Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.232.165
 
Giữa bọn buôn người
Phan Đức Nam

Hắn hay nghĩ ngợi, nhưng đến bây giờ hắn mới có dịp nghĩ sâu về mình.

Có thể nói hắn là thằng trực tính, thích suy luận thực tế, mạnh mẽ và sòng phẳng. Nhưng đôi khi, cái nết hay nghĩ cũng đưa hắn đến vùng mộng mơ với nhiều ý tưởng lạ, mà hắn đinh ninh mình đúng - do đã rút ra từ những bậc thầy.

 

Xong cấp ba trường Trung học Dân tộc Nội trú, hắn học Cao đẳng Nông Lâm và ra trường với thứ hạng cao. Quanh ngôi sao thường có những vệ tinh, hắn mê đọc sách đọc truyện nên bị hút bởi nhiều bậc thầy, trong đó có một nhà văn đang nổi như cồn - ông là thần tượng của nhiều người chứ không phải riêng hắn. Người ta háo hức đón đợi những truyện mà nhà văn ấy viết ra, từ cốt truyện lạ đến con chữ đầy mê hoặc ẩn dụ. Quá ngưỡng mộ, hắn đã hỏi thăm tìm gặp nhà văn tài năng ấy, chỉ cần đứng xa ngắm ông là hắn đã thấy sung sướng rồi.

 

Tóm lại, bất cứ những gì nhà văn ấy nói hay viết cũng làm hắn để tâm theo dõi, lắng nghe, ngấu nghiến đọc, sau đó còn đem khoe với nhiều người.

 

Đặc biệt, trong nhiều truyện mà nhà văn ấy viết, có một truyện làm hắn phải giật mình.

Truyện tóm tắt thế này: Một gã sơn tràng trúng quả lớn, muốn tự chiêu đãi mình một cuộc ăn chơi cho thỏa những ngày kham khổ. Gã vào một quán vắng ven rừng ăn nhậu toàn đặc sản bổ dưỡng, sau đó bảo chủ quán tìm cho một em xinh xinh. Chủ quán nói sơm sớm thì còn có thể, chứ đang đêm chốn heo hút này thật khó. Gã sơn tràng nói khó nghĩa là vẫn có, ông cố tìm cho tôi, giá bao nhiêu cũng chơi. Ví dụ 10 đồng thì tôi trả ông 100 đồng được chưa? Lão chủ quán hám lợi, và cũng muốn chìu khách sộp, nên đang đêm đốt đuốc đi tìm. Mãi sau mới về, bảo: Tôi chịu không thể tìm ra, có một hai ả thì đã bị rước đi đâu mất rồi. Gã sơn tràng chờ lâu sốt ruột, háo hức ra giá: Thế 1.000đồng ông tìm được không? Trước món tiền bất ngờ quá lớn, lão chủ quán đắn đo... Cuối cùng cũng tìm được một con bé mười ba mười bốn tuổi. Gã sơn tràng đắc ý trước hàng độc, nói: Thấy chưa? Vậy mà bảo không có. Lão chủ quán thú nhận: Con gái tôi đó... Thấy anh quá cần nên tôi... Gã sơn tràng ngẩn người, chắt lưỡi, rồi nắm tay con bé lôi lên gác. Con bé sợ hãi run run... Gã thấy tội tội, nghĩ: Mình đã bỏ ra số tiền lớn thì cứ chơi. Gặp người bố như thế, mình không mua con bé thì sẽ có thằng khác mua.

 

Đọc truyện ấy xong hắn ấn tượng mãi, kẻ thực tế mạnh bạo như hắn mà cũng thấy rợn. Nhà văn của hắn dựng truyện hấp dẫn độc đáo quá! Ông đẩy đến tận cùng, trình bày lý giải thực tế lạnh lùng, cuối cùng kết án người cha rất độc, rất đau. Nhà dột từ nóc, hư là do trên, hắn cứ thế mà suy diễn...

 

Từ truyện ám ảnh ấy, hắn rút ra kết luận: Chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Và có tiền là có tất.

