Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.710
 
Ðại cương Kỳ Na giáo -1
Nguyễn Ước

            I. Bối cảnh - II. Ðại Anh hùng Mahavira - III. Các khái niệm căn bản - IV. Bản ngã - V. Tái thông giải các khái niệm của Ấn giáo - VI. Những đồng dị với triết hệ Samkhya - VII. Những đồng dị với triết học Phật giáo

VIII. Ðạo đức học - IX. Khỏa thân và tuyệt thực tới chết -X. Lối sống Kỳ Na giáo ngày nay

 

Kỳ Na giáo là lối đọc thành tiếng theo phiên âm Hán Việt danh xưng của đạo Giaina. Trong một số sách tiếng Việt đang lưu hành, thường để nguyên tên đạo Giaina hoặc đạo Jaina. Tiếng Anh là Jainism; tiếng Pháp là Jainisme hay Djainisme. Trong Kinh Trung Bộ của Phật giáo, Kỳ Na giáo được gọi là Nagantha: Ly hệ phái.

 

I. Bối cảnh

            Kỳ Na giáo là một triết học và là một tôn giáo, lấy nguyên tắc bất tổn sinh (ahimsa) làm tâm điểm tuyệt đối trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành.

Có từ trước thời Veda

Giống các triết thuyết Ðông phương khác, đối với Kỳ Na giáo, suy tưởng không nhằm mục đích bất vụ lợi mà là để phát triển các phương thế giúp cho con người khắc phục khổ não vốn cố hữu trong cuộc nhân sinh thông thường. Kỳ Na giáo tìm cách thành tựu công cuộc cứu độ ấy bằng việc chinh phục các giới hạn trần tục, và Jina, từ ngữ xuất phát của Kỳ Na giáo, có nghĩa là “người chinh phục”, hiểu theo khía cạnh tâm linh là “người chiến thắng”, thế nên Kỳ Na giáo còn được hiểu là “tôn giáo của những người chiến thắng”.

Từ cuối thế kỷ thứ sáu trước C.N., người Kỳ Na giáo tuyên bố rằng truyền thống của họ đã có một lịch sử rất lâu đời, kéo dài liên tục qua 24 thế hệ tổ sư. Chư vị ấy được gọi là các tirthankara, những người lội qua chỗ cạn, hay hiểu theo nghĩa bóng là người mở đường. Sở dĩ có danh xưng ấy vì họ đã giúp cho các đệ tử, những người đi theo họ, băng qua sông suối thế gian để đạt toàn tri (giác ngộ) – tới bờ bến an toàn và cứu rỗi.

Trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda (Vệ đà-Tế tự minh luận) của Ấn giáo. Vị tổ thứ 24, Mahavira, là một nhân vật lịch sử, sống cùng thời đại với Ðức Phật vào cuối thế kỷ 6 tới đầu thế kỷ 5 trước C.N.

Vị tổ thứ 23

Trong Sadhana sutra (Nghi quỹ kinh) còn gọi là “Kiếp ba kinh” của Kỳ Na giáo, có ghi chép về vị tổ sư thứ 23, sống vào khoảng thế kỷ 9 trước C.N., trước Ðức Mahavira khoảng 250 năm. Danh xưng của ngài là Parsva và ngài cũng quả thật là một nhân vật lịch sử.

Thân phụ của Parsva là quốc vương xứ Benares. Thuở trẻ, Parsva từng là dũng sĩ, tham gia nhiều chiến trận. Sau ba chục năm sống tại gia, ngài trở thành tu sĩ khổ hạnh lang thang suốt bảy chục năm. Ngài hệ thống hóa lý thuyết trước đó của Kỳ Na giáo và đề ra bốn điều cấm. Ðó là không sát sinh; không lừa đảo; không trộm cướp; và không có của riêng. Vị tổ đời thứ 23 này dùng màu xanh lam làm sắc hiệu, với biểu tượng là bảy con rắn quấn quanh đầu và ngài ngồi trên mình rắn.

Sách thánh của Kỳ Na giáo mô tả Parsva là “Vị Ðệ nhất”, “Ðấng Giác ngộ”, “Ðấng Toàn tri”, đồng thời quả quyết rằng trong các cuộc hành cước của ngài từ Bihar tới Tây Bengal, có rất đông đảo tín đồ đi theo. Ðặïc biệt, nơi Parsva nhập Niết bàn và tịch tại núi Sammeta, trở thành thánh địa hành hương của giáo chúng xưa nay.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về vị tổ sư này trong The Oxford Dictionary of World Religions (Từ điển các tôn giáo thế giới) của Ðại học Oxford), bản năm 1997, đề mục Parsva.

 

II. Ðại Anh hùng Mahavira

Là một tu sĩ khổ hạnh khỏa thân, Ðức Vardhamana Mahavira, vị tổ sư Kỳ Na giáo thứ 24, sống và giảng dạy tại một khu vực của Ấn Ðộ, ngày nay là Bihar và Uttar Pradesh. Ngài chào đời có lẽ trước Ðức Phật khoảng vài chục năm. Các tín đồ Kỳ Na giáo đưa ra thời điểm của Mahavira là từ năm 599 tới 527 trước C.N., dù thực tế, có thể ngài sống trong khoảng thời gian sau đó, từ năm 540 tới năm 468 trước C.N.; so với thời điểm của Ðức Phật là khoảng năm 566 tới 486 trước C.N.

