợ mộc hay thợ nề hay thợ đẻo đá. Chính qua nỗ lực của những người thợ đó, nguyên nhân chất liệu có thể khoác một hình thức nhất định. Thế thì những người ấy là nguyên nhân tác động (efficient cause), hay nguyên nhân hiệu ứng, cái sản sinh kết quả trong trường hợp ngôi nhà.

Chúng ta thử hạn chế minh họa ấy vào người thợ nề. Y không lượm gạch lên, ném chúng vào nhau một cách ngẫu nhiên với hy vọng đạt kết quả tốt nhất. Không. Trong khi xây dựng, y luôn luôn có một kế hoạch hoặc một bản thiết kế hướng dẫn. Bản thiết kế ấy biểu hiệu hình thức sẽ được thực hiện, và đó là nguyên lý tổ chức. Trong học thuyết Aristotle, nó là dạng thức (form) biến tiềm năng thành hiện thực, biến một vật thành đúng loại của chính nó. Ðó là nguyên nhân dạng thức (formal cause).

Chúng ta không tập trung vật liệu và thuê thợ nề để xây dựng một loại ngôi nhà nào đó nằm ngoài chủ định của mình. Có thể chúng ta muốn làm một ngôi nhà cho mình ở, hoặc đầu tư để cho thuê, hoặc chỉ làm nhà để xe hoặc nhà kho. Rõ ràng rằng mục đích đóng vai trò lớn lao trong việc quyết định sẽ dùng loại vật liệu nào, bỏ ra bao nhiêu tiền và thuê loại thợ nào.

Không có việc nào được thực hiện mà không có mucï đích. Từ ngữ "mục đích" (goal), cũng thường được gọi theo cách khác, bao quát hơn, là "cứu cánh" (purpose) có nguồn gốc từ chữ Hi Lạp telos, nghĩa đen là cái đích tối hậu hoặc cái được nhắm tới. Trong tiếng Việt, mục là mắt, đích là cái nhắm tới; mục đích là cái được con mắt nhắm tới. Cả hai ý nghĩa ấy đều hàm ý cái được nhắm tới ấy vượt quá, hay ở quá bên kia vật chất. Chừng nào chúng ta còn nhấn mạnh tới các nguyên nhân có tính mục đích, chừng đó chúng ta còn phát biểu mang tính *cứu cánh luận (teleology). Trong mẫu thức (pattern) phân tích quan hệ nhân quả theo Aristotle, cái này được gọi là nguyên nhân tối hậu (final cause), hay như về sau thường gọi là nguyên nhân cứu cánh, cho rõ nghĩa hơn.

Nguyên nhân cứu cánh quan trọng nhất

Thế thì theo Aristotle, có bốn nguyên nhân liên quan tới việc giải thích sự phát triển của bất cứ vật nào: chất liệu, tác động, dạng thức và cứu cánh. Bốn nguyên nhân ấy đều liên quan tới sự thảo luận của Aristotle về vật chất (matter) và dạng thức (form). Nguyên nhân chất liệu như có tính tiềm năng cũng vẫn chỉ là vật chất trong khi ba nguyên nhân kia là sự triển khai ý nghĩa của dạng thức (formal) hoặc thực tế (actuality).

Ðối với Aristotle, trong ba nguyên nhân đó, nguyên nhân cứu cánh (tối hậu) quan trọng nhất. Ông cho rằng mục đích – hoặc cứu cánh – của phát triển là lý do thật sự của một vật.

Cụm từ "nguyên nhân cúu cánh" gợi cho thấy hiện tại được quyết định bởi tương lai, theo ý nghĩa rằng chính cái đang là của vật-sắp-trở-thành quyết định giai đoạn phát triển của nó trong hiện tại. Chúng ta có thể hiểu sai ý nghĩa của thuật ngữ ấy, làm phát sinh những khó khăn không cần thiết nếu chúng ta giả dụ rằng tương lai phi hiện hữu là nguyên nhân của hiện tại đang hiện hữu.

Ý nghĩa nằm trong dạng thức

Nguyên nhân cứu cánh phải có ý nghĩa khác hơn ý nghĩa đơn thuần về thời gian. Ý nghĩa ấy được tìm thấy trong bản tính tổng quát của dạng thức của vật nếu nó được xem xét theo khía cạnh phi thời gian.