Tư tưởng hướng dẫn hành động, hắn phải làm sao để mau có nhiều tiền?

 

Phi thương bất phú - biết vậy nhưng đâu phải ai cũng buôn bán được. Hắn lại không có vốn. Vậy thì có gan làm giàu. Hắn có chút gan nhưng làm chuyện phi pháp quả thật không dám, hoặc chưa dám. Mà ngữ hắn cũng chẳng có điều kiện như... tham nhũng chẳng hạn. Vậy thì cái gan của hắn để làm gì không hại ai mà được lợi lớn?

 

À! Tiền rừng bạc bể - thế mà không nhớ ra! Từ nhỏ sống ở bản gần biên giới nên hắn chẳng xa lạ gì với rừng. Chuyện phá sơn lâm nhiều người sợ nhưng đối với hắn chẳng mấy khó khăn.

 

Suy đi tính lại, hắn quyết định bỏ quách công việc trồng rừng tháng vài trăm ngàn để nhập toán sơn tràng tìm cơ hội đổi đời. Hắn săn trầm, săn thú hiếm, đãi vàng, đào đá sa phi... Tóm lại toàn những việc nguy hiểm, hắn chấp nhận gian khổ phiêu lưu, hy vọng một ngày nào đó trúng quả lớn như nhân vật sơn tràng của nhà văn nọ.

 

Nhưng qua nhiều năm lăn lóc, vận may vẫn chưa mỉm cười với hắn. Hắn chua chát nhận ra ăn lộc rừng cũng rưng rưng nước mắt, lắm khi đổ cả máu nữa. Đôi lúc toán hắn cũng trúng quả kha khá, nhưng bù qua sớt lại những tháng ngày ăn trước trả sau cũng chẳng bõ bèn gì. Giữa chốn hoang vu nhưng cũng đầy bát nháo, đồng tiền lớn thì mạng người thành nhỏ. Nếu hắn không quen rừng, không khỏe mạnh khôn lanh - thêm chút may mắn nữa, thì chắc cũng đã vùi thây chốn rừng thiêng nước độc như vài thằng bạn rồi.

 

Nhiều lúc hắn chán nản định bỏ về, nhưng hình như con ma rừng đã ám và lôi kéo hắn lại. Dẫu sao thì lộc rừng vẫn nuôi hắn sống được, lại tự do thoải mái - điều này hợp với dòng máu hoang dã chảy trong hắn. Thôi trước mắt chưa tìm được việc gì khác thì hãy tạm sống nhờ lộc rừng, còn hơn làm thuê nhận đồng lương còm, ổn định đấy nhưng chẳng chút cơ hội đổi đời. Hắn phải kiên trì thôi.

 

Một chiều mưa rừng, mưa buồn bã lê thê, hắn ngồi trong quán núi nhìn về hướng rừng mịt mù mưa giăng mà ngán ngẫm. Mùa này dân sơn tràng làm ăn cực và khó lắm đây! Rừng cây bị đốn phá nhiều, mưa lũ sạt lỡ đất núi... đào vàng cực kỳ nguy hiểm! Có dại mới tìm trầm mùa mưa... Chỉ còn nước chờ lúc vừa tạnh mưa chịu khó đi săn, hoặc ra suối bắt cá... Mà lúc đó ông lớn ông nhỏ((1)  Dân rừng kiêng gọi tên mãnh thú, họ gọi voi là ông lớn, gọi cọp beo là ông nhỏ.1) cũng đang rình săn mồi...

 

Hắn chẳng sợ gian khổ hiểm nguy nhưng nghĩ Chúa Rừng đang thử thách mình.

