Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.493
 
Ông tôi
Phan Đức Nam

(Kính ông PHAN CHÍNH ĐÁN)

 

Ông tôi rất mê thơ - đặc biệt thích Đường thi. Tôi nhớ mỗi sáng mùng một Tết, con cháu đến chúc tuổi ông, ông đều bắt mỗi người có chút văn chương làm một vài bài thơ khai bút - mà phải là Đường thi. Ai làm hay được ông thưởng, kém thì phạt ly rượu. Vì thế con cháu nhiều người phải chuẩn bị trước, có người nhờ làm thơ hộ rồi học thuộc lòng. Ông tôi còn cho cả điểm ngâm.

 

Ông tôi thường xuyên nhắc nhở: “Nhất tam ngũ bất luận. Nhị tứ lục phân minh. Hai câu Thực đối, hai câu Luận đối. Nhất thiết phải như thế”.

 

Tôi lớn lên, nhiều lần thấy ông xem thơ trong các báo rồi ném xuống giường: “Vậy mà cũng in được?”.

 

Ông nói với tôi: “Làm thơ như thế tao chỉ vẫy bút. Thơ phải có vần điệu, luật lệ bằng trắc đàng hoàng. Hỏng! Hỏng hết!” Ông vuốt râu: “Các cụ xưa mực thước tài hoa thâm thúy biết bao! Làm thơ niêm luật chặt chẽ mà hay mới là giỏi. Giờ nhiều nhố nhăng nên thơ cũng loạn”.

 

Thú thật thỉnh thoảng tôi cũng tập tành viết văn làm thơ, nhưng không dám khoe ông, cũng chẳng dám ý kiến, chỉ khoanh tay vâng dạ.

 

Sau bài giảng thế nào ông cũng xuất khẩu thành thơ. Xưa ông đỗ Tú tài, ứng đối giỏi và làm thơ Đường nhanh lắm. Uống xong tuần trà ông đã xong tám câu. Riêng tôi thấy... cổ quá, mà không dám nói, sợ ăn vài cái xe điếu.

 

Trong đám cháu, ông có vẻ thích tôi nhất. Ông làm được bài thơ nào cũng đọc cho tôi nghe, rồi hỏi: “Hay không?”. Dĩ nhiên tôi phải: “Thưa ông, hay lắm ạ”. Ông đắc chí gật gù, ngâm đi ngâm lại, bảo tôi chép thành nhiều bản (chứ không được photo) rồi lệnh: “Cháu làm báo, gửi hộ ông”.

Tôi cũng quen vài ông biên tập nhưng chưa dám đưa, vì biết đưa cũng khó được in. Lý do chính là báo ít đăng thơ Đường, nhất là viết theo lối cổ. Mà “sửa” thơ ông thì không dám.

Ông cứ hỏi mãi, tôi đành mượn oai ông biên tập nhỏ nhẹ thưa: “Biên tập đề nghị ông... thay chữ này...”. Thế là ông quát: “Không đăng thì thôi. Hừ! Dốt mà làm thầy!”

 

Sau đó ông nằng nặc đòi lại bản thảo, tự tay nắn nót chép lại - cũng có sửa chữa, rồi đích thân bỏ phong bì gửi báo khác.

 

Không nói ra nhưng tôi cũng muốn thử xem? Để ông... nhìn lại thơ mình...

Quả nhiên chẳng có báo nào in thơ ông cả.

 

Ông tôi buồn lắm! Xuống tinh thần hẳn. Lẩm bẩm mắng: “Bọn phải gió... múa gậy vườn hoang...” Ông chẳng thèm nói chuyện thơ văn với thằng cháu nhãi ranh như tôi nữa, mà thường lại nhà mấy ông bạn cố tri.

 

Chiều chiều, ông tôi tắm rửa, ăn vận sạch sẽ - trong túi có vài bài thơ mới làm, rồi thả bộ lại quán thơ nhạc (do một ông bạn yêu thơ làm chủ) để xướng đọc với nhau. Nhiều lần ông nhờ tôi chở đến, bảo: “Mày thích thì ngồi lại mà nghe”. Dĩ nhiên tôi phải ngồi lại. Ông không nói ra nhưng ngụ ý bảo thơ là phải như thế.

