Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.899
 
Bàn về Quan hệ nhân quả -2
Nguyễn Ước

5. Hume, nhà phê bình khoa học

Khoa học triết học quở nhau

Trong các luận cứ của Hume, chỉ dùng được một cái! Nó được chọn vì tính chất răn đe mà nó nhắm tới. Các khoa học gia thường quở trách các triết gia là đắm mình trong những suy tưởng lập dị thay vì tiếp tục bám rất chặt các sự kiện kinh nghiệm.

Hume chấp nhận khuyến cáo ấy của các nhà khoa học nhưng ông xoay ngược các nguyên tắc của chính họ, chĩa mũi về hướng chống lại họ, bằng cách chứng minh rằng bản thân họ cũng chấp nhận những giả định căn bản không được rút tĩa từ kinh nghiệm và không thể nào ăn khớp với kinh nghiệm. Nhà khoa học tuyên bố mình vốn đa nghi và cứng đầu, kẻ đặt các trường hợp nghiên cứu của y trên những nền tảng vững chắc của thực tế. Hume cho rằng nếu quả đúng như thế, ta phải loại bỏ nhiều cái được gọi là tri thức khoa học.

Dự báo chắc chắn của khoa học

Cái quan trọng nhất bị Hume bác bỏ là lời quả quyết của khoa học rằng nó đưa ra những dự báo chắc chắn. Những tuyên bố ấy chỉ có giá trị nếu quan hệ nhân quả có liên quan tới thành tố 4 "nhất thiết kết liên nhau", vì chúng ta chỉ có thể chắc chắn B sẽ tiếp theo A nếu có khả năng chứng minh rằng nó phải nối tiếp nhau.

Không thể chứng minh điều đó vì không thể quan sát sự "nhất thiết kết liên nhau" của chúng. Tất cả những gì nhà khoa học có thể làm là vạch ra rằng trong quá khứ, B luôn luôn tiếp theo A, và giả định rằng nó cũng sẽ làm đúng như thế trong tương lai. Trong những lời tuyên bố kiểu đó không thể có sự chắc chắn mà chỉ có những cấp độ khả thi khác nhau (different degrees of probability). Có thể dùng một thí dụ minh họa cho tình huống ấy là sự sai lầm của một chú gà tơ.

Nhất thiết của chú gà tơ

Chú gà tơ ấy đang nằm thoải mái trong chuồng gà, bất cần thế giới bên ngoài. Bỗng nhiên chú giật bắn cả lông cả cánh vì sự xuất hiện của một người; chú te cò chạy. Khi chú quay lại chỗ cũ, người ấy đã đi, nhưng trên mặt đất còn để lại một hạt bắp. Vì có trình độ hiếu kỳ khoa học, chú gà tơ bắt đầu quan sát.

Chẳng bao lâu chú ghi nhận rằng hễ người ấy xuất hiện thì hạt bắp ấy xuất hiện. Không muốn vội vã ràng buộc mình vào lý thuyết nào, chú gà tơ liên tục quan sát 999 lần. Chú nhận thấy không có ngoại lệ nào đối với qui luật rằng sự xuất hiện của người ấy có nghĩa là thực phẩm; vì thế chú gà tơ nuốt cục hoài nghi của mình xuống và quyết định rằng chắc chắn có sự "nhất thiết kết liên nhau" giữa người ấy và hạt bắp. Nói theo ngôn ngữ quan hệ nhân quả, điều ấy có nghĩa hễ khi nào người ấy xuất hiện, hạt bắp phải xuất hiện.

Trên cơ sở kết luận ấy, chú gà tơ ra khỏi chuồng để tới gặp người ấy trong lần xuất hiện thứ một ngàn của y để cám ơn lòng tử tế của y. Và bị y vặn cổ.

Chỉ gần như chắc chắn

Tính cảnh giác của câu chuyện ấy thật rõ rệt. Không bao giờ chắc chắn rằng trong tương lai sẽ có sự nhất thiết kết liên nhau giữa hai biến cố như nó đã xảy ra trong quá khứ. Và trong chừng mực này, mỗi lời dự báo khoa học đều phần nào có khả năng sai lầm.

Công tác của nhà khoa học là quyết định các mối kết liên cao nhất có thể được. Trong một số trường hợp, tính khả thi ấy có thể rất lớn tới độ nó gần như chắc chắn. Và chẳng bao giờ có thể loại trừ hai tiếng "gần như".

6. Phản ứng hiện đại đối với Hume

Khoa học lẫn lộn siêu hình học

Dường như kết luận của Hume tấn công uy tín của khoa học, và rõ ràng nó được nhiều nhà khoa học xem xét. Nó liên quan tới toàn bộ cơ sở của phép qui nạp khoa học (scientific induction) và sự ứng dụng thực tiễn của khoa học vốn dựa trên giả định rằng hễ biết rõ nguyên nhân thì có thể kiểm soát kết quả vì kết quả nhất thiết phải đi theo nguyên nhân trước đó.

