Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.286
 
Một cái chết bất tử
Nguyễn Tam Phù Sa

Rưng rưng, tự hào mỗi khi đọc lại “Danh nhân Quảng Nam”, trong đó có một tiên liệt nổi cộm về số lần vào tù thời chống Pháp- 2 lần bị tuyên án tử hình, 3 lần ở tù từ 11 tháng đến 3 năm, một lần lãnh cái chết bất tử. Chuỗi lao lý kết nối suốt quá trình đấu tranh chống Pháp không chỉ dành riêng cho cụ mà còn quàng qua cụ bà Võ Thị Quyền- cánh tay phải đắc lực, người vợ trung kiên, mẫu mực xứ Đại Lộc. Cụ là ai? Xin thưa, nhà cách mạng kiêm triết gia Trần Cao Vân.

Vợ chồng đồng lòng lo đi giúp nước

 

Trần Cao Vân (TCV) sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, Gò Nổi (xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 8 tuổi mồ côi mẹ. Thân phụ là nhà nho thực tế, chuộng chữ nghĩa, mong muốn con cái theo đuổi con đường cử nghiệp. TCV rất thông minh, học tập xuất sắc, nhân cách rất mực, đối đáp tài giỏi. Khoa Nhâm Ngọ (1882) dự thi ở Huế, bị bệnh đột xuất, bỏ dở. Khoa Mậu Tý (1888), trúng tuyển trường nhất, nhì, nhưng trường ba không đỗ. Hỏng thi, TCV lui về Cổ Lâm tự chuyên tâm khảo cứu Kinh dịch- Tiên thiên và Hậu thiên bát quái của vua Phục Hy và Chu Văn Vương (Trung Quốc) để biên soạn Trung thiên đạo bắt nguồn từ Trung thiên dịch. Con đường khoa bảng của cụ lận đận, thế nhưng qua thơ văn, câu đối còn để lại cho thấy, cụ là bậc khảo học uyên thâm, văn chương lỗi lạc.

 

Ngót 31 năm (1885-1916) TCV thiết tha đi theo tiếng gọi non nước và của lương tri thì ngần ấy năm bị cuốn vào vòng lao lý. Năm Nhâm Ngọ (1882), Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, một năm sau Tự Đức băng hà, triều chính khuynh đảo, thế nước sục sôi chống Pháp. Ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên phong trào Văn Thân, Cần Vương và quần chúng rần rần nổi dậy, quyết “Bình Tây, diệt tả”. Năm Ất Dậu (1885) kinh thành Huế bị Pháp chiếm nốt. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị.

 

Trước những biến cố dồn dập, cụ TCV không còn lòng dạ theo đuổi khoa bảng trong hoàn cảnh đất nước rối ren, dân tình ta thán. Cụ xin cha thoát ly vào chùa Cổ Lâm (làng An Định, Đại Lộc) mượn áo tu sĩ để tiện mưu đồ công cuộc cứu nước. Tại đây cụ gặp Thừa Tô- người đồng chí cũng là anh vợ sau này. Năm Tân Mão (1891) TCV kết hôn với cụ bà Võ Thị Quyền- người cùng gánh vác, vào sinh ra tử với chồng. Cũng trong năm này, Cổ Lâm tự bị bố ráp ráo riết, TCV lui về làng Đại Giang mở trường dạy học. Tay cầm bút lông vẽ chữ cho môn đồ mà lòng dạ theo sát tình thế nước nhà. Việc “qui ẩn” của cụ không qua được tai mắt bọn phò tá thực dân, cuối cùng vợ chồng đồng lòng dấn thân giúp nước, bèn khăn áo tìm tới tỉnh Bình Định. Tại đây cụ mở trường dạy học, mượn phương thuật số để sống qua ngày, đồng thời chỉnh biên, truyền bá triết thuyết Trung thiên dịch – Trung thiên đạo vào mọi tầng lớp quần chúng, trở thành một làn gió mới lan rộng khắp Bình Định, vang dội tới tỉnh Phú Yên. Đây là cơ hội thu nạp hàng trăm nghĩa sĩ, đồ đệ trung thành, trong đó có chí sĩ Võ Trứ. Năm Mậu Tuất (1898), Võ Trứ lãnh đạo một nhóm thầy chùa, kết hợp lực lượng quần chúng, nổi lên chống phá đồn bót Pháp. Khởi nghĩa bị dập tắt vì quân binh chưa được huấn luyện kỹ, binh khí thô sơ, chỉ có giáo, mác, rựa, tầm vông… và lòng yêu nước. Bọn bảo hộ gọi cuộc nổi dậy này là “giặc rựa” hay “giặc thầy chùa”. Võ Trứ lánh vào Phú Yên, là nơi đã cài đặt sẵn dân binh, sau đó đến lượt cụ TCV cũng theo vào, tiếp tục hoạt động chống Pháp ở khu rừng thuộc phủ Tuy An, Đồng Xuân. Mùa hè năm đó, Võ Trứ một lần nữa giương cao cờ “Bình Tây diệt tả”, lại bị Pháp đè bẹp, giữa lúc cụ TCV đang rốt rét nặng. Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc và các môn đệ, cụ ông, cụ bà và hai con được đưa về chữa bệnh ở động Bà Thiêng, một nơi hẻo lánh, xa làng mạc, dân cư. Khi cụ TCV vừa hồi phục thì đến lượt cụ bà giành giật sự sống với căn bệnh ngặt nghèo ấy. Mấy ngày sau, Võ Trứ đến thăm, mang theo ý nguyện- tự ra đầu thú để cứu vớt đồng bào, đồng chí đang bị thực dân Pháp truy quét, thảm sát. Hai nhà chí sĩ, gạt nước mắt tiễn đưa nhau vì không còn chọn lựa nào tốt hơn.

