Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.718
 
Chiều Phủ Tây Hồ (*)
Phan Đức Nam

Một chiều hồ Tây cuối năm

Vũ trụ luân hồi  u u sóng nước

Rưng rưng lắm mà em chẳng khóc

Hóa vàng đi em lễ Phật Phủ Tây hồ

 

THÁI THĂNG LONG

 

Phan rảo quanh và ngắm đi ngắm lại quang cảnh mình muốn vẽ. Buổi chiều làm hồ Tây thêm mênh mông, anh nhìn mặt trời, kiên nhẫn chờ đợi cái vầng đỏ ối ấy đang từ từ hạ xuống sau lưng triền núi xa.

 

Cuối cùng Phan cũng chọn được một góc độ, anh nhanh chóng giở giá vẽ.

Phan dùng bút chì vạch ngang đường chân trời, rồi bắt đầu vẽ từ gần đến xa. Khi phác xong những nét cơ bản, anh gật gù: “Sẽ là một bức tranh đẹp!”

 

Phan đi màu thật nhanh, tin mình vẽ kịp trước khi trời tối. Trong trường Mỹ thuật, Phan vẫn nổi tiếng về tốc họa, có lẽ vì thế anh thích vẽ thủy mặc, cần những nét cọ nhanh, chính xác và tài hoa.

 

Chiều nay, Phan muốn bắt được cái màu vàng còn sót lại của hoàng hôn, ánh xạ xuống những gợn sóng hồ Tây thành mầu vàng xám, điểm chút bạc. Và nhất là màu mây hồng nồng nàn như sương chiều vương vấn lưng chừng rặng núi tím. Núi Ba Vì như trôi trên hồ Tây, như bay theo mây...

 

Khi Phan chỉ còn điểm thêm vài nét cuối thì bỗng nghe có tiếng bước chân nhè nhẹ từ phía sau... Anh quay lại và bắt gặp một phụ nữ có gương mặt rất đẹp.

 

Nàng nhoẻn cười và gật đầu chào Phan, rồi khoan thai tiến lại phía bể đốt hương.

Phan bàng hoàng đê mê bởi mùi hương kỳ diệu! Nhất là vóc dáng liêu trai quá đẹp của nàng. Phan dụi dụi mắt, biết rằng mình không mơ.

 

Gái Hà Nội vốn trắng đẹp, nhưng Phan không ngờ chốn thanh vắng này lại có mỹ nhân đẹp thế này! Da trắng như trứng gà bóc, môi mọng đỏ tựa hoa đào, gương mặt trái xoan đầy đặn phúc hậu. Nàng vấn khăn mỏ quạ thò lọn tóc đuôi gà, mặc yếm màu hồng phấn, áo tứ thân màu vàng chanh, quần lĩnh trắng, chân đi hài xanh nõn chuối... Màu sắc y phục trên người nàng thật trang nhã hài hòa, rực sáng thêm bởi những hoa văn thêu kim tuyến sáng lóng lánh.

 

Là nghệ sĩ yêu cái đẹp, Phan hồi hộp ngẩn ngơ, nghĩ: “... Người đẹp mặc y phục xưa đi lễ... thật hợp với phong cảnh chùa chiền!... Nhất là giữa chiều cuối năm như thế này, càng thêm phong vị hoài cổ...” Anh lại nghĩ: “... Chắc nàng mới dự đám cưới gần đây về?... Hay nàng là cô dâu?...”.

 

Người đẹp chậm rãi thắp nhang, thành kính hóa vàng, đôi môi hé mở mấp máy cầu xin... Phan ở cuối gió, khói hương như mang lời khẩn cầu của nàng dạt dào bay về phía chàng...

 

 

Phan vớ vội lấy cọ, và chỉ vài nét vẽ, người đẹp với y phục cổ truyền hiện ra trong tranh như cô Tấm. Nàng dựa lưng vào gốc vối già, khẽ vén lọn tóc mai, ngước đôi mắt bồ câu mơ màng nhìn lên trời. Với con mắt họa sĩ, Phan nhận ra ngay cái cổ cao ba ngấn của người phụ nữ đẹp và quý phái.

 

Nàng chợt quay lại nhìn Phan, nghiêm trang không cười, nhưng mắt thuyền chao nghiêng như mời.

 

Phan phân vân!... Anh cố nhìn nét hoa văn trên áo nàng, cùng vài chi tiết cần vẽ. Khi chấm màu, Phan nghĩ: “Cố chút nữa là xong, rồi mình sẽ tìm cách làm quen với nàng...”

