Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.063
123.234.269
 
Tự Thuật
Nguyễn Thành Thống

Tự Thuật 1


Tôi cho rằng sáu năm ở Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang (1960-1966) là những năm quyết định sự hình thành những nét cơ bản định hướng và sở thích của tôi. Đó cũng là những năm tôi học được phương pháp làm việc: tự học và giờ nào việc nấy (age quod agis). Chính nhờ phương pháp này mà tôi đã có được những thành đạt hiện nay.Cuốn sách đầu tiên tôi đã đọc say mê ngày đêm là cuốn Lỗ Bình Sơn trên hoang đảo, một bản dịch tiếng Việt cuốn Robinson Crusoe của Daniel Defoe. Sau đó là cuốn Vô gia đình (Sans Famille của Hector Malot). Và rồi đến Tâm hồn cao thượng (Les Grands Coeurs-Cuore- của Edmondo de Amicis). Tất cả đều là bản dịch tiếng Việt của Hà Mai Anh. Tôi đã đọc những cuốn sách này trong thời gian ở Tiểu chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Chuyện trong sách vở làm tôi mơ mộng, hun đúc tình cảm và ý chí của tôi. Tôi vốn là người mơ mộng. Không sao! Ông tổ chế tạo xe Honda là tổ sư mơ mộng. The Power of Dreams.Điều tôi muốn nói ở đây là người đã định hướng cho sự mơ mộng của tôi là Cố Hồng (Joseph Victor Clause 1901-1971). Thật vậy. Xuất thân là một đứa bé nhà quê của làng Cà Đú khỉ ho cò gáy, tôi lại mê thiên văn học và cổ ngữ! Tôi nghe mấy chú lớn đồn rằng Cố Hồng biết tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp. Đó là chưa nói, ngoài tiếng Pháp, cố còn biết tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Có những đêm tôi thấy cố nhìn trời ngắm sao. Chắc cố phải giỏi thiên văn hơn Cố Lành (Michel Gervier). Cố Lành chỉ nói suông chứ có ngắm sao bao giờ đâu. Chính vì phục Cố Hồng mà từ khi còn rất nhỏ tôi đã có ý định học thiên văn và những cổ ngữ của vùng Trung Đông, vùng Lưỡng Hà Địa (Mesopotamia). Và nhất là phải học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp để đọc Kinh Thánh trong nguyên bản. Rõ là mơ mộng! Chuyện này về sau Cố Lành đã khẳng định: "Tu es un rêveur”.  Cố Lành luôn nói với tôi như vậy mỗi khi tôi đến mượn cố cuốn Astronomie to đùng để xem (lúc ấy là vào năm lớp cinquième - 1964). Mãi mãi về sau tôi mới mua được cuốn sách này (Astronomie. L.Rudaux & G.De Vaucouleurs. 1956). Khi có được cuốn sách ấy thì những kiến thức về thiên văn học trong đó cũng đã lỗi thời rồi, nhưng tôi vẫn luôn giữ nó để làm kỷ niệm. Vì muốn giống Cố Hồng nên đêm nào tôi cũng nhìn sao. Vì không có ai chỉ dẫn nên tôi phải tự mày mò tìm lấy. Tôi tìm các chòm sao bằng cái bản đồ nhỏ xíu in trong cuốn Petit Larousse. Ngày nay tôi vẫn tự hào khoe với mọi người rằng mình có thể xác định được các sao và các chòm sao trên trời bằng mắt thường. Năm 1981, trong bữa tiệc đám hỏi của tôi, chú vợ tôi là bác sĩ Nguyễn văn Thọ, lúc ấy đang nghiên cứu về thiên văn học Trung Hoa, đã hỏi đố tôi: trong chòm sao Orion, ngôi sao nào nhìn bằng mắt thường màu đỏ, ngôi nào màu xanh? Tôi đã trả lời ngay: sao Rigel đáng lý ra phải màu đỏ, vì chữ Rigel gần với chữ rouge, nhưng lại màu xanh; còn sao Bételgeuse lại là màu đỏ. Cũng vì thích thiên văn như thế nên bắt đầu từ năm lớp seconde đến hết năm lớp terminale tôi đã học rất giỏi môn physique (vật lý). Tôi có ý định trở thành nhà thiên văn học! Vì thế, năm 1969, tôi đã đến xin Đức cha Thuận (tức Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sau này) về, không đi tu nữa. Đức cha đã thuyết phục được tôi, từ chuyện xin ra tôi đồng ý đi probation (đi giúp xứ)! Thế mới biết tài thuyết phục của Đức cha Thuận. Nhưng sau đó ngài lại đổi ý, cho tôi ra, và ngài “bắt” tôi phải ở trong cư xá Đắc Lộ thuộc Trung Tâm Đắc Lộ Saigon của các cha Dòng Tên. Chính vì quyết định này của Đức cha mà tôi vẫn thường nại cớ việc tôi xuất là theo quyết định của bề trên.

