Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.684
 
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc
Nguyễn Hưng Quốc

Có người nào đó, ngày xưa, từng quan niệm, một nhà văn một nhà thơ, về phương diện chủ quan, cần có ba điều kiện: tài, trí và tâm. Từ đó, nhiều người có khuynh hướng chia ra ba loại người cầm bút: một loại mạnh về tài, một loại mạnh về trí và một loại mạnh về tâm. Tôi nghi ngờ sự phân biệt rạch ròi ấy. Tôi nghĩ, thật ra, chỉ có hai. Bởi tài là yếu tố căn bản, chung nhất. Có cái tài thiên về trí, tức kỹ thuật. Có cái tài thiên về tâm, tức cảm xúc. Kiệt Tấn thuộc loại sau. Đọc Kiệt Tấn, trước khi thấy một tài năng, người ta gặp một tấm lòng. Tình yêu đối với cuộc đời, theo tôi, là yếu tố quan trọng nhất góp phần định hình nên phong cách văn học độc đáo của Kiệt Tấn. Hiếm có người nào có cách nhìn đời trìu mến và thiết tha như vậy.  Không thể tìm thấy ở Kiệt Tấn, bất cứ một thái độ hờ hững hay dửng dưng nào. Đưa đẩy ngòi bút Kiệt Tấn không phải là lí trí mà là trái tim lúc thì rạo rực, lúc thì ngây ngất, không lúc nào không xôn xao trước vẻ đẹp của trời đất của con người. Tình yêu trong văn Kiệt Tấn giống ánh trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Cả trời say nhuộm một màu trăng. Cho dù tác giả không tả vầng trăng, cho dù tác giả chỉ tả một con ngõ, một dòng sông hay một khu vườn với những cây lá đong đưa, những nụ hoa đang âm thầm nở và tỏa hương trong khuya khoắt, thì, người ta vẫn nhận ra, đâu đó, lấp lánh, cái ánh trăng kia đang lấp lánh. Không gian giày đặc toàn trăng cả. Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng. Cho nên, tuy đề tài Nụ cười tre trúc(*)­ khá đa dạng, có truyện về mẹ, có truyện về quê hương, có truyện đậm đà màu sắc triết lý; thực sự là chuyện tình, chỉ có hai: Bến đò trao thơ Em điên xõa tóc, thế nhưng, đi vào Nụ cười tre trúc, người ta cứ ngỡ đi vào một tình yêu bát ngát.

 

Hãy để ý cách xưng hô trong truyện Kiệt Tuấn. Lạ lắm. Đặc biệt với những người phụ nữ, với người lớn tuổi: má. Với người trẻ trung: em. Nhắc đến một người đàn bà bán cà-rem trước cổng trường tiểu học thuở nào, Kiệt Tấn hạ bút: “Má tôi đó”. Với Kiệt Tấn, một người người đàn bà già nua, lam lũ và khốn khó trên quê hương đều là “má tôi”. Ông gọi họ bằng một cái tên chung: “những bà già quê hương” (tr 158). Và ông coi đó là những “Mối tình đầu” thật sự của mình (trang 158). Những người không phải là má thì đều là em. Vợ là em. Người tình là em. Một người con gái mất trí gặp gỡ tình cờ trong một bệnh viện tâm thần là em: “Em điên xõa tóc”. Ngay cả một người con gái hoàn toàn xa lạ, mãi mãi xa lạ, chỉ nhác thấy một lần duy nhất trong công viên cũng được Kiệt Tấn gọi vơ là em, hơn nữa, “em tôi”: “Từ phía sau lùm bông ngải vàng hực chợt một mái tóc nâu vàng óng ánh xuất hiện. Người con gái từ từ đi vào công viên, trên tay cầm trái táo xanh. Em tôi bước vào vườn cây lửng thửng tiến về phía trước và Ánh đang ngồi ôm nhau yên lặng” (tr.200). Dĩ nhiên người con gái ấy đi qua rồi đi xa hẳn. Vĩnh viễn. Như một áng mây. Trước cặp mắt nhà văn đang ngơ ngẩn ngơ.