 

Chuỗi kết nối vòng lao lý

 

Khởi nghĩa Mậu Tý ở Phú Yên thất bại, Võ Trứ bị tử hình, nhiều yếu nhân, thầy chùa ở Bình Định, Phú Yên bị giam cầm. TCV cũng bị hạ ngục, bị tra khảo dã man suốt 11 tháng vẫn không tìm thấy chứng cứ, vì cụ Võ Trứ đã khẳng khái nhận hết tội về mình, buộc chúng phải thả cụ về. Năm Canh Tý (1900), do ảnh hưởng của Trung thiên đạo - Trung thiên dịch, bố chính Bùi Xuân Huyến đang trấn nhậm Phú Yên một lần nữa tống lệnh bắt giam TCV về tội mê hoặc, dùng “yêu thơ yêu ngôn” xúi dân làm phiến loạn, tuyên án tử hình. Bản án tư bẩm về triều đình Huế phê chuẩn. Riêng cụ bà TCV và Nguyễn Nhuận (một thân cận cùng đi với cụ ông, cụ bà TCV) bị giam giữ ở ngục Bình Định. Trong triều lúc bấy giờ có các quan đại thần mến phục nhân cách TCV bèn xin giảm án xuống còn 3 năm, cụ bà và Nguyễn Nhuận 2 năm. Đến năm Mậu Thân (1908) ở Quảng Nam xảy ra vụ kháng thuế, bùng phát dữ dội ở huyện Đại Lộc, có đến hàng nghìn người tham gia kéo về Công sứ Quảng Nam ở Hội An đòi xin xâu, giảm thuế. Ngọn lửa đấu tranh dấy lên toàn tỉnh, trở thành cao trào, lan rộng tới Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… Kết quả, ngoài cụ TCV còn có các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành (Tiểu La), Châu Thơ Đồng (Châu Thượng Văn), Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy và nhiều nhân sĩ bị Pháp tống giam vào nhà lao Hội An, mặc dù các cụ không hề hay biết sự việc xảy ra. Đau đớn, uất hận nhất là án tử hình với cụ Trần Quí Cáp và Châu Thơ Đồng. Năm Kỷ Dậu (1909) cụ TCV bị đày ra Côn Đảo với mức án khổ sai chung thân.

 

Tháng chạp năm Quí Sửu (tháng 01.1914) cụ TCV và Trương Bá Huy được ân xá. Đoàn tụ được một năm thì thân phụ mất, thêm một nỗi đau xé lòng. Cuối năm 1915, TCV được Thái Phiên mời tham gia Quang Phục Hội và sau đó một cuộc họp đã diễn ra tại Huế, có sự tham dự của TCV, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Q. Nam); Lê Ngung, Nguyễn Mậu, Lê Triết (Q. Ngãi); Nguyễn Chính (Q. Bình)… TCV và Thái Phiên được ủy thác lo việc tiếp xúc với vua Duy Tân. TCV thảo một bức thư gởi vua Duy Tân, khêu gợi nỗi nhục mất nước, hài tội chính quyền bảo hộ, bọn chuyên quyền khuynh đảo hoàng tộc, dẫn tới vua cha Thành Thái bị đày, mộ Tự Đức bị bới, vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị truất ngôi, bị bức tử mà chết và kích thích lòng yêu nước của nhà vua. Đọc xong thư, vua Duy Tân tức tốc cho mời TCV và hẹn giờ địa điểm gặp. Cuộc hội kiến diễn ra tại Hậu hồ (có sách ghi hồ Tĩnh Tâm) và nhận được sự đồng tình, nhiệt liệt tham gia của nhà vua về kế sách cách mạng 1916. TCV và Thái Phiên còn lấy được lòng của đại tá Harmandes, chỉ huy đồn Mang Cá làm nội ứng.

