Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.007
 
Tổng hợp sơ bộ nghiên cứu về Biển Đông
Đinh Kim Phúc

Biển Đông có một tầm quan trọng đáng kể nên đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu, trong cũng như ngoài nước. Hàng trăm công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực đã công bố. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia quan tâm nhiều nhất đến việc nghiên cứu khu vực này. Nhưng xét về tổng thể chúng ta phải nổ lực hơn nữa.

 

Về phía Việt Nam, ngay từ những triều đại phong kiến trước đây đã có những tác phẩm đề cập đến khu vực Biển Đông mà trọng tâm là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: “Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” do Đỗ Bá biên soạn (1630 - 1653). Đến thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa và Trường Sa đã được chính thức ghi trong các sách sử và địa lý của triều đình. Đó là:

 

- “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn (1776).

- “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” của phan Huy Chú (1821).

- “Việt Sử Cương Giám Khảo Lược” của Nguyễn Thông (1876).

 

và những cuốn sách do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn như: “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên”, “Đại Nam Thực Lục Chính Biên”, “Đại Nam Nhất Thống Chí”, “Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu”, …

 

Đến thời hiện đại, hàng loạt các công trình của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Nham, Lê Thanh Khê, Vũ Phi Hoàng, … đã được công bố.

 

Dưới thời Chính quyền Sài Gòn, đã có một số công trình có giá trị như: “Hoàng Sa, lãnh thổ Chính quyền Sài Gòn” (1974), “Sách Trắng: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa” (1975).

 

Từ sau ngày 30/4/1975, một số cơ quan như Ban Biên giới Chính phủ, Viện Nghiên cứu về Trung Quốc, các trường đại học bắt đầu quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, đặc biệt sau cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2 năm 1979.

 

Tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố tài liệu “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 1 năm 1982, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục công bố cuốn sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”. Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố tài liệu: “ Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế”. Mẫn Khánh Dương Kỵ và Trần Xuân Cầu viết bài “Từ Bãi Cát Vàng đến Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” trong Sử Học số 2 (nhà xuất bản Đại Hoc và Trung Học Chuyên Nghiệp) đã đưa ra một vài thông tin mới, cách tiếp cận mới qua thực địa tại cù lao Ré.

 

Cuốn “Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam” 90 trang của Văn Trọng là đúc kết cô đọng và chú trọng về phần tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thêm một số hình ảnh, như bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa chụp năm 1938, trên quần đảo Trường Sa chụp năm 1961.

 

Gần đây có một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về Hoàng Sa, Trường Sa đã và đang được tiến hành. Trong đó có đề tài như “Hợp đồng nghiên cứu khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, mã số BĐHĐ 01 - 01 do Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc (ĐHQG Hà Nội) chủ trì đã báo cáo tổng kết ngày 30/4/1995 và Hội thảo quốc gia “Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Hà Nội ngày 18/1/1996 cùng một số kết quả được tiếp tục công bố trong những năm sau đó.

 

Riêng bản Hợp đồng nghiên cứu khoa học trên, bước đầu đã có những đóng góp đáng kể về bản đồ cổ Việt Nam do Trần Bá Chí phụ trách tìm ra được 22 sách cổ có bản đồ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa. Về thư tịch cổ Việt Nam do Phạm Kim Hùng, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Hữu Thành phụ trách, ngoài kiểm tra, đối chiếu với nguyên bản 25 cuốn sách chữ Hán đã được dịch, còn phát hiện thêm một số thông tin mới ở Đại Nam Thực lục và còn tìm thêm 15 cuốn sách như Địa dư toát yếu, Nam Việt Địa dư chí, Cao Chu Thần di cảo, Chu Nguyên tập vựng khảo, Mân Hành thi thảo, Việt hành Ngân thảo, Đông hành Thi thuyết, Quảng Thuận Đạo sử tập, Trung Kỳ Dư địa lược sao, Hải trình chí lược …

 

Tuy các sách trên không trực tiếp đề cập đến vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, song các sách đó đã đề cập đến Hoàng Sa, cũng đã phản ảnh sự hiểu biết và quan tâm của người Việt xưa đối với Hoàng Sa. Về tư liệu Châu bản do Võ Văn Sạch, Vũ Văn Quân phụ trách đã phát hiện được một số tư liệu rất quý về bằng chứng rõ ràng quá trình thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa trong hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị.

 

Về tư liệu phương Tây do Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ phụ trách đã có những phát hiện đáng kể trong đó có vụ Dayot giúp xây dựng hải quân và vẽ lại bản đồ Hoàng Sa cho Nguyễn Ánh hay một thương nhân Bồ Đào Nha dâng bản đồ Hoàng Sa cho Nguyễn Ánh. Ngoài ra cuộc khảo sát thực địa ở Cù lao Ré do Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Tiến sĩ Vũ Văn Quân thực hiện đã phát hiện các nguồn tư liệu ở dòng họ, làng xã có liên quan đến hoạt động của các đội Hoàng Sa qua các thời kỳ Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và dưới triều Nguyễn.