Một lão người Tiều mới quen tháng trước ngồi cùng bàn với hắn, lão lơ đãng nhìn trời mưa, chậm rãi hỏi hắn: “Này, mày theo tao không?” Hắn lườm lườm hỏi lại: “Buôn lậu à?” Lão Tiều gật. Hắn lắc đầu. Lạ gì bọn chủ buôn, chúng chỉ muốn vắt kiệt sức lao động người làm thuê. Nếu có vốn hắn đã là trùm buôn lậu biên giới rồi. Hắn đã từng làm phu vác hàng lậu một thời gian nên quá biết. Nhận được đồng tiền của chủ hàng cũng đổ máu mắt. Đêm hôm mưa gió cõng bao hàng sáu bảy chục ký băng rừng lội suối, nơm nớp lo sợ, lén lút cực khổ... Biên phòng bắt thì toi công, bị giữ ít nhất cũng mấy ngày để truy chủ hàng. Nếu thoát, một bao hàng nặng chỉ được trả công trăm ngàn. Mà có phải đêm nào cũng vác hàng được đâu. Làm rơi hoặc mất hàng không lý do thì phải đền, còn bị nghi ngờ, bị bọn đầu gấu áp tải quát nạt sai khiến.

 

Có chút nghề chẳng dại làm thuê, tự mình đi rừng còn hơn, còn có cơ hội - Hắn nghĩ thế.

Lão Tiều như đoán được suy nghĩ hắn, lão nhếch mép cười: “Tao thuê một mình mày thôi. Một chuyến tao trả cho vài triệu”. Hắn giật mình! Vài triệu cơ à?... Buôn gì mà lời to thế?...

Tiền giả hay ma túy? Động vào thứ ấy nguy hiểm lắm! Trước sau cũng bị tóm, mà tóm vì thứ ấy thì...

 

Hắn tiếp tục im lặng, lì lì. Từng làm thuê vác mướn nơi biên giới nên hắn biết tránh hỏi hàng gì. Chấp nhận thì làm, vì có hỏi chủ hàng sẽ không nói, hay nói trá hàng này hàng nọ. Kẻ tò mò sẽ không được dùng, có khi còn bị nguy hiểm ở chốn này.

 

Nhưng hôm nay lão Tiều  hé mở: “Mày không phải vác gì cả. Chỉ dẫn đường thôi - đường nào lính biên phòng và kiểm lâm không biết đấy. Cứ qua biên giới tao trả sòng phẳng. Ăn uống tao lo”.

 

Hắn nghĩ nhanh: Thế thì... dù lão buôn hàng gì đi nữa... Mình không vác thì không sợ bị bắt quả tang. Mình dẫn đường đi trước, thấy động sẽ chuồn nhanh hơn bọn phu vác. Mạch rừng ở trong đầu mình, trong hai bàn chân mình. Có trăm ngàn ngã rừng nhưng biết thì ngã nào cũng dẫn đến đích.

 

Hắn nhận lời - cũng là thử thời vận, trở thành kẻ dẫn đường cho bọn buôn người.

Thoạt đầu quả thật hắn chưa biết, vì lão Tiều chỉ nói: “Tao tìm việc cho họ bên Tầu - họ không đủ tiền đi hợp pháp. Cứ một người qua lọt tao trả mày một triệu”.

 

Chuyến đầu thử thách có bốn người, những chuyến sau tăng dần, có chuyến hắn được gần 20 triệu. Lão Tiều trả sòng phẳng. Hắn biết nhiệm vụ mình quan trọng. Không sòng phẳng với hắn thì họ dễ chui vào rọ.

 

Hắn không ngờ mình lại trúng quả khá vậy. Không phải chia lợi cho ai, lại nhẹ nhàng và an toàn cao. Thì ra tính một đàng sàng một nẻo, lộc rừng không cho hắn thì Chúa Rừng cho lộc người. Hắn chỉ việc làm tốt nhiệm vụ mình, tự tìm những lối đi mới bí mật an toàn, không những được tiền mà đôi khi hắn còn được thưởng thêm của lạ.

 

Một đêm, ả Xuyến vừa vuốt ve bộ ngực rắn chắc của hắn vừa nói: “Anh biết không? Xin đi lao động nước ngoài tốn mấy chục triệu mà chưa chắc đi được. Đây em chỉ lấy mỗi người 5 triệu. Chi phí đi còn 3 triệu: em 1 triệu, anh 1 triệu, lão Tiều 1 triệu - lão giới thiệu việc làm bên đó mà. Sang năm em xây nhà xong, anh về ở với em nhá? Có anh lão Tiều sẽ không dám trở mặt. Vài tháng mình tổ chức một chuyến. Em nắm xong đầu mối bên ấy thì không cần lão ta nữa”.