 

Với người, là thế. Với vật cũng thế. Tất cả đều là em. Con vịt con là “em”. Khi con vịt bị xe cán chết, Kiệt Tấn, lúc ấy mới sáu tuổi, đã khóc nghẹn ngào: “Hết rồi! Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi! Em đã chết bỏ tôi thiệt rồi” (tr.46). Bao nhiêu năm sau, bềnh bồng trên đất khách, buồn tênh trong lưu vong, Kiệt Tấn vẫn nhớ mãi đứa em ấy: “Phải, năm nào mà đào chẳng nở! Đào lại nở, tôi lại nhớ em tôi, con vịt vàng nhỏ xinh xắn, tội nghiệp” (tr.49).

 

Người ta thấy gì qua những cách hô gọi như vậy? Thấy một điều. Rất rõ. Là, với Kiệt Tấn, mọi người mọi vật trên đời đều là đối tượng để yêu thương. Tất cả đều là ruột thịt, đều là thân tình. Kiệt Tấn là một tình nhân trước khi là một người cầm bút.

 

Trong tình yêu của Kiệt Tấn, phần nồng nàn nhất dành cho phụ nữ. Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ không thương một kẻ nào. Thơ của Xuân Diệu. Con người của Kiệt Tấn. Qua trang viết, cứ ngỡ Kiệt Tấn suốt đời là một khách tình si. Yêu sớm. Yêu nhiều. Yêu dễ dàng. Yêu cuồng nhiệt. “Muốn chết. Thèm chết. Thèm chết vì quá yêu một cô gái nào đó” (tr.211). Yêu và được yêu. Chưa đủ. Lúc nào cũng quay quắt muốn đi đến cái tận cùng, cái tuyệt đối của tình yêu. “Nghẹn ngào khi đi bên cạnh nàng mà còn tương tự người yêu, tương tư nàng, cùng lúc” (tr.93). Tình yêu trong văn Kiệt Tấn có nhiều cung bậc. Từ lặng lẽ đến xôn xao. Từ bâng khuâng đến say đắm. Có nhiều sắc độ. Lúc thì hiền lành, lúc thì trâng tráo. Lúc như cơn gió, lúc như cơn bão. Tình yêu nhuốm đầy tình dục. “Bộ phận đực là bộ phận đực, bộ phận cái là bộ phận cái, bộ phận đực cái dính nhau là lẽ tự nhiên, hết sức tự nhiên, sự tục tĩu chỉ có trong đầu” (tr.144). Nhiều người cho là Kiệt Tấn viết bạo. Thêm điều này nữa: bạo nhưng không bao giờ nhớp nhúa. Thiếu cái trong sáng của Thạch Lam, tình yêu trong truyện Kiệt Tấn lại gần hơn với sự thực, với cuộc đời.

 

Trong tình yêu của Kiệt Tấn, phần đằm thắm nhất dành cho mẹ. Nụ cười tre trúc, truyện ngắn đầu tiên trong tập, được dùng làm tựa cho cả tập, là truyện ngắn hay. Nó là truyện ngắn, nhưng thật ra, nó chỉ là trích đoạn từ bộ trường thiên tiểu thuyết Lớp lớp phù sa chưa xuất bản. Lấy một bài vọng cổ làm cái cớ, Kiệt Tấn thả ký ức mình trôi dạt miên mang về những quãng thời gian khác nhau, ở đâu, lúc nào cũng hiển hiện long lanh hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ, chịu thương chịu khó, suốt đời lo cho chồng, cho con, rồi cho cháu.

 

Ở Kiệt Tấn, nếu tình yêu trai gái gắn liền với tình dục thì tình yêu mẹ lại gắn liền với quê hương. Đó là lý do tại sao Kiệt Tấn lại đặt tập truyện ngắn của mình là Nụ cười tre trúc. “Cho dù má tôi không cười thành tiếng, tôi vẫn nghe có tiếng rì rào thanh thoát của tre trúc rộng lượng chở che. Tôi là con trâu nghé nằm trong bóng im buổi trưa hè nắng gắt” (tr.15). Trong tình mẹ có tiếng đàn dịu dàng của trúc lẫn bóng mát yên ả của tre. Trong tình mẹ có hình ảnh của làng xóm, của đất nước. Mà không chỉ ở mẹ mình. Kiệt Tấn coi mọi bà mẹ đều là hiện thân của quê hương. “Có lẽ tại tôi nhìn thấy quê hương qua những bà mẹ đó, một quê hương vừa yêu dấu vừa ngậm ngùi… Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương.  Những bà già có làn da nhăn nheo thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ trong bụng mẹ, từ lúc tôi còn nhỏ xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay. (tr.152)