 

Khi vào Sài Gòn học, tôi lại không học vật lý mà học tiếng Anh và tiếng Việt! Trời trớ trêu như vậy đó. Thế mới biết mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Thật ra tôi tin vào sự Quan Phòng hơn. Đâu ai ngờ về sau tôi lại sống bằng nghề dịch thuật; chủ yếu là dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Và tiếng Anh là chìa khóa để tôi mở tung mọi lãnh vực. Trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 506, ra ngày 1.9.2004, tôi có nói với người viết bài về tôi: "…chỉ cần biết tiếng Anh là có thể học được nhiều ngoại ngữ kể cả cổ ngữ Sumer!" Thế là từ bỏ mộng trở thành nhà thiên văn, nhưng tôi vẫn còn thích thiên văn. Hiện nay ban đêm tôi vẫn còn ngắm sao trên sân thượng và tôi thường nói đùa với bạn bè là nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận chính là hóa thân của tôi. Nhưng mơ ước học những cổ ngữ vùng Trung Đông thì vẫn luôn “cháy bỏng trong tôi” và từ từ tôi đã thực hiện được.
Rất tiếc tôi đã không được học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp với cố Hồng, vì Tiểu chủng viện không dạy hai cổ ngữ này. Trong các Đại chủng viện ở Việt Nam hiện nay cũng không có dạy. Thật đáng tiếc! Đã nhiều lần tôi đề nghị với Cha giám học Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang để tôi dạy không lấy tiền hai cổ ngữ này, nhưng không được chấp thuận. Cũng phải thôi. Đâu ai biết trình độ của tôi tới đâu, hơn nữa các Đại chủng sinh bao giờ cũng cho rằng mình học quá tải rồi. Như đã nói, tôi không được học những linguae sacrae (ngôn ngữ thánh) này với Cố Hồng, nhưng tôi đã chọn cố làm cha linh hướng và được học tiếng Anh và tiếng Latinh với cố. Tôi đã học hai môn này rất giỏi và tôi còn nhớ như in chữ viết nhỏ nhắn và đều đặn của cố viết trên vở của tôi. Thật ra tôi chưa từng nghe Cố Hồng đề cập đến hai cổ ngữ này bao giờ. Trên kệ sách của cố tôi cũng chẳng thấy cuốn sách tiếng Do Thái tiếng Hi Lạp nào. Tại sao tôi biết? Chuyện là thế này: cố thường ngồi giải tội ở bên trong, phía sau màn, thế là tôi tranh thủ mò tìm sách mỗi khi tôi đứng chờ tới phiên mình ở phòng ngoài của cố! Nói ra điều này tôi không có ý nghi ngờ vốn liếng tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp của cố. Các chú lớn đã nói thế, làm sao sai được? Cố savant (thông thái) như thế phải biết chứ. Tôi cứ ôm ấp mãi ước muốn học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp để đọc Kinh Thánh trong nguyên bản nhưng không thực hiện được, vì lúc ấy theo như tôi biết, chỉ ở Giáo Hoàng Học Viện Đà lạt mới có giáo sư dạy tiếng Do Thái và Hi Lạp. Nhưng ở đó cũng không dạy chính khóa hai cổ ngữ đó.

 

Mãi cho đến năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ra trường đi dạy tôi mới thực hiện được mong ước. Nhưng lần này tôi lại học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp với một Mục sư Tin lành người Mỹ, tiến sĩ Orrel Steinkamp, giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Trường hợp tôi gặp vị mục sư này cũng thật hy hữu. Một buổi chiều  năm 1972 tôi đang đi lang thang trong khu vực của Thánh Kinh Thần HọcViện trên đồi cạnh Hòn Chồng Nha Trang tôi thấy một ngả rẻ vào ngôi nhà thờ nhỏ của Viện. Có một bản nhỏ ghi không cho phép vào khu vực cấm này, nhưng tôi cứ vào. Một chiếc Volswagen màu trắng đang xổ dốc, thấy tôi đang đi vào khu vực cấm, một ông người Mỹ ngừng xe lại nói bằng tiếng Việt rằng tôi đang đi vào một khu vực cấm. Tôi nói ngay rằng tôi nghĩ đây là Thánh Kinh Thần Học Viện nên chắc chắn có thầy dạy tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp ở đây, tôi muốn gặp vị giáo sư đó. Ông người Mỹ đó bảo ông chính là người day tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp ở đây. Vâng đó chính là mục sư Orrel Steinkamp. Mục sư đang trên đường đi đánh tennis bên Nha Trang nhưng thấy tôi “hơi lạ” nên mục sư quyết định bỏ buổi đáng tennis đó, quay xe lại đưa tôi vô nhà. Sau giây phút làm quen và biết tôi muốn học tiếng Do Thái và tiếng Hi Lạp, mục sư cho tôi mượn cuốn Teach yourself Hebrew (1965) của R.K.Harrison. Một tuần lễ sau tôi quay lại thưa rằng cuốn sách đó “chả làm ăn gì được”, tôi muốn học thực sự để đọc được Kinh Thánh trong nguyên bản. Và thế là việc học hai cổ ngữ này được bắt đầu tại ngay nhà mục sư. Sách thì mục sư cho mượn. Đó là cuốn A Practical Grammar for Classical Hebrew (1967) của J.Weingreen và cuốn The Elements of New Testament Greek (1971) của J.W.Wenham. Đây là hai cuốn sách giáo khoa kinh điển mà ai học Do Thái và Hi Lạp Kinh Thánh bằng tiếng Anh đều biết. Về sau mục sư còn trang bị cho tôi một cuốn Langenscheidt Pocket Hebrew Dictionary (1969) của Dr. Karl Feyerabend. Vào mùa hè năm đó mục sư về Mỹ nghỉ hè nên đã mua những cuốn sách mới cho tôi, tôi đã xin mục sư cho tôi được giữ luôn những cuốn sách đang mượn, để làm kỷ niệm, còn mục sư thì dùng những cuốn mới mua. Mục sư đã đồng ý và tôi đã gửi lại tiền sòng phẳng rất ư là Mỹ. Sau này tôi còn mua được cuốn A Concise Hebrew and Aramaic Lexicon of the old Testament (1971) của William L. Holladay chủ biên. Thế là có đủ dụng cụ học tập. Ngày nay tôi vẫn trân trọng giữ những kỷ niệm ấy. Cách thức học thì như sau: hằng tuần tôi đến nhà thầy hai lần để làm bài tập và xem thầy sửa bài đồng thời đưa ra những thắc mắc; phần ngữ pháp thì tôi tự học trước ở nhà. Mục sư Orrel Steinkamp là người rất khiêm tốn và cẩn thận. Mỗi khi tôi hỏi những điều “cắc cớ” ông không trả lời ngay được, bao giờ ông cũng bảo hãy để ông tra cứu lại lần sau sẽ trả lời chính xác. Tôi đã học được sự khiêm tốn và cẩn thận này nơi mục sư. Và từ đó tôi không bao giờ “đối phó” với học trò của tôi mỗi khi có một hoc trò nào của tôi “đưa tôi vào thế bí”. Tôi học như vậy được ba năm thì giáo sư phải về nước vào năm 1975. Lúc ấy tôi đã bắt đầu đọc được lai rai Kinh Thánh trong nguyên bản rồi. Từ đó đến nay tôi cứ phải ôn đi ôn lại hoài để khỏi quên. Tôi đã cố tìm ai đó để dạy nhưng “chả ma nào” chịu học cả. Người ta bảo khó và không thực tế!

