Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.202.128
 
Gió rừng u minh
Nguyễn Minh Phúc

Chuyến về U Minh tìm mộ ba lần nầy, hai mẹ con tôi dùng dằng đến mười mấy năm mới thực hiện được. Phần công việc tôi nhiều, phần mẹ đau ốm luôn. Lúc thư thả công việc thì mẹ bịnh, lúc mẹ đỡ tôi lại không sắp xếp được thời gian.Tôi làm việc tại một công ty ở Hà nội, cả năm mới được chục ngày phép hiếm hoi nên thu xếp chuyến về Nam không dễ dàng gì. Mấy chục năm trời, nỗi nhớ quê luôn day dứt ám ảnh người tha phương nhưng điều ân hận nhất là không biết mộ phần ba tôi nằm đâu để cải táng, thờ phụng. Chuyến đi nầy, nghe phong thanh tin báo của người bạn, mẹ tôi nhất định tìm mộ ba lần chót và cương quyết ở lại quê cho đến cuối đời. Mẹ già quá rồi, chẳng biết còn sống đến ngày nào, có chết cũng ao ước được nằm cạnh ba là thỏa nguyện, mẹ nói thế!

 

Cuối cùng hai mẹ con cũng mua được vé tàu xuôi Nam. Nghỉ ngơi chưa trọn  ngày, mẹ nằng nặc đòi tìm phần mộ ba. Bước lên chiếc tàu cao tốc, phương tiện mới xuất hiện mấy năm gần đây, vừa nhanh vừa tiện cho việc mẹ ghé dọ hỏi ngôi mộ, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Mộ ba tôi hiện vẫn còn ở rừng U Minh mà đến giờ, bà vẫn không biết chính xác nằm đâu trong mênh mông bờ vùng bờ thửa, trên các gò đất gò đồi nhấp nhô tràm đước, nằm vắt qua con kinh có tên là Kinh chống Mỹ…

 

*

 

Chuyện có hơi dài vì tuổi mẹ tôi giờ đã xấp xỉ bảy mươi. Trong trí nhớ lộn xộn của người lớn tuổi xa quê đã lâu, nhập nhoà lắp ghép những ký ức một thời gần 40 năm thật không dễ dàng gì. Chỉ biết hồi đó ba tôi hy sinh trong một đêm trăng sáng bởi đạn địch từ trên máy bay bắn xuống ven rừng U Minh đâu như hồi Mậu Thân 68. Thời gian nầy mẹ đang mang thai tôi, tạm ở nhà dân, cách chỗ ba tôi hy sinh chừng 5 cây số. Trước ngày ba hy sinh, mẹ chèo xuồng lên thị xã mua đồ tiếp tế cho bộ đội, địch phát hiện dưới ghe có hàng cấm nên bắt giam trong đồn hết mấy tháng, sau đó chuyển lên nhà tù Rạch giá. Khổ nỗi có tin đồn ngoài thị xã đưa về là mẹ tôi nhụt chí chiến đấu, hàng địch để được yên thân và ở lại chịu làm bé thằng sĩ quan tâm lý chiến. Chuyện đời biết đâu mà lường, hồi đó địch thường tung tin như thế làm lung lạc tinh thần bộ đội ta cũng không ai biết. Thành ra, đồng đội ba không chờ mẹ về, đã chôn cất tử thi ông và chục anh em cùng hy sinh đêm ấy trong mươi chiếc hố đào vội bên các cây tràm to ngay bờ kinh làm dấu. Mấy năm sau, khi mẹ tôi được địch thả ra, hay tin mình bị vu oan, chồng lại hy sinh, xỉu lên chết xuống mấy lần. May mà còn có tôi, đứa con trai duy nhất sinh ra trong tù giữ lại chứ hồi đó, bà không thiết sống nữa. Rồi chiến dịch nhổ cỏ U Minh, những trận càn phá của địch tiếp diễn ngày càng ác liệt, xóm làng tan nát, bộ đội phải rút vào rừng sâu. Bom đạn chiến tranh hầu như xoá hết dấu vết ngày xưa. Mộ phần ba tôi vẫn còn nằm đâu đó bên bìa rừng đến ngày giải phóng. Biết bao lần mẹ đưa tôi vào rừng tìm kiếm mộ ba nhưng không lần nào thành công. Cũng không hiểu sao bà cương quyết ở vậy, không chịu bước thêm bước nữa dù hồi đó mẹ còn trẻ, hai bên nội ngoại, kể cả tôi nhiều lần nằn nì thuyết phục.