Xét theo khía cạnh triết học, lý thuyết của Kỳ Na giáo bao gồm ít nhất bốn lãnh vực căn bản: vũ trụ luận, tri thức luận, luận lý học và đạo đức học. Tuy các lời giảng của Mahavira được chính ngài và các tín đồ quả quyết có giá trị vĩnh cửu, ta cũng nên đặt chúng vào bối cảnh đương thời vốn đối nghịch với chúng để có thể đánh giá chúng một cách xứng đáng.

Bốn cơ sở của Ấn giáo

Như đã trình bày ở chương 2, dù Ấn giáo chính thống có những giá trị vĩ đại, tự thân nó vẫn đặt trên hai cơ sở:

1. Thẩm quyền của các kinh Veda (sách thánh);

2. Giá trị của các lễ tế được cử hành đúng nghi thức và do bởi đẳng cấp tư tế Bà la môn.

Ðức tin của Ấn giáo chính thống cũng đặt trên hai cơ sở:

1. Thực tại hằng cửu của Thượng đế (Brahman), có thể hiểu khái quát như là Ðại ngã, trong các dạng thức muôn hình muôn vẻ của thực tại tối hậu ấy;

2. Linh hồn của con người (Atman), có thể hiểu khái quát là Tiểu ngã, cái tối hậu sẽ hòa nhập vào Ðại ngã.

Lokoyata và các Shramana

Tuy nhiên, trong thế kỷ thứ 6 trước C.N., xuất hiện một số lượng đáng kể các lối tiếp cận có tính triết học và tôn giáo, thách đố niềm tin vào bốn cơ sở vừa kể của Ấn giáo, cách riêng tại miền bắc nước Ấn. Thí dụ triết học Lokoyata, còn được gọi theo danh xưng của triết gia chủ xướng có tên truyền thuyết là Carvaka. Triết thuyết này cho rằng toàn bộ tri thức đặt cơ sở tối hậu trên các giác quan, do đó, chỉ những gì con người có thể nhận thức theo cách ấy mới được xem là thật.

Vì thế, Carvaka quả quyết rằng không thể nào có linh hồn và cũng chẳng có cái gì còn sống sau khi ta chết. Từ lập trường ấy, truyền thống Lokoyata rút ra kết luận thuận lý rằng cuộc theo đuổi duy nhất có giá trị là mưu tìm hạnh phúc trần thế ngay trong cuộc đời này, và như thế, Carvaka đưa ra một lập trường mang tính chủ nghĩa khoái lạc đơn thuần và chủ nghĩa duy vật phi luân lý.

Thế nhưng có một số người khác lại đi tới một cực đoan hoàn toàn trái ngược với Lokoyata. Vẫn nhấn mạnh bản tính hằng cửu của linh hồn nhưng họ thách đố thẩm quyền của các lễ tế Bà la môn, và họ dấn mình vào lối tu tập khổ hạnh như một phương thế nhằm sở đắc giải thoát (moksa). Họ được gọi là shramana: các đạo sư lang thang và những tu sĩ khổ hạnh tự do.

Hoàn toàn không thuộc một triết hệ Ấn giáo chính thống nào, các shramana sống lưu động rày đây mai đó, thu thập tín đồ từ Ấn giáo cải đạo hoặc của các môn phái phi chính thống khác và họ hoạt động bên ngoài kiểu thức chính thống của các nghi lễ Ấn giáo cùng hệ thống đẳng cấp của xã hội Ấn. Vào thế kỷ thứ 6, từ bên trong các nhóm shramana ấy phát sinh hai triết thuyết và trở thành hai tôn giáo: Kỳ Na giáo và Phật giáo.

Thân thế của Ðại Anh hùng

Người tập đại thành cho Kỳ Na giáo là Ðức Vardhamana, vị tổ sư thứ 24 mà trong kinh Phật bằng chữ Hán gọi là Nataputta, người đứng đầu “Nigantha”: Ly hệ phái, nghĩa là phái chủ trương tu tập trong cách ly với mọi quan hệ. Xuất thân từ một dòng họ nổi tiếng, thuộc đẳng cấp chiến sĩ, ở vùng hạ lưu sông Hằng, ngài lập gia đình và có một con gái. Tới năm 30 tuổi, Vardhamana rời gia đình, từ bỏ vợ con, dấn thân vào cuộc sống khổ hạnh và khỏa thân. Con đường tầm đạo của ngài kéo dài 12 năm trời mới thành đạo. Trong thời gian ấy, có thời ngài hiệp đoàn với Gosaka, người về sau sáng lập Ajivikas, một hệ phái Ấn giáo phi chính thống khác.

Tới năm 42 tuổi, Vardhamana, thành tựu “Toàn tri”, thuật ngữ Kỳ Na giáo dùng để gọi sự thức ngộ, giác ngộ, vì thế được gọi là một Jina: người chinh phục. Các tín đồ của tôn giáo này được gọi là Jaina – thường viết tắt là Jain – nghĩa là những kẻ đi theo người chinh phục. Danh hiệu Mahavira có nghĩa là Ðại Anh hùng, một biệt danh dùng để tôn vinh cá biệt vị tổ sư này.