 

Khoảng năm 1995, nhân đọc tập sách Chúa Kitô đã sống lại của Linh Tiến Khải (tức linh mục Hoàng Minh Thắng, một bạn học củ của tôi ở collège d’Adran Dalat, một học viên của Pontificium Institutum Biblicum Roma) tôi biết được “…Những khám phá trong lãnh vực cổ ngữ trong các thập niên vừa qua đã giúp các dịch giả và chuyên viên Kinh Thánh hiểu biết Kinh Thánh rõ ràng và chính xác hơn. Chúng tôi muốn nói đến hai thứ tiếng Ugarít và Ebla là hai thứ tiếng đã gây chấn động trong giới học giả Kinh Thánh, và hiện đang giúp rất nhiều trong việc hiểu biết bản văn Kinh Thánh Cựu Ước Do Thái.” (sđd. trg. 2). Thế là tôi bắt đầu tìm sách để tự học hai cổ ngữ này. Tìm là được. Chuyện khó tin nhưng có thật. Nhân một chuyến Đức Giám mục Địa phận Nha Trang (Phaolô Nguyễn Văn Hòa) đi Giêrusalem, tôi đã tranh thủ nhờ ngay. 5giờ chiều hôm trước ngày Đức Cha đi Saigon để từ đó bay sang Giêrusalem tôi đã vào gặp Đức cha. Tôi còn nhớ rõ như in cuộc đối đáp hôm đó. “Thưa Đức cha, con muốn nhờ Đức cha tìm hộ cho con hai cuốn sách ở Giêrusalem.” – “Thầy chờ tôi lấy sổ ghi.” – “Con đã ghi ra giấy rồi đây.” – “Nhưng phải ghi vào sổ để khỏi lạc.” Trời đất ơi! Đức Giám mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đó! Servus servorum (Đầy tớ của các đầy tớ) đó! Không biết nói gì nữa. Silence absolu! Tôi chỉ biết thốt lên: Deo gratias! (Tạ ơn Chúa!).Về sau ngài còn kể cho tôi nghe khi ngài nhờ một cha giáo sư ở trường Kinh Thánh Giêrusalem tìm hai cuốn sách Ugaritic này  cha giáo sư đã thắc mắc không hiểu ở Việt Nam mà có ai lại cần đến những cuốn sách như vậy. Ngài đã trả lời cha giáo kia rằng “thế mà có người lại muốn học!” Và từ hôm ngài mang hai cuốn sách đó về đến nay - mười mấy năm rồi! - tôi vẫn còn áy náy và hối hận vô cùng vì đã làm phiền Đức cha đến như thế, trong khi ngài đang muôn công nghìn việc. Và càng học tôi càng thấy rằng bể học thật mênh mông. Tôi biết rằng phải học những cổ ngữ khác nữa, cổ hơn nữa.  Năm 2003 tôi đã nhờ Hoàng Trần Vạn Thành, một học trò cũ hiện nay là một kỹ sư của NASA – một học trò “có hiếu” nhất trong số các học trò của tôi và có thể nói đây là trường hợp độc nhất vô nhị - tìm mua những sách dạy tiếng Ai Cập cổ đại để tự học chữ viết trong các kim tự tháp! Rõ là mơ mộng! Tôi cũng đã nhờ Hoàng Trần Vạn Thành tìm mua những sách dạy tiếng Xu-me (Sumerian), Ác-cát (Akkadian). Và gần đây Hoàng Kim Thát, một “đàn em” cựu tiểu chủng sinh Sao Biển thấy tôi đang cần sách về ngôn ngữ Eblaite đã mua biếu tôi một cuốn tôi đang tìm. Sau đó tôi có “trao đổi văn hóa” với một cô bạn luật sư bên Canada để có được hai cuốn sách khác viết về ngôn ngữ Eblaite. (Tôi gửi cho cô ta những tài liệu về văn hóa Chàm, vì cô đang cần những tài liệu này để viết một cuốn tiểu thuyết có cái nền là  cuộc hôn nhân của Chế Mân – Huyền Trân công chúa, đổi lại cô gửi mua cho tôi những cuốn sách tôi cần). Thế là đến bây giờ tôi đã có đầy đủ sách vở về các cổ ngữ mà tôi muốn học. Sở dĩ tôi nói tất cả những chuyện này là vì hai lý do: thứ nhất là để bạn bè thân tín gần xa biết hobby của tôi mà giúp đỡ; thứ hai là để cho mọi người thấy hạt giống mà Cố Hồng gieo đã đâm rễ bàn tràn lan như thế nào và sở dĩ ngày nay tôi được như thế này là nhờ có nhiều “ân nhân” giúp đỡ.