 

Rừng U Minh. Những dòng kinh nước đỏ, từng bầy cò trắng chấp chới bay lượn trên các vạt tràm, cánh rừng xanh rậm rì mênh mông ngút mắt, cơn gió chiều bạt ngàn lồng lộng thơm ngát hương tràm là những gì còn lưu lại trong ký ức tôi ngày còn ở quê nhà. Và gió. Những cơn gió thổi qua rừng vào buổi chiều tắt nắng tạt bời bời, lồng lộng như trút hết khí lạnh vào đám cây rừng thăm thẳm, âm u. Gió như lẩn quất trên từng bụi cây, cọng cỏ, mơ hồ vương vất linh hồn liệt sĩ vô danh vẫn chưa tìm thấy mộ. Đọng mãi trong ký ức tôi cho tận giờ là hình ảnh mẹ đứng tần ngần bên cánh rừng thưa giữa gió chiều bảng lảng. Tìm mộ ba không được, bên nén nhang ngun ngút cay xè, mắt mẹ buồn thiu ngấn nước.Tôi chỉ biết lặng người trong nắng quái, nghe gió thổi bời bời, nhìn bóng mẹ thẩn thờ mà lòng đau như cắt.

 

Tôi ra Hà nội học, tốt nghiệp rồi cưới vợ, sinh con. Đường sá xa xôi cách trở, một cảnh hai quê, nhà chỉ còn hai mẹ con, tôi rước mẹ cùng ra thủ đô sinh sống. Thời gian cứ trôi dần, trôi dần. Việc truy tìm dấu vết về ngôi mộ ba tôi hầu như vô vọng.

 

Mới đây, một người bạn chiến đấu ngày xưa ra thăm thủ đô tình cờ gặp mẹ. Ông cho biết hiện có một phụ nữ ở ven rừng U Minh đã lần tìm ra dấu tích của các chiến sĩ hy sinh năm Mậu thân ngày trước, gom hài cốt chôn cất tử tế chờ ngày di dời ra nghĩa trang liệt sĩ. Hiện bà nầy cùng đứa con gái về ở luôn trong vùng trũng của rừng, vừa nhận đất giao khoán vừa chăm sóc mộ phần các liệt sĩ. Ông còn khoe U Minh giờ thay da đổi thịt, dân tứ xứ tấp nập về nhận đất trồng rừng, đời sống khá giả, xóm ven rừng thành thị tứ sung túc, đông vui. Điện nước, trường học, bịnh viện, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí đã xây dựng tươm tất. Giờ U Minh không còn vắng vẻ, u u minh minh như ngày xưa. Chuyện chỉ nghe qua nhưng mẹ nhất quyết đòi về tìm mộ ba lần chót.

