Giờ thì là sao? Không sao cả. Vậy thì ông đang ở đâu? Trên tầng cao, rất cao; giống như một cái ổ chim trên chót núi cheo leo. Mình cũng đang ngồi trong ổ chim đó, trên cao tít mù mù, cách biệt với thế giới ùn ùn dưới kia… Ông già lẩm bẩm, đi tới đi lui trong gian phòng bày biện sang trọng vừa nhìn sững vào vách tường dựng đứng như một chiếc hộp diêm. Ông già tự hỏi rồi tự trả lời, rồi lại nhìn xuống sàn nhà, bất ngờ thấy lại gót chân nứt nẻ của mình, thấy những chiếc móng vêu u, sứt sẹo của mình… Và chợt nhớ quay quắt gian nhà mái âm dương năm gian, nền lót gạch tàu nham nhám ở tận đồng sâu. Nỗi nhớ cồn cào đến quặn thắt ruột gan, trào ra như chút khói trong bếp tro vùi vòng vèo quanh ông táo, không xa hơn để vón cục lại thành những ước ao bé nhỏ.
Vậy nhưng những ước mơ chưa thể thành sự thật ấy không đến với ông khoảng cuối đời. Một chút ánh trăng lúc nửa đêm về sáng đã không đến. Gió từ cánh đồng mênh mông không thổi mát. Tiếng cóc nhái côn trùng nín bặt. Xuồng ba lá không chạm mái dầm lộp bộp. Mấy chiếc xuồng đuôi tôm không khua nước ầm ĩ cả một khúc sông vắt ngang trước nhà. Nhà ông đó. Nhà ông là tít mù dặm mây. Nhà ông là lọn khói đồng vật vưởng xa xăm, mang theo mùi cá nướng trui xa xăm. Xa như chuyện cổ tích. Mà đâu phải vậy. Chỉ cần với một cánh tay là đến, nhưng khốn nỗi không ai cho ông đến. Không đến được thì thương nhớ âm u, khắc khoải. Nỗi nhớ nghi ngút như nồi cơm bốc hơi thơm một khoảng trời mơ tưởng. Ừa, cứ cho ông mơ…
Đã nhiều lần ông kêu thằng con trai: “Coi chừng tía trợt té gãy chưn à con”. Nó hiểu ngay ông muốn nói điều gì, lập tức đưa bộ mặt sầu thảm ra: “Tội tụi con mà tía. Về dưới đó ai chăm sóc tía? Chừng này tuổi rồi… Hồi nhỏ tía má nuôi tụi con, nay con cái phụng dưỡng cha mẹ già…”.
Trăm lần nó đều mở cái giọng thảm não ấy và trăm lần ông phải bỏ ra khỏi phòng, chống tay lên bao lơn ngó xuôi theo hướng con rạch nhỏ trước mặt, bị rạch nát bỡi những căn nhà ở hai bờ, mái gần như níu lấy nhau. Những vệt nước đen ngòm lấp loáng màu sáng bạc về đêm giống như vệt phấn son của cô đào thương về già, giống như bộ quần áo bà ba thỉnh thoảng ông mới dám mặc lúc con đi vắng, cho đỡ nhớ bùn sình, rặng tre cùng những lùm ô rô cóc kèn níu chùm rễ bần vọt lên khỏi mặt nước sông đỏ quạch. Dòng chảy của con rạch khác chi ngày tháng cuối đời của ông. Bỡi nó là con rạch nên chẳng kêu la, chẳng hoài nhớ tháng ngày thênh thang hai bờ rộng, nước trong vắt nối dòng sông lớn ở đâu đó. Còn ông là đoạn cuối một dòng sông vắt cạn nước qua hai bờ, một nông dân thứ thiệt, chữ nghĩa ít, nhưng thấu hiểu nghĩa lý ở đời. Nghĩa lý ấy làm ông đau. Đám con chẳng tội tình chi khi phải làm vậy. Nhưng giá như chúng cứ để ông dưới quê, trong căn nhà mái ngói rêu phủ, nền gạch mòn lĩn dấu chân cha mẹ, vườn cây trái sum suê…hẳn ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Ông già quay trở vào. Căn phòng rộng, bày biện đủ mọi tiện nghi thành phố nhưng cũng chỉ mình ông thui thủi. Mỗi ngày chỉ gặp nhau trong bữa tối cỡ tiếng đồng hồ, nói chuyện tầm phào, rồi mạnh ai vào phòng nấy. Bảnh mắt, chúng đã vác xe đi tự lúc nào! Cách phụng dưỡng của đám con là để ông một mình trong căn phòng rộng, trên tầng năm và bà vợ bán thân bên trong khung kính, khiến ông như cái bóng lay lắc giữa bốn bức tường thẳng đứng với những rèm che, cửa kính… thiệt buồn!