Người đẹp dường như biết Phan đang ngắm vẽ mình, nhưng nàng phớt lờ, thong thả bước lại mé hồ, khoan thai tháo đôi hài xếp ngay ngắn, rồi vén áo ngồi lên, thả hai chân trần trắng muốt đung đưa đùa với những gợn sóng.

 

Khi Phan tô màu đôi hài xong, ngẩng lên thì không thấy nàng đâu?...

Anh giật mình dáo dác nhìn quanh: “Ơ! Mới đây mà?...” Rồi xếp vội giá vẽ, tay cầm bức tranh chưa kịp khô, hấp tấp bước nhanh vào gian chính điện.

 

Phan rảo nhanh khắp lượt, sang cả dãy cung chầu bên phải, liếc nhìn xuống bếp... nhưng vẫn không thấy nàng đâu?...

 

Chiều cuối năm vắng lặng, bà quản dãy cung chầu chậm rãi thắp đèn... Phan hoang mang bước ra, hỏi ông Từ thủ đền đang chuẩn bị khép cửa: “Thưa cụ, cụ có thấy cô gái nào mới vào đây không ạ?” Ông Từ lắc đầu: “Không... Cậu định tìm ai?”

 

Phan gãi đầu, rồi vắn tắt kể, anh chìa cả bức tranh mới vẽ: “Cô ấy ăn vận như thế này... Vừa ngồi bên hồ...” Ông Từ chợt thất sắc: “Ngồi bên hồ à? Không khéo!...” - “Sao ạ?...”

Ông Từ không trả lời, nhìn anh rồi hấp tấp chạy ra cửa. Phan ngơ ngác chạy theo...

Mặt trời đã lặn hẳn, bóng tối chụp xuống làm Phan chẳng còn trông rõ cảnh vật.

 

Mưa xuân lắc rắc và gió chợt lạnh. Phan rùng mình liên tiếp, run run hỏi ông Từ: “Cụ... nghĩ sao?” Ông Từ cúi nhìn xuống mé hồ: “Đã lâu không có... Nhưng trước đây vài năm, những cô gái thất tình cứ hay đến đây trầm mình.” Phan giật mình: “Vậy sao!?” Rồi hỏi: “Thưa cụ, chắc... chết cũng khá nhiều?” Ông Từ im lặng, lúc sau mới nói: “Ừ... Nhưng sau đó cũng có những chàng trai biết vậy nên chực chờ đón sẵn” - “Ra thế!... Hay thật!...” - “Thường sau đó họ lấy nhau.” - “Vậy mà cháu không biết!... Giá lúc nãy...” Ông Từ gật đầu thông cảm, rồi chỉ vào bệ đá xây ven hồ: “Cậu thấy cô ấy ngồi đây à?” - “Vâng, chính chỗ này.” - “Thần sắc có buồn không?” Phan phân vân: “Cháu không để ý...” Rồi hỏi lại: “Gần đây có đám cưới nào không cụ?” - “Tôi không rõ... Nhưng nếu có thì họ thường vào lễ Phủ”.

 

Phan lần bước lại gần bể hóa vàng, đến chỗ giai nhân áo vàng đứng lúc nãy. Anh cúi nhìn đống tro tàn trong bể, không phân biệt được mới hay cũ, ảo ảnh hay phù du?

Lòng Phan vừa lo vừa tiêng tiếc, anh lẩm bẩm: “Mong nàng về nhà rồi...”.

Sau đó, Phan chợt thấy thấp thoáng một chiếc thuyền con neo ở mé hồ, liền nẩy ý tìm nàng...

 

“Thuyền của ai đây hở cụ?” - “Của Phủ...” Ông Từ nhìn chàng vẻ hiểu ý, hỏi: “Cậu chèo được không?” Phan gật: “Cháu dân bể. Cụ cho cháu mượn thêm cây đèn bấm” - “Có đèn bão được không?” - “Vâng, càng tốt!”

 

Phan chèo luôn tay, tiết xuân lạnh và gió hồ lồng lộng, nhưng lưng áo anh đẫm mồ hôi. Phan hết cho thuyền trôi dọc men bờ, lại quanh quẩn ra xa...

Anh mỏi nhừ đôi tay: “Mình thật không đâu vào đâu!...” Rồi lo lắng: “Nói dại, nếu cô ay có gì... thì giờ này!...”