 

Ở quán thơ nhạc đó ông tôi như trẻ ra, sung sướng khi được người ta gọi là nhà thơ, là thi sĩ...

Ông tôi là nhà giáo nghèo về hưu, không có tiền in thơ như nhiều người khác, nên mỗi lần được bạn tặng tập thơ mới, ông cứ ngắm nghía vuốt ve, vẻ tư lự buồn buồn...

Nếu có tiền tôi sẽ lo in thơ ông. Tôi biết chỉ cần vài trăm bản, mỏng thôi, xin giấy phép ở nhà xuất bản danh tiếng cho oai, tốn tổng cộng vài triệu, là ông tôi sẽ thành... nhà thơ, không phải thua kém bạn bè.

 

Dĩ nhiên thơ không phải để bán mà chỉ dành tặng, giá trị hơn cardvisit nhiều.

Tôi nói để ông vui: “Cháu nghĩ thơ được chọn đăng mới hay ông ạ. Nhất là đăng ở các báo lớn...” Ông gật gù, than: “Nhưng nó có in thơ tao đâu!?” - Rồi trầm tư, bảo tôi - “Nghe này: Có thể cháu nghĩ là ông háo danh. Thật ra chỉ đôi chút. Cái chính là ông muốn lưu và khơi lại tinh thần hoài cổ.”

 

Một hôm, không hiểu ai mách mà ông gọi tôi lại, đưa tờ báo có đăng bài thơ của tôi, nói như trách: “Mày có thơ đăng đấy. Thế mà giấu? Hay nhỉ?” Tôi lúng túng... gãi đầu: “Thưa ông, con cũng không ngờ... lại may như thế...” - “Thôi đi! Mày làm ở tòa báo, tham gia Hội Văn nghệ, quen biết nên mới được ưu tiên. Thế mà nói không có quyền?” - “Thưa đây không phải báo con làm ạ......” - “Đúng. Thơ đăng ở báo mình thì cũng thường thôi. Nhưng chúng mày quen nhau, bốc nhau. Tao lạ gì nữa? Nó đăng thơ mày, mày đăng thơ nó - Một giuộc cả!”

Biết ông đang giận, tôi kiếm cớ chuồn.

 

Sau trận đó, tôi sợ và tránh gặp ông.

Nhưng chỉ vài hôm sau, ông gọi tôi lại, nói: “Tao ngẫm thấy mày làm thơ cũng được đấy. Dẫu sao cũng con nhà tông. Còn bài nào được in thì đưa ông xem?”

 

Sau, tôi được biết ông đem khoe với bạn rằng có thằng cháu làm thơ được in báo.

 

Gần Tết năm đó, ông tôi đột nhiên ốm nặng. Ông cho gọi tôi lại, chỉ vào tủ, thều thào: “Thơ ông... trong đó... Nếu đăng được... thì đăng... Còn không... sau này có tiền... nhớ in cho ông...”.

Tôi hứa, rồi ôm bản thảo thơ ông mà khóc.

 

Ôi phải chi tôi có phép, có tiền, hay có quyền, để kịp in thơ ông trước khi ông mất.

Tôi chạy lại anh bạn - có phần hùn làm một tờ báo hơi... lá cải. Tôi kể chuyện ông rồi năn nỉ: “Ông tớ không cần nhuận bút... Tốn bao nhiêu tớ chịu...” Ông bạn nhăn mặt ậm ờ.

May sao tôi xin được cái quảng cáo cho báo anh, đề nghị không hưởng phần trăm, anh mới chịu đăng, còn nói: “Phải gác bài của tớ lại đấy”.

