Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.224.035
 
Nguyễn Tam Phù Sa : Sông niệm cõi hoài
Trần Áng Sơn

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

* Mưa sương trong vườn tình cũ – Thơ 1972

* Thắp chút tàn phai – Thơ 1997

* Ra đi cùng dã tràng – Thơ 2000

* Con mắt phù vân – Thơ 2002

 

Hơn bốn mươi năm đi về trong cõi thơ, Nguyễn Tam Phù Sa tự nhận xét về mình: “Hơn bốn mươi năm làm thơ không được sự đón nhận của người đọc vì chính thâm tâm mình cũng khó mà bảo là hay”. Hiếm có một nhà thơ nào, sau hơn bốn mươi năm làm thơ, xuất bản bốn thi tập, lại dũng cảm, chân thành thốt lên những lời thú nhận đọc lướt qua hình như đơn giản nhưng, với tôi, đọc đoạn văn trên của Nguyễn Tam Phù Sa, nghe bao nỗi xót xa bủa vây. Càng làm thơ, càng mất mát, chữ nghĩa nó vận vào người, ngay khi làm câu thơ đầu tiên là đời ta đã hiến dâng cho dã tràng, cho tàn phai, cho phù vân. Đã chấp nhận rồi: Thuyền ơi thuyền xin hãy cứ lênh đênh (Vũ Hoàng Chương). Vâng, hạnh phúc chẳng bao giờ chia đều cho mọi người.

 

Cũng làm thơ, Xuân Diệu viết: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”! Cũng làm thơ, Lưu Trọng Lư tận hưởng được cái đẹp: “Ai bảo em ngồi bên cửa sổ / Cho vương vấn nợ thi nhân”. Cũng làm thơ, Hoàng Trúc Ly để hồn mình tan loãng trong dòng sóng âm thanh: “Từ em tiếng hát lên trời / Tay xoa dòng tóc tay vời âm thanh / Sợi buồn nhỏ xuống tim anh / Lắng nghe da thịt tan tành khói sương”! Cũng làm thơ, J. Prevert nghe được âm thanh từng mầm chữ nứt ra trong bóng đêm. Cũng làm thơ, chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu là thi sĩ, họ tự nhận mình là thiên sứ, là con cưng của Thượng Đế, thơ họ là nhất trên đời. Thậm chí có người vì dư tiền, xuất bản một vài tập “thơ” rồi vung vít tuyên bố chẳng ngán ai. Trước những người này tôi cũng dám… ngán thơ họ lắm. Tôi nêu những trường hợp trên để chia sẻ với Nguyễn Tam Phù Sa, tài năng mà thiếu một tấm lòng là đã quên lời Nguyễn Du: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thiếu một tấm lòng nhưng lại thừa cao ngạo, các “nhà thơ” này thậm chí còn tự nhận mình là thiên tài, thơ họ in ra sẽ làm rung chuyển thi ca Việt Nam, thế giới. Xin lỗi, tôi chỉ có thể nghĩ là mình gặp một kẻ mất trí. Cuộc đời, Ôn Như Hầu đã tóm gọn trong mấy câu: “Trăm năm nào có gì đâu / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Sống thảnh thơi rồi chết như mơ có phải đã cái đời hay không?

 

Trong Thắp chút tàn phai, có lẽ Nguyễn Tam Phù Sa cũng có lúc cảm khái khi viết:

Trăm năm giấu giữa môi cười

Chút gì một chút se mười ngón tay

Nhiều khi đũa rớt không hay

Đêm chưa định tỉnh mà ngày xế nghiêng.

(Tự tình – Thắp chút tàn phai)

 

Trong một thế giới cuồn cuộn, một tâm hồn ngơ ngác “anh đứng đâu nhìn cũng lạ”, (Khi anh chỉ còn một mình) cuộc đời Nguyễn Tam Phù Sa buồn nhiều hơn vui là điều dễ hiểu:

 

Cuối năm ngồi quán một mình

Rượu vừa đủ nướng trái tình giắt lưng

Say buồn lòng bỗng rưng rưng

Em xưa giờ hóa người dưng mất rồi

Mưa pha rượu níu thơ ngồi

Nhìn đâu cũng đụng đất trời đìu hiu.