Tôi loáng thoáng nghe mẹ kể chuyện hy sinh của ba khi lên mười tuổi. Trong trí óc ngây thơ, non nớt hồi đó, tôi hình dung ông là người nông dân vùng Miệt Thứ chính hiệu với đôi mày rậm, chiếc cằm vuông, cặp mắt xếch, người đen đúa, tính tình mộc mạc, xởi lởi nhưng tốt bụng, gan dạ. Mẹ kể có lần ông một mình vượt mấy chục cây số đường rừng cõng thương binh về cứ khi trên trời là hàng đàn trực thăng, đầm già quần nát đám rừng thưa, bắn xối xả bất cứ sinh vật nào di động trên mặt đất. Chuyến ấy ông bị thương tưởng đâu không qua nổi. Vậy mà chỉ đọt choại, bồn bồn, rau rừng, bông súng, mấy con ốc hương ốc lát, mật ong, nước dừa tươi lại cứu được ông. Chuyện trong chiến tranh không thể nào hiểu nổi như lấy nước trái dừa làm dịch truyền thay cho glucoza, lấy bông tràm đọt súng nấu canh với cá lóc cá rô làm chất đạm. Thuốc kháng sinh hồi đó hiếm lắm, đào đâu ra. Vậy mà mấy loại ốc lát, ốc hương có thể cầm máu, mật ong làm thuốc sát trùng, rồi mã tiền, bạch truật…hay hái hạt cây thuốc nam nào đó mọc chen chúc trong rừng đắp vào vết thương, ngày qua ngày cũng lành miệng, kín mủ. Ba tôi cùng đồng đội thoát chết nhiều lần nhờ vào mấy loại dừa nước, mật ong như chuyện huyền thoại ấy.

 

Nhưng rồi một lần ba tôi đi mãi không về. Chuyện lại liên quan đến mẹ tôi. Trước đó, khi hay tin đồn mẹ phản bội, hàng địch rồi ở lại thị xã lấy chồng, ba buồn lắm, đêm nào cũng thức suốt, ít ăn uống, người ốm như cây tăm. Nỗi đau đớn, tủi nhục dày vò ba từ những ánh mắt thương hại của đồng đội, từ lời an ủi, động viên của các cô chú lãnh đạo, cả những lời cạnh khoé vô tình của các cơ sở cách mạng trong dân. Hồi đó căng lắm, mẹ tôi kể. Dân ở rừng U Minh mà mất ý chí, khai báo hoặc theo hàng địch là cả hàng xóm láng giềng khinh ra mặt, không ai muốn gần gũi, tiếp xúc. Người ta gán cho tội sợ cực, sợ khổ, mất khí tiết, hám giàu sang danh lợi, bán rẻ đồng đội, gia đình, chỉ biết sướng tấm thân. Thôi thì đủ mọi lời đãi bôi, xói xỉa. Thậm chí khi bộ đội bị giặc càn bố hy sinh hay bom thả trúng cơ quan nào trong rừng là họ cho rằng do người đi chiêu hồi khai báo, chỉ điểm.

 

Cái chết đến với ba chỉ vì chủ quan, sơ hở trong chiến tranh, biết sao mà tránh.Tôi nghe mẹ kể lại chiều hôm ấy cơ quan ba bẫy được con heo rừng rất to và dọ thấy địch im ắng nên làm bữa liên hoan, có rủ thêm mấy đơn vị gần bên đến chung vui. Trong rừng hồi đó cũng đủ các thành phần, ban bệ của đám tuyên huấn, báo chí, nhà in, văn công, y tế, giáo dục… đóng cách nhau chỉ vài chục mét. Gần cả trăm người tụ về, nam có nữ có, cả những cô chú lãnh đạo đứng tuổi và các cơ sở cách mạng ven rừng tham dự. Họ hái bông súng, bồn bồn, đọt choại, rau rừng nấu nướng, chế biến đủ món. Mấy cô trong đội văn công còn chuẩn bị áo quần son phấn lên góp vui mấy bài vọng cổ. Ở rừng khó khăn gian khổ thật nhưng đôi lúc sum họp, hát hò vui vẻ thì không đâu bằng.

 

Trong số văn công ở đoàn ca múa có cô Thuỳ Dương, một thiếu nữ trẻ xinh đẹp, nhà cũng ở ven rừng U Minh tình nguyện tham gia thoát ly vào cứ đâu vài tháng trước. Có nhan sắc và khiếu múa hát nên cô được bên cơ quan văn nghệ xin về. Ngày trước, hai bên gia đình đã nhắm chừng cô gái nầy cho ba trước khi ông vào bộ đội. Cô thương ba tôi nên nhận lễ dạm hỏi của nội, hai nhà cũng qua lại với nhau một thời gian. Nhưng cuối cùng việc hôn nhân không thành, hai người chia tay, sau đó ba lấy mẹ tôi. Đám cưới tổ chức đơn sơ, bên gia đình tặng cho hai vợ chồng trẻ cọng dây chuyền hình mỏ neo làm kỷ niệm. Tưởng đâu cuộc tình của ba và cô Thuỳ Dương đã kết thúc nhưng bất ngờ gặp lại trong đêm liên hoan hôm đó không hiểu sao, lại bùng cháy dữ dội.

