Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.272
 
Bóng chiều
Phan Đức Nam

Lời thật mất lòng

(Tục ngữ)

 

Có tiếng gõ cửa, tôi giật mình choàng dậy... Mới 6 giờ... ai gọi thế? Tôi lẩm bẩm bước ra... À Long... học trò ngày xưa của tôi... Cậu ta lập nghiệp ở Bình Dương - cách đây 30 cây số... Mà sao cậu ta đến đây sớm vậy?...

 

Long dựng xe, gỡ mũ bảo hiểm: “Em đến sớm mới có hy vọng gặp thầy, chẳng qua là...” Tôi vẫy tay: “Vào đây... Lâu quá mới gặp...” Long bước vào, khoe ngay: “Em vừa được đăng truyện dự thi thầy ạ.” - Rồi rút trong ngực áo ra quyển tạp chí Văn.

 

Nhìn Long sung sướng rạng rỡ tôi mừng cho cậu ta, (thú thật cũng... hơi ghen): “Cậu khá lắm!” - Tôi khen. Long sung sướng, hai tay trịnh trọng trao tôi quyển tạp chí: “Xin tặng thầy. Em mời thầy đi uống cà-phê...” Tôi cười: “Chờ tôi rửa mặt cái đã...” Long gật: “Em muốn nhờ thầy xem hộ cái truyện mới viết...”

 

Kể ra Long cũng tin tưởng tôi - một thầy giáo dạy văn, ngày xưa từng có vài truyện đăng trong Đặc san Tết của trường...

 

Thầy trò vào quán, Long mời: “Thầy ăn sáng nhé?” Tôi lắc đầu: “Cảm ơn. Tôi ít ăn sáng”. Nói thế nhưng từ chiều qua đến giờ bụng tôi chỉ có chút rượu cặn với hai bìa đậu rán. (Chẳng qua tức bà vợ đấy mà! Bà ta làm ra tiền mặt cứ vác lên.) Long nài: “Vậy thầy uống cà-phê sữa nhé?” Kẻ sĩ là tôi vẫn lắc đầu: “Cho cái đen”. Rồi nghĩ: Trưa nay thế nào cậu ta chả mời mình lai rai để bình cái truyện mới viết...

 

Trưa hôm ấy, sau khi cạn chai nếp mới mà Long vừa tặng (cũng để chờ bà vợ đi bán hàng), tôi mới chậm rãi giở bản thảo của Long ra, hắng giọng: “Tôi đọc rồi, theo tôi cậu nên sửa chỗ này... Sau đó chuyển đoạn dưới lên...: “Thưa thầy... em nghĩ người đọc sẽ hiểu...” - “Rối lắm! Chưa chắc mấy ông biên tập hiểu nữa là...” - “Em nghĩ thầy hiểu được thì...” - “Cậu cứ nghe tôi cho chắc. Văn phải sáng sủa mạch lạc. Truyện này hay hơn truyện đã in đấy.” - “Thế à thầy?... Em định gửi dự thi tiếp...” - “Gửi đi. Phải thừa thắng xông lên”.

Xong chầu rượu góp ý, Long cao hứng chở tôi lên 81 Trần Quốc Thảo uống bia. Long mua luôn chục cuốn tạp chí Văn để tặng bạn bè. Cậu ta hồ hởi: “Tiền nhuận bút, thầy trò mình văn nghệ hết”.

 

Kể cũng phải. Tôi mà được đăng chắc còn tốn hơn.

Lai rai ở Hội quán tám mốt này được tiếng là văn nghệ sĩ. Tôi trịnh trọng nhìn quanh xem có ai quen?...

 

Những gương mặt bóng lưỡng, ngây ngô, hiền lành, vẻ khiêm nhường ẩn chứa cao ngạo. Lắm kẻ khôn nẻ đất, lại có người ngây thơ như mới từ trên trời rơi xuống. Thêm mấy bà mấy cô cụng ly nữa chứ! Văn nghệ cỡ tôi chưa thể lại gần.

Thầy trò tôi đang lâng lâng thì một ông cầm ly bia nhạt thếch còn non nửa tiến lại: “A! Xin chào! Lâu quá mới gặp nhà văn! Sao? Dạo này viết lách gì không?”

 

Được gọi là nhà văn cũng sướng - nhất là trước mặt học trò mình. Tôi hồ hởi đứng lên bắt tay ông bạn mới tới: “Cảm ơn anh, cũng viết lai rai... Nghe nói anh vừa đi Pháp?” - “À! Hội văn bút Paris mời đấy mà! Họ đài thọ một tuần. Cũng may mà có các cháu bên ấy...” - “Nhất anh rồi!... À xin giới thiệu: Đây anh Mười văn nghệ sĩ, còn đây là Long - một cây bút trẻ.”

