Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.214.090
 
Vợ người
Nguyễn Anh Thế

“Anh ạ! Mùa hoa này nữa là vườn táo nhà tôi tròn năm mươi tuổi rồi. Vườn táo mà hồi hôm anh khen là tốt lá và hoa thơm ấy. Đấy là công của bà lão nhà tôi . Năm nay mùa táo về muộn. Mấy đứa con tôi bảo chặt quách vườn táo đi. Mỗi mùa chúng nó cho vài triệu mà tiêu. Vặt táo rồi rách chân rách tay. Đấy chúng nó nói như thế . Giờ một thằng thì trong Sài Gòn, một thằng mất, còn một thằng ở riêng. Mà ở quê vài triệu thì to lắm. Nhưng chả lẽ tôi lại chửi vào mặt chúng nó. Tôi sẽ bảo: “Vườn táo là bố tao trồng cho tao, chúng mày không có quyền…”

 

Bức thư ông lão viết cho tôi mở đầu như thế. Bức thư dài năm trang giấy. Giấy học sinh ố vàng và nhàu nát. Nếu ông lão không viết thư cho tôi, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Thực sự là tôi hơi bất ngờ khi nhận được thư của ông lão. Tôi cầm cái phong bì dán nhấm lỗ chỗ, lật qua lật lại mấy lần chỉ thấy có một dòng chữ mực bút bi viết nắn nón nhưng nét chữ vẫn chệch ra khỏi ô kẻ ghi: người nhận…

 

“Tháng chín rồi anh ạ, mà vườn táo mới chớm vài bông. Mọi năm giữa tháng tám là ngào ngạt cả rồi. Tôi lo lắm. Khéo khi hỏng anh ạ. Dưng mà chắc là tại năm nay mưa gió thất thường! Mà bà lão nhà tôi ốm. Cũng tại bà đợi mùa hoa táo đấy. Tôi biết…À, hôm nào anh lại chơi”.

 

Tôi vừa đọc bức thư vừa giật mình hình dung dáng ngồi bó gối và giọng nói thủ thỉ của một ông lão nông dân khắc khổ. Cách đây đã mấy tháng, tôi có đến thăm vườn táo của ông. Chả là về huyện có thằng bạn bên văn hóa giới thiệu có vườn táo cội hay lắm. Nhưng hôm ấy ông ít nói. Ông chỉ ngồi thừ nghe bà lão và tôi nói chuyện. Chúng tôi vào chuyện từ vấn đề thời sự, giá cả rồi thế nào mà bà lão dẫn tôi về đến thời cải cách ruộng đất. Bà nói hăng, nói nhiều, ánh mắt dài dại. Rồi bà kết lại: “Đời tôi thế mà hết chú ạ! Tôi cứ nghĩ mình phải làm được cái gì đó. Nhưng không ngờ rồi lại phải lấy một thằng nông dân chân đất mắt toét rồi đẻ ra những đứa con nông dân như thế này đây”. Tôi cười gượng. Ông lão ngồi trầm, cằm đặt lên gối, khuôn mặt xô lại im lìm, nhẫn nhịn. Bà lão to béo, quí tướng ẩn. Tôi ra về, bà lão tiễn ra cửa. Ông lão vẫn ngồi nguyên tư thế, bất động. Thỉnh thoảnh cằm hơi giật, mái tóc xơ cứng dựng hẳn lên. Bài vở, bia bọt, bắt tay bắt chân đẩy vườn táo vào quên lãng.

 

I

 

Làng Nhượng nằm phía trong vành đai trắng. Những cọc dây thép gai lạnh ngắt nằm bất động chạy dài mãi khuất sau những quả đồi thấp. Sương xuống sớm, ướt đẫm vạt lá. Lí Tịch đứng ở búi tre đầu làng. Hai tay nắm chặt với nhau, đăm chiêu nhìn mãi cũng chỉ thấy một màu trắng lờ mờ. Màu của sương muối và màu đất trống mọc toàn một thứ lá khúc dại. Thỉnh thoảng gió thổi bạt lộ ra một cái cột sắt đen sì cao và nhọn, chôn trên mô đất sườn đồi. Mặt lí Tịch cau lại. Chiều qua nhà Quyển bị bắn ở đấy. Tên quan ba cho lính phục bắt sống nhà Quyển mang cơm chui qua hàng rào dây thép gai cho hội người nổi dậy. Lí Tịch đã dặn hắn rất kĩ, phải có người cảnh giới đợi khuya hẵng đi. Nhưng hắn vội.

