Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.230.540
 
Truyện ngắn ngắn - 12
Đỗ Ngọc Thạch

1.CON  TẠO  XOAY  VẦN 

 

Hồi tôi còn nhỏ, lúc thì ở với ông bà Nội, lúc thì ở với ông bà Ngoại, do bố ,  mẹ tôi đều công tác thoát ly, thỉnh thoảng mới về nhà. Khi tôi ở nhà ông  Nội,  tôi được nuông chiều vì  tôi là cháu  Đích  tôn. Tôi có vú em riêng, “vệ sĩ” riêng. Vệ sĩ riêng của tôi rất giỏi võ Thiếu lâm nên  thỉnh thoảng phải đi dạy võ cho dân quân du kích của xã, huyện, có nguy cơ, phải thoát ly luôn. Vì thế bà tôi phải đi kiếm vệ sĩ mới. Đúng lúc đó “Thị  Báng” xuất hiện. Chuyện này nói ra rất dài nhưng cũng có thể nói gọn lại như sau: một hôm bà tôi đi chợ, thấy có một thằng bé đói lả nằm thoi thóp ở xó chợ, bà tôi thương tình đưa nó về nhà, cứu nó trên bàn tay của Thần Chết! Nó bị bệnh báng, bụng căng phồng như bụng cóc, nhưng rồi ông tôi cũng chữa khỏi cả bệnh báng lẫn bệnh ghẻ lở đầy người. Vì nhặt nó ở chợ nên đặt tên nó là Thị, vì nó bị bệnh báng, nên gọi là Thị Báng. Chữ Thị còn có nghĩa là phụ nữ, đàn bà, tưởng rằng nó sẽ yếu ớt như đàn bà, ai ngờ sau khi khỏi hết các bệnh nó lớn phổng lên như Thánh Gióng và có sức khỏe lạ kỳ ! Vì thế bà tôi giao nhiệm vụ vệ sĩ cho nó. Nó thường cõng tôi đi chơi khắp làng xóm, ra sông Thao tập bơi…nhờ thế mà sức khỏe của tôi cũng phát triển rõ rệt! Sau khi giải phóng Thủ đô, tôi theo bố mẹ về    Nội nên xa Thị Báng từ đó.

 

Ba mươi năm sau, lúc tôi đang lưu lạc giang hồ ở Sài Gòn thì bất ngờ gặp Thị Báng. Lúc này Thị Báng đang là Thị trưởng của một tỉnh nhỏ. Thị trưởng chiêu đãi một chầu nhất dạ đế vương và nói : “Dù sao thì cậu vẫn là cậu chủ trong ý nghĩ của tôi! Tôi sẽ tìm việc thích hợp giúp cậu!” Tôi nói : “Số tôi không ở yên được một chỗ, khỏi làm phiền Thị trưởng !” Thực ra lúc đó tôi nghĩ : Tuy  Thị  trưởng đang  thịnh, có thể hô mưa gọi gió nhưng có rất nhiều phá tướng, còn nói theo ngôn ngữ thanh tra thì có rất nhiều dấu hiệu của tham nhũng, ngày sập tiệm không xa lắm. Quả nhiên, chỉ ba tháng sau ngày gặp tôi, tôi nhận được tin Thị trưởng đã bị bắt giam và nhắn tôi đến có việc cần nhờ. Tôi đến chỗ tạm giam, Thị trưởng vừa khóc vừa nói : “Cậu cứu tôi với! Tôi thật không ngờ mấy đứa đệ tử thân tín lại phản thùng !  Cậu đi gặp bà Nội cậu ngay rồi nói với bà, chỉ mình bà là cứu được tôi mà thôi!” Tôi liền trở về quê gặp bà  Nội. Lúc này bà đã già yếu lắm, bà nói : “Nếu thằng Thị Báng nó bị bệnh tật thì còn có thể cứu được chứ dính vào luật pháp thì bà làm sao gỡ được cho nó! Cháu vào gặp bảo nó rằng phải chấp nhận ngồi tù và cố gắng cải tạo cho tốt chẳng mấy chốc lại ra thôi mà !” Tôi lại tìm gặp Thị trưởng và nói lại ý bà Nội  tôi, Thị trưởng lại khóc rồi nói : “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài ! Tôi sẽ chết mục xương trong tù mất  thôi ! Ôi ! Ước gì  thời gian quay trở lại để tôi nằm ở góc chợ rồi gặp bà Nội cậu !...”

 

Thị trưởng muốn bắt con tạo xoay vần kiểu gì đây không biết !           