 

Có nên tin vào định mệnh không nhưng lúc nầy, ba tôi đang trong tâm trạng đau đớn và thất vọng ê chề. Hình như ông còn uống rượu nhiều trong buổi liên hoan nên khi các cô văn công lên hát góp vui là đã say mèm. Ban đêm trong cứ không dám thắp đèn sáng, nhờ ánh trăng vằng vặc mà cuộc vui kéo dài đến tận khuya. Cuối cùng cuộc liên hoan cũng chấm dứt, mọi người giải tán, lục tục kéo về cơ quan mình. Không ai ngờ rằng, chỉ cách đó chừng vài trăm mét, trong khoảng trống của lõi rừng thưa, có hai người bỏ lẻn ra ngoài ngồi tâm sự. Hình như tâm trạng rối bời đau khổ vì người vợ hàng địch, nỗi day dứt của mối tình xưa cộng với men rượu liên hoan từ chặp tối khiến ba tôi và cô Thuỳ Dương đã không kìm giữ được lòng mình.

Cũng không ai ngờ ngay trong đêm, tụi đầm già bên Vị Thanh tạt qua rừng trinh sát và phát hiện mấy bóng đen ngồi trong trảng trống. Chúng đảo lại và xả đạn liên tục băm nát cánh rừng. Ba tôi và mười đồng chí dự liên hoan về muộn hy sinh. Ba mất trên tay cô Thuỳ Dương, người còn ấm nóng. Sau nầy mẹ tôi kể lại bà cũng không hiểu vì sao trong đêm đạn trút như vải lúa ấy, cô Thuỳ Dương vẫn còn sống…

 

*

 

Chiếc tàu cao tốc lao như xé nước băng băng trên sông Cái Lớn, đẩy sóng dập dìu rồi tạt trở lại làm thành những đợt sóng mới cao hơn đánh vào bờ tung toé nước. Tôi và mẹ ngồi trên tàu mỗi người một suy nghĩ. Tôi bây giờ đã gần tuổi bốn mươi, chuyện kháng chiến ngày xưa hoàn toàn mù tịt, giải phóng đất nước cũng quá lâu rồi, ngày ấy tôi mới 7,8 tuổi biết gì. Còn mẹ với kỷ niệm đâu đó nằm trong ký ức chắc vẫn còn gợi nhớ sâu đậm khi tàu ghé qua những khúc sông, đầu vàm, bờ kinh, bờ xẻo  nên lâu lâu bà thở dài, lấy khăn lau chầm chậm nước mắt. Từ hố mắt mờ sâu, những giọt nước mắt đùng đục rơi xuống. Đôi mắt ngày xưa ba tôi mê đắm, đôi mắt ánh lên tia nhìn khẳng khái không đầu hàng địch, không một lời khai báo để nhận lại 3 năm tù giam vì tội tiếp tế cho cộng sản. Và cũng đôi mắt ấy đau đớn chừng nào ngày hay tin ba hy sinh mà lúc lìa đời lại nằm trên tay một người phụ nữ khác, rồi phần mộ chồng ở đâu giữa mịt mù U Minh cũng chưa tìm thấy. Tôi không hiểu vì sao phụ nữ lại có sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ như vậy. Niềm đau nào đó của phận người trên đời, có lẽ phụ nữ mới là kẻ gánh chịu nhiều hơn ai hết.

