Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.589
 
Francois Trufaut- nhà điện ảnh cổ điển của đợt sóng mới
Sâm Thương

Chiều ngày 21.10.1984, Francois Truffaut, một trong những nhà điện ảnh lỗi lạc của nước Pháp và thế giới đã từ trần vì căn bệnh ung thư tại một bệnh viện ở Neuilly. Giới điện ảnh coi cái chết của ông như  một biến cố, và không chỉ báo chí Pháp, mà khắp nơi trên thế giới, cho đến nay, người ta vẫn tiếp tục giới thiệu và phân tích cuộc đời và tác phẩm của ông với sự thương tiếc và mến mộ đặc biệt. “”Tôi làm phim để đem lại hạnh phúc cho chính mình; khi phim tôi thành công thì hạnh phúc ấy tôi đem lại cho những người khác- và đó là điều lý tưởng…”. Truffaut từng viết như vậy. Những người khác ấy, đông đảo, nuối đuôi nhau từng dòng, đã ngậm ngùi tiễn đưa ông về nghĩa trang Montmartre, ở khu tuổi thơ và thời niên thiếu của ông, đến chia tay với ông trên chỗ đất đã nằm xuống trước ông, những tên tuổi sáng chói của nước Pháp muôn đời: Stendhal, Sacha Guitry, Jacques Offenbach…

 

Francois Truffaut  sinh ngày 6.2.1932 tại Paris. Ông đã trải qua một thời niên thiếu phóng đãng và vô cùng cơ cực. Thế chiến lần thứ hai chấm dứt, mười bốn tuổi Truffaut đã phải bỏ học làm đủ nghề để kiếm sống. Năm 1950,  Traffaut  gặp gỡ vợ chồng nhà phê bình André Bazin  giữa khi ông đang trong tình trạng bế tắc và họ đã tạo điều kiện cho ông đến với những ước mơ của đời ông.

 

Bài viết nổi tiếng của Truffaut mang tựa đề “ Một khuynh hướng nào đó của điện ảnh Pháp” (  Une Certain Tendance du cinema francaise) đăng trên tạp chí Cahiers du Cinéma số tháng 1.1954 đã làm chính thức bùng nổ cuộc bút chiến giữa ê-kíp của Cahiers du Cinéma ( gồm Francois Truffaut, Jean-Luc Godard, Jacques Rivette, Claude Chabrol và Eric Rohmer) và những nhà điện ảnh thuộc khuynh hướng bảo thủ Pháp sau chiến tranh. Nhưng, như Truffaut có nói, Đợt Sóng Mới  không phải là một đám trẻ tham vọng chỉ biết đâm vào các bậc đàn anh của họ để chiếm chỗ, mà ngược lại, Francois Truffaut và những nhà biên tập trẻ của Cahiers du Cínema trình bày quan điểm của mình, đưa ra một cái nhìn mới về lịch sử và nghệ thuật điện ảnh, và đã cố gắng phục hồi vị trí của những người mà ông gọi là những người thực sự của điện ảnh như Abel Gance, Jean Cocteau, Jean Renoir, Robert Bresson, Max Ophuls, Jean Vigo, Jacques Tati ở Pháp, Howard Hawks, John Ford và Orson Welles ở Mỹ.Ông đã nỗ lực tìm mọi cách để quần chúng nhìn nhận Marcel Pagnol và Sacha Guitry như những nhà Điện ảnh toàn diện, những người có sức mạnh biểu thị tư tưởng của mình bằng nghệ thuật điện ảnh. Đồng thời ông cũng vạch định cho mình một con đường hoàn toàn riêng biệt trong nghệ thuật điện ảnh, và muốn chứng tỏ mình làm phim không chỉ trên danh nghĩa yêu thích điện ảnh mà còn vì sự nghiệp điện ảnh và vì chính cuộc sống. Truffaut và bằng hữu của ông đã khuấy động và làm cho nền điện ảnh Pháp trở nên sội động và khởi sắc hơn. Francois Truffaut từ đó đã trở thành một khuôn mặt được biết đến nhiều nhất của Đợt Sóng Mới, và là người có khả năng nhất về bút chiến.  Những nét độc đáo và kỹ thuật của Truffaut đã được các thế hệ phê bình phim Anh- Mỹ su này theo chân và phổ biến như Andrew Sarria, Robin Wood, V.F Perkins và Dave Kohr.

 

Trên chặng đường đi đến với điện ảnh, trước hết, Truffaut là một người viết. Ngòai những bài phê bình, bút chiến trên tạp chí Cahiers du Cinéma và một số báo khác, ông còn có một số tác phẩm đựơc xuất bản thành sách như Điện Ảnh theo Hitchcock, Hitchcock, Những bộ Phim trong Đời Tôi v.v…

 

Mặt khác, sau hai năm làm phụ tá cho đạo diễn Robert Rossellini, Truffaut khởi đầu công tác đạo diễn bằng những phim ngắn, như Một Cuộc Viếng Thăm ( Une Visite,1955), Bọn Nhóc ( LLes Mitons1957) và Câu Chuyện của Nước ( Une Histoire d’eau,1959).