 

Không là đề tài chính của bất cứ truyện nào, song nhờ sự kết hợp trên, hình ảnh quê hương vẫn thấp thoáng, bàng bạc cùng khắp Nụ cười tre trúc. Trong quê hương Kiệt Tấn tập trung ngòi bút vào ba địa điểm: Bạc Liêu, Vĩnh Long và Sài Gòn. Hai hình tượng nổi bật nhất là sông rạch và đêm trăng. Vang vang trên sông rạch, vang vang dưới đêm trăng là những câu hò, những tiếng đàn, tiếng hát, những hẹn hò và những yêu đương. Kiệt Tấn không có chủ tâm viết loại truyện phong tục, một đề tài được nhiều nhà văn đồng hương của ông khai thác triệt để. Phong cảnh trong truyện của ông, do đó, thường ít đường nét. Không một làng quê, không một thành phố, thậm chí, không một dòng sông, một con rạch nào đầy đủ chi tiết để thành một bức tranh hoàn chỉnh. Tuy nhiên Kiệt Tấn lại thành công ở một phương diện khác: ông tạo được một không khí ở đó có những con người sống thật. Truyện của Kiệt Tấn là loại truyện tâm lý pha màu sắc triết lý.

 

Yêu phụ nữ, yêu mẹ, yêu quê hương, không phải là cái gì riêng của Kiệt Tấn. Kiệt Tấn chỉ đặc biệt ở mức độ: mọi tình cảm ấy, ở ông, đều nồng nàn đến đắm say. Và hơn ở phạm vi: từ những đối tượng cụ thể, tình yêu của Kiệt Tấn mở rộng ra, mênh mông, bao trùm cả cuộc đời. Kiệt Tấn là một nhà văn đầy nhân ái. Cách nhìn đời của ông trong trẻo, dịu dàng và nhất là, tha thiết vô hạn. Không biết thù hận, chưa bao giờ Kiệt Tấn cho phép ngòi bút của mình dừng lại tỉ mỉ ở những sự xấu xa. Nếu Kiệt Tấn có căm ghét điều gì thì điều đó chính là óc duy lí và đứa con đẻ của nó: sự cuồng tín. Căm ghét vì cả hai đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra những lầm lạc và khổ não cho từng người: “Tôi muốn dùng trí thông minh để giải quyết đời sống. Thiệt lẩm cẩm! Một mình nó, trí thông minh không giải quyết được gì hết. Nó tạo ra vấn đề hơn là giải quyết” (tr.134). “Khi chứng đúng được hành động của mình, người ta dám trở thành bạo ngược, tàn sát không gớm tay: Tần Thủy Hoàng, Hitler, Staline, Dalatôla, Pol Pot, Việt Nam Xã Hội!”(tr.116). “Chân lý? Có chăng chân lý? Mẹ rượt! cũng vì ba cái vụ chân lý với lại… cẳng lý đó mà nhân loại ỉa dài dài” (tr.214).

 

Kiệt Tấn đề cao trực giác và tình cảm, đề cao cuộc sống hồn nhiên. “Ăn hủ tiếu là ăn hủ tiếu. Hết. Sống là sống. Hết. Không gì có thể giải thích được gì hết. Giải thích là sa vào mê cung. Rời khỏi mê cung này chỉ để dấn mình vào mê cung khác” (tr. 116) “Đi vào kinh pháp cũng như nghệ thuật, con đường trực giác và cảm xúc là con đường thẳng. Đi vào kinh pháp cũng như nghệ thuật, con đường trí tuệ và phân tích là con đường mê cung” (tr.184).