 

Lí Tịch đá mạnh tên lính lệ đang ngủ lăn lóc bên vệ cổng làng. Tên lính bật dậy.

- Mày gác thế à? Thằng nào đang canh xác thằng Quyển?

- Dạ con mệt quá. Đang là ca thằng Nẫm ạ!

- Chúng mày liệu mà canh cho kĩ vào đấy. Thế nào đồng bọn nó cũng trộm xác, phải bắt bằng sạch. Nhưng nhớ cấm được bắn, phải bắt sống cho tao.

- Nhưng cụ ơi, ba ngày rồi. Chúng con treo nó lên ngọn cây bạch đàn. Quạ rỉa xác lòi cả ruột, đầu sắp rụng mà con vợ nó thì đứng dưới kêu gào suốt ngày đêm, xỉu mấy lần rồi cụ ạ!

- Rụng đầu thì cắm đầu vào cái sào cao. Bọn phiến loạn phải làm gắt mới được. Đuổi ngay con vợ nó về.

 

Tên lính lệ cụp mặt, nín lặng không nói gì. Lí Tịch biết nó cũng có họ hàng xa với nhà Quyển. Vẫn chắp tay sau lưng, lí Tịch lững thững đi ra mé đồi. Bỗng thấy gáy rờn rợn. Quay phắt lại, lí Tịch thấy tên lính lệ đang giơ cao báng súng. Hắn vội đập mạnh xuống, một con nhái bẹp ruột, hai mắt phọt bắn ra khỏi hốc, đỏ lòm.

 

Nén tiếng thở dài tránh tên lính lệ nghe thấy, lí Tịch khẽ lắc đầu bước gióng một  qua những tảng đất tươi vừa bị cày xới. Chắc lũ trẻ trong làng vừa đào chuột chiều qua. Cánh đồng là một lòng chảo, bốn phía là đồi trọc lưa thưa. Mỗi suất đinh được chia một mảnh đất bằng bàn tay khiến nó lỗ chỗ như cả một bàn cờ vẽ vội. Gốc rạ khô xác, không cả đủ nước để mọc lên một cái chồi xanh nho nhỏ. Gió bấc khẽ thốc vào sườn núi rồi quờ quạng tìm lối ra vội vã. Lí Tịch có cảm giác chống chếnh. Một nỗi buồn thê lương cứ len lỏi vào sâu tận trong lòng y. Giữa đồng không mông quạnh, y vẫn chắp tay sau lưng, hai vai gồng cao cố giữ quí tướng, tên lính lệ từ lúc trong cổng làng đến giờ, đầu lúc nào cũng cúi gằm, giữ khoảng cách với lí Tịch. Lí Tịch biết trong đầu hắn đang bộn bề lo sợ. Chỉ một phút không kiềm chế, biết đâu hắn đã hại cả vợ con hắn.

 

Chợt nghĩ tới vợ, không biết bà ấy thế nào. Lúc lí Tịch đi, bà đã bắt đầu trở dạ. Ba bà đỡ đã túc trực từ đêm trước. Nước ấm, thau đồng, khăn sạch cũng chuẩn bị cả rồi. Ở cái tuổi bốn mươi, sắp có đứa con đầu tiên, niềm vui trong lòng lí Tịch cứ trào dâng như ngọn sóng. Thế là cuối cùng, y cũng không mắc tội với tổ tông. Đã chục đời, chỉ có y là quèn nhất nên đã ngần này tuổi đầu mà vẫn lẹt đẹt cái chân lí trưởng. Buổi sớm, bà lí đã đau nặng hơn, thì lí Tịch lững thững đi ra phía cổng làng. Không ai biết ông đi đâu, mà nếu có nhìn vào khuôn mặt ông, cũng chịu không tài nào đoán nổi. Khuôn mặt lạnh, không gợn chút vui buồn. Thực ra, ông muốn ra một chút với thằng Quyển, khấn thầm mấy lời cho nó yên lòng nằm xuống cũng gọi là cầu nó phù hộ cho bà lí mẹ tròn con vuông.

 

Xác Quyển bị treo lên một ngọn bạch đàn cao bằng một sợi dây thừng thắt vào cổ. Khuôn mặt tím đen, lộ rõ hai con mắt lồi hẳn ra ngoài. Chân và tay buông thõng đễ lộ ra những đốt xương trắng ởn. Khẽ rùng mình, lí Tịch biết nó đã bị cắt đứt hết gân. Ruồi nhặng bu đầy trên tấm thân đã trương phềnh. Ở giữa bụng hắn, một đoạn ruột bị móc lòi ra. Bất chợt, lí Tịch hỏi tên Nẫm đang đứng bên cạnh:

- Sao không đuổi đàn quạ cho nó?

