Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.769
 
Chị tôi
Nguyễn Hồ

I.

Má tôi nói, tôi cũng có chị, nhưng má sanh con so èo uột nên phải "bỏ" đi. Năm sau, má mới sanh mày, mày là con rạ chớ không phải con so, thứ ba chớ không phải thứ hai, con cả đâu. Tôi thèm có chị từ khi tôi biết là tôi có có người chị chào đời nhưng phải bỏ. Tôi thắc mắc: sao má không nuôi mà bỏ chị con chi vậy? Má kêu trời: "Trời ơi sao con khờ vậy, bỏ đây là nói tránh vậy thôi chớ con là núm ruột, bỏ làm sao đành". Má nói rỉ rả: "Cũng như mày, sanh năm Nhâm Ngọ, mới có bảy tháng mười ngày, tưởng bỏ rồi vậy mà tao nuôi cho tới bây giơ". Từ đó, tôi ao ước: phải má đừng bỏ thì  tôi có chị rồi. Tôi thích có người chị lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng phải giống như má, đi chợ về mua cho tôi gói xôi bánh phồng, gói bằng lá chuối, đắt tôi đi coi hát đình, lấy cái lược sừng của chị chải tóc cho tôi mỗi khi tôi ôm cái cặp đươn bằng đệm bàng đi học. Má xoa đầu tôi  kể lể dài dòng lắm: "Không có chị mà coi như có đi, chị ba mày đó, con cậu hai, anh ruột của má. Bà ngoại sinh ra hai anh em má rồi qua đời, ông ngoại nuôi cho tới ngày kháng chiến, câu hai con mang nóp trên lưng, vai vác tầm vông vạt nhọn đi bộ đội. Ngày Cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cậu hai con là cảm tử quân, cùng mấy người nữa đánh vô đồn Măng Thít bên Trà Vinh, lấy được đồn nhưng hy sinh hết bốn người. Xác cậu hai  và mấy chiến sĩ khác chôn trong cái kim tĩnh của nhà giàu ở Dừa đỏ, thuộc huyện Càn Long, cách Giồng Trôm  một cù lao lớn là cù lao Minh và một con sông lớn là sông cổ Chiên". Má nói "Cậu hai con chết, bên ngoại con còn một mình má, rồi ông ngoại con qua đời, má như cái cây khô trơ giữa đồng. Má thì mồ côi mẹ, chị con thì  mồ côi cha, hai cô cháu mồ côi hết, nên má thương. Mợ ba con đi cấy, nuôi chị ba con tới bây giờ ra mã con gái rồi".

 

Năm nào đám giỗ ông ngoại, mùa xoài, con nước rong tràn bờ, chị tôi cũng về cùng với mợ Hai tôi. Hai mẹ con đi bộ ba cây số từ làng trên, quê mẹ chị. Chị kẹp tóc, áo bà ba, chân đất, người cao ráo, da ngăm. Chị giống má tôi như đúc. Về tới nhà, đảo qua nhà trên, thắp nhang trên bàn thờ, khoanh tay thưa hết bà con, liền te te xuống bếp, nhập vào đội quân nấu nướng. Chị đứng miết cho tới cúng xong, mọi người ăn xong, chị  mới lua một chén cơm. Có vài lần chị rời khỏi bếp là để tìm tôi, dúi cho tôi cái bánh ít hay nắm xôi. Chị hơn tôi có hai tuổi, thành con gái; còn tôi cũng thành con trai, đã có bằng tiểu học, giọng nói đã ồ ề, mà sao tôi coi chị như má. Tôi ngoan ngoãn nghe chị dặn: Được đi học thì phải ráng em à.

 