 

Hắn ậm ờ, biết lão Tiều và ả Xuyến đang khai thác tài xuyên rừng của mình. Được thôi! Công trả thế cũng đáng để hắn làm, lại ít cực nhọc nguy hiểm. Hắn luôn đi trước khoảng trăm mét, thấy động thì giả tiếng chim báo hiệu cho đoàn đi sau luồn nấp vào rừng. Hắn mà luồn vào rừng thì còn chui sâu hơn con xuyên sơn giáp.

 

Hắn để ý thấy những người vượt biên sang Tầu lao động hầu hết là phụ nữ - mà toàn gái trẻ. Trong những câu chuyện trên đường, không cần phải tò mò, hắn cũng được biết có cô đã lập gia đình, nhưng vợ chồng làm ăn thất bại đổ nợ lớn. Nếu bên Tầu cần người giúp việc nam thì anh chồng đã đi rồi, đành để vợ đi vậy - cũng là trốn nợ, chồng ở nhà có cớ khất lần, mong tháng tháng vợ gửi tiền về nuôi con trước đã. Ả Xuyến buôn bán qua lại biên giới nói: Chuyện ấy dễ, qua Tầu chị sẽ giới thiệu em giúp việc cho một gia đình, chịu khó săn sóc tắm rửa cho ông  già bị tê liệt mấy năm nay, tháng họ trả cho hai triệu tiền Việt. Nhớ một tháng chi cho chị 200 ngàn nhé?

 

Nhiều cô chưa chồng, lão Tiều đã chọn chỗ làm cho rồi. Ả Xuyến còn hứa sẽ làm mai cho ông này anh nọ, lớn tuổi một chút nhưng giàu có đàng hoàng, nhà ba bốn xe hơi. Chỉ việc đẻ cho ông ta đứa con trai là muốn gì có nấy. Chứ ở quê lấy thằng nhà nông nghèo kiết xác, nó ăn nhậu cục cằn đánh đập khổ cả đời.

 

Cô thì cha mẹ cho đi sau khi đã nhận của ả Xuyến 5 triệu đồng, cộng với 5 triệu đưa đi, qua đó làm công nửa năm không lương. Thế là tốt rồi, còn hơn ở nhà thất nghiệp cũng phải ăn. Ra Hà Nội phụ việc tháng chỉ vài trăm ngàn.

 

Còn nhiều, nhiều nữa, mỗi người một hoàn  cảnh, nói chung họ đều quá nghèo, ít học hoặc thất học, nhẹ dạ cả tin, không kiếm được việc làm nên mới phải liều trốn ra nước ngoài với hy vọng đổi đời.

 

Hắn lắng nghe những thân phận mà buồn, chua chát và thấy tưng tức!... Là trai tráng có ít chữ như hắn mà cũng khó tìm việc nữa là...

 

Hắn lờ mờ hiểu trong những mảnh đời đó có kẻ cam phận, có kẻ đánh liều với số phận, có kẻ bị lừa gạt... Qua biên giới có đuợc làm việc hay không thì chỉ ả Xuyến và lão Tiều là biết trước.

 

Hắn chắt lưỡi! Nếu có chuyện giời đất phạt, hay pháp luật trừng trị, thì ai gây tội người nấy chịu. Hắn mang cái triết lý trong truyện ngắn của nhà văn mình ái mộ ra mà bào chữa: Mình không dẫn đường thì sẽ có thằng khác dẫn đường. Lỗi là tại họ. Nếu không tại họ thì tại cha mẹ gia đình họ, tại xã hội nữa. Khôn sống dại chết. Khôn ăn người dại bị người ăn.

 

Nghĩ vậy nhưng hắn cũng phân vân... Hắn là thằng ưa suy nghĩ mà.