Nẫm tròn mắt ngạc nhiên. Sau phút lúng túng, hắn ấp úng:

- Trên đồi này, quạ nhiều vô kể, làm sao mà đuổi hết được ạ!

Lí Tịch gật nhẹ đầu cho là phải. Nẫm vẫn phân vân. Hắn không tin là lí Tịch thử hắn vì khuôn mặt của cụ lí cũng so lại trong cái hơi sương buốt lạnh.

 

Chỉ cần hắn khai ra một câu, biết đâu hắn sẽ được tha chết. Và cái xác bị treo trên kia… Chợt lí Tịch khựng lại. Trong thoáng chốc, ánh mắt cụ lí thoáng nét hãi hùng. Cạnh đó một đoạn, dưới gốc cây bạch đàn, một thằng bé nhếch nhác đang phóng ánh mắt vô hồn vào cụ lí.

 

Lí Tịch đi như chạy khỏi cánh đồng. Bà lí đã sinh một bé trai. Mẹ tròn con vuông. Thằng bé nặng ba cân hai. Lúc trao thằng bé cho lí Tịch, bà đỡ nói nhỏ câu gì mà mặt lí Tịch tái hẳn và gật đầu lia lịa. Thằng bé được đặt tên là Tâm.

 

Cụ lí thích nhất vườn táo. Ngoài thời gian lo công việc làng nước, cụ dồn hết vào chăm lo cho vườn táo. Cụ bảo: “Cái thứ hoa táo này nhỏ nhưng thanh, thu được hết ong bướm vào một mối”. Cụ thích dẫn thằng Tâm đi dạo vào buổi sáng mùa đông trong vườn táo. Hoa táo nở như cụm bông. Sương trắng bảng lảng. Nửa buổi thì nắng đổ ập xuống. Thằng Tâm lóa mắt, loạng choạng lao vào gốc cây. Gai táo đâm mù một mắt nó. Hôm sau, lí Tịch lập cập lén ra sườn đồi thắp cho nhà Quyển ba nén hương.

 

II

Cái Bưởi, con ông đồ Hành đã mười bảy tuổi. Nó mặc áo cánh thâm. Ngực căng như hai quả bưởi, lúc nào cũng chực xổ tung khỏi yếm. Môi đỏ và mắt lúng liếng. Gã trai làng nào cũng muốn đè ngửa nó ra nhưng không được vì chiều qua lí Tịch đã mang cau trầu dạm ngõ cho thằng Tâm. Nhà ông đồ Hành rộn rịp như có hội. Cái Bưởi cười, mắt thăm thẳm.

 

Đêm mười sáu, trăng rơi xuống ao lạnh ngắt. Bao nhiêu vũng ao, ngần ấy trăng. Trăng sáng đến độ, Bưởi thoáng nhìn rõ cả tia vằn đỏ trong mắt thằng Đoan. Ngày mai, nhà lí Tịch sẽ sang đón dâu. Bưởi phải vờ cười nói cả ngày để đêm trốn ra gốc cây sung. Đoan đã ngồi ở đấy từ bao giờ. Hắn ngồi bất động. Trăng rớt vào người loang nổ. Bưởi khẽ ngồi xuống cạnh Đoan. Hắn gằn từng tiếng trong cổ họng:

- Số cô thế mà sướng, thoát được cái thằng khố rách áo ôm này!

- Anh Đoan! Anh đừng nói thế mà tội tôi. Tôi nào có muốn. Nhưng ý bố mẹ, tôi làm sao cưỡng lại.

- Thôi đi cô. Sắp thành bà lí, khóc cái nỗi gì.

- Anh thừa biết là tôi yêu anh. Anh đừng dằn vặt tôi nữa. Tôi đã khổ trăm điều rồi.

 

Bưởi úp mặt vào đầu gối khóc rưng rức. Lúc ngẩng mặt lên thấy Đoan nhìn mình vô hồn. Bất chợt, Bưởi lạnh toát người. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Nhưng Bưởi im lặng. Quen quá. Quen nhất là đôi mắt vô hồn, không thần sắc. Không phải đôi mắt của Đoan. Mắt của Đoan dữ dội, đầy dục vọng. Mắt Đoan không lạnh ngắt như thế. Nhưng mà quen. Bưởi có cảm tưởng đôi mắt ấy đã có trong ý nghĩ của Bưởi từ lâu lắm rồi. Đôi mắt thừa ám ảnh nhưng nó chìm đi. Nó lẫn vào những thứ tạp nham hàng ngày. Bưởi cúi mặt xuống ngẫm ngợi, dằn vặt. Mãi rồi, Bưởi rụt rè ngẩng đầu nhìn Đoan. Trăng chui từ mặt ao đổ đầy hai hốc mắt Đoan. Hốc mắt toàn trăng. Bưởi ngã ngửa. Bưởi chạy. Bưởi không kịp thét.

