Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.229.836
 
Chữ và nghĩa
Lê Vũ

Đêm đọc Khúc Đạm Tiên bỗng thấy dờn dợn xanh lửa ma trơi, ngạ quỷ bay sương khói mơ hồ  :

 

...Ma đên ỳ nẽ ô mà
Xơ tin ô đố đâu là đến đây
Xền nô đô thí xi đầy
Xè rê tê nến ngọn lầy lội cơn

A tin a tỉ oan hồn
Vong lưu lỳ lẩy cung đờn cợt trêu

 ( Đạm Tiên – Bùi Giáng )

 

Với những con âm ( chữ ) ú ớ lời, rền rỉ ong óng, Bùi tiên sinh dẫn ta về chốn thường trú của hồn ma bóng quế Đạm Tiên. Là bất khả tư nghị để cố gắng diễn nghĩa tìm hiểu đoạn thơ mà chỉ có thể  hòa nhập vào không gian âm u tù mù của thang âm, nhịp phách mà đoạn thơ gợi lên để hình dung Đạm Tiên với “ngọn lầy lội cơn”  trong hỗn độn A Tỳ . Những  chữ vô nghĩa đã phát sinh nghĩa trên nền âm nhạc của tụng niệm : đoạn thơ đang chiêu hồn.

 

Trường hơp khác, thi sĩ Trần Dần đã phác họa em với điệp tính từ dài .

 

Em dài man dại/ Em dài quên che đậy/ Em dài tê tái/ Em dài quên cấn đối / Em dài bối rối/ Em dài vô tội/ Em dài – khổ tâm”  ( tập thơ 63-64) rồi kêu lên thảng thốt Đáng lẽ em không nên đẹp ! …

Ôi chao ! Ngón chân thường lệ ! Mông non phi lý …

 

Không thể lý luận bàn giải góc độ kích thước rộng hẹp, những dài tê tái,  dài vô tội …Dài hiển thị trong tâm thức của tác giả với sắc màu cung bậc chỉ có thể cảm mà không cần/ không thể hiểu. Hội họa đã tạo nghĩa cho chữ …

Bài ca dao quen thuộc sau là một ví dụ khác :

 

Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nuớc trong nguồn chảy ra .

 

Người Việt Nam tưởng chừng không ai không hiểu vì nghĩa đã trắng bạch  rõ ràng nhưng không, núi không chỉ là núi, là vĩ đại, sừng sừng, to lớn và nước không chỉ là dòng chảy, chảy qua xuân hạ bốn mùa. Chữ giấu nghĩa : núi là lớp lớp đá chất chồng lên nhau, biểu tượng giọt giọt mồ hôi khó nhọc của cha theo ngày tháng. ( trục tung) ; còn nuớc lại mở ra  mênh mông bốn bề bất tận yêu thương ( trục hoành) . Công cha nghĩa mẹ kết hợp thành hai trục tung hoành .

 

Thế đó, mối quan hệ CHỮ VÀ NGHĨA thật nhập nhằng ( cũng lắm lúc nhọc nhằn) và với đa phần chúng ta có lẽ còn mơ hồ, khó thể tách bạch . CHỮ thông thường mang NGHĨA nhưng trong rất nhiều trường hợp lại là  “ ý tại ngôn ngoại” . Thế nhưng phải chăng chúng ta đang đọc văn học với cách ĐỌC NGHĨA và BỎ QUÊN CHỮ dù vị trí của nó là CHỮ- NGHĨA ( chữ trước nghĩa sau ) . Vấn đề này tưởng là đã cũ nhưng thêm một lần,  tôi muốn khua động cái vùng chữ nghĩa nầy trong suy nghiệm của Trần Dần “Biển giấu sâu, trời giấu rộng, chữ giấu nghĩa”

 

*

1- Mở môi ngôn ngữ hồ đồ . Vâng, ngôn ngữ càng hồ đồ hơn trong cái thế giới hỗn mang hôm nay với ngày truồng đạo đức giả lên ngôi, người đeo mặt nạ và nhân sinh điên đảo đen trắng thị phi đến nổi Trung niên thi sĩ phải ậm ừ  Thưa em ngôn ngữ quặt què và lẩm bẩm mơ màng :

 

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là lục tỉnh hôm nay
(Lẫn lộn lung tung- Bùi Giáng )

 

 

