1.
Trong ký ức của tuổi thơ tôi, nông thôn có nghĩa là những vùng ngoại thành vây quanh vành đai phố cổ Hội An chừng vài ba cây số. Nơi ấy, có khi là những cánh đồng trống trải, nối liền kề nhau dọc bên con đường đất quanh co khúc khuỷu, lồng lộng gió biển khơi...; có khi là những xóm làng đầy bóng mát, sau khi băng qua một con sông và những khóm cây dày nghịt thường xuyên vang tiếng chim hót líu lo...
Hồi ấy, cứ mỗi năm vài ba lần, dù muốn hay không, tôi vẫn phải về với những vùng nông thôn như vậy. Hay nói đúng hơn, nông thôn ấy với tôi, là nơi “về quê ăn giỗ”. Những lần đó, tôi luôn chạy lẽo đẽo theo má tôi đang tay xách tay mang những thứ vật phẩm lỉnh kỉnh cần thiết cho việc cúng kiến, hối hả đi về phía trước. Con đường làng thường đầy trắc trở, nhiêu khê... Nhiều đoạn phải vượt qua vũng đầm lầy lội. Nhiều đoạn phải băng qua những bãi cứt trâu...Tôi luôn miệng hỏi má:
- Gần tới chưa má ơi?
- Gần rồi. Quê nội ở chòm cây phía trước đó!
Tôi nhìn theo hướng má chỉ. Thấy rõ chòm cây ở đường chân trời. Nhưng đi mãi, đường chân trời vẫn cứ lui về phía trước. Tôi thật băn khoăn, hỏi má, quê mình sao xa quá? Nếu cứ đi giáp tận đường chân trời, thì chắc mình phải đi tới nơi cuối cùng trái đất!..
Thế nhưng, chuyện đó đã xa lắm rồi! Giờ đây, mọi thứ ở miền quê đã đổi thay.
Cái đổi thay gây ấn tượng với tôi lớn nhất xảy ra từ câu chuyện lần đầu tôi gặp anh Lê Nuôi - một Việt kiều Canada (gốc Quảng Nam) mà dân văn nghệ cả nước rất nhiều người biết, bởi anh từng đóng phim (Bernard - phim Ký ức Điện Biên), và anh cũng chính là “chàng lãng tử” hào hoa, nhân vật thứ hai trong cuốn tự truyện ái tình “Yêu và Sống “của một nghệ sỹ múa kiêm diễn viên điện ảnh gây xôn xao dư luận một thời.
Hôm đó, đón một ngườì bạn từ phương xa về, anh mời cả nhóm chúng tôi cùng lên ô tô chạy đến nhà anh tại Hội An nhậu chơi. Thật trớ trêu, nhà “để nhậu chơi” của anh Lê Nuôi là một biệt thự sang trọng thứ thiệt, ở ngay chính miền quê, mà thuở ấu thơ tôi đi mỏi mệt, trầy trụa băng qua những chặng đường đất quanh co, những cánh đồng hoang vắng... vẫn chỉ nhìn thấy đường chân trời lùi mãi về phía tít xa (!).
Nhà anh Nuôi có vài phòng tiếp khách, đầy đủ tiện nghi. Có hoa lá, có tranh tượng và rượu bia.... Anh cho biết, từ khi “khánh thành” nhà này, anh chỉ dành để đón bạn bè văn nghệ sĩ từ mọi nơi đến để sáng tác hoặc nghỉ ngơi. Đáng nói hơn cả, hai tác giả “Yêu và Sống”( người kể và người viết) đã hoàn tất phần cuối tập bản thảo tự truyện tại chính ngôi nhà này. Khi quyển sách tung ra, biết được vụ việc, ông Bí thư thị uỷ Hội An gặp anh ở quán cà phê đã “mắng” một trận tơi bời: “Răng ông dại qúa, mời người ta về nhà mình ở để họ viết sách nói xấu mình”.