 

Với bộ phim truyện đầu tay Bốn Trăm Cú ( Les Quatre Cents CCoups,1959) Truffaut đã đọạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes. Phim do chính ông viết kịch bản và đạo diễn, có thể nói như bản tự thuật  những vấn đề tình cảm một thời tuổi trẻ đau khổ. Nói khác hơn, đó là chân dung của thời đại hôm nay, mang đặc trưng Pháp sâu sắc. Hơn thế, qua phim này, Truffaut còn có công phát hiện một tài năng mà toàn thế giới đều biết tới : Jean-Pierre Léaud, một diễn viên 25 năm liên tục xuất hiện trong nhiều phim của Truffaut trong vai Antoine Doinel- một nhân vật tiêu biểu, từ tuổi niên thiếu cho đến lúc trưởng thành.

 

Sau Bốn Trăm Cú sự nghiệp của Francois Truffaut vượt trội hẳn nhờ khai thác nhân vật Antoine Doinel ấy. Có thể nói là trong 25 năm làm phim của Truffaut, cả đạo diễn, nhân vật Doniel và Jean- Pierre Léaud đều cùng nhau lớn lên. Chàng thiếu niên bướng bỉnh, bất trị trong Bốn Trăm Cú đã trở nên một người e thẹn, vụng về trong vấn đề tình dục trong Tình Yêu Lứa Tuổi Hai Mươi ( L’Amour avingt ans,1962 ), rồi chàng  lớn hơn lên, trong Những Chiếc Hôn Vụng Trộm ( Baisers voles, 1967), nhưng thật ra ở đó chàng cũng không khôn ngoan gì hơn trong lĩnh vực tình yêu, cũng như chuyện kiếm tiền. Trong Tổ am  (  Domicile conjugal, 1970), Doinel đã cưới vợ, nhưng anh vẫn chạy theo một cái gì khác hơn cái gia đình mà anh có : sự quyến rũ lạ kỳ của những cuộc phiêu lưu tình ái khác. Rồi trong Tình Yêu Trốn Chạy ( L’ Amour en fuite, 1977), Doinel vẫn chạy, và chạy đã trở thành một ẩn dụ thiết yếu để nhân vật Doinel tồn tại. Nó khởi đầu từ cái trường đọan chạy để kết thúc Bốn Trăn Cú. Và Doinel đã ly dị, thiên truyện Truffaut cũng đã hoàn tất. Đó là chuyện của Truffaut, toàn bộ câu chuyện về nhân vật Doinel đã được Truffaut quay thành phim và Truffaut đã đặt vào phim của ông những trường đọan là những hồi ức về những gì ông đã từng trải qua và cảm nhận của toàn bộ tiến trình hình thành Doinel. Antoine Doinel là nhân vật duy nhất trong điện ảnh Pháp, một nhân vật đã tự nó xóa bỏ cái ranh giới giữa cuộc đời và hư cấu nghệ thuật của nhân vật, được chứng minh bởi sự liên kết chặt chẽ giữa cá nhân Truffaut, người nắn tạo ra Doinel, nhân vật Doinel và Jean- Pierre Léaud, diễn viên đã thể hiện nhân vật Doinel ấy.

 

Những bộ phim khác của Francois Truffaut đã khai thác về ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, như  Hãy Bắn Vào Nhạc Sĩ Dương Cầm ( Tirez sur le pianist, 1960), dựa theo tiểu thuyết của Davis Goodis. Jules và Jim ( Jules et Jim1961) và Hai Phụ Nữ Anh và Đại Lục ( Les Deux Anglaises et le continent1971) đều cùng dựa theo tiều thuyết của Henri- Pierre Roché, nhưng Jules và Jim đem lại thành công cho Truffaut bởi cách nhìn đời, nhìn người và đã được biểu hiện một cách tinh tế. Tiếp đó, Truffaut tiếp tục với Làn Da mịn Màng ( La Peau douce,1964), Farhenehit 451 (1966), Cô Dâu Mặc Bộ Đồ Đen ( La Mariee  etait en noir, 1967), Người Đẹp Trên Sông Mississipi ( La Sirene du Mississippi, 969), Người Con Gái Đẹp Như Tôi ( Une Belle Fille comme moi, 1972), Đứa Trẻ Man Dại ( L’ Enfant sauvage,1970) , Câu Chuyện Về Adèle H. ( Histoire d’Adele H.,1974), (,Người đàn ông yêu phụ nữ  ( 1978 ), Căn phòng Xanh ( La Chambre verte, 1978), Người Nữ láng giềng ( La Femmes d’â côté,1981 ) đều là những tác phẩm ít nhiều hé mở những đìêu bí ẩn của chính cuộc đời Francois Truffaut.

