Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.305
 
Nết
Lê Khánh Mai

Ông Cơ, người có họ xa với tôi ở quê lên thành phố thăm con học đại học. Ghé qua nhà tôi ông bảo: “Bà Tính nguy rồi. Không biết bệnh gì mà người quắt lại, như một nắm xương khô. Từ dạo xảy ra cái vụ động trời, bà sống thui thủi một mình. Cô Nết (con gái bà Tính) thì vẫn biệt tăm. Rõ khổ”.

 

Tôi day dứt mãi vì cái tin ấy. Mấy đêm liền tôi mơ thấy một người đàn bà tiều tuỵ mang gương mặt bà Tính. Tôi lại mơ thấy Nết, bạn gái của tôi thời cắp sách. Hai đứa học trường làng, trời mưa, đội chung chiếc áo tơi bằng lá cọ, đi trên con đường đê mới đắp, đất sét dẻo quánh và trơn như đổ mỡ. Nết bảo “chúng mình gài cánh tay vào nhau. Nếu trượt, cả hai đứa cùng ngã”. Tôi và Nết cười vang giữa cánh đồng lúa xanh đang thì con gái, hớn hở đón cơn mưa đầu mùa.

 

Tôi đem chuyện kể với chồng, anh cười bảo: “Nhắc chuyện xưa là triệu chứng của tuổi già“. Tôi giật mình. Chẳng lẽ mình già thật. Một người đàn bà ngoài bốn mươi như tôi quả là không còn trẻ nữa. Nhưng tôi không quan tâm lắm chuyện già hay trẻ. Câu nói của chồng khiến tôi chợt nhận ra rằng từ lâu tôi đã quên nhiều thứ, đã quên tất cả.

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về số phận suôn sẻ của mình. Tốt nghiệp cấp III, với sức học tàm tạm và cái lý lịch con liệt sĩ tôi bước thênh thang vào trường Đại học Sư phạm. Ra trường, không cậy cục xin xỏ, tôi vẫn nghiễm nhiên được dậy học ở một thành phố lớn. Nhan sắc tôi thuộc loại trung bình, không có những cơ hội để trải qua những mối tình bão táp như đám bạn cùng trang lứa, nhưng bù lại tôi được một người đàn ông giỏi giang và tử tế yêu thương hết mực. Người ấy là chồng tôi bây giờ. Anh là kiến trúc sư có tiếng. Trong thời buổi đô thị hoá với tốc độ chóng mặt, nghề nghiệp của anh trở nên đắc dụng. Và thế là tôi có tất cả. Một ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi giữa trung tâm thành phố. Hai đứa con, một gái, một trai xinh đẹp dễ thương. Với bản chất thực tế, ít mơ mộng, bay bổng tôi đã ngoan ngoãn khép mình trong bổn phận và hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống mà mình có. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi tin tưởng mãnh liệt rằng hạnh phúc của tôi hôm nay chính là lộc, là phúc của cha tôi để lại.

 

Cái quá khứ về một vùng quê nghèo khổ đồng chiêm, nước lụt đã ngủ vùi đâu đó trong ký ức của tôi. Những cánh đồng nước trắng mênh mông, cây lúa ngoi lên nhọc nhằn, sũng ướt. Những ngày nghỉ học theo mẹ ra đồng, tôi bì bõm dưới ruộng nước sâu tới háng. Những con đỉa no máu, căng tròn bám chặt nhồn nhột nơi bắp chân. Hai mẹ con tôi sống trong căn nhà nhỏ, mái dạ, trông ra một khu vườn xinh, xanh ngát lá trầu không và lủng lẳng những quả bầu, quả bí. Đêm đêm giáo vặn cành khô răng rắc, khu vườn trăn trở như người đàn bà mang thai trong cơn nhức mỏi.