Long sốt sắng kéo ghế và gọi bia.

 

Dân văn nghệ chúng tôi dễ làm quen, sau vài cái trăm phần trăm, đĩa mì xào thập cẩm vơi quá nửa. Ông Mười xách luôn chai bia mới khui đứng lên: “Xin lỗi hai bạn, mình qua chào mấy bạn văn nghệ bên kia một chút.” Rồi bước thẳng vào bàn trong, thân mật vỗ vai một ông già đeo kiếng đang gật gù... Tôi và Long nhìn theo... thấy quen quen... Hình như thường thấy ông ta trên báo, trên ti vi...

Sau tua chào mời, ông Mười cầm chai và ly không quay về, nói với tôi: “Nhà văn SN đó. Mấy bạn kia cũng trong Hội cả.”

 

Long nể ra mặt, sốt sắng gắp mồi đầy bát tôi và bát ông Mười.

Tôi ậm ờ gật gù, dù biết lão Mười trước nay chẳng viết lách quái gì, được cái lão thích chơi với dân văn nghệ. Lão chịu khó đọc báo, ghi nhớ ngày giờ địa điểm các cuộc triển lãm tranh tượng, các buổi giới thiệu tập thơ, tập văn... Nhiều lần Mười rủ tôi diện vào, đi ủng hộ một bạn văn thơ mới. Được dịp tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, được uống bia, ăn bánh ngọt, sang nữa là tiệc mặn, lúc về còn được tặng sách có chữ ký trang trọng.

Dân văn nghệ vốn hiền và xuề xòa - như nhà văn SN lúc nãy chẳng hạn - mắt mũi ông kèm nhèm chẳng rõ ai ra ai? Có người ái mộ đến bắt tay chúc bia mình thì phải lịch sự đứng lên, nếu có chụp hình quay phim kỷ niệm thì càng vui chứ sao.

Giờ Mười vừa cụng ly vừa nháy mắt với tôi, tôi thấy mình gần giống như lão.

 

Lúc chia tay về Bình Dương, cậu học trò tỉnh lẻ nói với tôi: “Em cảm ơn thầy. Hôm nay thầy đã cho em có dịp tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi... Em nghĩ sao thầy không viết lại ạ?...”

Tôi lừ đừ, bĩu môi: “Thôi!... Tôi chẳng... muốn tham gia... Sợ... bồi bút... đao bút... chực chờ... ghen tị... dèm pha...” - “Sao thầy lại nói vậy? Thầy say rồi!...” - “Tôi... chưa... say... Mà say... mới nói thật đấy nhé!...”

 

Long lắc mạnh tay tôi: “Thầy có say thì em cũng nói: Em nghĩ người có thực tài không vậy đâu. Họ trọng nhau. Thầy cứ thử viết vài truyện dự thi đi. Văn hay thời nào cũng hay” - “Ừ, ừ... Tôi có viết... thì viết chơi thôi... Thi thố gì?... Dành cho các bạn trẻ... Với lại... văn thơ khó chấm lắm?... Tùy quan niệm... mỗi người... mỗi thời... Hi hi!... Không khéo... phong tặng... nhau... đấy thôi...” - “Em không nghĩ vậy: Giấy trắng mực đen rành rành ra đó” - “Ừ... rành rành... ra đó...”

Hôm ấy tôi say, hay mượn say để nói? Để biện hộ? Hay tự ru ngủ mình?...

Dẫu sao từ hôm ấy tôi suy nghĩ rất nhiều, và cuối cùng... cầm bút.

 

“Mình phải viết - kẻo Long nghĩ mình chỉ nói mà không làm. Kể ra viết được cái truyện ngắn hay cực khó! Nhất là dạo sau này mình ít đọc, sợ viết trùng... Người ta lại bảo mình cắp ý... Nhưng nhỡ viết không được đăng thì bẽ mặt với Long... Nó đang ngưỡng mộ mình là kẻ sĩ... À! Lấy đại bút danh nào đó... Khi được đăng hẵng hay... Biết đâu mấy ông đang tìm cây bút mới?”

Buồn thay! Những truyện của tôi (và cả của Long viết sau này) đều không được đăng. May mà tôi đã dự tính trước...

 

Truyện được in của Long cũng không vào giải.

Tôi an ủi Long (cũng để an ủi mình): “Được giải chưa chắc đã hay...”