Cây bắp đã ở sẵn trong hạt bắp, vì cái mà hạt bắp sắp trở thành quyết định cả chất dinh dưỡng sẽ thẩm thấu lẫn định hướng phát triển. Hạt bắp không thể nào là cây thuốc lá hoặc cây kê hoặc bất cứ loại cây nào khác, ngoại trừ cây bắp. Suốt quá trình phát triển, ở bất cứ giai đoạn nào, dạng thức hiện thời điều hướng sự phát triển, và định hướng ấy bị quyết định bởi cứu cánh sẽ được thể hiện.

Aristotle và Kitô giáo

Từ khái niệm về nguyên nhân cứu cánh trong quá trình phát triển của một vật, người ta dễ dàng chuyển sang ứng dụng tổng quát nguyên tắc ấy và toàn thể thiên nhiên. Chúng ta có thể giả định rằng nếu có nguyên nhân cứu cánh (hoặc tối hậu) của từng biến cố đơn lẻ thì phải có cứu cánh cho toàn bộ thiên nhiên.

Aristotle gợi ý rằng nguyên nhân cứu cánh của toàn thể vạn vật là Thượng đế, dù khái niệm của ông về Thượng đế ít có điểm chung với khái niệm của Kitô giáo. Tuy nhiên, sự thể hiện của thiên nhiên như được quyết định bởi một hấp lực toàn hảo hiện hữu bên ngoài nó. Khái niệm của Aristotle được thông diễn thành các thuật ngữ Kitô giáo, và giờ đây, ý tưởng về nguyên nhân cứu cánh được nối kết với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế gian.

Những kẻ theo Aristotle biến nguyên nhân cứu cánh thành nguyên nhân quan trọng nhất, và ngày nay nó vẫn còn được chấp nhận là thành phần của truyền thống Kitô giáo, vốn đã và đang bị nhào nặn bởi các phạm trù Aristotle. Chúng ta sẽ khảo sát khái niệm ấy đầy đủ hơn một chút ở chương sau, để đánh giá tầm quan trọng về lâu về dài của nó.

Ứng dụng vào khoa học

Xét theo các cứu cánh của chúng ta, sự ứng dụng quan trọng nhất của học thuyết Aristotle là trong lãnh vực khoa học. Khi đươc nối kết – và phải nối kết như thế – với học thuyết các yếu tính (theory of essences), nó đã giới hạn khoa học do sự nhấn mạnh của nó vào mục đích của khoa học như một sự giải thích động thái.

Quả thật, chừng nào còn quan tâm tới Aristotle, chúng ta không có lý do gì để lơ là nguyên nhân tác động, thế nhưng có một điều chúng ta cũng phải nói tới: chính vì lòng ưu ái của vị triết gia ấy dành cho nguyên nhân cứu cánh nên nguyên nhân tác động bị mờ mịt. Và đó là lý do khiến Francis Bacon khẳng định rằng thuyết nguyên nhân cứu cánh (tối hậu hay mục đích) đã làm hư hoại khoa học.

3. Chống nguyên nhân cứu cánh

Ðề cao nguyên nhân tác dộng

Trên một qui mô lớn, cuộc cách mạng khoa học trong hai thế kỷ 16 và 17 là cuộc cách mạnh chống lại khái niệm nguyên nhân tối hậu và tái khẳng định tầm quan trọng của nguyên nhân tác động (hiệu ứng). Trong số các lãnh tụ của cuộc cách mạng đó có Galileo, Bacon, Hobbes và Descartes. Galileo nhấn mạnh và thực hiện cuộc trở về với quan sát và thí nghiệm như hai phương cách khám phá các vật xảy ra như thế nào thay vì lý luận về chúng để khám phá chúng xảy ra vì lý do nào.

Những kẻ theo Aristotle lấy làm thỏa mãn mối quan tâm khoa học của mình khi họ có thể chỉ cho ta thấy rằng viên đá rơi xuống đất là vì nó đang tìm kiếm vị trí tự nhiên của nó là mặt đất, và trạng thái tự nhiên của nó là an nghỉ, cũng như ngọn lửa hướng lên trời vì trạng thái tự nhiên của nó là bốc cháy. Về phần Galileo, ông quan tâm hơn tới sự quan sát cái thật sự xảy ra và mô tả việc đang xảy ra trong liên quan tới không gian và thời gian.