Kết thúc 30 năm rao giảng, xây dựng và phát triển Kỳ Na giáo, Mahavira từ trần sau một cuộc tuyệt thực cho tới chết tại Para, nơi gần Patna ngày nay. Và nơi ấy từ đó trở thành linh địa hành hương của mọi tín đồ Kỳ Na giáo.

Cho tới thời điểm nhập diệt, Ðức Mahavira có rất đông đảo đệ tử gồm hai dạng: thứ nhất nam nữ tu sĩ (nữ đông hơn nam); và thứ hai các tín đồ tại gia (cư sĩ), luôn luôn giúp đỡ mọi mặt, đặc biệt về vật chất, cho giới tu sĩ. Trong Kinh Trung bộ, phẩm 56 Upaly Sutra có kể lại cuộc tranh luận giữa Ðức Phật và Nigantha Dighatapassi (Trường Khổ Hạnh Giả), một cao đồ của Mahavira, và sau đó, việc Ðức Phật thu thập Gia chủ Upaly, một cao đồ cư sĩ của Mahavira, kẻ được gọi là Nigantha Nataputta. Kinh còn ghi lại cuộc tường thuật của hai cao đồ ấy cho Mahavira. (Xem bản dịch của Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, 56, Kinh Ưu-Ba-Ly).

Lời giảng của Ðức Mahavira

Gặp trường hợp có những hệ phái khác nhau của một tôn giáo, các học giả khó có thể thẩm định trong những lời tuyên bố không hoàn toàn giống nhau và đang ganh đua nhau ấy cái nào là tiếng nói trung thực của người sáng lập. Nhưng đối với Kỳ Na giáo không có vấn đề đó, vì cả hai hệ phái chính – Svetambara và Digambara – chỉ bất đồng về vài điểm thực hành, đặc biệt ở chỗ tu sĩ nên khỏa thân hay mặc quần áo, chứ không có những thông giải triết học khác nhau về đạo giáo của mình. Do đó, chúng ta có thể khá tự tin khi cho rằng các khái niệm hiện lưu hành trong Kỳ Na giáo thật sự phản ánh trung thực lời giảng dạy nguyên thủy của Mahavira 25 thế kỷ trước.

Ba điểm căn bản trong các lời giảng của Ðức Ðại Anh hùng là:

1. Bác bỏ các nghi lễ Bà la môn như là phương thế để thành tựu giải thoát, ngài tái thông giải khái niệm về nghiệp báo mà truyền thống Ấn giáo chính thống ưu tiên áp dụng nó như là hậu quả tuôn trào từ việc cử hành chính xác các nghi lễ;

2. Phủ định sự hiện hữu của cảnh giới thiêng liêng vĩnh cửu, ngài tin rằng linh hồn của con người bị mắc kẹt trong thế giới vật chất, cần được giải thoát nhằm thành tựu sự toàn mãn;

3. Biến giới luật bất tổn sinh (ahimsa) thành tâm điểm tuyệt đối của triết học và đạo đức học thực hành của mình.

Tuy thế, những lời giảng của vị tổ sư ấy không được ghi thành văn cho tới thế kỷ thứ hai sau C.N. Mãi tới thế kỷ thứ 5, cũng vẫn chưa có bản san định tổng thể các sách thánh chính của Kỳ Na giáo.

Ðể am hiểu triết học của mình, mọi hệ phái Kỳ Na giáo đều chấp nhận thẩm quyền và đặt cơ sở xiển dương trên cuốn kinh Tattvartha Sutra (Kinh về những hạng mục nhận thức) do tu sĩ triết gia Umasvarti ghi lại vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai sau C.N.

Bạn đọc có thể tìm thấy một bản Việt ngữ gần như toàn bộ cuốn kinh ấy trong cuốn “Kinh Văn, các trường phái triết học Ấn Ðộ”, do Doãn Chính chủ biên, (NXB Ðại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002, tt. 272-287), dịch từ bản tiếng Anh của J.L. Jaini, Sacred Books of the Jaina (Arrah, India: The Central Jaina Publishing House, 1920).

 

III. Các khái niệm căn bản

Nathmal Tatia trong lời giới thiệu bản dịch của mình cuốn Tattvartha Sutra đã đưa ra một tóm lược cô đọng và tuyệt vời về triết học của Kỳ Na giáo như sau:

“Các chủ đề trung tâm của Tattvartha Sutra là bất bạo động, phi tuyệt đối chủ nghĩa và bất sở hữu. Bất bạo động củng cố quyền tự quản sự sống của mọi hữu thể. Phi tuyệt đối chủ nghĩa củng cố quyền tư tưởng của mọi cá nhân. Bất sở hữu củng cố sự phụ thuộc lẫn nhau của toàn bộ cuộc hiện sinh. Nếu bạn cảm thấy rằng mỗi linh hồn là một tự quản, bạn sẽ không bao giời giẫm đạp quyền sống của nó. Nếu bạn cảm thấy mỗi người là một con người biết suy nghĩ, bạn không bao giờ giẫm đạp tư tưởng của nó. Nếu bạn cảm thấy mình chẳng sở hữu vật nào cả và cũng chẳng sở hữu người nào cả, lúc ấy bạn không bao giờ giẫm đạp hành tinh này”.