Tình trạng cứ kéo dài như thế mãi cho tới thế kỷ 19, các nhà khoa học mới nhận ra rằng trong lời phát biểu của Hume có điều gì đó quan trọng, và rằng khoa học đang lẫn lộn công việc của nó với siêu hình học, cái bị nó nhất quyết không thừa nhận.

Ðể giải thích trải nghiệm của mình, nhà khoa học giả định rằng phải có những đối tượng ngoại tại (the external objects) hiện hữu độc lập với y, và rằng các đối tượng ấy được nối kết bằng những cách thế rõ ràng, có thể phát hiện và xem xét để trình bày qui luật tất yếu. Các giả định ấy không nhất thiết là công việc của nhà khoa học. Tất cả những gì nhà khoa học cần làm là khám phá tương quan giữa các ý tưởng trong ý thức của y và tường trình chúng một cách trung thực.

Vào cuối thế kỷ 19, các triết gia khoa học ngoại hạng đã có quan điểm tối thiểu như thế. Thí dụ trong cuốn The Grammar of Science (Ngữ pháp của khoa học, 1892), nhà toán học thống kê người Anh *Karl Pearson (1857-1936) đã viết:

"Sự nối tiếp nhất định đã xảy ra trong quá khứ như là một thực tế của kinh nghiệm đối với cái được chúng ta biểu lộ trong khái niệm quan hệ nhân quả; việc nó sẽ tiếp tục xảy ra lần nữa là vấn đề của niềm tin được chúng ta biểu lộ trong khái niệm về tính khả thi. Khoa học không cách gì có thể chứng minh có tính chất thiết yếu cố hữu nào trong sự nối tiếp, nó cũng không thể chứng minh một cách tuyệt đối chắc chắn rằng sự kiện ấy phải được lặp lai".

Hệ quả nối tiếp hợp lý

Trong thời đại ngày nay, có những nhà duy thực chứng luận lý chủ nghĩa (the logical positivism) không công nhận hết thảy các suy tưởng trong khoa học lẫn triết học. Họ cho rằng không thể nào đưa ra lời quả quyết về sự "nhất thiết kết liên nhau" giữa các đối tượng đang thật sự hiện hữu ngoại tại.

Họ giảm thiểu quan hệ nhân quả thành hệ quả nối tiếp nhau có tính luận lý (logical entailment), như đã minh họa trong mối tương quan thiết yếu giữa kết luận và bằng chứng mà từ đó nó được rút tỉa một cách hợp lệ.

Còn nữa, các nhà khoa học, thí dụ giáo sư Martin Christopher Johnson trong cuốn Science and the Meanings of Truth (Khoa học và các ý nghĩa của chân lý, 1946, t.14), viết rằng: "Trong tương lai chúng ta có thể nhắm tới việc sắp xếp các sự kiện thực nghiệm như một khuôn mẫu (pattern) chính thức bằng các ký hiệu chúng ta biết hoặc không cần biết tới ý nghĩa máy móc của chúng". Nói như thế cũng giống như nói rằng cơ học (mechanics) bị giảm thiểu thành hình học và rằng các nỗ lực của khoa học và triết học nhằm ứng xử với những sức mạnh sản sinh là sai lầm.

Quan hệ như hàm số

Có một thông giải thông dụng hơn, như chúng ta đã nêu, là ứng xử với quan hệ nhân quả như một hàm số, thí dụ với hai biến số đã cho. Bất cứ biến đổi nào của cái này cũng kèm theo biến đổi tương ứng của cái kia.

Như thế, đó chỉ là tái phát biểu kết luận của Hume, có thêm một chút, rằng khoa học chỉ có thể ứng xử với hai thành tố "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau" bằng lời dự báo dựa trên tập quán hoặc sự quan sát được lặp lại, vì bất cứ sự dự báo nào thuộc loại như thế cũng chỉ đặt cơ sở trên kinh nghiệm.

Bóng ma Hume

Sự nhấn mạnh của thời hiện đại vào khoa học thống kê (statistics) đã mở rộng phạm vi của tính khả thi trong tri thức khoa học. Và không một nhà khoa học hiện đại nào cảm thấy bị xúc phạm nếu có ai đó nhắc nhở y rằng dự báo của y không chắc chắn mà chỉ có tính khả thi.

Tâm trạng mới mẻ này đã và đang được triển khai bằng chính sự tiến bộ của khoa học, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng lời phê phán của Hume là nỗi châm chọc triền miên khi cổ động cho quan điểm hiện đại.

7. Kant và quan hệ nhân quả

Hume giảm hạ khoa học

Công trình của Hume và sự tán thành của khoa học đã ném vấn đề quan hệ nhân quả vào lòng các triết gia. Ðối với nhiều người, sự giảm thiểu quan hệ nhân quả xuống còn hai thành tố "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau", cũng như sự giảm thiểu "nhất thiết kết liên nhau" thành sự thấy trước của tâm trí dường như đã đi quá xa.

