Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.231
 
Đổi giọng
Nguyễn An Cư

Hơn một năm nay, ông chủ nhà đối diện với nhà tôi có nuôi một con sáo. Ông nhốt nó trong lồng và treo lủng lẳng trước hiên nhà. Lồng được đan bằng tre sơn xanh đỏ rất đẹp. Bên vách lồng có buộc hai cái keo đựng thức ăn và nước uống.

Đám trẻ con trong xóm nầy thích lắm. Chúng nó cứ ngắm nghía trầm trồ mãi.

 

Những ngày đầu, con sáo hết đứng trên thanh ngang lại nhảy trên cái cành khô, cũng được buộc chặt vào vách lồng. Nó luôn miệng kêu trọt trẹt, đập cánh vào lồng. Đầu lúc nào cũng chui vào vách lồng đến rướm máu. Nhìn cái mỏ và đôi chân vàng tươi của nó bê bết máu mới tội nghiệp làm sao! Đôi lúc mệt quá nó đứng thở dốc, mắt ủ rũ nhìn keo thức ăn rồi lại đập cánh tìm cách chui ra ngoài.

Tiếng kêu của nó thật là não nuột! Tưởng như vô vọng, ai ngờ chỉ mới mấy hôm sau, hai con sáo bố mẹ lại tìm đến. Chúng sa sả đáp vào lồng kêu khè khè, đưa mỏ rỉa tía lia tía lịa vào đầu vào cổ con; bất chấp mọi người, mọi vật xung quanh. Chú sáo con thì run run cái mình, chớp chớp đôi cánh, kêu ríu rít…

 

Ông chủ nhà đứng rình bên cửa. Ông chộp bắt hụt chúng mấy lần mà chúng vẫn không sợ. Cuối cùng, ông ta chộp được cái đuôi của một con; chúng vụt tung bay, đổ lại mấy chùm lông bay lả tả!

 

Ai cũng tưởng đâu hai con chim bố mẹ sẽ không còn dám bén mảng tới nữa. Thế mà sáng hôm sau chúng lại đến. Mỗi con ngậm một con cào cào. Chúng không sà vào lồng như hôm trước mà đậu trên mái nhà của tôi nhìn dáo dác. Thoáng một cái, chúng lao thẳng vào lồng, vội vã đút mồi cho con rồi lại bay đi. Cứ như thế liên tiếp một tuần, ngày nào chúng cũng đến đút mồi cho con ba bốn lần. Con sáo con ngong ngóng đợi chờ, kêu cháo chác.

Ông chủ nhà đã để ý. Ông sắm sẵn một cái giàn thun, vò sẵn mấy viên đạn bằng đất sét phơi thật khô.

Một buổi sáng, một con chim mẹ vừa đáp xuống mái nhà tôi. Mỏ nó nghiêng nghiêng, mắt nhớn nhác nhìn quanh thật tội nghiệp. Ông chủ nhà giương giàn thun nả đạn. Con chim mẹ ré lên một tiếng thất thanh rồi giãy rèn rẹt trên mái nhà. Con chim con trong lồng cũng ré theo thảm thiết! Đám trẻ trong nhà vỗ tay la lớn: “Chết rồi! Chết rồi!”.

 

Cha con họ luýnh quýnh lấy cây sào khều con sáo xuống. Con sáo tỉnh lại, vụt bay mất. Cha con ông chủ nhà tiếc ngẩn tiếc ngơ!

Từ đó, lâu lâu người ta mới thấy hai con sáo bố mẹ trở về, đậu tận ngọn dừa cao nhìn xuống. Mỗi lần như vậy, chúng đều bị ông chủ nhà nả vói theo mấy phát đạn.

 

Con sáo con buồn bã đứng ủ rũ mấy ngày liền. Lông nó xù ra. Cánh đập yếu ớt. Chân đứng không vững, té tới té lui. Trông nó đói lắm thì phải. Nó nhìn keo thức ăn công nghiệp ông chủ nhà mua từ nước ngoài nhập vào, chuyên dành cho chim sáo rồi quay chỗ khác kêu chiêm chíếp.

Ông chủ nhà đứng nhìn lắc đầu. Nó hốt hoảng đập cánh vào vách lồng xành xạch. Ông lại gần rù rì dỗ nó: “Mầy ở lại với tao đi. Nhà đẹp nè, thức ăn ngon nè. Khỏi phải đi bắt mồi cực khổ nè. Khỏi bị ai ăn hiếp, đá mổ nè…”.