Khoa học chỉ cần một nguyên nhân

Nếu nguyên nhân cứu cánh là tối thượng thì lúc đó quan hệ nhân quả có tính tác động (efficient causality) không quan trọng, người theo Aristotle đã phán quyết như thế. Khoa học hiện đại bắt đầu khi vai trò của hai nguyên nhân ấy bị đảo ngược và quan hệ nhân quả có tính tối hậu ngày càng bị gạt bỏ.

Thành quả nhanh chóng của khoa học dường như chứng minh cho thái độ ấy, và chẳng bao lâu, trở thành thời thượng việc cười vào mũi những người vẫn còn cảm thấy phải cần tới nguyên nhân tối hậu để có một thông giải đầy đủ. Khoa học bằng lòng với chỉ một nguyên nhân thôi trong khi đó Aristotle quả quyết có tới bốn nguyên nhân.

Chỉ còn nguyên nhân tác động

Có lẽ tư tưởng tinh tiến một cách tự nhiên nhờ việc quay 180 độ từ cực đoan này sang cực đoan khác và thao tác trên nội hàm của mỗi lập trường trước khi kết tập thành một thỏa hiệp trong đó bảo tồn cái tốt đẹp nhất của mỗi quan điểm và loại bỏ những cái vô lý quá đáng trong cả hai.

Dù đúng hay không đúng, thực tế chúng ta càng ngày càng quen thuộc với ý tưởng quan hệ nhân quả có tính tác động như một quan hệ nhân quả duy nhất, tới độ rất khó khăn khi cần phải thuyết phục người khác rằng trong ý tưởng nguyên nhân cứu cánh cũng có điều gì đó có giá trị.

Sự chọn lựa và chấp nhận của khoa học về quan hệ nhân quả như tương quan tự nhiên của các biến cố ở đó cái này nhất thiết đi trước và sản sinh cái kia có vẻ như được chứng minh nhờ nó thao tác hữu hiệu. Cuộc tìm kiếm các nguyên nhân đã cung cấp cho con người sự kiểm soát mà nó cần tới.

Ở nơi sự mê tín và bùa ngải thần chú thất bại trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa, bệnh sốt rét và bệnh tiêu chảy cấp (dịch tả), cuộc tìm kiếm của khoa học nhằm sở hữu tri thức về các lý do thiên nhiên của bệnh tật đã mang các tai họa ấy của loài người vào trong tầm kiểm soát.

Chiến thắng dồn dập

Hết thắng lợi này tới thắng lợi khác, các thắng lợi giòn giã hàng hàng lớp lớp ấy lập nên giá trị của phương pháp đó, tới độ vào cuối thế kỷ 19, nhà vạn vật học (naturalist) người Ðức *Ernst Haeckel (1834-1919) đã có thể khoe khoang rằng trong một trăm năm ấy, con người tăng tiến tri thức hơn tất cả các thiên niên kỷ trước đó trong cuộc tồn sinh của loài người.

Khi những kẻ ủng hộ khoa học tiền-Newton (pre-Newtonian science) tấn công phương pháp của các nhà khoa học hiện đại và thúc giục hãy trở về các phương pháp cũ như một phương cách tiếp cận chân lý hữu hiệu hơn, họ đã la ó quá đáng như gã lái buôn hết vốn đang khuyến cáo các nhà triệu phú cách thức kiếm tiền.

Sự thách đố này hoặc nọ các giả định căn bản của khoa học hiện đại chỉ có thể thành công nếu nó chứng minh được rằng thành quả của khoa học hiện đại không thật sự tùy thuộc vào một quan điểm nhất định về quan hệ nhân quả hoặc rằng khái niệm về quan hệ nhân quả mà khoa học chọn lựa và chấp nhận hoàn toàn không đúng như cái mà nó đang nghĩ.