 

Truyện “Ngoài cửa kiếng” có lẽ được sáng tác với mục đích minh họa cho các luận điểm trên. Một người nào đó, vô hình và vô danh, từ ngoài khung cửa kính, ngó vào một căn nhà. Không nghe một âm thanh nào cả. Hoàn toàn. Bằn bặt. Chỉ thấy những hình người di động, múa may. Như xem một màn kịch câm. Người xem phân vân đặt ra hàng trăm nghi vấn và nghi vấn nào cũng là một lửng lơ, bế tắc. Không thể hiểu được những người trong căn nhà kia làm gì, nghĩ gì, cảm xúc ra sao. Chỉ đoán. Đoán mò. Quan hệ giữa con người với con người trong cuộc đời có lẽ cũng thế. Mỗi người bị ngăn biệt bằng một khung cửa kính. Để mỗi người là một bí ẩn vô tận trước người khác. Để mọi nỗ lực giải thích về nhau đều trở thành vu vơ và hàm hồ.

 

Tư tưởng Kiệt Tấn không mới. Người ta đã gặp những tư tưởng ấy đây đó, nhiều lần, nhiều nơi. Nhưng không nên đánh giá một nhà văn như một triết gia. Tư tưởng quan trọng nhất để đánh giá một triết gia là tính chất độc sáng. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tư tưởng một nhà văn là sự chân thành. Mà Kiệt Tấn thì tin vào tư tưởng của mình lắm. Nó trở thành một thứ triết lý chủ đạo chi phối toàn bộ sáng tác của ông. Đó là thứ triết lý mang đậm màu sắc Thiền. Đó cũng là thứ triết lý nhân đạo: “Mỗi người chúng ta đều đáng được chia xẻ nụ cười” (tr. 141). Và rất lạc quan: “Nếu biết sống, vẫn luôn luôn có một chút mặt trời đâu đó” (tr. 125).

 

Trong truyện Em điên xõa tóc, một lần Kiệt Tấn tâm sự về chuyện viết lách của mình: “Cả chục năm nay tôi bỏ viết. Tôi không đủ đam mê. Tôi không viết để chứng minh. Tôi viết khi cảm thấy có nhu cầu. Nếu không biết mà vẫn sống hạnh phúc, tôi sẽ không bao giờ viết, vì tôi khi đó đang ở trong trạng thái quân bình. Nếu viết, tôi đánh mất quân bình. Khi viết, tôi như người lên đồng, lúc cười lúc khóc, vật vã, hành xác” (tr.116). Tôi tin Kiệt Tấn. Tôi ít tin nhà văn nào như tôi đã tin Kiệt Tấn. Ở những nhà văn khác, tôi thấy tài hoa. Ở Kiệt Tấn tôi vừa thấy tài hoa vừa thấy sự thành thật. Truyện nào của Kiệt Tấn tôi cũng có cảm giác là tự truyện. Chính Kiệt Tấn cũng công nhận trong lời giới thiệu in ở bìa sau tập Nụ cười tre trúc: “Nụ cười tre trúc, một chuỗi truyện ngắn, dù y chang chuyện thiệt hay thần thoại hoang đường, vẫn là tự truyện”. Trong Nụ cười tre trúc có tám truyện thì sáu truyện rõ ràng là tự truyện. Và đó là sáu truyện hay. Dường như ngòi bút của Kiệt Tấn chỉ tung hoành hết sức khi nhân vật xưng “tôi”. Lúc ấy, Kiệt Tấn tha hồ đi sâu, thật sâu vào mọi ngõ ngách thăm thẳm, tế vi của tâm hồn. Có lúc Kiệt Tấn đi quá xa. Thành lan man với những liên tưởng bất tận. Làm cho khuôn khổ của truyện ngắn cơ hồ bị rạn nứt. Truyện ngắn nghiêng gần tùy bút. Nụ cười tre trúc Vườn chanh miệt biển là những truyện ngắn pha lẫn tùy bút.

 

Có thể nói, những truyện ngắn hay nhất của Kiệt Tấn đều có tính chất tự truyện trong nội dung và tính chất tùy bút trong nghệ thuật.