 

Nhà tôi và nhà Nết chung nhau bờ rào râm bụt mỏng, loe hoe vài bông hoa đỏ chói. Chúng tôi thân nhau vì cùng là con gái, bằng tuổi nhau, học cùng một lớp và còn nhiều lý do khác. Nết hiền lành, nhút nhát còn tôi hay lý sự. Chơi với nó tôi luôn được làm “kẻ mạnh”. Thực ra, có một nguyên nhân sâu xa gắn kết tôi với Nết mà dạo ấy còn trẻ con tôi không ý thức được, đó là hoàn cảnh gia đình tôi và gia đình Nết đều côi cút như nhau. Bố tôi đi bộ đội sau khi cưới mẹ tôi được một tuần. Từ lúc sinh ra đến giờ toi chưa một lần được nhìn thấy bố, chỉ hình dung bố qua câu chuyện của mẹ. Nhưng mẹ cũng ít khi nhắc đến bố. Mẹ bảo, mẹ chỉ được sống bên bố có một tuần nên không có nhiều chuyện để kể, nhưng những kỷ niệm về bố đủ để cho mẹ sống thanh thản đến suốt đời. Bố Nết không đi bộ đội như bố tôi, nhưng chẳng bao giờ tôi nhìn thấy người đàn ông nào gọi là bố Nết xuất hiện ở cái làng này. Nết cũng không bao giờ nói đến bố cả. Mẹ Nết là người đàn bà lặng lẽ và nhẫn nhục. Tôi cảm thấy chuyện gia đình Nết có cái gì đó “bí ẩn” lắm. Tôi tò mò hỏi mẹ. Mẹ bảo “Bác ấy đi làm ăn xa”. Không thoả mãn với cách giải thích của mẹ, nhưng vì là trẻ con nên tôi không thắc mắc chuyện người lớn nữa.

 

Tôi với Nết thân nhau, thậm chí “mê” nhau. Ngày nào không thấy nhau, không nói với nhau cái gì đấy là không chịu được. Chiếc bánh đa, bao diêm, quyển sách, cái kẹp tóc… được hai đứa trao đổi qua hàng rào râm bụt.

 

Mùa đông ở Bắc bộ lạnh lắm. Cái lạnh nhức buốt xương tuỷ đến ám ảnh. Buổi tối học bài xong, tôi và Nết cuộn mình trong ổ rơm như hai củ khoai lang vùi vào tro trấu. Những cọng rơm vàng ram ráp và thơm ngai ngái. Nết khịt khịt mũi: “Đố Hằng, rơm có mùi gì?”. “Mùi rơm chứ mùi gì”. “Không phải. Mùi sữa mẹ″. “Điêu”. “Ngửi thử xem”. Tôi vo một nắm rơm đưa lên mũi hít lấy hít để. “ừ nhỉ, hèn nào trong sách viết “Lúa đang thời kỳ ngậm sữa”. Tôi rất ít khi chịu lép, nhưng những câu hỏi đánh đố kiểu như vậy thì tôi thua. Một lần đang đi trên bờ đê, trời nắng dịu, những làn mây trắng lửng lơ trên đầu. Nết lại đố tôi: “Mây giống cái gì”. Tôi bảo “mây giống mây”. Nó cười “mây giống chiếc áo của bầu trời. Nhìn kìa, ông trời đang cởi áo”. ở lớp Nết là học sinh giỏi văn. Những bài tập làm văn của Nết thường được thầy giáo khen và xem là bài văn mẫu, đọc cho cả lớp cùng nghe. Vào năm cuối cấp II Nết được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn chuẩn bị đi thi ở huyện và toàn miền Bắc. Nết còn có biệt tài là thuộc rất nhiều thơ, và đôi khi nổi hứng Nết cũng sáng tác thơ. Theo cảm nhận của tôi lúc bấy giờ thì thơ Nết rất du dương, và tôi tin chắc sau này Nết sẽ trở thành thi sĩ. Nết bảo “tớ chỉ thích làm cô giáo dạy văn, còn thi sĩ, chả dám mơ”. Vậy mà cuộc đời lại chơi trò đánh đố. Chính tôi trở thành cô giáo dạy văn còn Nết không biết trôi dạt về đâu sau một “cú sốc” quá sức chịu đựng của một cô bé mười bốn tuổi vốn nhạy cảm và giàu tự trọng. Chuyện này tôi kể sau. Còn bây giờ tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm của tôi.

