Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.233.264
 
Vẫn trên vùng đất cũ
Nguyên Tùng

1. VỀ MỘT VÙNG ĐẤT

 Cũng có lẽ một phần do ảnh hưởng bên ngoài. Tiếng mưa đêm rỉ rả, tiếng ếch nhái ngoài bờ ruộng sau nhà và ánh đèn dầu bị gió lắc lay, anh Mến cứ phải luôn đưa bàn tay to bè ra chắn. Không giấu được lòng mình qua vẻ mặt nên nghe anh hỏi tôi định nói, nhưng đã kìm lại được. Tôi muốn nói rằng mình đã nhiều dịp đi qua vùng đất đai màu mỡ, gặp những gia đình có cảnh sống sung túc với một thái độ dửng dưng. Nếu có chút xúc động nào thì đó chỉ là sự xúc động tự hào vì quê hương mình giàu đẹp. Cứ nghĩ những con người ấy được thiên nhiên phú cho vùng đất nơi họ đang sống lớp phù sa màu mỡ, thủy triều, thời tiết thuận lợi cho sự phát triển các loại cây trái. Và chiến tranh hẳn đã không ảnh hưởng, hoặc có mà ít. Suy nghĩ ấy đã gần như trở thành một định kiến nên khi đặt bước chân đầu tiên trên mảnh đất tập đoàn 19-5, đi qua cánh đồng lúa xanh bạt ngàn đến xóm có rất nhiều nhà tường lát gạch hoa, lợp ngói, lợp tôn xi-măng, nó lại khẳng định trong tôi lần nữa. Sự ngạc nhiên đến bất ngờ khiến tôi đứng ngắm hàng mấy lượt dãy nhà tường. Giữa vùng nông thôn sâu cách thị trấn Kế Sách bởi sông rạch chằng chịt, không phương tiện di chuyển nào ngoài xuồng và võ lãi(1), lại mọc lên khu xóm với những ngôi nhà khang trang không khác gì vùng ngoại ô của một thị xã. Nhưng trên mảnh đất Nam bộ này có vùng đất nào không có một quá trình lịch sử đầy biến động do hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ kéo dài trên một trăm năm. Và mỗi con người nơi đây ai đã không từng chịu đau khổ, mất mát, ai đã không từng chứng kiến những trận bom, pháo đủ loại, đủ cỡ của giặc trút xuống hòng tiêu diệt con người và hủy diệt màu xanh. Cái có được ở vùng đất, ở con người hôm nay phải trả một giá rất đắt. Đó chính là thành quả của sự thử thách gian lao, chống chọi với quân thù, vật lộn với thiên nhiên suốt thời gian dài hàng thế kỷ.

 

Chị Thạch-Sa-Ling - vợ anh Mến - châm cho chúng tôi một bình trà nữa khi bé Hiền đã ngủ. Mưa ngớt lạnh, chỉ còn rơi lộp độp trên  mái chuối phất phơ loáng nước. Tiếng sét đánh rền, phá vỡ giấc ngủ say của cảnh vật trong đêm yên lành. Gió thốc qua khung cửa mang theo chút hơi lạnh của đồng bằng. Anh Mến vẫn cởi trần, phô thân hình vạm vỡ, bộ ngực căng to, nâu sẫm. Cái hơi lạnh trong đêm tối với da thịt quen trải sương nắng ấy ví như làn gió của cánh quạt trong đêm mùa hạ. Bỏ thêm khúc củi vào lò, Thạch-Sa-Ling nói:

 

- Lúa đang làm đòng, mưa đêm vầy chắc bị lép quá!

 

Câu nói như vỡ ra từ nỗi lo âu dằng dặc của một người hằng gắn bó máu thịt với cây lúa. Giống như nỗi lòng người mẹ luôn nơm nớp lo con mình ấm đầu, sổ mũi khi trái gió trở trời. Im lặng, cái im lặng chùng xuống trong gian nhà được bao phủ làn khói lò nồng nồng, ấm áp. Khoảnh khắc thời gian ấy như dành riêng cho tôi để tâm tư người nông dân len nhẹ vào lòng.

 

- Lúc này mà mưa đêm thì người nông dân chúng tôi luôn trăn trở, khó ngủ, lo lúa lép, lo sâu rầy phá hại.

 

Đã có một thời mưa đêm là tiếng ru êm đưa tôi vào giấc ngủ say. Tôi mong nó như mong người bạn thiết. Cũng đã có một thời mưa đêm làm trỗi dậy trong tôi bao suy nghĩ, lo lắng, ước mơ, ray rức. Nhưng cái trăn trở đó hoàn toàn khác hẳn sự trăn trở của những người nông dân như Tô Mến, như Thạch-Sa-Ling. Vậy đó, để đạt được năng suất năm tấn, sáu tấn lúa trên một héc-ta hay hơn nữa thì cũng chỉ là sự trao đổi của bao nhiêu giọt mồ hôi và bao đêm thức trắng. Để có những ngôi nhà tường lát gạch hoa mà tôi đứng ngắm lúc mới đến thì còn phải đổi bằng bao nhiêu sự khổ nhọc khác.

Khơi ngọn đèn cho sáng hơn chút nữa, Tô Mến nói tiếp như là anh đã đọc được suy nghĩ của tôi:

 

- Đến Giồng Cát này thấy nhà cửa, đồng ruộng vậy anh có nghĩ rằng trước đây toàn rừng rậm, bưng bàu không?

 

Không. Tôi hoàn toàn không có chút gì suy nghĩ như thế. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu.

 

Tập đoàn 19-5 nằm trên một Giồng Cát của ấp Lung Đen. Lung Đen đúng ra bà con Khơ-me gọi là Long (Đờ) Đen. Chuyện kể rằng ngày xưa nơi đây còn là rừng rú hoang vu chưa có bước chân người, có đôi vợ chồng người Khơ-me đến khai phá cất nhà ở. Rồi dần dần mảnh đất khai khẩn biến thành cánh đồng phì nhiêu, được nới rộng ra với bàn tay của ông Long (tên người chồng) và bà Đen (tên vợ). Sau đó có thêm nhiều gia đình khác cả Việt lẫn Khơ-me đến khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp tạo thành một khu xóm. Để tưởng nhớ người có công khai phá đầu tiên, bà con lấy tên đôi vợ chồng Khơ-me ấy đặt tên xóm. Về sau xóm Long (Đờ) Đen nhập cùng một số xóm khác như Tàng Khạo Tôn, Giồng Cát nhỏ thành ấp Lung Đen.