Ả Xuyến thường hẹn những người muốn đổi đời tại một nhà trọ hay khách sạn vắng vẻ gần biên giới - mà ả thay đổi luôn. Sau khi tập trung đủ sẽ nhắn tin cho lão Tiều và hắn đến, cả bọn “liên hoan” một bữa rồi xuất phát.

 

Đêm nay, hắn khoác chăn bông đứng trên sân thượng của khách sạn Tam Đường mà lòng tự dưng thấy buồn buồn... Sau cơn mưa trời đêm chi chít sao, không gian bát ngát bao la... Hắn ưa suy nghĩ thực tế nhưng đôi lúc cũng thả hồn mơ mộng, nhất là giữa trời đất mênh mông thoáng rộng vô cùng này, hắn thấy mình nhỏ bé và cô đơn...

 

Nghỉ đêm ở đây, ngày mai hắn sẽ dẫn đoàn vượt đèo Giang Ma xuống Bình Lư, đường dài 30 cây số hết địa phân Lai Châu là đến Lào Cai, nhưng hắn biết có đường mòn tắt xuyên rừng chỉ non 20 cây số. Chính từ “mái nhà nước Việt”((2)  Ranh giới tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai trên núi Hoàng Liên.2) trên núi Hoàng Liên, hắn đã khám phá thêm một con đường tắt nữa - phải lên xuống nhiều dốc dài, băng qua hai thác dữ... Không sao, sẽ dẫn họ đi xa đến khúc cạn, hắn đã chuẩn bị dây thừng băng suối, như thế an toàn hơn.

 

Chuyến này 8 người... Mình sẽ được thêm 8 triệu... Thế là tốt rồi... Có con bé xinh xinh mới mười hai mười ba tuổi mà cha mẹ nó đã cho đi giúp việc bên Tầu à?... Tội nhỉ? Chắc chẳng được học hành gì?...”

“Con nhà nghèo, gặp cha mẹ như thế thì phải chịu chứ biết sao?! Nó bé quá không có khả năng chống đỡ - Ông nhà văn viết đúng thật!”

 

Hắn cảm thấy ghét ghét cái người cha người mẹ của con bé... “Mình mà có con, mình sẽ không để như thế. Sau chuyến này, được kha khá tiền rồi, chắc mình về bản bắt con vợ thôi”.

 

Đang miên man suy nghĩ, hắn chợt nghe có tiếng người rì rầm?... Rồi tiếng bước chân?... Với bản tính thận trọng đề phòng, hắn nấp nhanh sau một bức tường và nhìn ra...

Bóng lão Tiều và ả Xuyến lên cầu thang... Họ có vẻ vùng vằng gay gắt?... Cả hai ngồi vaò một ghế đá trên sân thượng - cách chỗ hắn nấp chỉ năm sáu mét.

 

Hắn nghe tiếng lão Tiều: “Tao nói rồi. Lão Kiến An chỉ trả 5 vé((3)  1 vé: 100 đô Mỹ.3) - bằng con bé chuyến trước”. Tiếng ả Xuyến cắt ngang: “Không được. Con này xinh hơn, trẻ hơn, zin đấy - cháu tôi mà. Ông phải đòi 10 vé. Ông không đòi được để tôi đòi cho.” - “Đừng hòng. Giá cả đâu đó cả rồi.” - “Này, nói để ông biết: Đừng tưởng qua mặt con này mãi nhé. Chuyến này tôi trừ ông 2 triệu đấy.” - “Cái gì? Mày dám trừ tao à? Giỏi nhỉ?” - “Sao lại không? Đừng tưởng tôi không biết. Con bé 15 tuổi chuyến trước ông lấy 7 vé phải không?” - “À ra mày ngủ với lão Kiến An rồi chứ gì? Lão phóng 10 vé mày cũng tin à?” - “Tôi chẳng tin ai. Nhưng phải rõ ràng. Chuyến này để tôi ra giá. Chịu thì bán” - “Mày dạo này lên nước nhỉ? Chứ mày nói thu mỗi đứa 5 triệu, sao có đứa đưa mày chín mười triệu?” - “Ấy là tôi phải lo chi phí đầu vào, tiền ngoại giao, tiền quà cáp, ăn uống tầu xe... Con nào ở xa tôi phải lấy hơn chứ. Thu được thêm thì tôi hưởng. Tôi với ông đã định giá rồi mà?” - “Thì đầu ra cũng là công của tao. Tao thu được hơn thì tao hưởng”.