 

Đoan đã nằm đè lên Bưởi. Hai tay Đoan bấm chặt hai tay Bưởi, kéo giật lên phía trên. Hai hốc mắt đầy trăng lướt nhẹ khắp mặt Bưởi. Đoan giật cúc áo Bưởi bằng miệng. Trăng đồng loã trên khuôn ngực trắng nhễ nhại của Bưởi. Bưởi hoang mang. Đoan đang hiếp dâm Bưởi. Nhưng Bưởi không thấy ngọn lửa dục vọng trong mắt Đoan. Chỉ có trăng. Hai hốc trăng mười sáu. Lạnh ngắt. Ngay cả những nhát thúc mạnh cũng như thể làm lấy được, làm để trút xả một nỗi uất ức. Không phải là Đoan. Người đàn ông đè xấp lên Bưởi không phải là Đoan. Bưởi hoảng loạn. Trong cơn mụ mị, Đoan rít tên lí Tịch, tên Tâm qua kẽ răng. Ngay lập tức Bưởi hiểu mình trở thành vật tế của sự hận thù. Bưởi nằm im chịu đựng, mê man nhìn lên ngọn cây sung. Bưởi thấy lão Quyển đang bị treo trên đó. Đôi mắt ngập ánh trăng nhìn Đoan buồn vô cùng. Và Bưởi lịm đi.

Bưởi về làm vợ Tâm được ba năm thì Tâm lên lí trưởng. Lúc ấy Tâm mười tám tuổi. Nhà ngói mười gian. Kẻ ăn người ở đến bữa cơm rượu như đám cỗ. Khu dinh thự xây bờ lao xung quanh bằng gạch chỉ cao quá hai đầu người cắm kín mảnh chai. Cách ba mét trên bờ vây lại có một chòi nhỏ. Mỗi chòi có hai người mang súng kíp canh suốt ngày đêm. Hai cánh cổng bằng gỗ lim, mỗi lần đóng mở cần ba lực điền đẩy mạnh. Thóc trong nhà ngày nắng nào cũng phải mang phơi, mọt chui ra bò kín đen những mảng tường nhà. Tâm sai người ở phân phát bớt cho người nghèo.

 

Cả làng ai cũng đến xin thóc mọt nhà lí Tâm. Đoan cũng đến. Đoan nhổ một bãi nước miếng lớn, mắt vằn lên cười sằng sặc:

- Không thoát tội đâu con ạ!

Lí Tâm xông ra, lí Tịch gọi giật lại:

- Để nó đi.

Đoan đi khỏi làng từ đấy. Lí Tịch bỗng dưng trở nên rầu dĩ, hai má hóp lại, mắt nhiều khi không chớp. Lí tịch cho xây một cái miếu nhỏ trong vườn táo. Cứ đêm mười sáu khấn vái suốt đêm như ma làm.

 

Bưởi đẻ con gái. đặt tên là Nụ, môi đỏ má hồng. Lí Tịch chống gậy đến thăm cháu lắc đầu:

- Hồng nhan thì bạc mệnh.

Bưởi hoảng hốt nhìn con thấy mắt con như hai vốc trăng, nước mắt tự nhiên trào ra. Chỉ có lí Tâm bình thản. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng.

Trước khi chết, lí Tịch gọi con đến khóc rằng:

- Đời cha làm việc thiện luỵ đến đời con rồi.

 

Năm 1954, bộ đôi qua làng đông như chảy hội. Chiến dịch Điên Biên đang vào hồi quyết liệt. Làng Nhượng là con đường huyết mạch. Ngày ngày, hàng giờ những đoàn quân tăng cường hành quân rầm rập. Ngay từ những ngày đầu, cứ sáng sớm, lí Tâm đã mũ áo chỉnh tề ra tận cổng làng đón chào bộ đội. Trong nhà đỏ lửa suốt đêm. Đồ xôi, giết lợn. Khu dinh cơ của cụ lí chật cứng bộ đội. Lí Tâm xắn quần móng lợn, ngồi bệt xuống chiếu bàn luận oang oang về cục diện từng trận đánh, khuôn mặt hỉ hả. Khi pháo qua làng, đường đất chật hẹp, lí Tâm đứng lên hô hào dân làng mở đường quan. Cơm ngày ba bữa cho cả đoàn người. Trong đợt quân cuối qua làng, lí Tâm run run nắm tay anh đại đội trưởng rất lâu:

- Các anh đi! Khi chiến thắng nhớ ghé qua làng. Còn chục khẩu súng kíp của các cụ để lại, xin hiến hết cho cách mạng.