 

Giồng Cát nhỏ là đuôi giồng thứ hai mươi mốt, con giồng út của một dãy giồng chạy dài từ xã Phú Tâm đến Lung Đen xã Kế An. Toàn bộ dãy gom hai mươi mốt con giồng thì hai mươi giồng anh, giồng chị nằm gọn trong xã Phú Tâm, chỉ có đứa em út lại lọt thỏm bên Kế An như được mẹ gửi bà vú nuôi giùm. Nghe chuyện về con Giồng Út này tôi chợt có ý nghĩ - cũng xin các nhà địa chất đừng bắt bẻ - có lẽ ngày xưa thuở nơi đây còn là biển thì bà "Đại Dương" này chuyển mình dữ lắm, đẻ ra được hai mươi con giồng to lớn, khỏe khoắn rồi yên tâm ra đi. Nhưng mỗi bước được vài bước cảm thấy bụng còn nằng nặng nên ráng thêm. Vì sanh sau đẻ muộn, vả lại sức lực bà mẹ đã yếu đi phần nào nên đứa con có hơi èo uột. Nó nằm rốt cùng, nhỏ thó, chìm ngập trong một vùng nước. Vùng nê địa ấy chạy dài từ miếu ông Tà cho đến Mỏ Neo - chỗ eo của sông Giồng Cát. Nhìn trên bản đồ dãy Giồng Cát nằm theo hướng Bắc xuống Nam tạo thành hình thể giống như con chó ngồi thẳng lưng. Toàn bộ cùng một loại đất phù sa phủ trên Giồng Cát biển. Riêng ở anh Giồng Út này đất có màu gan rùa, sình nhiều hơn cát giồng khác. Chính vì thế mà rừng rú rậm rạp, hoang vu với các loại cây trâm, đưng, sậy. Đó là môi trường tốt cho sự sinh trưởng muỗi, mòng, đĩa, vắt. Còn thú rừng thì biết bao chồn, sóc, trăn, ráy, rắn độc, heo rừng, trâu rừng, voi... Cách nay trên một trăm ưng năm ông Lưu Phát vào khai phá khu rừng, bứng gốc tràm, phứt đứt sậy, cuốc chỗ gò san bằng chỗ trũng, biến chỗ ma thiêng chướng khí thành cánh đồng xanh rờn sắc lúa. Tôi nghĩ đến những người đi mở rừng đầu tiên mà thấy rợn người, khâm phục sức lực và ý chí của ông cha mình quá. Muỗi mòng, đĩa, vắt là mối đe dọa rồi còn bao nhiêu con thú nguy hiểm khác đối với con người luôn là một tai họa sẵn chờ. Họ khai phá, làm lụng nhưng luôn đề phòng, luyện cho con mắt phải tinh, tai phải thính, chân nhanh nhẹn, đôi tay phải là tay người thiện xạ. Nhớ có lần đến rừng súc được nghe chuyện những ông già ngày trước mà nghĩ đến người khai phá Giồng Cát nơi đây. Những ông cụ sống ở khu rừng súc rất giỏi về phóng lao và bắn cung. Đầu mũi tên họ tẩm nước đái ngựa để bắn thú rừng nếu không chết liền thì thịt chỗ vết thương ấy sẽ bị thối và con thú chết sau đó mấy ngày. Có một ông già thiện xạ về phóng lao. Đêm đêm ông luyện bằng cách đứng cách cây chuối mười thước để phóng. Mười lần phóng không trật một. Mũi lao ghim thẳng xuyên qua thân cây chuối. Vô tình có người thấy được rồi đồn lan ra. Một anh gần đó không tin mới tìm cách thử. Nửa đêm anh ta lẻn vào chuồng gà nhà ông già. Nghe gà kêu rộ tưởng ăn trộm, ông cầm cây lao chạy vụt ra ngoài. Vừa lúc đó thấy bóng đen từ chuồng gà chạy vụt ra, ông phóng một đường lao nghe "xựt". Bóng đen lảo đảo vài bước rồi ngã sấp. Mũi lao xuyên thấu bắp đùi anh ấy.

 

Cái chỗ ma thiêng chướng khí này vậy mà hồi xưa thằng Pháp cũng đặt chân đến. Mới đây thằng xâm lược nó không từ bỏ một xó xỉnh, hẻm hóc nào của nước thuộc địa. Đôi lúc trái lại, còn chú trọng hơn cả vì nó cũng biết rằng những nơi ấy thường gieo tai họa đối với nó. Nhưng mặc dầu bàn chân thực dân giẫm nát cỏ ở bên kia bờ Mỏ Neo nó cũng chỉ nhìn qua Giồng Cát với con mắt thèm khát, chứ không dám léo hánh. Giồng Cát vẫn là vùng giải phóng, vùng căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Bà con Việt, Khơ-me vẫn đoàn kết gắn bó, cánh đồng vẫn xanh, lúa hạt vàng rực đầy nhà để nuôi bộ đội. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà con được chia mỗi đầu người được tám công đất.

 

Nhưng đến thằng Mỹ nó xem đây là vùng căn cứ lõm, được quyền oanh kích tự do. Trên bản đồ - thời Thiệu - nó chấm điểm đỏ ở Giồng Cát. Bom cướp, bom trộm, pháo bầy, pháo lẻ đủ cả. Tôi đi qua cánh đồng đoàn 19-5 thường thấy những cái hố giữa ruộng cỏ mọc um tùm, súng nở trắng, rau muống bò xanh rì kín miệng. Thì ra đó chính là chứng tích tội ác của Mỹ đã một thời làm mưa làm gió nơi đây. Pháo ban ngày chưa thỏa, đêm đêm như cái lệ của những ông thầy tu nhớ cúng tư thời nói dội vào Giồng Cát hai, ba quả rồi mới yên tâm mà ngủ. Dân Giồng Cát bất luận trai gái trẻ già nếu ra thành sẽ bị địch bắt vì chúng coi đó là "Dân Việt Cộng". Những năm ấy đàn ông ở lại bám trụ, đoàn kết, tương trợ nhau để sản xuất, còn gia đình họ đưa qua xã Phú Lâm. Sống ở bên ngoài nhưng lòng luôn hướng về Giồng Cát, luôn tiếp tế, nuôi nấng cán bộ hoạt động ở  Giồng Cát.