(Lục bát cuối năm – Thắp chút tàn phai)

 

Trong Thắp chút tàn phai chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn thơ “đọc được” như tôi trích dẫn ở trên, điều này rất có ý nghĩa để hiểu những ẩn dụ bên ngoài lời “thú nhận” của Nguyễn Tam Phù Sa, sự khiêm tốn quá mức đôi khi trở thành mặc cảm, yếm thế. Cảm xúc thơ của Nguyễn Tam Phù Sa xứng đáng hơn những gì anh nghĩ về thơ mình. Chúng ta hãy cùng đọc một bài lục bát theo tôi là khá hay:

 

Nợ nần gì với Hoàng xưa

Mà mua hết gió và mưa về mình

Ngày em cất áo nữ sinh

Vầng trăng khuyết miết phía đình ngoài quê

Biệt ly đàn lật xuống xề

Lý ngựa ô biết gởi về nơi đâu

Hoàng ơi con mắt đỏ ngầu

Ai đưa Nghi Hạ qua cầu biệt tăm

Lục bình trôi tận phương Nam

Chướng đang thổi ngược sống làm sao đây?

(Thầm lặng với Hoàng xưa – Thắp chút tàn phai)

 

Tôi nói khá hay với chính thơ của Nguyễn Tam Phù Sa, một trong những nhược điểm trong thơ anh là thi từ, Nguyễn Tam Phù Sa thường đột ngột đưa vào thơ những từ rất kêu nhưng chẳng ích lợi gì cho cảm xúc thơ. Ngay bài trích dẫn ở trên, ta cũng có thể “nhặt” ra một số nhóm từ: áo nữ sinh, lật xuống xề, Lý ngựa ô… một người làm thơ lâu năm như Nguyễn Tam Phù Sa lý ra phải biết. Hoặc anh có dụng ý riêng gì chăng? Như trong bài Thắp chút tàn phai, anh viết:

 

Cuộc chơi mặc kệ được bù

Thơ, tình cuối vụ cầm như mất mùa

 

Tình, miễn cưỡng có thể cuối vụ, ta có tình muộn, tình già, tình tuyệt vọng, tình đơn phương… nhưng thơ cuối vụ là sao? Hẳn lại có ngụ ý riêng? Đành chịu.

 

Tôi mới quen biết Nguyễn Tam Phù Sa, thời gian quá ngắn để hiểu về những thăng trầm của một cuộc đời, đặc biệt khi người ấy là một thi sĩ. Tuy nhiên qua những tập thơ của Nguyễn Tam Phù Sa, nơi đó tâm hồn anh hầu như mở toang, những gì riêng tư nhất đều trở thành thơ, tất cả những hương vị cuộc đời, những khát vọng ấp ủ đều thể hiện đậm nhạt trên mặt giấy. Thành công hay thất bại, ngọt ngào hoặc đắng cay hy vọng và tuyệt vọng đều chấp nhận. Có nghĩa gì đâu khi:

 

Có phải ta hay hồn ma bóng quế

Gió ù tai, mưa rát mặt, nắng khô lòng

Ta cúi mặt bưng đời đi qua phố

Ngã ba đường lựng khựng nhịp long đong

(Thuở yêu người – Ra đi cùng dã tràng)

 

Tôi đọc thơ buồn đã nhiều, có vô vàn lý do để thi sĩ buồn, kể cả nỗi bùôn vu vơ, vô cớ. Nhưng thơ… thất bại thì hơi hiếm,. Nếu chỉ đọc thơ, ít nhất cũng hơn một lần vũ trụ tan vỡ trước mắt Nguyễn Tam Phù Sa, lâu rồi cũng quen, trở thành một thứ “triết lý” để sống:

 

Hờn trách gì đâu, chỉ là chút sóng

Thuở yêu người vỗ miết một đời sông.