Ông đứng bên ô cửa nhóng ra. Xa cuối con rạch kia là đâu, nó có chảy xuôi về quê ông, xẹt ngang trước ngõ nhà có chiếc cầu ván từ bờ đất bắt doi ra như chiếc mỏ vịt? Thuở nhỏ ông đã đứng trên cầu nhảy ùm xuống sông. Lớn lên ông đứng trên tấm ván lắc lẻo, đắm đuối ngó cô Bảy chèo xuồng ba lá chở giỏ đầy bông điên điển vàng mặt sông. Và cuối cùng những giỏ điển điển ấy cũng rắc đầy từ mặt sông lên ngõ nhà ông, để giờ này cô ngồi sau khung kính nở nụ cười vàng rực.
Mau thiệt – ông buột miệng than. Tất cả đã lùi xa thiệt xa. Mới đây mà căn nhà xưa giờ bị khuất lấp ở cuối đường chân trời. Muốn rờ đụng hàng cột tròn láng bóng ông cũng chỉ rờ được trong trí tưởng tượng, ông bay nhảy với tuổi ấu thơ, muốn giang đôi tay khẳng khiu níu kéo lá mái che cuối đời mình như nó đã che cho cả nhà ông mát trong mùa nắng, ấm mùa lạnh. Dàn trần tre trét đất bên trên như thể cả căn nhà mang bùn đất của ruộng đồng vào tận những chiếc chõng tre, thơm hăng hắc, nồng nàn. Rồi đến cả những tấm liễng, hoành phi, những nghi khậu ở gian thờ lung linh bóng hình tổ tiên trong lớp nhang khói bay vòng lên cao. Bao nhiêu đời kế tiếp nhau để có được gian nhà nơi “chôn nhau cắt rún” bỗng chốc xa vời vợi khiến ông muốn khóc. Giá mà khóc được như những giọt nước mắt trẻ thơ khi phải cầm nùi giẻ lau sạch bóng bộ cửa bằng pha bằng gỗ lim chạy dài suốt năm gian, chuẩn bị đón tết, trong khi lũ bạn nhỏ đang chọi đáo, u quạ ngoài ngõ! Bộ cửa ấy với ông như hai kẻ luôn đối đầu: trước ngày giỗ có tiếng kêu “Út Đễn ơi, lau cửa đi con”; ngày giáp tết ‘Út Đễn ơi lau cửa đi con”. Nùi giẻ và bộ cửa đã theo ông suốt dọc đời người, đến nỗi nhắm mắt ông có thể đếm đúng những khe rãnh chạm trổ, mỏ chim phượng, mắt lân nằm khoảng nào, những con dơi láng đen, những chùm trái nho thòng thễnh chỗ nào; cả đến những vết sướt khi ông dùng mũi dao khư những mảng bụi bám trong khe... Vậy mà giờ này.
Bất giác ông ngó lên khung ảnh vợ có nụ cười vàng rực bông điên điển. Ngó và nhớ cái ngày hai ông bà đứng trước bàn thờ tổ tiên, nhớ cái vấp té đầu tiên của vợ nơi ngạch địa, nhớ tổ ấm ở chái sau... Ông khóc thiệt, khi bàn tay vô tình chạm nhẹ vào khóe mắt, một chút nước sền sệt như quá khứ xa xôi hiện về.