 

2.KÉN  CHỌN  NHÂN  TÀI

 

Tỉnh nọ treo bảng tuyển dụng công chức từ cấp Trưởng Phòng các Sở cho đến phó giám đốc cấp Sở (hai chức danh này thực ra cũng xấp xỉ nhau cho nên tuyển chung một lượt). Vòng 1 chỉ có ý nghĩa thủ tục cho nên mọi người đều qua một cách dễ dàng (kiểm tra hồ sơ, lịch sử công tác chuyên môn, kiểm tra lại kiến thức chuyên ngành,v.v…). Vòng 2 khá gay cấn vì nội dung là kiểm tra những khả năng vượt trội, khả năng sáng tạo mà người bình thường không có được (như vậy mới đáng mặt  anh hùng để chỉ huy cả một đội quân chứ! Nếu tạm so sánh với bên quân đội thì có thể tương đương với chức vụ Trung đoàn trưởng – Trung đoàn nhiều khi phải độc lập tác chiến, nếu không có đầu óc sáng tạo thì …chỉ có thua trận!). Quả nhiên Vòng hai đã loại ra  8 phần 10 (điều này phản ánh đúng thực trạng chung của đất nước: 80% dân số nước ta là nông dân lạc hậu, văn hóa thấp, mù chữ…). Vòng 3 sẽ rất gay cấn và hứa hẹn nhiều bất ngờ  vì ai lọt vào Vòng 3 sẽ ngồi vào cái ghế phó Giám đốc Sở. Các thí sinh hầu hết đều rất căng thẳng và phải uống thuốc tăng lực, đương nhiên được gia đình chăm sóc kỹ lưỡng hơn cả võ sĩ quyền anh!...Đề ra của Vòng 3 thực ra rất đơn giản, không có tính  chất “đánh đố” mà chỉ có tinh chất thử việc , tức thí sinh phải thực hành nhiệm vụ sẽ đảm nhận, cụ thể là nghe cán bộ của Phòng đó báo cáo rồi nhanh chóng đưa ra kết luận về thực trạng và giải pháp thực hiện tiếp theo (gọi tắt là “thực trạng và giải pháp”). Vòng “thực trạng và giải pháp” này thực ra rất khó cho điểm (vì thiên lý vạn lý – cái lý của ai là đúng nhất, hay nhất thì chỉ có Ông Trời mới phân định được), vì thế có thể nói vòng này “Chấm điểm Mặt” là chính, giống như ngày xưa đã có chuyện “Mạo Trạng Nguyên” – tức vì có cái mặt đẹp giai mà được chấm là Trạng Nguyên! Vì thế, để cho công bằng, các thí sinh khi vào phòng phỏng vấn đều phải đeo mặt nạ có hình 12 con giáp trông rất ngộ, để sẵn ở ngoài phòng thi. Một câu hỏi có tính chất xếp hạng là mỗi thí sinh ghi nhận xét của mình về cuộc thi vào một lá phiếu nhỏ…

 

Cuộc thi tuyển rồi cũng đến hồi kết với một kết quả bất ngờ: một thí sinh đậu Trạng nguyên và được đặc cách giữ chức Giám đốc Sở  Nội vụ! Mọi người đoán già đoán non tại sao thí sinh này lại đậu Trạng Nguyên nhưng đây là chuyện bí mật, không công bố!...Phải đến 5 năm sau, thí sinh đậu Trạng nguyên ngày  ấy, giờ đã là Chủ tịch tỉnh, trong một cuộc vui  đã  tiết lộ :  Trong    phiếu  nhận xét  về  cuộc thi  tôi  chỉ  viết  mấy chữ : “Tổ chức thi cho vui mà thôi, mọi vấn đề nhân sự đã được các  Sếp  trong  Ban Tổ  chức  Tỉnh  ủy  giải  quyết  từ lâu rồi !”

