Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.953
 
Pho sách gia truyền
Nguyễn Chính

Đã gần trưa mà Khệnh vẫn chưa mó mẩn được việc gì, hết đi ra lại đi vào, rồi uể oải ngồi phịch xuống cánh phản mốc. Theo gia phả thì cụ tổ năm đời nhà Khệnh là nhà thông thái, biết trước được cả việc trời đất, nên người đời nể sợ lắm. Vậy mà dòng họ nhà hắn không phất lên được. Đã không có bát ăn, bát để, lại còn yểu tướng chết non, không ai qua nổi ngũ tuần. Khệnh cũng vậy, mới tuổi bốn sáu mà trông hắn già khọm, hai hàm răng lung lay đã rụng mất quá nửa, làm cho cái cằm thừa hưởng của cụ tổ càng thêm bành ra, nhìn như móm. Lâu nay, Khệnh ít quan tâm đến bản thân, hắn đang lo cháy ruột về sự tồn tại của dòng họ. Mọi việc hắn phó thác hết cho vợ. Mà hắn không lo sao được. Cả dòng họ nhà hắn ở làng Trái Cầu này, giờ chỉ còn mình hắn là đàn ông, đứng mũi, chịu sào. Còn lại toàn là thứ đàn bà “đái không qua ngọn ngọn cỏ” thì làm nổi tích sự gì. Khệnh thở dài, co chân lên, xoa xoa, đập đập vào nhau mấy cái, rồi nằm vật ra phản, vắt tay lên trán suy nghĩ miên man...

 

Vợ Khệnh đã đi chợ về, vứt tuệch đôi quang thúng xuống sân. Mấy con gà trong bếp thấy động vùng chạy tán loạn làm tro bếp vung ra mù mịt. Giọng ả như xé vải:

- Ở nhà mà như ở mả thế này, có khổ tôi không hả giời.

Khệnh vẫn nằm yên, mặc cho vợ vừa dọn dẹp vừa lôi đủ thứ tội của hắn lâu nay ra kể lể...

 

Đó là người đàn bà đẹp, trẻ hơn cái tuổi bốn mươi nhiều. Ả cao to hơn chồng, bắp chân bắp tay cứ nần nẫn. Từ ngày làng có cái chợ, ả bỏ ruộng về chạy chợ. Lúc đầu chỉ định thử xem sao, sau quen dần, nay thì dứt ra không được. Môi trường mới đã trả lại cho ả nước da trắng bẩm sinh, cặp môi vẫn đỏ như môi con gái. Thấy Khệnh nằm, mắt nhắm nghiền, hai gò má trũng sâu, ả lại thấy thương thương, hạ giọng làm lành: “Ngày mai giỗ đầu bác Cả, tôi đã mua các thứ mình dặn rồi đấy”. Khệnh thở dài, câu nhắc của vợ càng làm cho suy nghĩ của hắn thêm rối rắm. Vậy là bác ấy đã đi được một năm. Có ai ngờ một người khỏe như vâm, xuống tấn chấp ba bốn thanh niên nhấc lên không nổi. Vậy mà chỉ một cơn loạn nhịp tim, phút chốc đã ra người thiên cổ. Bác cả là anh cùng cha khác mẹ với Khệnh. Là trưởng tộc, nhưng khi bố mẹ qua đời, tài sản có gì đều chia hết cho các em, bác Cả chỉ giữ lại phần mình mấy gian nhà từ đường dột nát và pho sách của cụ tổ năm đời.

 

Pho sách bìa bọc vải đỏ, dày cả gang tay. Mỗi lần muốn giở ra xem, bác Cả lại phải thắp hương khấn vái lầm rầm một hồi. Tội nghiệp, sinh thời bác Cả để mắt đến từng nhà trong họ tộc, nhắc nhở, uốn nắn, chỉ vẽ làm cái này, làm cái kia, từ việc lớn đến việc nhỏ và không bao giờ quyên cái điệp khúc: “Sách cụ dạy như thế, như thế...”. Cả họ chẳng một ai dám cãi. Khệnh còn nhớ, vụ mùa năm ấy, cả làng Trái Cầu vừa ra khỏi trận đói vàng mắt do nước lụt hai năm liên tiếp. Không ai dám cấy khu Đồng Lún, vì sợ lại mất ăn. Bác Cả mở sách rồi nói với cả họ: “Cứ Đồng Lún mà mần”. Mưa thuận, gió hòa, mùa năm ấy trúng to. Hôm cúng tổ cơm gạo mới, bác Cả phán một câu làm họ nhà Khệnh ai cũng sướng cái bụng: “Nhờ sách, cứ đà này chả mấy chốc mà lên thiên đường”. Và pho sách được cả họ coi như  báu vật. Tiếng lành đồn xa. Một hôm có người đàn ông đi giày đen, mang kính trắng, tự giới thiệu là người của khảo cổ tìm đến, khẩn khoản xin được mượn pho sách đem về giám định, nghiên cứu. Nhìn khách lạ hồi lâu, khuôn mặt chữ điền cùng cái cằm bạnh truyền thống của bác Cả đã lấm tấm mồ hôi, đỏ như mặt giời. Không kể đến phép lịch sự, bác Cả gầm lên như sấm:

- Láo ! Giám...giám cái gì ? Cút !

 

“Nhà khảo cổ” mặt xanh như đít nhái, lắp bắp mấy câu xin lỗi rồi đi như chạy ra cổng. Nhưng nghĩ thế nào, ông ta lại quay vào, ghé  tai Khệnh,lúc ấy đang đứng ngoài sân, nói nhỏ: “Bác ta nóng quá, sách có giá trị hay không phải qua tay chúng tôi mới biết được. Nếu đúng là đồ cổ thì càng cổ càng có giá trị. Nhưng nhà anh mới có năm đời, nên giá trị cũng chẳng là bao. Tôi sẽ còn quay lại”. Rồi năm, tháng qua đi, cái làng Trái Cầu này xảy ra biết bao nhiêu là chuyện. Mấy nhà hàng xóm, chỗ lão Độ đánh nhau vỡ đầu chỉ vì cái bờ rào. Hay chỉ vì miếng đất hương hỏa từ đời tám hoánh mà anh em nhà Thành dẫn đến đổ máu, phải đưa nhau ra tòa. Cả cái xóm ven sông bỏ làng kéo nhau đi biệt tích. Còn họ hàng nhà Khệnh, sau mấy lần đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nghe theo bác Cả lên đồi, xuống bãi, thả bò, chăn dê, cấy lúa, trồng khoai, làm lò gạch... đều thất bát, nên ngày càng lụn bại. Càng nghĩ, Khệnh càng thấy đau trong gan, trong ruột. Thực ra thì họ hàng nhà hắn cũng đâu có thua chị kém em gì. Ai cũng chịu thương, chịu khó, dè xẻn từng đồng. Còn chuyện giỏi giang thì so với thiên hạ cũng chẳng đến nỗi nào. Như vợ hắn đây, mới có vài năm chạy chợ mà nhà cửa đã bớt túng bấn. Bữa cơm nào hắn cũng có đồ nhậu với vài chén rượu. Vậy mà...

- Dậy ăn cơm đi mình ! - Vợ Khệnh rải chiếu, dọn cơm lên, dịu dàng nói với chồng. Khệnh ngồi dậy, chiêu nước xúc miệng, chép chép mấy cái, rồi ngồi vào mâm. Như thường lệ, vợ hắn bới cơm, gắp thức ăn vào bát cho chồng, làm như hắn còn là con nít. Vợ chồng Khệnh không có con. Bữa cơm không có tiếng ồn ào của trẻ nhỏ cứ lặng ngắt. Khệnh bảo vợ:

- Bác cả gái nói, bây giờ mình lại là trưởng họ. Ngày mai cúng xong, đưa pho sách của cụ về bên này.

Vợ hắn không nói gì, lát sau ả mới kéo dài giọng :

-Úi dào, sách với chả vở. Không biết làm, biết ăn thì chỉ có mà giã họng ra.

Như chạm phải lửa, Khệnh buông đũa bát cái rầm, hai mắt vằn lên những tia máu đỏ ngầu, quát vào mặt vợ: “Tôi là tôi...tôi cấm....”.