 

Do nóng lòng khởi nghĩa, vua Duy Tân ấn định đêm 3.5.1916 là đêm tổng nổi dậy. Lập tức, một đại hội toàn kỳ của Quang Phục Hội  diễn ra ở kinh đô Phú Xuân (Huế) để kiểm điểm lực lượng, ban hành kế hoạch khởi nghĩa. Thế nhưng cơ mưu bại lộ do tên tay sai thông phán Trần Quang Trứ  (thường gọi Phán Trứ) mật báo với tòa Khâm sứ Pháp, dẫn tới kết cục: cuộc khởi nghĩa thất bại, vua Duy Tân bị cầm giữ ở đồn Mang Cá, TCV, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị tống giam ở nhà lao Huế, đại tá Harmandes bị thảm sát. Ở Quảng Nam cụ Phan Thành Tài bị tử hình, Lê Đình Dương, Lê Cơ, Trương Bá Huy, Đỗ Tự, Trần Chung… bị đày ra Côn Đảo, Thái Nguyên. Còn ở Quảng Ngãi, vì sự đổ bể của binh sĩ Đỗ An, Đỗ Huệ khiến 200 người bị án khổ sai, cụ Tú Ngung, Cử Thụy tự sát. Riêng cụ Tú Ngung, chết rồi còn bị xử hành hình, cắt đầu bêu ở làng Cam Lộ.

 

Mùa hè năm Bính Thìn, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi. Thái Phiên, TCV, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém ở An Hòa, gần Huế (ngày 16.4.Bính Thìn).

 

Một cái chết bất tử ở tuổi 51, khép lại một đời người yêu nước, nhưng mãi mãi mở ra một con đường chống ngoại xâm cho thế hệ con cháu mai sau. Trước giờ ra pháp trường, cụ TCV có làm bài thơ thất ngôn bát cú đọc ở nhà lao Huế. Chúng tôi xin trích bản dịch thay nén nhang thương tiếc một bậc anh hùng đất Quảng Nam.

 

Giữa trời đứng sững không thiên

Nghìn thu nước Việt còn truyền sử xanh

Chu Vương nhân chính đại hành

Quân dân hợp sức lũy thành đắp xây

Người thù non nước còn đây

Trời xanh với tấm lòng này tương tri

Anh hùng thành bại sá gì

Nghìn thu lịch sử còn ghi lại đời./.

 

Tài liệu tham khảo:

- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa, 2006

- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2005

- Danh nhân Quảng Nam, Huỳnh Lý và nhóm biên soạn, NXB Đà Nẵng, 1987

- Nhà cách mạng Trần Cao Vân, Lương Vĩnh Thuật; tục biên Trần Công Định.

- Việt sử Đàng Trong, Phan Khoang, Khai Trí 1970.

Nguyễn Tam Phù Sa
Số lần đọc: 2744
Ngày đăng: 27.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Thái Học "Chết vì tổ quốc, chết vinh quang" - Lê Ngọc Trác
Bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông: Bất chấp sự thật lịch sử và pháp lý quốc tế! - Nguyễn Nhã
Tổng hợp sơ bộ nghiên cứu về Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Hoàng Diệu : Ngàn năm sáng ngời chính khí - Lê Ngọc Trác
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872 : Những vấn đề tồn nghi (Tiếp Theo) - Đinh Kim Phúc
Về cuộc kháng chiến chống quân Minh : Thực lục về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm dưới thời quân Minh cai trị - Hồ Bạch Thảo
Khởi Nghĩa Láng Thé (Vũng Liêm-Vĩnh Long) năm 1872-Những vấn đề tồn nghi - Đinh Kim Phúc
Đàn Xã tắc thờ ai ? - Hà văn Thùy
Tấm Lòng của Phan Đình Phùng Rạng ngời như trăng sao - Lê Ngọc Trác
Mối quan hệ bất cân xứng - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Ước (thơ)
4 truyện ngăn ngắn (truyện ngắn)
4 truyện cực ngắn (truyện ngắn)