 

- Bởi vậy hồi mới phát động thành lập tập đoàn bà con có người hỏi:  Tại sao trên lại chọn nơi đã từng nuôi cán bộ, chịu bom, chịu đạn làm "mũi nhọn" thành lập tổ chức làm ăn tập thể đầu tiên của huyện? - Chị Sa Ling nói - vì lúc ấy họ chưa hiểu tập đoàn là gì lại bị bọn xấu tuyên truyền nói vô tập đoàn xã đói. Tôi hỏi:

 

- Vậy theo chị thì sao?

 

- Còn sao nữa anh. Đến đấy anh thấy nhà ai lúa cũng đầy bồ. Nhà tường cứ liên tiếp mọc lên thì cần gì phải nói. Ờ, những ngôi nhà tường đó hầu hết là mới xây sau ngày giải phóng đó anh.

 

2. TẢN MẠN DỌC ĐƯỜNG

Buổi sáng sau cơn mưa, ánh nắng vàng hoa cúc chiếu rực trên tàng cây gừa ngoài mé sông. Những ngày tôi đến đây trời mưa liên tiếp. Nghe đài báo có cơn bão hình thành đâu đó rất xa, ở đây có lẽ cũng ảnh hưởng tí xíu nào đó nên mưa suốt. Nắng chỉ xuất hiện thoáng chốc. Chưa sưởi khô được những giọt nước đọng trên lá xoài thì đám mây mưa khác lại đến. Sáng nay, buổi sáng có ánh nắng rực rỡ, ấm áp nên cây cối có vẻ tươi tắn hơn, những đọt non mới nhú như cố vươn lên đón ánh mặt trời. Ngoài sân, nơi đống gạch vụn làm bê- tông nền nhà để lát gạch hoa, những chú gà giò nằm sải chân tắm nắng. Rảo bước theo bờ sông Giồng Cát hít thở cái không khí trong lành vùng nông thôn lòng tôi dậy lên một niềm vui kỳ lạ. Con sông thật hẹp, giống như con rạch, lục bình ken dày khép kín mặt nước từng khúc. Những chiếc võ lãi màu xanh nhạt chạy máy dầu, những chiếc xuồng tám lá, mười lá chở lúa đến xay đậu thành hàng trước nhà máy xay "dã chiến". Những bao lúa tròn căng được tập đoàn viên chuyển lên cầm nước. Tiếng máy Kubôta từ trong nhà máy nổi lên nghe âm âm, âm thanh ấy như có cái gì thôi thúc, như là một sự khuấy động nhẹ nhàng trong tâm hồn người khách lạ trước nhịp điệu cuộc sống ở vùng đất mình vừa mới đến.

 

Đang nhìn cô gái đỡ bao lúa lên vai anh thanh niên, chiếc xuồng lắc lư, và tiếng cười họ như lan ra trên mặt sông thì Tô Mến đến. Anh vỗ vào vai tôi, cười hà hà.

 

- Mơ mộng hả? Đi.

 

- Đi đâu?

 

- Ăn đám cưới. Không nhớ hả?

 

À, ra hôm nay là ngày tuyên bố của anh Sơn Đẹt và chị Lý Thị Kýt mà suýt nữa tôi quên. Hèn chi trông Tô Mến có vẻ tươm tất. Đầu chải tém gọn ghẽ tôn thêm nụ cười vốn đã rất sảng khoái mà tôi thấy trong đó chút tinh nghịch. Chiếc áo bà ba trắng đã ngả màu vàng phèn như chực bung ra vì những bắp thịt bên trong...

 

Bờ mẫu còn ướt nước mưa trơn trợt, tôi lò dò đi từng bước. Tô Mến chờ tôi đến gần, anh hỏi:

 

- Anh thấy lúa có đã mắt không?

 

Chúng tôi đứng lại đưa mắt nhìn cánh đồng. Nắng buổi sáng là tấm thảm lúa xanh mỡn giống như có ai đó đã phết lên một lớp mảng mỡ gà trên từng chiếc lá. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi cười thay cho câu trả lời. Như đứa trẻ vuốt ve con búp bê, món quà mẹ mới tặng cho, tôi ngồi xuống mé ruộng vòng bụi lúa vào lòng bàn tay vuốt nhẹ lên. Cảm giác mát lạnh, mềm mại của lá lúa còn thấm sương chuyền qua làn da làm lòng tôi nôn nao. Bụi lúa nở to, xòe ra chứng tỏ sự phát triển thoải mái do cấy cạn theo kỹ thuật.

 

- Đánh "tốc công sự" tụi sâu cuốn lá năm rồi, nay lúa mới được vậy đó!

 

Ra vậy. Cánh đồng rộng 105,4 hécta nằm trên địa thế giống như bàn cờ này vụ hè thu năm rồi tràn ngập "giặc" cuốn lá. Đám ruộng của chú Hai Thành bị nặng nhất. Mất ăn, mất ngủ, sức khỏe sa sút nhanh chóng mà chú chưa tìm được cách diệt. Thuốc xịt xuống ít hiệu quả, bởi lũ "giặc ấy lợi dụng được lá lúa che chở, thuốc khó lọt vào tận "sào huyệt". Phải làm cách nào xé được lá lúa ra. "Thằng giặc" lộ nguyên hình? Một đêm, chú bỗng ngồi bật dậy cầm cây chỗi tàu cau ra ruộng quất thử. Chú soi đèn thấy cỏ xác sâu rơi xuống, nhưng ít. Chỗi tàu cau mềm quá. Nhưng chú đã tìm ra đáp số. Sáng, chú gom góp chà tre, trâm bầu bó thành từng bó vừa đủ nắm tay. Quất trên lá lúa, sâu rơi xuống nước nổi lều bều. Xong chú bơm nước vào ruộng, lấy nhớt trộn thuốc chế trên đầu nguồn nước. Thuốc được dòng nước đưa đi và nhớt làm lan rộng đều trên mặt ruộng đến từng gốc lúa. Lũ sâu bị "đánh tốc công sự, tiêu diệt tận hang ổ" nên vô phương sống sót.

 

Tô Mến chỉ đám ruộng của chú Hai Thành:

 

- Năm rồi lúa không xanh được vậy đâu. Diệt xong sâu, sáng ra, do nhớt lên lá lúa mướt mượt. Nhưng không sao. Năng suất vẫn được 5,4 tấn hécta. Ruộng chú Hai Thành, không ai ngờ cả, bảy tấn hai trên một hécta.