 

*

Vốn biết tính chồng, tối hôm ấy, ả lại ngọt ngào với hắn :

- Bác cả gái đã có ý thế, mình cứ đưa sách của cụ về bên này mà thờ, có tốn gạo, tốn cơm gì đâu mà lo. Tội nghiệp, bác ấy sinh con một bề …

Nói là nói vậy thôi chứ có bao giờ ả tin vào cái quyển sách vẫn để trên bàn thờ nhà bác Cả đâu. Ả nghĩ, chẳng thà là phương thuốc gia truyền có khi còn hái ra tiền. Đằng này, rặt một thứ trên giời, dưới đất. Lúc còn sống, bác Cả giảng giải cả buổi mà trong họ chẳng ai hiểu gì. Thiên hạ thấy tộc họ nhà Khệnh ăn chẳng nên, làm chẳng ra, thì coi pho sách là của dỏm. Còn thằng cha giầy đen, kính trắng lâu nay cũng mất hút. Vậy là khảo cổ người ta cũng chẳng màng. Và còn điều này nữa, không giám nói ra, nhưng lâu nay ả vẫn để bụng, đó vừa là nỗi khiếp sợ, vừa là sự đau khổ của vợ chồng ả. Mấy chục năm sống với nhau, tám lần sinh nở mà chẳng lần nào ra được hình người. Sợ quá, đến nỗi Khệnh không giám để vợ có bầu. Bác sĩ bảo, cái thai bị nhiễm độc. Làm sao có thể thế được ? Sức khỏe của ả thì tốt rồi, rất tốt là đằng khác. Còn Khệnh thủa đương trai cũng khỏe ra  trò. Vậy thì chất độc ở đâu mà nhiễm ? Thắc mắc mãi, rồi ả mới nhớ ra, hay là tại thứ nước cúng, lâu nay bác Cả vẫn bắt Khệnh và những người trong họ phải uống. Đó là  thứ nước màu  đen, mà sau khi mở sách, bác Cả chép lời cụ tổ, rồi đốt thành than hòa vào. Nghĩ là nghĩ thế, thực hư chưa biết thế nào, nên ả vẫn phải câm như hến.

 

*

Từ ngày đưa pho sách về, bàn thờ nhà Khệnh lúc nào cũng đèn nhang đầy đủ. Nhưng chưa bao giờ Khệnh nghĩ đến chuyện mở sách ra xem. Bài văn khấn, bác Cả dạy từ hồi nào, đã thuộc nằm lòng, vậy mà bây giờ nhẩm lại, hắn vẫn nhầm lẫn linh tinh hết. Dòng họ thì tan tác mỗi người mỗi nơi. Thế là hết. Lòng hắn đớn đau, chua xót . Nhưng giấy rách phải giữ lấy lề, không thể để thiên hạ đàm tiếu được. Khệnh phải giữ, giữ bằng được. Như thông cảm với chồng, vợ hắn chăm sóc hắn chu đáo hơn trước. Thực ra thì hắn cũng chẳng phải làm gì, hắn thầm cảm ơn vợ. Hắn nghĩ, biết đâu cái thứ “đái không qua ngọn cỏ” ấy lại nghĩ đúng, làm đúng thì sao. Thì mọi việc cứ bày ra cả đấy chứ  xa xôi gì. Cái chợ làng ngày một phình ra như có phép lạ. Mấy thằng hàng xóm thì toàn tỷ phú, triệu phú cả. Vợ hắn cũng vậy, từ đôi quang thúng với mấy cái mẹt, ả đã có hẳn một sạp hàng khô giữa chợ, bỏ hẳn nghề làm ruộng. Một hôm, ả giải thích cho Khệnh với lý lẽ thật giản đơn, “không biết làm thì ôm lấy ruộng để làm gì. Có nghề thiến heo, ông cứ “dịch vụ” chắc ăn cho người ta, lại không sướng bằng tiên à ?”.

- Nhưng mà còn chuyện sách ? Hắn than thở.

Không nén được, vợ hắn bật ra những tiếng lanh lảnh như chuông :

- Sách, sách... lại còn chưa được trắng mắt ra à. Cứ ngồi  mà ôm sách, mài  sách ra mà uống mãi vào, thì có ngày lại liệu đường theo bác Cả.

Sau đó, chẳng biết nghĩ sao ả lại dịu giọng :

- Mà mình cứ nghĩ ngợi, đắm đuối hoài  làm gì. Vứt được cái nghèo, cái khổ là đại hồng phúc rồi. Sách vẫn còn đó, không mở nữa thì niêm phong lại, nhang khói như thường, chứ có bán đi đâu mà sợ.