Nếu lập trường ấy đúng, khoa học bị giảm thiểu thành rất nhỏ; nó chỉ còn là sự mô tả các nối kết (conjunctions) của những biến cố xảy ra trong quá khứ. Sự thu nhỏ ấy đẩy khoa học xuống khỏi đài cao đáng hãnh diện của nó, và tạo khó khăn cho việc am hiểu cách khoa học đã và đang tiến hành rất hữu hiệu cùng lý do khiến cho những tiên đoán của nó rất đáng tin cậy.

Nhân quả là nguyên lý trật tự

Ðối với Kant, dường như khoa học mang bản sắc Newton đã quá thành công trong những tiên đoán của nó và trong cách tổ chức tổng quát kinh nghiệm thành những bản báo cáo về các nối kết đã thành thông lệ, trong khi đó khoa học có thể làm hơn thế nữa! Phải có sự "nhất thiết kết liên nhau" của các biến cố, bằng không, không thể hiểu được các kết quả của khoa học.

Vì thế, Kant lập luận rằng quan hệ nhân quả không là tương quan của tự thân các đối tượng mà là nguyên lý về trật tự (the principle of order) do tâm trí đặt ra; nếu không có nguyên lý ấy thì không thể có kinh nghiệm như chúng ta đang biết. Nó là một nguyên lý mang tính chủ quan, giống như thời gian và không gian vậy.

Có thể hiểu dễ dàng lập trường của Kant hơn nếu ta tiếp cận vấn đề ấy bằng một luận cứ khác, đã được Kant sử dụng. Chúng ta hãy giả định theo Locke, rằng tri thức có nghĩa là cái chắc chắn. Hiểu như thế thì về mặt luận lý, không thể nào có mâu thuẫn trong bất cứ lời phát biểu nào được gọi là tri thức.

Phán đoán phân tích hay tổng hợp

Khi phát biểu rằng 2 cộng 2 bằng 4, tôi đang đưa ra một lời tuyên bố chắc chắn vì nó không có khả năng hàm chứa sự mâu thuẫn của nó. Hume phân biệt chân lý thiết yếu (necessary truth) với chân lý tùy thuộc (contingent truth), hoặc phán đoán phân tích (analytic judgment) và phán đoán tổng hợp (synthetic judgment).

Một phán đoán mang tính phân tích khi thuộc từ lặp lại cái đã được đưa ra trong chủ từ. Người ta có thể thấy 2 + 2 = 4 là chắc chắn, vì cả hai vế của phương trình ấy đều phát biểu một điều giống y nhau. Các phán đoán kiểu ấy được gọi là sự lập thừa (lặp lại không cần thiết, tautology); nó chắc chắn nhưng chẳng cộng thêm cái gì vào tri thức của chúng ta, vì chúng chỉ lặp lại trong thuộc từ cái đã được cung cấp trong chủ từ.

Khi thuộc từ phát biểu một cái nhiều hơn cái được chứa đựng trong chủ từ thì phán đoán âáy được gọi là phán đoán tổng hợp. "Lê Văn Tám nói tiếng Ðức" là một phán đoán mang tính tổng hợp vì tôi không thể kể ra bằng cách phân tích ý nghĩa của "Lê Văn Tám" rằng thuộc từ "tiếng Ðức" được qui cách riêng cho anh ta. Các phán đoán kiểu ấy chỉ có thể đặt trên cơ sở kinh nghiệm.

Nếu quan hệ nhân quả biểu hiện sự "nhất thiết kết liên nhau" thì theo Hume, nó phải mang dạng phán đoán phân tích, và ta hẳn có thể quyết định, từ sự khảo sát một nguyên nhân, rằng cái gì sẽ được nhận thấy trong kết quả.

Viện dẫn kinh nghiệm

Lời phán đoán "Chìm dưới nước suốt 60 phút thì ai cũng phải chết", là một thí dụ cho cái được nhiều người xem là lời phát biểu đúng, dựa trên sự nhất thiết kết liên nhau. Chúng ta chẳng chút ngại ngần khi đưa ra những lời phát biểu kiểu ấy vì chúng đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của chúng ta.

Hãy giả định một câu chuyện về A-đam và E-va, hai con người đầu tiên trong Kinh thánh. Lần thứ nhất cả hai tới bên bờ hồ trong vườn địa đàng mà chẳng biết chút nào về đặc tính của nước. Nhìn xuống mặt nước hồ trong vắt, sâu thẳm và lóng lánh như pha lê, E-va thấy bóng hình mình ở dưới nước, chung với tôm, cá, cua, v.v. nhưng không được nhởn nhơ bơi lội như chúng. Và nàng nói với A-đam rằng nàng muốn được hiệp đàn với chúng để cùng chúng tung tăng bơi lội. Lúc đó, liệu A-đam có thể tiên đoán rằng sự chìm xuống nước của E-va trong một thời gian đủ dài, sẽ khiến cho vợ mình chết?

