I. Dẫn nhập -II. Ý nghĩa của cứu cánh luận -III. Bergson và thuyết tiến hóa sáng tạo -IV. Thuyết tiến hóa hiển lộ -V. Tóm lược
I. Dẫn nhập
Hệ quả của chủ nghĩa máy móc
Cuộc xung đột giữa chủ nghĩa máy móc (mechanism) và cứu cánh luận (teleology) diễn ra kịch liệt suốt thế kỷ 19. Những tuyên bố của chủ nghĩa máy móc nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ sự kiện khoa học đưa ra được những giải thích hữu hiệu về các biến cố. Vượt lên trên tất cả, quan hệ nhân quả với định luật sắt đá của nó dường như thống trị với thẩm quyền khắc nghiệt.
Con người từ bỏ vị trí hãnh tiến được làm đỉnh điểm của cuộc sáng thế, kẻ có sứ mệnh cai quản muôn loài hữu thể thuộc các cấp bậc thấp hơn nó. Từ nay, con người nhận ra mình chỉ là chiếc răng cưa trong bánh xe hoặc là quân cờ trong bàn tay của định mệnh mù lòa và vô trách nhiệm.
Chẳng thể đành lòng
Một số triết gia phản đối lối lý giải các sự kiện theo kiểu đó. Họ trưng dẫn một minh họa về sự sử dụng sai lạc khoa học khi triển khai một nguyên lý, thí dụ quan hệ nhân quả, một định luật vốn chỉ thao tác ở cấp bậc vật chất lại được dùng để thông giải cho toàn thể vũ trụ. Một số khác chống đối lối lý giải ấy bằng lời chứng của mạc khải thiêng liêng, niềm xác tín vào tự do và thực tế của đạo đức, luân lý.
Lâm ly thống thiết hơn cả là những kẻ chỉ có thể kháng cự chứng cớ khoa học bằng lời khẳng định rằng họ cần phải có một bảo đảm nào đó về cứu cánh của cuộc đời, một ý nghĩa nào đó cho toàn bộ lược đồ buồn thảm của khổ đau và chết chóc ở cõi thế gian.
Trên qui mô lớn, những lời phản đối chủ nghĩa máy móc dựa trên các khát vọng và thái độ đầy cảm tính. Không ai có thể xem một lập trường là đúng và chân thành ủng hộ nó khi lập trường ấy thiếu cơ sở và chỉ là niềm ao ước muốn biến nó thành đúng.
Lối thoát của Kant
Immanuel Kant nỗ lực tìm một lối thoát bằng cách phân biệt đức tin và lý trí và bằng cách biến con người thành phần tử của hai thế giới. Trong thế giới thứ nhất của hiện tượng (the world of phenomena), con người là đối tượng của quan hệ nhân quả tự nhiên như bất cứ đối tượng hữu hình nào khác. Và trong thế giới thứ hai của bản thể (the world of noumena), y là một hữu thể có lý trí, một cội nguồn chân chính của trật tự trong thiên nhiên, và do đó, được miễn trừ khỏi định luật quan hệ nhân quả.
Các triết gia về sau bác bỏ giải pháp theo đó bắt buộc phải trình bày con người như đang sống trong hai thế giới. Kể từ thời của Kant, các nỗ lực ấy hướng tới việc tìm cho ra một giải pháp cho vấn đề đó bằng một khái niệm đơn nhất (a single conception). Thật chẳng dễ dàng chút nào vì chúng ta đòi hỏi một lý thuyết một đằng thừa nhận thiên nhiên rất có trật tự qui củ nhưng đằng khác, vẫn ủng hộ niềm xác tín của chúng ta vào sự tự do của con người.
Lãng mạn và nan giải
Người ta có cảm giác rằng loài người không bao giờ thật sự tin vào một lý thuyết giống như chủ nghĩa máy móc. Trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học thích học thuyết quan hệ nhân quả (doctrine of causality) vì nó khiến y có khả năng kiểm soát các nguồn vật liệu và lập thành những dự báo kết quả các cuộc thí nghiệm của mình. Nhưng khi cởi chiếc áo bờ-lu trắng của phòng thí nghiệm, nhà khoa học cũng muốn cởi luôn học thuyết đó và hành động giữa đời như thể y tin rằng mình là một hũu thể tự do, một con người có khả năng đưa ra những quyết định lơ lửng.
Mặt khác, chẳng ai muốn thấy các biến cố hoàn toàn mập mờ và vô định. Mọi người đều muốn có một thế giới đáng tin cậy hết sức có thể được. Không ai muốn sống trong một thế giới thỉnh thoảng không chẳng có cơm ăn áo mặc và là nơi môi trường dễ bị làm cho ô nhiễm, khí hậu hình như đang nóng dần lên vì đủ loại khói công nghiệp, sinh mạng bị khủng bố, không được cấp cứu kịp thời khi có thiên tai hạn hán và ngay cả nước uống, thức ăn lâu lâu lại nghe nói là không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Gặp tình thế nan giải, con người cầu xin phép lạ. Nhưng một chuỗi liên tục các phép lạ sẽ làm cho ta sống trong trạng thái hồi hộp run rẩy và biến những cử chỉ từ bi của một Thượng đế nhân từ thành sự thất thường đáng sợ của một nhà cai trị bất nhất. Chúng ta vừa muốn được vào cõi thiên thai đầy hoa đào và người tiên, vừa như Từ Thức muốn trở lại với trần gian sống giữa người dương thế. Và đó là một tình thế lãng mạn tiến thoái lưỡng nan: chúng ta không thể sống mà không có sự đáng tin cậy, tuy các điều kiện đáng tin cậy thì dường như hàm ý rằng con người phải, chẳng kém gì sỏi đá, làm đối tượng thụ động của các sức mạnh tự nhiên,.
