Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.271
 
Nhận diện truyện ngắn "Vàng lửa" qua yếu tố văn hóa
Đặng Văn Sinh

Được công bố lần đầu vào ngày 30 tháng 4 năm 1988 trên tuần báo Văn nghệ, Vàng lửa đặt ra một vấn đề khá nhạy cảm đối với người đọc trong việc đánh giá  lịch sử và văn hóa dân tộc, mà từ lâu, bởi nhiều lý do khác nhau, chúng ta nhận diện chưa đúng bản chất của nó.

 

Thực ra, Vàng lửa là truyện ngắn mang tính luận đề , khô khan, thậm chí chẳng khác gì một bài biên khảo nhưng đọc lại vô cùng hấp dẫn bởi phần nội hàm phong phú với nhiều nhận định sắc sảo về cách thẩm định lại một số giá trị vẫn được xem là dĩ thành bất biến. Viết truyện ngắn này, tác giả tỏ ra khá kín võ khi anh sáng tạo ra nhân vật Phăng, một gã thực dân phương Tây vượt biển sang Đông Dương  tìm vàng, nhận xét về nền văn hóa Việt. Điều này tương đối dễ hiểu bởi tâm lý vọng ngoại của không ít công dân vong bản. Chả thế mà, vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, có nhà văn thuộc thành phần thứ ba của Mặt trận dân tộc GPMNVN lấy tên là Patzi, viết về một đề tài liên quan đến vấn đề dân tộc, tuy chẳng lấy gì làm xuất sắc nhưng đã gây cho dư luận thế giới, nhất là các phong trào cánh tả, xôn xao một thời. Vàng lửa, qua cái nhìn của Phăng, phác họa rất rõ nét hai gương mặt tiêu biểu của Việt Nam thời cận đại. Có một mẫu số chung là, cả hai nhân vật lớn này đều chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa Trung Hoa. Đó là một nền văn hóa vĩ đại, có  hấp lực cực kỳ lớn nhưng bảo thủ, trì trệ như một nhà nghiên cứu phương Tây từng nhận xét "đến sớm, ở lâu nhưng đi muộn".

 

Về mặt chính trị, Nguyễn Ánh, một nhân vật lịch sử sáng chói của nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, người đã lập ra vương triều phong kiến kéo dài 143 năm, đã lạnh lùng tuyên bố với cố vấn Phăng khi ông ta hỏi nhà vua về các nhà tư tưởng phương Đông: " Tất cả do cay cú đời sống. Họ là quá khứ. Thời khắc đang sống mới là đáng kể". Chi tiết thú vị này làm người đọc liên tưởng ngay đến câu tục ngữ dân gian "được làm vua thua làm giặc" mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã cụ thể hóa trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ viết sau đó ít lâu :" Những cột trụ nhà nước như bọn Lê Ngân, Lê Sát, Lê Văn Linh, Lê Hy... đều là những chính khách xuất thân giang hồ, trị nước bằng mưu mẹo chứ không xuất phát từ đạo và luật". Chính vì tổ chức nhà nước không được xây dựng trên một hệ tư tưởng tiến bộ mà lại hình thành từ những thủ đoạn chính trị bảo thủ, lạc hậu, nên "Cung đình giống như nơi tụ họp các anh hùng lục lâm, chỗ nhóm lửa, chỗ thổi cơm, chỗ múa giáo, chế được đặt ra do vui chuyện mà định. Trên các chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng. Số trẻ trung hơn, dễ thấy trên gương mặt chối bỏ thẳng thừng học vấn, chỉ chờ đón tiếp nhận cảm giác lạc thú".