 

Mãi một lúc sau, Phan thất vọng định quay thuyền vào thì chợt thấy một chiếc thuyền nhỏ có mui lơ lửng trôi ngang phía trước...

Phan quẫy chèo cho thuyền tránh sang bên, cũng có ý nhìn thoảng vào khoang thuyền lạ?... Anh bỗng giật mình khi nghe tiếng phụ nữ cười khúc khích?... Phan bán tín bán nghi, liền cặp thuyền sát vào...

 

Dưới ánh đèn bão, một đôi mắt to đen long lanh ngước nhìn anh, cái cổ cao ba ngấn... Phan mừng rỡ kêu lên: “Cô đấy à?”

 

Người đẹp mỉm cười gật đầu, đôi tay vẫn nhẹ nhàng khua chèo, nàng cất giọng thánh thót hỏi lại: “Đêm hôm chàng chèo thuyền đi đâu đấy?” Phan lúng túng; “À... Tôi du xuân đấy mà...” Nàng cười khanh khách: “Định bắt chước Trạng Bùng sao?”.

Nàng nói làm Phan nhớ ngay đến Phùng Khắc Khoan - một danh sĩ thời Lê, thường du thuyền chơi hồ Tây. Phan thích thú lẫn ngạc nhiên! Ra nàng biết cả tích xưa!...

 

Anh nhìn cô gái với vẻ ngưỡng mộ: “Không dám! Thật ra tôi lo cho cô quá!...” Nàng chớp mắt cảm động, mỉm cười: “Tôi có nhảy xuống hồ. Nhưng cuộc đời đẹp thế này, tôi làm sao chết được?”.

 

Phan ngơ ngẩn vì những lời đối đáp của nàng, chưa nói thêm được lời nào...

Anh chợt nhớ mình chèo thuyền quanh quẩn đã khá lâu rồi, sợ ông Từ lo, liền ướm rủ: “Ta vào bờ chứ?...” Nàng lắc đầu: “Vội gì? Đêm xuân đẹp thế này!...” - “Cô đi thuyền một mình không sợ sao?” - “Tôi quen rồi, nhà gần đây mà. Vả lại cô đơn mới đáng sợ hơn”. Phan gục gặc đầu: “Hay thật!” Rồi đánh bạo hỏi: “Xin lỗi!... Thế gia đình cô?...” Nàng đáp ngay: “Chồng tôi mất rồi”.

 

Phan giật mình, suýt hỏi ngớ ngẩn: “Có chồng rồi à?...” Anh mỉm cười liếc nhìn nàng... Tài hoa như thế này... Rồi ướm hỏi: “Tôi muốn mời cô ghé vào một quán gần Phủ, ta ăn bún ốc Tây Hồ?...” Nàng gật đầu: “Tôi biết một quán ngon lắm!” Phan mừng rỡ: “Vậy xin cô hướng dẫn...” Người đẹp nhoẻn miệng cười rồi quẫy mạnh tay chèo.

Phan chèo thuyền cặp sát thuyền nàng, mùi hương kỳ diệu ban chiều từ người nàng tỏa ra làm chàng ngây ngất! Khuôn mặt nàng nhìn nghiêng trông càng đẹp. Tóc sáng như gương, sóng mũi cao và thanh, hàng mi dầy cong vút như trăng liềm, mắt chơm chớp ánh sao long lanh tựa sóng.

 

“Tôi tên Phan... Còn cô?...” Nàng cười, dùng ngón tay viết lên khoảng không một chữ như phượng bay bướm lượn. Phan đọc ngay: “Quỳnh”.

Nàng mở to mắt nhìn anh rồi gật đầu.

 

Thuyền len vào giữa đám lau sậy khá dầy, cuối cùng tấp vào một quán vắng dựng cheo leo ven hồ...

Nàng Quỳnh nhanh nhẹn cột thuyền, rồi thoăn thoắt lên bờ. Phan cầm đèn soi theo...

 

Cả hai bước vào quán, tường bằng đất nện rơm, mái lợp cỏ. Trong quán kê vẻn vẹn một bàn và bốn ghế, tất cả bằng tre ngà, trông đơn sơ nhưng rất sạch sẽ.

Phan buột miệng: “Ồ quán rất thơ!” Anh nhìn sâu vào bên trong, hỏi nàng Quỳnh: “Sao không thấy chủ quán?” Quỳnh cười chúm chím: “Thú thật, tôi là chủ quán này. Vì địa điểm vắng nên phải cất công mời khách”. Nàng ngước nhìn anh, nói thêm: “Mà phải là khách tri âm”.