Ði tìm giải thích mới
Nhu cầu nhất quán tư tưởng đòi hỏi ta phải chọn lựa giữa cái này cái nọ, và toàn bộ bằng chứng khoa học trong thế kỷ 19 đều tán trợ ý tưởng về sự đáng tin cậy và chủ nghĩa máy móc tiếp đó. Một khi khoa học chưa từ bỏ lập trường ấy thì con người không thể đạt thêm bước tiến nào trong cuộc tiến công chống lại kết luận đó.
Những triển khai về sau của khoa học trong hai thế kỷ vừa qua và vào lúc bắt đầu thế kỷ 21 này đã chiếu sáng các hiện tượng vốn không thể giải thích bằng ba nguyên lý của chủ nghĩa máy móc. Khoa học đã từ bỏ chủ nghĩa máy móc khắc nghiệt và đề xuất những lý thuyết hướng tới nhu cầu mới, đòi hỏi một hình thức giải thích nào đó mang tính cứu cánh luận.
Ðể có thể am hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sự triển khai này, điều thiết yếu là cần phải xem xét ý nghĩa của cứu cánh luận và truy tầm dấu vết lịch sử củøa ý tưởng ấy trong triết học cùng các lý thuyết mới về tiến hóa. Và những đối tượng xem xét ấy làm thành định hướng cho con đường tra vấn mà chúng ta sẽ đi theo ở các đoạn dưới.
II. Ý nghĩa của cứu cánh luận
1. Vai trò và vị trí
Khởi đi từ Aristotle
Aristotle là triết gia đầu tiên đưa ra phát biểu quan trọng, có tính lịch sử về địa vị và tầm quan trọng của cứu cánh (purpose) trong thiên nhiên. Ðối với ông, chuyển động (motion) là một thuật ngữ có ý nghĩa rất rộng; nó bao gồm những gì chúng ta hiểu về triển khai, thí dụ sự phát triển từ thời thơ ấu tới thời trưởng thành của một con người.
Như chúng ta từng đề cập, Aristotle phát biểu rằng phải cần tới bốn nguyên nhân để giải thích sự phát triển của bất cứ cái gì. Hạt bắp là nguyên nhân chất liệu (material cause) của cây bắp; các hoạt động hóa học khác nhau liên quan tới thời tiết và đất là nguyên nhân tác động hay hiệu ứng (efficient cause); trở thành cây bắp là nguyên nhân dạng thức (formal cause); và sự sản xuất ra nhiều hạt bắp hơn là nguyên nhân cứu cánh hoặc tối hậu (final cause).
Hiểu theo Aristotle thì đồng là nguyên nhân chất liệu của pho tượng, người đúc tượng là nguyên nhân tác động, bức tượng Phật A-di-đà là khuôn mẫu hay dạng thức; và dùng để trang trí hay thờ phượng trong đền chùa là nguyên nhân cứu cánh hay tối hậu.
Ngoại tại và nội tại
Aristotle nhấn mạnh quan điểm có tính cứu cánh ấy bằng cách làm nổi bật địa vị quan trọng sống còn của nguyên nhân cứu cánh tối hậu (final cause). Một cách tổng quát, có thể nói Aristotle cho rằng nguyên nhân cứu cánh có tính nội tại bên trong vật và định hướng sự phát triển của vật. Từ quan điểm ấy, học thuyết của ông tiêu biểu cho lý thuyết của cứu cánh luận nội tại (immanent teleology).
Cũng có thể xem cứu cánh là có tính ngoại tại đối với một vật, dựa vào sự suy ra (loại suy, analogy) từ các động thái của chúng ta, và chúng phần nhiều đều có cứu cánh rõ ràng. Nếu dự tính sáng mai thức dậy sớm hơn thường lệ, tối nay bạn phải vặn lại đồng hồ báo thức cho nó kêu lên đúng thời điểm bạn mong muốn. Nếu bạn muốn đi hành hương Ấn Ðộ vào mùa hè sắp tới, bạn phải dành dụm tiền và tham khảo các văn phòng lữ hành.
Hệ quả trong nhận thức
Cứu cánh không thuộc về tự thân sự vật hoặc sự việc, thay vào đó, nó phô diễn sự chọn lọc mục tiêu của chúng ta và sự chọn lựa phương thế để đạt nó. Người ta dễ dàng mở rộng học thuyết tổng quát về cứu cánh ấy tới tầm mức vũ trụ bằng cách quan niệm Thượng đế như một Hữu thể có nhân cách (personal Being), đấng tạo dựng thế giới cho một cứu cánh, và bằng cách thông giải toàn bộ động thái dựa theo phép loại suy (analogy) từ chiếc đồng hồ báo thức.
Cả hai thuyết ấy đều nhất trí về tầm quan trọng của cứu cánh trong cách nhận thức các hiện tượng. Nhưng thuyết thứ nhất tìm thấy cứu cánh bên trong bản tính của vật (nội tại), còn thuyết thứ hai tìm thấy cứu cánh trong kế hoạch của Ðấng tối cao ngoại tại. Ðiểm dị biệt ấy cung cấp ý tưởng sơ bộ cho các loại vấn đề tương ứng.