Ra bọn buôn người! Trước đây hắn lờ mờ, giờ mới vỡ ra...

 

Ghê gớm thật! Ả Xuyến vừa nói gì nhỉ? Con bé ấy là cháu ả sao? Thế thì vô lương tâm quá!

Mà cũng tại cha mẹ con bé!... Hay họ bị ả gạt?... Ai chứ ả này thì dám lắm.

Hắn nhớ lại tối qua “liên hoan”, có nghe loáng thoáng con bé khoe với mấy chị bạn đồng hành: Cô Xuyến em tốt lắm! Chuyến này cô đưa em qua Tầu để phụ buôn bán, cô nuôi nấng mua sắm cho em, tháng tháng còn gửi về cho mẹ em triệu đồng. Cô giúp mẹ em nhiều rồi...

 

Thế mà ả Xuyến vừa nói: “chịu thì bán”... Khổ thân con bé!

Nó non choẹt thế mà bị bán thì tội nghiệp biết dường nào!...

Rồi hắn liên tưởng đến con bé nhân vật trong truyện của nhà văn mình ái mộ. Đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Gặp nguời cha, người mẹ, người cô như thế thì trước sau gì con bé cũng bị bán...

 

“Trong truyện ấy chính người cha tham tiền bán con mình, nhưng ở đây cha mẹ con bé này có bán nó đâu? Ả Xuyến đã lợi dụng tình thân thuộc mồi chài quyến rũ lừa gạt họ. Hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Trường hợp này không được. Thà mình không biết thì thôi. Con bé ngây thơ tội nghiệp không thể là nạn nhân của lũ khốn nạn này”.

Hắn chua xót nhận ra trong lũ khốn nạn này có cả mình.

 

Suốt đêm ấy, hắn cứ trằn trọc suy nghĩ. Ả Xuyến gõ cửa phòng hắn những ba lần, nhưng hắn im lặng giả ngủ say.

“Thà con bé đua đòi dại dột ngu dốt. Thà cha mẹ nó bán thì phải chịu, vì trước sau cũng sẽ như thế - như nhà văn ấy viết. Nhưng đây tất cả họ bị lừa.

Mình là thằng chẳng ra gì nhưng thích rõ ràng. Bán thì mua, đây không bán mà. Phải tìm cách cứu con bé...”

 

Tờ mờ sáng hôm sau, khi nhiều người còn cuộn mình trong chăn say ngủ, hoặc trốn cái lạnh của núi rừng Việt Bắc, thì hắn đã chuẩn bị đâu đó cả rồi. Lẽ ra phải tố cáo bọn này nhưng hắn sợ liên lụy đến mình. Hắn đã nghĩ suốt đêm: chỉ cần nói cho con bé biết, rồi dẫn nó trốn đi là xong. Trong rừng thì dễ rồi, nhưng mình dẫn đường phải đi trước... Vậy tốt nhất là trốn lúc này, mặc xác lũ buôn người, chúng muốn nghĩ muốn tính sao thì tính. Có chút vốn rồi, mình về xuôi làm ăn thôi...

 

Hơi khó là con bé đang ngủ chung với bà cô tham ác của nó, nhưng khi đã quyết thì mình sẽ nghĩ cách để tách con bé ra...