 

Khác với phần lớn những thủ lĩnh mở đầu các vương triều phong kiến Việt Nam suốt hơn ngàn năm lịch sử đều xuất thân từ thành phần bình dân, Gia Long có nguồn gốc quý tộc cao cấp của một dòng chúa nổi tiếng từ thế kỷ XVI, nhưng ông cũng không tiến bộ hơn bao nhiêu so với những hoàng đế tiền nhiệm. Đó là thói kiêu ngạo của một kẻ ếch ngồi đáy giếng, độc tài, chuyên chế, tự cho mình độc quyền chân lý và ưa nịnh hót. Điều này giải thích vì sao ông không cần tư tưởng (hoặc sử dụng một thứ ngụy tư tưởng) nhưng lại rất giàu thủ đoạn chính trị ngắn hạn để thao túng cộng đồng dân tộc chịu ảnh hưởng sâu sắc của thứ văn hóa Khổng giáo phương Bắc, kìm hãm nhân tài, làm thui chột mọi khả năng sáng tạo . Thói quen bắt chước một cách lố bịch thật sự đã vượt rất xa giới hạn của sự giao thoa văn hóa thông thường, nhưng ở quy mô khiêm tốn hơn nhiều so với nước láng giềng. Bắc Kinh có điện Thái Hòa  thì Thăng Long, Huế cũng có điện Thái Hòa. Trung Quốc có cửu đỉnh tượng trưng cho cửu châu từ thời nhà Chu thì triều đình Đại Nam cũng có cửu đỉnh những chẳng tượng trưng cho cái gì rõ rệt mà chỉ để vẽ phong cảnh. Nhà Đại Thanh có niên hiệu Càn Long thì nhà Nguyễn có niên hiệu Gia Long v.v...

 

Gia Long là biểu tượng tập trung nhất của hệ ý thức phong kiến tập quyền có nguồn gốc từ Hoa Hạ. Ông chính là thứ sản phẩm tinh thần bắt chước một cách mù quáng tạo nên  thiết chế xã hội đầy khuyết tật đẩy dân tộc đến những thảm họa xét ra có thể tránh được nếu những người kế tục ngai vàng sau ông có tầm nhìn của hoàng đế Minh Trị Nhật Bản từ những năm ba mươi của thế kỷ XIX. Chân dung chính trị của vị Cao hoàng đế triều Nguyễn được Phăng thuật lại xem ra khá là khách quan :" Nhà vua là một khối cô đơn khổng lồ. Ông đóng trò rất giỏi trong triều đình. Ông đi, đứng, ra, vào, ra các mệnh lệnh, chấp nhận sự tung hô của bọn quần thần. Ông là người cha nghiêm khắc của lũ con ích kỷ, đần độn. Là người chồng đáng kính của các bà vợ tầm thường...Ông biết rõ ông đã già, với bọn cung tần mỹ nữ trẻ đẹp ông bất lực. Ông biết rõ cái triều đình thiển cận do ông dựng lên, biết rõ quốc gia mình nghèo đói. Ông luôn lo sợ bởi quyền lực nằm trong tay, nó lớn ngoài sức chứa của một con người..."

 

Trên cơ sở một nền chính trị tàn bạo , Gia Long, ngoài việc có công lớn trong quá trình mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước sau nhiều thế kỷ dân tộc phân ly dẫn đến  cảnh huynh đệ tương tàn, ông và các hậu duệ của ông cũng để lại cho con cháu những thói quen văn hóa tai hại. Nó lặn sâu vào tâm thức dân tộc làm mỗi chúng ta ngộ nhận, tự thỏa mãn với những  giá trị kém bền vững, thậm chí giá trị ảo, huyễn hoặc bản thân mà không dám nhìn thẳng vào thói hư tật xấu , tự soi  gương để xem mình là ai, thuộc thứ hạng nào trong mối tương quan với cộng đồng nhân loại.

 

Vua Gia Long là vị hoàng đế tàn nhẫn đem cả dân tộc mình ra đặt cược vào canh bạc chính trị đầy máu và nước mắt. Cái sự vĩ đại ở ông vua được xem là một trong số không nhiều bậc anh hùng nước Nam là hiểu rất rõ thần dân nghèo đói của mình phải "hoạt động cù lần" để sống mòn mỏi, nhưng, hoặc là bất lực, hoặc là cố tình duy trì tình trạng trì trệ như vậy để bảo toàn chiếc ngai vàng quyền lực . Dân càng ngu càng dễ cai trị. Ở đây, lòng yêu nước chỉ là một thứ khái niệm giả tạo được đưa đẩy trên đầu lưỡi lũ lưu manh chính trị. Tính phổ quát của hiện tượng văn hóa phương Đông là nỗi sợ hãi truyền kiếp của tầng lớp thứ dân trước nền chính trị độc tài luôn được duy trì bằng bạo lực trong tình trạng nghèo đói triền miên. Đấy chính là điều kiện tất yếu để con người tự thủ tiêu tinh thần dân chủ vốn chưa bao giờ có trong ý tức cộng đồng, làm cho những giá trị tốt đẹp của văn hóa  dân tộc mỗi ngày một mất dần, chỉ còn lại những thứ gần như cặn bã, như phân chia đẳng cấp, học vẹt để ra làm quan đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, đấu đá  tranh giành quyền lực, thói đố kỵ, tầm nhìn thiển cận và bè phái,v.v...  Lời phán của vua Gia Long với Phăng :" Khanh chẳng hiểu gì cả, vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục" phần nào đã chứng minh cho luận điểm trên.