 

Tuy tôi chỉ học với Cố Hồng hai năm lớp cinquième và quatrième, nhưng người đã tạo ấn tượng rất mạnh trong đầu óc của tôi và chính người đã thực sự định hướng cho những ước mơ của tôi. Có người sẽ hỏi tại sao Cố Hồng không định hướng ước mơ làm linh mục. Đó là ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói ra ý định của Ngài thông qua quyết định của bề trên là Đức hồng y Phanxicô. Ngài muốn tôi là một giáo dân; nói đúng hơn là một trí thức công giáo. Tôi luôn ý thức điều này. Hiện tại tôi sống bằng sách; nói cụ thể là đẻ ra sách. Và sách là một phương tiện phục vụ Giáo Hội rất tốt. Người ta thường nói "mang nặng đẻ đau". Đẻ ra sách cũng đau lắm; không phải dễ ăn đâu. Vì thế tôi cũng cần thư giản. Chính những cổ ngữ mà tôi nói ở trên là phần thư giản của tôi. Việc học cổ ngữ tạo cho tôi sự nhiệt tình hăng say. Điều này quan trọng lắm.
Đúng như nhà Ai cập học J. F. Champollion đã nói: "L'enthousiasme seul est la vraie vie". Thế mới biết thời niên thiếu quan trọng biết chừng nào!

 

Tự Thuật 2

 

Tôi đến với Văn Hóa Chàm phải nói là trong tình trạng “cực chẳng đã”. Vì sinh ra ở một vùng đất của Phan Rang cho nên người Chàm đối với tôi không xa lạ gì. Lúc nhỏ thấy họ bẻ đọt dẹp ở hàng rào ăn tôi thấy ghê ghê sao ấy. Những năm 69-70 tôi nghe nói cha Gérard Moussay sống với người Chàm. Trước đó, vào những năm đầu thập niên 60 tôi đã thấy mặt cha rồi. Lúc ấy cha thường xuất hiện với cái miệng trề trề, gương mặt hề hề làm tôi chú ý và thích thú. Cha rất vui tính. Nhưng mãi đến năm 73-74 tôi mới quen thân với cha; thậm chí cha còn gợi ý tôi về làm việc với cha tại Trung Tâm Văn Hóa Chàm. Tôi không quan tâm lắm. Nhưng tôi vẫn thường lui tới với cha ở Trung Tâm mỗi khi có dịp về Phan Rang; lúc đó tôi đang đi dạy ở Nha Trang. Năm 74, lúc này cha không còn vui tính như ngày xưa, không hiểu sao, (vì là nhà nghiên cứu nên trở thành đao mạo chăng?), cha nói với tôi cha về Paris để học tiếng Phạn (Sanskrit) và hẹn hè 75 sẽ quay trở lại Phan Rang. Nhưng ai đâu ngờ. Trước khi đi cha có giao chìa khóa thư viện của Trung Tâm cho cha Marc Lefèbre (cố Kim), cha sở Tấn Tài Phan Rang Ninh Thuận, dặn khi nào tôi cần vào thư viện thì mở cửa cho tôi vào. Tôi còn nhớ rất rõ, cha có nói với tôi rằng cha sẽ mang cuốn Dictionnaire Căm Vietnamien Francais (DCVF) của cha theo; tuy nó còn nhiều sai sót nhưng phải cho người ta thấy công trình của Trung Tâm để dễ xin tiền, khi về rồi sẽ sửa lại sau. Thế nhưng mãi đến nay công trình đó chưa một lần được sửa chữa. Hiện nay nhiều người trong đó có cả cha vẫn coi đó là khuôn vàng thước ngọc về Từ Điển tiếng Chàm; hễ đụng đến tiếng Chàm thì người ta cứ trưng nó ra, nhiều công trình nghiên cứu ngôn ngữ học cũng trích dẫn nó. Đâu ai biết nó sai như thế nào. Thật là buồn (cười)! Sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi nghĩ rằng thế là hết; hết có dịp học hỏi nghiên cứu các cổ ngữ cổ tự của vùng Trung Cận Đông. Một bữa kia khi về thăm nhà, lúc này cha mẹ tôi đã vào ở tại Tấn Tài Phan Rang, tôi có lên thăm tháp Po Klong Girai, tôi phát hiện hai bên cửa tháp khắc dày đặc một thứ chữ mà tôi đọc không được. Mười một giờ trưa hôm sau tôi lại lên tháp; có mang giấy và bút chì theo để cà lấy chữ. Trong khi tôi đang mãi mê cà lấy chữ giữa trưa nắng đổ lửa thì một chú công an xuất hiện, khi biết tôi đang làm cái việc “điên điên không phản động chút nào” này, chú mỉm cười bỏ đi. Tháng sau, tôi mang bản dập thô sơ này vào Saigon đến một chuyên gia về Sanskrit lúc bấy giờ là linh mục Hoàng Sĩ Quý nhờ đọc. Cha Quý bó tay. Tôi nghĩ thôi thì mình “chơi” tạm thứ này vậy. Và việc tôi đến với bia ký Chàm nói riêng và Văn Hóa Chàm nói chung bắt đầu từ đó.