Tôi học trung học ở tỉnh. Đám cưới chị, má tôi nói, thằng rễ coi được, tuy nghèo mà siêng năng, có hiếu với cha mẹ. Bốn năm sau, tôi về  dám giỗ ông ngoại, chị đã có ba con. Kháng chiến chống Mỹ xong,  gặp lại, chị có hai đời chồng, hết thảy chín con, sau đó có thêm hai đứa nữa với ai đó không rõ, tất cả con là mười một đứa. Dốt chữ nhưng được cái lưng nách, khỏe mạnh, sống thật thà, đơn giản, chịu làm lụng nên ai cũng thương. Đàn bà mà chống sào giựt dừa, trèo dừa đều giỏi. Dừa lão cao ba bốn chục thước mà chị leo như sóc, lên tới ngọn chị đạp dừa khô rơi xuống ầm ầm. Nói về nghề leo, thì chị leo cau không cần nài, lại biết chuyền từ đọt cau này sang đọt cau kia. Chị cũng giỏi nghề cạy dừa bằng cái mác cạy chuyên dùng, lột vỏ dừa bằng cái nằm chuyên dùng. Lột vỏ, cạy dừa cho lò sấy dừa mỗi tháng tính bằng trăm, bằng thiên  trái. Chị đập dừa bể đôi, hai miếng đều nhau như chia. Thương lắm cái bàn tay xóc nằm, lột dừa của chị, da tay dày như mo cau, đen bóng như sơn mài. Bàn tay con gái mà như vậy thì nói gì đến sung sướng được.

 

Mỗi lần về quê, tôi đều ghé thăm mợ hai, thăm chị, thắp nhang trên bàn thờ cậu hai. Mợ hai ở căn chòi riêng cạnh chòi của chị. Hai cuộc chiến tranh đi qua thôn làng, để lại quá nhiều mất mát, đau thương. Nhà nghèo lắm, mỗi lần ghé, anh ba sai mấy đứa nhỏ chạy sang chòi ngoại mang cái ghế đẩu duy nhất cho tôi ngồi.  Tôi có nhiều anh ba, nhưng anh ba nào cũng như anh nào đều lam lủ, thật thà. Mấy đời chồng của chi đều như vậy. Thời  chiến tranh, có lúc, đường giao liên qua nhà chị, tôi ghé thăm chị một  lần duy nhất được gặp ông anh ba, người chồng đầu tiên của chị. Lòng bàn tay anh cũng đen bóng như chị. Anh hiền như cục đất, ngồi với nhau cả buổi không nói câu nào, nói chuyện với thằng em vợ bằng anh mắt vui vui. Tiếng duy nhất à anh nói được là dô một cái, sau khi nướng trui con cá lóc và đăm dĩa muối ớt sừng trâu cay xé. Sau này mới biết, anh chết vì hiền, vì sống quá sơ lược, dễ dãi. Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu. Anh làm du kích thuộc loại hụ hợ. Khi địch đóng đồn lập ấp chiến lược thì anh làm trưởng ấp, cũng hụ hợ, chết vì  vấp mìn du kích, mà lại là mìn của thằng em rễ tôi gài. Các ông chồng sau của chị, đại loại cũng như người chồng đầu tiên. Các con đông lủ khủ của chị, tôi không nhớ mặt, nhớ tên đứa nào cả. Sau chiến tranh, dừa đâu còn mà làm, chị quay sang gói bánh tét, bánh ú bán trong xóm, lần nào tôi ghé chị cũng bảo chờ bánh chín, ăn với chị cái bánh rồi đi  vậy mà rốt cuộc, tôi vẫn chưa ăn được với chị cái bánh nào. Chị khóc rấm rức: "Em ơi, chị nghèo quá, có cái bánh muốn cho em ăn mà cũng không được". Thời bao cấp, hai chị em đều nghèo. Nhưng dù sao tôi cũng có lương, có nhu yếu phẩm. Còn chị, đáng lý ra cũng có tiêu chuẩn con  liệt sĩ, nhưng vì chị có chồng tề  ấp nên chị không được gì. Bán bánh kiếm không đủ cho mười mấy miệng ăn, còn nói gì chuyện cho chúng đi học. Con nhà nghèo, dễ nuôi, đứa nào cũng ăn như thổi, lớn nhanh, vào đời bằng con đường làm thuê, phác cỏ, bồi vườn, trèo cao, leo dừa, nói như chị là "quơ quào mà sống."

 

Qua thời bao cấp, đến thời đổi mới, tôi ngày càng ít về và về  cũng ít gặp chị. Nghe má nói, chị với mấy đứa con gái lớn ở đợ trên Sài Gòn, mấy đứa con trai đi gặt mướn ở tận Cà Mau, Đồng Tháp. Thời bao cấp mà còn đói, thì thời thị trường, chắc có trúng số mới giàu. Cũng như bao người nghèo lại dốt khác, đời chị và các con cháu lũ khũ rồi sẽ ra sao. Thật sự, tôi không dám trả lời câu hỏi đó.

 

 

II.