Chú sáo con càng sợ hãi, vừa kêu khọt khẹt, vừa bay tứ tung.

 

Ông chủ nhà thấy nó không đếm xỉa gì đến keo thức ăn đành nhượng bộ. Ông sai mấy đứa nhỏ đi bắt cho nó mấy con cào cào. Ông đưa trước mắt nó; nó không ăn. Ông vạch miệng nó nhét vào; nó vẫn rải ra! Hôm sau, ông lại tiếp tục nhét cào cào vào miệng sáo, nhất quyết không để cho nó chết đói. Con sáo nuốt được vài con. Cứ như thế, năm ba hôm sau, con sáo quen dần với cảnh vật xung quanh và mọi người trong nhà, không còn đập cánh chui đầu ra ngoài nữa. Nó lại biết  mổ khi có ai đút mồi.

 

Ông chủ nhà cương quyết tập cho con sáo ăn thức ăn công nghiệp. Ông không đi bắt cào cào nữa. Đói quá, con sáo cũng đến bên keo thức ăn mổ thử . Những ngày đầu, nó ăn rất ít. Sau đó nhiều dần. Cứt nó ỉa ra bắt đầu có màu khác trước. Cái mùi cứt hăng hăng cũng là lạ; nửa tanh tanh giống cứt chim, nửa thui thúi giống cứt gà!

 

Con sáo đã quen chuồng, quen người, quen thức ăn. Lông nó mướt ra ngó thấy. Một hôm, con sáo xổ lồng bay ra ngoài. Đám con ông hốt hoảng gọi ông. Ông cười bảo: “Nó đã ghiền thức ăn công nghiệp rồi. Ra ngoài nó sẽ chết. Nó không đi đâu mà sợ”.

Thật vậy, con sáo bay luẩn quẩn gần đó rồi cũng tự động chui vào lồng.

Con sáo bắt đầu hót. Nhiều người bảo phải có con sáo mồi tập cho nó hót mới hay. Ông chủ nhà lại cười: “Nuôi chim mà nó hót theo chim thì nuôi làm gì!”.

 

Ông nghĩ bụng: “Phải dạy cho nó nói tiếng… người”. Ông nhất quyết dạy cho bằng được.

Mỗi lần ra thăm, ông thò tay vào lồng vuốt lên lưng nó. Ông nhìn mắt nó. Nó cũng nhìn lại ông. Ông cất tiếng nói “Mẹ ơi. Mẹ ơi” ba bốn lần. Con sáo ngơ ngác nhìn ông. Cả tháng trời ông không nản. Một buổi chiều, ông gọi là buổi chiều lịch sử; ông vừa nói “Mẹ ơi”, con sáo cố cong cái cần cổ, đầu chồm về phía trước gằn từng tiếng “Mẹ… ơ… i…” thật nặng nề và nhão nhẹt như tiếng con nít.

Ông chủ nhà và đám con ông reo mừng. Chỉ trong năm vừa qua, ông dạy con sáo nói được hai câu “Mẹ ơi! Có khách.” và “Mẹ ơi! Trộm.”

Từ đó, con sáo nói luôn miệng như con nít lên ba. Đi đâu về; từ xa, ông vẫy tay, huýt sáo ra hiệu cho con sáo nói. Ngược lại, mỗi lần thấy ông về con sáo cũng nhảy nhót kêu “Mẹ ơi ! Mẹ ơi”.

 

Ông chủ nhà vui lắm. Tối ngày, ông hết múc nước, đổ thức ăn vào keo lại tập cho con sáo nói.

Vợ ông cằn nhằn ông mãi : “Cá chậu, chim lồng là cảnh ngục tù của loài vật. Nếu thật sự thương nó, ông phải thả nó ra cho nó được tự do cùng trời nước mới đúng”. Bực quá, ông nạt bà: “Bà không biết gì cả! Ai dại gì bỏ công không?”.

Có điều ông hơi buồn, vì con sáo không phân biệt được ai lạ ai quen để nói cho đúng! Có lần ông vừa bước vào nhà, con sáo kêu lên “Mẹ ơi! Trộm. Trộm!”. Lần khác, ông đang làm ở nhà sau, con sáo mừng rỡ kêu vang “Mẹ ơi! Có khách. Có khách!”. Ông dừng tay chạy lên, thấy mấy đứa trẻ lạ đang vào sân nhà để lượm trộm ve chai!

