Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.758
 
Câu Lạc Bộ Sao Khuê Nơi Chắt Chiu Ánh Lửa Ban Đầu
Võ Quê

Bài viết nhân kỷ niệm 30 năm thành lập CLB sáng tác văn học thiều nhi Sao Khuê, Huế (1979 - 2009).

 

Năm 1979, Liên Hiệp Quốc gọi là năm Quốc tế Thiếu nhi và đã mở ra nhiều hoạt động ưu ái dành cho trẻ em toàn thế giới. Hòa trong niềm vui chung của tuổi thơ trong cả nước, tuổi thơ trên hành tinh này, tuổi thơ Huế ngày ấy đã tìm về quần tụ hồn nhiên trong một ngôi nhà đẹp bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng hiền hòa: Nhà Thiếu Nhi Huế. Câu Lạc Bộ Sao Khuê ra đời trong bối cảnh  năm Quốc Tế Thiếu Nhi sau khi các em có năng khiếu  văn chương được tham dự trại sáng tác văn học Dương Xuân do Nhà Thiếu Nhi Huế phối hợp với Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

 

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ từng gương mặt ngây thơ, hồn nhiên, trẻ dại của các em ngày ấy: Dương Thị Cúc,  Nguyễn Phận, Minh Nguyệt, Đỗ Kỳ Huy, Nguyễn Khoa Huy, Tịnh Anh, Trần Ngọc Lan, Đoàn Vương Lệ Khánh, Kiều Miên, Nguyễn Thị Hân... Ngôi vườn xanh mát của  nhà em Minh Nguyệt là nơi dành cho Trại Sáng tác Văn học Thiếu nhi đầu tiên sau năm 1975 và đã trở thành một ngôi vườn chim hót. Các nhà văn Trần Công Tấn, Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Thanh Hải... đã gần gũi,  tiếp cận thân tình, chan hòa cùng các em trong quá trình trại sáng tác diễn ra. Những cuộc trao đổi, trò chuyện chân thành của các văn nghệ sĩ đã mang lại cho các em nhiều điều bổ ích, thú vị; đã phần nào nâng tầm cho các trang viết tuổi thơ lấp lánh hồn văn.

 

Liên tục trong  nhiều năm liền, CLB sáng tác văn học Sao Khuê đã hoạt động trong niềm tin yêu của Nhà Thiếu Nhi Huế, của các anh chị phụ trách, trong sự tin cậy của phụ huynh. Một trong những người có mối quan tâm, gắn bó, gần gũi các em trong giai đoạn này là chị Lê Thị Ẩn. Chị Ẩn hát hay, trẻ trung, khả ái. Tình cảm chị dành cho tuổi thơ thật nhân hậu, tràn đầy để từ đó Sao Khuê ngày một vui hơn, đông hơn.

 

Sinh hoạt CLB Sao Khuê  từ trước đến nay không chỉ đơn thuần diễn ra tại Nhà Thiếu Nhi Huế mà còn lan tỏa ra nhiều nơi trong và ngoại vi thành phố Huế. Hôm thì trước công viên. Khi thì lên Ngọ Môn, Đại nội. Lúc thì lăng Tự Đức, Các ngôi chùa, giáo đường như Từ Hiếu, Thiên An... cầu ngói Thanh Toàn, vườn Phú Mộng, Cồn Hến, Vỹ Dạ, đàn Nam Giao hay dạo thuyền trên sông Hương... Hằng năm, nhân dịp hè Nhà Thiếu Nhi Huế cũng đã phối hợp với Thành Đoàn Huế, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo Dục, Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế, Phòng Văn hóa thông Tin, Phòng Giáo Dục Huế... tạo điều kiện cho các em trong CLB Sao Khuê dự trại sáng tác văn học ở Lăng cô, Bạch Mã, Cảnh Dương, khu du lịch Thanh Tân, biển Quảng Ngạn, biển Phú Diên, làng cổ Phước Tích... Việc thâm nhập vào thực tế đời sống, tắm mình trong thiên nhiên, hoa cỏ; nhìn ngắm, nắm bắt những vẻ đẹp của các di tích văn hóa, lịch sử, các thắng cảnh Huế...đã giúp các em Sao Khuê có thêm vốn sống, lạc quan, yêu người, yêu nơi chốn em đã sinh ra, khôn lớn.