Chừng nào A-đam còn chưa hề nhìn thấy người nào bị chết dưới nước và chưa nghe nói tới việc chết đuối, chừng đó ông vẫn không thể đưa ra lời tiên đoán ấy, vì không có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa ý tưởng nước và ý tưởng cái chết. Sau khi thấy ai đó chết đuối, A-đam mới có thể đưa ra lời tiên đoán kiểu ấy, nhưng đó là một tiên đoán đặt cơ sở trên sự quan sát. Ông vẫn không thể đưa ra lời tuyên bố ấy một cách chắc chắn vì trong chừng mực hiểu biết của ông, người kế đó nhảy xuống nước chưa hẳn đã chết, y có thể tiếp tục sống.

Hậu nghiệm và tiên nghiệm

Phán đoán nào cộng thêm vào tri thức của chúng ta nhưng tùy thuộc vào kinh nghiệm hay quan sát, được gọi là phán đoán tổng hợp hậu nghiệm (a posteriori synthetic judgment), nó không thể là cơ sở chính xác và tiên đoán chắc chắn. Theo Hume, hết thảy các phán đoán khoa học đều mang tính tổng hợp hậu nghiệm. Các tiên đoán khoa học không thể hàm chứa sự chắc chắn.

Chừng nào các phán đoán còn đặt cơ sở trên kinh nghiệm, chừng đó chúng vẫn còn bị gọi là hậu nghiệm (a posteriori), ngược lại các phán đoán có thể lập thành mà không viện dẫn kinh nghiệm được gọi là tiên nghiệm (a priori). Có thể rút gọn những phát biểu ấy của Hume thành lời quả quyết rằng chỉ có thể có hai loại phán đoán:

a. Phán đoán tổng hợp hậu nghiệm (a posteriori synthetic judgment);

b. Phán đoán tổng hợp tiên nghiệm (a priori synthetic judgment).

Mọi phán đoán khoa học đều có tính tổng hợp hậu nghiệm vì chúng không cộng thêm vào tri thức của chúng ta mà chỉ đặt cơ sở trên kinh nghiệm.

Ðể dự báo chắc chắn

Kant tin rằng khoa học cộng thêm vào tri thức của chúng ta và vì thế, có thể lập thành những dự báo chắc chắn. Ðể chứng minh sự tin tưởng ấy, Kant phải cho thấy một cách thiết yếu rằng có thể có phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, thí dụ tri thức có thể được gia tăng mà không cần phải hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm.

Ông tìm ra câu trả lời bằng cách phân biệt những đóng góp của giác quan và những đóng góp của tâm trí vào trong cái biết. Giác quan cung cấp cho chúng ta nội dung của kinh nghiệm, còn lý trí cung cấp cho chúng ta các dạng thức để tổ chức nội dung ấy. Không thể có kinh nghiệm như chúng ta đang biết nếu không có cả nội dung lẫn dạng thức ấy.

Tiên nghiệm không gian và thời gian

Không gian và thời gian là hai dạng thức của cảm quan (forms of sensibility) được áp đặt trên các dữ liệu trong hành động tiếp nhận chúng. Lời phát biểu này không đặt cơ sở trên sự quan sát; nó là tiên nghiệm (a priori). Theo Kant, các ý tưởng của chúng ta về không gian và thời gian không thể rút tỉa từ kinh nghiệm. Chúng là những điều kiện mà nếu không có chúng thì không có kinh nghiệm.

Các phát biểu đưa ra về không gian và thời gian, được đánh giá trong tự thân chúng là áp dụng được, một cách thiết yếu, ở bất cứ nơi nào tìm thấy không gian và thời gian. Do đó, kiến thức có tổ chức của toán học (the science of mathematics) – vốn liên quan tới không gian và thời gian – có thể lập thành những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm.

Quan hệ nhân quả là trật tự

Thế giới như chúng ta biết, là một thế giới có trật tự, và một dạng thức của trật tự đó như chúng ta biết, là quan hệ nhân quả. Thiên nhiên hoặc kinh nghiệm của chúng ta rất được tổ chức tới độ mỗi biến cố phải được sản sinh từ một biến cố tự nhiên đi trước nó theo một cung cách thiết yếu. Ðiều ấy không do bởi sự tương hợp tự nhiên nào trong tự thân các đối tượng mà do bởi nguyên lý quan hệ nhân quả có tính tiên nghiệm (a priori principle of causality) qua đó chúng được sắp xếp thành trật tự trong kinh nghiệm của chúng ta.

Do đó, đối với Kant, quan hệ nhân quả không thuộc về bản thân các đối tượng; nó là một nguyên lý chủ quan, một điều kiện thiết yếu và tuyệt đối để có kinh nghiệm. Chừng nào khoa học còn ứng xử với loại trật tự này, chừng đó khoa học còn hoàn toàn được biện minh và có thể lập thành những tiên đoán về dòng chảy của các biến cố.

Chỉ biết vẻ ngoài của thế giới

Lý thuyết này của Kant có ý định biện hộ cho thực hành khoa học, chống lại *chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) của Hume và đồng thời giải quyết vấn đề tự do của con người trong một thế giới bị khống chế rõ rệt bởi quan hệ nhân quả.