Nghĩa là, nếu mục đích có tính nội tại bên trong vật, lúc ấy có khả năng thông giải chúng một cách tự nhiên. Còn ngược lại, nếu mục đích có tính ngoại tại, bên ngoài vật, thì dứt khoát lời giải thích về nó phải liên quan tới khái niệm một Ðấng siêu nhiên. Hầu hết các nhà tư tưởng tôn giáo chấp nhận chọn lựa thứ hai.
2. Cứu cánh luận ngoại tại
Thượng đế đang sáng thế
Nếu quan niệm Thượng đế như một Ðấng toàn trí, toàn năng và vô biên (vô tận) thì không gặp khó khăn khi hình dung ngài tạo dựng thế giới và chỉ đạo nó hướng tới các mục tiêu đã được thiết lập trước. Nhiều nhà tư tưởng tôn giáo cho rằng Thượng đế là khởi thủy đầu tiên và cũng là sau cùng (alpha et omega); ngài đã quyết định, trong toàn bộ vĩnh cửu, cứu cánh của lịch sử, như "một biến cố thiêng liêng ở chốn xa xôi mà cuộc sáng thế chuyển động hướng tới nó", và phải được nhận thức như đang kiểm soát sự nối tiếp của các biến cố lịch sử hướng tới cứu cánh ấy.
Khái niệm ấy về Thượïng đế làm thành sử quan Kitô giáo, và thậm chí có phần nào tiềm ẩn trong thế giới quan cũng như nhân sinh quan về "thiên lý" của nhiều người theo Nho giáo ở á đông. Chính sự bảo đảm Thượng đế đang thống trị mọi sự vì cứu cánh đáng ao ước, đã và đang cho loài người sự tự do trong cả những ngày sức mạnh của cái ác dường như đang chiến thắng. Trước sau gì cái ác cũng bị tiêu diệt: "Lưới trời lồng lộng nhưng không thoát"; "Chạy trời không khỏi nắng"!
Cứu cánh là phục vụ Thượng đế
Theo quan niệm đó, cứu cánh của Thượng đế cũng được nhìn trong những trật tự khác nhau của vạn vật. Là Ðấng tạo hóa, ngài tạo dựng chúng và thiết lập các tương quan giữa chúng. Toàn thể vạn vật đều ở đẳng cấp dưới con người, thấp hơn con người, được tạo dựng vì phúc lợi của con người. Quả thế, con người không thể bắt đồng loại làm nô lệ cho mình nhưng có thể dùng các sinh vật như trâu, bò, ngựa, v.v. làm súc vật cày kéo vì chúng được tạo dựng để phục vụ loài người. Thậm chí, các sinh vật thấp hơn được xem là nguồn thực phẩm cho con người.
Mọi sinh linh thuộc đẳng cấp thấp hơn ấy đều nằm trong tầm sử dụng của con người thuộc đẳng cấp cao hơn, và con người là đỉnh điểm của cuộc sáng thế, là chủ tể của hết thảy những gì y giám quản. Trong tương quan với Thượng đế, con người ở chỗ thấp hơn, và nó có thể thấy cứu cánh thật sự của cuộc nhân sinh (human existence) trong tương quan đó. Giống như các vật đẳng cấp thấp hơn hiện hữu vì con người thì con người cũng thế, nó được tạo dựng vì Thượng đế.
Giáo lý Kitô giáo đặt câu hỏi: "Cứu cánh chính yếu của con người là gì?" Và nó trả lời: "Cứu cánh chính yếu của con người là vinh danh Thiên Chúa và làm vui lòng ngài mãi mãi". Con người được tạo dựng đúng theo hình ảnh của Thượng đế, và nó tìm thấy cứu cánh cuộc tồn sinh của nó trong sự phục tùng ý chí của Thượng đế và vinh quang của ngài từ đời này cho đến muôn đời.
3. Phê phán cứu cánh luận ngoại tại
Thắc mắc là phạm thượng
Học thuyết về Ðấng tối cao tạo hóa mọi sự và đang hướng dẫn cùng bảo vệ các tạo vật của ngài, có giá trị cảm xúc tới độ không thể thắc mắc tra vấn nó. Nó cung cấp cho con người một loại cảm giác y hệt loại cảm giác nhận được trong cuộc sống mật thiết ấm cúng của gia đình. Nó biến vũ trụ thành một chốn thân thiện. Loài người có thể tin những nơi họ không thể thấy, và cảm thấy ủi an với ý nghĩ rằng Thượng đế có khả năng mãi mãi khống chế cái ác, và rằng ngài có cứu cánh trong mọi sự ngài làm hoặc tự kiềm chế không làm.
Có điều khá ngạc nhiên là niềm tin ấy đóng vai trò lớn lao trong kinh nghiệm tôn giáo (religious experience). Khi có ai thắc mắc tra vấn học thuyết ấy thì dường như người đó bị xem là kẻ đang mắc tội phạm thượng, báng bổ hoặc biểu lộ một hình thức hãnh tiến của con người, mà có thể gọi một cách thích đáng là kiêu ngạo. Và theo quan điểm Kitô giáo, kiêu ngạo là tội trọng đại hơn cả, nó là nguồn gốc của mọi tội lớn lao khác. Thế nhưng theo người ủng hộ cứu cánh luận nội tại (the internal teleology) thì lập trường ấy có những nan giải của nó.
Một hình thức duy máy móc
Có những kẻ chống lại sự dẫn đạo thiêng liêng. Họ quả quyết rằng nếu Thượng đế đang cai quản thế giới thì mối tương quan giữa các biến cố là đối tượng của ý chí của ngài, và mối ấy có thể được sửa chữa bất cứ lúc nào. Theo các nhà tư tưởng chống đối, nếu lập trường ấy đúng, thì đức tin của khoa học vào một trật tự thiên nhiên đáng tin cậy không đặt trên cơ sở xác thực nào.