 

Nhân vật thứ hai được kể đến là Nguyên Du. Theo Phăng, Nguyễn Du cũng là vật quốc bảo nhưng nhẹ đồng cân hơn so với vua Gia Long. Người Tây phương có nhãn quan của một nhà bình luận chính trị này coi tác giả Đoạn trường tân thanh là sản phẩm cưỡng dâm của nền văn minh Trung Hoa nên con người ông chứa đầy điển tích :" Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du ( tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa". Đây là nhận xét khá chối tai, xúc phạm đến lòng tự ái dân tộc, nhưng, trớ trêu thay, lại không phải không có lý. Chúng ta hãy bắt đầu từ Truyện Kiều . Tuy được xem là thi hào lớn của dân tộc, là nhà nghệ sỹ sáng tạo ngôn ngữ tuyệt vời nhưng công bằng mà nói Đoạn trường tân thanh vẫn là tác phẩm vay mượn của nền văn học Trung Quốc ít ra là ở phần cốt truyện. Gần như mỗi câu trong Truyện Kiều đều có vài ba điển cố, đến nỗi học giả Đào Duy Anh phải viết cả một quyển Từ điển Truyện Kiều mấy trăm trang để giải thích những điển tích, những thành ngữ cho phần lớn độc giả nội địa vốn rất mơ hồ về Hán học . Tâm lý sùng bái văn hóa Bắc Quốc đã làm cho nhà nghệ sỹ tài hoa của chúng ta chuyển dịch gần như toàn bộ truyện Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, kể cả những phần hạn chế về kết cấu cũng như thuyết "Tài mệnh tương đố" sang thể lục bát mà không có sáng tạo gì đáng kể về mặt tư tưởng.

 

Phăng phân biệt rất rõ về đẳng cấp giữa Gia Long và Nguyễn Du vì Gia Long " khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình. Ông làm cho lịch sử sinh động hẳn lên..." Trong Khi Gia Long  đứng trên cộng đồng thì Nguyễn Du lại hòa mình vào cộng đồng . Gia Long không tin học vấn có thể cải tạo giống nòi thì Nguyễn Du Viết Văn tế thập loại chúng sinh, nhỏ lệ trước nỗi đau của nàng Kiều bằng câu thơ cảm thán : "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Gia Long thích trò chơi quyền lực, dám hy sinh cả một bộ phận dân tộc trong những cuộc chinh phạt đẫm máu để tranh đoạt thiên hạ, trong khi ấy Nguyễn Du lại xót thương cho từng thân phận đơn lẻ như Thúy Kiều, người kỹ nữ gảy đàn ở Thăng Long thành hay mẹ con người hành khất ông gặp trên đường đi sứ... Xét về mối tương quan, theo Phăng, lòng tốt của Nguyễn chỉ là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai, vì ngay bản thân ông cũng phải lưu lạc mười năm trời đói khát, bệnh tật nơi đất khách. Nhưng điều ấy không quan trọng lắm nếu so với cách Gia Long, tức nhà cầm quyền đương thời, đối xử với văn nghệ sỹ theo phương thức chăn nuôi gia súc: "Ông không coi Nguyễn Du ra gì, hoặc có thể ông coi Nguyễn Du là một con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn, bò, gà mà ông chăn dắt". Qua nhận xét của Phăng, ta có thể thấy, những bậc quân chủ như Gia Long, không bao giờ thực sự coi trọng trí thức, nhất là trí thức văn nghệ sỹ, mà chỉ xem họ như một thứ cây cảnh, con cảnh, thỉnh thoảng ban phát cho chút bổng lộc để họ lặp đi lặp lại lời xưng tụng thứ công đức trừu tượng của chính nhà độc tài như một con vẹt. Văn hóa, tự cổ chí kim bao giờ cũng là động lực chính thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng đó phải là một nền văn hóa lành mạnh được tích hợp và kế thừa từ sự nỗ lực không mệt mỏi của những bộ óc thông minh qua nhiều thế hệ, chứ không phải là sự bắt chước một cách máy móc rồi "Việt hóa" nó thành một bản sao nhợt nhạt. Chúng ta đã có quá đủ bài học đau đớn từ sự bắt chước thiển cận, nên suốt cả chiều dài lịch sử mấy nghìn năm vắng bóng một thứ văn tự  ra hồn , nếu không có các nhà truyền đạo Cơ Đốc đem mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt, mà tiêu biểu là đức cha Alexandre de Rhodes, tạo thành chữ Quốc ngữ vô cùng tiện lợi, thì chẳng biết bây giờ tình cảnh đất nước sẽ ra sao.