Tư duy lối hàm số

Có nhiều nhà khoa học đã và đang suy ngẫm sự giả định về quan hệ nhân quả. Họ sẵn sàng tránh những hàm ý siêu hình học (metaphysical implications) bằng việc chỉ đơn thuần xem xét nó như một hàm số của hai biến số. Bằng thái độ đó, họ có ý nói rằng bất cứ thay đổi nào trong biến số này đều đi kèm theo sự thay đổi tương ứng trong biến số kia.

Do đó, qui luật khoa học chỉ dấu cho ta biết rằng có tương quan hiệu ứng giữa hai biến cố hoặc các cấp bậc biến cố khiến cho sự sửa đổi của cái này đi kèm theo sự sửa đổi tương ứng trong cái kia. Trong lời phát biểu này, khoa học cho thấy nó không cần phải gắn bó vào bất cứ thông giải nào về nguyên lý quan hệ nhân quả. Nó đơn thuần chỉ dấu cho thấy rằng chính sự khám phá tương quan giữa hai biến cố hoặc hai cấp bậc biến cố làm vững mạnh thêm thái độ đó.

Nếu giả định rằng tương quan ấy diễn ra liên tục thì sự giả định như một tiên đoán ấy có khả năng đúng. Trước khi khoa học có thể đạt tới sự phát biểu có hệ thống ấy, đã có những cuộc khảo sát nhằm tìm kiếm ý nghĩa của quan hệ nhân quả, vì chắc chắn rằng các nhà khoa học trước thời đó đã xem quan hệ nhân quả như một loại sức mạnh giữa một nguyên nhân và một kết quả khiến người ta có thể nói rằng kết quả được sản sinh bởi nguyên nhân.

4. Hume và quan hệ nhân quả

Nguồn kinh nghiệm của ý tưởng

Lối tiếp cận ấy khởi đầu với David Hume. Các triết gia trước ông xem là hiển nhiên việc họ hiểu cái gì được ngụ ý trong cụm từ quan hệ nhận quả và việc khoa học chấp nhận nó đã được chứng minh xong xuôi. Hume vạch ra rằng các phương pháp khoa học và những lời xác nhận của nó về tri thức đều trực tiếp mâu thuẫn nhau và rằng phải buông bỏ một trong hai cái đó.

Theo chân Bacon, những kẻ thuộc trường phái Newton khước từ việc đơn thuần đề ra lý thuyết về các vấn đề bản tính của thiên nhiên và nhấn mạnh sự hoàn toàn viện dẫn kinh nghiệm. "Hypothesis non fingo: Tôi không tạo dựng ra giả thuyết", đó là khẩu hiệu của nhà khoa học vĩ đại Newton. Như một kẻ phục vụ và kẻ thông giải thiên nhiên, con người hướng tới thiên nhiên để tìm lời giải đáp cho các câu hỏi của mình và chỉ chấp nhận những gì mà kinh nghiệm có thể cho là có giá trị.

Locke thấy rằng sự viện dẫn kinh nghiệm này có nghĩa duyệt xét ý nghĩa của tri thức và đặt giới hạn cho những gì con người có thể biết một cách chắc chắn. Toàn bộ tri thức bắt đầu với các ý tưởng được tiếp nhận thông qua giác quan từ các đối tượng ngoại tại, và không ý tưởng có giá trị nào có thể ở trong tâm trí nếu trước hết nó không ở trong giác quan.

Locke thấy cái được hàm chứa trong phương pháp khoa học mới, nhưng ông không tiến hành cuộc phân tích của mình đủ độ xa của nó vì đôi khi trong các tiền đề của chính mình, ông chấp nhận các ý tưởng không thể có giá trị. Chúng ta đã thấy điều đó với ý tưởng bản thể vật chất; và nó cũng đúng y như thế với ý tưởng quan hệ nhân quả. Locke quả thật đạt tới khái niệm quan hệ nhân quả do suy ra từ các ý tưởng nhất định chứ không như một ý tưởng được sở đắc trực tiếp qua giác quan.

Hume chấp nhận các nguyên tắc duy nghiệm tổng quát (the general empirical principles) của Locke nhưng ông nhấn mạnh tính chất nhất quán trọn vẹn trong khi ông để cho các nguyên lý mang mình đi tới đâu thì tới. Do đó, ông đưa ra lời tuyên bố làm nền tảng rằng không thể chấp nhận một ý tưởng có giá trị nếu nó không thể cho thấy có nguồn gốc trong kinh nghiệm giác quan. Lời ấy dẫn tới sự khảo sát ý tưởng quan hệ nhân quả.