Hắn đến trước cửa phòng ả Xuyến rồi gõ nhẹ ba tiếng - đúng ám hiệu mà hắn và ả Xuyến đã dặn nhau. Quả nhiên ả Xuyến thò cái đầu bù xù ra, ả nguýt hắn rồi bĩu môi: “Đêm qua đi với con nào?” Hắn nhăn răng cười: “Đâu có! Mình uống say ngủ đấy mà” Rồi nắm tay ả: “Qua mình đi?” Ả Xuyến ngước nhìn trời rồi quay vào phòng... Con cháu nghe động cũng đã dậy... Ả ghé tai hắn nói nhỏ: “Anh về phòng trước đi. Chốc em qua” Hắn gật: “Qua nhé?... Rồi ở đấy chờ mình xuống căn-tin mua cà-phê, mua bia với bánh mì ốp-la...” Ả Xuyến nháy mắt gật, vuốt nhanh bụng dưới hắn. Người tình biết ả thích ăn bánh mì ốp la uống với bia mà.

 

Cửa phòng vừa khép là hắn bước nhanh về hướng cầu thang, nấp vào đấy mà nhìn ra... “Thế là hay rồi, nếu không lừa ả cách này thì mình sẽ có cách khác...”

 

Chỉ vài phút sau, hắn thấy ả Xuyến quấn áo len nhẹ nhàng bước ra... Hắn chờ ả đi khuất rồi mới nhanh chân tiến về cửa phòng.

 

Lần này thì con cháu bé thò đầu ra: “Chú đấy à!... Cô cháu vừa mới ra đấy... Cô bảo xuống căn-tin...” Hắn gật, nói nhanh: “Mau đi với chú. Cô Xuyến sắp bán cháu đấy”.

 

Cô bé tái mặt! Run run nghi ngại?... Cô Xuyến bảo chú này là chồng sắp cưới của cô cơ mà?... Sao chú ta lại nói thế?...

Hắn không có thì giờ để giải thích, nói dứt khoát: “Không tin thì chú đi đây. Nhưng cháu phải báo công an, nếu không sẽ nguy đấy”.

 

Giờ thì cô bé đã hơi tin, cô run run: “... Cháu phải làm sao?...” - “Đã nói là đi với chú. Không cần lấy gì hết. Ra đường rồi chú sẽ cho tiền về xe, hoặc đến nhờ công an thì tùy cháu”.

Hắn nói xong dợm bước, nghĩ: “Tùy nó thôi”.

 

Cô bé ngần ngại một chút rồi hấp tấp chạy theo... Hắn gật gù: “Có thế chứ! Số phận một phần cũng tùy nơi mình...” Hắn cảm thấy vui khi cứu được một người, cảm thấy khoan khoái khi nghĩ thêm điều hay hay hơi có lý.

 

Hắn xuống căn-tin lấy túi xách vừa gửi lúc sớm. Cô bán hàng đã được dặn gói sẵn bịch cà-phê sữa và hai ổ bánh mì ốp-la. “Hà hà! Ả Xuyến chắc đang sốt ruột chờ mình trong phòng. Phải mau đưa con bé đi thôi”.

 

Nhưng hắn và cô bé vừa bước ra cổng thì bị hai thanh niên chận lại, một người gằn giọng: “Đứng im. Anh đã bị bắt”.

 

*

Viên trung úy điều tra đọc xong tờ khai rồi nhìn hắn mỉm cười: “Anh nên thành thật khai lại. Tham gia bao nhiêu vụ? Được chia bao nhiêu? Ông Tiều và bà Xuyến đã khai rồi đấy. May cho anh là cô bé Dung đã kể lại hành động của anh vừa qua. Tôi nghĩ anh không đến nỗi xấu, có điều là biết lỗi và có sửa hay không?”

 

Hắn cắm mặt lắng nghe... “Đến nước này thì không giấu được nữa rồi! Công an họ tinh quá! Mình cứ tưởng mình khôn...”

 

Lão Tiều và ả Xuyến bị chuyển xuống Công an Thị trấn. Những cô gái sau đó lần lượt được tha về. Cô bé Dung khóc năn nỉ mấy anh công an tha cho hắn.

 

Thiếu tá Ân - trưởng đồn biên phòng bảo lãnh cho hắn được cải tạo tại chỗ. Có lần nhờ hắn mà toán trinh sát của ông tránh được bẫy sập nguy hiểm. Thiếu tá Ân biết con người mông muội nửa thiện nửa ác này có thể giáo dục được. Hắn phải ở trong môi trường tốt.