Tattvartha Sutra, trang xvii

Cũng giống các triết thuyết Ðông phương khác, cứu cánh của Kỳ Na giáo không khải là suy tưởng mà là giải thoát, cái vốn được người Kỳ Na giáo xem là mục đích của đời người. Do đó, nó phối hợp sự phân tích kinh nghiệm trong tương ứng với những huấn thị mang tính đạo đức học.

Có lẽ chúng ta cần hiểu rõ giá trị ba đặc điểm căn bản của triết học Kỳ Na giáo trước khi có thể đi lần tới việc xem xét ý tưởng về bản ngã và đạo đức học của nó. Ðó là:

1. Phi tuyệt đối chủ nghĩa về mặt triết học;

2. Thuyết nguyên tử và thuyết vạn vật hữu hồn (animism), vốn hình thành căn bản vũ trụ luận Kỳ Na giáo;

3. Sự thông giải mang tính vô thần chủ nghĩa quá trình vũ trụ.

Phi tuyệt đối và luận lý học

Tận căn bản các lời giảng của mình, Kỳ Na giáo hàm chứa sự thách thức triệt để. Ðối với chân lý tuyệt đối, Kỳ Na giáo không đưa ra lời quả quyết nào, nhưng nó làm nổi bật sự việc rằng mọi chân lý đều tùy thuộc vào viễn cảnh hoặc qui luật phối cảnh (perspective), nghĩa là tuỳ thuộc điểm nhìn, cách nhìn và kỳ vọng của chúng ta vào triển vọng của chúng.

Căn bản luận lý học của người Kỳ Na giáo đặt trên Hoặc nhiên luận (Syatvada), còn gọi là Phi quyết đoán luận. Cũng có người gọi là Thất chi luận pháp vì nó đặt trên bảy hình thức “có thể” khi phán đoán một sự vật, tùy vào viễn cảnh của người phát biểu. Tương truyền phương pháp luận này xuất hiện từ rất sớm, sau khi Mahavira qua đời 150 năm, do đệ tử của ông là Badaropa đề xuất. Về sau nó được hoàn thiện và phát triển thêm. Ðó là:

1. Phán đoán khẳng định. Thí dụ có thể vải là màu trắng – chỉ ở dưới tình huống xác định;

2. Phán đoán phủ định. Có thể vải không phải là màu trắng;

3. Phán đoán khẳng định kết hợp với phán đoán phủ định. Có thể vải là màu trắng lại không phải là màu trắng;

4. Không thể nói ra được – không thể diễn tả được. Có thể vải là màu gì không thể nói được;

5. Kết hợp giữa phán đoán 1 và phán đoán 4 ở trên. Có thể vải là màu trắng, lại không thể nói được;

6. Kết hợp giữa phán đoán 2 và phán đoán 4. Có thể vải không phải là màu trắng, lại không thể nói được;

7. Kết hợp giữa phán đoán 3 và phán đoán 4. Có thể vải là màu trắng, lại không phải là màu trắng, cũng không thể nói được.

Có thể khái quát hóa bảy hình thức phán đoán trên thành:

1. Có;

2. Không;

3. Vừa có vừa không;

4. Không thể nói (không có không không)

5. Có, không thể nói;

6. Không, không thể nói;

7. Vừa có, vừa không, không thể nói.

Thí dụ về bản ngã và linh hồn

Như thế, về bản ngã, Kỳ Na giáo lập luận tóm tắt rằng:

a. Bản ngã có thể thường tại;

b. Bản ngã có thể không thường tại;

c. Bản ngã, nhìn từ những viễn cảnh khác nhau, có thể vừa thường tại vừa không thường tại;

d. Vấn đề ấy có thể không nói được.

Nhưng cũng có thể kết hợp cả bốn khả năng ấy. Thí dụ, linh hồn có thể thường tại, nhưng vấn đề ấy cũng có thể không nói được, do bởi nó có thể là như thế nhưng chúng ta không thể biết rằng nó là như thế. Trong trường hợp ấy ta có thể kết hợp bảy hình thức phán đoán đã kể ở đoạn trên.

Thí dụ về chân lý và tri thức

Cũng thế, chúng ta có thể biết các sự vật theo cách vừa trực tiếp vừa gián tiếp, nhưng trong các giới hạn áp đặt của thế giới vô thường, không cái gì có thể biết rõ hoàn toàn hoặc chắc chắn tuyệt đối. Còn nữa, người Kỳ Na giáo lập luận rằng chân lý hoặc sự lệch lạc của tri thức không được quyết định bởi khả năng nắm bắt sự việc của con người mà là bởi các giá trị tinh thần và đạo đức đang hình thành quan điểm cá biệt của mỗi người.