Tuy nhiên, nó cũng hàm ý rằng chúng ta không thể có tri thức về thế giới vì quả thật thế giới hiện hữu độc lập với người nhận thức. Chúng ta chỉ có thể biết thế giới trong chừng mực nó lộ ra cho chúng ta.

 

IV. Các thông giải thời hiện đại

1. Ðặt vấn đề

Vấn đề quan hệ nhân quả xoay quanh (1) tính khả thi của sự dự báo (2) ý nghĩa thích đáng của nguyên nhân và (3) ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau". Chúng ta sẽ xem xét các thông giải thời hiện đại dưới ánh sáng của các vấn đề ấy.

Có lẽ cả ba cái đó là những vấn đề không thật sự riêng rẽ nhưng quyện vào nhau một cách chặt chẽ. Tuy thế, để có thể trình bày rõ ràng hơn, chúng ta sẽ ứng xử với từng vấn đề một. Bằng cách đó, chúng ta sẽ có thể am hiểu cơ sở của sự dự báo khoa học và chuẩn bị cho việc khảo sát vấn đề tự do của con người.

2. Nguyên nhân là toàn bộ hoàn cảnh

Toàn bộ hoàn cảnh

Có sự thừa nhận tổng quát rằng một phần luận cứ của Hume không có giá trị vì giả định của ông về nguyên nhân vừa mang tính hạt nhân vừa riêng rẽ. Theo hệ thống của Hume, có một nguyên nhân đơn lẻ, bằng cách này hoặc cách nọ, nối kết với một kết quả đơn lẻ. Ðối với Hume, vì sự "thiết yếu kết liên nhau" tuyệt đối chắc chắn không là đặc điểm hoặc phẩm tính của đối tượng nào và ta không thể trải nghiệm nó như một tương quan nên nó phải có tính chủ quan và đơn thuần là một hành động thấy trước của tâm trí.

Trong chương bàn về bản thể, chúng ta đã thấy các nhà tư tưởng hiện đại buông bỏ ý tưởng về các cá thể có tính hạt nhân và riêng rẽ, và thay vào đó bằng khái niệm quan hệ hữu cơ hoặc tương liên. Do đó, theo quan điểm hiện đại, phải thông giải quan hệ nhân quả bằng toàn bộ hoàn cảnh tự nó phô diễn trong một biến cố cá thể. Cái toàn bộ ấy chứa đựng hệ thống toàn bộâ mà nếu không có nó thì chẳng am hiểu được gì – dù chúng ta có thể dùng nó cho mục đích cô lập hoặc chiết ra các thành tố thích đáng nhất hoặc được quan tâm nhất.

Chuyện cái bạt tai

Hôm ấy, nhà doanh nghiệp Dương Văn Bảnh trải qua một ngày tệ hại trong công ti của mình. Cô thư ký giỏi nhất bỗng nghỉ việc vì bị cúm. Khách hàng không ký kết một số hợp đồng như đã dự trù. Thông báo của sở thuế vụ báo cho biết sắp tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu. Từ văn phòng, ông trở về nhà với đầu óc nặng nề, căng thẳng.

Trong khi ngồi chờ ăn tối, Dương Văn Bảnh bực mình vì tiếng con chó cứ chỏ mõm sang hàng xóm mà sủa và tiếng mèo cào lung tung mặt ghế xa-lông. Cậu con trai cả của ông ở trên lầu nghe nhạc giật gân, mở máy lớn hết cỡ, tiếng trống dộng xuống thình thịch. Cô con gái thứ hai khóc ỉ i vì bị mẹ cấm không cho đi "múa đôi" với bạn bè tối nay. Ông cố gắng che giấu tình trạng khó chịu của mình bằng cách tự pha một tách cà phê rồi chúi mũi vô tờ báo.

Thình lình, cậu con út của Dương Văn Bảnh chạy ào vô phòng, nhảy thót lên bụng bố, làm tách cà phê ông đang uống bị vuột tay đổ đầy chiếc áo sơ-mi ông mới được biếu. Tiếp liền đó, vợ ông đi vào. Và không một chút rào đón, bà bảo ông đưa tiền ngay cho kịp đi mua chiếc áo đầm kiểu mới nhất, để cuối tuần diện đi dự dạ hội cựu nữ sinh trường Trưng Vương; xe nhà đang nổ máy chờ sẵn ở ngoài sân. Không nói không rằng, Dương Văn Bảnh vung tay bạt tai vợ một cái. Bà nổi điên, bốc điện thoại gọi cảnh sát! Thế thì theo bạn, cái gì là nguyên nhân của cái bạt tai ấy?

Biến đổi mang tính chuyển tiếp

Ở đây, rõ ràng không có một thành tố đơn lẻ và cô lập nào có thể "thiết yếu kết liên nhau" để đưa tới kết quả riêng rẽ là bà vợ của Dương Văn Bảnh bị ăn một bạt tai. Toàn bộ hoàn cảnh đều liên quan tới hành động ấy. Nếu có nhiều người cùng quan sát hoạt cảnh gia đình đó và rồi được yêu cầu giải thích hành động của nhà doanh nghiệp Dương Văn Bảnh, họ có thể chọn ra các thành tố khác nhau như là những thành tố thích đáng.