Nhưng để dứt được khỏi những ám ảnh suốt mấy chục năm, về pho sách của cụ tổ năm đời, đối với Khệnh chẳng phải dễ dàng gì. Hắn cứ dằn vặt đến hao hốc cả người. Một thời tộc họ này vẻ vang, được thiên hạ vì nể, chẳng phải nhờ đến pho sách là gì ? Với lại, cụ tổ mình là nhà thông thái cơ mà ? Nhưng mấy thằng hàng xóm tỷ phú, triệu phú mà họ mạc nhà nó có gia truyền sách vở gì đâu ? Ngay như nhà hắn đây, lâu nay đâu có đụng đến sách của cụ mà thấy làm ăn cũng khá. Nhưng bây giờ mà dẹp đi ngay, thì thiên hạ còn coi cái họ nhà hắn ra cái gì. Không được. Khệnh bây giờ là trưởng họ, Khệnh phải có trách nhiệm với tiền nhân. Thờ, phải thờ...hắn vưa lẩm bẩm một mình, vừa kính cẩn nâng pho sách  đặt trang trọng lên bàn thờ nghi ngút khói.

Nhưng cuối cùng thì Khệnh cũng phải nghe theo vợ. Hắn cho thêu tên sách : VẠN ĐẠI TRI THIÊN ĐỊA MỆNH vào tấm vải điều to tướng, treo gần kín gian giữa của nhà từ đường, mới được vợ hắn bỏ tiền ra tu bổ lại. Thế đấy ! Ai giám bảo cụ tổ năm đời nhà Khệnh đã hết thiêng ? Chắc ở cõi niết bàn, nhà thông thái của dòng họ nhà Khệnh cũng thấy mát lòng, hả dạ. Công việc xong xuôi, vợ Khệnh nói với với hắn: “Phải làm như vậy cho những đứa thối mồm nó khép  cái mỏ lại”.

 

*

Khệnh chợt tỉnh giấc, khi bàn tay mát rượi của vợ xoa xoa trên ngực hắn. Từ ngày tạm yên chuyện pho sách, giấc ngủ đến với hắn dễ dàng hơn. Hắn xoay người lại, rúc đầu vào bộ ngực đang bốc nóng rừng rực của người đàn bà đang hồi xuân. Đã lâu lắm hắn mới thấy lại cái cảm giác như bị thôi miên, bởi mùi da thịt đàn bà. Hắn lùa tay vuốt nhẹ tấm lưng trần của vợ, rồi xoa xoa cặp đùi và cái bụng trắng lốp. Bỗng hắn rụt phắt tay lại như bị điện giật và định ngồi hẳn dậy. Nhưng vợ hắn lại kéo hắn nằm xuống, rồi cầm tay hắn đặt lên bụng mình và khẳng định ráo hoảnh :

- Em có bầu !

- Nhưng lâu nay có...

- Đúng ! lâu nay có để mà lại đẻ ra thứ của nợ ấy à. Tôi đã nghĩ chán rồi. Cảnh không con khổ lắm. Cha già con cọc lại càng khổ hơn. Có vợ, có chồng, đứa nào nói láo cứ gang họng nó ra.

 

Khệnh nằm vật ra giường, trừng trừng nhìn lên trần nhà. Hắn bỗng nhớ đến cái thằng chủ sạp thịt heo, đối diện với sạp hàng đồ khô của vợ hắn ngoài chợ. Thằng cha to con như hộ pháp, mặt đỏ như gà chọi. Mấy lần ra dọn hàng giúp vợ, hắn đã nghe người ta nói bóng nói gió, nhưng vì mải lo chuyện đại sự của dòng họ, hắn quên bẵng đi mất. Bây giờ cơ sự thế này, còn biết làm thế nào. Vợ Khệnh vẫn nằm im, chờ sự phản ứng tiếp theo của chồng. Nhưng chỉ thấy, thỉnh thoảng hắn lại trở mình và thở dài cái thượt.../.

 

Nha trang 24.1.1992

 (*) Trong tập truyện ngắn hay 2001- NXB Thanh Hóa

Nguyễn Chính
Số lần đọc: 2188
Ngày đăng: 05.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đĩ về hưu - Võ Công Liêm
Người chợ kệ - Dương Đức Khánh
Vì tôi là con của mẹ - Trương Văn Dân
Hai truyện ngắn của Nguyễn Thụy Long - Nguyễn Thụy Long,
Truyện chưa kịp đặt tên. - Trần Quang Lộc
Chuyến tàu nửa đêm - Sâm Thương
Kỷ vật của người bị chết oan - Minh Diện
Hoa bất tử có thật - Khôi Vũ
Hồi ký Quá trẻ để chết / Trop Jeune Pour Mourir - Perrine Huon
Nhà tiên tri - Đỗ Ngọc Thạch