 

Hai đặc điểm có lẽ là hai đặc điểm chung cho những nhà văn gốc miền Nam. Tính tình cởi mở, nhu cầu đối thoại lớn, hình như nhà văn miền Nam nào cũng có sở thích kể về mình. Nhân vật xưng: “tôi” trong tác phẩm của họ nhiều “chi xiết kể”. Khó có thể hình dung cuộc đời và con người của các nhà văn miền  Trung, miền Bắc, nếu chỉ căn cứ vào truyện của họ. Rất dễ hình dung ra cuộc đời và con người của các nhà văn miền Nam qua những truyện họ viết, ngay cả những nhân vật không phải là họ. Đọc các nhà văn miền Trung, miền Bắc, người ta thường thấy một nỗ lực tự kiềm chế rất lớn. Để giấu đi một cái “tôi đáng ghét” (!). Đọc các nhà văn miền Nam, người ta thường thấy tác giả hiện ra lồ lộ trên từng dòng chữ. Để phơi bày đến từng chi tiết cái “tôi” tuệch toạc, xởi lởi, say sưa tâm sự. Tính chất lỏng lẻo, tản mạn mà người ta hay nói về các công trình khảo luận của các nhà văn miền Nam cũng xuất phát từ nguyên nhân này: nhà văn hiếm khi để tư tưởng bó mình trong một trật tự thuần túy duy lý. Mạch văn của họ, ngay khi viết nghiên cứu, vẫn bềnh bồng trên những ngọn triều cảm hứng và liên tưởng dạt dào.

 

Kiệt Tấn, cũng như phần lớn các nhà văn miền Nam khác, thích tham dự trực tiếp vào câu chuyện. Câu chuyện của Kiệt Tấn không phải chỉ có các nhân vật. Nhà văn không chịu là một khuất lánh hoàn toàn. Ông đi bên cạnh các nhân vật. Thỉnh thoảng ông lại lên tiếng, tán thưởng điều này, phản đối điều khác. Câu văn của các nhà văn miền Trung miền Bắc thường cố ý nén lại, bình thản đến lạnh lùng. Câu văn của Kiệt Tấn và nhiều nhà văn miền Nam khác phập phồng hơi thở của người viết ra nó, náo nức với những niềm vui của nhân vật, rưng rưng với những nỗi buồn của nhân vật. “Nhà có cả thảy bảy anh chị em, chết hai còn năm: hai Phát, ba Lợi, tư Trinh, năm Lộc và sáu Kiệt tức là tôi đó” (tr.11). “Bà vớt xác lá chà lên đám ghẻ của tôi (Bà con thử nghĩ!) tôi khóc hết nước mắt” (tr.12). “Nếu miền Bắc có lụt sông Hồng thì miền Nam có Tết Mậu Thân (1968), chắc ai cũng nhớ (tr.26)… Hẳn nhiều người sẽ cho những cách nói: “Sáu Kiệt là tôi đó”, “Bà con thử nghĩ”, “chắc ai cũng nhớ”… là thừa thãi. Mà thừa thãi thật. Chúng không có lý do gì để tồn tại cả. Trừ lý do tâm lý: cái nhu cầu bộc bạch, tham dự của tác giả.

 

Nhu cầu bộc bạch, tham dự dẫn đến một đặc điểm khác về nghệ thuật; sự pha trộn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Quan hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là một quan hệ cực kỳ phức tạp. Lịch sử văn học của nước nào cũng diễn tiến giống nhau: thoạt đầu văn học được hình thành từ ngôn ngữ nói.Một thời gian, sau quá trình chau chuốt, tinh lọc, một số ngôn ngữ nói biến thành ngôn ngữ viết, chúng có sự sống riêng, chủ yếu là trên trang giấy. Rồi đến lúc nào đó, người ta chợt thảng thốt nhận thấy, loại ngôn ngữ viết ấy tuy đẹp đẽ thật, song lại là kiểu cách và sáo mòn quá, người ta lại quay về với thứ ngôn ngữ trần trụi, gân guốc của cuộc đời. Truyền thống văn chương miền Nam là truyền thống tôn vinh ngôn ngữ nói. Từ Nguyễn Đình Chiểu, người ta đã bắt gặp những cách nói chan chát từ trước vắng bặt trong thơ văn: “Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi cha ông nó”. “Vân Tiên ngó lại, rằng: Ừ!”… Có nhiều người sa lầy trong ngôn ngữ nói: tác phẩm của họ thuần túy là những câu chuyện kể nặng chất dân gian. Một ít người nâng được ngôn ngữ nói lên thành ngôn ngữ văn học: từ vựng là ngôn ngữ nói nhưng kết cấu câu văn là ngôn ngữ viết với những yêu cầu gãy gọn, chặt chẽ và trong sáng. Kiệt Tấn thuộc vào số ít ỏi đã tạo được cho ngôn ngữ nói một sắc thái thẩm mỹ độc đáo.