Cái Nụ được gần chục tuổi, đứng cạnh cha miệng chúm chím:

- Cháu yêu chú zộ zội!

Anh đại đội trưởng xúc động cúi xuống hôn lên má cái Nụ. Anh đi một đoạn xa rồi ngoái đầu lại nghẹn ngào:

- Cách mạng sẽ không bao giờ quên anh Tâm ạ!

Họ vẫy tay cho nhau rất lâu. Tự nhiên họ đã trở thành những người đồng chí.

 

III

 

Người ta quả quyết là Đoan đã về. Người thì bảo ô tô đưa Đoan về tận ngõ, mà là ô tô của cách mạng nhé. Như thế có nghĩa là Đoan làm to lắm. Người thì bảo Đoan xắn quần quá mắt cá chân lội qua dộc về làng. Bên hông đeo một khẩu súng ngắn, có bao da. Theo sau là hai người lạ mặt, vai đeo súng trường. Như thế cũng không đùa được, có súng cơ mà. Người bảo nó chết lâu rồi, người vào làng là người khác đấy.

 

Đoan về thật. Nhưng không hẳn như những gì người ta nói. Đoan có đeo súng, có hai người lạ đi cùng nhưng là đi bộ qua cổng làng buổi đêm. Và Đoan dắt theo một thằng bé. Đó là con trai Đoan. Mẹ thằng bé đã chết. Nó mảnh khảnh. Đôi mắt to, ít nói và khuôn mặt lúc nào cũng đượm buồn. Đoan cùng nhóm người về cùng đang ở nhà Tiền sự, một tên đầu trộm đuôi cướp. Người ta lại bàn tán. Đoan không thể là cách mạng được. Cách mạng không thể ở nhà Tiền sự.

 

Tối hôm thứ ba sau khi về làng, Đoan cho đánh trống ở đình triệu tập toàn bộ dân làng. Người thì nghi ngại, người sợ sệt, người hớn hở nhưng ai cũng muốn đến xem thực hư thế nào. Đoan to béo, bệ vệ, mặt đỏ tía. Đoan đứng trên bục cao, tay không ngừng chém gió. Đoan nói:

- Tôi về rồi, cách mạng về rồi! Bà con tự nay sẽ không còn đói khổ nữa.

Dân làng nhao nhao, xì xào. Nhưng sao cách mạng lại ở với nhà Tiền sự?

- Bà con phải hiểu rằng anh Tiền đây không phải là anh Tiền ngày xưa nữa. Anh Tiền bây giờ là bạn của cách mạng. Anh là bần cố nông, là thành phần “rễ”. Anh bị áp bức bóc lột, căm thù tây lắm. Phải không anh Tiền?

- Dạ, dạ! Cụ dạy chí phải. À quên, cán bộ dạy chí phải! Tiền xun xoe.

 

Hắn dõng dạc hứa từ nay sẽ hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, sẽ diệt trừ bọn cường hào, ác bá. Mắt của hắn vằn lên những tia man rợ. Thời của hắn đã đến.

 

Đêm hôm ấy, Bưởi thức. Có gì đó bất an trong lòng. Trăng sáng, lạnh buốt. Bưởi giật mình, Trăng mười sáu. Đúng! Trăng mười sáu. Gà đã gáy rồi. Không biết ngày mai có gì mà Bưởi sốt ruột quá. Mồ hôi tứa ra ướt cả lưng áo. Bưởi quờ tay sang bên, yên tâm thấy con gái vẫn ngủ ngon lành. Trong giấc ngủ chập chờn, Bưởi thấy đôi mắt Đoan ngập ánh trăng. Đoan nằm đè lên Bưởi. Bưởi rơi, rơi mãi. Đoan ngẩng đầu cười sằng sặc, hô lớn:

- Vì lí tưởng cách mạng.

 

Bưởi lại thấy Đoan rút súng. Bưởi thét lên. Lí Tâm giật mình, lay một hồi sau Bưởi mới tỉnh. Bưởi thức đến sáng.