 

Những ngày lao động và nằm dài trong đồn, hắn có dịp suy nghĩ nhiều về mình. Kể ra muốn trốn thì hắn cũng có cơ hội. Nhưng hắn thấy mình sai rồi, suy nghĩ cũng sai rồi.

 

Rỗi rảnh, hắn mượn sách báo của anh em biên phòng đọc cho đỡ buồn. Thiếu tá Ân thấy hắn mê đọc nên cho mượn bộ Tội ác và trừng phạt của Đốtxtôiépxki - ông nghĩ đây cũng là cách giáo dục hắn. Hắn say mê đọc, giờ mới biết văn hào Nga này viết về cái ác mà nhân bản quá! “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”.

 

 

Còn nhà văn mà hắn từng mến mộ - đã vô tình hướng dẫn hắn từ tư tưởng đến hành động, thì hắn vẫn công nhận ông có tài, nhưng giờ thấy thiếu thiếu một cái gì?... Có cái ác lạnh ẩn khuất...

Cuối cùng hắn quyết định thổ lộ với người bảo lãnh mình, không phải để thanh minh bào chữa mà là muốn giải tỏa những ấm ức thắc mắc.

 

Thiếu tá Ân lắng nghe câu chuyện hắn kể, ông cũng giật mình!...

 

Ông cau mày suy nghĩ một lúc rồi nói: “Nhà văn đó trình bày ghê thật! Cũng hợp lý. Nhưng cậu cứ nghĩ kỹ đi. Từ truyện ấy cậu nghĩ có tiền là có tất cả chứ gì? Vậy thì truyện ấy dạy người ta ham tiền, dạy người ta tham lam, tìm mọi cách kiếm tiền không từ thủ đoạn nào. Cũng từ truyện ấy cậu cho là gặp người bố như thế thì trước sau gì con bé cũng bị bán phải không? Tác giả kết án người bố rất nặng, nhưng đồng thời cũng khuyến khích người ta làm ác, vì mình không mua thì sẽ có người khác mua. Tôi không phải là nhà văn, nhưng nếu được sửa cái kết đó thì tôi cho gã sơn tràng tặng người bố tham lam nhẫn tâm vài cái tát.

Hắn nghe mà chưng hửng!...

 

Sau đó hắn lại nghĩ: Ừ! Ông ta là sĩ quan biên phòng, là công an... thì mới suy nghĩ như thế, ông ta phải ngăn chặn tiêu diệt cái ác. Còn gã sơn tràng là dân chơi mà, tất hắn phải nghĩ theo kiểu dân chơi. Ông nhà văn viết vậy mới đúng tâm lý nhân vật...

 

Hắn rụt rè nói suy nghĩ này. Thiếu tá Ân có vẻ giận: “Nói thế mà cậu vẫn chưa thủng à? Vẫn còn bênh vực cho thần tượng mình à? Nhà văn viết phải cẩn trọng, phải có tâm, văn là người. Trình bày cái ác lạnh lùng như thế dẫu có đúng đi nữa thì vẫn là xui người ta làm ác rồi”.

 

Hắn xấu hổ, định không kể chuyện này, nhưng nghĩ nhỡ có người vô tình đọc phải truyện ấy, mông muội như hắn thì nguy.

 

Về sau, hắn là người theo sát thiếu tá Ân bắt bọn buôn người./.

 

Lai Châu - Điện Biên (Xuân 2006)

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2323
Ngày đăng: 18.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người già trong làng - Nguyễn Anh Thế
Hoa cỏ may - Huỳnh Văn Úc
Chiếc bóng trên tường - Sâm Thương
Đêm lạnh - Minh Diện
Phép tính của một nho sĩ - Trần Vũ
Về hưu - Khôi Vũ
Tứ Đại Đồng Đường - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm Trăng Bên Bờ Biển Ngà - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chân trời nơi đâu? - Đổ Thị Hồng Vân
Máu Chó - Minh Diện
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)