Phân tích của Hume

Khi phân tích đầy đủ những gì được xem xét một cách tổng quát là có liên hệ tới quan hệ nhân quả, theo Hume, ta sẽ nhận thấy có bốn thành tố:

1. Nguyên nhân và kết quả phải gần kề nhau; không thể nào có một hành động có tính nguyên nhân ở cách một quãng. Quả thật sự tiếp giáp này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Nó trực tiếp khi cục đá chạm vào cửa kính vào lúc kính vỡ; nó gián tiếp khi bình xăng ô-tô nổ khiến các bánh xe văng ra ngoài. Cũng có thể thấy rằng sự tiếp xúc gián tiếp thật sự là một chuỗi các nguyên nhân, ở đó mỗi nguyên nhân và mỗi hậu quả tiếp xúc trực tiếp với nhau;

2. Nguyên nhân luôn luôn đi liền trước kết quả. Không cần phải nhận thức được sự tiếp xúc của cả hai, nhưng rõ ràng phải có sự nối tiếp. Khi chúng ta suy nghĩ dưới dạng khái niệm thô sơ hơn về quan hệ nhân quả, thí dụ viên đạn giết chết một người, thì rõ ràng viên đạn ấy phải trúng ngực trước khi người ấy chết. Hình ảnh minh họa ấy cho thấy rõ rệt rằng sự nối tiếp hàm ý trong chính từ ngữ của nó có nguyên nhân được xác định đi liền trước kết quả.

3. Phải có sự truyền lực từ nguyên nhân sang kết quả. Ý tưởng này nối kết với khái niệm về quan hệ nhân quả như một hành động sản sinh cái gì đó vì ý tưởng về sản sinh không thể không liên quan tới một sức mạnh nào đó. Khi trái bi-da lăn tới, chạm vào một trái bi-da khác đang đứng yên, trái thứ hai phải chuyển động theo cách gợi cho thấy có sự truyền lực từ cái này sang cái kia.

4. Nhất thiết kết liên nhau giữa nguyên nhân và kết quả. Ðiều này được hàm ý trong ngôn ngữ bình thường của chúng ta khi nói rằng có kết quả thì phải có nguyên nhân. Dường như mối kết liên này được chứng minh bằng thực tiễn khoa học vốn lấy sự nhất thiết đó làm căn bản dự báo của nó. Khi tôi nói rằng các ý tưởng trong tâm trí của tôi chỉ tới sự hiện hữu của các đối tượng ngoại tại, tôi thật ra có ý nói rằng ý tưởng ấy như một kết quả phải có một nguyên nhân và rằng nguyên nhân ấy là cái gì đó khác với ý tưởng ấy.

Tóm lại ta thấy ý tưởng quan hệ nhân quả được Hume chiết ra thành các ý tưởng có tính thành tố: – (1) gần kề nhau; – (2) nối tiếp nhau; – (3) truyền lực cho nhau; – và (4) nhất thiết kết liên nhau.

Lấy kinh nghiệm làm cơ sở

Nếu một ý tưởng phức tạp có giá trị thì các ý tưởng hiệp thành nó đều có giá trị một cách riêng rẽ. Chúng ta đã thấy rằng không ý tưởng riêng biệt nào được chấp nhận là có giá trị nếu nó không đặt cơ sở trên kinh nghiệm; nó phải cho thấy cái ấn-tượng-giác-quan (sense-impression) gây nên ý tưởng đó.

Trên cơ sở ấy, có thể lập thành các ý tưởng (1) gần kề nhau và (2) nối tiếp nhau vì chúng ta có thể quan sát nguyên nhân và hậu quả trong sự tiếp xúc cụ thể của chúng, thí dụ trường hợp cục đá với cửa kính, viên đạn với lồng ngực, và có thể thấy chúng nối tiếp nhau trong sự chuyển động của hai trái bi-da. Bằng một cuộc kiểm tra thực nghiệm, cảù hai thành tố (1) và (2) trong tình huống quan hệ nhân quả ấy đều có giá trị và có thể được chấp nhận là chính xác.