Bước vào ngưởng cửa hậu hiện đại, hoài nghi như cây đinh đâm cắm vào mấy lớp vỏ tư duy nên khi bóc tách từng lớp vỏ ngôn từ, ngữ ngôn hiển thị với bản chất dối trá. Chuyện kể một chàng thi sĩ nổi tiếng với những bài thơ hiếu để nhưng tình cờ, khi đến thăm nhà, người ta mới phát hiện chàng thi sĩ đang quát nạt mẹ già vì bửa cơm trưa nay …thiếu rượu. Tuy nhiên , nếu không có hệ thống kí hiệu làm bằng cho những giao tiếp, thế giới sẽ quạnh hiu và quan hệ í a lời . Chấp nhận tính hồ đồ ( cả dối gạt), ngôn ngữ chính là phương tiện để trao đổi, quan hệ, tâm tình …Trong văn học nói chung và thi ca nói riêng, ngôn ngữ lại càng rất mực hồ đồ nhưng cực kỳ vi diệu trong từng âm tiết . Đây chính là bí mật và sức quyến rũ của …thơ  để bao nhiêu người mê đắm mê man cày xới cánh đồng thơ không mệt mỏi .

 

Ngày vẫn mưa, ngã ba  phố buồn. Câu văn rõ nghĩa, hình ảnh đã cụ thể nhưng khi đi vào thơ lại biến hóa vô lường .

 

Mưa vẫn ngày . Buồn ngã ba phố thì không còn là hiện thực mưa với phố buồn. Chữ đã  phát sinh nghĩa khi nằm ở vị trí chủ ngữ.  Ở đây, đằng sau mưa là manh múm, tả tơi,  rời rã, chán chường ngày và buồn là chủ nhân thật sự của phố, chế ngự và trùm lên những góc hẻm con đuờng . Một đảo ngữ đã làm câu thơ biến động nghĩa, ôm ấp bao nhiêu tâm trạng . Chi tiết hơn, ta lại hỏi : tại sao là  Buồn ngã ba phố mà không phải là Buốn phố ngã ba . Tài khéo của tác giả ở đây . Ba với âm a, thanh bằng mở ra mênh mông và mênh mang không phù hợp với tâm cảnh trong khi phố với âm ố lố nhố cùng với thanh trắc lại có tác dụng treo lên, da diết day dứt hơn bội phần.

 

2-                   Ði về thể lệ lâm ly/ Ði đi suốt cõi lời nghi vấn lời( 1) Chữ nghĩa biến thiên đến vô cùng vô lượng nên vẫn là nghi vấn lời trong cuộc chữ trăm năm .

 

Đọc Tỳ Bà của Bích Khê “Ô, hay buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông” thì nghĩa không nằm trong từng con chữ mà trong từng âm tiết mênh mang với  hàng loạt thanh bằng dâng lên , treo lên một cõi im,  mùa thu .  Đọc thơ Hàn thì chính là cách điệp gió & mây làm nên hai ngã chia lìa :

Gió theo lối gió mây đường mây ( Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử )

Vâng, ngôn ngữ có tính dự báo và dự báo ngay trong cái âm vận, nhịp phách của từ. Tiển Thúy Kiều ra đi , Tố Như đã ấm ớ nghẹn lời :

 

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh  ( Kiều )

 

Câu tám buông thành hai nhịp bốn, chia hai ngả uyên ương và những âm khổ độc

( khó đọc ) “ ấp, ểnh, ập, ềnh” chính là lời tiên tri cho đoạn đời Kiều . Chữ đã sinh nghĩa, nghĩa ngoài lời. Một chữ cỏ trong thư “Gửi thôn nữ Vĩnh Trinh” của Bùi tiên sinh cũng lắm nỗi nghi hoặc, đa đoan.  Đời cỏ hay Em là cỏ, là rác rơm nát nhầu hay nỗi sầu rơm rác ?

 

Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao
.( Bùi Giáng )

Một từ trắng trong Bóng chữ của Lê Đạt cũng đầy xôn xao :

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

      mây mấy độ thu

 

trắng em tinh tươm tinh khôi hay là sắc bàng bạc của mây du du, là non tơ hay mềm xốp, là phiêu linh nhẹ tênh hay phơi ra trắng lốp ??? Vâng , thơ cứ gợi cho người cứ cảm và tha hồ tưởng tượng.