 

Phan chưa hết ngạc nhiên thì nàng đã nhanh nhẹn lui vào gian bếp. Phan để đèn lên bàn rồi phân vân nhìn theo...

 

Giờ chàng mới thấy trong quán sáng dìu dịu, bởi ánh trăng rọi chếch qua liếp cửa trống, và trên mái cỏ lợp thưa chi chít những ánh sao.

 

Chốc sau, nàng Quỳnh bê ra một mâm bún ốc nghi ngút khói, lại có cả bình rượu và một chén nhỏ. Nàng thấy Phan đang săm soi những câu thơ viết bằng mực Tàu treo trên vách, bèn cười: “Không ngờ chàng cũng giỏi Hán Nôm.” Phan quay lại: “Tôi may mắn được ông nội dạy cho ít chữ” Nói xong anh giở bức tranh vẽ lúc chiều ra: “Bài thơ này sao hợp với tranh của tôi quá!” Quỳnh cười: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Phan mở to mắt nhìn nàng: “Cô chắc cũng yêu thơ?” Quỳnh trả lời quanh: “Thơ là tinh túy trời đất, của chung thiên hạ.” - “Những bậc tài hoa mới nắm được.” - “Tài hoa thường ba chìm bảy nổi...” Phan gật gù, chỉ vào tố nữ trong tranh: “Dáng cô đang hóa vàng lẫn trong khói hương trông đẹp và huyền ảo lắm! Cứ như là tiên!” Quỳnh mơ màng: “Khói hương cho thanh thản một phần đời(1)...” Phan đùa: “Tôi ngửi được tiếng khói” - “Lời khấn của tôi ư?” - “Có thể.” - “Chàng thử nói xem?” - “Hình như là lời cầu xin được hạnh phúc và tình yêu”. Quỳnh đỏ mặt cúi đầu. Phan nói tiếp: “Đồng khí tương cầu”. Quỳnh mỉm cười, nhẹ nhàng sắp bát đũa rồi rót rượu ra chén...: “Chàng ăn bún cho nóng.” Phan ngồi xuống ghế tre: “Vâng, mời cô!” Phan vừa ăn vừa tấm tắc khen: “Ngon quá!” Quỳnh cười: “Món này hơn nhau bởi cách làm và nước chấm. Phải dùng chính nước ốc luộc hấp lá bưởi, pha thêm gia vị...” - “Tuyệt thật! Cô nấu lúc nào mà nhanh vậy?” - “À... Quán lúc nào cũng sẵn. Tôi hâm trên tro nóng... Chờ vài khách quen...” Rồi chỉ lên vách: “Họ làm thơ tặng tôi đấy.” - “Tôi cũng xin tặng cô bức họa này” - “Ồ! Cảm ơn chàng.” - “Có lẽ nên sửa thêm đôi chút...” - “Đẹp lắm rồi!... Chỉ cần chàng đề thơ.” - “Sao cô biết tôi?...” - “Thơ họa thường đi đôi.” Phan cười: “Nhưng tôi biết cô đề thơ sẽ hay hơn”. Quỳnh lắc nhẹ đầu, nhưng sau đó lại đọc:

 

Đây lúc kề hoa bày tiệc rượu

Họa khi tựa bóng đứng đầu mui.

 

Phan lắng nghe, sung sướng uống cạn chén rượu, nhớ hai câu thơ của Nguyễn Khuyến:

 

Từ xưa mặt ngọc ai mà chẳng

Chén rượu bên đèn luống tỉnh say...

 

Anh nhìn nàng, gật gù khen: “Hay quá! Nhưng âm điệu hơi cổ...” - “Tôi già lắm sao?” - “Không. Cô trẻ và đẹp lắm!” Quỳnh đỏ mặt, cúi đầu rót thêm rượu: “Chàng uống thêm đi...” Phan gật đầu: “Vâng, rượu ngon lắm! Mời cô cùng nhấp chén cho vui”.

Quỳnh khẽ nhấp môi rồi chuyền cho Phan. Phan vốn hay rượu, nhưng hôm nay rượu ngọt rót bởi tay ngà, mới mấy chén chàng đã say...