 

Hình ảnh lúa vàng rôm chất đầy sân, đầy nhà không có lối đi qua mỗi vụ mà ba con tập đoàn viên thường nhắc bây giờ sừng sững trước mắt tôi. Nó cho tôi hiểu tại sao chỉ gần ba năm gia đình chú Hai Cảnh từ hai bàn tay trắng nay có được đàn gà vịt sáu, bảy chục con với một heo nái vừa đẻ lúc đầu tiên. Bước đầu làm ăn tập thể cơ ngơi chú khá vững. Tôi bỗng nghĩ đến hình thức đi của tập đoàn 19-5. Gọi là tập đoàn chứ thật ra ở cái giai đoạn quá độ này nó chỉ là tổ đoàn kết sản xuất. Bởi ruộng đất, nông cụ chưa tập thể hóa. Về nông cụ vừa có phần cá nhân lại vừa có phần tập thể. Lúc nói chuyện với tôi về việc này, chú Cao Lý Rây - tập đoàn trưởng nói như tâm sự:

 

- Có nhiều người đến tập đoàn tham quan tỏ ý than phiền rằng tập đoàn chúng tôi cố tình đi chậm - họ hỏi tại sao cơ sở vật chất chúng tôi có nhiều - lúc đó chưa có bốn cái máy của tập thể - mà không tiện lên ăn chia, cứ để giậm chân mãi ở tổ đoàn kết sản xuất? Phải chăng chúng tôi mượn danh nghĩa tập đoàn để ngụy trang mà duy trì lối làm ăn cá thể? Thật khó trả lời đối với chúng tôi. Nói ra lúc ấy khi ý đồ mình chưa thực hiện được, biết họ có tin không? Nói thật với chú, tập đoàn viên trong tập đoàn này có đến 90% là trung nông, nông cụ sản xuất đều có trong tay cả. Nói ra vậy để thấy rằng óc tư hữu của họ nặng như thế nào. Khi họ chưa hiểu cách làm ăn mới ra sao mà đùng một cái tiến thẳng lên ăn chia, thành công thì không ai nói gì nhưng nếu có lỡ thất bác do thiên tai như năm 1978 ở một số nơi khác, chú nghĩ tinh thần họ như thế nào? Sở dĩ chúng tôi kéo dài hình thức tổ đoàn kết sản xuất gần ba năm mới tiến lên tập đoàn thật sự, vì muốn bà con quen dần lối làm ăn mới, thấy được cái lợi cụ thể của nó. Bên cạnh để chúng tôi trích lũy vốn bằng cách vận động bà con đóng góp sắm một số máy móc tập thể, chuẩn bị tiến lên tập đoàn. Như vậy họ không bị bỡ ngỡ, tin tưởng và quyết tâm tiến lên theo con đường hợp tác hóa khi họ thấy rằng quyền lợi cá nhân gắn liền với quyền lợi tập thể. Lên ăn chia tập đoàn chúng tôi sẽ vững. và đó cũng là nền móng để chúng tôi tiến lên hợp tác xã sau nầy.

 

Gần ba năm, thời gian gối đầu cho sự biến chuyển tập quán mấy nghìn năm làm ăn riêng lẻ có chậm lắm không? Câu hỏi ấy cứ làm tôi mãi băn khoăn. Và tôi nghĩ nhanh hay chậm nó còn tùy thuộc vào cái nền móng có vững chắc hay không. Câu trả lời chính xác bước đi của tập đoàn 19-5 có lẽ phải chờ một thời gian nữa khi tập đoàn đã vào quy củ.

 

- Đi đám cưới về tối lại nhà tôi uống cà phê chơi nghen.

 

Tôi ngạc nhiên một cách thú vị:

 

- Anh ghiền cà phê à?

 

- Không ghiền lắm đâu, một trăm gam uống năm bữa, một tuần mà. Không có lâu lâu thấy nhớ.

 

Tôi cười vui và thấy quí nét thật thà của anh. Tôi thích Tô Mến ngay từ lúc đầu biết anh. Hôm đó chúng tôi ngồi trước nhà chú tập đoàn trưởng nói chuyện với một vài tập đoàn viên. Đức Hoàng - chú bé bốn tuổi, con út chú Năm Tây - từ nhà sau đủng đỉnh đi lên, ôn khư khư trước ngực chén hạt mít luộc, miệng nhai ngồm ngoàm ngon lành. Thấy chén hạt mít, một anh người Khơ-me chạy đến bốc một hạt.

 

- Cho xin hột nghen "ông tập đoàn trưởng". Nhanh như sóc anh chạy về chỗ cũ.

 

"Ông tập đoàn trưởng" ẹ ẹ đòi lại. Anh đến trả vào chén nhưng thật sự hạt mít vẫn còn trong lòng bàn tay - anh kẹp lại bằng ngón tay cái - chú bé thôi khóc quay ra sân. Lột hạt mít ăn miệng anh cười toe toét. Không nín được chúng tôi cười xòa. Hỏi ra mới biết anh tên Tô Mến.

- Chút nữa làm lễ rồi đi xem ruộng thằng Lý On, con Kýt. Lúa nó vụ này tốt nhứt tập đoàn đó. Tôi cậu mà làm không bằng tụi nó, chỉ một mười, một chín.

 

Kýt từ nhà sau đi lên, thấy tôi chị nở nụ cười thật tươi. Hôm qua, lúc đi chợ về ngồi trên chiếc võ lãi thấy tôi đứng ở cầu nước ngoài sông chị cũng cười như thế, nhưng nay có phần rạng rỡ hơn. Có lẽ do màu áo hồng ngày cưới. Đến lúc làm lễ, cô dâu ôm trước ngực bó hoa lục bình thì vẻ đẹp của chị tăng thêm. Trong ngày vui nhất đời mình đã có ai ôm trước ngực những đóa hoa tím vùng sông nước ấy chưa? Đẹp lắm. Vẻ đẹp duyên dáng như những câu ca dao trữ tình muôn thuở của dân tộc mình, có những cái đẹp ở trong tầm tay nhưng ta không thấy mà cứ mãi đòi hỏi những nét lạ thật xa vời. Thoáng chết, những đóa hoa tím nhạt gần giống màu hoa Păng-sê ấy đã xóa mờ cái ý nghĩa tượng trưng cánh hoa của loài bèo phiêu giạt mà con người hằng gắn cho nó, trong tôi. Cánh hoa ấy không là "phù lưu" nữa khi nó được nằm trong bàn tay xinh xắn, bên trái tim của người con gái Khơ-me, trang điểm thêm vẻ đẹp cô dâu. Giống như cuộc đời người dân tộc hôm nay sống quây quần, chan hòa với người Việt trong tập đoàn 19-5. Cùng chung lưng đấu cật nhau sản xuất theo con đường hợp tác hóa để góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đã qua rồi cái thời mà người Khơ-me bị bọn thực dân bốc lột tận xương tủy, cuộc đời họ chẳng khác gì cuộc đời của những nông nô.

