Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.033
 
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa
Nguyễn Trung Bình

Trở lại Huế sau hai năm xa, tôi đi dưới chiều mưa và gió mùa đông bắc. Có lẽ, mưa Huế vượt thời gian với mỗi người, rơi và rơi. Rơi vào lòng ai đã một lần gắn mình trong những kỷ niệm không quên dù là thời sinh viên chẳng mấy dài. Tôi nhìn mưa Huế bây giờ với sự trở về ký ức, trong mấy chút bạn bè, người thân, rơi qua, bay theo mưa và tháng năm. Nhìn mưa Huế để nhớ, để thương, rồi tôi gặp người-mưa-Huế, ngẫu nhiên khi những câu thơ của Hải Bằng cứ như từ trong mưa đang đến.

 

Gặp em trong mắt thầm xao động

Tóc chảy xuống vai mềm ai biết đó là mưa

 

Từ lâu rồi, mưa Huế là thơ, thơ nhiều lắm, làm sao nhớ hết, thơ hay và buồn, cái vui rốt lại là tình thi nhân với Huế. Hải Bằng viết về mưa trong cái tình đó, như là đời sống, chắt chiu lan toả muôn bề, có thể thấy và không thấy được. Thật khó hình dung mưa Huế sẽ thế nào trong sự chảy của cuộc sống tràn lên phía trước nếu thiếu đi thơ Hải Bằng, thiếu dáng mẹ, thiếu ánh mắt và môi em, làn tóc của mưa, và một người đứng ca hát bên lề đời quên tuổi tác.

 

Đã mấy lần thầm khóc buổi chia tay

Mấy màu thu ướt vườn dâu quê mẹ

Trong giọt chua nghe lời hỏi khẽ

Thuở xa nhà mưa ướt tóc em không?

 

Hình như Hải Bằng và thơ chẳng thể nào tránh khỏi mưa. Hai trong năm tập thơ của ông lấy mưa làm tựa, đắm mình trong thở than của đất trời, rơi và nhoè đến tê buốt vậy. Nhà thơ đi trong mưa, nhìn mưa, nghĩ về mưa như như sự ràng buộc của câu, chữ, những ý tưởng thấm đẫm từ gan ruột người đã cất lên, ca lên màu mưa chỉ riêng Huế có.

 

Mưa rơi xuống lá là hạt mưa xanh

Mưa rơi xuống hoa là hạt mưa đỏ

 

Tôi không tin ông là người chỉ mặc nhiên ghi lại mưa Huế, càng không tin Hải Bằng là khách của thơ. Thơ ông đang hoá giải mưa và Hải Bằng, Huế và của trái tim, vượt lên trên sự khóc than mà gieo vào đất đai mầm sống xứ sở.

 

Có người nói: “Hải Bằng đã vịn vào mưa để vui buồn, để yêu thương và hy vọng, để chiêm cảm, hoài niệm và triết luận” (Hồ Thế Hà, in trong Mưa lại về, Nxb. Thuận Hoá, 1993). Với tôi, những cơn mưa kéo dài, những câu thơ Hải Bằng không chỉ là cái cớ để gặp, để vui - buồn - hờn - giận hay từ đó muôn điều trong đời thường lên tiếng nữa, mà chính thi nhân đã tìm ra mình, như Huế tìm ra mưa, như sự sống tìm ra thơ để cuộc đời thêm nhiều phong vị.

 

Năm 1989, tình cờ tôi có trong tay tập Thơ tình Hải Bằng, tập thơ khiêm tốn tôi vậy mà những câu thơ đầu tiên tôi gặp ấy đã giữ lại trong tôi một cảm xúc khó tả. Điều đó càng in đậm hơn khi biết ra tác giả đã lớn tuổi, nhưng tình yêu của ông với từng cung bậc khác nhau thì vô cùng, trẻ mãi và không chấp nhận sự quy phục của thời gian. Hải Bằng nói về tình yêu mà không có cái gượng ép, cứ tự nhiên thoát ra trang giấy, ghi lên đó chất nghệ sĩ không dễ gì ai cũng có được.

 

Đất trời cùng biển ru nhau

Thơ ru em ngủ từng câu bàng hoàng

 

Cái bàng hoàng của Hải Bằng thật thi vị, bởi ông tìm ra cái đích thực của rung động, xao xuyến hồn thi nhân. Phải chăng Hải Bằng với thơ là em, gắn với mưa Huế! Tôi nghĩ giả sử có ai đó thử làm một phép tính khi nghiên cứu thơ Hải Bằng, chắc không quên nói đến: Hải Bằng + mưa Huế + tình yêu trong các tập Thơ tình Hải Bằng, Mưa Huế, Mưa lại về...Đọc tập thơ mới nhất của Hải Bằng tôi không thất vọng như đã gặp phải ở một số tác giả khác khi cứ chọn một đề tài để triển khai ngòi bút, trái lại Hải Bằng đã làm tôi yêu Huế hơn. Huế của thơ Hải Bằng và những cơn mưa khó quên.

 

Nếu mưa hoá kiếp làm thi sĩ

Tôi sẽ quay về phía nắng lên

 

Ngày mai tôi lại xa Huế, trong những điều chợt nghĩ, chợt nhớ và muốn ghi lại, tôi chẳng biết làm ghi hơn nhìn Huế vào mưa, trong đó Hải Bằng đã nói hộ cho ai, cho tôi điều gì khó phai: Không được cầm mưa như hành lý để chia tay./.

 

Huế, Đà Nẵng tháng 10/1993

Nguyễn Trung Bình
Số lần đọc: 3327
Ngày đăng: 29.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện - Trần Hinh
Lòng Mẹ và Tình Con Qua Hai Bài Thơ của Nữ Sĩ Minh Quân - Mang Viên Long
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” - Nguyễn Khắc Phê
Nhận xét truyện dài: Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai - Vũ Ngọc Tiến
Lòng tốt nẩy mầm từ tình yêu trong trắng - Nguyễn Khắc Phê
Đọc Miền Đất Ven Sông thử Tìm Hiểu Tiểu Thuyết Sử Thi của Hoàng Văn Bổn - Bùi Công Thuấn
Nhân nghe CD Kiều Ba Miền của Lệ Ba - Nguyễn Ước
Chất trữ tình tuổi già trong thơ Xuân Sách - Nguyễn Hồng Nhung