Người ta có thể tranh luận với triết gia giám mục Berkeley về việc làm hài lòng Thượng đế khi giữ cho các tương quan ổn định, ngoại trừ những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử, nhưng không có gì bảo đảm cho điều đó.
Những kẻ chống đối cứu cánh luận ngoại tại (the external teleology) lập luận thêm rằng nếu Thượng đế được định nghĩa như là Ðấng toàn tri – biết hết mọi sự – và là kẻ quyết định cứu cánh của lịch sử từ thuở khai thiên lập địa, thế thì đó chính là chủ nghĩa máy móc tái xuất hiện dưới một hình thức khác. Ðối với con người, nó chỉ tạo ra một chút khác biệt trong việc con người bị quyết định bởi các sức mạnh vật chất hoặc sức mạnh tinh thần vì dù gì đi nữa, con người đã bị quyết định.
Thiếu quyền năng, không tự do
Còn nữa, nếu hết thảy các biến cố tất yếu hướng tới một cứu cánh đã được thiết lập từ trước, thế thì chiều hướng của vạn sự đã bị đưa ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Thật không thể nhận thức rằng con người dù sao cũng có thể sửa đổi kế hoạch của Thượng đế. Ngược lại, chúng ta phải giả dụ rằng Thượng đế không có đủ quyền năng hoặc không có đủ am hiểu.
Cũng thế, học thuyết về vị tổng tư lệnh tối cao và ngoại tại ấy thêm lần nữa đặt thành vấn đề tự do của con người, và dường như không cách gì có thể chứng minh con người có tự do trong một lược đồ mà mọi sự đều bị kiểm soát.
4. Cứu cánh luận nội tại
Ở trong mỗi vật mỗi sự
Như chúng ta vừa nhắc tới, đối lập với khái niệm cứu cánh luận ngoại tại là học thuyết cứu cánh luận nội tại (immanent/internal teleology), cứu cánh hiện hữu trong mọi vật, mọi sự. Nội dung học thuyết ấy liên quan tới các bản tính cá biệt của vạn vật (specific natures of things), trong đó mỗi vật hàm chứa tính chất quyết định và có tính độc lập do bởi vị trí của nó trong một hệ thống chung.
Vì học thuyết cứu cánh luận nội tại liên quan tới các bản tính cá thể (individual natures) nên có giả định rằng các cá thể là những thực thể có tự tính (self-contained) và độc lập (independent), và rằng động thái của mỗi cá thể được quyết định bởi cùng đích tự nhiên (natural end) của chính nó. Ðó là quan điểm của Aristotle. Ở đây. có một điểm bạn cần để ý, chữ "cùng đích" không có nghĩa là điểm dừng cuối cùng của hoạt động, đúng hơn, nó là sự hoàn chỉnh và hài hòa bản tính của vật ấy.
Nội tại trong hệ thống
Xét theo khái niệm ấy thì trật tự của thiên nhiên phát sinh từ sự quân bình sản sinh bởi mỗi vật đang tuân theo định luật bên trong nó, thí dụ, các thành tố khác nhau lập thành bầu không khí bằng cách đi theo bản tính tự nhiên hay cùng đích tự nhiên của chính chúng đồng thời cung cấp những điều kiện thích đáng để duy trì sự sống cho con người.
Hầu hết các nhà tư tưởng hiện đại đều đồng ý rằng cách thông giải tốt nhất về cứu cánh luận là cho rằng nó có tính nội tại. Thế nhưng, vì phủ định tính độc lập tuyệt đối của các thực thể nên họ chỉ quan tâm tới cứu cánh luận của hệ thống (teleology of system). Và họ nhấn mạnh tới bản tính có hệ thống tổng quát của vũ trụ. Khi mọi sự được nhận thức như cùng ở trong một hệ thống, thì ý nghĩa của chúng tùy thuộc vào vị trí nó chiếm lĩnh trong hệ thống ấy. Ðây là học thuyết đặc thù của triết học tiến trình (process philosophy), cái kế tục truyền thống duy tâm chủ nghĩa.
Ðược thông giải trong liên quan tới hệ thống, cứu cánh luận nhấn mạnh thực tế rằng ý nghĩa của sự việc hay sự vật được quyết định bởi vị trí của nó trong một tổng thể quan hệ hữu cơ (organic whole). Ta sẽ hiểu rõ cứu cánh của tuyến giáp hoặc ngón tay cái khi phân tích chức năng của chúng nội trong hệ thống của cơ thể. Tách ra khỏi cơ thể, chúng không thể thật sự được gọi là tuyến giáp hay ngón tay cái. Ðiều ấy phù hợp với kết luận tổng quát rằng vật không có tự tính hoặc độc lập mà chỉ là điểm hội tụ của môi trường của nó.
Ðóa hoa và chú gà con
Không quan trọng việc môi trường được thông giải ra sao, nó phải biểu thị cho một cuỗi các hệ thống mà xuất từ đó hoặc qua đó, vật phát triển. Thí dụ minh họa rõ nét nhất là sự tăng trưởng của một đóa hoa trong đó toàn bộ các thành tố thích đáng hiệp cùng nhau để sản sinh đóa hoa, cái vốn không thể bị giảm thiểu thành các thành tố của nó nhưng hiệp nhất chúng trong một dạng thức thích đáng hơn. Một nhà thực vật học thành thạo có thể chứng minh cách đóa hoa ấy phát triển từ các điều kiện của nó nhưng ông ta không thể giảm thiểu nó thành các điều kiện ấy.