Long lặng thinh, rồi nói: “Hay chứ thầy. Phải đạt đến mức nào đó. Còn tuyệt tác thì cần thời gian”.

 

Tôi gật gù, nhưng cố biện giải, gần như trút những ấm ức lâu nay: “Đồng ý. Nhưng có chắc là không bỏ sót? Có khi vì thành kiến, vì không ưa, hay vì lý do nào đó?... Đôi khi có những truyện được in mà đọc chán phèo! Có truyện chỉ nhờ cái tên...” Long trầm tư: “Cái khó là làm sao có được cái tên”.

Chà! Hình như cậu ta sắp là kẻ sĩ?...

Sau, có lẽ vì tự ái, tôi cố đọc nhiều, mầy mò chịu khó viết, cuối cùng cũng được đăng vài truyện, vài bài thơ...

 

Tôi sung sướng lắm! Tôi alô cho Long và bạn bè, photo truyện thơ được in của mình phát tứ tung. Tự coi như đã bước vào chiếu văn chương sang trọng.

Còn Long thì sau đó chìm sâu nơi tỉnh lẻ, vắng bóng trên văn đàn.

Đôi khi tôi nghĩ mình viết lại và được đăng cũng nhờ Long phần nào. Cậu ta viết được. - dù chỉ vài truyện, nhưng sao không viết nữa nhỉ?...

 

Lâu lắm mới gặp Long chạy xe trên đường phố Sài Gòn, tôi đuổi theo chộp lại, cậu ta giật mình: “À thầy!...” Tôi rủ: “Mình uống chút gì chứ? Hôm nay tôi bao.” Long gật: “Vâng... Chiều em mới về.” Tôi trách: “Sao lâu nay cậu không ghé tôi?” Long cười.

 

Thầy trò tôi tạt vào một quán nhỏ. Hôm ấy chúng tôi toàn nói chuyện văn nghệ. Lần này chính Long nói nhiều chứ không phải tôi: “Em biết thầy viết được mà. Em biết sức mình. Có thể em cũng viết được, nhưng tự dưng em chán. Bởi em đọc lại những gì mình viết, và không ít truyện hồi nhỏ em mê, thấy nó nhạt, vớ vẩn làm sao! Nhiều thần tượng trong em đã đổ, làm như giờ em đã thấy được cái non cái giả. Riêng các bậc thầy thì luôn bất hủ. Em cứ đọc đi đọc lại tác phẩm của họ. Họ viết chơi chơi mà đọc vẫn hay”.

 

“Thầy biết tại sao em ngưng viết không? Phải nói là em thận trọng hơn. Bởi sau này em đi làm, có dịp tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhiều thành phần. Em có nhận xét là số đông người ta chỉ thích chứ không mê giới văn nghệ sĩ nhiều như mình tưởng đâu thầy ạ - Em nói thật đó. Dĩ nhiên số ít đã mê thì mê lắm! Còn điều tai hại hơn nữa là nhiều người lại nghĩ dân văn nghệ thiếu thực tế, hay lăng nhăng bê bối - Kể ra cũng có đấy thầy nhỉ? Theo em đó là loại dỏm, chưa tới, làm mang tiếng cho giới văn nghệ sĩ...

 

Ngày trước em cứ tưởng viết được in là ghê gớm lắm! Sẽ lòe và cưa đổ được cô bạn gái em yêu. Em đem khoe cô ta, không ngờ cô ta chỉ liếc qua rồi phớt lờ. Ra trước mặt cô ta em chẳng gờ-ram nào cả. Tự ái nổi lên, cô ta chẳng là cái đinh gì đối với em.

Thế là không gặp nhau - Cái chính là không hợp tạng. Nhờ thế em tỉnh dần. Sau, em nghiệm ra rằng: Chỉ cần ít tài thôi, nhưng phải biết cách đánh bóng. - nghệ thuật đấy thầy ạ, thêm may mắn nữa.”

Mặt tôi đỏ lên vì bia và vì những gì Long vừa nói...

“Em thí dụ nhé? Bỏ tiền ra in Tuyển tập thơ hay, Tuyển tập truyện ngắn hay... Tập trung nhiều tác giả danh tiếng, sau đó kèm tác phẩm của mình vào, ra vẻ mình cũng thuộc hàng cao thủ. Rồi nhờ viết bài lăng-xê, nhờ ăn nhậu, chạy chọt xin vào Hội này Hội kia... Nghĩ cho cùng là háo danh - bởi không có thực danh mới háo. Hoặc mua danh để làm ăn. Trường hợp này quả siêu thủ. Thưa thầy, cả hai trường hợp này em đều thua.