 

Năm tôi học lớp 7, mẹ tôi nhận giấy báo tử bố tôi. Theo ngày tháng ghi trong giấy thì bố tôi đã hy sinh từ năm tôi học lớp 3 nhưng mãi bốn năm sau mẹ con tôi mới chính thức nhận được cái tin đau đớn ấy. Mẹ không khóc được nữa. Vì đã linh cảm điều bất hạnh này từ lâu nên bà tỉnh táo lạ kỳ. Mẹ ôm tôi dỗ dành “Con ơi, giờ chỉ còn hai mẹ con mình thôi, con phải vâng lời mẹ, chăm học để nên người”. Đối với tôi lúc ấy, lời mẹ nói đơn sơ mà rất thiêng liêng. Nhà trường tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ vào giờ chào cờ đầu tuần. Thầy hiệu trưởng đọc diễn văn ca ngợi gương chiến đấu dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ. Thầy nhắc đến bố tôi, giọng nghẹn ngào. Cả sân trường bỗng oà lên tiếng nức nở. Tôi khuỵu xuống. Nết dìu tôi, an ủi “đừng khóc nữa Hằng ơi”, nhưng rồi chính Nết cũng nấc lên. Tôi nhận được sự chia sẻ từ phía thầy cô và bạn bè. Cái Thoa thường ngày rất ghét tôi vì có lần tôi cãi nhau với nó. Hôm nay nó chạy lại nắm tay tôi, đôi mắt ngầng ngậng nước. Tôi mủi lòng và cảm thấy ân hận vì cái lần cãi nhau vớ vẩn ấy. Con gái 14 dễ giận hờn mà cũng dễ tha thứ cho nhau.

 

Từ ngày bố tôi hy sinh Nết càng tỏ ra thân thiết với tôi hơn, ngoài giờ học Nết kiểm chuyện gì đó để hai đứa cùng làm, hoặc rủ tôi đi chơi, để tôi nguôi ngoai nỗi đau mất cha. Những đêm trăng sáng, hai đứa chơi chốn tìm cùng với bọn trẻ trong làng ngoài sân kho hợp tác rồi lăn kềnh dưới đụm rơm ngủ ngon lành đến tận nửa đêm, sương lạnh mới giật mình tỉnh giấc chạy thục mạng về nhà. Mẹ tôi mắng “con gái không được ngủ lang”. Từ đấy tôi chừa. Những ngày nghỉ hè tôi và Nết đi móc cua, đi cất vó tép. Những con cua đồng đào hang rất sâu để trốn nắng, hai đứa phải thọc cánh tay đến tận nách mới móc được chú cua màu nâu tươi rói, với đôi càng ngoan cố. Nết bảo: “Hễ có đất đùn ở ngoài hang là chắc chắn có cua”. Chán bắt cua lại đi kéo vó tép. Chúng tôi thả những chiếc vó xinh xinh xuống mương rồi ngồi chơi đánh chắt. Hai đứa cười thích chí khi nhìn những chú tép nhảy tanh tách trong vó và có khi tiu nghỉu vì chẳng có con nào. Mớ tép được đem về kho với khế hái ở vườn nhà Nết, mà theo Nết nói thì bố nó chẳng để lại kỷ niệm gì cho mẹ con nó ngoài cây khế chua. Một hôm đang vui, bỗng Nết nhìn tôi chằm chằm, nước mắt chực chào ra. Tôi hỏi vì sao, Nết bảo “Ước gì bố tớ cũng được như bố cậu” rồi chẳng nói gì nữa. Tôi gặng hỏi, Nết cũng chỉ im lặng. Đôi môi đầy đặn, với đường nét gọn gẽ như kẻ chì của nó mím lại trông vừa hờn giận vừa trang nghiêm. Tôi cảm thấy trong Nết có một điều gì tổn thương ghê gớm lắm, nhưng chẳng biết làm gì để an ủi bạn. Bởi đối với tôi, chuyện về bố Nết vẫn là chuyện bí mật của người lớn. Nhưng rồi càng lớn lên tôi càng hiểu rằng ở cái làng quê nhỏ bé nghèo nàn, ao tù, nước đọng này chẳng có chuyện gì bí mật cả.

 

Một đêm cuối tháng, trời chớm đông, se lạnh, tôi và Nết đang say ngủ trong ổ rơm nhà tôi thì nghe lao xao ngoài cổng. Có tiếng chửi đổng “Rõ thối thây”, “Đồ đàn bà mất nết”. Họ chửi ai thế nhỉ? Tôi lay gọi Nết. Hoá ra Nết cũng đã tỉnh ngủ và đang nghe ngóng. Hai đứa bật dậy, mở liếp cửa. Trăng suông. ánh trăng bàng bạc, lạnh lẽo, vài bóng người thấp thoáng phía bờ rào nhà Nết. Tôi giật mình khi nhìn thấy bà Tính trong bộ dạng tả tơi, tóc xổ ra, đang đi như chạy vào nhà. Có vẻ như bà vừa trải qua một điều gì khủng khiếp. Nết kêu lên “Mẹ làm sao thế”. Không có tiếng trả lời. Trong ánh sáng nhờ nhờ tôi thấy bà Tính đang cắn chặt vành môi để khỏi oà khóc. Rồi hai mẹ con Nết vào nhà.