 

Ý nghĩ tôi bỗng rẽ ngoặt về thời thực dân Pháp xâm lược. Thằng thực dân đầu tiên đặt chân đến tận ranh giới của Giồng Cát tên là La-bátx-tơ (Labasteur). Có lẽ cũng nên quật một tí về lý lịch của nó. La-bátx-tơ là tên lính thủy của quân đội Pháp, tham gia trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất ở châu Âu. Sang Việt Nam, sẵn có kinh nghiệm già dặn của tên lính viễn chinh đã từng đi qua những nước thuộc địa, nó liền tìm đến vùng đất heo hút này. Nó ngang nhiên cặm đất làm đền điền lúa trên mảnh đất mà người Khơ-me đã khai khẩn từ xưa, biến họ thành tôi mọi phục vụ cho nó. Và cái đồn điền La-bátx-tơ đó nó để cho một lũ cập rằn chọc trời khuấy nước, ở bên Pháp, hay ở những nước nó đốm trong thế chiến thứ nhất ai biết được nó đã bao nhiêu vợ. Nhưng sang Việt Nam số vợ chính thức của La-batx-tơ mà người ta biết là ba (chứ còn vợ ngày, vợ buổi chẳng ai mà biết được). Vợ một, vợ hai nó ở Quảng Trị, Thừa Thiên. Vợ ba chính là Năm Huội quê ở Sóc Trăng. Năm Huội là mụ cường hào thứ thiệt. Mụ thông đồng với tụi cập rằn vơ vét lúa của nhân dân. Lúa trong bồ người ta cứ ngang nhiên mà xúc. Lúa đang phơi trên sân, như một lũ ăn cướp, chúng đến quét đem đi không chừa một hạt.. Đã thế còn đánh đập, chửi bới người dân Khơ-me khi gặp mụ mà quên chắp tay lạy. Cuộc sống người dân Khơ-me lúc ấy như người đang chới với giữa biển đêm.

 

Nếu ngày trước người dân Khơ-me chịu khổ nhục bao nhiêu dưới bàn tay của bọn thực dân thì hôm nay ở tập đoàn 19-5 họ được thương yêu, đùm bọc bấy nhiêu. Hầu hết những gia đình dân tộc ở đây đều từ xa đến, không đất đai, không nhà cửa. Bà con trong tập đoàn đã giúp đỡ từ cây cột, miếng lá đến san xẻ ruộng đất, cho mượn lúa giống, máy móc, cày xới, bơm nước. Với đức tính cần cù vốn có bà con lao động hăng say. Đến nay tất cả đều dư ăn, nhà cửa khang trang, trong nhà còn nuôi chó, mèo, gà, vịt, heo đủ cả.

 

Sau buổi lễ Lý On dẫn tôi đi xem ruộng của anh. Thật đúng như lời Tô Mến nói, bảy công HT6 của Lý On thấy rất mê. Lúa đang làm đòng, đều tăm tắp, bụi nở to, xanh mởn. Không chút hiện tượng gì gọi là sâu bệnh. Bờ vùng anh làm sạch nhẵn, không còn cọng cỏ và dưới ruộng tôi không thấy bụi năn, lác nào mặc dù đất nơi tập đoàn này độ PH tương đối cao. Đầu mùa mưa độ PH có từ 4 đến 4,5; giữa từ 4,5 đến 5; và cuối mùa từ 5 đến 4,5. Lội xuống đếm thử một vài bụi, thấy mỗi bụi trung bình 25 nhánh, mỗi nhánh, theo Lý On nói, năm rồi lúa không được tốt lắm mà có từ 85 đến 90 hạt. Thế nào chị Vang-Chênh - vợ anh - không chắc mẻm ba mươi giạ một công. Nếu cấy dày hơn chút nữa theo đúng kỹ thuật - ở đây bà con quen cấy thưa - tin rằng sẽ vượt hơn sáu tấn một hécta. Ngước lên, tôi bắt gặp nụ cười của Lý On. Anh nói:

 

- Giờ thấy lúa tôi mới ham chứ hồi ở chợ tôi lười biếng lắm. Về đây làm còn thấy ngán. Vợ tôi thì nó tuyên bố dầm mình chịu mưa suốt ngày cũng không ăn thua gì. Chừng làm có ăn rồi tôi mới mê, và siêng hơn.

 

Tôi cười chia sẻ niềm vui với anh.

 

Lúc về tôi đi cùng với một anh bạn, Tô Mến còn ở lại bàn chuyện gia đình. Ngang đám ruộng của bà con Khơ-me tôi thấy họ đang nhổ cỏ. Thấy chúng tôi họ cười nói, bàn tán gì một lúc rồi bỗng một chị khoảng ba sáu, ba bảy tuổi cất tiếng gọi:

 

- Hai anh ơi, con Phe nó thách tôi kêu được hai anh xuống nhổ cỏ phụ nó sẽ nhường bữa cơm chiều nay cho hai anh ăn đó.

 

Anh bạn tôi nhanh trí:

 

- Nhường vậy, cô ấy nhịn đói tụi tôi đâu đành!

 

- Không phải, con Phe nó nói sẽ chia ba. Nó sẽ ăn chung với hai anh một mâm - tiếng một cô gái.

 

Anh bạn nháy mắt, hỏi tôi:

 

- Tính sao?

 

- Xuống.

 

Chúng tôi đi vòng qua bờ mẫu lội xuống trong tiếng cười rộ lên. Có lẽ không ngờ chúng tôi xuống thiệt nên cô Phe mắc cỡ đỏ mặt, lại bị mấy cô khác giới thiệu với chúng tôi. Cô gái ấy còn rất trẻ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, nhỏ nhắn và rất minh.

 

- Tụi tôi không biết nhổ mấy cô chỉ nghen!