Ta cũng tìm được một thí dụ minh họa giống y như thế trong sự phát triển của chú gà con. Bên trong quả trứng, ta tìm thấy mọi điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của chú gà con, thí dụ lòng đỏ dưỡng chất của nó. Khi tới giây phút chú gà con chui ra khỏi vỏ trứng, sự tái điều chỉnh cấu trúc của nó đáp ứng các điều kiện của môi trường mới.
Hệ thống tương liên nối kết
Cứu cánh được thể hiện bởi sự tương liên nối kết có tính hệ thống (systematic interconnection) của các điều kiện hòa lẫn vào nhau thành một biến cố, mà theo các nguyên lý của thuyết tiến hóa hiển lộ (emergent evolution), biến cố ấy có phẩm tính riêng biệt khiến ta có thể phân biệt nó với các điều kiện cấu thành nó.
Trong khái niệm ấy, không có nhu cầu phải thừa nhận một trí huệ ngoại tại nào điều khiển dòng chảy của các biến cố, dựa trên sự suy ra từ việc con người tuyển chọn phương thế để đạt tới cùng đích mong muốn của nó. Ở nơi nào có sẵn sự giải thích tự nhiên, ta xem giải thích đó cao hơn giải thích siêu nhiên, và ta cũng chấp nhận rằng chính khái niệm về hệ thống hoặc về quan hệ hữu cơ (organism) cung cấp lời giải thích tự nhiên ấy.
5. Xung khắc với khoa học
Không ích lợi cho khoa học
Học thuyết vạn vật độc lập với nhau và lối thông giải của cứu cánh luận liên quan tới cùng đích tự nhiên của chúng không nhất thiết xung khắc với khoa học, ngoại trừ trong khái niệm mang bản sắc Aristotle. Phát biểu rằng hòn đá rơi xuống đất vì nó đang tìm kiếm vị trí tự nhiên của nó, dường như chẳng có chút giá trị thông tin nào. Người ta khó có thể hiểu điều gì xảy ra cho bản tính của các vật khi chúng phối hợp nhau, như khí hy-drô và khí ô-xy làm thành nước.
Lời đề xuất rằng nước đông ở 0 độ C hoặc 32 độ F vì đó là bản tính của nước biến thành nước đá ở nhiệt độ đó thì dường như không thích hợp cho việc tiến hành thẩm tra các thao tác của thiên nhiên. Chính kiểu tiếp cận đó đã biện minh cho lời chỉ trích gay gắt của Francis Bacon khi ông tuyên bố rằng nguyên nhân cứu cánh (tối hậu, final cause) đã làm hư hoại khoa học.
Học thuyết về nguyên nhân cứu cánh chỉ có vẻ hợp lý với giả định rằng vật nào cũng có bản tính của chính nó, hoàn toàn độc lập với quan hệ ngẫu nhiên của nó với môi trường của nó; và như thế, các khoa học gia và triết gia hiện đại phải bác bỏ hoặc phải sửa chữa rốt ráo giả định ấy.
Xung khắc do bởi vô tình
Khi xem cứu cánh là công cuộc của Ðấng siêu việt hoặc như một phô bày bản tính có tính bản thể của vật, chúng ta lâm vào tình thế xung khắc với các yêu cầu của khoa học hiện đại. Trong khi vấn đề ấy trong tự nó không làm cho các quan điểm đó bị sai thì nó lại gây nên một số hoài nghi. Quả thật, khái niệm của cứu cánh luận giải thích cứu cánh như một thực tế trong vũ trụ, tự nó cũng phù hợp với các khám phá của khoa học, và có khả năng là một khái niệm có nhiều điểm chính xác.
Có thể nói rằng từ giữa nửa đầu của thế kỷ 20, triết học khởi sự trang trọng xem xét vấn đề ấy vì hy vọng có được một giải pháp thông qua các lý thuyết sinh học (biology) hiện đại. Có lẽ có một cách trình bày dễ dàng hơn bản chất của giải pháp ấy là quay trở về với thuyết tiến hóa và đi theo một số triển khai của nó trong thời hậu-Darwin.
III. Bergson và thuyết tiến hóa sáng tạo
1. Bergson phê phán Darwin
Vào giao thời của thế kỷ 19 và 20, trong số những người phê phán Darwin, Henry Bergson là kẻ quan trọng nhất. Ông cho rằng không thể giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng những biến dị ngẫu nhiên và có tính máy móc.
Những cái giống nhau
Theo Bergson, chúng ta hãy giả định vào nhiều ngàn năm trước, có hai nhóm chính, phân rẽ từ một gốc rễ bố mẹ, rồi phát triển theo những chiều hướng khác nhau mà không có bất cứ tiếp xúc nào với nhau. Kể từ thời điểm phân rẽ, vì không có trí huệ dẫn đạo để giám thị những gì xảy ra cho chúng và chúng cũng chẳng có điểm chung nào, nên bất cứ cái gì chúng trở thành cũng tùy thuộc vào hàng ngàn biến dị phát sinh từ những nguyên nhân mù lòa.
Sau hàng ngàn năm như thế, nếu chúng ta nhận thấy các chi nhánh phân rẽ ấy dù rất không giống nhau ở vẻ ngoài nhưng chúng vẫn có các cơ quan nhất định hoặc các cấu trúc chung, thì không thể nào cắt nghĩa sự kiện ấy dựa theo các giả định mang tính máy móc chủ nghĩa.
