Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.214.299
 
Bóng người trong Đời vạn dặm
Lê Khánh Mai

Ngay từ những trang đầu tập thơ “Đời vạn dặm” của Hồng Thị Vinh, tôi bắt gặp câu thơ “Có những tài nhân âm thầm trong bóng tối/ Như kình ngư quẫy đạp giữa biển ngầu/ Dẫu tư chất vẫn không thành danh phận/… / Đi kiệt sức mới gặp chiếc bóng mình/ In trên nền trời quên lãng” (Dưới bóng trời, quên lãng).

 

Một suy ngẫm, một nhận định khái quát hay đó là niềm chứng ngộ của chính tác giả về cuộc đời. Phải, cuộc đời muôn dặm, con người đã trải, đã quẫy đạp, đã vắt kiệt mình để tồn tại và lao đến những cái đích vô hình rồi rơi vào quên lãng. Có cái gì đó thôi thúc tôi đọc hết tập thơ. Hình như những dòng ch trên đây đang chỉ dẫn về một cuộc vật lộn nội tâm âm thầm mà dữ đội. Sự “quẫy đạp” nội tâm là trạng thái con người khao khát nhận diện chính mình, tìm ý nghĩa nhân sinh.
Trong một bài thơ khác, Hồng Thị Vinh viết:

 

“Đời vạn dặm theo dòng trôi chảy mãi

Nghĩa lý gì đâu chiều ngả bóng, xuân vơi

Ta hạt bụi cuốn đi rồi trở lại

Vẫn còn ta đâu thể lạc dấu đời”

(Đời vạn dặm)

 

Con người dẫu nhỏ nhoi cát bụi vẫn “cuốn đi rồi trở lại” không mất hút vào hư vô, ở đây bộc lộ mâu thuẫn. Nhà thơ vừa xót xa cho cái sự quên lãng của kiếp người lại tự nhủ “vẫn còn ta” và không thể “ lạc dâu đời” . Mâu thuẫn này phản ánh một thực tế những băn khoăn muôn thuở của kiếp người không bao giờ có lời giải đáp. Cho dù vậy con người buộc phải có ý thức về bản ngã, về cõi sống. Cõi sống thật đáng quí, đáng nâng niu, ngay cả khi đời người đã ngả bóng chiều, xuân vơi. Cảm nhận cuộc đời như vậy, để làm người không thể cứ vô tư mà sống. Nhà thơ luôn ngắm nhìn, lắng nghe trăn trở cùng cõi sống.

 

Một màu dã quỳ bất chợt gặp nơi núi rừng heo hút cũng khiến lòng rưng rưng hạnh phúc, và tận hưởng vẻ đẹp của hoa, như thể đây là cơ hội duy nhất trong đời: “Sáng lên màu thương nhớ/ Giữa hoàng hoa/ thơm phớt cánh dã quỳ/ Đi suốt kiếp mới gặp màu vàng ấy/…/ Dẫu rét mướt cũng một lần thấy được/ Dẫu dã quỳ vàng mãi đến thiên thu (Đến Biển Hồ)

 

Dừng chân nơi ngọn núi đá voi phủ phục giữa truông rộng hoang vu, chị xót thương con voi đá to xác thế mà cũng phải chịu cảnh chơ vơ, sợ hãi, cô đơn: “Thân to xác lớn/ vẫn sợ ngày dài đêm vắng/ Dẫu vô hồn vẫn sợ ánh trăng ma/ …/ Trần trụi chốn ta nằm/ Cổ mộ chẳng mái che”. (Núi đá voi phủ phục)

 

Trước một bức tranh, chị nhìn ngắm không chỉ để cảm thụ cái nghệ thuật của màu sắc, chị giải mã những ẩn ngữ phía sau nó để nhận mặt cuộc đời với những vui buồn, khổ đau hạnh phúc. Chị hiểu ra con người là một thực thể cô đơn luôn đi một mình trong những cuộc kiếm tìm: “Bức tranh nói lời ẩn ngữ/ Có lời than trong hồn cát/ Có lời vui trong ngọn sóng chan đầy/ Không hạnh phúc là dối/ Đau thương chưa phải thật/ Không ai đi cùng tôi/ Trên con đường tìm kiếm vô cùng” (Chén đắng).

