Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.136
 
Gió mát ở sau lưng
Trần Lệ Thường

Không gian êm đềm trôi trong tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ. Dù cửa không mở, Hà vẫn nghe được mùi hoa sứ thoang thoảng. Cây sứ được trồng bên cửa sổ gần phòng ngủ của vợ chồng anh. Và mỗi sáng, trước khi Khuê – vợ anh – quét gom những bông hoa rụng trên sân thì anh dậy sớm hơn, nhặt những cánh  hoa tung lên cao rồi dõi theo từng cánh hoa rơi mà reo lên thích thú. Không gian lúc ấy đầy ắp hương hoa sứ. Về đêm, hương sứ ngọt ngào hơn, nồng nàn hơn.

 

Trong ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn ngủ Hà nhận ra con thạch sùng bám trên tường. Chiếc bóng của nó in lên vách như một vết sẹo. Hà nghĩ đến Thư, đến vết sẹo anh vô tình để lại trong cuộc đời Thư sẽ như là chiếc bóng theo sát bên Thư đến hết một đời. Hà trở mình quay mặt vào phía trong, anh cố tình cử động mạnh như để đánh động không gian quá yên ắng lúc này. Phần nệm bỏ trống hơi lõm xuống in dáng nằm của Khuê cùng những sợi tóc vương vãi trên gối gợi ở anh nỗi nhớ nhung của một người chồng trong cuộc sống đời thường.

 

Chuyện xảy ra từ hơn một tháng nay khi Hà gặp lại một người quen cách đây mười chín năm. Thoạt đầu, Hà không nhận ra người phụ nữ đó nhưng khi người khách mở lời, đôi khoé miệng rộng hơi nhếch lên thì anh vụt nhớ. Ôi! Đó là Diệu Thư.

 

Đầu năm một ngàn chín trăm tám mươi, trong cơn đau ruột thừa anh được đưa vào bệnh xá huyện cấp cứu. Thư lúc đó là một y sĩ trẻ đầy nhiệt tình và năng lực. Cô không nề hà khó nhọc đã tận tình chăm sóc cho anh – một chủ tịch huyện. Không chỉ vết thương mà cả mọi thứ trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi, cuộc sống độc thân xa gia đình lúc ấy không cho phép anh từ chối sự quan tâm của Thư. Con đường từ chợ thị trấn đến bệnh xá lầy lội mỗi khi trời mưa và hai hàng khuynh diệp không đủ cho bóng mát mỗi khi trời nắng vậy mà Thư một ngày mấy lượt đi về. Nhà của Thư ở ngay chợ thị trấn, Thư có mẹ già và một đứa em trai đang học cấp ba. Trên con đường này, anh đã cùng Thư thơ thẩn nhặt những chiếc lá khuynh diệp mỗi khi gió về. Rồi có những đêm, qua khung cửa sổ, cả hai cùng ngắm sao trời trên tấm thảm đen huyền ảo. Anh kể chuyện ngày xưa ba anh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và chuyện anh đi Hà Nội thăm lăng Bác. Đôi lần anh bắt gặp đôi mắt sáng lóng lánh của Thư nhìn anh, tưởng Thư không tin anh thường nói: “Tôi nói thật đó!”. Thư cười, đôi khoé miệng, nhếch lên duyên dáng. Rất quý mến Thư nhưng tuyệt đối anh không hứa hẹn gì dù lúc đó anh chưa lập gia đình. Cái mà người ta gọi là tình yêu hình như chưa đến với anh. Chuyện tình cảm rõ ràng không thể lý giải. Thời gian sau anh được về tỉnh, từ đó anh không biết tin tức gì về Thư nữa. Anh đã quên Thư như người lữ hành quên chiếc quán nhỏ ở bên đường trên chặng đường thiên lý.

 