Giả dụ nhìn một cái cây trước mặt, tôi có khả năng phát biểu:

1. Có thể có bóng mát hữu ích hoặc là làm nơi ngồi nghỉ chân;

2. Có thể được việc lắm nếu tôi leo lên cây ấy;

3. Có thể cây đó cho tôi loại gỗ hữu dụng;

4. Có thể nó là cây đa;

5. Có thể nólớn thấy rõ, kể từ khi tôi thấy nó lần trước;

6. Có thể mình phải đốn cây ấy.

Trong các cách nhìn có tính viễn cảnh đó, cái nào cũng có giá trị, hoặc liên quan tới quá khứ, hiện tại hay tương lai, hoặc chỉ nhìn vào tự thân cái cây (và chúng bị hạng mục hóa theo chủng loại), hoặc chỉ nhìn một cách giản dị về mặt hàng thương mại, giải trí hay tiện ích. Mỗi cái có một thành tố của chân lý nhưng bị giới hạn bởi cái nhìn về triển vọng cá biệt của nó.

Chấp nhận sự khác biệt

Vì tri thức tuyệt đối – cho dẫu chúng ta có sở hữu được nó đi nữa – không thể nào truyền đạt một cách chính xác trong các khái niệm giới hạn của nó, nên toàn bộ triết học chỉ có tính tương đối. Do đó, toàn bộ việc giảng dạy chỉ là tạm bợ và các dị biệt được giả định là kết quả của các dị biệt trong cách nhìn bị chi phối bởi định luật phối cảnh (điểm nhìn).

Thực tế ấy không ngăn Kỳ Na giáo đưa ra các lời phát biểu có tính xác định; đúng hơn, mỗi lời phát biểu đều có kèm theo một sự dè dặt nhất định trong từng phần lời giảng của nó. Vì dè dặt trong việc thừa nhận quan điểm mà xuất từ đó đưa ra lập trường của mình nên Kỳ Na giáo luôn luôn chấp nhận rằng người khác có thể nhìn cùng một sự vật ấy theo cách khác.

Trong kho tàng cổ tích của Ấn Ðộ, có một chuyện nổi tiếng, gốc tích từ Kỳ Na giáo. Ðó là chuyện năm người mù sờ voi và sau đó, cố gắng tả lại con voi đúng theo cách họ cảm thấy. Tùy vào bộ phận của voi mà mình sờ vào: chân, đuôi, tai, thân mình hay ngà voi, mỗi người đem ra một hình ảnh so sánh khác nhau. Người bảo voi như cột đình, người bảo voi như chiếc quạt lớn, người bảo voi như chiếc chổi chà, v.v. Các mô tả ấy đều có giá trị nhưng không mô tả nào có khả năng xác định được toàn bộ con voi.

Thuyết nguyên tử và thuyết vạn vật hữu hồn

Trong lời giảng của Kỳ Na giáo truyền thống, nguyên tử là yếu tố nhỏ bé nhất của vật chất. Có bốn loại nguyên tử: khí, lửa, nước và đất. Các nguyên tử ấy hiệp nhau hình thành các hợp chất (skandhas), cùng hình thành các đối vật trong thế giới được chúng ta trải nghiệm.

Nhưng có những yếu tố phi vật chất khác cũng hình thành thành phần của thế giới: niềm hân hoan, nỗi hối tiếc và bản thân sự sống. Cái thứ ba này mang dạng thức linh hồn, hoặc jiva, là quan trọng nhất trong triết học Kỳ Na giáo.

Ðức Mahavira dạy rằng mọi sự đều có linh hồn bên trong nó. Không chỉ con người, loài vật và cỏ cây, mà ngay cả đá, đất và gió; không chỉ các thực thể thường trực mà ngay cả các biến cố xảy ra trong thoáng chốc, hết thảy mọi sự mọïi vật ấy đều có linh hồn, được sinh ra bên trong mỗi cái, và chừng nào sự vật ấy còn hiện hành thì linh hồn ấy vẫn còn sống. Do đó, triết học Kỳ Na giáo thừa nhận có một quá trình tương tác liên tục giữa thực tại tinh thần và vật chất.

Bất cứ khả năng nào mà một linh hồn có, thí dụ cảm giác về sự vật, nó có vì thế giới của vật chất, do bởi các giác quan đều thuộc về thể xác vật chất. Mặt khác, các cơ quan cảm giác ấy không là gì cả nếu chúng không cung cấp thông tin cho một linh hồn đang sống động. Dù linh hồn và vật chất có thật và riêng biệt không kém gì nhau, cả hai không thể tách biệt trong liên quan tới sự sống thông thường.

Nhưng có thể nói bên dưới thuyết nguyên tử này có một cấp bậc thực tại khác. Người Kỳ Na giáo cho rằng có những bản thể vĩnh cửu, mỗi bản thể có những phẩm tính cố định. Phẩm tính cao nhất của các bản thể này là linh hồn (jiva). Tự thân linh hồn là hoàn hảo và vĩnh hằng, nhưng vì chịu ảnh hưởng của thế giới hiện tượng, linh hồn có thể gánh vác thể xác và được tái sinh thêm nhiều lần trong thế giới này dưới dạng thức các hữu thể trên trời hoặc con người trần thế hoặc các sinh vật khác, kể cả những hình thức đơn giản nhất.

