Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.204.837
 
Nguyễn Hồng Nhung ,tháng bảy
Nguyễn Hồng Nhung

1.Khác

 

Có đúng là con người cô độc không?

Ngẫm nghĩ kỹ, tôi thấy: không!

 

Con người chỉ khác nhau thôi.

 

Cái khác này làm tôi tưởng đấy là sự cô độc. Nên vội vã đi tìm những người giúp mình quên đi.

Một hôm nhận ra những cái khác của người khác, mới hiểu mình nhầm lẫn xiết bao.

 

Cái khác nằm bên ngoài, ở hình hài vật chất, cái khác này dễ hòa nhập hơn, với đám đông, với đời thường.

Còn cái khác nằm bên trong- ở cuộc sống tinh thần- chỉ sáng tạo, chỉ làm ra cái mới từ cái khác này, ta mới có cơ hội tự giải thoát.

 

Rất lâu rồi người ta nhầm lẫn sự khác này với cảm giác cô đơn.

 

Nhưng hôm nay tôi đã gọi tên được nó: tôi khác người khác, và người khác cũng khác tôi.

Bởi vậy tất yếu tôi gánh chịu cái khác của tôi một mình.

 

Thay vì tưởng hội nhập với người khác, ta sẽ hết bị cái khác này dày vò, tốt nhất từ bây giờ, ta sẽ chơi với nó, mang nó ra cùng chơi một cái gì đó, ngay trong bản thân ta: cùng nó nhìn đời, cùng nó ngẫm nghĩ, cùng nó rút ra kết luận, nghĩa là cùng nó sống trong cái thân xác và tinh thần khác người khác này.

 

Đấy chính là ta.

Đừng nhầm lẫn- chẳng có mình nào giống ta cả- sự bịp bợm của từ ngữ.

Chỉ có đúng một thực thể duy nhất thôi: ta

Cùng với những cái -  ta khác - người khác.

Nào, bắt đầu nhé, để những cái khác trong ta lên tiếng, dự một ngày Chữ vui vầy cùng ta.

 

 

2. Bản xô nát Tempest của Bethoven

 

Tôi đặc biệt ưa thích bản xô nát Tempest của Bethoven, hợp với tâm trạng bất kỳ của tôi, lúc nào tôi cũng vui sướng sẵn lòng nghe.

 

Có lẽ thứ bản năng nhất trong tôi là việc tôi thưởng thức âm  nhạc. Tôi hoàn toàn không được học, không biết một tý gì về nhạc lý, không một chút kiến thức abc gì về thế giới âm nhạc, về các nhạc sĩ lẫn các nghệ sĩ biểu diễn. Tôi nghe nhạc bằng tai trần trụi, như trời sinh ra thế và phân loại bản nhạc này hay, nhạc sĩ này tuyệt diệu hoàn toàn theo cảm tính.

 

 Ngay lần đầu tiên nghe nhạc cổ điển, tôi đã biết không bao giờ mình rời xa nổi Bethoven - kẻ thiên tài đầu tiên và sau cùng- đã chinh phục tôi hoàn toàn trong lĩnh vực bản năng nhất của tôi.

 

Một hôm, trong cơn chua chát và rầu rĩ, tôi quyết định giải sầu bằng cách nghe tất cả các bản xô nát của Bethoven, và ghi ra giấy ngay lập tức nhận xét của mình.

 

Cảm nhận âm thanh vô hình không thể nắm bắt, tôi đành dùng các hình tượng so sánh văn học, để cố gắng thể hiện và cô đọng  ấn tượng của những âm thanh ấy. Tất nhiên, sau đấy đôi tai thúc dục tôi nghe lại những bản nhạc nào chúng hài lòng.

 

Thế là vô tình, tôi thấy mình thường xuyên mở bản xô nát thứ 17- Tempest của Bethoven.

Lần đầu tiên, cũng vô tình tôi nghe một bác già có cái tên: Wilhelm Kempff ( Đức) chơi bản nhạc này, bác chinh phục tôi ngay lập tức.