Giờ đây, Thư tìm đến anh. Chuyện là, con trai Thư đánh nhau gây mất trật tự đang bị tạm giữ. “Anh Hà! Nó ngoan ngoãn và chăm học lắm. Nó đang học lớp mười hai, vài hôm nữa thôi đã đến ngày thi. Nó chỉ nhất thời bị kích động. Anh hãy tin tôi!”. Nó nhỏ hơn Nhung một tuổi. Hà nghĩ thầm, nhớ đến con gái đang học đại học ở TP HCM. Anh nhìn Thư, đôi mắt đen sáng của Thư bắt gặp ánh mắt của anh buồn bã nhìn xuống mũi giày đang dí trên nền gạch. “Xin hãy giúp tôi lần này. Nó phải có mặt để thi tốt nghiệp. Hãy vì tôi! Tôi xin anh!...” Hà im lặng nghĩ ngợi trong khi Thư lấy khăn thấm lên mắt. Anh cảm thấy có điều không ổn trong ánh mắt Thư nhìn anh. Tại sao lại là anh mới có thể bảo lãnh cho thằng bé được? Và Thư hay dùng đại từ chỉ ngôi thứ ba “nó” để nhắc đến con trai mà không gọi tên. Chậm rãi, anh hỏi: “Nó tên là gì?” Hờ hững anh đốt thuốc hút và vì không nghe Thư trả lời nên anh hỏi lại: “Nó tên gì?” Ngập ngừng mãi Thư mới trả lời. “Nó tên Nguyễn Lê San Hà!” Lần này thì Hà tưởng đã nghe lầm nên câu hỏi được nhắc lại lần nữa. “Nguyễn Lê San Hà?”. “Nó tên là Nguyễn Lê San Hà! Ba nó họ Nguyễn. Bỏ đi lúc nó chưa đầy tuổi”. Hà dụi tắt điếu thuốc vừa đốt. Lòng anh dấy lên điều gì khó tả. Anh là Lê San Hà. Hóa ra, với Thư anh đã bất biến trong cuộc đời chị. Giọng Thư ngùi ngùi mà sao anh nghe như tiếng chuông rền vang trong tâm não, trong tim anh. Xúc động, Hà nhìn Thư không nói được lời nào. Thư lẩn trốn ánh mắt anh, chị nhìn mông lung ra những hoa nắng trên thềm. “Từ khi anh rời khỏi huyện, tôi lúc nào cũng hướng về anh. Giữa đám con trai huyện chiều chiều mặc bộ pyjama màu xanh nhạt ôm cây đàn ghita đứng ở gốc bàng mà ngó qua cửa sổ như cậu hai Quờn của “Đò dọc” thì anh khác hơn nhiều. Không phải vì anh là chủ tịch huyện mà có lẽ vì anh biết ngâm thơ, anh đàn hay và anh dám nhảy xuống sông cứu một đứa trẻ dù anh bơi rất dở. Anh còn nhường phần ăn của mình cho người khác rồi đi ra ngoài ăn một củ khoai luôn cả vỏ. Thật ra, khi người ta còn trẻ người ta có thể làm bất cứ điều gì một cách sôi nổi. Có lần, tối, tôi bước vào phòng giải phẫu đứng lặng nhìn chiếc bàn mà hình dung ra anh đang nằm trên đó. Rồi chợt nhận ra chiếc bóng của tôi không hắt lên tường. Tôi thầm ước ao, trong cuộc sống bận rộn hàng ngày của anh, một tối nào, anh chợt nhận ra chiếc bóng của anh in lên tường là chiếc bóng của tôi”.

Cổ họng Hà khô rát, lại như có cái gì chặn ở ngực anh. Thì ra, khi rời khỏi huyện anh đã mang theo linh hồn của một cô gái mà anh vô tình không hay biết. “Anh lập gia đình được ít lâu thì tôi cũng có chồng, cứ ngỡ sẽ quên đi…” Lời nói của Thư đưa Hà trở về thực tại. Chị có vẻ trầm tĩnh hơn lúc nãy, giọng đều đều mà ray rứt. “Anh ấy là kỹ sư về huyện xây cầu. Chúng tôi không hạnh phúc. Gần đến ngày thôi nôi con trai thì anh ấy bỏ đi không nói lời nào. Không tạm biệt và cũng chẳng hẹn ngày trở lại. Tôi thường dẫn con trai đi nhặt lá khuynh diệp dù lá rơi không còn nhiều nữa. Mãi đến bây giờ, như là một thói quen, tối tối tôi vẫn ngồi trước tivi chờ xem chương trình thời sự địa phương để được nhìn thấy anh. Tuổi trẻ qua đi, bây giờ lòng tôi rất bình yên sau những năm tháng vò võ nuôi con. Vậy anh có thấy thằng con trai này cần thiết đối với tôi như thế nào không?” Vì sao nó cần thiết đối với Thư, lại còn rất cần nữa. Anh hiểu, Thư nói ra không phải để gán ghép cho anh một trách nhiệm nào mà vì Thư chẳng có ai để cầu cứu. Anh là chiếc phao duy nhất để Thư có thể bám lấy, bíu vào. Cũng có thể vì trong Thư, anh là tất cả và quan trọng hơn bất cứ ai. Chẳng phải anh sẽ hiện hữu suốt đời bên cạnh Thư qua cái tên của thằng San Hà đó hay sao? Anh không có một bổn phận hay trách nhiệm gì đối với mẹ con Thư nhưng sao anh cảm thấy áy náy ray rứt qua cái tên của thằng con trai, qua một tình yêu đơn phương sâu sắc, qua gần hai mươi năm cô đơn sầu muộn. Anh sẽ phải làm gì cho Thư khi Thư cứ mải miết đi trên đường một chiều. Hà thầm thán phục. Phụ nữ có một tình cảm thật mãnh liệt và sâu sắc. Đến khi cùng thư đi gặp thằng con trai thì Hà mới biết anh còn chưa đánh giá hết được tình cảm của Thư dành cho anh. Và anh đã biết, vì sao Thư không hạnh phúc, vì sao ba thằng bé bỏ đi: Khuôn mặt nó hao hao giống Hà!