 

Đoan quì sụp xuống trước mộ Quyển. Ngôi mộ mọc đầy cỏ hoang. Người ta đã quên nó từ bao giờ. Nó nằm ngay sát sườn đồi, bên cạnh cây bạch đàn mà ngày xưa Đoan tựa vào. Cây bạch đàn bây giờ ôm không hết. Một cái rễ của nó ăn nông xiên ngang, bửa đôi ngôi mộ nhà Quyển. Đoan khóc rưng rức. Thằng bé con ngơ ngác nhìn bố, rồi lại nhìn ngôi mộ. Nó hỏi:

- Mộ ai đây hả bố?

- Mộ bố của bố.

- Bố của bố là ai?

- Là ông con.

- Sao ông con chết?

- Vì lũ cường hào ác bá

Thằng bé nhìn ra phía cánh đồng, thích thú nhìn một đàn cò bay ngang qua. Đơn giản vì nó không hiểu cường hào ác bá  là gì. Đó là việc của bố nó.

 

Tâm quì ở hàng giữa, hai tay bị trói giật ra sau. Mắt trái tím bầm và khoé miệng còn in một vệt máu khô đen. Hai bên Tâm là một hàng dài những người là người. Họ cúi đầu. Tâm chỉ kịp nhận ra nhà Thông, nhà Đại, nhà Nhuần, những người cũng Tâm sôi sục góp gạo thổi cơm cho bộ đội san đường cho pháo hôm nào. Một cú đá thẳng vào bụng của đội phó cải cách Tiền khiến Tâm ngã dúi về sau. Dưới sân đình ồn ào. Sao lại đánh người như vậy. Nhất là với lí Tâm.

 

Đoan ngồi ở hàng ghế bên dưới một tấm vải lớn ghi khẩu hiệu bằng giấy đỏ: “Đả đảo địa chủ”. Hai tay vê vê một sợi râu cằm, khuôn mặt ánh lên rạng rỡ. Thấy ồn ào, Đoan chậm rãi bước tới, hai tay giơ cao ra hiệu cho mọi người yên lặng:

- Thưa bà con, hôm nay làng chúng ta có một sự kiện trọng đại. Chúng ta sẽ đấu tố những tên cường hào, địa chủ ác ôn đè đầu, cưỡi cổ bà con bấy lâu. Từ nay, có ánh sáng của cách mạng, bà con sẽ không còn khổ nữa.

 

Nhưng lí Tâm đâu có ác với ai bao giờ? người ta xầm xì.

- Sao lại không? Hắn có nhiều ruộng đất. Vì thế bà con phải đi làm thuê làm giàu cho hắn. Đó chẳng phải là địa chủ hay sao?

 

Nhưng lí Tâm đã nuôi bộ đội, đã làm đường cho pháo đi qua.

- Đó chẳng qua là hắn sợ tội nên giả vờ thôi.

 

Trống thúc từng hồi. Nắng ập xuống. Cả đám người bắt đầu nóng lên. Mồ hôi tứa ra chua lòm. Mặt Đoan cau lại, tím bầm. Hắn thét vào mặt lí Tâm về tội bố của mày đã bắn chết bố tao là cán bộ cách mạng. Vì thế mày phải đền tôi. Mỗi một lần như vậy, Đoan thúc cả mũi giày vào ngực lí Tâm. Rồi từng người lên đấu, họ tố cáo lí Đoan ăn chặn tiền công, cướp ruộng đất, hành hạ người làm như thể lí Tâm là một tên ác bá cỡ bự. Rồi một con mụ còn đứng lên xỉa xói tố cáo lí Tâm cưỡng hiếp mụ. Đoan hả hê vì những tội trạng mà hắn nghĩ ra tối qua đang được tay chân diễn như thật. Dân làng há hốc miệng. Bỗng chốc, họ ầm ầm đả đảo trong khí thế xung thiên.

 

Đêm. Bưởi bồn chồn đứng ngồi bên gốc cây sung. Bưởi đợi Đoan. Đoan chắp hai tay sau lưng. Khuôn mặt lạnh, vằn vện tia đỏ.

- Anh Đoan, tôi xin anh. Mong anh nể tình xưa mà tha cho chồng tôi.

Đoan im lặng.

- Anh thừa biết là ông ấy đã hiến cả hạt thóc cuối cùng cho cách mạng.

- Cô nói láo. Đoan gằn từng tiếng.

- Ông ấy không giết bố anh. Ông ấy không có tội.

- Nó có tội. Tội cướp mất cô. Tôi sẽ không tha cho nó.

- Tôi xin anh. Tha cho ông ấy. Cho tôi chịu thay cho ông ấy.

- Thật không? Đoan liếc nhìn Bưởi đĩ thoã. Khuôn ngực Bưởi vẫn gọn ghẽ như ngày nào.