 

Họ liền làm cho chúng tôi xem. Thấy tôi nhổ một cô đứng gần nói:

 

- Anh nhổ hay quá mà nói không biết.

 

Phe ơi, tính sao mậy, chịu nhường cơm không? Cô gái đứng bên anh bạn tôi hỏi.

 

- Chịu liền.

 

- Thôi, khỏi cơm. Bây giờ mấy cô phục vụ văn nghệ là được rồi.

 

- Ờ, Phe ơi, mày hát Dù-kê đi.

 

- Hát Sa-ri-ka-keo đi Râm!

 

Người này thúc người kia, người kia bảo người nọ rốt cuộc ai cũng mắc cỡ không dám hát. Chỉ có tiếng cười nhộn. Thỉnh thoảng chị gọi chúng tôi lúc nãy cất lên rong giọng liền bị chìm đi trong tiếng cười vang cả cánh đồng.

 

3. ĐỔI THAY

Buổi chiều, trời lại chuẩn bị một cơn mưa.

Sa-ling ngồi trên chiếc võng cho bé Hiền bú. Chú bé buồn ngủ cứ khóc è ẹ. Tay vỗ nhè nhẹ vào đít đứa bé, miệng chị hát ru con bằng tiếng dân tộc, thỉnh thoảng xen vào vài câu hát ru lời Việt. Giọng chị trong và ấm, đầy chất dân gian. Nhớ hôm mới đến chị nhổ cỏ ngoài ruộng chưa về, tôi ngồi chơi với Tô Mến bỗng nghe tiếng ai cất lên ca vọng cỏ ở phía ruộng sau nhà, rồi tiếp theo là trận cười cất lên ca vọng cổ ở phía ruộng sau nhà, rồi tiếp theo là trận cười giòn giã. Tô Mến cười:

 

- Vợ tôi vô đó. Chắc chưa biết nhà có khách nên ca hát rum trời.

 

- Chị đi với ai vậy anh?

 

- Với con Kýt. Mợ cháu hễ gặp mặt là giỡn quên thôi.

 

Anh quay ra nói một câu tiếng Khơ-me, chắc là báo cho chị biết nhà có khách. Chị vào nhà còn mang theo tiếng cười khúc khích. Sa-ling rất đẹp, người mảnh nhưng khỏe, da trắng mịn, gương mặt gần giống như quả chôm chôm bóc vỏ - đôi mắt thật sáng và biết cười.

Bây giờ vẻ đẹp ấy càng nhân lên khi chị ngồi cho con bú, mắt nhìn ra hàng chuối và miệng hát dân ca. Nhìn chị tôi không ngờ một người đàn bà đã bảy đứa con mà còn giữ được nhan sắc như thế. Và dẫu cố tìm tôi cũng không bắt gặp nét gì của sự gian khổ ngày xưa, mặc dù cuộc sống vợ chồng chị đã trải qua nhiều cơn sóng gió.

 

Được bú no, được nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, bé Hiền nằm gọn trong lòng chị và ngủ say.

Bây giờ Sa-ling mới bắt kể.

 

Đó là vào khoảng tháng mười năm 1972.

 

Vợ chồng Tô Mến sống trong một căn nhà lá lụp xụp ở xã Phú Tâm. Thạch Sa Ling lúc ấy mới sanh được năm ngày còn yếu ớt, nhưng chị phải ráng đi đứng dọn dẹp nhà cửa và cơm nước cho hai con. Trong nhà tiền đã cạn. Trước lúc sanh, với gánh hàng rong trên vai ngày nào chạy gạo ngày ấy, hôm nào dư được chút đỉnh chị dành dụm để khi sanh. Còn thiền thuốc giấy, trà lá cho Tô Mến nữa. Anh ấy trốn lính suốt ngày ở trong ruộng, không dám về nhà. Tối tối anh mới lẻn về rồi hừng sáng phải đi. Những ngày này bọn cảnh sát lùng sục tận hang cùng ngỏ hẻm để bắt thanh niên trốn quân dịch bất kể ngày đêm. Tô Mến không dám về thường. Ở ruộng anh cắm câu ba bốn đêm mới đem về cho vợ. Trước đây cá thường để ăn nhưng bây giờ Sa-ling phải nhín nhút đem bán lấy tiền mua gạo. Bỗng liên tiếp bảy đêm Tô Mến không về. Mắt Sa-ling thâm lại và đỏ hoe. Anh đã bị bắt? Hay anh đã bị bắn trong lúc chúng nó đi kích đêm? Lòng chị nóng như áp bụng sát mẻ than đỏ rực dưới giường cữ. Mặc cái gió thốc qua những lỗ vách bị mục nát làm người chị run rẩy, đêm nào Sa-ling cũng ngồi bên cửa cho đến tận khuya. Chốc chốc chị lại đưa mắt nhìn qua khe cửa trong cái màn đêm dày đặc. Sa-ling không yên tâm nằm trong buồng như sợ nhỡ anh về kêu cửa chị sẽ không chạy ra mở kịp. Để rồi đến lúc đi từng bước vào buồng nước mắt chị cứ chảy suốt đêm.

 

Một buổi sáng Sa-ling đang loay hoay nấu nồi cháo thì có ông lục vào nhà. Quay lại chị bắt gặp cái cười như nắc nẻ của ông. Còn đang ngớ người chưa hiểu gì, ông Lục khép cửa lại, cởi áo nhà chùa ra, cười thật hiền.

 

- Nhìn không ra hả? Con chơi hết hả?

 

- Trời đất, sao kỳ vậy? Chị cười mà nước mắt cứ lăn xuống má.

Tô Mến - chính "ông lục" ấy - chạy vào buồng nựng con. Thạch Sa Ling trấn tỉnh được, đi vào nhìn.

 

- Cái đầu trọc lóc, lại bận áo lục ai mà nhìn ra.

 

Tô Mến kể lại quyết định của mình. Anh nghĩ bây giờ vào chùa mới có thể thoát thân vì dù sao tụi nó cũng kính nể chùa chiềng, nể Lục Cả. Sở dĩ anh không về sớm vì còn phải tập điệu bộ cho giống lục thiệt, sợ tụi nó nghi.

Nhưng nửa tháng sau, anh về nói:

 

- Không ở chùa nữa Sa-ling à.

 

- Lục Cả không cho hả?