Rõ ràng không một thành tố đơn lẻ nào đủù khả năng làm thành cái bạt tai ấy. Muốn thông giải thỏa đáng, ta phải bao gồm toàn bộ hoàn cảnh được mô tả ở đây, cộng thêm các yếu tố có thể phát hiện qua một cuộc điều tra. Thật phi lý khi tìm kiếm nguyên nhân đơn lẻ hầu giải thích một biến cố hoặc một kết quả đơn lẻ.

Nếu nguyên nhân thật sự là toàn bộ hoàn cảnh, rõ ràng phải khảo sát vấn đề phân biệt giữa nguyên nhân và kết quả. Lúc này chúng ta đang ứng xử với một hệ thống các biến cố mà cái này tác động lên cái kia, phát sinh hoặc hòa trộn thành một biến cố có thể phân biệt. Không có chỗ cách quãng giữa nguyên nhân và kết quả, đúng hơn, có một loại biến đổi mang tính chuyển tiếp mà ta hẳn kỳ vọng trong một vũ trụ năng động và có hệ thống.

2. Thiết yếu kết liên nhau

Phải có sự thiết yếu

Thế thì "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau" là những ý tưởng hợp qui cách trong bất cứ thông giải nào về quan hệ nhân quả dù chúng phải được tái thông giải bằng một hệ thống hữu cơ (an organic system). Còn "thiết yếu kết liên nhau" thì sao? Whitehead lập luận rằng Hume sai khi ông phủ nhận thành tố "thiết yếu kết liên nhau", và vấn đề quan trọng là phảùi thông giải nó thêm lần nữa.

Trong một vũ trụ năng động nơi sự biến đổi (vô thường, change) có tầm quan trọng và có ý nghĩa cực kỳ, phải xảy ra cái gì đó; mỗi hoàn cảnh phải tự nó thao tác thành biến cố nào đó. Theo ý nghĩa đó thì có sự thiết yếu, hiểu như thành tố "thiết yếu kết liên nhau".

Thêm nữa, một biến cố được triển khai sẽ là một loại biến cố chỉ có thể phát khởi từ một loại hoàn cảnh. Sự tạo dựng từ hư không chỉ là vô nghĩa. "Nihil ex nihilo: không có gì đến từ hư không". Có sự thiết yếu kết liên nhau theo ý nghĩa rằng phải có cái gì đó xảy ra và cái đó sẽ được quyết định, bằng một cách nào đó, bởi một hoàn cảnh mà từ đó nó xuất hiện. Thiên nhiên không cho phép có sự cách quãng hoặc thất thường nào.

Phải thiết yếu kết liên nhau

Nếu khảo sát hết mọi khía cạnh của một biến cố, chúng ta có thể nhận ra sự thiết yếu kết liên nhau giữa nó và các điều kiện của nó. Không có các điều kiện ấy, biến cố ấy không thể là loại biến cố xảy ra đúng như nó phải xảy ra. Có phải như thế có nghĩa rằng tri thức đầy đủ về hoàn cảnh hiện tại có thể khiến cho ta có khả năng dự báo chính xác cái sẽ xảy ra vào khoảnh khắc sắp tới?

Ngang đây, ta phải cảnh giác trước khả năng có thể hiểu sai vấn đề. Thành tố "thiết yếu kết liên nhau" có thể bị đọc ngược trở lại, theo ý nghĩa rằng với một kết quả đã định, ta có thể cho thấy sự tùy thuộc của nó vào các điều kiện của nó. Không thể nào dự báo một cách chắc chắn dòng chảy của tương lai.

Nguyên lý sáng tạo

Ngày nay, có sự đồng thuận tổng quát và tương đối về việc không thể tiên đoán các hoàn cảnh tương lai ngoại trừ ở những nơi mà các thành tố liên hệ đều rất đơn giản. Theo khái niệm của thuyết tiến hóa hiển lộ (the emergent evolution), người ta giả định rằng trong vũ trụ có một nguyên lý sáng tạo (a principle of creativity) giải thích sự xuất hiện của các kết quả mà về mặt phẩm tính, được phân biệt rõ ràng với các điều kiện của chúng. Chừng nào chúng còn được phân biệt rõ ràng về mặt phẩm tính, chừng đó vẫn không thể dự báo chúng một cách trọn vẹn.

Có một ý nghĩa thật sự, theo đó, một nhà tâm lý học nắm vững hoàn toàn những cái ưa và không ưa của con người, có thể tiên đoán một loại phản ứng mà tôi sẽ có trong các hoàn cảnh tương lai. Sự dự báo của y có khả năng chính xác vì cái tôi đang là, vào khoảnh khắc đi vào tương lai đó, là một thành tố quan trọng cho việc trở thành cái tôi của tôi sẽ là. Tuy thế, chừng nào tôi còn thưởng thức các kinh nghiệm mới và thấm nhuần các ý tưởng mới, chừng đó triển vọng của tôi vẫn có thể hoàn toàn khác, và vì có khả năng "biến tấu" như thế nên các dự báo đều "hơi bị sai"!