Một hôm, tôi đi làm về, vừa khép cửa phòng, nghe có tiếng chân thình thịch lên cầu thang, tiếng gọi ý ới: "Em ơi, em Trí ơi, em ở đâu, chị kiếm em nè, em ơi, Trí ơi". Dù lâu không gặp, chỉ nghe cách gọi tên tộc, tôi biết ngay là  chị. Đưa chị vào nhà, chị lột nón lá, vừa thở vừa quạt, mếu máo. "Em ơi, em cứu chị. Mất con Út Mười Một rồi. Người ta hứa với chị, cho nó bưng cà phê, mỗi năm hai chỉ vàng để chị chuộc hai công đất hương quả của ngoại. Được mấy tháng, chủ báo là nó bỏ trốn rồi. Em ơi, chị sợ nó đi làm...".

 

Chị bỏ dở câu nói, vẻ mặt hốt hoảng. Khi bình tĩnh lại, chị mới kể tỉ mỉ về con Cúc: "Nó đẹp nhứt nhà. Hồi em về,cái con nhỏ hay đeo theo em phá cái máy chụp hình, là nó. Nó càng lớn càng đẹp, nhiều người đi hỏi nhưng nó không chịu. Nó muốn ở với chị, làm lụng nuôi chị. Nếu có chồng, nó cũng muốn chị bắt rễ. Mới mười bảy mà nó biết suy nghĩ. Nó nói, anh chị em trong nhà, ai muốn ra riêng thì ra, trừ nó và thằng Út Mười Hai. Bà ngoại chết rồi, nó còn có mẹ, nó phải nuôi để đề đáp công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ. Còn thằng Út Mười Hai thì nó nuôi lớn để kiếm vợ cho nó, sanh con nối dõi tông đường. Chị dấu nó cái chuyện chị cầm hai công đất lấy hai chỉ vàng làm vốn mua bán trái cây nhưng nó biết. Nó xin đi làm ở Sài Gòn, bưng cà phê trong vòng một năm lấy tiền chuộc lại miếng đất. Nó còn hứa với người yêu là thằng Tư Rẫy, chuyên kéo đờn cò cho đám tiệc, ba tháng sau nó về làm đám cưới. Chị tưởng mọi chuyện dễ dàng, nên cho nó đi. Ba tháng nay, tháng nào nó cũng gởi tiền Về nuôi chị,  nó nhắn: vàng chuộc đất chờ nó gởi về sau, thế nào cũng có. Chẳng dè, nó gặp tai nạn gì mà không về. Rồi chị nghe người ta nói nó đi làm....., nó đi làm.....

 

Chị lắp bắp mấy lần, nói không nỗi cái chữ mà chị muốn nói. Chị lại kêu trời: "Trời ơi, con Út Mười Một mà có bề gì, chị làm sao sống được". Khóc đã rồi giận, chị nổi giận thật sự, mắt chị đổ lửa, chị nghiến răng nói: "Nếu quả thiệt mà nó đi làm... bậy thì chị tìm cho được nó, chị đem về nhà bằm nó cho cá trê phi ăn. Biết chị từ tuổi ấu thơ cho tới giờ,  "hai chị em tóc bạc như nhau", tôi mới  thấy chị giận lần đầu. Nhưng chị không giận lâu, cái đau đớn, tủi cực nó xâm chiếm, dằn xé chị. To con là vậy mà trước nổi khổ tâm, chị teo tóp lại. Lưng rộng, vai ngang là vậy mà cũng còng rũ xuống trên chiếc ghế mây. Chị bưng mặt khóc, cái  khăn rằn không đủ chứa nước mắt chị.

 