(Thuở yêu người – Ra đi cùng dã tràng)

 

Nếu có ai đó muốn tìm sự thư nhàn trong thơ Nguyễn Tam Phù Sa, e rằng người đó đi theo dấu chân dã tràng. Thơ của Nguyễn Tam Phù Sa chưa bao giờ êm ả, sẽ chẳng bao giờ êm ả. Thơ của Phù Sa luôn hướng vào một nan vấn nào đó, mang tính bi kịch, bế tắc của cuộc đời. Thơ, chính là nơi trao cho thi sĩ sự tự do tuyệt đối, bao gồm cả tự do than thở và tự do phẫn nộ. Chính bởi lẽ đó, ta sẽ không ngạc nhiên khi ngay cả trong những bài thơ tình, ngôn ngữ thơ vẫn có vị cay đắng:

Đừng khóc em yêu, hãy đợi mặt trời lên

Ta dựng lại một triều đại chết

Lều cỏ cung son thì cũng hệt

Cháo rau dưa muối ngại gì đâu

(Khu di trú của vầng trăng – Ra đi cùng dã tràng)

 

Từ Thắp chút tàn phai đến Ra đi cùng dã tràng, hình thức thể hiện đã có những thay đổi, nếu ở Thắp chút tàn phai, Nguyễn Tam Phù Sa có phần nghiêng chếch về thơ lục bát, với một chút chân quê, một chút thành thị, cho ta cái vị của những kẻ ngụ cư, di trú, những số phận lênh đênh, bất trắc. Với những sinh linh ấy, thánh ca, bi ca cũng chỉ là một. Nguyễn Tam Phù Sa là một trong những sinh linh ấy, với tâm hồn khắc khoải, anh làm thơ và thơ anh như một bảng màu với những màu sắc nguyên thủy tương phản lẫn nhau. Không phải trong từng bài, mà trong từng đoạn, từng câu, thơ Nguyễn Tam Phù Sa là một quá trình mâu thuẫn nội tại bật lên thành thơ…

 

Trong Ra đi cùng dã tràng, ta gặp Nguyễn Tam Phù Sa mới hơn về hình thức, anh làm thơ tự do nhiều hơn, kể cả thơ tự do kiểu Nguyễn Tam Phù Sa, chỉ có điều, về bản chất thì vẫn thế. Rượu Nguyễn Tam Phù Sa dù đựng trong chai, hũ, bình, chóe, chất rượu vẫn là một. Ngày nào Nguyễn Tam Phù Sa còn làm thơ, anh sẽ vẫn là như thế:

Có nghìn lần gió thổi qua anh

Hết ba phần tư là bão

Nhà của nhà thơ sắp nghiêng xuống vực

Sau bao lần tôn tạo

Trùng tu

Còn giữ được câu thơ làm lịch.

(Gió – Con mắt phù vân)

 

Có một số thi sĩ cảm thấy đến một lúc nào đó cần thiết phải đem triết học vào thơ, người núp danh đạo giáo, nào sinh sinh hóa hóa, sát na, vô thường. Nào thiền, hiện sinh. Với những người ấy, chỉ có triết học mới giải quyết được những nan vấn của thi ca. Theo dõi Nguyễn Tam Phù Sa qua những tác phẩm của anh, tôi thấy anh cũng rơi vào khuynh hướng kể trên, dù mới chỉ dừng lại ở mức triết lý hình thức, tôi đánh giá đây là những nỗ lực tri thức tuyệt vọng. Trong Con mắt phù vân, tác giả không thoát ra khỏi cái vòng hỏa mù của chữ với nghĩa:

 

Đi về trong cõi sắc không

Phù vân cho đáng chút công dã tràng.

(Con mắt phù vân – Con mắt phù vân)

 

Người ta có sự nhầm lẫn khi dùng một số từ thuộc phạm trù triết học, tôn giáo trong văn học nghệ thuật, đồng nghĩa với tác phẩm của mình mang một nội dung thông tuệ. Tôi nghĩ, trong những trường hợp như thế, người ta đã tự dối mình, dối đời, tự che giấu sự không thành công đã báo hiệu từ rất sớm. Nên chăng đặt vấn đề với các người theo đuổi văn học nghệ thuật, họ có quyền yêu và sáng tác nhưng có nên đặt trước mục tiêu, cái đích tinh thần, vật chất họ cần phải vươn tới? Vươn tới bằng mọi cách?