Ông nghĩ bụng: tối nay lũ con đi làm về sẽ nói thiệt với chúng để ông về thăm quê một chuyến, như chuyến đi cuối cùng: Ông sẽ đứng trên ván cầu dõi tìm bông điên điển, ông cởi trần nằm dài xuống nền gạch tàu mát lạnh, gối đầu lên ngạch địa nhìn lên trần đất thơm hắc mùi bùn đất, rờ đụng vào những khe rãnh bộ cửa, thắp nén nhang nhìn tổ tiên bay về cùng ông, về ngôi nhà xưa dày mọp tiếng ve sau vườn. Ông ra cầu ao múc nước đầy dãy khạp đứng sắp hàng thẳng đuột rồi quay vào đu đưa trên chiếc võng gai nơi hàng hiên ngó hàng cau trước sân nhỏ. Mùa này cau đã trỗ buồng rồi. Hương cau thoang thoảng như mùi tóc cô Bảy đang ngồi đẩy những nhánh củi trâm bầu dưới đít ông táo. Hương cau xa xôi đó đưa ông đi, đi miết trong cơm mơ thiếp rắc hoa vàng.
-Tía ơi… tía…
Ông giựt mình, xoay quả nắm, hé cánh cửa dòm ra.
-Tía ơi… tía ở đâu vậy? Tía…
-Tao đây. Tía đây. Chi mà la um trời lên vậy?
-Tía thay quần áo nhanh lên. Xe chờ dưới đường kia kìa.
-Đi thiệt hả? Đi ngay bây giờ?
-Dạ, đi liền.
Ông quay vào trong, lòng khấp khởi mừng. Chí ít con cái cũng bắt đầu hiểu được tâm trạng người già, dẫu là có hơi muộn. Muộn vẫn còn hơn không. Tay chân ông run run, lóng ngóng… cài khuy áo, thắt dây rút. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng xong. Ông bước ra lòng phấn chấn hệt đứa cháu nội mỗi khi nó cầm giấy khen về nhà.
Ra tới phòng khách, thằng con trợn ngược mắt, kinh ngạc đến vô cùng, như thể ông là một sinh vật nào khác, từ một hành tinh nào khác đứng trước mặt nó. Ông chưa hề, chưa bao giờ là cha nó.
-Chèng ơi, sao tía ăn mặc vầy?
-Chở mày biểu tía mần sao?
-Đi nhà hàng tía ơi. Bữa nay con được bổ nhiệm trưởng phòng. Con chiêu đãi cả nhà. Con mời tía với vợ chồng chú Út nó…
-Chớ không phải bay đưa tía về dưới miệt vườn?
-Trời, tía! Miệt vườn thì có chi hấp dẫn mà tía nhắc hoài?
-Sao không? Nơi cha mẹ sanh ra tía đó. Nơi má bay sinh ra tụi bay đó, rồi má bay nhắm mắt xuôi tay trên mảnh vườn đó đấy, rồi mai mốt tới lượt tía. Bao nhiêu đời tổ tiên con cháu quần tụ trên mảnh đất đó đấy.
-Con xin tía. Tía vào thay lại áo quần đi. Cả nhà đợi tía, xếp và đồng sự con đợi tía ở New Pearl.
Không hiểu sao khi nghe thằng con nói tới đây, ông già nổi giận phừng phừng, xán lại gần đụng mặt nó, hét lên:
-Tía không cần. Cái tao cần không phải là những chỗ đó. Một ông già nhà quê nên tao biết mình ngồi chỗ nào thoải mái, dễ chịu hơn - Nghỉ một chút lấy hơi, ông tiếp – Đi đi, tía không đi đâu.
Ông già nói chừng đó, đóng sập cửa lại.
Ông thong thả dốt nén nhang cắm lên bàn thờ cô Bảy.
Ông lâm râm gì đó mà ngay cả ông cũng không rõ. Một hồi lâu sau, ông lục tủ thờ lôi ra nhạo rượu với chiếc ly. Ông rót từ tốn để nhìn rõ ngọn rượu vun cao thành hột cườm, lung linh như những cánh cò trắng trên đồng nước. Dưới kia là cánh đồng bông điển điển vàng rực. Mắt ông mờ đi thấy mình đang đong đưa trên cánh cò bay thẳng về phía đồng nước. Những cánh cò mang theo mùi hương cau thơm lựng đất trời./.
(7/2009)