 

Và đằng sau tất cả cảm nhận thiên nhiên, nghệ thuật, đời thường… là bản ngã nhà thơ. Cái bản ngã ấy có khi mặc cảm, có khi tự tin kiêu hãnh. Thơ Hồng Thị Vinh có rất nhiều câu hỏi, những câu hỏi xoáy vào ý nghĩa sống làm người. Bắt đầu là việc tìm kiếm chính bản thân: “Có phải núi gần/ Đường ta xa/ Có phải biển đầy hồn ta cát mọn/ Nằm thu mình giữa bãi sóng trùng dương” (Loài hoa chợt nở). Rồi chị làm một cuộc “phẫu thuật” chính mình, nhận ra cái tự thân đầy tính phức tạp, phải tự mình điều chỉnh để trở về trạng thái đơn giản bình yên như một phương pháp giải thoát: “Có lúc tự mình vỡ ra… / Có lúc thấy mình nhoè nhoẹt…/ Lại thấy mình biến mất…/ Thật bình yên/ Như chưa từng quá khứ/ chưa từng hiện tại / Tương lai “ (Tự thân)

Quá trình nhận thức bản thân cũng là quá trình nhận thức về con người với đầy mâu thuẫn, trăn trở. Trong trục quay của thời gian quá khứ hiện tại và tương lai, con người luôn vội vã và đa sự. Bận rộn với những cái đích vô hình người ta đã lãng quên hiện tại, để trôi tuột đi những phút giây quý giá. Pháp thiền “Tại và hiện” của luân lý nhà Phật như một phương châm tỉnh thức đưa ta trở về thực tại: “Nhắc câu kinh luân hồi quên nhớ/ Chợt quý từng hơi thở bước đi/ Yêu thương nơi đây hạnh phúc giờ này/ Kẻo rồi tiếc muộn” (Những sắc màu bình yên).

Cuối cùng nhà thơ chứng nghiệm chân lý cuộc sống thật giản đơn. Đó là sự thấu suốt cái lẽ sắc không, cái tiết tấu của hư vô để đạt tới an nhiên , cực lạc, một trạng thái hạnh phúc vô bờ.

“Tôi đã thấy điều không thể thấy

Và đã nghe tiết tấu của hư vô

Mênh mông ấy có khi là cực lạc

Bờ tịch nhiên sóng nước vỗ mơ hồ”

(Chim hót hồn nhiên)

 

Không gian trong thơ Hồng Thị Vinh tịnh lặng, không gian thiền, nghiêng về phía thiêng liêng. Điều đó góp phần tỏ rõ thái độ trân trọng của nhà thơ trước vũ trụ, thiên nhiên và cuộc sống. Và, dẫu “Đời muôn dặm” vô biên, ở đâu, lúc nào cũng hiện lên hình bóng con người nhỏ bé mang vác nỗi cô đơn cùng những câu hỏi không nguôi về kiếp người./.

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 2728
Ngày đăng: 25.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Uống rượu với chồng, Một "đoạn trường thơ" - Đặng Văn Sinh
Thời của thánh thần, qua cái nhìn phản biện xã hội - Đặng Văn Sinh
Ông Điên Kiệt Tấn - Đặng Mai Lan
Nghĩ về Kiệt Tấn - Nguyễn Mộng Giác
Lời Nguyện Cầu Cho Mọi Người - Lê Huỳnh Lâm
Người vác nỗi buồn qua cánh rừng cổ tích - Lê Huỳnh Lâm
Trường ca Đỗ Quyên - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Lê Khánh Mai “vút lên lóng lánh vui buồn trần gian” - Vũ Nho
Trần Wũ Khang & “Quà tặng của quỷ sứ” - Inrasara
Tế Hanh – "Cánh buồm vôi" đi qua thế kỷ! - Lê Ngọc Trác
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)