 

Bởi tác phẩm in chung bày ra đấy, như gà rù giữa đám đại bàng, thiên hạ đọc so sánh thấy ngay. Xấu hổ chết được! Còn muốn làm ăn thì có nhiều nghề, nhiều cách. Hà cớ gì phải giả văn nghệ, mượn văn nghệ để bon chen làm ăn kiếm chác? Hèn quá! Em khinh!”

Lâu lâu tôi mới gặp Long, nhưng mỗi lần gặp, cậu ta đều nhẩn nha nói, mỗi ngày một ít, tựu trung ý là vậy.

 

Những nhận xét đáo để của cậu ta làm tôi giật mình xấu hổ. Phải nói là tội thật sự gờm cái cậu học trò thông minh hóm hỉnh này. Lúc vòng vo, lúc thẳng tuột, cứ như đi guốc trong bụng người ta.

 

Trước đây nếu Long không đến tìm tôi, biết đâu cậu ta sẽ trở thành một văn tài? Long đã mừng, đã háo hức ngây thơ tin vào cái bóng của tôi, trong khi tôi đang dựa vào những cái bóng khác. Tôi đã làm hỏng văn Long mà cứ tưởng mình giúp. Tôi tưởng mình hay lắm!

Giờ tôi biết nói gì nữa? Chỉ dám nhỏ nhẹ khuyên Long (như Long đã từng khuyên tôi viết lại): “Em viết đi... Tôi biết giờ em sẽ viết hay.” Long cười: “Em đã nói với thầy rồi. Thời buổi thực dụng đa phần thiên về kinh tế, cho văn chương là phù phiếm. Em nói thế không có nghĩa là viết để mong được người ta quan tâm. Nhưng em thấy sự đãi ngộ thua xa các bộ môn ngành nghề khác. Thi văn chương là toàn thi với những người có học, từng trải cuộc đời, nhất là có tài nữa. Khó lắm chứ! Thế mà liệu có được tuyên dương rầm rộ như thi hoa hậu hay thi thể thao không? Đó là chưa dám so sánh giá trị vật chất.”

 

Long nói đên đây rồi nhìn tôi, sau đó hóm hỉnh: “Mà cần gì thầy nhỉ? Viết là tự thân mình sướng trước đã. Chỉ cần ít người hiểu mình đã thích rồi. Vậy đó! Em cứ luẩn quẩn như vậy. Rồi lần lữa, rồi chán, cầm bút lên lại đặt bút xuống... Giờ em thích đọc hơn thầy ạ. Em biết nhiều người viết không được hay, hoặc không viết, nhưng đọc rất tinh. Họ chỉ cần đọc vài câu vài trang là biết tác giả này có nghề hay không? Nghề cỡ nào? Những người đọc ngày nay đòi hỏi cao, trong khi người viết theo không kịp, mà cứ nghĩ độc giả họ ngây thơ...

Học bác sĩ kỹ sư... cho là mất 10 năm 20 năm đi nữa, ra trường cứ thế mà dạy, mà làm, vừa có danh vừa có tiền, được xã hội trọng vọng. Còn nghề văn thì phải học phải đọc suốt đời, lúc nào cũng suy tư trăn trở, phải mới, phải vượt chính mình. Nghề viết không sướng đâu thầy ạ. Cao quý lắm mà lao đao cũng lắm! Những tác phẩm hay thường bắt nguồn từ kinh nghiệm lâu dài, từ thất bại, đau khổ, có khi cả máu nữa. Cá nhân em không dám nghĩ nghề viết là thiên chức mà chỉ cho là cái nghiệp. Nghiệp có thể xấu có thể tốt, là bùa mê thuốc lú, nó cuốn con người ta. Nhiều người có địa vị, có tiền, muốn viết hay cũng đâu có được.”

Long cứ vừa thắt vừa mở, đùa mà thật! Lời thật thường mất lòng.

“Thầy đừng buồn em nhé? Em không nói thì thầy cũng thừa biết rồi đó. Dân văn nghệ cũng thừa biết, bởi họ nhậy cảm hơn những người khác. Có điều biết mà chẳng dám nói ra vì động tới chính mình đó thôi.

 

Còn em, em chẳng phải là văn nghệ sĩ. Em thích nói thật”.

Tôi ấp úng: “Cậu là dân văn nghệ đấy... nên mới hiểu được vậy... Nhiều lần tôi muốn vận động, muốn cậu xin vào Hội...” - “Ấy chớ! Em chỉ sợ người ta nói: Viết thế mà vào Hội được thì quá giỏi!