 

Lúc tôi là sinh viên ở Cư xá Đắc Lộ Saigon của các cha Dòng Tên tôi có quen Thầy Phạm Hữu Lai, một tu sĩ Dòng Tên có bằng tiến sĩ ngữ học Sorbonne. Lúc bấy giờ có ba tu sĩ Công giáo có bằng tiến sĩ ngữ học Sorbonne, cùng là học trò của nhà ngôn ngữ học người Pháp André Martinet, là cha Lê Văn Lý, cha Nguyễn Hưng và thầy Phạm Hữu Lai. Tôi không phải là học trò của thầy Lai, nhưng thường lui tới để hỏi về ngôn ngữ học và mượn tài liệu ngôn ngữ học. Thầy Lai thường nhắc nhở tôi rằng muốn nghiên cứu vấn đề gì thì phải “đứng trên vai của người khác”. Tôi luôn nhớ điều đó cho nên việc đầu tiên là tôi muốn biết có ai đọc được thứ chữ đó không và có những công trình nghiên cứu nào về thứ chữ ấy. “Tìm thì sẽ thấy, gõ thì sẽ mở.” Khi quen cha Moussay tôi thấy trong thư viện của cha có một ít Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient thường gọi tắt là BEFEO). Ngoài ra ở phần thư tịch của cuốn DCVF có nêu tên Tập san này. Thế là việc đầu tiên tôi phải làm là đi tìm những Tập san này để xem người Pháp đã viết gì và viết tới đâu rồi về bia ký Chàm. Tôi nghĩ là các thư viện lớn ở Saigòn có. Có điều rất may là tôi được dịp quen ông Phan An, trưởng ban dân tộc học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội TP HCM. Ông An đang viết luận văn Phó tiến sĩ về người Stiêng Sông Bé. Ông An đang cần người làm tóm tắt những bài viết bằng tiếng Pháp về người Stiêng. Tôi đã đề nghị ông An cho tôi giấy giới thiệu với tư cách là cộng tác viên của ban dân tộc học để vào Thư Viện của Bảo Tàng Lịch Sử TP HCM (TVBTLS) (nằm cạnh Thảo Cầm Viên Sàigòn) đọc tài liệu. Phải thú thật là tôi đã đọc cho ông An một và đọc cho tôi mười. TVBTLS có trọn bộ Tập San của Trường Viễn Đông Bác Cổ (TSTVĐBC) từ năm 1901 đến năm 1973. Việc phải làm là tìm bảng mục lục tất cả những bài viết về Champa, sau đó đọc riêng những bài về bia ký Chàm. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các tên tuổi như E.Aymonier, A.Bergaigne, A.Cabaton, L.Finot, E.Huber, E.M.Durand, H.Parmentier, G.Coedès, P.Mus, J.Y.Claeys, R.C.Majumdar, K.A.Sastri, C.Jacques. Tôi đặc biệt chú ý đến loạt bài Notes d’épigraphie của L.Finot và Études indochinoises của E.Huber  cũng như Notes sur les Chams của E.M.Durand. Tôi cũng có tìm đọc một vài số của tập san Báo Á Châu (Journal Asiatique), nhất là các số năm 1888, 1891, 1896, 1898, 1899,  nhưng tình trạng các số báo này không được tốt, dễ bị vỡ vụn khi đụng đến. Việc này đã gây cản trở cho tôi rất nhiều; mãi về sau này khi internet phát triển ở Việt Nam tôi mới có dịp đọc các bài viết cần thiết trong những số báo này.Tôi đã bỏ gần hai tháng hè để đọc và chép tay những bài viết về Champa trên các số BEFEO. Phải chép tay vì lúc bấy giờ photocopy không được thịnh hành lắm, giá cả sao chụp cũng còn đắt, vả lại sách phải đọc tại chỗ. Sau thời gian miệt mài tôi đã có được trong tay hai mươi cuốn vở một trăm trang chép tay những bài viết cần thiết của BEFEO; ngày nay tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm. Biết tôi đã đọc khá nhiều về Champa, ông Phan An có mời tôi nói chuyện với ban dân tộc học về những gì người Pháp đã viết về Champa. Hôm tôi đến với ban dân tộc học tôi đã đi tay không và đã thao thao bất tuyệt trong gần hai tiếng đồng hồ. Không phải tôi khinh thường các “nhà dân tộc học” đang ngồi nghe tôi nói mà vì tôi nghĩ rằng tôi chỉ là anh nghiệp dư và cuộc gặp mặt của tôi chỉ là “chơi cho vui chẳng quan trọng gì”. Khi thấy các nhà chuyên môn ghi ghi chép chép tôi mới thấy những gì mình nói là quan trọng; chắc họ không có điều kiện đọc đó thôi. Phần tôi khi nói tay không như thế tôi mới biết được những điều mình đọc đã tiêu hóa như thế nào. Nhìn chung là tốt. Tôi thấy trí nhớ của mình còn tốt và mình đã thật sự say mê đề tài Champa này. Khi đọc các bài nghiên cứu về bia ký Champa tôi mới thấy mình cần phải học Sanskrit và tiếng Chàm cổ. Chú vợ của tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ là một học giả, một nhà nghiên cứu nổi tiếng, đúng hơn một giáo sư dạy về triết Đông ở các đại học ở Saigon lúc ấy. Chú rất quen thân với các thầy bên Viện Đại học Vạn Hạnh, lúc ấy đã có loáng thoáng cái tên là Thiền Viện Vạn Hạnh; tôi thì quen gọi ngắn gọn là Vạn Hạnh.