Dĩ nhiên, Hà tuyệt đối không nói với Khuê dù chỉ nửa lời. Nhưng chỉ vài ba ngày sau Khuê đã làm ầm ĩ lên. “Chẳng thà anh thú thật với em… người ta đồn ầm lên…” Biết là Khuê đã hiểu lầm nhưng Hà có nói thế nào Khuê vẫn một mực không tin. “Vậy em nghĩ sao về việc phụ nữ có mang thường treo ảnh trẻ con kháu khỉnh ở trong phòng?” Khuê gạt bỏ mọi chứng cứ Hà đưa ra để chứng tỏ anh vô tội. Khuê đùng đùng bỏ đi thành phố. Thay vì đón Nhung về nghỉ hè như mọi năm thì hai mẹ con cùng ở lại trên đó…

Hà thở dài nhìn chiếc giường ngủ rộng thênh thang. Khuê đi rồi ngôi nhà trống trải quá. Anh tin, bình tĩnh lại Khuê sẽ hiểu ra mọi chuyện và quay về. Bây giờ, sự ghen tuông khiến cho Khuê xét đoán không công bằng. Phải có thời gian. Và Hà thấy mình cũng cần có một khoảng thời gian riêng tư một mình để cho câu chuyện được lắng dịu trong anh. Anh thấy mình không có lỗi. Với Khuê anh không làm gì tổn thương tình cảm vợ chồng. Nhưng với Thư, anh không biết có cần kết tội mình hay không? Anh phải viện giải: Người ta thường nói không biết thì không có tội. Tuy nhiên, đêm nào cũng vậy, từ ngay sau hôm mẹ con Thư trở về huyện anh cứ trăn trở mãi không ngủ được. Dằn vặt, ray rứt, nằm không yên mà đứng cũng không yên. Đôi mắt cứ mở to như tìm kiếm trong bóng đêm một điều gì đó. Anh vụt nhớ một câu thơ của Huy Cận. “Gió sao gió mát ở sao lưng”. Câu thơ này nói về một người đang ngoại tình. Là anh ư? Trong câu chuyện này chỉ có anh và Thư hiểu rõ hơn ai hết. Hà lại trở mình quay mặt ra ngoài. Vô tình anh lại trông thấy con thằn lằn và chiếc bóng của nó. Anh lại như thấy vết sẹo để lại cho Thư ngày càng đậm nét.

Ngột ngạt, bứt rứt như không có không khí để thở. Hà trở dậy mở tung cửa sổ dù còn đang nửa đêm. Trong bóng tối, những bông sứ trắng vô tình hớn hở mở hết cánh chào đón Hà. “Ngày mai hoa sứ sẽ rụng nhiều”. Hà so vai lại nghĩ thầm khi một cơn gió lùa vào phòng thật mạnh. “Gió sao…”./.

 

Trần Lệ Thường
Số lần đọc: 2240
Ngày đăng: 06.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điệu Valse địa ngục - Di Li
Pho sách gia truyền - Nguyễn Chính
Phương pháp Schartz-Metterklume - H.H. Munro
Bèo giạt mây trôi - Trần Quang Vinh
Đình thiêng - Nguyễn Bản
Sen Victoria - Đinh Gia Hưng
Đĩ về hưu - Võ Công Liêm
Người chợ kệ - Dương Đức Khánh
Vì tôi là con của mẹ - Trương Văn Dân
Hai truyện ngắn của Nguyễn Thụy Long - Nguyễn Thụy Long,
Cùng một tác giả
Mùa đông hoa trắng (truyện ngắn)
Hoa Hòang Anh vẫn nở (truyện ngắn)
Hương đêm (truyện ngắn)
Trầm (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Bài học vỡ lòng (truyện ngắn)
Vòng tay yêu thương (truyện ngắn)
Gió bên hè (truyện ngắn)
Bông lục bình (truyện ngắn)
Thằng Tửng (truyện ngắn)
Đôi chân mày lệch (truyện ngắn)
Đêm ngắn (truyện ngắn)
Dây tóc tiên (truyện ngắn)
Lục Bình trôi (truyện ngắn)
Ngày nắng (truyện ngắn)
Đêm pháo hoa (truyện ngắn)
Song nguyệt (truyện ngắn)
Lan Hồ Điệp (truyện ngắn)
Quên (truyện ngắn)
Hoa cúc trắng (truyện ngắn)
Tóc rối (truyện ngắn)
Trái phá (truyện ngắn)
Hoa Loa kèn đỏ (truyện ngắn)
Ở lại đó (truyện ngắn)
Chùm Khế Ngọt (truyện ngắn)
Con muốn hư hỏng (truyện ngắn)
Gió mát ở sau lưng (truyện ngắn)
Mưa chiều (truyện ngắn)
Biển có sóng (truyện ngắn)
Học trò cũ (truyện ngắn)
Những con cá khô (truyện ngắn)