Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.212.343
 
Hương hoa cà phê
Khôi Vũ

Tôi đến thăm vườn cà phê của Lập, cô cháu gái gọi bằng chú, lần thứ ba kể từ khi gia đình tôi nhượng lại khu đất đồi ấy. Bây giờ quang cảnh nơi đây đã hoàn toàn thay đổi so với những ngày tôi dựng căn chòi bên suối và phủ kín những nơi không trồng chuối của khu đồi bằng những hom mì chỉ sau một tháng đã lên xanh mát mắt. Cả những khu trồng chuối nay cũng không còn. Tất cả diện tích đất, Lập đều trồng cà phê. Có cả thảy ba đợt cây cà phê cao thấp khác nhau. Đợt lớn nhất đã bắt đầu thu hoạch mùa thứ hai. Đợt thứ nhì vừa bói và đợt thứ ba mới xuống bầu, cây nọ cách cây kia một khoảng khá xa so với độ cao của chúng. Tựa như những đứa trẻ đứng ngơ ngác nhìn đám đông người lớn vạm vỡ sung sức đang đứng sát vai nhau.

 

Khi tôi lội bì bõm qua con suối nhỏ dưới chân đồi và đặt bước lên khoảng sân có căn nhà lợp tôn, một con chó từ trong nhà xộc ra sủa vang. Bầy gà gần chục con bới tìm mồi gần đó hoảng hốt cục cục, cục tác rủ nhau chạy tán loạn. Tiếng một người đàn ông trong nhà vọng ra:

- Mực! Sủa chi vậy bây?

 

Chủ nhân của câu hỏi xuất hiện liền sau đó. Anh ta nhìn tôi soi mói. Tôi cũng nhìn anh ta ngỡ ngàng. Tôi cố moi trong trí nhớ hình ảnh còn lưu giữ được về Thoan, người chồng của Lập. Tôi nghĩ là mình không dễ quên. Thoan có gương mặt chữ điền, đôi lông mày rất rậm có một nốt ruồi lớn và mấy sợi lông lăn quăn. Anh thanh niên kia không giống như thế. Gương mặt anh ta khắc khổ, bên má có một vết sẹo dài.

- Ông hỏi ai?

Tôi chưa thể đoán anh ta có mặt trong nhà cháu gái mình với tư cách gì. Tôi đáp:

- Tôi là chú ruột cô Lập. Tôi tới thăm cô ấy.

- Ồ!

Người kia thốt lên rồi chạy vội về phía tôi, anh ta mau mắn nắm lấy tay tôi dẫn vào nhà và tự giới thiệu:

- Xin lỗi chú, bởi tôi chưa được biết mặt chú. Tôi là chồng của Lập. Vậy là Lập nó dẫn con ra bến xe đón hụt chú rồi...

 

Tôi bị bất ngờ. Tôi có nghe lầm hay không? Anh ta vừa tự giới thiệu là chồng của Lập. Thế còn Thoan? Ôi! Chẳng lẽ...

 

Không! Điều tôi nghi ngờ và không thể tin là sự thật lại chính là sự thật. Quảng - tên người chồng hiện nay của Lập - kể cho tôi nghe một lần, sau đó, Lập lại kể cho tôi nghe lần nữa khi nó trở về.

Mùi hoa cà phê thoạt tiên nhang nhác mùi hoa lài, lâu dần thấy gắt mũi hơn khiến tôi khó chịu. Những trái cà phê non của đợt hoa đầu vừa bằng hột mồng tơi xanh đã lõm rõ ba đường rãnh. Đất mặt vườn âm ẩm như là gốc cây vừa được tưới không lâu. Chiếc máy bơm nằm bên hông nhà phía giáp suối bám đầy bụi đỏ.

 

Trong lấn đầu tiên trở lại, tôi thấy khu đồi còn lỗ chỗ nơi đất trống, nơi mới hạ cà phê, nơi còn um tùm chuối. Lập ở một mình trong căn chòi lá tôi để lại, mắt bật ra ánh nhìn uất hận mà rắn rỏi của một người đàn ông. Nó không khóc trước bi kịch đời mình. Nó quyết định vẫn ở lại khu đồi để lập vườn dù chỉ có một mình thân gái trong khu vực hàng chục ngọn đồi lô nhô nối tiếp nhau, người ở thưa thớt buồn tẻ và mấy năm qua thỉnh thoảng lại có một vụ cướp của vào đêm khuya. Chị tôi, một người đàn bà góa hết lòng vì con đã khóc hết nước mắt để khuyên can Lập không nên quyết liệt với Ẩm, chồng mới cưới của nó. Chị tôi có lý, dù sao, phận gái vẫn phải gành chịu thiệt thòi hơn. Nhưng Lập không đổi ý. Nó tâm sự với tôi:

- Ảnh lấy việc bài bạc làm lẽ sống thì cháu để cho ảnh được tự do. Ở đây một mình đúng là có những đêm khuya giật mình thức giấc lo lắng vu vơ, lưng ướt đẫm mồ hôi, cháu phải lấy con dao để sẵn ở đầu giường. Cũng mày, cả khu vực này người ta đồn đãi là cháu dữ dằn lắm, dám đánh cả chồng rồi đuổi đi. Có lẽ vì thế mà bọn xấy chừa mặt cháu ra.

 

Lập cười, nước da bánh mật làm cho hàm răng nó thấy trắng hơn, nụ cười trở nên tươi tắn hơn. Nó mới mười chín tuổi và mới lấy chồng chưa được sáu tháng.