Trong tinh thần hậu hiện đại, chữ nghĩa lại cần đuợc tiếp nhận với một cảm thức mới. Theo Susan Sontag , một đặc trưng lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại là tính chất phản diễn dịch (anti-interpretation), và trên ý niệm này, bài thơ  là cái biểu đạt (signifier)  không cần mất công phân tích ranh giới giữa hình thức và nội dung, giữa cái được biểu đạt (signified) với cái biểu đạt.

 

Thơ 1 của Lê Vĩnh Tài là một ví dụ  .

 

có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @,%^&^J $$$  và được gọi là thơ cụ thể

 

trên lý thuyết con người ta có thể không có miệng (câm), không có tai (điếc), không có mắt (mù) và cũng là những con người cụ thể

 

chỉ những người không có tự do (tù) thì không thể là người cụ thể, vì ngoài việc hít thở ra, ta không còn biết gì về họ

 

và ta cũng không nên nói gì về họ

đỡ lo

 

Thơ thị giác, thơ không lời , thơ trình diễn …cũng nằm trong dòng chảy  này : không cần / không thể diễn dịch vì toàn cục bài thơ đã là CÁI BIỂU ĐẠT .

 

3-Tặng nhau từ ngữ lạc lầm / Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn( 2 )  Ô hay vì sao mà từ ngữ lạc lầm để cho đầm đìa hồng lệ ! Phải chăng bể dâu nhuộm màu, một ánh trăng tà cũng bị hoài nghi :

 

Trông về đồng ruộng đôi khi
Thị thành tâm sự hoài nghi trăng tà

(Gấu buồn- Bùi Giáng )

 

Gấu thì buồn, người thì mê , thế giới nổ tung bạo lực thị phi không nghe nổi một khúc Serenade chiều tà nên Bùi tiên sinh buồn, đem thơ gạ gẫm với chấu chấu chuồn chuồn rồi cởi lưng trâu mà hát Thanh bình ca :

Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu ( Bùi Giáng- Thi ca tư tưởng ) .

Còn tôi buồn vì bao nhiêu từ ngữ lạc lầm bôi bẩn nhan sắc thơ . Đọc “Trăn trối” của Lê Thị Thẩm Vân , tôi bật ngửa và khóc :

Con gái mẹ,

Yêu ai, con cứ … họ

Ghét ai, con cũng có thể … họ.

Khinh ai, mẹ để tuỳ ý con.

 

 (http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=3391) .

 

Quay lại đọc “ Bị tụt quần “ của Miên Đáng , tôi giật mình vì đàn bà thế này dễ có mấy tay . Bút lực hùng hậu mà tình lực thì phi phàm, đành hâm mộ :

Mùa Xuân khe khắt nứng, bò ngoằng dây leo lem nhem, mốc lệch mang tai một nụ cười nhún đít. Sinh ra làm loài chuột, chưa bao giờ ngạc nhiên về mùi thối ngờ ngệch............ (http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=3162 ) .

4- -Mần răng ra rứa ví dù/  Mần ri thế nọ tịt mù thế kia ( 3)  Chữ và nghĩa , ô hô ai tai , đành cất tiếng than chung với Bùi tiên sinh vậy : Mần răng ra rứa ví dù …Thơ & chữ nghĩa có thể mạng lại cái ngạc nhiên, phi lý và cả phủ nhận nhưng không thể gói đúm đùm  Nghĩa & chữ  mà bôi nhọ mô tê ….

 

Đêm đọc Bùi Giáng 12/6/09

* 1-2-3 Thơ Bùi Giáng

Lê Vũ
Số lần đọc: 2662
Ngày đăng: 15.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Happy end - Nguyễn Thị Hậu
Trí thức, kẻ bất lực của muôn đời - Phan Huy Đường
Xuân Sách ,hoàng hạc nhất khứ bất phục phản - Lê Vũ
Nhà thờ cũ - Giang Kiều
Logic học – sợi dây liên kết giữa toán học và văn học - Nguyễn Cung Hoàng Nam
Thư Nhà Thơ Chế Lan Viên gửi Hà Văn Thùy - Chế Lan Viên
Vẫy gọi nhau làm người - Phan Huy Đường
Hai mươi lăm năm và mãi mãi. - Phạm Thị Thanh Tú
Vài suy nghĩ về sự nghiệp giáo dục nhân mùa thi về - Đông La
Chuyện “ bỏ qua “ Xem Ra Còn…Khó ! - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)