Tôi chở chị trên chiếc xe Honda 67 cà tàng, chạy khắp các quán cà phê, quán bia nào mờ mờ, tối tối, nghi là có ôm để tìm con Út Mười Hai. Chị chỉ biết cái quán cà phê ôm ở đầu đường Hai Bà Trưng, ngoài cổng có cây bông giấy, chỉ vẻn vẹn bấy nhiêu thông tin. Ở Sài gòn này, bông giấy đâu mà chẳng có. Dọc đường tìm kiếm, chị nói huyên thiên. Chị nói con Ut Mười Một nó hay xức dầu bạc hà. Đi cách ba bờ dừa chị cũng nhận ra mùi của nó. Vô quán có nó là chị biết liền. Chị đâu biết rằng, đã là tiếp viên quán cà phê, quán bia ôm, nước hoa rẻ tiền còn bị chê, huống chi là dầu bạc hà. Chị  lại nói con nhỏ tóc dài, tới gót, mỗi lần chải tóc phải đứng trên giường. Chị đâu biết rằng, làm tiếp viên thì người ta chuộng tóc moden, chớ chẳng cần dài ngắn  gì. Chị nói thằng người yêu nó dưới quê làm nghề bẫy chuột trên ngọn dừa, giỏi trèo leo, chỉ quấn điếu thuốc rê nhỏ là lấy được ổ ong ruồi bùm xùm như cái quạt mo. Thằng này mồ côi, chịu ở rễ, nhưng một chữ bẻ đôi không biết. Nếu tụi nó thành vợ thành chồng thì dốt cộng với dốt thành ra dốt đặc, thành ra ngu. Nhưng ngu gì thì ngu miễn là tốt còn hơn khôn mà đi làm con...

 

Chị bị dị ứng với cái chữ mà chị nói hoài không ra. Như là chị sợ nó là dơ miệng, bị thụt lưỡi nếu như để cái chữ đó vào miệng. Rồi sau đó, chị im lặng, im lặng miết sau lưng tôi.

 

Ngày đầu tiên như vậy là không được gì. Tối lại, tôi phải đổi chiến thuật, nhờ đến đồng nghiệp chuyên viết phóng sự đèn mờ tên là Thái Linh, trước đây viết các bài báo pháp đình sau chuyển sang đề tài xã hội đen. Tay phóng viên này quen thuộc giới chủ chứa, chủ nhà hàng, cả giới bảo kê nữa, như thuộc lòng bàn tay. Tôi hy vọng, qua bọn này anh ta chắc chắn sẽ nắm được danh sách số tiêp viên ở huyện Giồng Trôm, thuộc xứ dừa Bến Tre. Thái Linh thuộc loại bị Khổng Tử chê là "Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỷ nhân", nghĩa là: "Nói năng khéo léo, nét mặt niềm nở, hạng người đó ít có lòng nhân". Tôi phải nhờ đến anh ta, vì trong trường hợp này, người có lòng nhân lại vô tích sự vì chả hiểu mô tê gì về đèn mờ. Cái dở của người tốt là không biết gì hết về kẻ xấu, nên chỉ tôn thờ đạo lý chung chung, trong số đó có tôi. Mất một đứa cháu gái mà không biết ngõ ngách hang hùm thì làm sao cứu nó được. Trong trường hợp này, nếu không có Thái Linh thì khó tìm được Ut Mười Hai. Thái Linh, dù sống thực dụng nhưng có cái tốt là hay giúp đỡ bạn bè. Phương pháp của anh ta là loại trừ dần để chỉ còn lại số tiếp viên xã M. rồi tìm hiểu trong số tiếp viên là đồng  hương xã M, nhất định có người biết. Chị tôi tả con gái mình cho Thái Linh: "Nó cao một gần mét bảy, mắt đen, mũi thẳng, tóc dài, da sáng, tiếng nói trong vắt, cười tối ngày. Nó không biết buồn, nhà nghèo khổ, có mặt nó là vui liền". Thái Linh lớn tuổi rồi mà chưa vợ. Nghề viết đèn mờ, có vợ, nhất là vợ ghen thì chỉ phiền toái, lôi thôi. Sống độc thân, muốn viết sai thì viết, chẳng ai hạch sách có thật hay không. Viết úp úp mở mở, lá mặt lá trái càng hấp dẫn thì càng có người đọc, có nhiều tiền. Với các ông  chủ sộp, nó còn dùng bài báo để kiếm tiền thưởng, "trị giá tiền thưởng"các bài báo cao gấp trăm lần nhuận bút. Những bức ảnh nó chụp cũng hái ra tiền, chỉ cần ảnh mẩu ai đó đang trác táng, họ sẵn sàng chuộc bằng tiền triệu. Thâm niên viết bài, chụp ảnh đề tài này giúp nó trở thành tay trùm ăn chơi nhân danh ký giả, bắt bồ dễ dàng nhiều cô do chủ  cho không, lại còn được lựa chọn thứ gái gin, gái xịn. Nó nghe chị tả con Ut Mười Một, mắt đảo lia, lấy làm đắc ý lắm. Nó nói: "Chị có đứa con gái mođen bốc lửa vậy mà để mất rất uổng". Nó khen mà mắt nó long sòng sọc, như mắt con chồn ngửi được mùi con gà mái tơ. Tôi thấy nó rút khăn lau mồm, nuốt ực nước miếng thèm thuồng vô cổ họng, cục hầu gồ như trái ấu. Nó nhảy lên xe vù đi rồi, chị tôi mới hoảng hốt thật sự. Chị không tin tay phóng viên này là người tốt. Bản năng tự vệ của con gà mẹ nhắc nhở chị hãy coi chừng con bù cắc này. Linh tính cũng đã báo cho chị điều gì đó. Chị  tức tốc đứng dậy cầm nón lá, bảo tôi, hai chị em mình phải đi liền, không được chậm trễ. Chị nói, ngày hôm qua, có mấy lần chị thoáng nghe thấy mùi dầu bạc hà, chị nghi nó ở quán bông giấy thật.