Như thế, ta có một vũ trụ trong đó mọi sự đều là hợp chất, được tạo thành bởi các yếu tố vật lý và phi vật lý. Thế giới hiện tượng này, dù được cấu trúc bởi các yếu tố không gian, thời gian chuyển dịch hay an nghỉ cùng vật chất thẩm thấu đều khắp bởi tinh thần và dù lúc này bị liên kết với các thể xác hợp chất và các biến cố, vẫn là một thế giới hằng cửu.

So với triết Tây

Trong triết học Tây phương, thuyết nguyên tử (atomism) là một bộ phận của tư tưởng Hi Lạp thời tiền-Socrates. Ta thử nhìn lại quan điểm đặc thù của Heraclitus, vị triết gia nổi tiếng với câu nói rằng bạn không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông ấy (you can’t step into the same river twice).

Xét về mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, thuyết nhị nguyên (dualism) của Kỳ Na giáo không thật sự giống với thuyết nhị nguyên của Descartes. Triết gia Pháp ấy lập thành sự phân biệt triệt để giữa cái tôi (bản ngã) tư duy (thinking self) và thể xác (bodies) được dàn trải về mặt vật chất; còn trong tư tưởng Kỳ Na giáo, linh hồn thật sự là một bản thể (substance), thành phần của mọi sự vật hợp chất.

Truyền thống tư tưởng Tây phương gần gũi nhất mà ta có thể thăm dò để so với Kỳ Na giáo là Ngộ giáo (Gnosticism). Người Ngộ giáo duy trì quan điểm cho rằng linh hồn bất tử, bị mắc kẹt bên trong thể xác vật chất; và mục đích của họ – không khác với mục đích của người Kỳ Na giáo – là giải thoát khỏi những giới hạn vật chất và thành tựu sự thức ngộ bản tính hằng cửu của ta (one’s eternal nature).

Thuyết vô thần và vũ trụ luôn luôn biến đổi

Kỳ Na giáo mang tính vô thần chủ nghĩa. Hoàn toàn khác với Ấn giáo, Kỳ Na giáo không có những cái tuyệt đối, không có sự hiệp nhất sau cùng của Tiểu ngã Atman vào Ðại ngã Brahman hằng cửu. Thay vào đó, Kỳ Na giáo cho rằng giải thoát sau cùng là sự thừa nhận rằng tinh thần của ta quả thật là một thực tại tối hậu, và thời điểm xảy ra sự thừa nhận này được gọi là trạng thái kavala.

Thế giới không có khởi đầu nhưng được xem là đang chuyển động qua các thời kỳ tiến hóa và thoái hóa. Thế giới ấy không đòi phải có sự giải thích ngoại tại, và quá trình biến đổi ấy xảy ra do bởi thao tác của định luật nghiệp báo (karma) và do bởi mọi sự, một cách cố hữu, đều không bền vững và bị hỗn hợp. Chính nghiệp báo lèo lái vũ trụ, chứ chẳng phải một thần linh nào cả.

Ngang đây, ta có thể đưa vào một nhận xét có tính quyết định. Bất cứ hệ thống triết học nào cho rằng thế giới này không có một bắt đầu và một kết thúc đều có khuynh hướng vô thần chủ nghĩa. Vì bất cứ niềm tin nào vào Thượng đế cũng đòi hỏi thế giới phải tìm thấy ở nơi ngài một lý do, sự phù trợ hoặc một nguồn gốc của sự sống và của cuộc đời. Nếu con người không có nhu cầu ấy, Thượng đế trở nên thừa thãi.

Bảo lưu mâu thuẫn

Có vẻ Kỳ Na giáo cùng bảo lưu hai quan điểm mâu thuẫn nhau về sự vật. Một đằng nó cho rằng chúng thường tại, đằng khác nó lại cho rằng chúng ở trong trạng thái thay đổi triền miên và liên tục.

Kỳ Na giáo làm điều ấy bằng cách nói rằng có cái gì đó “thật” tiếp tục tồn tại dù nó đi qua một số lượng vô tận các “dạng thức”. Ở bất cứ thời điểm nào dạng thức ấy cũng đang biến đổi và như thế, dường như nó đi vào cuộc sinh tồn rồi nó lại đi ra khỏi cuộc sinh tồn. Nói cách khác, nó vẫn còn là “thật” – và do đó, nó tiếp tục hiện hữu – qua suốt quá trình tái sinh nhiều lần ấy.

Ðây cũng là một thí dụ khác về việc Kỳ Na giáo thừa nhận chân lý tùy thuộc vào viễn cảnh ta nhìn sự vật. Các sự vật vừa có vừa không có sự hiện hữu thường tại, nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách bạn nhìn chúng.

So với Phật giáo

Thật thú vị khi so sánh quan điểm này của Kỳ Na giáo với của Phật giáo.

Phật giáo cho rằng mọi sự đều là đối tượng của biến đổi và do đó, không có linh hồn thường tại, mà chỉ là một chuỗi các đặc điểm đang biến đổi, đang làm thành cái bị gọi là bản ngã.

Kỳ Na giáo cũng triệt để như thế trong liên quan tới việc phân tích quá trình biến đổi, nhưng rồi họ có thể nói rằng, nhìn từ một viễn cảnh khác, có “bản ngã” bền vững, tiếp tục tồn tại bất chấp mọi biến đổi.