 

 

3.SỞ  THÍCH  NGƯỜI  GIÀ

 

Gia đình ông Lê Trường Bách nổi tiếng một vùng vì tuổi thọ cao, nhiều thế hệ cùng tồn tại. Tứ đại đồng đường (4 thế hệ cùng tồn tại) đã là hiếm, vậy mà ở nhà ông là Ngũ đại đồng đường (5 thế hệ cùng tồn tại): Ông Lê Trường Bách (và vợ) 102 tuổi, con là Lê Trường Thọ (và vợ) 80 tuổi, con là Lê Trường Niên (vợ mới chết 2 năm) 60 tuổi, con là Lê Trường Kỳ (và vợ) 40 tuổi, con là Lê Trường Thiên, 20 tuổi, mới cưới vợ hồi Tết Kỷ Sửu, nếu cuối năm vợ Trường Thiên sinh con Trâu Vàng thì gia đình ông Trường Bách sẽ là Lục đại đồng đường! Điều đáng chú ý là ông Bách vốn là VĐV điền kinh từ thời Pháp xâm lược VN, và sau này, con, cháu, chắt, chút đều nối nghiệp ông, lúc trẻ thì làm VĐV, lớn tuổi thì làm Huấn luyện viên môn Điền kinh. Điều đáng chú ý thứ hai là mỗi đời chỉ sinh một con mà lại đều là con trai. Điều đáng chú ý thứ ba là gia đình ông có thể nói là chuẩn mực về mọi mặt, trong ấm ngoài êm, không hề có bi kịch gia đình mà căn nhà (rộng 100 mét vuông xây từ thời Pháp xâm lược VN, đến nay vẫn còn tốt) của ông Bách có giàn hoa Thiên Lý luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười!...

 

Tuy nhiên, có rất nhiều phiền toái xảy ra từ khi ông Trường Bách ngoài trăm tuổi. Ấy là khi ông bước sang tuổi 101 thì ông bỗng nhớ cồn cào, nhớ da diết cái môn chạy Maraton mà thời trẻ, ông luôn ở trong top 5 người về đích trước nhất. Tuy thế, không hiểu sao, lần nào ông cũng ở vị trí thứ 5, không sao bứt lên được! Có phải vì thế mà bây giờ nó trở lại “nói chuyện” với ông? Có nghĩa là ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, 4 giờ sáng là ông dậy, chạy cho đến 8 giờ mới về nhà! Con cháu ông phải chiều ý ông, thay nhau chạy theo ông để “hộ tống”, đề phòng chuyện bất trắc! Ngặt nỗi là con, cháu ông Bách không ai là VĐV môn chạy mà chỉ là nhảy cao, nhảy xa, phóng lao, ném đĩa!...Đến tối, sau bữa cơm, mới là trung tâm của sự rắc rối: Ông Bách mê chơi cờ Tướng, ông Niên mê cờ Vua cho nên ông Thọ vừa phải chơi cờ Tướng với Cha (tức ông Bách) vừa phải chơi cờ Vua với ông con (tức ông Niên), mà ông Bách hay hoãn, hay đòi đi lại mặc dù luật chơi cờ là “Hạ thủ bất hoàn” ai chả biết! Trong khi ba ông chơi cờ làm ầm ỹ cả nhà thì hai bà vợ ông Bách và ông Thọ lại cần yên tĩnh để ngồi Thiền, vợ chồng ông Kỳ mải mê với các trang Website, vợ chồng  Thiên – thế hệ thứ 5 thì đang dán mặt vào màn hình Tivi! Lúc này, căn nhà ông Bách cứ như cái Hội chợ Triển lãm!...

 

Cũng có lúc, cả nhà ngồi lại “Họp gia đình” để tìm giải pháp vừa trên được dưới, nhưng mỗi người một ý, thật khó mà thống nhất, cứ như cái thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu! Cuối cùng, ông Bách chợt nghĩ ra điều gì đó và nói:”Bây giờ gia đình ta phải tập trung vào việc lấy vợ cho Trường Niên, vợ nó mất đã hai năm rồi! Gia đình ta như một cỗ máy đang hoạt động tốt, bỗng mất đi một chiếc đinh ốc quan trọng, thử hỏi sao không xảy ra trục trặc?” Mọi người ngớ ra một lúc rồi đều hiểu rằng không thể trì hoãn việc cưới vợ cho Lê Trường Niên! Thế  là từ đó, mọi ý nghĩ, mọi hành động của mỗi thành viên trong gia đình đều hướng vào việc hệ trọng đó! Kết quả thế nào đến nay vẫ chưa rõ!...