Ðiều ấy quả thật đúng với các nhóm thực vật và động vật. Hàng ngàn năm trước, chúng đã phân rẽ từ bầy đàn bố mẹ nguyên thủy. Trong thời gian ly tán ấy, chúng là đối tượng của hàng ngàn và hàng ngàn biến dị, tuy thế những sở hữu phái tính của chúng vẫn y nguyên như cũ. Ðối với thực vật, không có lý do thực tiễn nào tại sao phải như thế. Trong cuốn L’Evolution créative (Tiến hóa sáng tạo) đã dẫn, trang 60, Bergson viết rằng: "Một số người điều tra rất nhạy cảm còn để ý tới cả phái tính của cây cối, ít nhất cũng như một sự xa xỉ mà thiên nhiên có thể miễn trừ."
Minh họa bằng con mắt
Cũng y như thế đối với những phát triển có tính phân rẽ được tìm thấy trong con mắt, Bergson tiếp tục phát biểu: "Chúng ta hay đặt kế bên nhau mắt của động vật có xương sống và mắt của động vật thân mềm, thí dụ con giun Pectinaria thông thường. Chúng ta nhận thấy các phần giống nhau một cách côát tủy trong mỗi con, kết hợp bởi các thành tố giống nhau. Mắt của con Pectinaria gồm có võng mạc, giác mạc, tròng mắt cấu trúc bằng tế bào như mắt của chúng ta... tất cả đều đồng ý rằng động vật thân mềm và động vật có xương sống đã phân rẽ từ chi nhánh bố mẹ cũng rất lâu trước khi xuất hiện con mắt rất phức tạp như mắt của con Pectinaria. Thế thì do đâu mà có sự giống nhau về cấu trúc?"
Nếu nói theo thuyết Darwin, chúng ta hẳn giả dụ rằng vô số các biến dị nhất thiết phải sản sinh một cơ quan rất phức tạp, thao tác qua ngẫu nhiên mù lòa và đã thành công trong việc tạo ra một sự giống nhau đầy kinh ngạc. Nếu Darwin cố thoát ra khỏi những giải thích có tính kỳ diệu, trái với tựï nhiên như thể có phép mầu, bằng giả thuyết mang tính tiến hóa của ông thì ông không đạt kết quả. Vì chẳng thể có cái gì kỳ diệu trong lý thuyết về sự tạo dựng đặc biệt hơn là sự phát triển những cái giống nhau đầy kinh ngạc như thế qua hàng ngàn hàng ngàn biến dị ngẫu nhiên trong vô vàn thế hệ kế tiếp nhau, khác biệt nhau và tách biệt nhau của các hữu thể.
Thuyết tiến hóa chỉ là loại trừ
Theo Bergson, lý thuyết của Darwin không thể giải thích những tăng tiến hiển nhiên trong thiên nhiên. Darwin giả định cuộc chiến đấu để sinh tồn trong đó cái thích nghi nhất thì sống sót và cái không thích nghi thì bị loại trừ. Môi trường làm nên sự chọn lọc đó. Thật sự, sự chọn lọc tự nhiên không giải thích gì cả ngoại trừ liên quan tới sự loại bỏ cái không thích nghi. Sinh vật nào không thể điều chỉnh theo môi trường thì bị loại trừ.
Trên cơ sở ấy, thiên nhiên phải mãn nguyện với những dạng thức của sự sống đã chứng tỏ có khả năng sống sót. Cuộc tiến hóa lý ra phải ngừng lại với sự xuất hiện của cỏ dại vì chúng đã và đang chứng tỏ năng lực sinh tồn, "tràn lan ghê gớm", của chúng. Theo thuyết Darwin thì không có lý do gì khiến cho các dạng thức cao hơn của sự sống xuất hiện. Con người như một sinh vật phát triển cao độ nhất là một xa xỉ vì không thể đưa ra lời giải thích thỏa mãn nào về nó.
Thuyết Darwin không thể giải thích sự giống nhau về cấu trúc trong những chi nhánh khác nhau, cũng không đưa ra được lý do hợp lý nào cho sự phát triển của các sinh vật cao đẳng hơn. Có lẽ sở dĩ có những khuyết điểm ấy là do bởi các giả định ban đầu của Darwin.
Nên đảo ngược Darwin
Ði theo chủ nghĩa duy vật đang thịnh hành thời ấy, Darwin giả định rằng sự sống tùy thuộc vào vật chất và chức năng của các cơ quan. Do đó, ông cắt nghĩa tư duy bằng cách truy nguyên cuộc tiến hóa của hệ thần kinh tới sự viên thành của nó trong não. Ðộng vật, trong khi phát triển não qua những biến dị ngẫu nhiên, nó bắt đầu suy nghĩ. Cùng một cách thức như thế, con mắt được truy nguyên từ đốm nhiễm sắc tố bị kích thích cho đến cơ quan phức tạp ngày nay, và người ta đã giả định rằng chính nhờ một ngẫu nhiên đầy may mắn trong cuộc tiến hóa của mắt mà cho phép động vật ấy thấy.
Vì thuyết Darwin có khuyết điểm, có lẽ chúng ta sẽ có được lối giải thích tốt hơn bằng cách đảo ngược giả thuyết ấy và thừa nhận rằng vật chất tùy thuộc sự sống và cơ quan tùy thuộc chức năng. Ðó là những gì Bergson đã làm.
2. Thuyết đà sống
Xung lực và nguyên-lý-sự-sống
Theo Bergson, sự sống không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Khi nói tới khởi thủy của sự sống tức là chúng ta có ý nói tới sự bắt đầu của sinh vật cá thể. Sự sống không bao giờ bắt đầu; nó được lưu truyền từ cha mẹ sang con cái.