 

IV. Bản ngã

Như đã trình bày ở trên, giống với các hệ thống triết học và tôn giáo khác của Ấn Ðộ, Kỳ Na giáo không đặt ưu tiên cho nỗ lực suy tưởng để am hiểu thế giới. Nó dành chỗ trang trọng đó cho những phương thế phát triển tâm linh nhằm thành tựu giải thoát. Mục đích của Kỳ Na giáo là giúp con người thoát khỏi những giới hạn của thế giới vật chất ở đó linh hồn của con người, theo quan điểm của Kỳ Na giáo, đang bị mắc kẹt. Do đó, những gì Kỳ Na giáo nói về bản ngã đều mang tầm quan trọng chủ chốt, vì chính dưới ánh sáng của ý tưởng Kỳ Na giáo về bản ngã và thân phận của bản ngã mà mọi vấn đề khác được thông giải.

Tuy thế, điều cần ghi nhận thêm lần nữa là những gì được trình bày ở phần vừa rồi về thế giới quan phi tuyệt đối không đơn giản chỉ là cách nhìn vạn vật, chúng còn có ý nghĩa rằng linh hồn con người vừa có vừa không có sự hiện hữu thường tại, tùy vào điểm nhìn và cách thức bạn xem xét nó.

Linh hồn và thể xác vật chất

Cá nhân nào cũng gồm có linh hồn được sinh ra trong hình dạng thể xác vật chất. Và công cuộc cứu rỗi cốt ở hành động giải thoát linh hồn khỏi những kềm tỏa vật chất của nó. Con người cần phải kiểm soát thể xác để linh hồn tinh tiến. Lối tiếp cận này giống với lối tiếp cận của triết hệ Samkhya (số luận hay liệt kê) trong Ấn giáo chính thống.

Chúng ta sống trong một thế giới, như chúng ta trải nghiệm, là luôn luôn biến đổi. Con đường mỗi người đi qua cõi vô thường samsara ấy đã được quyết định. Và ta chỉ có thể với tới giải thoát sau một thời gian dài dằng dặc trong đó linh hồn chuyển dịch hết vào lại ra, qua một số lượng rất lớn các kiếp sống khác nhau. Người Kỳ Na giáo cảm thấy không cần thiết phải chứng minh sự hiện hữu của linh hồn vì họ tin rằng qua mọi hành động nhận thức, ta nhận ra được linh hồn. Như thế, suy nghĩ, cảm xúc và mọi nhận biết của hữu thể đang sống đều là những gì có liên quan tới linh hồn.

Khái niệm hóa quan điểm của Kỳ Na giáo về linh hồn là một việc làm không dễ dàng chút nào. Một đằng linh hồn có mặt trong mọi sự mọi vật, đằng khác, linh hồn ấy ở trong cảm giác, trong vật chất. Nó hầu như là một bản thể vật chất đang hoạt động, có sẵn ở khắp nơi và có khả năng đem một thể xác thích đáng vào cuộc sống. Tuy thế, rõ ràng có sự khác biệt giữa linh hồn cá nhân và “linh vật” (vật chất có tính linh hồn) mà nó được làm thành hình dạng. Do đó, có vô lượng đơn vị có tính linh hồn trong một linh hồn, giống như thể có vô lượng đơn vị không gian trong không gian.

Kinh Tattvartha Sutra, chương 5:8-9 có ghi:

“Có hằng hà sa số những pradesa [những đơn vị không được chiếm bởi một nguyên tử vật chất] của dharma [pháp: nguyên lý vận động], adharma [vô pháp: nguyên lý đứng yên], và mỗi một linh hồn. Số lượng của các pradesa trong dharma, adharma, linh hồn và lokakasa, tức là vũ trụ [nghĩa là tất cả trừ khoảng chân không] là giống nhau, nói cách khác, tổng cộng của nó là hằng hà sa số.

Những điểm của khoảng không là vô tận”.

(Trích “Kinh Văn của các Trường phái triết học Ấn Ðộ” – Phần II –

Trường phái Jaina, Doãn Chính dịch, t, 278 – trừ các chú trong các [ ]).

Chúng ta cũng có thể trình bày các ý tưởng trên theo cách khác. Giống như các nguyên tử vật chất kết tụ nhau để hình thành các đối tượng vật lý, linh hồn cũng thế. Nó bao gồm vô lượng đơn vị có tính linh hồn hiệp cùng nhau để làm thành bản ngã của một cá nhân.

Hành động và các hệ quả

Kỳ Na giáo bảo lưu theo nghĩa đen, một cách triệt để, ý tưởng tổng quát của Ấn giáo về quan điểm nghiệp báo. Trong vòng đầu thai và tái đầu thai vào thế giới vô thường, thân phận của ta trong kiếp sống này tùy thuộc vào nghiệp của ta trong các tiền kiếp.

Khác với Phật giáo vốn xem nghiệp phát sinh từ các hành động tự ý tự nguyện, nghĩa là các hành động (ý, khẩu hoặc thân) có ý nghĩa về phương diện đạo đức của chính ta, Kỳ Na giáo nhìn nghiệp theo ý nghĩa lớn rộng hơn, xem nó thuộc về tất cả những gì đang điều kiện hóa con người. Bạn vẫn bị nghiệp tác động dù khi thể hiện hành động ấy bạn không thể nào tự mình chọn lựa có ý thức.