 

Đêm Nước Mỹ ( La Nuit americaine, 1973) là bộ phim Truffaut đã cùng Jean- Louis Richard và Susanne Chiffman viết chung kịch bản phân cảnh, đã đưa chính cuộâc sống của họ, của những người làm phim vào phim.  Tất cả vấn đề là con người đối diện với chính cuộc sống. Bộ phim đã đọat giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất năm 1974. Chuyến  Tàu Điện Cuối Cùng (  Le Dernier Metro,1980) là bộ phim chính trị nhất của Truffaur, trong đó, hình như  ông muốn khẳng định vị thế của mình qua câu chuyện một đoàn hát ở Paris khi thành phố này bị phát- xít Đức chiếm đóng. Bộ phim không chỉ là những kỷ niệm sâu sắc nhất về thời niên thiếu của ông, mà chính là bối cảnh xã hội và khuôn mặt của thời đại. Chuyến Tàu Điện Cuối Cùng, năm ấy đã được trao tặng 12 César. Ngày Chủ Nhật Sống Động( 1983) dựa theo tiểu thuyết Đêm Thứ Bảy Dài của Charles Williams, nhà văn Anh, là bộ phim sau cùng của Francois Truffaut.

Truffaur luôn coi phim là một hành động tri thức, bỡ lẽ công việc ấy đòi hỏi  mọi thứ cần phải có những chọn lựa, những quyết định. Làm phim với ông là một hành động nghệ thuật và thuộc lĩnh vực xúc cảm bởi lẽ  những chọn lựa và quyết định ấy bắt nguồn từ một nhận thức và bỡi lẽ làm phim, chúng ta không chỉ đưa vào cuộc có mỗi sự rung động, mà cả trực giác của chúng ta nữa.

 

Ngoài 3 phim ngắn, toàn bộ tác phẩm của ông gồm 22 phim truyện đều đưa ra không biết bao nhiêu con người, đủ mọi thành phần và dù ít dù nhiều, mỗi người có một hoàn cảnh, một tâm trạng và nổi rõ nhất trên màn ảnh của ông vẫn là khuôn mặt những phụ nữ , với những diễn viên hơi khác thường và rất lôi cuốn như  Marie Dubois, Francoise Dorléac, Jeanne Moreau, Catherine Deneuve, Jacqueline Bisset, Fanny Ardant và những thiếu niên qua những diễn viên như Jean- Pirre  Léaud, Patrick Aufray….. Truffaut giải thích : “Trước hết là phụ nữ và trẻ em. Trong sự lựa chọn của tôi, tôi gạt ra ngoài những hài  kịch thuần túy, vì cuộc đời chẳng có gì khôi hài lắm, tôi gạt ra những bi kịch thuần túy vì cuộc đời đâu đến nỗi bi thảm lắm. Tôi cũng cố gắng không quay những chiếc tàu và những con ngựa, vì chúng làm tôi sợ, tôi cũng không quay những  người mặc đồng phục vì học dễ làm tôi chán. Vậy gạt bỏ dần, tôi làm việc với những gì còn lại. Những chuyện tình và trẻ em “. Nhưng cái chính yếu mà người ta có thể tìm thấy nơi Truffaut là một ý thức dấn thân  trong sự lựa chọn của chính mình : “Nghệ sĩ là một kẻ ở ngòai xã hội, anh ta gửi gắm tới xã hội. Do đó, anh ta đặt định cho người khác cái độc đáo của anh ta chứ không phải đi về phía cái tầm thường của họ, đúng vậy, phải nói rõ mọi  điều cho trung thực. Hiện nay tôi rất tin vào những việc đặt định cái độc đáo của mình. Đó là một công việc đầy xúc tín và tác phẩm trở thành một cuộc đấu tranh với mọi người”. Mặc khác, Truffaut không ngừng hướng tới những nỗ lực mới. Mỗi bộ phim ông thực hiện là một phủ nhận hay phản kháng với phim trước, một cách đương đầu với một kỹ thuật mới.