 

Trước ngày chú đi định cư bên Mỹ, chú có dắt tôi sang bên Vạn Hạnh giới thiệu và gửi gắm với hai đại tôn sư là Thầy Thích Minh Châu và Thầy Lê Mạnh Thát. Thầy Lê Mạnh Thát đã trực tiếp giúp đỡ tôi trong việc giới thiệu và cho mượn những cuốn ngữ pháp và từ điển Sanskrit viết bằng tiếng Anh để tôi mượn photo. Lần này thì photo chứ không còn đủ sức để chép tay nữa vì sách dày quá.Và tôi bắt đầu tiếp xúc với Sanskrit qua ngả đó và từ đó. Về phần chữ Chàm cổ thì tôi không tìm đâu ra thầy để học vì lúc ấy, và cả bây giờ, không có một người nào ở Việt Nam và trên toàn thế giới biết về tiếng Chàm cổ, tuy cái thứ ngôn ngữ và chữ viết ấy, từ thế kỷ IV đến thế kỷ XVII sau CN, không lấy gì làm cổ nếu so với những ngôn ngữ chữ viết có trước CN vài ngàn năm như Xu-me (Sumerian), Ai Cập (Egyptian), Ác-cát (Akkadian) chẳng hạn. Tôi không ngờ mình phải một mình cả đời tự mò lấy cái thứ ngôn ngữ chữ viết không lấy gì làm cổ ấy. Tạm thời tôi phải học tiếng Chàm phổ thông. Vị thầy người Chàm tôi tiếp xúc cũng là một đại tôn sư. Quả đúng như vậy, người chàm lúc bấy giờ vẫn thường gọi vị này là GRU (Thầy). Đó là Thầy Thiên Sanh Cảnh, tôi quen gọi ngắn gọn là Bác Cảnh. Bác là một đại trí thức người Chàm lúc bấy giờ. Trình độ phổ thông của bác chỉ là một người có bằng Sơ học yếu lược, đúng hơn là một giáo viên tiểu học mà thôi, nhưng kiến thức về văn hóa Chàm vào thời ấy không ai sánh bằng được, và hiện nay người duy nhất có thể thay thế vị trí của bác là một học trò của bác, nhà nghiên cứu văn hóa Chàm số một Việt Nam, và cả thế giới nữa, Sử Văn Ngọc, bạn tôi và cũng là người anh em kết nghĩa của tôi. Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Bác Cảnh, nhìn bộ dạng của tôi và nhất là nước da không được sáng của tôi, Bác hỏi: “Cháu có lai Chàm không?” – “Dạ thưa không.” – “Cháu về hỏi ba cháu có dính dáng gì với người Chàm không.” – “Dạ thưa, người kinh trăm phần trăm. Cha con dân Tuy Phước, dân Bình Định mà.” – “Dân Bình Định lại cần phải coi lại.” – “Con chắc là không có lai Chàm.” – “Không lai Chàm, không dính dáng gì với người Chàm, không phải người Chàm thì không nên nghiên cứu về người Chàm. Việc của người Chàm thì để cho người Chàm lo.” Tôi chưng hửng. Nhưng tôi vốn mẫu người lì lợm, cứ vẫn tiếp tục lui tới nhà Bác. Riết rồi cũng hóa quen. Kết quả bác coi tôi như con trong nhà. Đến độ bác còn soạn riêng cho tôi một tập sách học tiếng Chàm. Tài liệu này hiện nay tôi còn giữ. Tôi đã bắt đầu học tiếng Chàm với tập tài liệu này. Tôi cũng coi thêm ba tập học tiếng Chàm khác do Bác Cảnh cộng tác với Summer Institute of Linguistics soạn, Bộ Giáo dục Saigon xuất bản năm 1970. Bộ sách có nhan đề: Aday bach Akhăr Chăm birau (Em học vần Chàm). Về sau Sử Văn Ngọc còn viết riêng cho tôi một tập học tiếng Chàm nữa cùng với một tập về chữ viết Chàm phổ thông. Đó là bốn tài liệu căn bản nhất về ngôn ngữ chữ viết Chàm phổ thông mà tôi dùng để học. Và tôi chỉ học ở bốn tài liệu đó mà thôi. Về từ điển thì tôi chỉ tin tưởng ở cuốn Dictionnaire Cam-Francais của E. Aymonier và A. Cabaton, xuất bản năm 1906. Tuy tôi có đầy đủ các tài liệu sách vở khác