 

Hồi đó tôi thỉnh thoảng tôi lén vít một cục vôi nhỏ trong ô trầu của má tôi gắn lên đầu cọng lạt dừa, đưa lên vách run run nhử mấy trự thằn lằn. Có con khờ khạo ngó thấy tưởng bở, đinh ninh là côn trùng nhào tới đáp liền. Cắn nhằm cục vôi tá hỏa, anh chàng lúc lắc cái đầu như múa lân rồi say mèm vôi nồng, rớt bịch xuống đất. Tôi tính lượm lên bắt chơi thì má tôi rầy:

-    Đừng con! Tội chết. Con thằn lằn nó hiền thấy mồ. Nó còn ăn bớt muỗi trong nhà sao con hại nó làm chi?” (tr.10)

Nhờ sử dụng nhiều ngôn ngữ nói, câu văn của Kiệt Tấn thường sinh động, khỏe khoắn:

Tôi mừng húm, cắn một miếng ngọt xớt rồi miếng thứ hai, và cứ thế lủm hết trái mận một mình ngon lành, không bẻ cho bà một miếng” (tr.21).

Câu văn của Kiệt Tấn nhiều động từ. Câu văn nhiều tính từ, trạng từ thường du dương mà nhẹ. Câu văn nhiều động từ thường cứng cáp và mạnh:

Anh tôi bèn lấy vòng dây làm bẫy túm được con cắc kè đem tuốt qua sân banh quăng bỏ” (tr.10).

Cá ông chỉ rửa sơ, không cạo nhớt, rồi để cá sống nhăn nguyên con như vậy mà đổ vào nước sôi đậy nắp lại, cá bóng còn nhảy soi sói trong nồi lụp bụp. Chặp sau, ông giở nắp ra vớt cho tới hết bọt rồi mới rót nước mắm ngon vào mà nêm nếm” (tr.41).

 

Cách dùng tính từ và trạng từ của Kiệt Tấn cũng lạ: luôn luôn có cái gì gay gắt, cực đoan. Như thơ Hồ Xuân Hương. Ông không mừng, ông “mừng húm”. Ông không khoái, ông “khoái chí tử”. Ông không quên, ông “quên tuốt luốt”. Ông không hôn, ông “hun chùn chụt”. Ông không rầu, ông “rầu thúi ruột”. Ông không sợ, ông “sợ xanh máu mặt”… Cứ thế. Rất nhiều trạng từ và tính từ ghép vừa gợi hình vừa biểu cảm. Móm phải là: “móm xọm”. Trống phải là “trống lổng”. Dài phải là “dài thòn”. Hẹp phải là “hẹp té”. Nhọn phải là “nhọn lễu”. Đen phải là “đen xì”. Mập phải là “mập ú”…

Mỗi câu văn của Kiệt Tấn luôn luôn có xu hướng muốn biến thành một hình ảnh. Người khác hẳn chỉ viết: “Nhiều buổi trưa nóng, tôi cởi trần ngồi thở dốc”. Kiệt Tấn thì phải viết: “Nhiều buổi trưa nóng, tôi cởi trần ngồi le lưỡi thở dốc”. Người khác hẳn chỉ viết: “Hai người sanh giặc với nhau, quên cả giặc Thổ đang rượt theo”. Kiệt Tấn thì phải viết tiếp: “… Rượt theo sát bên đít”. Người khác hẳn chỉ viết: “Má tôi muôn dặm tìm chồng”. Kiệt Tấn thì phải viết: “Má tôi muôn dặm tìm chồng rượt theo níu cổ ông lại”. Người khác hẳn chỉ viết: “Tối đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được”. Kiệt Tấn thì phải viết: “Tối hôm đó tôi trằn trọc trắng dờ con mắt”. Nhiều. Thật nhiều những định ngữ giàu hình ảnh như thế trong câu văn Kiệt Tấn.

 

Một hiện tượng có vẻ nghịch lý là, bên cạnh chất mộc mạc ấy, Kiệt Tấn lại rất giàu chất thơ. Văn chương Kiệt Tấn vừa có cái sần sùi của cuộc sống lại vừa có cái lung linh của mộng ảo. Sự kết hợp ấy làm cho văn chương Kiệt Tấn có một khí hậu riêng, rất mực lạ lùng. Như ở trần mà như chơi vơi trong sương khói.