Cách độc nhất để bạn thoát ra khỏi vòng tái sinh là thành tựu trạng thái hoàn hảo về an tĩnh và tri thức (toàn tri, kavala). Và điều ấy đòi hỏi con người bạn phải càng ngày càng tinh tiến, bỏ qua một bên hết thảy các ham muốn mọi sự mọi vật đang hạn chế bạn và đang làm cho bạn bị mắc kẹt trong cõi trần gian.

Làm được điều ấy tức là bạn nhập vào trạng thái lý tưởng, ở đó bạn chẳng còn mảy may ham muốn nào. Còn nữa, người Kỳ Na giáo tin rằng linh hồn phải toàn tri, nghĩa là nó cần biết hết mọi điều nó có khả năng biết. Nhưng trong thế giới này, linh hồn đánh mất sự toàn tri ấy và do bởi nghiệp báo nên nó bị giới hạn, không thể nào biết hết những điều nó có thể biết.

Tính máy móc của nghiệp báo

Như thế, điều Kỳ Na giáo làm là sử dụng chủ nghĩa máy móc về nghiệp báo vốn được triển khai trong Ấn giáo, và biến chủ nghĩa ấy thành một kết luận thuận lý của mình. Nếu nghiệp báo mang tính máy móc chủ nghĩa đối với việc cải thiện bản ngã trong một thế giới đang biến đổi, thì đó là một thực tế, chẳng cần tới bất cứ cái gì ở bên ngoài thế giới này.

Bất cứ sự can thiệp nào xuất phát từ một cảnh giới khác, dù đến từ một hay nhiều thần linh, cũng chỉ làm cho vấn đề ấy ra hoang mang. Vì một sự can thiệp ngoại tại như thế mang hàm ý quả quyết rằng sẽ gạt sang một bên nghiệp báo của bạn để cải thiện điều kiện tâm linh của bạn. Nếu nghiệp báo là sự kiện tâm linh mang tính trung tâm của kiếp sống, thế thì thao tác của nó không thể là đối tượng của bất cứ sự can thiệp thiêng liêng nào.

Giải thoát (moksa)

Tuy Kỳ Na giáo dạy rằng linh hồn (jiva) của bạn là bất tử và có khả năng toàn tri, nhưng trong thế giới này, linh hồn ấy dường như không được như thế vì nó bị giới hạn bởi hình dạng vật chất, nghĩa là thân xác, và nghiệp báo của nó. Dĩ nhiên trong khi chuyển dịch qua nhiều kiếp sống, công việc của linh hồn là hướng tới sự thành tựu trạng thái thanh khiết tuyệt đối và tri thức tuyệt đối, hai đặc điểm của bản tính chân chính của linh hồn.

Giải thoát xảy tới khi bản ngã được thoát ra khỏi các tác động của những hành động trong quá khứ, gồm các tiền kiếp. Do đó, ta phải vượt lên trên toàn bộ hành động. Hành động thiện mà thôi thì không đủ vì chúng chỉ tạo phúc lợi cho linh hồn khi đang ở cõi vô thường này chứ chúng không cho phép linh hồn vượt lên trên thế giới đang biến đổi ấy.

Mục đích của người Kỳ Na giáo là trở thành một siddha, thành tựu giả, hoặc người hoàn hảo. Siddha là người đạt tới sự tuyệt đối về tri thức, tầm nhìn, quyền năng và hạnh phúc. Trong trạng thái hoàn hảo ấy, ta nhận ra rằng bản ngã (atman) là thực tại tối hậu. Tới thời điểm này, linh hồn tách biệt với thể xác.

Kinh Tattvartha Sutra, chương 10:4-5 có viết:

“Khi linh hồn được giải thoát, ở đó chỉ còn lại niềm tin chân chính hoàn hảo, tri thức chân chính hoàn hảo, đức hạnh chân chính hoàn hảo và trạng thái mọi sự hoàn hảo một cách toàn bộ.

“Khi hết thảy các nghiệp báo ràng buộc đều bị loại bỏ, linh hồn vút bay lên tới bến bờ không gian vũ trụ”.

Nhị nguyên tính

Cuối cùng, một điểm không thể không nhận thấy là rõ ràng Kỳ Na giáo có tính nhị nguyên chủ nghĩa tận nền tảng. Mặc dù trong diễn tiến bình thường của các biến cố, linh hồn không thể không tương tác với vật chất, nhưng thời điểm giải thoát cũng chính là lúc vật chất bị bỏ lại đằng sau.....

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3099
Ngày đăng: 27.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quân tử và Cô gái - Phạm Toàn
Thuyết “hư cấu lịch sử”, đôi điều bàn giải thêm... - Yến Nhi
Phật giáo thời kỳ đầu - 1 - Nguyễn Ước
Phật giáo thời kỳ đầu - 2 - Nguyễn Ước
Phật giáo thời kỳ đầu - 3 - Nguyễn Ước
Thần tứ - Khổng Ðức
Khí hạo nhiên - Khổng Ðức
Ấn giáo - 1 - Nguyễn Ước
Ấn giáo - 2 - Nguyễn Ước
Ấn giáo - 3 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)