nhưng tôi chỉ dùng để tham khảo, thậm chí để thỏa mãn việc sưu tập mà thôi vì tôi thấy giá trị nội dung những tài liệu đó không cao, nhất là những sách vở viết gần đây. Tôi muốn nói rằng những tài liệu sách vở có giá trị viết về ngôn ngữ chữ viết Chàm phổ thông quả là nghèo nàn. Tôi đã học văn hóa Chàm qua những lần nói chuyện với Bác Cảnh và qua  những quan sát sinh hoạt của người Chàm cụ thể và nhiều nhất ở hai làng Hữu Đức và Bầu Trúc. Bác Cảnh có kiến thức rất uyên bác về văn hóa Chàm. Tất cả những câu hỏi đều có lời giải đáp cặn kẽ rõ ràng. Trước 1975 Bác Cảnh chủ biên nội san Panrang. Mỗi số đều có những bài viết về văn hóa, phong tục, tập quán của người Chàm, có phần dịch thuật và sáng tác. Tuy nội san chỉ ra được tám số nhưng đã đóng góp rất nhiều trong công việc sưu tầm và bảo vệ văn hóa Chàm. Bác Cảnh đã trực tiếp dịch những akayet và ariya Chàm sang tiếng Việt. Bác là người sưu tầm, chỉnh sửa, từ những dị bản đúc kết thành những bản văn ổn định rồi dịch sang tiếng Việt. Có thể nói các akayet và ariya Chàm có được bộ mặt tương đối ổn định như ngày nay là do Bác Cảnh. Bác là người đầu tiên dịch những tác phẩm đó sang tiếng Việt. Các bản dịch của bác trọn vẹn, hoàn chỉnh và chính xác. Bác đã dịch bốn tác phẩm lớn của nền văn học Chàm. Đó là: Deva Mano, Inra Patra, Gleng Anak, Tey Ley. Bác cũng là người duy nhất có khả năng điển chế các từ ngữ mới và thống nhất một lối viết chữ Chàm phổ thông ổn định và bền vững. Thậm chí nhiều lần bác còn chỉ cho tôi thấy dấu ấn của bác trong những thuật ngữ và chữ viết Chàm phổ thông. Bác cũng là người đầu tiên soạn lịch Chàm và viết về lịch Chàm. Nhưng công việc thống nhất lịch Chàm cho hai vùng Ninh Thuận và Bình Thuận là công lao của người học trò của bác là Sử Văn Ngọc. Bác Cảnh đã cung cấp tài liệu văn hóa Chàm cho rất nhiều người viết về văn hóa Chàm. Nhưng trớ trêu thay rất ít người ghi ơn sự đóng góp của bác. Đóng góp của bác cho nền văn hóa Chàm rất lớn nhưng ít người thấy và công nhận điều đó. Cũng có nhiều người ganh ghét đố kỵ bác. Hiện tại chúng tôi (ý muốn nói Sử Văn Ngọc và tôi) đang cố gắng tìm cách trả lại cho bác những đóng góp, công lao của bác. Bác phải được tôn vinh như một nhà văn hóa Chàm có công rất lớn trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa này. Rất may sau khi bác ra đi thì còn có người học trò (Sử Văn Ngọc) của bác nối nghiệp. Và Sử Văn Ngọc đang làm việc này rất tốt. Đúng là “hậu sinh khả úy”. Năm 1977 tôi đã quen biết Sử Văn Ngọc theo lời giới thiệu của Bác Cảnh. Sau đó chúng tôi (gồm Bác Cảnh, Sử Văn Ngọc và tôi) hợp đồng cộng tác soạn một cuốn Từ điển Chàm Việt Anh. Tôi được phân công phần tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi làm việc theo phương thức hai giai đoạn: chuyển từ từ tiếng Chàm trực tiếp sang từ tiếng Việt và từ tiếng Chàm chuyển trực tiếp sang từ tiếng Anh. Sau khi soạn xong phần Chàm Việt khoảng mười ngàn từ thì bác Cảnh qua đời. Và rồi vì sinh kế chúng tôi tạm ngừng kế hoạch ở đó. Phải nói thêm công sức chính soạn phần Chàm Việt này là của Sử Văn Ngọc. Ngày nay, Sử Văn Ngọc và tôi vẫn cộng tác làm việc.