 

Khởi sự cầm bút, Kiệt Tấn là một nhà thơ. Tác phẩm đầu tay của ông là một tập thơ: “Điệp khúc tình yêu và trái phá” (1966). Sau gần hai mươi năm im lặng, cầm bút trở lại, Kiệt Tấn đổi tay: từ thơ ông chuyển qua văn. Thì cũng không lạ. Chuyện khá bình thường ở Việt Nam: một nhà thơ thỉnh thoảng viết văn và một nhà văn đôi lúc táy máy thử nghiệm ngòi bút của mình trong cái cõi bằng bằng trắc trắc bằng bằng. Điều độc đáo và thú vị của Kiệt Tấn là, từ thơ chuyển qua văn, ông đã giữ lại, trong văn, cái cách nhìn và cách cảm dạt dào chất thơ của một nhà thơ.

 

Kiệt Tấn thuộc khá nhiều thơ, hò, vè và vọng cổ. Ông thích dẫn vào giữa những câu văn của mình, một câu thơ, một lời ca. Văn xuôi Kiệt Tấn, nhờ vậy, xôn xao nhạc điệu. Hơi thở và hơi ca đẩy hơi văn bay bềnh lên, lênh đênh trôi về những chân trời xa khơi của tưởng tượng. Những chất thơ trong văn xuôi Kiệt Tấn không phải chỉ có thế. Nét đặc biệt nhất của Kiệt Tấn là ở chỗ khác, chỗ ông có thói quen sử dụng nhiều biện pháp tu từ chỉ thường gặp trong thơ, vốn đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Ở đây, tôi chưa nói đến vấn đề hay hay dở. Chỉ nhấn mạnh một điều: ít có nhà văn nào sử dụng, trong văn xuôi, nhiều hình thức ẩn dụ và hoán dụ như Kiệt Tấn trong Nụ cười tre trúc. Hình thức ẩn dụ: “Vườn chanh đang khua lá giặt rửa dưới dòng trăng” (tr.170); “Ánh trăng xanh xao ngủ trên võng chanh giăng ở đầu ngọn đong đưa”. (tr.174); “Cơn gió hắt hiu luồn tay chải gỡ lào xào giữa tóc chanh rối lá” (tr.181); “một con quạ mặc áo sa ten tuyền óng ánh đi đủng đỉnh trên bãi cỏ úa” (tr.212); “Rồi Paris xuống tóc qui y trong ngôi chùa Đông Tạ” (tr.249);… Hình thức hoán dụ: “Cánh đen vỗ mạnh bay lên cây” (tr.212); “Tôi đưa tay bắt nải chuối mắn kịch cợm của người đàn ông cao lớn” (tr.234)…

 

Nhiều câu văn của Kiệt Tấn nghe như thơ, thơ Hàn Mặc Tử: “Ánh trăng trần truồng” (tr.181); thơ của những người theo thuyết Tương giao giữa màu sắc, hương vị và âm thanh (Correspondances): “Hương chanh chín mùi”(tr.170); “Ánh trăng bùi ngọt” (tr.92)…

Giọng văn của Kiệt Tấn, như vậy là một thứ hợp chất giữa khẩu ngữ và thi tính.

 

Một đặc điểm khác cũng khá phổ biến trong “Nụ cười tre trúc”: Sự dí dỏm. Từ cách dùng chữ đến cách mô tả, cách kể chuyện của Kiệt Tấn dường như lúc nào cũng thấp thoáng một nụ cười tinh nghịch. Tinh nghịch một cách nhẹ nhàng và có duyên. Mà hình như đây cũng là đặc điểm chung của nhiều nhà văn miền Nam khác. Các nhà văn miền Nam, ít nhất trên trang sách, thường xuề xòa, dễ tính và vui tính. Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường… rồi Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Đức Lập, Nguyễn Tấn Hưng, Võ Kỳ Điền. Sơn Nam không vui tính nhưng cũng dễ tính và xuề xòa. Chỉ có hai người cầm bút miền Nam thực sự nghiêm trang và trịnh trọng: cặp vợ chồng Đông Hồ và Mọng Tuyết. Nhưng cả hai đều bị ảnh hưởng nặng nề của văn phong miền Bắc. Khi nghiêm trang và trịnh trọng họ phải giả giọng.