Trên màn hình, với đôi mắt mơ hồ trong suốt và cái mũi khoằm động đậy theo đôi tay gõ phím, trông bác giống chân dung một con quạ đang thơ thẩn kiếm mồi cạnh góc sân nào đấy, thỉnh thoảng giơ mỏ lên trời, nghiêng tai lắng nghe âm thanh của gió, của nước, của lá, của mây bay, giờ đây là tiếng piano lượn sóng trong không gian.

 

Bác già chơi bản nhạc này thật duyên dáng và ấm áp, như một tiếng thở dài nhẹ tựa không khí của cô gái cầm bó hoa trong tay, đứng một mình bên bến xe buýt, nhìn theo bóng chàng trai vừa đưa tiễn mình đi xa khuất…

Có những đoạn trải dài đều đặn của tiếng piano bao giờ cũng được bác gõ phím hết sức dịu dàng và âu yếm. Như thể những cái hôn gió gửi những đám mây trắng bay ngang trời, gửi phấn hoa rắc vào không gian mùi hương nồng nàn tháng bảy, và gửi nhớ thương vào những phút ta bâng khuâng một mình…

 

Từ biệt bác, tôi bấm chuột  sang một cái tên khác: Glenn Gould (Canada) Màn hình hiện lên một khuôn mặt trai trẻ tuấn tú, đang dữ dội gõ phím đàn, tóc tung bay…

Bản xô nát Tempest của Bethoven lập tức biến thành tiếng sóng ào ào xô bờ đá trắng xóa, tiếng gió gào hú, xoải theo những cánh chim hải âu bay vội vã, vun vút theo ánh hoàng hôn cùng mặt trời đỏ úa đang chìm dần xuống đáy biển…

 

Tuổi trẻ xô dạt âm thanh của Bethoven vào cơn khao khát và hiến dâng, đầy sự trong sáng lẫn ánh trong trẻo của một tinh thần khỏe mạnh- chàng trai đang khát sống và khát yêu thương, biến bản xô nát thành phút yêu đương rực lửa nhất của trái tim bị vị thần Amour bắn mũi tên trúng đích.

Cả cuộc đời, ta chỉ khát phút giây này.

 

Người đàn ông thứ ba vừa gõ phím đàn,  ấn tay xuống nét nhạc đầu tiên, tôi đã cảm thấy tắc thở, nghẹn ngào trong nỗi xót xa da diết như đang dài trải một nỗi nhớ mong đau đớn và quằn quại, như một kẻ chân đất chạy trên cánh đồng không biết chạy hướng nào đây, nhưng phải chạy, phải thoát đã, cơn đau cháy bỏng này.

Người đàn ông Nga đứng tuổi có cái tên: Sviatoslav Teofilovich Richter , một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, có lẽ đã nhận ra khía cạnh tinh tế và mãnh liệt nhất của Bethoven với cuộc đời, dù ông chơi những nét nhạc đầu tiên mới gìm nén làm sao, nhưng rồi khúc nhạc thảng thốt bật ra, bởi chất thiên tài của Bethoven chính là sự mãnh liệt đến bỏng rát, bóp nát trái tim con người trước vẻ đẹp sẽ biến mất của tuổi trẻ, của hạnh phúc giây lát và nỗi đau phải từ bỏ tất cả -  cái có tên gọi: một đời người.

Dường như cách thể hiện bản xô nát của người đàn ông chững chạc, có dáng dấp một thị dân cuối cùng trong tiểu thuyết của Marai Sándor gần gũi với tôi nhất.

 Tôi lắng nghe Bethoven thổn thức trong lòng mình, và cùng lúc nhận ra người chơi đàn cũng đang thổn thức. Có lẽ phút này đây cái khác của người khác hòa làm một với cái khác của ta chăng?

Toàn bộ bản nhạc là một bức tranh mơ hồ phủ đầy sương, đằng sau màn sương ấy có thể là bất kỳ: hình ảnh một khuôn mặt yêu dấu, một cảnh đẹp tuyệt trần của thiên nhiên, hoặc của một loài vật nhỏ bé nào đấy…tất cả quện vào nhau, day dứt và gần gũi, ấm áp, không thể thiếu được, không thể tách rời, và sau hết không thể hiểu nổi tại sao toàn bộ những điều này có sức quyến rũ lớn lao đến như vậy?