 

Mãi chiều hôm sau Phan mới tỉnh dậy, anh giật mình dụi mắt! Bàng hoàng khi thấy mình đang nằm giữa một bụi chuối lớn rậm rạp. Ngay trước mặt anh là một buồng chuối lạ dài chấm đất, phải đến trăm nải(2). Phan bật dậy ngơ ngác nhìn quanh, chẳng thấy lều cỏ đâu? Thuyền cột ven hồ trôi đâu không còn?... Chỉ thấy cây đèn bão dằn lên bức tranh, và một giọt sương vô tình điểm thành hạt lệ trên khóe mắt giai nhân...

 

Phan sững sờ một lúc lâu, bần thần nhìn Phủ Tây Hồ cách xa đến hơn cây số.

Sau đó, Phan đành cuốc bộ, nhắm hướng tìm lối về Phủ.

 

Dọc theo đường cái quan, Phan ghé vào hỏi thăm, anh hết sức hoang mang khi nghe các bà các cô bán hàng nói: “Chúng tôi bán ở đây đã lâu, chẳng thấy cô gái nào tên Quỳnh bán bún ốc cả”. “Hay anh say quá rồi mơ?”. “Đang đêm sao lại có cô gái ăn vận như thế?” . “Rõ lẩn thẩn!...”

 

Cuối cùng, Phan vào Phủ gặp ông Từ và kể lại chuyện đêm qua. Ông Từ trầm tư lắng nghe: “Lạ thật! Lạ thật!” Rồi gật gù: “Ừ, biết đâu có cô gái nào đó, chẳng thất tình gì cả, nhưng muốn được yêu nên giả trầm mình...” Phan ngơ ngác: “Như vậy nghĩa là...” Ông Từ vuốt râu: “Cũng có thể là hồn ma của cô gái nào đó?...”

Phan rùng mình, ông Từ chợt bảo: “Anh cố nhớ và đọc lại hai câu thơ nàng Quỳnh đọc đêm qua?...”

 

Lạ thay Phan thuộc lòng như đã từng đọc ở đâu rồi...

Ông Từ nhíu mày, vỗ vỗ bàn tay lên trán: “Nghe quen quá!... Này, hình như thơ Bà Chúa Liễu Hạnh(3)...

 

Phan giật mình! Anh ngước nhìn pho tượng Bà Chúa Liễu... “Cổ cao ba ngấn!... Hay nàng tiên Ngọc Quỳnh và quán Tây Hồ Phong Nguyệt?...”

Mắt tượng Chúa Liễu lim dim như chế nhạo Phan. Như kẻ mộng du, anh bâng khuâng bước ra...

Ngoài kia chiều như chậm rơi, sóng bồng bềnh bồng bềnh...

Phan chợt nhớ hình như câu cuối cùng nàng Quỳnh nói với chàng đêm qua: “... Cái Đẹp bất tử...”

 

 

Hà Nội - Phủ Tây Hồ - tháng 10/1995

TP. Hồ Chí Minh - Xuân 1997



(1)  Thơ Thái Thăng Long.

(2)  Loại chuối lạ này có trong khuôn viên Phủ Tây Hồ.

(3)   Đúng là thơ của Bà Chúa Liễu Hạnh (Bản dịch của Phan Kế Bính). Theo truyền thuyết, nàng tiên Ngọc Quỳnh bị Trời đày xuống trần, nàng xinh đẹp, giỏi cầm kỳ thi họa, nhưng số đào hoa lận đận. Lớn lên lấy chồng, chồng mất, nàng buồn phiền ngao du đây đó, lập quán Tây Hồ Phong Nguyệt, xướng họa thơ phú với các danh sĩ tài hoa như Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan...

Khi Ngọc Quỳnh về Trời, vẫn còn quyến luyến dương gian nên thường xuống trần chọc ghẹo các danh sĩ. Nàng rất linh thiêng, hay giúp đỡ dân chúng thoát khỏi thiên tai, được nhiều nơi nhớ ơn thờ phụng tôn là Bà Chúa Liễu Hạnh.

(Theo Việt Nam danh nhân dị sử của Phan Kế Bính).

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2215
Ngày đăng: 02.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện cực ngắn-1 - Lê Thị Điểm
Người cùng nhóm máu - Nguyễn Minh Phúc
Truyện ngắn ngắn - 13 - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện tình trong hang Én - Mai Tú Ân
Những mảnh vỡ (7) - Nguyễn Thị Hậu
Một mất mười ngờ - Huỳnh Văn Úc
Quyết định cuối cùng - Mang Viên Long
Thiên tài - Phạm Nguyên Trường
Có một tình yêu không thể nghi ngờ - Đỗ Mai Quyên
Những người bạn cùng lớp - Phan Bích Thủy
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)