 

 

4.BÀI  CA  KHÔNG  QUÊN

 

Có một bài ca không bao giờ quên…là bài ca tôi vẫn hát…” -  đó là lời một bài hát mà những người cựu chiến binh không mấy ai không thuộc, và thỉnh thoảng họ lại hát lên khi chợt nhớ đến thời chiến tranh, khi chợt nhớ đến đồng đội. Nhưng những lời ca đó được hát thường xuyên, liên tục bởi một người lính đặc công năm xưa, nay tóc đã bạc phơ, hình hài thì gân guốc như tượng đồng. Điều đáng chú ý là người lính ấy không hát trên sân khấu rực rỡ ánh đèn mà được hát trên bệ cao dưới chân tượng đài ở giữa bùng binh của đường phố Sài Gòn. Bất kể nắng mưa, ngày đêm người ta đều thấy người lính già ấy đứng hát  dưới chân tượng đài. Hát xong một lượt người lính lại đi một bài quyền và mồm thì hô vang những câu thiệu nghe rất lạ tai! Ai  cũng bảo đó là một người tâm thần, một người điên, nhưng bà vợ tóc cũng bạc phơ và một cô con gái xinh đẹp như người mẫu thời trang chân dài thì không cho rằng chồng mình, cha mình bị điên, đúng giờ ăn họ lại đem đồ ăn thức uống tới cho “ca sĩ tượng đài”. Có người hỏi cô con gái : “Tại sao không tìm cách giữ ông già ở nhà? Có thể nhốt ông ấy trong buồng?”  Cô con gái nhẹ  nhàng đáp : “Chính vì nhờ những lời ca đó mà cha tôi còn sống đến bây giờ, chứ bạn bè đồng đội của ông ấy đã chết hết cả rồi!” Bà mẹ tóc bạc của cô gái thì nói : “Nhờ nghe những lời ca của ông ấy mà  tôi cũng còn sống đến bây giờ đó! Ông có biết vợ chồng tôi cùng  đã  102 tuổi  rồi  không! Còn  con gái chúng tôi nó đã hơn 70 tuổi rồi đó!”. “Trời đất ơi! – Người vừa hỏi tròn mắt  kinh ngạc – hơn 70 tuổi mà như người mẫu thời trang chân dài !”

 

         

5.NGƯỜI THIẾU PHỤ NAM XƯƠNG

 

Văn Chiến  cưới vợ được đúng ba ngày thì nhập ngũ, vào tuốt chiến trường, ba năm sau mới được trở về với vợ. Vợ Chiến đã sinh cho chồng một đứa con trai, rất kháu khỉnh, lúc Chiến trở về  đúa bé đã ba tuổi. Lúc Chiến mới về, vợ Chiến bảo con:”Con chào bố đi, bố con đấy!” Đứa bé ngó Chiến rồi nói:”Đây không phải bố con! Sao mẹ bảo khi mình đi ngủ thì bố mới về và chui vào mùng cơ mà?” Chiến ngỡ ngàng không hiểu sao và sinh nghi ngờ vợ ở nhà gian díu với ai? Vợ Chiến thấy vậy thì buồn lắm, không biết giải thích với chồng thế nào? Đến tối đi ngủ, bóng của người vợ hắt lên tường, kề cái mùng, thăng bé liền reo lên:”Kìa! Bố con tới rồi!” Vợ chiến bừng tỉnh, chợt nhớ mình đã đọc cái chuyện “Người thiếu phụ Nam Xương” ở nhà mẹ đẻ rồi thường kể cho con nghe! Vợ Chiến vội chạy về nhà mẹ đẻ, lấy cuốn truyện “Người thiếu phụ Nam Xương” đưa cho chồng đọc. Người chồng đọc xong thì ôm chầm lấy vợ mà nói:”Trời đất ơi! Cái truyện hay thế mà sao anh chưa được đọc! Chút xíu nữa đã bắt em phải chịu số phận bi thảm như người thiếu phụ Nam Xương!”…Sau đó, Chiến rất chăm đi mua sách về đọc, chỉ ba năm mà sách chất đầy nhà! Lúc ấy, vợ Chiến mới nói:”Anh đã đọc hàng ngàn cuốn sách rồi, bây giờ thử viết lấy một, hai cuốn xem sao?” Thế là từ đó, Chiến mải miết ngồi viết…Không biết kết quả thế nào, chỉ biết là gia đình Chiến rất êm ấm, vui vẻ…/.

 

Sài Gòn, tháng 6-2009

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3168
Ngày đăng: 24.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vụ cướp lúc nửa đêm - Giản Tư Hải
Vết son - Mang Viên Long
Ngày gặp lại - Phan Bích Thủy
Chùm truyện mini - Vĩnh Phúc
Số phận con Cún - Huỳnh Văn Úc
Họa vô đơn chí - Đông La
Truyện ngắn ngắn -11 - Đỗ Ngọc Thạch
Lời tỏ tình đầu tiên - Nguyễn Hồng Nhung
Vội vàng - Mang Viên Long
Cái con cầy - Giang Kiều
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)