 

Tôi hỏi “Bác Cả có chuyện gì vậy?”. Ông Cả Đẹn mắng: “Mày trẻ ranh biết gì”. Bị coi thường tôi ức lắm, nhưng không cãi được, vì tôi đúng là trẻ con. Bỗng bà Lý the thé: “Mày muốn biết thì đi hỏi thằng Thông chột đấy”.

 

Tôi ngớ người. Sao lại hỏi ông Thông? Ông Thông bị hỏng một mắt nên người làng gọi ông là Thông chột. Nghe nói hồi nhỏ đi chăn trâu, bạn ông dùng súng cao su bắn chim, chẳng may trúng vào mắt ông. Giờ ông đã ngoài năm mươi, sống cô độc bằng nghề chăn vịt.

Lát sau, mọi người lục tục kéo nhau về hết. Tôi trở lại ổ rơm của mình. Thiếu Nết tôi cảm thấy trống chếnh vô cùng. Lần đầu tiên tôi mất ngủ vì nghĩ ngợi và buồn. Tôi cố căng óc để tìm một cách giải thích cho cảnh tượng vừa diễn ra nhưng vô hiệu. Làng quê vẫn đắm chìm trong ánh trăng suông lạnh lẽo và tiếng nhạc dế ri ri buồn bã.

                 

Những ngày sau đó cái xóm nhỏ vốn lặng lẽ của tôi đã xôn xao đồn đại rằng bà Tính ngủ với ông Thông chột trong lều chăn vịt, bị bắt quả tang. Rồi nhiều chuyện khác nữa được thêu dệt, màu mè. Thiên hạ tha hồ mà nói, mà cười, mà bình luận. Mẹ tôi bảo: “Bác Tính không phải là người xấu. Đàn bà cay đắng trăm bề con ạ”.

 

Dông tố đã ập xuống ngôi nhà nhỏ của mẹ con Nết. Sáng hôm ấy, tôi gọi Nết đi học. Nết không mở cửa cũng chẳng trả lời. Tôi một mình đến trường trên con đê làng, cảm giác như vừa đánh mất cái gì lớn lắm nhưng không rõ hình thù. Bọn lớp tôi túm tụm xầm xì chuyện gia đình Nết. Tôi muốn nói với chúng lời thanh minh, bênh vực cho bà Tính, nhưng không đủ sức. Không ngờ, đó là bước ngoặt của đời Nết.

 

Năm ấy là năm cuối cấp II. Chúng tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp. Nết bỏ học, bỏ làng đi biệt. Tôi bần thần mãi vì giận và thương Nết. Giận vì tôi chơi thân với Nết như hình với bóng mà khi quyết định một việc trọng đại như thế Nết chẳng nói với tôi một lời. Thương vì Nết mảnh khảnh, yếu đuối thế kia, rồi sẽ ra sao? Ngày thường tôi và Nết chỉ ra khỏi làng, đi qua cây đa to, rễ chùm xuống thành vòm như cái cổng và cái lò gạch leo teo khói là đã sợ ma.

 

Bà Tính sống âm thầm như cái bóng, không ai lui tới nhà bà kể cả ngày giỗ tết. Mỗi lần họp xã viên, bà nhẫn nhục chịu đựng những cái nhìn khinh bỉ, những lời xúc xiểm cay độc. Ông đội trưởng sản xuất đã lên lớp bà Tính, rằng bà đã nêu một gương rất xấu, làm ảnh hưởng đến tư tưởng tình cảm của chị em có chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận, rằng các chị đều biết hy sinh hạnh phúc cá nhân chung thuỷ chờ chồng, riêng bà Tính có chồng sờ sờ ra đó mà còn đú đởn…

 

Thật là oan uổng cho bà Tính. Mang tiếng là có chồng nhưng bà Tính sống cô đơn từ khi sinh đứa con gái đầu lòng là Nết. Nghe nói chồng bà là người có học, một cán bộ có chức, có quyền đã bỏ người vợ quê mùa lấy một người đàn bà thành phố sinh con, đẻ cái và hẳn là ông rất hạnh phúc. Đã mười mấy năm ông không hề về thăm người đàn bà khốn khổ và đứa con gái tội nghiệp.