 

Tiếp theo thế hệ Đoàn Vương Lệ Khánh, Tịnh Anh, Trần Ngọc Lan...là Ngô Thu Hồng, là hương Giang, là Hoàng Dạ Thi... là Thu Hà, Hồng Nhung...và hiện nay  là Nguyễn Nữ Ánh Hồng, Minh Huế, Bảo Trân, Đăng Thư, Anh Thư, Mỹ Ý, Văn Mỹ Liên, Hữu Tấn, Phương Thúy, Lê Nhật Linh, Dương Thị Ánh Linh, Lê Sĩ Dự, Hoàng Hữu Phước, Phạm Văn Lương, Nguyễn Minh, Mỹ Trinh, Mỹ Lam, Thùy Nhi, Bảo Ngọc, Lê Ngọc Hà , Hồng Sương, Mộng Cẩm, Hoàng Thị Bưởi, Nguyễn Nhật Linh, Hải Tịnh, Nguyễn Thị Diệu Hòa, Tôn Nữ Mỹ Trinh, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Minh Nguyệt, Nguyệt Minh, Bảo Ngọc, Nguyễn Minh, Xuân Anh...

 

Câu lạc bộ sáng tác văn học Sao Khuê cứ ngời ánh lên theo niềm say mê sáng tác thơ văn của các em. Các em cũng không quên được anh Phùng Tấn Đông - nay là một nhà thơ nổi tiếng đang công tác tại Quảng Nam - anh đã một thời tận tâm dìu dắt các em bằng một tình thương trọn vẹn. Anh đã để lại nhiều ấn tường tốt, kỷ niệm đẹp trong tâm thức thiếu nhi Huế vốn nhạy cảm, giàu tình.

 

Trong  30 năm qua, các tác phẩm thơ văn của các em đã có mặt trong các đầu sách Con Ốc Biển, Tiếng Chuông Ngũ Sắc, Mùa Hạ Mãi Xanh do Hội LHVHNT, Sở Giáo Dục Thừa Thiên Huế, Nhà Thiếu Nhi Huế thực hiện; trong tuyển thơ 1000 Nhà thơ xứ Huế đương đại... Thơ văn của các em trong CLB Sao Khuê còn được đăng tải trên tạp chí Sông Hương, Văn Hóa & Đời Sống Huế, báo Thừa Thiên huế, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Áo Trắng, Văn Học Trẻ... trên các trang báo điện tử.

 

Bây giờ nhìn lại đội ngũ các em, các em đã trưởng thành. Có em đã nên chồng nên vợ, con cái học hành thành đạt. Có em đã bay vào đời, chưa một lần gặp lại, và cũng có em đang theo nghiệp nghệ thuật, văn chương, báo chí như họa sĩ Đỗ Kỳ Huy, nhà báo Hương Giang, Hoàng Dạ Thi, Ngô Thu Hồng, Minh Huế...

 

Đất nước, quê hương mình đang mở ra những ánh hồng tươi sáng mới. Thời gian tới, Nhà Thiếu Nhi Huế sẽ luôn phát huy những thành quả của mình trên các mặt bồi dưỡng, chăm sóc, rèn luyện những mầm non thiếu nhi Huế. Từ môi trường này, mãi mãi sẽ còn vang ngân giọt hát Chim Quyên trong vòm xanh cây lá Huế; sẽ óng ánh, lấp lánh những trang viết đầu đời với ước mơ khát vọng vươn tới vì Sao Khuê.

 

Hỡi Ẩn, Đông! Hỡi các em Khánh, Cúc, Hân, Huy, Hồng, Phận... Hỡi những em mà anh chưa kịp gọi hết tên. Ước chi có một ngày anh em mình và các thế hệ tuổi thơ kế tiếp của Sao Khuê lại sẽ được gặp nhau trong ngôi nhà Thiếu Nhi Huế ấm cúng thân tình này. Ngôi nhà của tình yêu thơ trẻ; của những chắt chiu từng ánh lửa ban đầu. Và áng sao Khuê là trang văn, là bài thơ thanh khiết, sáng trưng cứ ấm dần, sáng dần lên trong tình nghĩa tuổi thơ. Ước chi.../.

Võ Quê
Số lần đọc: 3213
Ngày đăng: 08.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giáo dân làm gốc - Nguyễn Hữu An
Lang thang chữ nghĩa-3 - Phan Huy Đường
Trà dư, tửu hậu - Thí Chủ
Người quen năm cũ - Thí Chủ
7 Nốt Trên Khuôn Nhạc - Trang Thanh Trúc
Góc phố… - Mỹ Hạnh
Những khoảng lặng Sài Gòn - Nguyễn Thị Hậu
Mảnh kí ức mùa thu - Nguyễn Thị Dạ Thương
Lễ Hội Tây Sơn, Bình Định : Kỳ Diệu và Tự Hào - Elena Pucillo Truong
Tế Hanh– hồn hậu một dòng sông xanh biếc - Trần Ngọc Tuấn
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)