Như một con hổ đói. Đoan vật ngửa Bưởi xuống. Bưởi van xin. Nhưng tuyệt vọng và yên lặng. Lần thứ hai, Đoan hiếp dâm Bưởi. Nhưng lần này ánh mắt Đoan ngập ngụa dục vọng. Từng nhát thúc đau nhói. Bưởi oằn oại. Trăng nhễ nhại chảy đầy khuôn ngực Bưởi. Khuôn ngực phập phồng co thắt. Bưởi mở mắt nhìn thẳng lên ngọn cây sung nhưng không thấy bóng Quyển treo trên ấy nữa. Đoan rít lên, thúc mạnh hai cái. Bưởi lả người đi, câm lặng.

- Con bé đâu?

- Tôi đã gửi nó đi xa rồi. Anh không làm được gì nó đâu.

Đoan rít lên. Hắn giựt cái quần, kéo khoá đánh roạt. Bưởi loã lồ dưới trăng lạnh ngắt. Cứ nằm mãi như thế.

 

Lí Tâm bị giải ra chân đồi vào sáng sớm hôm sau. Đoan cho người cột lí Tâm vào cây bạch đàn trước mộ cha hắn. Cánh đồng cũng xác xơ như ngày xưa. Vẫn những bờ ruộng khô nứt bị bọn trẻ đào chuột cuốc tung. Những thửa ruộng xám xịt. Gió thốc vào sườn đồi ngã ngửa. Lí Tâm nhìn mãi ra xa. Khuôn mặt bình thản không lộ cảm xúc. Mới qua một ngày mà hai gò má y đã nhô cao, mắt trũng sâu. Dân quân xếp một hàng năm người thẳng tắp. Súng trường đeo vai. Lí Tâm nhìn họ quen mà lạ quá. Thì có ai xa đâu, vẫn những người trong làng hôm qua gặp còn lễ phép chào lí Tâm, vẫn những người đã mấy đời sống được qua cơn đói nhờ thóc mọt của lí Tâm. Nhưng họ cũng lạ quá. Ánh mắt của họ cháy lên rừng rực. Ánh mắt ngập đầy lí tưởng. Họ đang tin chắc chắn rằng lí Tâm là một tên cường hào ác bá. Đoan đứng sang bên, hai tay chắp sau lưng. Đoan nhìn lí Tâm bằng một nửa con mắt, khuôn mặt viên mãn. Đoan thay mặt ban cải cách chỉ lại tội của lí Tâm, đủ ngần ấy tội, rồi tuyên bố:

- Chúng ta giết tên cường hào này để tỏ lòng trung với cách mạng, giết lũ sâu mọt của cách mạng. Chuẩn bị. Sắn sàng! Tay phải Đoan giơ cao.

- Bắn! đoàng... đoàng, đẹt đẹt…

 

Lí Tâm bất chợt nhớ đến nụ cười của anh đại đội trưởng năm xưa khi nhận những khẩu súng kip cuối cùng. Nhưng nụ cười ấy tan ra, méo mó rồi chìm hẳn vào bóng tồi. Lí Tâm bị treo lên cây bạch đàn, trước mộ Quyển năm xưa ba ngày, có dân quân cắt cử canh gác.

 

Khi những tiếng súng đì đẹt từ sườn đồi vọng lại, Bưởi đưa chân đạp nhẹ chiếc ghế. Toàn thân cô co rúm lại, giật giật mấy cái rồi người mềm ra thõng xuống.

 

IV

 

tuổi, tôi đã phải sống trong một sự day dứt triền miên của bố tôi. Việc đầu tiên ông làm là trồng lại những gốc táo mà ông từng dùng cả xăng để đốt. Ông đã đập tan nát dinh cơ của lí Tâm ngay sau cải cách ruộng đất để dựng nhà của mình. Bây giờ, ông tự tay đắp lại ngôi miếu con ở góc vườn trên nền móng cũ. Dần dà, ông dọn luôn xuống đó. Khói hương nghi ngút suốt ngày. Ông già sọm đi, tóc khô xác, đôi mắt thâm quầng. Không ai nhìn thấy ông cười bao giờ nữa. Khuôn mặt ông sầu thảm. Bằng tất cả những gì có thể, ông ra sức tìm lại đứa con gái của lí Tâm. Sau nhiều năm tìm kiếm, rồi ông cũng thấy. Đứa con gái đang bị đày đoạ ở một vùng quê xa lắc. Những người che chở cho nó không thể giấu được cái tội con địa chủ cường hào của nó. Mà đã là con địa chủ, tôi chẳng cần phải kể nữa, anh đọc nhiều, anh cũng biết. Một việc mà bố tôi coi là hệ trọng nhất cuộc đời của ông là lặn lội đến vùng quê xa đó, gặp những người cưu mang cái Nụ. Ông trở về và nói với tôi:

- Giúp bố con nhé. Bố van con. Đây địa chỉ của con bé đây, bố đã quì lạy lúc nó ngủ rồi!