 

Như trên đã nói, muốn nghiên cứu bia ký Chàm phải rành Sanskrit và Chàm cổ. Sanskrit thì có thể vượt qua được rồi, hơn nữa những phần bia ký viết bằng Sanskrit thì các nhà bia ký của Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême Orient - EFEO) đã “dọn dẹp gọn gàng” rồi, không còn gì để tìm kiếm khám phá. Nhưng phần bia ký viết bằng Chàm cổ thì coi như các nhà bia ký mới làm được bốn mươi phần trăm, thành ra còn việc để làm, nhưng phải nói là rất khó khăn vì như đã nói không còn ai có thể gọi là biết đủ để dạy. Tôi phải tự vạch ra con đường phải đi. Trước hết phải nắm vững ngôn ngữ chữ viết Chàm phổ thông và Sanskrit. Bước kế tiếp thật gian khổ là đọc những sách viết về cổ tự và bia ký Ấn Độ để biết sự biến đổi và phát triển chữ Sanskrit qua các thời kỳ vì Chàm cổ vẫn dùng mẫu tự Sanskrit. Cũng may ngoài những bài viết về bia ký Ấn Độ đọc được trên các tập san và phần phụ lục, paléographie, trong cuốn L’Inde classique của Louis và Jean Filliozat Renou tôi đã có được hai cuốn sách viết về cổ tự và bia ký Ấn Độ rất đặc sắc. Theo chủ quan của tôi, chỉ cần đọc hai tác phẩm này là đủ, và trong hoàn cảnh của tôi mà có được hai cuốn sách này quả thật là hi hữu. Đó là cuốn Indian Epigraphy: A Guide to the Study of Inscriptions in Sanskrit, Prakrit, and the other Indo-Aryan Languages (South Asia Research) của Richard Salomon (1998) và cuốn Indian Palaeography của Ahmad Hasan Dani (1997). Thật ra nếu muốn hoàn chỉnh hơn thì nên đọc thêm cuốn L’histoire de l’écriture của J.G. Février (1968) và cuốn Elements of South-Indian Palæography của Arthur Coke Burnell (2008). Ngoài ra tôi còn có cuốn The World's Writing Systems của Peter T. Daniels và William Bright (1996), và đặc biệt cuốn The Cambridge Encyclopedia of the World's Ancient Languages của Roger D. Woodard (2004). Với kiến thức mới được cập nhật, năm 2001 tôi và Sử Văn Ngọc quay trở lại chân núi Cà Đú tìm lại bia Cà Đú (C123). Chúng tôi đã lấy chữ, sau đó là phần việc của tôi. Hai tháng sau tôi đã la tinh hóa được 4 hàng chữ Chàm cổ này. Tôi đã đọc chúng lên và Sử Văn Ngọc nghe và đã hiểu được loáng thoáng nội dung. Hiểu loáng thoáng là vì trong ngôn ngữ Chàm cổ có những từ Sanskrit-Chàm, cũng giống như tiếng Việt có từ Hán-Việt vậy, và những thành ngữ cổ mà hiện nay không còn dùng trong tiếng Chàm phổ thông nữa. Công việc kế tiếp không khó khăn lắm. Với cái vốn liếng tiếng Chàm và Sanskrit đã học được cộng với các cuốn từ điển, tôi dùng suy luận để tìm ra ý nghĩa nội dung của bia. Tôi khám phá ra rằng nội dung bia Cà Đú (C123) giống với phần hai (cũng 4 hàng bằng chữ Chàm cổ) của bia Đá Nẻ (C18) vì thế bia Cà Đú có thể gọi là bia Đá Nẻ 2 (Batau tablah II). Sau khi đã có được bản mã, có thể gọi như vậy, tôi bắt đầu đọc bia ở Chùa Linh Sơn Tháp Chàm (C119) và sau đó là những phần bia viết bằng chữ Chàm cổ ở Tháp Po Nagar Nha Trang và lần lượt những bia khác. Vấn đề hiện nay là thời gian và tình trạng các bia mà thôi. Thứ nhất,  tôi không có nhiều thì giờ để đeo đuổi một việc “không hề đẻ ra được một đồng xu nào” trong khi nghề nghiệp chính của tôi hiện nay là dịch và viết sách để xuất bản gọi là “để có tiền đi chợ”. Thứ hai, tình trạng các bia hiện nay phần lớn đã bị hư hại, lu mờ, mất mát. Tốt nhất là đọc trên các bản dập do EFEO làm trước đây nhưng tôi không có điều kiện để tiếp cận những bản dập này. Gần đây nơi này nơi khác phát hiện được một số bia Chàm mà trước đây các nhà nghiên cứu người Pháp chưa hề biết đến như bia Trà Kiệu (Linh mục Nguyễn Trường Thăng phát hiện), bia Hòn Đỏ, Ninh Hải Ninh Thuận, bia Phước Thiện, Ninh Phước Ninh Thuận, bia Hòa Lai ở Tháp Hòa Lai Ninh Thuận v.v. Tôi lại phải dành nhiều thì giờ cho những bia này. Thật quả là “bỏ thì thương vương thì tội”.

 

Về phần cổ ngữ cổ tự Chàm, điều tôi đang ao ước là được thấy tận mắt bia Đông Yên Châu (C174). Tôi không rõ tình trạng hiện nay của bia này. Tôi chỉ biết nó nằm cách Trà Kiệu một cây số đường chim bay về hướng tây, ở tọa độ: 117 Gr. 64 kinh tuyến Đông và 17 Gr. 58 vĩ tuyến Bắc. Hình chụp bản dập của bia này thì tôi đã có; do người bạn thân của tôi là Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Ký từ Pháp gửi về năm 2006. Sở dĩ tôi có mong ước này là vì tôi muốn nhìn tận mắt rờ tận tay bản văn khắc chữ Chàm lâu đời nhất (thế kỷ IV CN), có thể gọi việc này là nói có sách mách có chứng, ngõ hầu mới có thể an tâm kết thúc tập chuyên khảo ấp ủ ba mươi năm của tôi có tựa đề là The Epigraphy of Champa and the Introduction to the Cham Palaeography./.

 

Nguyễn Thành Thống
Số lần đọc: 2439
Ngày đăng: 06.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Suy tưởng về một thị dân –Ghi chép về Márai Sándor- - Imre Kertész
Một vài kỷ niệm với Trịnh Công Sơn - Sâm Thương
Cây gõ thiêng trả ơn ngôi cổ tự - Phan Hoàng
Cội Nguồn Phú Quốc - Huỳnh Kim
Vàm Cỏ Đông Mùa Mắc Cạn - Phùng Phương Quý
Ký ức tháng tư - Ban Mai
Để có tác phẩm hay... - Sương Nguyệt Minh
Miền Tây vòng tay thân ái - Võ Quê
Về Huế Thơ Mừng Gặp Người Kinh Bắc - Võ Quê
Ngồi lại với Huế…. - Mang Viên Long
Cùng một tác giả