 

III.

Tôi mượn đồ của vợ tôi cho chị mặc, hơi chật, nhưng dấu được lớp vỏ nhà quê. Mặc đồ thị thành vào, trông chi giống như một bà chủ vựa rau dưới chơ Cầu Ông Lãnh, dáng chị chắc đậm, có nét quyền uy, chỉ cần thêm tí vòng vàng hơi bị thừa của bà chủ vựa thì chắc chắn chị là bà chủ vựa thật sự. Vợ tôi đánh kem xóa mất màu nắng rám trên khuôn mặt trái xoan của chị, thêm tí son môi màu nâu nhạt, chị đã biến thành một con người khác. Đứa em dâu còn cẩn thận đeo cho chị hai tròng kiếng moden gọng ti tan bạc, giả như kiếng cận thị. Chị đeo kiếng vào, trông chị trẻ ra, sang trọng như một nữ giám đốc một công ty kinh doanh vàng bạc đá quí.

 

Hai chị em ngồi vào góc khuất của nhà hàng, như đang gài độ làm ăn. Uống hết hai ly chanh đường, đến hai ly cam vắt, tôi vẫn thấy chị là nguời nhà quê, chị lặng lẽ uống, mỗi lần tợp một  hớp là mỗi lần chị nhăn mặt, như người Bến Tre thường nói: "giống cụ Phan uống thuốc độc". Chị ngồi như lên đồng, mắt ngó đăm đăm vào đâu đâu, không nói lời nào, không làm bộ, không đóng kịch gì cả. Khách khứa ngày một đông, nhưng không ai ngồi vào bàn uống cà phê, người ta đi tuốt vô trong mà không thấy trở ra. Các cô tiếp viên cũng vậy, các cô đi lướt qua các bàn cà phê tỉnh như không, chẳng ai mất công nhìn khách. Ai  cũng chăm chăm bước vào sâu trong nhà hàng, phía sau cánh cửa nặng nề có người ngồi canh. Như vậy là, nếu khách không qua chỗ tiếp tân thì sẽ không thể vào bên trong được.Tôi có cảm giác là chị tôi không biết điều này. Chị lim dim đôi mắt  ẩn dưới lớp kiếng lấp lánh. Chỉ có cánh mũi chị là phập phồng, có vẻ như đang đang hoạt động quyết liệt, vì tôi thấy cánh mũi chị luôn hướng về phía bên trong quán cà phê, phía bên kia các bức vách ngăn. Trong đó ồn ả tiếng cười của các bàn nhậu và  dàn nhạc với tiếng trầm và bỗng rền vang đến nặng tai, tức ngực.

 