Hãy giả định rằng thực tại – vốn được chúng ta hiểu như sự biến đổi đơn thuần – có thể được thể hiện như một xung-lực-sống phổ quát (a universal life-impulse). Chữ xung lực ở đây được hiểu một sự thôi thúc triền miên và cấp bách, buộc phải thao tác ngay, không đắn đo, chẳng suy đi tính lại. Như thế, chúng ta có thể thông giải những vật khác nhau trong thiên nhiên như là những thể hiện khác nhau của nguyên-lý-sự-sống (the life-principle). Thuyết *đà sống (the elan vital), như Bergson gọi nó, hay *sinh lực thuyết, có thể được kiểm tra bằng những vấn đề mà Darwin không thể giải quyết.
Theo Bergson, ta không nên kinh ngạc khi thấy có sự giống nhau về cấu trúc trong những chi nhánh riêng rẽ vì chúng cùng diễn đạt chung một nguyên-lý-sự-sống. Có thể cắt nghĩa các cơ quan khác, thí dụ con mắt, bằng giả định rằng các chức năng, thí dụ nhìn, đều thiết yếu cho đà sống, và rằng nó sản sinh các cơ quan thích đáng với chức năng ấy. Khi đà sống tìm kiếm những thể hiện thích đáng hơn cho nó thì đưa tới sự xuất hiện các hữu thể cao đẳng hơn. Do đó, thuyết đà sống cung cấp lời giải thích thích đáng hơn lời giải thích của thuyết tiến hóa.
Thuyết Darwin không là tiến hóa
Chúng ta nên rướn thêm một bước để làm sáng tỏ hơn điều thực sự liên quan tới ý tưởng này của Bergson về tiến hóa. Nếu tiến hóa hàm ý sáng tạo, nghĩa là xuất hiện các dạng thức thật sự mới mẻ, thì từ ngữ ấy đã bị dùng sai. Chừng nào thuyết Darwin còn là một lý thuyết mang tính máy móc, chừng đó nó vẫn không thể là lý thuyết về tiến hóa, vì trong một hệ thống có tính máy móc chủ nghĩa, hoàn toàn không có khả năng xảy ra cái gì thật sự mới mẻ.
Bergson quả quyết rằng: "Trong thực tế, yếu tính của lối giải thích mang tính máy móc chủ nghĩa ấy coi tương lai và quá khứ như những chức năng có thể tính toán của hiện tại, và do đó nó quả quyết rằng mọi sự đếu được cung cấp. Với giả thuyết ấy, quá khứ, hiện tại và tương lai hẳn được mở ra cho một trí huệ siêu phàm có khả năng làm phép tính ấy trong một liếc mắt".
Bergson và trực giác
Thuyết đà sống của Bergson không là loại lý thuyết có thể làm đối tượng cho các kiểm tra khoa học hoặc có thể xác minh trong bất cứ phòng thí nghiệm thông thường nào. Sự việc ấy chẳng gây rắc rối cho Bergson chút nào vì ông đánh giá trí huệ (trí tuệ) – công cụ của khoa học – chỉ là công cụ của đà sống, một công cụ chỉ sử dụng cho những cứu cánh thực tiễn.
Như thế, trí huệ ấy có thể ứng xử với các vấn đề sinh tồn trong thực tế nhưng không thể ứng xử với bản tính thật sự của thực tại luôn luôn né tránh trí huệ ấy vì thực tại vốn vô thường, nghĩa là như một sự đơn thuần biến đổi. Ðối với thuyết đà sống, ta chỉ có thể hiểu nó bằng trực giác (intuition) và cảm nhận (sense) nó.
Nhiều triết gia từ khước lối giải thích của Bergson trong khi vẫn ngưỡng mộ nhiều phẩm tính của thuyết đà sống do bởi nó là một học thuyết ngoại lý (irrational doctrine). Họ cho rằng một khi lý trí không được phép kiểm tra chân lý của một học thuyết thì không còn tiêu chuẩn xác định giá trị nào để qua đó phán đoán câu trả lời ấy là đúng hoặc sai. Khi có những lời giải thích giống nhau thì người ta ưa thích lý thuyết nào hợp lý.
IV. Thuyết tiến hóa hiển lộ
1. Từ am hiểu tổng quát
Lloyd Morgan
Có một lý thuyết rất được nhiều người chấp nhận thay cho thuyết đà sống của Bergson, đó là thuyết tiến hóa hiển lộ (the emergent evolution) mà người đầu tiên đề ra là nhà tâm lý học người Anh Lloyd Morgan (1852-1936), trong cuốn The Emergent Evolution (Thuyết tiến hóa hiển lộ, 1923).
Theo thuyết này, một tổng hợp các thành tố rất có thể sản sinh cái gì đó mới mẻ, một cái gì đó mà tri thức về chính các thành tố đó cũng không thể nào đoán trước. Cái hiển lộ này, khi trồi ra hoặc nổi lên, sẽ tùy thuộc vào các thành tố mà từ đó nó phát sinh, tuy thế nó có phẩm tính riêng biệt và khác biệt với chúng.
Ý tưởng ấy rất quen thuộc trong kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày. Học sinh các lớp hóa học đều biết rằng natri (sodium) và clo (chlorine) là hai chất độc chết người, tuy thế khi được tổng hợp thành NaCl, chúng làm nên muối ăn bình thường. Không ai dám dùng hydrô hoặc ôxy riêng rẽ để dập tắt ngọn lửa, thế nhưng khi kết hợp chúng theo một tỉ lệ thích đáng H2O, chúng biến thành nước và có thể làm lửa tắt ngúm. Cả muối lẫn nước đều tùy thuộc vào các thành tố hòa nhập làm thành chúng, tuy nhiên tổng hợp ấy sản sinh cái gì đó có phẩm tính riêng biệt.