Bởi tiếng piano trải dài như những dấu hỏi không bao giờ chấm dứt trong đời một con người, chỉ lúc nhỏ, lúc to, lúc dâng cuộn, lúc dồn nén, như khi ta ngơ ngác, hoặc lủi thủi, hoặc muộn phiền gục đầu suy nghĩ hoặc lang thang không bờ bến với trái tim dày đặc những dấu chấm hỏi: tại sao? tại sao? tại sao?....

Bethoven đã giúp ta đi qua cơn đau thương nhớ người như thế đấy!

 

Anh chàng có cái tên:  Fazil Say ( Thổ Nhĩ Kỳ) vừa hiện lên màn hình đã làm tôi bật cười.

Chàng nghiêng ngả toàn thân, mắt nhắm nghiền, môi trễ nải như sắp sửa chảy  nước dãi - khuôn mặt đứa trẻ hạnh phúc tràn trề, quên hết sự đời vì được chơi-

Chàng gọi Bethoven đến một cách náo nhiệt ồn ào vội vã, các âm thanh cuống quýt, hớt hải chạy đi chạy lại, quấn lấy chân  chàng, rối rít đòi xếp hàng dưới đôi tay thanh tú lúc giơ cao lúc quặp lấy các phím đàn trắng đen.

 

Chàng sắp sửa nhảy bổ vào khung đàn, chàng đang giận giữ tại sao không thể nhanh hơn, toàn bộ những nỗi ước nguyện này, toàn bộ niềm vui này khiến đầu chàng cứ quật đi quật lại, môi lẩm bẩm,

thỉnh thoảng chàng rạng ngời vì một nụ cười tủm tỉm: không tôi chẳng tìm thấy nỗi đau đớn nào trong bản nhạc này, chỉ là những gót ngựa phi, bụi cuốn mù mịt và đôi khi phải dừng lại, chậm hơn một chút, đâu phải để buồn, mà để tôi túi bụi hơn sau đó, những niềm vui, những khát khao thật nhanh được phi thẳng lên phía trước, với toàn bộ con người tôi…

Chàng khiến tôi bật cười nhiều lần, hoặc ứa nước mắt vì nỗi cuồng dại trong trắng này, chỉ có thể xuất hiện một lần trong cơn lốc hiến thân của tuổi trẻ,

Ôi! Bethoven! chàng cũng đã từng như vậy?

 

Thêm một lần người được thưởng thức những cái khác của nhau trong hòa bình.

                            

3. Cất

 

Cất anh vào tia nắng ban mai

Vào cành táo đỏ đung đưa

Cất anh vào làn gió sớm

Cất anh vào mơn man vạt cỏ đẫm sương…

 

Cất anh vào trái tim tháng Bảy

Cháy bỏng đam mê, hè xả lửa nhớ nhung

Cất anh vào trang sách

Đêm long lanh chữ ướt mắt sao

Ngong ngóng gió chờ…

 

Em cất anh vào bất cứ đâu - trên vũ trụ này,

Anh vẫn biết tìm về - tình ai muôn thuở

Bởi anh biết điều khác lạ của em:

Chỉ có thể là anh- một người khác./.

 

(Balatonfüred. 2009-07-24)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3385
Ngày đăng: 28.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Trúc Linh Lan - Trúc Linh Lan
Đã hết rồi ngày hôm qua - Nguyễn Tấn Cứ
Anh - người lính năm xưa trở về - Đỗ Thượng Thế
Ngôi nhà biến ảo - Nguyễn Văn Tao
Thơ Trương Công Thuốt - Trương Công Thuốt
Gọi thương (*) - Vũ Trọng Quang
Thơ Quang Thành - Quang Thành
Hoàng Yến Anh , thơ - Hoàng Yến Anh
Bốn bài Lê Nguyệt Minh - Lê Nguyệt Minh
Trần Duyên Tưởng ,thơ - Trần Duyên Tưởng
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)