3. Lực theo quan điểm hiện đại

Không có sự truyền lực

Nếu những phân tích ấy về quan hệ nhân quả là chính xác thì chỉ có một thành tố bị loại khỏi sự phân tích của Hume, đó là "truyền lực cho nhau". Trong tư tưởng hiện đại, sự giao truyền ấy hoàn toàn không có ý nghĩa. Nó không phải là vấn đề hoàn cảnh sản sinh kết quả bởi một quyền năng lạ lùng nào đó được gọi là lực hay sức mạnh (force), mà là vấn đề hoàn cảnh biến đổi qua thời gian.

Như giáo sư Clifford Barrett đã viết trong cuốn Philosophy: an Introduction Study of Fundamental Problems & Attitudes (Triết học: nghiên cứu dẫn nhập về các vấn đề nền tảng và các thái độ, 1946) rằng: "Ý niệm về lực có tính nhân quả... phải bị bác bỏ vì hoàn toàn không hợp thời và không có một nền tảng hoặc một cơ sở nào biện minh cho nó... Ngày nay, quan hệ nhân quả không có nghĩa là một sức mạnh mà là một trật tự của các biến cố".

Khoa học hiện đại tự nó không còn quan tâm tới việc truy tầm những lực như thế. Những biến đổi được ghi lại trong vật lý học và hóa học có thể được trình bày dưới dạng cấu trúc mà không cần viện dẫn bất cứ ảnh hưởng bí nhiệm nào.

Bằng cớ và kết luận

Có lẽ toàn bộ lý thuyết ấy có thể được minh họa tốt nhất bằng cái sẽ xảy ra khi từ chứng cớ, ta rút tỉa ra được một kết luận. Rõ ràng kết luận thì khác với chứng cớ cũng như kết quả thì khác với nguyên nhân, tuy nhất thiết chúng phải ràng buộc với nhau nếu kết luận ấy có giá trị.

Hẳn phi lý khi giả dụ rằng bằng cớ sản sinh kết luận; cũng thật thích đáng khi nói rằng kết luận được hàm ý trong bằng cớ theo nghĩa bằng cớ được cung cấp đó mang một dạng thức mà bằng cách hệ thống hóa chúng, chúng ta tìm thấy trong kết luận.

4. Quan hệ nhân quả và khoa học

Thông giải vừa kể là hệ quả của sự nhấn mạnh một cách khái quát hệ thống hoặc tiến trình trong tư tưởng hiện đại và sự bác bỏ quan điểm mang tính hạt nhân (the atomic point of view).

Các nội hàm triết học của cái nhìn duyệt xét quan hệ nhân quả ấy có tầm quan trọng sống còn, vì toàn bộ lập trường của thuyết máy móc chủ nghĩa (mechanism) phủ định tự do và dựa vào quan điểm xưa cũ về quan hệ nhân quả như một loại nguyên lý kiểm soát cùng dồn ép mọi sự vào một chủ nghĩa tất định khắc nghiệt.

Cấp độ của dự báo khoa học

Chừøng nào khoa học còn xem tính chất chắc chắn trong các dự báo khoa học như là thành phần cốt tủy của công tác khoa học, chừng đó quan điểm xưa cũ ấy vẫn rất tương hợp với lợi ích và quan tâm khoa học. Nhưng may thay, khoa học ngày nay bằng lòng với sự thành tựu tính khả thi ở một cấp độ cao.

Dù gì đi nữa, lối giải thích này có vẻ như cách biệt với sự thực hành thật sự của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Khi nhà khoa học ghi nhận các điều kiện cùng các kết quả của một cuộc thí nghiệm, và tin rằng bất cứ người nào khác được cung cấp các điều kiện giống như thế cũng sẽ đạt các kết quả giống như thế, y đang áp dụng nguyên lý quan hệ nhân quả cho một hoàn cảnh hữu hạn và cô lập. Kết quả của phương pháp ấy dường như chứng minh cho trình tự ấy.

Cần phải ghi nhận rằng đây là một thí dụ khác nữa về sự trừu tượng hóa rất thiết yếu cho khoa học, và không thể chấp nhận nó như là bằng cớ cho bản tính tổng quát của vũ trụ. Bằng cách cô lập một vùng nhất định của thế giới không-thời-gian (the space-time world) hoặc bằng cách tập trung vào các thành tố trong một hoàn cảnh thích đáng cho vấn đề ấy, có thể sở đắc các kết quả chứng minh cho thực tiễn ấy.

Dễ bị lầm lạc

Khi chúng ta thử triển khai các phương pháp hữu hạn trong phòng thí nghiệm tới các vấn đề rộng lớn hơn của bản tính vũ trụ, thì chính sự thành công của chúng có thể làm chúng ta lầm lạc. Thậm chí kết quả của các ngành khoa học tự nhiên với giả định này còn có thể làm lầm lạc các nhà khoa học trong các ngành khác vốn xem các ngành khoa học tự nhiên như những thí dụ lý tưởng của phương pháp khoa học.