 

Tôi phóng ngay về báo tin cho ông. Ông tôi đang mê man, đổ sâm cũng không tỉnh. Thế mà khi tôi vừa khóc vừa lay, kề tai ông nói: “ Ông ơi, ông tỉnh lại đi. Thơ ông sắp đăng rồi! Sắp đăng rồi!” Thì lạ thay ông mở bừng mắt, đôi môi khô ấp úng: “Thật... không?...” Tôi nắm chặt tay ông, gật mạnh: “Họ đang ra nhũ” Ông mỉm cười: “Giỏi!... Giỏi!...” Rồi nhắm mắt lại, hai giọt lệ tràn ra khóe mắt. “Báo sắp ra rồi ông ạ” - Tôi quả quyết. Ông thều thào: “Thế à?... Hôm... nào ra?...” - “Chỉ vài hôm nữa thôi. Con sẽ thúc họ in nhanh” Rồi cầm nón đứng lên: “Ông ăn hết bát cháo. Để con chạy đi lấy bản in thử về ông xem...”

 

Khi tôi cầm bản in thử có bài thơ của ông về, thì thấy ông đã kê gối gượng dậy chờ. Tôi vội trình trước mặt ông, đọc to cho ông nghe. Ông run run đòi đeo kính, mở to mắt nhìn trân trân những hàng chữ... Rồi ôm chặt bài thơ của mình vào ngực, nhòa lệ nhìn tôi: “Cảm ơn cháu... Cho ông uống nước...”

 

Như có phép lạ, Tết ấy ông qua khỏi và sống thêm được ba xuân nữa. Ông bảo đã thoát qua năm hạn.

 

Trong quãng thời gian này, ông tôi rất chịu khó học hỏi và say mê làm thơ. Ông biết tôi không đủ điều kiện mua nhiều sách báo, nên tự cắt bớt lương hưu mình đăng ký mua một lô báo văn chương, như báo Văn nghệ, Văn nghệ thành phố, Văn nghệ quân đội. Sông Hương, Văn...

“Những bài báo này hay và đứng đắn. Đọc được.” - Ông bảo, rồi trách tôi: “Sao trước đây mày không nói để ông biết?”

 

Cứ đến ngày báo gửi đến, ông ra hiên ngồi thấp thỏm... Khi mở báo ra ông xem thơ đầu tiên, rồi gật gù, lắc đầu, suy nghĩ...

 

Trong quãng thời gian này báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mở mục thơ Đường. Ông tôi làm thơ có hay hơn, hăng hái gửi, và được đăng vài bài. Ôi, khi thơ của ông được đăng thì hay lắm! Vui lắm! Ông gần như reo lên, cả nhà hôm ấy thế nào cũng được ông khao. Ông nhịn ăn mua cả chục tờ báo tặng bạn bè. Ông cao hứng làm cả thơ mới, giờ đã khen: “Tụi trẻ hay thật! Hay thật!”.

Lần cuối, ông nói với tôi: “Ông đã có vài bài thơ để lại cho con cháu. Thế là vui rồi. Giờ ông chẳng cần in cả tập thơ đâu cháu ạ. Cháu dành tiền mà nuôi con.”

 

Tôi biết thơ đang nuôi dưỡng nhiều người, nhất là mặt tâm hồn. Có thể nhiều người đánh giá thơ ông tôi không được hay lắm, nhưng với tôi nó vô cùng kỳ diệu! Kỳ diệu nhất là thơ đã chảy, đã thổi vào thân thể đang buông xuôi khô kéo một dòng nhựa hồi sinh tươi mới, lòng ham sống, thiết tha với cuộc đời, giúp ông tôi sống vui sống đẹp.

 

Ông tôi mất đã gần nửa năm rồi mà những tờ báo và tạp chí ông yêu vẫn tiếp tục gửi đến. Tôi ôm những tờ báo ấy vào lòng, nhớ ông mà rưng rưng nước mắt./.

 

TP.Hồ Chí Minh – 2000 - Quảng Bá - Hà Nội 2007

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2642
Ngày đăng: 12.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa thu chết - Nguyễn Hồng Nhung
Chim lẻ bạn - Khôi Vũ
Những mảnh vỡ (10) - Nguyễn Thị Hậu
Chẫu chàng - Nguyễn Anh Thế
Màn trình diễn Tổng vệ sinh đường phố - Feng Jicai
Tên đao phủ trên cổ thành - Sâm Thương
Nguyệt Thực - Lê Vũ
Vai diễn của hai người cô đơn - Đỗ Mai Quyên
Một trường hợp - Mang Viên Long
Hai lần bác sĩ - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)