 

Trong Thắp chút tàn phai, Nguyễn Tam Phù Sa tự nhận xét về thơ mình, tôi đánh giá cao nhận xét ấy. Nhưng với Nguyễn Tam Phù Sa, có vẻ như anh không kham nổi với nhận xét của chính mình, anh luôn ám ảnh về thơ hay và thơ chưa hay, để rồi anh tự thỏa mãn bản thân bằng một định nghĩa mới như thế nào mới là thơ hay:

 

Tốn không ít giấy mực để định nghĩa thơ hay nhiều khi,

Như người lỡ đường trước một vòng xoay năm ngả

Người yêu thơ

Cả với người làm thơ

Đều nóng lòng chọn một ngã để đi

Tôi cũng vậy

Thơ hai chữ – nội tâm

Tuôn trào suối nguồn nhân bản

Đổ như máu của một người

Trước chi là một nhà thơ

Cũng là của hàng tỉ người trên toàn cầu

Với tôi, đó là thơ hay.

(Thêm một định nghĩa – Con mắt phù vân)

 

Tôi thâm cảm với Nguyễn Tam Phù Sa, sau khi xuất bản bốn tập thơ, anh tìm được một định nghĩa thế nào là thơ hay chẳng… ăn nhập gì với thơ của chính mình. Vâng, Walt Whitman với tập thơ Lá cỏ (Leaves of Grass) xuất bản lần đầu năm 1855, ông ca tụng thế giới đại đồng, chống phân biệt chủng tộc, ông trở thành thi sĩ kiệt xuất của Mỹ cách đây… hơn một trăm năm. Nguyễn Tam Phù Sa viết: “Đỏ như máu của một người / Trước khi là một nhà thơ / Cũng là của hàng tỷ người trên toàn cầu… có vẻ như đông, tây gặp nhau, chỉ khác một điều Walt Whitman không tìm cách định nghĩa thơ hay là gì và thơ ông được hậu thế ghi nhớ…”.

Riêng tôi, ở cái xứ xa xôi tít tắp này, nơi người ta không tách rời thơ với tình yêu, mà tình yêu thì như Xuân Diệu đã viết:

 

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

 

Nói rõ hơn một chút, khi nào lòng ta cảm thấy bồi hồi, xao xuyến thương nhớ về một hình bóng nào đó, ấy là chính lúc tình yêu ẩn náu trong lòng ta. Thơ cũng vậy thôi. Khi ta đọc một bài thơ, một đoạn thơ, ta thấy hồn mình mênh mang, trong thơ có ta, cảm xúc, ý nghĩ của ta và thơ đan dệt vào nhau, thơ ấy chắc chắn không dở. Theo tôi với thơ chỉ có một cách định nghĩa mà thôi, rất đơn giản và vĩnh cửu. Đồng ý ta có thể “chế” thêm một vài cách định nghĩa khác, để tham khảo cho vui. Thơ chẳng thể hay hơn nhờ vào những định nghĩa ngẫu hứng.

 

Tôi viết những dòng trên có thể không làm Nguyễn Tam Phù Sa bằng lòng nhưng có quý mới dốc bầu tâm sự, giữa cuộc đời mọi giá trị đang bị thách thức, vẫn tiếp tục làm thơ đã là đáng yêu. Thơ hay, chưa hay xin thi sĩ đừng bận tâm. Bởi vì, khi một thi sĩ mãi băn khoăn về thơ mình quanh chuyện dở, hay ấy chính là lúc thơ đã chán… thi sĩ. Chuyện dở hay xin để người yêu thơ thẩm định. Cứ tiếp tục làm thơ đi, bạn của tôi ơi./.

 

Mưa tháng 5.2003          

 

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3969
Ngày đăng: 22.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà Văn, Nhà Báo, Nhà Giáo, Nhà Thơ…Đoàn Vị Thượng - Trần Áng Sơn
Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách - Phùng Văn Khai
Một thoáng nhớ về Mai Trinh Đỗ Thị - Trần Áng Sơn
Cô Tấm bên đường - Trần Áng Sơn
Đánh giá lại Ngô Đình Diệm - Edward Miller
Những Ngón Tay Bắt Được Của Trời - Trần Áng Sơn
Nghệ sĩ TAKAIWA SHIN: " Việt Nam - Con người và đất nước tôi yêu"! - Võ Quê
Hoa đào năm cũ - Trần Áng Sơn
Người bạn đời của một nhà thơ - Mang Viên Long
Nhặt Lên một nặng trĩu - Văn Công Hùng! - Lê Huy Mậu
Cùng một tác giả