Cuộc kiểm tra thực nghiệm ấy sẽ không hữu hiệu đối với hai thành tố còn lại, đó là (3) truyền lực cho nhau và (4) nhất thiết kết liên nhau. Chưa ai có khả năng thấy sự truyền lực từ nguyên nhân sang kết quả, cũng như chưa ai thấy chúng nhất thiết kết liên nhau.

Chúng ta có thể bác bỏ ý tưởng truyền lực vì nó chỉ có tính suy ra, dựa trên các hoạt động của con người khi chúng ta, bằng hành động của ý chí, dường như đã sản sinh các hành động như thế, thí dụ nhấc cánh tay của mình lên hoặc dời vật chướng ngại ra khỏi lối mình đi.

Hume phản bác rằng hoạt động ấy cũng là hoạt động, và nó cho thấy nó không thể là cái đúng với vẻ ngoài của nó; nhưng tạm thời lúc này, khía cạnh đó của vấn đề nằm ngoài tâm điểm của cái đang được chúng ta quan tâm.

Hume lập luận rằng phân tích ý tưởng về thành tố (4) nhất thiết kết liên nhau cho thấy nó quả thật không thể nào liên quan tới quan hệ nhân quả vì cách riêng, ý tưởng quan hệ nhân quả chỉ đòi hỏi hai thành tố (1) gần kề nhau và (2) nối tiếp nhau. Khi chúng ta nhìn hai biến cố xảy ra nối tiếp nhau mộc cách có qui củ và tiếp xúc nhau, chúng ta có cái được gọi là sự liên tục mang tính quan hệ nhân quả. Khi chúng ta có nhiều dịp trải nghiệm như thế mà không có ngoại lệ nào, lúc ấy, tiếp theo sự xuất hiện của nguyên nhân, chúng ta trông đợi kết quả.

Chỉ do tâm trí thấy trước

Và đó chỉ là phóng chiếu vào tương lai sự kết liên đã được chúng ta trải nghiệm trong quá khứ. Chừng nào các biến cố còn liên quan tới trải nghiệm thì chừng đó chúng không nhất thiết kết liên nhau. Theo Hume, ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau" chỉ phát sinh từ hoạt động của tâm trí vốn biết trước sự kết liên do bởi các kinh nghiệm của nó trong quá khứ. Do đó, ý tưởng về thành tố (4) không phát sinh từ sự kết liên thật sự nào giữa các đối tượng mà từ hoạt động của một tâm trí biết trước sự liên tục, và sự biết ấy gợi cho thấy sẽ xảy ra theo như thông lệ.

Ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau" là một ý tưởng có giá trị vì nó bắt nguồn từ ấn tượng (impression), nghĩa là sự thấy trước của tâm trí, nhưng nó không dính líu tới tương quan nào giữa các đối tượng. Nó là mối quan hệ giữa việc nhìn thấy biến cố này và việc thấy trước một biến cố nhất định khác. Chừng nào còn dính líu tới kinh nghiệm thì chừng đó còn dính líu tới khoa học, thế nên ý tưởng quan hệ nhân quả chỉ liên quan tới thành tố (1) "gần kề nhau" và thành tố (2) "nối tiếp nhau" của nguyên nhân và kết quảû; và như thế, Hume kết luận rằng không "nhất thiết kết liên nhau".

Xem tiếp phần 2 

 

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3225
Ngày đăng: 06.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư - Kiệt Tấn
Chân lý là đất không lối mòn - Krishnamurti
Trung Quốc phải chấm dứt ngay giọng điệu hiếu chiến - Đinh Kim Phúc
Bàn về Không gian và thời gian-1 - Nguyễn Ước
Bàn về Không gian và thời gian-2 - Nguyễn Ước
Thơ cần thiết cho ai - Billy Collins: Một ngày nữa thôi - Nguyễn Đức Tùng
Bàn về Lượng tính - 1 - Nguyễn Ước
Bàn về Lượng tính - 2 - Nguyễn Ước
Heuréka! - Imre Kertész
Di sản hằn sâu của châu Âu - Imre Kertész
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)