 

Ở trên, tôi cố gắng nhận diện những đặc trưng nổi bật nhất trong phong cách văn học của Kiệt Tấn. Cũng không giải thích được bao nhiêu. Ở Kiệt Tấn có một cái gì khác, cao hơn, vượt ra ngoài những nhận định có tham vọng khái quát ấy. Mọi tài năng nhưng thực sự thường đa dạng. Khả năng để đa dạng hóa có lẽ xuất phát từ sự nhạy cảm. Ưu điểm lớn nhất của Nụ cười tre trúc, nghĩ cho cùng, không phải ở ngôn ngữ hay thơ, cũng không phải ở phong cách pha ít nhiều tự truyện hay ít nhiều tùy bút, mà thực chất là ở khả năng khám phá nhạy bén và tinh tế những tâm lý phức tạp của con người. Trong lãnh vực này, ít người đi xa và đi sâu hơn Kiệt Tấn. Kiệt Tấn như một nhà thám hiểm đại dương, ngòi bút ông không ngừng phát hiện từng sự thật mong manh, khuất giấu trong đáy cùng tối thẳm của lòng người. Nếu Nguyễn Mộng Giác là người nhạy bén trong việc khám phá và mô tả những trạng thái tâm lý bình thường trong đời sống hằng ngày như niềm vui, nỗi buồn, sự giận hờn, sự thương nhớ… thì Kiệt Tấn lại là người cực kỳ nhạy bén trong việc khám phá và mô tả những trạng thái tâm lý bất bình thường của con người. Không ai, trong nền văn học hải ngoại hiện nay, có thể viết về một cơn điên, một giấc mơ dữ, một tình yêu cuồng nhiệt…  hay hơn Kiệt Tấn.

 

Văn chương của người gốc miền Nam từ trước tới nay thường tập trung khai thác nhiều ở các đề tài: phong tục, lịch sử, thế sự và luân lý. Nụ cười tre trúc mở ra một thế giới khác, thế giới truyện tâm lý và triết lý.

 

Nghe nói Kiệt Tấn đang hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết Lớp lớp phù sa. Một số đoạn trích trong đó được đưa vào tập Nụ cười tre trúc. Những đoạn trích ấy đều hay, đặc biệt, Vườn chanh miệt biển, rất hay. Nhưng giá trị của cả bộ trường thiên tiểu thuyết ấy sẽ ra sao? Dĩ nhiên là phải chờ đến lúc tác giả cho ra mắt. Riêng tôi, vừa chờ vừa thất thỏm. Có thể, khác với Nụ cười tre trúc, lần này Kiệt Tấn sẽ thất bại. Kinh nghiệm: những nhà văn có giọng văn pha nhiều chất tùy bút ít khi thành công trọn vẹn trong truyện dài. Tôi nghĩ đến Nguyễn Tuân, đến Mai Thảo và Đến Võ Phiến. Truyện dài của họ hay thì đành là hay so với vô số những cây bút khác. Nhưng với họ, cái hay ấy tôi có cảm giác có cái gì không trọn vẹn. Như truyện ngắn của họ. Như tùy bút của họ. Như chiều cao của họ đòi hỏi nó phải ngang tầm. Mong là Kiệt Tấn sẽ gặp may mắn./.

Nguyễn Hưng Quốc
Số lần đọc: 3233
Ngày đăng: 03.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Chiến tranh và cuộc đời – nhìn từ cây bút trẻ - Nguyễn Trung Bình
Bóng người trong Đời vạn dặm - Lê Khánh Mai
Khát vọng về một tình yêu thần thánh - Đặng Văn Sinh
Uống rượu với chồng, Một "đoạn trường thơ" - Đặng Văn Sinh
Thời của thánh thần, qua cái nhìn phản biện xã hội - Đặng Văn Sinh
Ông Điên Kiệt Tấn - Đặng Mai Lan
Nghĩ về Kiệt Tấn - Nguyễn Mộng Giác
Lời Nguyện Cầu Cho Mọi Người - Lê Huỳnh Lâm
Người vác nỗi buồn qua cánh rừng cổ tích - Lê Huỳnh Lâm