 

- Không đâu. Lục Cả cho nhưng mình không biết tu, không thuộc kinh ở chùa kỳ lắm. Đi tu anh không cắm câu được, đâu có cá cho mẹ con em bán mua gạo. Mà Sa-ling nè, nghe nói tụi nó hổm rày có lùng sục các chùa ở Sóc Trăng rồi đó.

 

Tô Mến lại trở vào ruộng cắm câu. Và thật may, chỉ hai ngày sau anh rời chùa, tụi nó đến lùng sục, mặc cho Lục Cả ra ngăn.

 

Trời đổ mưa. Cơn mưa thật to như trút nước. Nhà đã lên đèn. Tô Mến bước vào, người ướt mem.

 

- Chờ lâu hả? Không đợi tôi trả lời, anh nói luôn - về nãy giờ nhưng còn đi vòng lại thăm ruộng. À, ngộ quá anh. hồi nãy tôi thấy ngoài biên lá lúa có hột nước nhỏ tí ti chạy lên từ từ cho đến chót đuôi. Vậy là sao hả anh?

 

Còn bàng hoàng về câu chuyện Sa-ling vừa kể, nghe Tô Mến hỏi về sự phát hiện của mình lòng tôi như quả bong bóng căng đến độ vỡ ra. Tôi quên trả lời mà hỏi lại anh:

 

- Anh coi ruộng kỹ đến vậy sao?

 

- Kỹ vậy mới được, anh. Hễ thấy hiện tượng gì thì thông báo cho tập đoàn ngay để trừ liền mà. Quen rồi, bây giờ ngày nào không ra ruộng là không chịu nổi.

 

Tôi nhìn anh thật lâu rồi giải thích theo mớ kiến thức về sinh vật học lỏm bỏm của mình. Đó có thể là hiện tượng ứa nước. Do áp suất thẩm thấu, cũng như vào xẩm tối những ngày nắng ráo, sương chưa xuống mà ta đi trên đám cỏ vẫn cảm thấy ướt chân. Không biết nó đúng với hiện tượng ấy không nhưng lúc nghe, Tô Mến mở to mắt rồi reo lên thích thú.

 

- A, ngộ quá hén!

 

Còn Sa-ling nói thế nào chiều mai chị cũng ra ruộng ngồi "rình" xem bằng được.

Đặt bé Hiền xuống võng, Thạch Sa Ling đi nhóm lửa. Còn lại mình Tô Mến, tôi mới hỏi tiếp câu chuyện lúc nãy. Bằng giọng khác lúc thường, anh kể chậm rãi:

 

- Cuộc sống lây lất ấy kéo dài cho đến ngày giải phóng. Sau đó tôi mới xin vô làm công nhân khuân vác ở nhà máy xay lúa Van Phong. Còn vất vả lắm, anh nghĩ, hai vợ chồng với sáu đứa con - lúc đó chưa có thằng Hiền - làm sao đủ ăn được. Thời gian ấy tôi biết chú Sáu Minh, bây giờ là Ủy viên vật tư của tập đoàn đó. Chú thường hay ra xay lúa mà. Biết được hoàn cảnh gia đình tôi vậy, chú thương. Khoảng tháng 12-1978, một bữa chú tới nhà tôi chơi rồi nói: "- Không ấy chú thiếm với mấy cháu về Giồng Cát đi, tập đoàn chia đất cho mà làm. Chứ sống vầy bấp bênh lắm. Còn phải cho tụi nhỏ đi học nữa". Chứ sống vầy bấp bênh lắm, còn phải cho tụi nhỏ đi học nữa". Vợ chồng tôi mừng mà lo lắm anh. Anh coi, mình không có vốn về trong đó biết sống ra sao? Vả lại, đó mới là tổ đoàn kết, đất đai còn của riêng biết bà con có chịu cho mình không? Rồi còn bao nhiêu thứ nữa. Lo lắm. Không ngủ được đâu. Chú Sáu thúc giục, tôi đành nói thật lòng mình. Chú nói: "Chú thiếm cứ vô đi đừng ngại. Bà con giúp đỡ cho. Tôi tính vầy chứ thiếm nghĩ coi, đồ đạc nhà cửa cái nào cần chở chú thiếm sắp đặt đi, sáng mốt tôi chạy võ lãi ra chở".

 

Về trong nầy, chú Sáu vận động xin cây, xin lá, rồi anh em xúm lại đắp nền cất nhà cho vợ chồng tôi. Bác Lưu Hưng cho được mười hai công ruộng, chú Hai Thành cho bốn công. Vậy là đủ mười sáu công tính theo đầu người lúc đó. Rồi chú Sáu Minh cho mượn lúa giống, lúa ăn. Cày xới, bơm nước chú cũng cho mượn máy hoặc làm giùm không lấy tiền. Ruột thịt vậy đó. Ờ, mà anh biết không, hồi nào tới giờ đâu có làm ruộng vậy mà bắt chước bà con vợ chồng tôi làm cũng được năm tấn một hécta.

 

Cố dìm nỗi đau riêng tư chợt trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng, sợ Tô Mến thấy, tôi quay sang hỏi vui Thạch Sa Ling:

 

- Anh chị tính chừng nào xây nhà tường đây?

 

Chị cười:

 

- Chưa đâu, bây giờ mới đủ ăn mà. Vợ chồng tôi tính vụ hè thu này sẽ đề nghị Ban quản lý mua của Nhà nước một cấp cột xi măng. Nếu tập đoàn trúng mùa, qua chừng năm, sáu vụ ăn chia là có thể xây nhà tường được hén anh?

 

Ngừng một lát, nghĩ sao, chị đưa mắt lườm chồng. Cái lườm vừa trách vừa lấp lánh nụ cười yêu.

 

- Chừng nào mà ảnh hết ghiền trà và cà phê thì lấy tiền đó cất được nhà tường.

 

Tô Mến nói như người biết lỗi:

 

- Kỳ thiệt, tôi ráng bỏ hoài mà không được. Lúc này ba bốn ngày mới uống một lần chứ trước thường lắm. Sáng mà có ly cà phê uống rồi đi ruộng, khỏe lắm anh.

 

Thấy lý thú ở "cái tật" của anh, như đồng tình, tôi nói với Sa-ling:

 

- Anh ghiền tí xíu nhưng làm việc khỏe hơn thì được chứ chị.

 

- Đàn ông mấy anh thì vậy không!

 

Bắt những con bọ gạo bay đến ánh đèn bỏ vào lòng bàn tay, tôi thoảng nghe mùi thơm của gạo lúc đến nhà máy xay "dã chiến".