 

Tôi yên lặng cầm mảnh giấy. Trong lòng tôi trống rỗng. Tôi không ghét bố tôi. Tôi thương bố tôi. Nhưng có thêm cả một chút khinh. Dù sao, bố cũng chỉ là nạn nhân thôi.

 

Bố tôi tự tử trong ngôi miếu nhỏ góc vườn. Khi tôi biết, người ông đã cứng đờ rồi. Làm ma cho ông xong, tôi tình nguyện đi bộ đội. Người ta cứ tôn tôi lên là theo sự nghiệp anh hùng của bố. Tôi yên lặng. Vì từ nhỏ tôi đã quen như vậy. Nhưng họ nhầm. Họ cứ đặt tên cho những lí tưởng rồi gắn vào áo ngực tôi như những tấm huy chương. Vì họ muốn đẩy tôi ra chiến trường. Tôi biết. Bắt đầu vào tuyến lửa, trong một đợt càn của địch, tôi bí mật lấy súng bắn vào chân mình. Thế là tôi trở ra như một anh hùng. Thế đấy anh ạ. Tôi lấy bà nhà tôi. Như di nguyện của cha trong một lí lịch khác. Không ai biết tôi là con của cha tôi. Tôi đưa Nụ về làng xưa, tìm mọi cách mua lại ngôi nhà xưa của lí Tâm.

 

Tất cả cũng là chuyện của ngày xưa rồi. Nhưng bà ấy không quên được. Tôi cũng đã cố gắng chăm sóc bà ấy gần hết đời mình. No đói có nhau, đau yếu có nhau. vậy mà nhiều khi bà ấy ngồi trước hiên nhà, mắt nhìn ra vườn táo, tôi thấy bà ấy xa lạ quá. Xa lạ với chính bà ấy thường ngày. Tôi biết, bà ấy vẫn đau đáu về một điều gì đó. Hoá ra, có những ranh rới dù có sơn lên bằng lớp lớp khẩu hiệu, lí tưởng, dù có muốn xoá đi bằng nước mắt của sự hối lỗi cũng không mờ đi được. Tôi già rồi anh ạ. Tôi muốn nói hết sự thật cho bà ấy. Anh thấy có được không? Nhưng tôi sợ. Tôi trút bỏ hết cho nhẹ người thì bà ấy ra sao? Bà ấy chỉ còn có tôi. Mà chiều rồi.

 

Tôi ra xem vườn táo rộ hoa chưa. Điềm gở thế này. Bà lão nhà tôi ốm đấy anh ạ.

 

Ông lão lại kể lại cho tôi về vườn táo lẽ ra tháng chín phải rộ hoa rồi, lại lẩm bẩm về bệnh tình của bà lão. Hết cả trang giấy nữa mới dừng bút và không quên mời tôi lại chơi. Tôi cứ hình dung thấy cái dáng của ông lụi cụi giữa vườn táo tìm những bông hoa nhỏ li ti trong buổi chiều. Trong đầu lại oang lên tiếng của những đứa con đòi chặt quách cái vườn táo ấy. Và bà lão thì ngồi ở bậc thềm nhìn đi đâu xa lắm./.

 

(Hà Đông 04/10/2008)

 

Nguyễn Anh Thế
Số lần đọc: 2305
Ngày đăng: 27.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người tìm thuốc trường sinh - Hiếu Tân
Biển - Khôi Vũ
Hồ sơ của một phiên tòa - Sâm Thương
Bóng chiều - Phan Đức Nam
Kên kên - Minh Diện
Chiếc áo dị kỳ - Trương Văn Dân
Chuyện Quê tôi - Phan Thế Hải
Báo hiếu - Đỗ Ngọc Thạch
4 truyện ngăn ngắn - Nguyễn Tam Phù Sa
Giọt máu đào - Nodar Dumbadze
Cùng một tác giả
Vườn mê 1 (truyện ngắn)
Chẫu chàng (truyện ngắn)
Vợ người (truyện ngắn)
Con đường bụi đỏ (truyện ngắn)
Vườn mê 2 (truyện ngắn)
Cò Quăm (truyện ngắn)