 

Mẹ tôi vẫn chạy qua chạy lại với bà Tính. Mẹ thường sai tôi mang bát canh cá hay quả bầu cắt ở vườn nhà sang cho bà. Mẹ bảo “không ai nắm tay được cả ngày”.

 

Tôi tốt nghiệp cấp II, mẹ tôi quyết định cho tôi lên huyện học cấp III. Trường cách nhà 20 cây số tôi phải ở trọ. Hôm nhập trường tôi sang chào bà Tính. Bà ôm tôi khóc rưng rức như đứa trẻ. Bà vuốt tóc tôi và nói trong nước mắt: “Hằng ơi bác có lỗi với con Nết, bác làm hại đời nó rồi”. Lúc ấy tôi thật lúng túng chẳng biết làm gì để an ủi bà. Tôi nhớ hình như tôi có nói câu gì đó, đại loại là tôi tin Nết sẽ trở về với bà.

 

Ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn dành thời gian về thăm quê, tuy có thưa dần, nhất là từ ngày mẹ tôi mất, còn Nết thì không. Nết ở đâu? Nết làm gì? Nết sống ra sao? Những câu hỏi một thời khiến tôi day dứt đã bặt câm từ bao giờ. Cuộc sống hạnh phúc và tiện nghi nơi thành phố lớn đã khuất lấp trong tôi những kỷ niệm về một miền quê và người bạn gái thuở niên thiếu.

 

Cái tin ông Cơ báo cho tôi về bà Tính đã khiến tâm trí tôi xáo trộn. Tôi định bụng sẽ đăng báo tìm Nết và chuẩn bị một chuyến thăm quê. Lần này tôi sẽ ở lại quê lâu lâu một chút. Tôi sẽ thay Nết, chăm sóc, chạy chữa cho bà Tính. Tôi sẽ trở lại những nơi ghi dấu tuổi thơ tôi: Ngôi nhà tranh in bóng mẹ tôi, hàng rào râm bụt loe hoe những cánh hoa đỏ chói, con đê làng quen thuộc từng bước chân tôi và Nết đến trường… Không hiểu sao tôi nóng lòng và háo hức về quê, hệt như cảm giác lần đầu tôi đến nơi hò hẹn người yêu.

 

Tôi nói với chồng: “Em không thể chờ đợi được nữa. Chủ nhật này em sẽ về quê”. Anh nhắc: “Em bảo chủ nhật này chị Liên đưa một người giúp việc đến giới thiệu với em mà?”.

 

Tôi sực nhớ là có nhờ chị Liên, dạy cùng trường với tôi tìm giúp một người giúp việc, vì dạo này tôi hay mỏi mệt, mà việc nhà tôi làm không xuể. Chị Liên báo đã tìm ra một chị Ô Sin ngoài bốn mươi tuổi, khoẻ mạnh, siêng năng và thật thà. Tôi đành hoãn chuyến về quê.

 

Sáng chủ nhật, chuông reo, con gái tôi ra mở cổng. Chị Liên bước vào, theo sau là một người phụ nữ mảnh khảnh. Người phụ nữ ngồi ở Salon, đối diện với tôi. Vì mải pha trà, rót nước, gọt trái cây, nên tôi chưa nhìn kỹ chị. Bỗng dưng, tôi thấy chị có cử chỉ là lạ. Chị cúi gằm xuống mặt bàn, không ngẩng lên nhìn tôi, nước da chị tái nhợt. Giây phút ngỡ ngàng qua nhanh, tôi đã nhận ra gương mặt thân quen với đôi môi đầy đặn, đường nét gọn ghẽ như kẻ chì, một gương mặt buồn và cương nghị. Tôi ôm chầm lấy Nết, khẽ gọi “Nết, Nết ơi!”./.

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 2829
Ngày đăng: 22.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 19 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm nhạc jazz - Nguyễn Hồng Nhung
Những cơn bão biển. - Mai Tú Ân
Cô dâu 20 tuổi - Trang Thanh Trúc
Cực lạc - Lê Văn Thiện
Đổi giọng - Nguyễn An Cư
Truyện ngắn ngắn - 18 - Đỗ Ngọc Thạch
Con muốn hư hỏng - Trần Lệ Thường
Cái vết trắng - Khôi Vũ
Hương Cau - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)