Đã 11 giờ đêm, tôi định khuyên chị về, nhưng chưa kịp nói ra thì thấy Thái Linh bước vào quầy tiếp tân, hắn có vẽ tỉnh táo, linh hoạt hơn bình thường. Ôm cô gái tiếp viên vừa đến hun hít lia chia, nói mấy câu gì đó với cô quản lý ở quầy tiếp tân rồi hắn dắt tay cô gái đẩy cánh cửa đi thẳng vào bên trong. Chỉ cần một thoáng cánh cửa mở, tiếng ồn bị nhốt lập tức thoát ra ầm ầm. Sự xuất hiện của Thái Linh cũng như tạp âm đinh tai nhức óc không mảy may làm cho  chị xúc động. Chị vẫn cứ tiếp tục "tham thiền nhập định" hướng hai cánh mũi phập phồng vào phía bên trong. Rồi đột ngột, chị đứng dậy ra hiệu cho tôi ngồi im, một mình chị đi vào trong. Tôi không đành để  chị đi một mình, liền bám sát theo chị. Chị tiến tới quầy tiếp tân như một bà chủ sành điệu. Chị nói: "Ua, mới thấy chú Thái Linh vô, chú ấy đi đâu rồi vậy cô". Cô tiếp tân có đôi môi dày, hàm răng đều như hạt bắp non, nở nụ cười mê hồn và cặp mắt liếc sắc như dao nhìn chị tôi nhíu mày như lục trong trí nhớ tìm người quen. Cô tiếp tân lắc đầu: "Thưa bà, ở đây đâu có Thái Linh nào". Chị tôi đon đả: "Thái Linh đi tìm cô em là  Ut Mười Một ở Bến Tre lên. Tôi hẹn với Thái Linh trong kia". Chị đưa tay chỉ cánh cửa nặng nề đang đóng chặt, có một thanh niên tướng tá như đô vật đang ngồi canh: "Thưa bà, Thái Linh nào tôi   không biết, xin lỗi bà, không có ai là Ut Mười Một  ở đây". Chị tôi dứt khoát: "Thôi, không phiền cô làm gì, để tôi tự đi tìm cũng được". Nói xong, chị tôi đi nhanh tới cửa. Kịp nhận cái nhướng mắt của cô tiếp tân, tên bảo kê đứng dậy cản đường  nhưng sau khi nghe chị nói nhỏ gì đó với nó thì chị dẩy cửa bước vô trong. Tôi đi theo sát chị nhưng bị tên bảo vệ cản lại. Tôi đánh liều nói: "Tôi là xếp của Thái Linh đây". Thế là như có phép thần, tên đầu gấu để tôi tự do  vào cửa. Như vậy, chắc chị tôi cũng đã dùng "mật hiệu" loại này?

 

Thì ra đây là cả một thế giới mà phải nhắm mắt lại, định thần trong giây lát tôi mới nhận ra một cách mơ hồ là tôi đang lạc vào một lãnh địa chỉ có ở âm ty, ánh sáng xanh lè ma quái chớp lạch soi không rõ những hình thù mờ ảo trong khói thuốc và nồng nực hơi người. Sân khấu run rẩy trong tiếng saxso áo não quyện với làn sóng âm cực trầm ầm ì như sấm rền, thỉnh thoảng ré lên âm bỗng cao vút, chát chúa, loảng xoảng như  tiếng đổ vỡ pha trộn với tiếng gươm đao va chạm tóe lửa và tiếng thét kinh hoàng khàn đục của cô ca sĩ trang phục một mãnh lá nho thời thượng… cổ. Không gian sặc mùi rượu, da thịt bị yêu tinh kích thích, hình hài ma trơi động cỡn gào thét rung chuyển như cơn động đất cuối cùng của ngày tận thế.

 

Chị tôi đứng nép vào góc tối nhất, thoạt nhìn chị tưởng như đó là một pho tượng  bị bỏ quên. Chỉ có ánh mắt chị là còn lóng lánh thần lực và, tôi đoán, cả hai cánh mũi của chị nữa, cũng đang cùng với đôi mắt kiếm tìm thân hình mảnh mai của thần vệ nữ xức dầu bạc hà là Ut Mười Một. Để giúp chị, tôi cũng căng mắt ra nhìn quanh vũ trường lổn nhổn bàn nhậu. Nhưng tôi vốn là người chủ bại ngay từ đầu. Làm sao tôi có thể nhận ra cháu tôi trong bát nháo người ngợm điên khùng này. Với tôi, nó là cô gái quê khỏe mạnh, cân đối có nụ cười thường trực  và thỉnh thoảng có tiếng cười dòn tan. Giờ này, nơi đây nó dễ gì giữ nguyên được cái chất đồng nội ấy. Tất cả mọi cô gái ở đây môi xanh hoặc đen, tóc vàng hoặc đỏ, mắt tô kim tuyến lóng lánh trên cái nền da màu máu bầm và thời trang moden hai mảnh. Thói phồn thực hiện đại tiếp thị tối đa con người lõa lồ, kịch bản và đạo diễn sử dụng kỹ năng nghề nghệp thô bạo nhất để giật những kỷ lục kích thích cảm giác điên cuồng. Một giây cảm giác mạnh được chất thuốc lắc tiếp sức làm con người bộc lộ đến tột đỉnh bản năng thú vật và  từ đó sinh ra lợi nhuận tối đa cho những kẻ kinh doanh trong ánh sáng ma trơi. Kim Cúc, dù có  là thiên sứ đi nữa cũng sẽ không thể nào không tan chảy trong cái lò luyện kim ngân siêu nhiệt độ này.