Từ ngày có ngôi nhà anh Lê Nuôi, hỏi thăm ra, tôi mới biết, cả làng quê mình, tự nhiên rục rịch, nhà nhà chỉnh trang, rồi dần dần trở thành một trong những địa phương phát triển mạng lưới du lịch nhà vườn (homestay) hấp dẫn của Hội An. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng cho hay:” Hội An đã có định hướng phát triển mạng lưới du lịch nhà vườn quy hoạch cụ thể, tập trung tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Nam, phường Cẩm Châu, Cẩm An,... vốn là những vùng ven phố cổ có sẵn tiềm năng về cảnh quan, cây xanh.Các hộ dân sẽ là “chủ đầu tư” các dự án nhà vườn của chính mình, với diện tích đất vườn và nhà ở tối thiểu 500m2, kiến trúc phải tuân thủ dạng nhà truyền thống Hội An, chương trình sinh hoạt hằng ngày cùng du khách phải cụ thể, đậm tính văn hoá bản địa. Trong thời gian lưu trú, du khách hoà mình vào đời sống gia chủ, tham gia các sinh hoạt thường nhật của người dân nông thôn, cùng đi chợ, mua thức ăn, cùng lăn vào bếp để nấu nướng những món ăn truyền thống của xứ Quảng, chăm sóc hoa màu, tìm hiểu những danh thắng, di tích ở Hội An. Gia chủ sẽ là những “hướng dẫn viên” nhiệt tình, cùng “sát cánh” giúp du khách khám phá, tìm hiểu đời sống của cư dân Hội An, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội dân gian...”.
Vậy là những cánh đồng miền quê hương thơ ấu của tôi đã bị đẩy lùi rất xa về phía nơi nào đó cuối đường chân trời. Hoặc là ở cuối đường chân trời, tôi không còn gặp lại những cánh đồng lồng lộng hương gió biển khơi của ngày xưa? Hết những khu nhà vườn là những khu resort, những sân golf đan kín suốt chiều dài từ ven sông kéo ra vùng biển. Người nông dân trẻ giờ đây không phải lặn lội ra đồng ruộng một nắng hai sương. Họ làm bồi bàn, làm nhân viên sân golf, đi chăm sóc cây cảnh ở các khu resort và nhà vườn...
Nông thôn đang bị đô thi hoá với tốc độ khốc liệt. Nhưng liệu có nên chăng lột bỏ những lớp bê tông trên con đường đất, để quay về tìm lại hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn trìu mến bên mái tranh xưa?
2.
Cách đây khoảng hai thập niên, nói đến nông thôn Quảng Nam Đà Nẵng, người ta thường nhắc đến Lưu Ban - người được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong những Anh hùng Lao động đầu tiên trước thời kỳ "đổi mới" (cuối năm 1985). Từ khi ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn II, Duy Xuyên, dưới sự lãnh đạo của ông, Duy Sơn II là HTX đầu tiên trên cả nước có... nhà máy thuỷ điện và bán điện cho quốc gia. Báo chí cả nước ca ngợi tung hô ông. Thậm chí, nhiều hội nghị văn nghệ đã mời ông đến dự, xem ông như là một biểu tuợng văn học của nông thôn mới.
Thế nhưng, năm tháng qua đi với biết bao biến động cuộc sống, hình ảnh người anh hùng Lưu Ban cũng mờ nhạt, rồi chìm dần vào quên lãng. Thay vào đó, vào cuối năm 1994, một sự kiện mới tạo nên dấu ấn ngoạn mục trên đất Quảng: người nhận chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc này vẫn thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng, đến 1997 mới tách thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương), vốn cũng xuất thân từ Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp. Ngay khi vừa nhận nhiệm vụ, trong buổi ra mắt báo chí, văn nghệ sĩ, ông nói rõ: “ Tôi nguyên là người làm công tác nông nghiệp, chủ yếu biết rành trâu bò, ruộng đồng, phân bón... chứ không biết chi nhiều về thành phố, bước đầu rất cần sự tham gia ủng hộ, góp ý của anh em ”. Bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt, cộng với lối diễn đạt bộc trực, chân chất như vậy, nghe vị chủ tịch mới của thành phố nói xong, nhiều người phát hoảng (!). Họ băn khoăn, liệu ông này có kéo thành phố Đà Nẵng đi xuống không? Đô thị Đà Nẵng sẽ dễ bị nông thôn hoá hay không?
