Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ tại biển Đông không phải là chuyện mới. Song cái mới là kèm bản đồ đó với yêu sách của Trung Quốc gửi cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc theo quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Nếu như năm 1909, chính quyền Quảng Đông, nhà Thanh với tinh thần bá quyền "Đại Hán", trước sự đe dọa của các đế quốc thực dân, đã cho các đảo ngoài đảo Pratas như Paracels (Hoàng Sa) là vô chủ, tổ chức thám sát và xác lập chủ quyền theo phương thức phương Tây như bắn 21 phát súng đại bác, cắm cờ… và cho rằng không có nước nào phản đối thì là điều dễ hiểu! Bởi nước sở hữu các quần đảo đó là Việt Nam đã mất quyền tự chủ, không có quyền ngoại giao vì bị Pháp xâm chiếm theo hiệp định Patenôtre năm 1884. Còn chính quyền thực dân Pháp, theo như thư tường trình ngày 4.5.1909 của Tổng lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu khuyến cáo, đã làm ngơ, vì phản đối sẽ làm bùng lên "chủ nghĩa Chauvin" ở Trung Quốc có hại cho quyền lợi của Pháp ở nước này. Điều này cũng dễ hiểu! Người Pháp luôn đặt nặng quyền lợi của nước Pháp lên trên hết, đâu thiết gì đến việc bảo vệ chủ quyền của "Annam" tại Paracels.
Sau khi làm ngơ một thời gian lâu hơn 20 năm, bị dư luận báo chí Pháp tại xứ bảo hộ "An Nam" cũng như tại chính quốc phản đối quyết liệt. Mặc dù toàn quyền Pasquier đã cho phép dự thẩm Bartet ra lệnh khám xét tòa soạn báo Eveil Economique, buộc báo này phải nộp tư liệu bức thư mật về sự "đổi chác" liên quan đến Paracels, song báo này đâu có chịu. Cuối cùng năm 1930, Toàn quyền Pasquier đã không còn do dự, thay đổi thái độ, không còn sợ mất quyền lợi của Pháp ở Trung Quốc, nên đã có quyết định dùng sức mạnh chiếm đóng Paracels (Hoàng Sa) và Pratlys (Trường Sa). Chính quyền Pháp cho rằng theo pháp lý quốc tế hồi ấy, việc lên tiếng chậm không phải vì vậy mà mất chủ quyền.
Thế rồi chiến tranh thế giới xảy ra, Trung Hoa Quốc gia bị Nhật Bản xâm chiếm và tổ chức kháng chiến. Nhật bại trận, Trung Hoa Dân quốc đương nhiên là một trong những nước kháng chiến chống phe Trục thành công, và có mặt trong các lãnh đạo đồng minh thắng trận lo trật tự thế giới mới và trước hết lo tiếp quản, giải giới quân đội phe phát xít. Việc chính quyền Tưởng Giới Thạch lo giải giáp, chiếm đóng ở đất liền và các hải đảo từ vĩ tuyến 13 trở lên như Hoàng Sa chiếu theo quy định của Đồng Minh là điều cũng dễ hiểu. Và ngay cả những đảo phía Nam như Trường Sa cũng dễ hiểu vì những nơi này chẳng bao lâu thực dân Pháp trở lại, làm chủ biển Đông thì Pháp chiếm cũng như trước đây!
Đến khi Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, tháng 4.1956 buộc phải rút quân khỏi Việt Nam và biển Đông bị khoảng trống quyền lực trong bối cảnh chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe đối đầu nhau. Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa và Đài Loan chiếm đảo Ba Bình - đảo lớn nhất của Trường Sa; việc các bên chiếm đảo và chính quyền hai bên của Việt Nam thấy có đồng minh chiếm giữ đảo cho mình cũng ủng hộ hay an tâm. Đó cũng là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh đối đầu nhau như thế!
Đến nay, Việt Nam đã thống nhất, hoàn toàn độc lập, không còn chế độ thực dân, cũng không còn chiến tranh lạnh hai bên đối đầu, hoàn cảnh lịch sử đã hoàn toàn khác, đáng lẽ Việt Nam phải được các nước tôn trọng chủ quyền của mình mới là đúng.
Tôi thách thức các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra được những bằng chứng, những sử liệu cụ thể trong chính sử hay trong các văn bản của nhà nước trước năm 1909 về xác lập chủ quyền của nhà nước Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng pháp lý quốc tế thời đó, như chính sử, sách điển lệ, các văn bản nhà nước từ châu bản đến các tờ tư, lệnh, bằng cấp của các chính quyền địa phương như Việt Nam có.
Tôi cũng thách thức các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra được những tư liệu lịch sử của phương Tây nói đến việc chiếm hữu chủ quyền của chính quyền Trung Quốc theo cách phương Tây trước năm 1909, khi Trung Quốc cho Paracels là vô chủ.
Tôi thách thức Trung Quốc trưng ra được bằng chứng bản đồ với tọa độ chính xác hiện nay do Phương Tây vẽ trước năm 1909 như bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ ghi rõ Paracel seu Cát Vàng.
Nếu có những sử liệu như Việt Nam, mới thể nói một cách khoa học rằng bất khả tranh nghị.
Thật dễ hiểu, vì quyền lợi kinh tế, Trung Quốc đã bất chấp sự thật lịch sử, bất chấp pháp lý quốc tế như Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nghị quyết chống dùng vũ lực và những quy định rất rõ trong Công ước Luật Biển 1982.
Bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Đài Loan năm 1988 -Bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc năm 1999- Nguồn: http://www.southchinasea.org
Theo TNO