 

Sự kiện không bình thường của nền văn hóa Việt được Phăng dùng hình ảnh như là bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp, sau này được nữ nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết rất thành công trong  truyện ngắn Bóng đè. Cái nền văn hóa đầy những khuyết tật ấy sống dai đến mức, sang những năm đầu của thế kỷ XXI, vào những ngày giỗ, bóng ma vẫn hiện về cưỡng dâm đứa cháu dâu. Điều đáng ngạc nhiên nữa là, trong những cuộc làm tình quái dị theo kiểu Liêu Trai trước bàn thờ tổ tiên ấy, cô cháu dâu lại tỏ ra thỏa mãn, thậm chí cứ sắp đến một ngày giỗ nào đó, lại hối thúc chồng về quê. Chi tiết này liệu có gợi cho ta liên tưởng đến đặc tính di truyền?

 

Đọc Vàng lửa, ta dễ bị đánh lừa bởi những sự kiện giàu kịch tính về chuyện đào đãi vàng của nhóm người ngoại quốc cũng như ba đoạn kết khá độc đáo với những cái chết bí ẩn của họ mà quên đi vấn đề chính tác giả đặt ra là cần phải xem lại cả một nền văn hóa. Vàng lửa chẳng những đã giải thiêng thần tượng, xét lại lịch sử  mà còn chỉ ra nguyên nhân của đời sống trì trệ cùng những bất cập của xã hội phương Đông bị ràng buộc bởi hệ ý thức bảo thủ, lạc hậu kéo dài nhiều thiên niên kỷ. Vấn đề là, liệu chúng ta có thắng được chính mình trên bước đường đi tới tương lai?./.

 

Năm Đinh Hợi, tháng trọng thu, ngày lành

Đặng Văn Sinh
Số lần đọc: 3683
Ngày đăng: 19.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đối lập gay gắt trong "đất không giấu mặt" (1) - Lê Quang Trang
Một bài báo bóp méo sự thật và vu cáo - Nhiều Tác Giả
Đối thoại với các linh hồn. - Ban Mai
Người gọi những giấc mơ - Lê Huỳnh Lâm
Yêu ở tuổi chín mươi - Khuất Đẩu
Bình luận mỹ học :cũ và mới. - Yến Nhi
Kiệt Tấn, nụ cười tre trúc - Nguyễn Hưng Quốc
Sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác - Đặng Văn Sinh
Chiến tranh và cuộc đời – nhìn từ cây bút trẻ - Nguyễn Trung Bình
Bóng người trong Đời vạn dặm - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả
Ký ức làng Cùa (truyện dài)
Đò đêm (truyện ngắn)
Đêm trăng Tả Giàng (truyện ngắn)
Bến phù dung (truyện ngắn)
Chị Hà (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Cây mít tố nữ (truyện ngắn)
Công ty Vẹt (truyện ngắn)
Chiều muộn (truyện ngắn)
Cái vòi (truyện ngắn)