Vô cơ sinh thành hữu cơ
Năm 1953, nhà vật lý hóa học Harold C. Urey (1893-1981) của Ðại học Chicago đã cùng một sinh viên về sau là nhà hóa học và sinh vật học Stanley L. Miller (1930-2007) làm thí nghiệm về Hóa học tiền sinh học (prebiotic chemistry), một ngành nghiên cứu các chất hóa học của trái đất trước khi sự sống xuất hiện.
Cả hai tạo một môi trường giống với quá trình sản sinh sự sống từ khí quyển. Trong bộ máy thí nghiệm mà Urey cách ly với môi trường bên ngoài, có một bình nước nhỏ, được hâm nóng như thể do bởi ánh nắng mặt trời và khiến nó bốc hơi. Hơi được dẫn vào một bầu thủy tinh chứa các chất hơi của bầu khí quyển trong tình trạng trái đất khoảng 4 tỉ năm trước, gồm hơi nước, khí methane, khí ammonia và khinh khí.
Hai thầy trò cho các tia điện xẹt như sét đánh vào chất hơi hỗn hợp ấy. Dĩ nhiên nước trong bình phải chu lưu, nghĩa là sau khi bị lộn lạo và bị sét đánh, nó trở lại bình cũ để lại hóa ra nước, và rồi tiếp tục bị hâm nóng nhiều lần thành hơi và lại bay lên cái bình chứa điện xẹt. Sau mấy ngày tuần hoàn như thế, giáo sư Miller đem nước trong bình ra phân chất. Ông nhận thấy khoảng 10% các nguyên tử các-bon đã họp thành các hợp chất hữu cơ. Một số ít là chất lạ, nhưng có tới 2% là các nguyên tử các-bon đã họp thành các phân tử amino acids mà ngày nay người ta biết chúng là những viên gạch đầu tiên xây dựng thành hợp chất protein, thành phần cơ bản của tế bào sự sống.
Thí nghiệm đơn giản hơn
Về sau, người ta làm thí nghiệm đơn giản hơn mà vẫn đạt được kết quả y như thế. Chẳng cần có tia sét đánh, các phân tử trong nồi súp tiền sinh học của trái đất ấy cũng có thể tự hợp thành một loạt những phân tử hữu cơ thật đơn giản, trong đó có hợp chất hydro cyanide (ký hiệu HCN) và hợp thành chất adehydes. Chất này phối hợp với ammonia và HCN cho ta một chất tạm aminionitriles. "Tạm" vì hợp chất này hòa với nước "biển" nguyên thủy cũng tạo ra các phân tử amino acids.
Năm 1960, nhà vật lý học Juan Óro của Ðại học Chicago làm thí nghiệm đơn giản hơn. Ông trộn chất hydrogene cyanide và chất ammonia trong một dung dịch nước. Kết quả đem lại các amino acids. Nhưng có điều bất ngờ nhất là trong các amino acids tìm được theo cách này, nhiều nhất lại là một chất được gọi là adenine.
Ngày nay, người ta biết rằng chất adenine là một trong bốn chất tạo thành phân tử cơ bản RNA và DNA, những viên gạch xây đắp thành chất protein của sinh vật. Nhưng tới đây, sẽ vẫn còn nhiều chuyện lạ chờ được khám phá nữa. Khoa học ngày nay đã tìm thấy những chất hữu cơ ngay cả trong vũ trụ, trong các đám tinh vân chưa đủ "chín muồi" để trở thành thái dương hệ, trên các đầu sao chỗi, các vẫn thạch.
Ba cấp bậc tiến hóa
Chúng ta đã khá lan man với các thí dụ kể trên, và có vẻ như lạc đề. Nhưng tựu trung cũng chỉ để minh họa cho nguyên lý tổng quát của sự hiển lộ (the general principle of emergence) như có tính sáng tạo hoặc sản sinh cái mới mẻ. Chúng là những kiểu mẫu cho sự khẳng định mà ngày nay đã được chấp nhận một cách bình thường rằng toàn thể thì lớn hơn tôång số các phần của nó.
Khi quay sang các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta nhận thấy có khả năng đặt chúng, một cách hoàn toàn, vào cái có thể gọi là trật tự của vật thể (order of being). Với cụm từ ấy, chúng ta có ý nói rằng nếu bắt đầu với các hạt quác, electron, proton, hạt phân tử, v.v., chúng ta sẽ đạt tới cấp độ cao hơn chúng, được gọi là nguyên tử (atom), cứ thế tới dạng thức cao nhất của vật thể.
Ðể có thể trình bày giản dị, chúng ta sẽ giới hạn các cấp bậc ấy trong vô tri giác, có tri giác và có lý trí như thể đó là ba cấp bậc tùy thuộc và tiếp giáp nhau. Nếu thuyết tiến hóa hiển lộ đúng, vật có tri giác hẳn phải xuất hiện từ vật vô tri giác theo ý nghĩa nó phải tùy thuộc vào vật vô tri giác dù chắn chắn nó có phẩm tính riêng biệt. Cũng một cách thức như thế, vật có lý trí hẳn phải phát triển từ những vật đang sống và bị tùy thuộc vào các điều kiện vật lý dù nó có phẩm tính riêng biệt và khác biệt với chúng....
Xem phần 2 tiếp theo.