 

Ông bận đi xa một thời gian dài. Trước khi đi, ông dặn vợ con ông rất kỹ về cách chăm sóc con sáo. Đám con ông chăm sóc cũng không thua gì ông. Chúng còn dạy con sáo nói thêm được mấy câu nữa.

 

Hết đợt đi xa, ông về. Vừa mở cổng bước vào, con sáo đã kêu lên “Mẹ ơi ! Trộm! Trộm”, rồi lại nói tiếp “Chó chết ! Chó chết” mà các con ông vừa dạy.

Ông giận run. Ông không đập con sáo mà lại đập đám con ông một trận nên thân. Ông quát um sùm : “Hỏng! Hỏng cả! Sáo nuôi mà thấy chủ nhà cũng kêu “chó chết” thì còn thể thống gì!”.

 

Ông đi hỏi khắp những người chuyên nuôi sáo, đễ học cách dạy cho nó phân biệt người lạ người quen mà nói cho đúng.

Ông chủ nhà rất sợ người ta thuốc chết con sáo cưng; vì thế, ông tập cho nó không ăn bất cứ cái gì của người khác đút. Ông còn dạy nó nói thêm câu “Dơ lắm. Đi chỗ khác chơi !”, mỗi khi có ai đút thức ăn cho nó.

Gần đây, con sáo chỉ mừng rỡ khi vợ con ông đến. Ai lạ đến gần, nó đều ngó lom lom và nói: “Đi chỗ khác chơi!”. Ông chủ nhà hài lòng lắm.

 

Một buổi sáng, hai con sáo bố mẹ lại trở về. Chúng đậu trên nóc nhà của tôi,  u buồn đảo mắt nhìn quanh. Chưa đầy một năm mà chúng còi cọc quá! Miệng  hai con sáo bố mẹ ngậm hai con cào cào. Chúng không kêu được mà chỉ khọt khẹt ra hiệu. Thấy bốn bề vắng vẻ, hai con chim vội sà xuống lồng chim con. Con sáo con  không mừng rỡ kêu líu ríu như trước nữa mà lại hốt hoảng hét lên “Mẹ ơi! Trộm! Trộm.”

Hai con chim bố mẹ áp sát vào lồng đút mồi. Con chim con không ăn lại ré lên: “Dơ lắm ! Đi chỗ khác chơi !”.

 

Hai con chim bố mẹ trân trối nhìn con, không hiểu gì cả. Chúng áp sát vào lồng đút mồi lần nữa. Con sáo con nhảy lại đá, miệng kêu liên hồi: “Dơ lắm! Chó chết”.

Hai con chim bố mẹ bị đá, hai con cào cào văng xuống đất. Chúng sà xuống tìm. Chúng ngửi mùi cứt chim dưới đất, khịt khịt mũi và hốt hoảng bay lên. Chúng thò mỏ vào keo thức ăn mổ mổ mấy cái, vội rụt đầu lại, rải túi bụi …

 

Con sáo trong lồng sợ hai con sáo bên ngoài ăn hết mồi, nhảy tới đá quyết tử, miệng lại réo vang: “Mẹ ơi! Trộm! Trộm”…

Ông chủ nhà nghe thấy, vỗ tay cười lớn và lật đật chạy ra. Hai con sáo bố mẹ kêu lên mấy tiếng buồn bã và hốt hoảng tung bay. Chúng đáp lên nóc nhà tôi, quay lại nhìn con một lần nữa rồi cất cánh bay xa. Những tiếng kêu “Sáo con! Sáo con” đứt đoạn, nhỏ dần …

Con sáo trong lồng thấy chủ ra, xòe xoè đôi cánh mừng rỡ; miệng the thé gọi “Mẹ ơi ! Mẹ ơi” …/.

 

Báo Văn Nghệ TP.HCM số 15 ngày 03/5/2001-Tạp chí Văn Nghệ Bến Tre tháng      /2001

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 2312
Ngày đăng: 19.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn - 18 - Đỗ Ngọc Thạch
Con muốn hư hỏng - Trần Lệ Thường
Cái vết trắng - Khôi Vũ
Hương Cau - Nguyễn Lệ Uyên
Sát na - Nguyễn Minh Phúc
Phượng Vỹ - Trang Thanh Trúc
Gió lạ - Phan Đức Nam
Truyện ngắn ngắn – 17 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm của bướm - Lê Trâm
Một câu chuyện vô lý - Nguyễn Thành Nhân
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)