 

Chúng tôi vào lõi rừng bằng xe gắn máy. Những ngôi nhà mới xây hiện ra gần vùng lõi, trên bờ kinh chống Mỹ khi xưa. Theo lời chỉ đường, chúng tôi phải gửi xe lại và đi xuồng vào một khoảng khá xa mới đến nơi. Trời về chiều. Những đợt gió thông thống thổi tạt vào không gian yên ắng mang theo mùi thơm bông tràm lâng lâng, dễ chịu. Những cơn gió rừng lạnh buốt, âm u gợi trong tôi ký ức ắp ứ ngày xưa không quên được.Từ khoảng rừng tít tắp trước mắt, từng đàn chim, đàn cò bay chấp chới trên những tán tràm cao, lao xao, táo tác. Nước kinh màu đỏ đậm nhìn xuyên suốt dưới đáy xuồng. Chẳng hiểu sao nước trong rừng U Minh lại có màu đỏ, người ta nói do rễ cây và lá tràm khô rụng xuống mà thành. Tôi đưa tay vốc một ngụm đưa lên miệng, vị ngọt thấm đẫm đầu môi. Vào rừng sâu, nhìn màu nước đỏ, người mẫn cảm như tôi cứ hình dung đến màu máu của các liệt sĩ hy sinh còn vương vất đâu đó, trong số có ba tôi vào một thời chưa xa lắm.

 

Nôn nóng dọ hỏi mộ phần ba, mẹ đi liền một mạch vào vùng lõi như người đã quá quen thuộc khu rừng trước mặt. Một ngôi nhà nhỏ hiện ra trơ trọi gần bờ kinh. Ai lại sống chơ vơ đơn độc gần lõi rừng, xa hẳn các ngôi nhà khác của người dân vùng ven thế nầy.

 

Hiện ra trước mắt tôi cạnh ngôi nhà quạnh quẽ, trong bóng chiều tĩnh lặng gió thổi bời bời là mươi ngôi mộ tinh tươm với hàng bia bằng đá thẻ nằm san sát nhau, trên trồng hoa mười giờ, được dọn sạch cỏ như có ai thường xuyên chăm sóc. Lẫn vào cây, vào gió chiều bảng lảng, hương tràm thơm bay thoang thoảng lên từng mộ chí. Nắng le lói nhạt dần, buổi chiều trong rừng như xuống rất nhanh. Mẹ bày mấy thứ đồ cúng mang theo. Bà run run mở từng bọc bánh trái, mấy nén nhang, gói trà, miệng mấp máy khấn vái giống người ngoại cảm trước khi bước vào ngôi nhà hỏi thăm mộ ba.

 

Một người phụ nữ trạc tuổi tôi từ dưới bếp bước lên, người dong dỏng cao, chiếc cằm vuông, dáng đi nhanh nhẹn của người phụ nữ lam lũ vùng U Minh dân dã. Gương mặt cô tuy khắc khổ nhưng vẫn còn nét sắc sảo, hai hàng mày rậm trên đôi mắt xếch mở to ngạc nhiên nhìn người đối diện. Cô rụt rè chào tôi và mời mẹ vào nhà. Trên chiếc bàn thờ kê chính giữa nhà là di ảnh của một người đàn ông màu đen trắng đã bạc phếch theo thời gian. Cạnh đó là hình của một người đàn bà tôi đoán như hai vợ chồng thì phải. Không hiểu sao tôi chợt rùng mình. Không gian im ắng như bao trùm sự linh thiêng, huyền bí nào đó hay điều gì bí mật sắp vỡ oà mà tôi linh cảm sắp xảy ra.