 

Mặc dù được coi là con đẻ của Đợt Sóng Mới, Truffaut đã làm sống lại truyền thống điện ảnh Pháp, đã cố gắng giải quyết những vấn đề của thời đại, đồng thời bản thân ông cũng bị lôi cuốn vào những vấn đề hệ trọng của con ngươiø. Mặc dù rất thán phục nền điện ảnh Mỹ, chịu nhiều ảnh hưởng của Alfred Hitchcock (sau Jean Renoir và Roberto Rossellini), Truffaut vẫn là nhà điện ảnh Pháp nhất của nước Pháp, đại biểu cho nền điện ảnh sáu góc (hexagonal) vừa dựa trên chủ nghĩa lãng mạn, vừa dựa vào chính hiện thực của đời sống: ngay cả khi thực hiện  những bộ phim được xây dựng từ những kịch bản hoặc tiểu thuyết của nước ngòai, tính dân tộc Pháp cũng không chút lu mờ. Theo Truffat thì “các nghệ sĩ Pháp có năng hướng về chủ nghĩa hoài nghi, đưa họ tới chỗ thể hiện trong sắc độ chứ không bao giờ trong sự bùng vỡ (…) Công việc của một nhà điện ảnh Pháp là một công việc có tính tranh luận, nó thường là một công cuộc đặt lại vấn đềø về mặt xã hội, ít nhiều đó là công việc thuộc phạm vi quan sát và phê phán”.

 

Trong nghệ thuật thể hiện, những nhà phê bình điện ảnh còn cho rằng Truffaut là một nhà điện ảnh cổ điển nhất, vì giống như Jean Renoir, Jacques Becker và Sacha Guitry, ông biết làm sống lại câu chuyện và những nhân vật, giữa hiện thực cuộc sống và hư cấu nghệ thuật. Trong nghệ thuật, biết giá trị của đối thọai kết hợp với hình ảnh… Đồng thời, Truffaut còn được coi là một nhà điện ảnh huyền bí nhất, vì trong mỗi phim ông đều nói lên, đã thông qua hình ảnh về thời thơ ấu, những xung đột tình cảm, tình yêu, những cảm xúc tinh tế, những bất ngờ thú vị, những tình  huống nối tiếp và khí phách mà lòng tự trọng đã không cho phép ông bộc lộ trực tiếp lộ trong  tác phẩm của mình hay ngay trong đời sống của bản thân giữa mọi người.

 

“Đời sống rất ngắn… Quá ngắn”. Như một lời tiên tri buồn bã về công việc nghệ thuật của mình, Truffaut từng viết như vậy. Cái chết, khi làm mất đi của Đợt Sóng Mới người đại diện lãng mạn nhất và của nền điện ảnh Pháp, người phát ngôn vững vàng và nổi tiếng nhất, cũng đã làm ngưng đọng lại một công trình nghệ thuật lớn lao, với toàn bộ những cống hiến làm biến đổi và phong phú nền điện ảnh Pháp và thế giới. Làm ngưng lại? Chỉ làm ngưng lại thôi sao? Hẳn nhiên là vậy, bởi lẽ công việc của Truffaut, người bạn của thanh niên mọi thế hệ, người luôn đặt lên nhân vật của mình đôi mắt trẻ thơ không thể chấm dứt.

 

“Anh hãy đừng nghĩ rằng anh đã mất chị ấy, hãy nghĩ rằng giờ đây anh không còn có thể mất chị ấy nữa. Hãy dành hết ý nghĩa của anh, những hành động của anh, trọn tình yêu của anh cho chị ấy. Anh sẽ thấy rằng những người chết thuộc về chúng ta và chúng ta chấp nhận là mình cũng thuộc về họ. Hãy tin tôi, Gérard, những người chết thân yêu của chúng ta vẫn có thể tiếp tục sống…”. Chúng ta còn nghe vang vọng tiếng nói của Truffaut trong Căn Phòng Xanh - Lời nhắn nhủ sau cái chết của ông, bây giờ, như muốn bảo với những con người, những việc làm tốt đẹp chúng ta biết tưởng nhớ và yêu mến, trân trọng. Truffaut chết đi và chắc chắn sẽ sống lại trong công việc đánh giá thế hệ sau của ông - đánh giá và tiếp tục con đường ông đã đi./.

Sâm Thương
Số lần đọc: 3195
Ngày đăng: 03.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điện Ảnh Việt Nam Thời Khai Sinh-1 - Sâm Thương
MƯỜI BA BẾN NƯỚC : Từ văn chương sang điện ảnh. - Nguyễn Hoàng Đức
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy. - Vũ Quang Chính
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
ĐIỂM PHIM: Đàn Bà Trên Đời - Phim Truyền hình Hàn Quốc. - Lê Xuân Quang
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: Nên Xã Hội Hóa hay Tư Nhân Hóa? - Lê Xuân Quang
Oan oan tương báo ! - Lê Xuân Quang
Xem phim Hàn Quốc - nghĩ về phim mình! - Lê Xuân Quang
Từ tác phẩm văn học đến màn ảnh: những cộng hưởng muộn màng - Việt Quê
Dự án phim lịch sử Thái Tổ Lý Công Uẩn 200 tỷ - miếng bánh chia phần?! - Võ Thâm
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)