Từng có thời các ngành khoa học xã hội xem vật lý học và hóa học là hai ngành khoa học cơ bản; họ hi vọng có thể xử lý thỏa đáng các vấn đề xã hội và con người nếu họ chỉ sử dụng các phương pháp của vật lý học và hóa học. Thế rồi càng lúc càng rõ ra rằng cách thế đó chẳng dẫn tới cơ may thành công nào cả.

Tập trung vào hoàn cảnh

Ngày nay, nhất thiết phải buông bỏ sự tìm kiếm các nguyên nhân riêng rẽ của động thái con người liên quan tới các kết quả riêng rẽ và phải tập trung nhiều hơn vào hoàn cảnh tổng quát, với sự nhấn mạnh các thành tố mà về mặt thống kê, có thể cho thấy có tương quan với kết quả.

Người ta không còn xa lạ với khả năng sai lầm của các dụng cụ thống kê. Thật thế, sự thông giải các sự kiện còn tùy thuộc vào kỹ năng hợp tác và phê phán của các nhà khoa học có đào tạo. Phải vứt bỏ bất cứ niềm hy vọng nào vào sự hoàn toàn kiểm soát các thành tố xã hội hoặc tiên đoán tuyệt đối và các khuôn mẫu tương lai, vì các phương pháp rất thận trọng đều đặt cơ sở trên cấp độ khả thi của chúng.

 

V. Tóm lược

Tụ thành và sản sinh

Chúng ta có thể tóm lược chương này bằng cách vạch rõ rằng các luận cứ của Hume đều có giá trị chống lại bất cứ quan điểm nào về quan hệ nhân quả dựa trên sự trừu tượng hóa hẹp hòi. Không thể ứng dụng chúng ở nơi mà quan hệ nhân quả được xem như một tiến trình qua đó một hoàn cảnh phát triển theo thời gian, và trong khi tự nó tụ thành một biến cố mới, sản sanh một loại biến cố mới.

Theo ý nghĩa ấy, có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa hoàn cảnh và sự biểu lộ của nó, nhưng sự thiết yếu kết liên nhau ấy giữa hoàn cảnh và kết quả không nhất thiết biến một biến cố trong tương lai thành có thể tiên đoán được, thí dụ không thể nào đoán trước chính xác định hướng của sự tụ thành ấy cho tới khi nó thật sự xảy ra. Và sự việc ấy có thể biến hóa tùy theo loại hoàn cảnh.

Dự báo và biến hóa

Nếu chúng ta quan sát việc xây cất một ngôi nhà và biết ít nhiều về kỷ năng của toán thợ, thị hiếu của chủ nhân sắp tới và đọc bản thiết kế, chúng ta có thể hình thành một hình ảnh thích đáng và hợp lý về ngôi nhà tương lai ấy. Chúng ta tương đối an toàn khi bác bỏ tính khả thi của các thiên tai như động đất hoặc bão tố có thể gây trở ngại cho việc hoàn tất ngôi nhà. Trong trường hợp như thế, có khả năng rất cao rằng kết quả sẽ diễn ra đúng như trông đợi.

Khi chúng ta cố gắng dự báo sự bùng nổ chiến tranh, chúng ta có thể sai lầm về thời gian, nơi chốn, các chiến binh và bản tính tổng quát của cuộc chiến tranh ấy. Ở nơi các thành tố liên hệ biến hóa cực kỳ và vô lượng hoặc tùy thuộc vào quyết định của con người, bất cứ dự báo nào cũng là đối tượng của sự sai lầm đáng kể.

Có thể đặt dòng chảy tương lai của xã hội và lịch sử vào trong bản hạng mục (category) này. Tiếp đến, không thể chấp nhận bất cứ học thuyết khắc nghiệt nào trong khuôn khổ tất định chủ nghĩa. Và điều ấy có nghĩa là buông bỏ hoặc nghiêm chỉnh duyệt xét lập trường triết học của thuyết duy máy móc chủ nghĩa vốn được kết hợp với sự thông giải tiền-Hume về quan hệ nhân quả.n

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3898
Ngày đăng: 06.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư - Kiệt Tấn
Chân lý là đất không lối mòn - Krishnamurti
Trung Quốc phải chấm dứt ngay giọng điệu hiếu chiến - Đinh Kim Phúc
Bàn về Không gian và thời gian-1 - Nguyễn Ước
Bàn về Không gian và thời gian-2 - Nguyễn Ước
Thơ cần thiết cho ai - Billy Collins: Một ngày nữa thôi - Nguyễn Đức Tùng
Bàn về Lượng tính - 1 - Nguyễn Ước
Bàn về Lượng tính - 2 - Nguyễn Ước
Heuréka! - Imre Kertész
Di sản hằn sâu của châu Âu - Imre Kertész
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)