 

Tôi thất vọng và kiên quyết tiếp tục ý định chủ bại của mình. Làm sao trong vòng một phút, tôi phải nói thẳng với chị hãy rời bỏ nơi này dù có gặp được Thái Linh và Ut Mười Một hay không. Tôi chen lấn trong làn sóng người đang quay cuồng để đến phía bên kia sàn nhảy, nơi chị  tôi hóa đá tữ nãy giờ. Nhưng khi tôi tới được vị trí thì chị không còn ở đó  nữa. Chị đã biến mất trong cơn run giật mê muội đã đến đỉnh điểm cao trào của nhà hàng vũ trường Bông Giấy. Mồ hôi nhớp nhúa trong áo, cổ khô đắng, chân bắt đầu không tuân theo sự điều khiển của trí óc nữa rồi.   

 

Trong khi tôi thấm thía nỗi thất vọng đang gậm nhấm dần chút cố gắng do thương chị mà có thì chị lù lù xuất hiện, một tay nắm tay con Ut Mười Một, tay kia túm áo nó lôi nó ra cửa. Tôi kinh ngạc nhận ra, không còn gì là con Ut Mười Một trong trí nhớ của tôi nữa. Nó ốm nhách, cao nhồng, tóc cắt ngắn lởm chởm như người bị bịnh chốc đầu. Cái váy có viền tua rua ngắn cũn cỡn như chiếc khố của người thiểu số. Còn khuôn mặt nó thì  đúng là quái chiêu: môi đen, mày đỏ, mắt xanh…

 

Vất vả lắm chị tôi mới thoát khỏi mạng lưới bảo vệ, bảo kê chìm nổi nơi đây nhờ có  sự can thiệp từ xa của Thái Linh. Nhìn thân xác bèo bọt của Ut Mười Một, tôi đoán biết vì sao Thái Linh không xuất hiện để báo công cứu mạng. Khi chúng tôi về tới nhà thì đêm đã về sáng. Trút bỏ bộ đồ "bà chủ", rửa sạch son phấn và bỏ cái kiếng trắng moden không độ ra, chị tôi đã trở lại là người nông dân tảo tần trong lớp áo bà ba vai sờn, đối diện với đứa con gái giờ đây, dưới ánh sáng bình thường và trong mắt những người trong gia đình, nó hiện nguyên hình là con yêu tinh nhền nhện trong các hang động của trí tưởng tượng. Nó ngồi xổm trên ghế, cúi mặt đốt hết điếu này đến điếu khác, không nói không rằng, mặc cho chị tôi tra hỏi đủ điều. Chị tôi năn nỉ nó đi tắm, thay đồ nó cũng im lặng, không mãy may  xúc động. Cơm dọn ra nó không thèm ngó tới,  dù biết cả nhà đói rã ruột, nó cũng chỉ liếc nhìn mọi người với ánh mắt lạnh tanh.

 

Chị tôi lắc đầu, nước mắt ràn rụa: "Đã ra nông nổi này thì mẹ đâu còn gì để trách con nữa. Nếu  biết con như vầy thì mẹ đâu có lặn lội tìm kiếm làm gì cho cực cái thân. Bây giờ, trước mặt cậu mợ con đây, mẹ chỉ muốn con nói thật, con muốn gì.Con nói đi..."