Vậy mà từ ấy đến nay, nhất là sau giai đoạn Đà Nẵng trở thành đô thị loại I, trong vòng hơn 10 năm, ông Chủ tịch xuất thân nông dân ấy (hiện nay là Bí thư thành uỷ), đã dám đưa ra những ý tưởng “thay trời đổi đất”, nhanh chóng biến đổi Đà Nẵng trở thành một thành phố hiện đại, với những thành tựu đột phá diệu kỳ, khiến cả nước phải học tập.
Đà Nẵng giờ đây mở rộng mỗi tháng, mỗi ngày. Trung tâm thành phố với những con đường nhựa hoành tráng đẹp đẻ kéo dài, băng ngang, xoá sạch những đồng ruộng, những thôn xóm lụp xụp buồn tênh. Khó ai biết được những người nông dân sau khi nhận các khoản tiền đền bù đầy ắp, bây giờ ở đâu? đi đâu? làm gì? ra sao?
3.
Khắp nơi trên đất nước, nông thôn Việt Nam hôm nay đang chuyển động dữ dội, và dường như đã đến lúc nảy sinh ra một cái gì đó rất mới, rất lạ, ngoài tầm dự đoán chúng ta? Bởi vậy, thật khó lòng đổ lỗi cho ông Việt kiều Lê Nuôi hay vị lãnh đạo Đà Nẵng có gốc gác HTX nông nghiệp, đang góp phần bê tông hoá những miền quê đất Quảng.
Cùng trao đổi về vấn đề này, nhà văn Lê Lựu nói ngay: “Nhiều người nhận thấy trong các sáng tác văn học còn rất thiếu những hình tượng về người nông dân, về sự đổi mới ở nông thôn cũng như thiếu đi những dự báo xã hội cần thiết. Ngày xưa cả dân tộc sống và đánh giặc bằng hạt gạo của người nông dân. Họ một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời… Đấy chính là sự xúc động, cuộc sống tạo ra sự xúc động cho người nghệ sỹ. Nhưng bây giờ làm giàu cho cuộc sống hôm nay lại chính là những doanh nhân, một hecta trồng lúa làm sao bằng được khi xử dụng một hecta ấy để làm công nghiệp?”.
Tuy nhiên, nói như thế không đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình lãng quên hình tượng người nông dân trong văn học. Nhà văn Lê Lựu khẳng định : “Lãng quên thì không, nhưng bây giờ không ai dám nhịn đói để viết về những người nông dân. Hơn nữa phải là người sống, những người ở cùng chung sống với nông dân thì mới viết sâu sắc được. Những người nông dân khốn khổ, khốn nạn không phải do nhà văn quên họ mà do xu hướng mới đã làm cho nhà văn quên đi sự khốn khổ của họ. Lớp người nào tác động đến sự thay đổi của xã hội thì nó hấp dẫn người viết. Nhà văn là những người dự báo xã hội”.
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thoạt nhìn nông thôn Việt Nam rất thanh bình. Tuy nhiên, bên trong sự thanh bình ấy đang ẩn chứa nhiều xung đột khiến nông thôn nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn...Thực tiễn này đang đòi hỏi chúng ta phải "vẽ" bức tranh nông thôn Việt Nam. Vấn đề này đang được cơ quan hữu trách triển khai thực hiện với việc xây dựng một đề án phát triển nông nghiệp nông thôn nước ta đến năm 2020.
Vậy bức tranh về nông thôn mà người cầm bút “vẽ” lại trong văn học hôm nay và ngày mai sẽ ra sao? Theo tôi, không phải lớp nhà văn trẻ hiện nay đang tránh né, mà e rắng, nếu không nắm bắt và sẻ chia những biến động dữ dội trong đời sống nông thôn hiện nay, thì chúng ta dễ vội vàng phác nên những chân dung méo mó, phiến diện và áp đặt./.
Đà Nẵng, tháng 7/2009
(Đã in Văn Nghệ Trẻ)