 

Mẹ tôi sững người một lát. Đôi mắt bà nhướng lên nhìn chằm chặp vào chiếc dây chuyền mỏ neo của người phụ nữ chủ nhà đeo trên cổ. Thoáng chốc, bà mềm nhũn người, phải vịn vào chiếc cột tràm gần đó mới đứng vững.. Tôi nghe tiếng bà rời rạc và hoảng hốt:

- Cô… cô gì...Sao đôi mắt, gương mặt… lại giống ông nhà tôi như tạc. Cô.. Cháu ở đây lâu chưa…Cháu tên gì…Sao cháu lại có chiếc dây chuyền …

Người phụ nữ cũng đăm đăm nhìn mẹ tôi. Cô chẳng hiểu chuyện gì xảy ra khiến mẹ xúc động đến thế. Giọng cô trả lời nhỏ nhẻ:

Dạ… Cháu ở đây với mẹ từ khi được giao khoán đất rừng cũng gần chục năm rồi. Mẹ cháu mới mất cách đây mấy tháng. Chiếc dây chuyền nầy là của mẹ cho cháu trước lúc lâm chung. Trước kia nhà cháu ở xóm ven rừng ngoài công sự. Cháu tên là Thu.

Xóm công sự… Mẹ tôi lẩm bẩm. Ngày xưa có thời gian bác cũng ở xóm công sự. Cháu là con cái ai ngoài đó…Mẹ tôi run run hỏi.

Cô gái lên tiếng:

- Dạ …Cháu là con của Hai Nhã. Mẹ là bà Út Dương, trước kia còn ở văn công mẹ cháu tên Thuỳ Dương.

Đến lượt tôi giật mình. Ba tôi, người liệt sĩ hy sinh ngoài trảng rừng thưa năm nào cũng có tên Hai Nhã. Chuyện gì đã xảy ra khi gương mặt cô giống ba tôi như đúc mà người sinh ra cô cũng trùng tên ba tôi. Và Thuỳ Dương. Có phải cô gái đang đứng trước mặt tôi bây giờ là con gái của ba và cô Thuỳ Dương văn công ? Rồi cọng dây chuyền mỏ neo, kỷ vật trong đám cưới ngày xưa của ba mẹ tôi sao giờ lại đeo trên cổ của Thu ? Tôi nghe lùng bùng lỗ tai. Lạy trời điều đó đừng xảy ra…

 

Mẹ tôi không bình tĩnh được nữa. Bà như chạy đến chiếc bàn thờ cầm tấm ảnh người đàn ông săm soi trước mắt. Và không tin vào tai mình, tôi nghe bà thổn thức khi ôm chặt tấm ảnh vào lòng:

- Đúng rồi, ông ơi! Tôi là người vợ mang tiếng đồn oan ức với ông ngày xưa đây, mấy chục năm tôi tìm ông đến bây giờ mới gặp. Ông Hai Nhã ơi! Trời ơi! Sao chuyện lại như vậy, hở trời!

Đến giờ thì tôi hiểu ra câu chuyện. Vậy là ba tôi đêm cuối cùng của đời mình đã sống với cô Thuỳ Dương và Thu là đứa con gái của họ trong đêm liên hoan định mệnh ấy. Chiến tranh, tình yêu, thân phận con người… Sao lại có thể xảy ra  điều trùng hợp ngẫu nhiên vào chiều nay, trong khu rừng vắng vẻ đìu hiu và gió thổi bời bời thế nầy.

 

Mẹ tôi rưng rức khóc, mãi hồi lâu mới nói thành lời:

- Chắc cháu cũng không biết điều nầy bởi chưa gặp mặt lần nào. Bác là bác Hai, vợ trước của Hai Nhã, xa quê đã lâu, trước cũng ở U Minh, hiện giờ đang sống với đứa con trai ngoài Hà nội. Chuyến nầy bác về quyết tìm mộ ông ấy khói nhang, chăm sóc và khi mất, nguyện vọng cuối đời là muốn được nằm cạnh ông. Còn đây là con trai bác, đứa anh cùng cha khác mẹ với cháu - bà đưa tay chỉ vào tôi.

 

Thu nghẹn ngào nhìn mẹ tôi và sau một lúc ngần ngừ, như có linh cảm gì mách bảo, cô lao vào mẹ nức nở khóc. Những giọt nước mắt rơi xuống ướt cả chiếc áo mẹ đang mặc. Tôi đứng chết lặng, hồi lâu mới bừng tỉnh lấy khăn lau chầm chậm nước mắt cho cô gái.