 

Mưa đã dứt hẳn từ lâu. Bầu trời cao lấp lánh sao. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ bơi về nhà chú tập đoàn phó, xuồng lắc lư trên mặt nước mà tôi ngỡ như lòng mình đang dập dềnh trên con sóng vô hình.

 

Đêm chắc đã khuya bởi tôi chỉ còn nghe tiếng gõ đều đặn của chiếc đồng hồ treo tường. Cố dỗ giấc ngủ nhưng vẫn không tài nào chợp mắt. Nhưng không phải do ly cà phê lúc nãy ở nhà Tô Mến. Cái quặn thắt tôi cố dìm xuống trước mặt Tô Mến bây giờ trỗi dậy ầm ĩ, dai dẳng lòng tôi. Tình nghĩa gắn bó, thương yêu của những con người nơi đây đã làm tôi nhớ lại nỗi đau của gia đình mình.

 

Những năm Tây ruồng bố, má tôi phải vừa buôn bán nuôi con vừa nơm nớp lo sợ Tây đến bất ngờ. Người dân quê tôi thuở ấy lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị. Hễ nghe tin chúng đến làng bên cạnh là ở đây chạy sang làng khác trốn. Cứ như vậy có ngày đùm túm nhau chạy qua hai, ba làng có đến mười lăm, hai mươi cây số. Bởi mỗi lần bọn chúng kéo đến là nhà cửa bị đốt phá tan hoang, đàn ông bị đánh đập, phụ nữ bị nó hãm hiếp, man rợ. Những năm ấy má tôi phải oằn vai gánh nước mắm bán hàng ngày trong hai chiếc khạp da bò (lúc đó chưa có thùng thiếc). Người nào khỏe cũng chỉ gánh được mười lít là cùng bởi hai khạp không đã rất nặng. Vậy mà má tôi phải gánh đi từ làng này sang làng khác. Hoặc có khi trườn lên ghe đáy hàng khơi cân từng ký cá mòi gà, gánh đi hàng chục cây số.

 

Gia đình bên nội tôi giàu nhưng không giúp đỡ gì ba má tôi. Hơn nữa bà nội đã từ ba má tôi lâu rồi vì ba tôi không nghe lời bà, đi cưới má tôi - con của một gia đình nghèo nhứt nhì ở đó. Để khỏi nghe lời dị nghị bà nội tôi cũng làm đám cưới cho ba má tôi qua loa rồi từ luôn, không ngó mặt. Một ngày nhà đã hết gạo, hết tiền, vì lúc leo lên ghe đáy làng khơi bị té trặc chân, má tôi phải nghỉ bán mấy ngày nay. Còn ba tôi đi vá lưới mướn ở xa chưa về. Chị Tư tôi lúc ấy mới được ba tuổi đói cứ khóc hoài. Bà con ở đó ai cũng nghèo, chạy gạo ăn từng bữa, giúp đỡ vài bữa thôi chứ đâu thể giúp hoài. Mà má tôi cũng ngại. Buộc lòng, má tôi ẵm chị Tư tôi qua nhà nội xin cơm. Nội tôi với mấy chú đang ngồi ăn cơm trên bộ ván gõ, thấy má tôi qua không ai thèm nhìn tới. Má tôi không dám xin liền định chờ nhà ăn xong rồi mới hỏi chú Út tôi cho chị một chén. Chị tôi lúc giẫy nẩy, lúc khóc khề nhệ đòi cơm. Má tôi tủi thân vì không ai mở một lời: "Bới cho con Hóa miếng cơm!". Gạt nước mắt má tôi dỗ "thôi, nín đi con" giọng nghèn nghẹn. Nghe chị Tư tôi khóc hoài, bực mình, nội tôi quăng đũa xuống mâm:

 

- Nuôi hỏng nổi thì thì coi ai xin đem cho quách đi!

 

Má tôi giận run, nói qua làn nước mắt:

 

- Má nói vậy thì tôi cho nó.

 

Vì tủi thân vì túng thiếu má tôi đành cắt ruột đem chị Tư tôi cho một bà góa ở làng bên cạnh.

Vết thương ấy đã rút rỉa dần mòn sức khỏe của má tôi. Đã hơn ba mươi năm rồi mà mỗi lần nhớ đến má tôi vẫn khóc.

 

Đêm nay nằm giữa tình người má hằng mơ ước, cứ nhắm mắt lại là con thấy má trước mặt con. Má có biết không, nơi đây... Tôi bỗng nói với chính lòng tôi.

 

Chiếc võ lãi xé băng đám lục bình ken dày, lao ra sông cái. Nắng vương tơ trên những ngọn bần. Một điều gì thật lạ cứ dâng lên trong lòng tôi mãi khi mỗi căn nhà lần lượt đi qua trước mũi ghe. Nghe tiếng máy, từ những ngôi nhà hai bên bờ sông, một, hai, ba... Người chạy ra cầu nước vẫy chào chúng tôi. Có cả Phe, Râm với mấy cô nữa tôi đã gặp hôm nhổ cỏ ruộng mà chưa kịp biết tên. Phút chốc những hình ảnh về con người và những chuyện cuộc đời của họ mà tôi đã gặp, đã nghe cứ xoắn xuýt trước mắt. Ra tới Lung Đen tôi đưa mắt nhìn lên bờ để tìm một cảnh rất đẹp hôm đến mình đã thấy. Và kia, nổi bật trong màu xanh ngút ngàn của xoài, của chuối, của sa-kê, một tàng phượng đỏ rực hoa.

 

6-81

N.T

(Trại sáng tác Văn học Hậu Giang)

Nguyên Tùng
Số lần đọc: 2435
Ngày đăng: 10.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đua ghe Ngo trên sông Cái Lớn - Nguyễn Thị Diệp Mai
Chái bếp nhà quê - Phan Trung Nghĩa
Chuyện cổ tích của đất - Phan Trung Nghĩa
Ký ức một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Những mùa lúa đã xa xôi - Phan Trung Nghĩa
Người của một dòng sông - Phan Trung Nghĩa
Nhớ tết cũ - Phan Trung Nghĩa
Sản vật của bán đảo Cà Mau - Phan Trung Nghĩa
Hồ sơ một vết thương - Võ Ðắc Danh
Cha con ông Huế bụng - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả
Nơi bến sông (truyện ngắn)
Dấu hỏi lặng (truyện ngắn)