 

Trong Hội thảo quốc gia 18/1/1996 trên, gồm 15 bản báo cáo đóng góp đáng kể về việc nghiên cứu lịch sử tranh chấp Hoàng Sa với Trung Quốc cũng như tư liệu về phía Trung Quốc, từ tìm hiểu hệ thống bản đồ của Trung Quốc của Nguyễn Quang Ngọc để chứng minh cho đến 1909 bản đồ Trung Quốc chưa bao giờ vẽ đến Hoàng Sa đến quan điểm của Trung Quốc về Hoàng Sa - Trường Sa của Hoàng Ngọc Bảo, quan điểm của Đài Loan về Hoàng Sa - Trường Sa của Nguyễn Huy Quy hay tìm hiểu về bộ sưu tập tư liệu Hoàng Sa của Hàn Chấn Hoa (Trung Quốc) chủ biên do Phạm Kim Hùng phụ trách.

 

Ngoài ra vấn đề luật pháp quốc tế về thủ đắc lãnh thổ của Nguyễn Đăng Dũng hoặc án lệ đảo Clipperton của Đinh Ngọc Linh hoặc xây dựng hệ quản trị tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa bằng máy tính của Nguyễn Quốc Toản.

 

Một số công trình khác cũng được công bố như vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa trong quan hệ Việt Trung trong cuốn “Sự Thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt Trung” do nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 1996 hay có tác giả tổng hợp lại những tài liệu đã công bố in thành sách như Hoàng Sa Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế của Nguyễn Q. Thắng.

 

Một số luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ có liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa hay biển Đông như luận án cuả PTS Trần Công Trực ở Việt Nam, của TS Nguyễn Hồng Thao ở Pháp (1996), của PTS Đỗ Hòa Bình ở Liên Xô cũng đã được bảo vệ. Nhưng quan trọng hơn hết là luận án tiến sĩ Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nguyễn Nhã.

 

Trong thời gần đây, nhiều bài viết đã đề cập đến chủ quyền quốc gia Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà điển hình là công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu: “ Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa-Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc”Ngoài ra còn có một số bài báo của nhiều tác giả đăng trên báo Nhân Dân, Tạp chí Lịch sử Quân sự, Tạp chí Hán Nôm, Tạp chí Xưa và Nay…

 

Như thế, các nhà nghiên cứu Việt Nam thật sự đã quan tâm và càng ngày càng đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Các nhà nghiên cứu Phương Tây cũng ngày càng quan tâm hơn về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Pierre Bernard LaFont viết phần “Les Archipels Paracels et Spratley trong cuốn Confit de frontières en mer de Chine Méridionale, xuất bản năm 1989. Đăc biệt cuốn “La souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratley” của bà M.C. Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu là một công trình khoa học có quan điểm khách quan cho rằng Việt Nam là nước có đủ danh nghĩa thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Trên mạng internet đã có hàng ngàn tài liệu nói đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Đây là những văn kiện rất quan trọng, đồng thời cũng là các công trình nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý đã thực sự khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo này, phê phán những mưu đồ đen tối của nước ngoài.

 

Ngày 17 tháng 3 năm 2009, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế” đã đưa ra một số khuyến nghị:

 

- Chính sách của VN về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của TQ, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- các nước ASEAN, quan hệ Trung-Đài.

 

- Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Tòa án quốc tế.

 

- Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Chính phủ cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.

 

- Nên 4 hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa.

 

- Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của VN.

 

- Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.

 

Tại buổi Tọa đàm biển Đông và hải đảo Việt Nam do Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và Nhà Xuất bản Tri Thức phối hợp tổ chức chiều ngày 24 và sáng ngày 25/7/2009, Tiến sĩ Nguyễn Thái Hợp đã có một minh chứng rất thú vị: “Từ Trường Sơn Đông đến Song Tử Tây” để thấy được “Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên vùng biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa” từ đó để chứng minh rằng “Đường lưỡi bò trên biển Đông” là bất hợp pháp. Qua đó chúng ta thấy “Vai trò của Nhà Nguyễn đối với biển Đông” từ việc “ Thủy quân Nhà Nguyễn bắt đầu năm 1816 đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa theo phương cách phương Tây”. Tất cả những luận cứ và luận chứng về chủ quyền của Việt Nam là không thể chối cãi bằng bộ “ Sưu tập bản đồ cổ thềm lục địa và hải đảo Việt Nam” đã được thừa nhận bởi “Quy chế pháp lý”. “Nỗi niềm biển Đông” là sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt./.

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3248
Ngày đăng: 10.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Diệu : Ngàn năm sáng ngời chính khí - Lê Ngọc Trác
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872 : Những vấn đề tồn nghi (Tiếp Theo) - Đinh Kim Phúc
Về cuộc kháng chiến chống quân Minh : Thực lục về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm dưới thời quân Minh cai trị - Hồ Bạch Thảo
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872-Những vấn đề tồn nghi - Đinh Kim Phúc
Đàn Xã tắc thờ ai ? - Hà văn Thùy
Tấm Lòng của Phan Đình Phùng Rạng ngời như trăng sao - Lê Ngọc Trác
Mối quan hệ bất cân xứng - Lê Hải*
Trung Quốc có dám ....không? - Đinh Kim Phúc
Mục Lân, An Lân, Phú Lân? - Đinh Kim Phúc
Những ngày này 55 năm trước – nhớ lại Hội nghị Genève - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)