 

Ut Mười Một vẫn lặng thinh, không thèm mở miệng. Nó móc trong thắt lưng lấy ra một chiếc nhẫn có nạm viên kim cương và lần mò trong bóp, trong áo ngực lấy ra những đồng tiền đủ loại, nhầu nát vuốt phẳng, xếp ngay ngắn và bỏ tất cả vào chiếc bóp nhỏ xíu rồi đặt lên bàn. Nó nhúng vai và thở dài tỉnh bơ như đang một mình trong phòng riêng. Xong, nó lấy tấm gương nhỏ soi mặt, bằng những động tác cực kỳ nhanh, nó chỉnh trang tóc tai, mặt mũi, áo váy… cả rồi từ từ đứng lên. Đến bây giờ nó mới nhìn thẳng vào mọi người bằng con mắt thách thức, lạnh lùng. Rồi rất bất ngờ, nó bật khóc trong lòng hai bàn tay gầy guộc, móng tay sơn màu tím bầm. Nó đứng khóc lâu lắm, hết khóc, nó lại ngồi trở xuống ghế, lấy khăn tay chậm hết nước mắt, lại lấy tấm gương nhỏ soi mặt trang điểm cực nhanh một lần nữa và bất ngờ đứng lên. Nó cầm cái bóp nhỏ xíu trong đó có chiếc nhẫn kim cương và một số tiền đến bên mẹ. Mắt nó chớp liên hồi, người nó run lên, lảo đảo, nó cố kìm nén tiếng khóc, giọng nó  chứa đầy uất nghẹn.

 

Má ơi tha tội cho con. Con làm tầt cả chỉ vì kiếm tiền. Nhưng khi có tiền rồi thì con không dám về, cũng không dám gặp ai hết. Nhà cậu đây con biết mà con cũng không dám tới. Câu mợ tha lỗi cho con. Bây giờ, má cầm cái này về bán cho người ta để chuộc lại công đất, còn dư thì má đi lấy hài cốt ông ngoại con về.Má nói với anh Anh Tư Rẫy đừng chờ con. Còn con.. thì chỉ khi nào chết con mới trở về nhà....

 

Nói tới đây, nó nghẹn lời, nhào tới ôm má nó, khóc rống lên như chưa từng được khóc. Chị tôi đứng như trời trồng, nước mắt rơi lã chã. Tôi và vợ tôi như bị hóa đá trước cái tượng đài người mẹ quê, áo bà ba khăn rằn vắt vai và đứa con gái Út héo hon run rẩy trong lớp vỏ tân thời đang ghì lấy nhau, đang chống lại cái khoảng cách vô hình.

 

Tôi nhìn trân trối cái tượng đài Mẹ & Con ấy không biết bao lâu. Từ trong đáy lòng tôi, ý nghĩ bất chợt cất lên thành lời nói: "Thôi, đừng khóc nữa, Ut Mười Một, con!". Tôi đã nói với cháu gái tôi câu đầu tiên của cậu dành cho cuộc đời của nó. Và đó cũng là câu nói tận đáy lòng của thằng em trai dành cho người chị đau khổ của tôi…

Nguyễn Hồ
Số lần đọc: 2765
Ngày đăng: 01.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng đàn xưa - Ngọc Hiệp
Tiếng chuông trôi trên sông - Vũ Hồng
Tướng quân và loạn đảng - Trương Hoàng Minh
Bác Ba Phi: Những con dơi lửa ra quân - Anh Động
Bác Ba Phi : Xe tăng làm xiếc - Anh Động
Ông già thợ tiện và chú bé lái dưa - Anh Động
Bác Ba Phi : Lính bộ đánh thủy - Anh Động
Bác Ba Phi: Quận nhung trở mặt - Anh Động
Bác Ba Phi : Cuộc đối mặt với quận Nhung - Anh Động
Bác Ba Phi : Nguyên tắc đòn bẫy - Anh Động
Cùng một tác giả
Chị tôi (truyện ngắn)
chim phóng sinh * (truyện ngắn)
Chú bé thổi còi (truyện ngắn)
Chung cư* (truyện ngắn)
Chân dung vô hình (truyện ngắn)
Hẻm sâu* (truyện ngắn)
Bạn già (truyện ngắn)
Tám chữ o tròn (truyện ngắn)
Về hưu non (truyện ngắn)
Mùa mắm còng (truyện ngắn)
Giai điệu nhớ (truyện ngắn)
Chú Năm tôi (truyện ngắn)
Đêm kỷ niệm (truyện ngắn)
Hoa Quỳnh (truyện ngắn)
Nàng Đae Chang Kim (truyện ngắn)
Ông Năm Cải Tạo (truyện ngắn)
Cô thư ký xinh đẹp (truyện ngắn)
Chuyến xe khuya (truyện ngắn)
tư duy (thơ)