 

Tôi muốn mượn say cắm mặt xuống bàn.

Long biết tôi giận, cậu ta buồn buồn: “Em đã xin lỗi thầy trước rồi. Có thể thầy nghĩ em cay cú, nhưng thực tình em thích nói thật. Em viết cũng thật. Có thể nhiều người nhột và không ưa. Biết sao bây giờ? Tính em nó thế.”

 

“Nhưng đã nói thì nói cho ra lẽ! Em mong có thêm nhiều người viết cho vui. Không có rừng hoa thì khó tìm được hoa đẹp. Văn nghệ sĩ dù hay dở cũng phải có, phải tồn tại, dở thì phục vụ bình dân, hay thì phục vụ cao cấp. Họ sống không dám nói là ung dung nhưng cũng được được, nhờ vào số ít người quan tâm ái mộ. Coi như giúp nhau mà sống. Rồi thời gian sẽ sàng lọc.

Không có văn nghệ cũng chẳng chết ai. Nhưng có văn nghệ đời vui hơn. Gặp nhau mà toàn nói chuyện ăn nhậu, tiền bạc, vàng lên đô xuống... Cũng chán thầy nhỉ?

 

Mời thầy lên Bình Dương đến nhà em chơi. Ngay bây giờ càng tốt. - Em chở thầy đi. Vợ em hay lắm! Nói riêng với thầy: Cô ta bị em dụ chỉ vì cái truyện ngắn. Thầy thấy lạ không?”

 

Tôi ngơ ngẩn ngồi phía sau xe Long, chiều xuống chậm, những cái bóng chập chờn trên đường, mờ dần và sắp mất.

Tôi cũng thế. Tôi biết trừ một số ít xuất sắc, tôi và số đông sẽ mất, có khi chết ngay khi còn sống.

 

Giờ tôi đang là hiệu phó của một trường chuyên văn. Tôi đã từng đóng tiền đi học Trường viết văn Nguyễn Du, về biên tập cho vài báo (một tờ có phần hùn của tôi). Tôi ung dung hưởng lương, tự hào có thơ có truyện đăng. Lâu lâu tôi thảy vài bài giao lưu. Nhiều người nể tôi, mời tôi đến chơi, đến họp...

 

Nhưng tôi biết rất rõ người ta sẽ quên tôi. Sau khi tôi chết chắc chắn có đôi lời báo tin, phân ưu (cũng có thể trên báo Văn). Sau đó là quên.

Thỉnh thoảng nếu có ai nhắc đến tên tôi... “À!” Nghe nói ngày xưa hình như ông ấy có viết... Chẳng biết viết những gì?...”

Con cháu tôi có ưu ái tò mò tìm đọc, chúng đọc rồi sẽ quên...

Chính tôi biết thế.

Thôi vậy! Tôi đã sống đời của tôi.

 

Vậy mà giờ đến lượt anh lại đến nhờ tôi sửa hộ bản thảo đầu tay? Anh cứ là anh trước đã. Nếu thích thì anh cứ viết - viết bằng trái tim của riêng anh. Đừng ảo tưởng như tôi mà hãy thật với chính mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình ghê gớm cả. Đó là bài học của cậu học trò tỉnh lẻ đã dạy tôi.

 

Tôi đang đau nặng. Chắc bởi chứng trầm uất? Do tôi chưa viết được gì mà lại sống như một nghệ sĩ lớn. Thời đại mới rồi, tôi phải can đảm nhìn lại chính mình. Lớp trẻ thông minh đang kiểm chứng vào máy tính cả quá khứ và dự báo tương lai.

 

Nhờ anh lại bàn kia lấy cái truyện tôi vừa viết đêm qua. Anh cứ đọc đi, xong mang lại tòa soạn hộ tôi. Bài này tôi biết khó đăng. Thôi kệ! May ra.../.

 

Quảng Bá - Hà Nội -(Tháng 7-2007)

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 2189
Ngày đăng: 24.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Quê tôi - Phan Thế Hải
Báo hiếu - Đỗ Ngọc Thạch
4 truyện ngăn ngắn - Nguyễn Tam Phù Sa
Giọt máu đào - Nodar Dumbadze
Người Đàn Bà, Chuột & Mèo - Trương Lệ Hằng
Một câu chuyện về hạnh phúc - Vasily Grossman
Nhận giải thưởng - Khôi Vũ
Giữa bọn buôn người - Phan Đức Nam
Người hành nghề đao phủ - Đỗ Ngọc Thạch
Những người già trong làng - Nguyễn Anh Thế
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)