Sau cơn xúc động mãnh liệt, Thu thưa với mẹ tôi:

-Thôi thì dù sao ba mẹ con cũng đã mất. Từ ngày ba hy sinh, mẹ con dọ hỏi, tìm kiếm suốt hai mươi năm trời mới gặp hài cốt ba cùng đồng đội, tình nguyện đắp mộ phần, nhang khói cho người đã hy sinh. Rồi mấy năm nay được nhà nước phân lô, mẹ dọn ra đây vừa làm vườn, giữ rừng vừa chăm sóc mộ.

 

Ngừng một lát như để nhớ lại chuyện đã xảy ra, Thu ngậm ngùi kể :

- Cũng không ngờ tình yêu của mẹ sâu sắc đến vậy. Đêm hôm giặc bắn trong rừng, tuy được ba lấy thân che chắn nhưng mẹ cũng bị thương nặng phải điều trị ở tuyến trên mấy năm, khi về cũng không biết mộ ba ở đâu mà tìm. May sao trong một đợt đào kinh người ta phát hiện được hài cốt của các liệt sĩ. Mẹ nhận ra ba nhờ sợi dây chuyền mỏ neo vẫn còn đeo trên cổ.

 

Mẹ tôi nhìn Thu nói trong làn nước mắt:

- Mấy mươi năm nay, mẹ cố tìm mộ ba con nhưng không gặp. Giờ con đã tìm được, mẹ xem con như con ruột mẹ rồi. Ông trời có mắt, cuối cùng gia đình ta cũng sum họp. Mẹ quyết định về đây ở luôn với con, cùng chăm sóc mộ ba và khi mất, mẹ muốn được nằm gần ba như nguyện vọng cuối của đời mình. Con đồng ý chứ?

 

Tôi thấy Thu khe khẽ gật đầu, nụ cười bừng lên rạng rỡ trong khi nước mắt còn đọng quanh mi. Tình yêu mầu nhiệm và làm sao giải thích. Những người phụ nữ trong chiến tranh đã sống và yêu thương bằng những mối tình thuỷ chung, sâu đậm như thế. Tôi bâng khuâng nhìn hai tấm hình nằm sát cạnh nhau trên bàn thờ quạnh quẽ, nhìn mẹ tôi đang lúi húi bày nhang đèn khấn vái trước hương hồn người thân xin thoả lòng nguyện ước mà nghe bồi hồi khôn tả.

 

Bóng chiều như lọt thỏm xuống bìa rừng. Hai người phụ nữ một già một trẻ cùng thắp nén nhang quỳ trước vong linh ba tôi, cô Thuỳ Dương và mươi ngôi mộ liệt sĩ nằm thành một dãy dài trong hoàng hôn tĩnh lặng. Gió miên man thổi giữa trời chiều bảng lảng mang theo hương bông tràm nồng nàn cùng mùi khói nhang phảng phất lan xa.

 

Ba tôi dưới suối vàng chắc cũng mãn nguyện vì cuối cùng những người trong gia đình chúng tôi cũng đã tìm gặp. Rồi đây xóm ven rừng U Minh hồi sinh lại thêm một mái ấm trùng phùng qua bao năm xa cách.

Làn nhang khói ngun ngút cháy cao thành ngọn rồi vụt tan nhanh giữa trời chiều mênh mông bạt gió.

Ở rừng U Minh, gió thổi nhiều cũng làm cay sè mắt tôi ./.

 

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2921
Ngày đăng: 01.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Yêu bạn gái của bạn mình - Đỗ Mai Quyên
Truyện ngắn ngắn – 21 - Đỗ Ngọc Thạch
Hội làm ma - Khôi Vũ
Đêm làng Trọng Nhân - Sương Nguyệt Minh
Café Đắng - Trang Thanh Trúc
Có những mùa trăng - Mang Viên Long
Chữ ký - Phùng Văn Khai
Chuyện xảy ra trong một giờ - Kate Chopin
Mảnh vườn tạp - Nguyễn An Cư
Lão Hạp - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)