 

Lần thứ hai tôi trở lại khu đồi, đã có nhiều thay đổi đáng ngạc nhiên. Căn chòi được thay thế bởi một căn nhà đàng hoàng hơn, tuy chỉ là một căn nhà lợp lá. Lập tiếp tôi với cái bụng bầu lúp xúp và anh chồng mới mà cô giới thiệu tên là Thoan. Thoan có cái vẻ hiền lành của một nông dân ít có dịp tiếp xúc với cảnh và người thành thị. Anh ta làm bếp để Lập tiếp chuyện tôi. Mới nghe tiếng gà "oác" một cái, đã thấy anh ta bắc ấm nước sôi đem con gà ra làm lông rồi một chút xíu sau là tiếng da xả thịt. Thoan ít nói, nói nhát gừng. Suốt bữa cơm, tôi chỉ nghe được ba câu ngắn:

- Ăn đi chú, thịt gà tơ đó.

- Rau ở đây trồng hổng lên.

- Chú ăn ít quá. Người ở thành héng!

 

Lần ấy cà phê đã được trồng hơn nửa diện tích khu đồi. Lập chưa sắm được máy bơm, ngày hai lần vợ chồng nó, mà chủ yếu là Thoan, gánh nước suối lên tưới khắp vườn. Cây cà phê khó tính, chỉ xanh mướt đẹp lòng người khi có đủ phân và nước. Đúng vào lúc Lập lúng túng chưa có cách giải quyết việc tưới cây ở mùa trước đó thì Thoan xuất hiện xin làm thuê. Anh ta cho biết mình ở huyện kế bên tới, không còn ai thân thuộc nên thân làm thân ăn có một mình. Lập nhận lời thuê Thaon tưới cây hàng ngày, trả lương tuần vời điều kiện anh ta phải tìm chỗ trọ đêm ngoài khu đồi của nó. Thoan làm suốt một mùa nắng, đến mùa mưa, anh ta từ giã ra đi chỉ để lại một lời hứa: "Mùa sau cô Lập có mướn, tui trở lại mần cho. Nhờ đừng kêu người khác nghen cô Lập". Mùa nắng năm sau, Thoang trở lại trong sự chờ mong của Lập. Hơn thế nữa, trong lòng nhung nhớ của nó. Giữa mùa nắng năm ấy, Lập thông báo với chị tôi: nó đã chọn Thoan làm chồng!

 

Lập dừng lại bên một gốc cây cà phê trổ bông sớm nhất vườn nhưng không phải để giới thiệu với tôi cái cây đặc biệt ấy, cũng chẳng phải đễ thưởng thức cái mùi hoa lài hắc. Nó cứ nhìn đăm đắm vào chùm hoa trắng  chi chít cánh thon nhỏ một lúc. Rồi nó ngẩng lên nhìn tôi và nói:

- Cháu lấy anh Thoan, má cháu la dữ lắm. Bà còn trong vùng cũng lắm người dè bỉu. Họ nói là cháu lấy chồng để có người làm mướn khỏi trả công. Họ tàn nhẫn quá. Một đứa con gái lỡ làng như cháu, bộ không được quyền yêu thương ai nữa sao chớ? Dù sao thì cháu cũng cứ làm theo ý mình. Vài tháng nữa cháu có đứa con để vui rồi...

 

Hôm nay lại có dịp đi với Lập trong vườn cà phê. Những cây cà phê trồng đợt một đã cao trùm đầu tôi, cành chi chít trái xanh. Mùa thu hoạch tới, Lập sẽ nộp cho huyện một số lớn cà phê hột để thự chiện hợp đồng trao đổi vật tư. Số còn dư, nó nói chắc như vậy, nó tính bán ngoài nhưng chưa được sự đồng ý của Quảng. "Ảnh gàn lắm chú ơi. Chuyện gì cũng thích làm khác người ta". Ngừng một chút, nó mỉm cười một mình như tự thện rồi tiếp: "Mà nghĩ cho cùng, chính cháu cũng là một đứa gàn, phải không chú?".

 

Tôi biết phải trả lời như thế nào với Lập. Lần thứ nhất, nó đã đuổi người chồng bê tha cờ bạc ra khỏi nhà. Lần thứ hai, nó lại không khoan nhượng với Thoan khi phát hiện chồng mình vừa là gã ăn cắp vặt, vừa là người lừa dối. Hai người đã cãi nhau một trận kịch liệt. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Thoan nói nhiều nhất kể từ khi chung sống với Lập. Anh ta cãi: "Lấy chút đỉnh gởi về cho gia đình cũng cấm sao? Tiền bạc, cà phê trong nhà này cũng có công của tui chớ". Lập vặn lại: "Tôi tiếc chi tiền bạc với cà phê. Nhưng sao anh không nói thiệt với tôi là anh vẫn còn gia đình?" - "Ờ... tui có giấu, nhưng chuyện nhỏ đò..." - "Đó mà là chuyện nhỏ à? Vợ chồng với nhau anh còn giấu diểm. Vậy ai biết anh thương yêu tôi hay anh thương yêu cái vườn cà phê này?".

- Thật ra, Thoan vẫn có thể được tha thứ... -Tôi nói hơi nhỏ, không dứt khoát.

- Có đôi lúc cháu cũng nghĩ như chú vậy. Nhưng sao kỳ quá chú ơi! Lúc nào cháu cũng đòi hỏi cái gì đó cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Cháu không đủ sức chịu đựng người chồng mình không còn yêu kính nữa. Má cháu lại la cháu dữ dội, rồi hăm he từ bỏ cháu...

- Còn bây giờ với Quảng, cháu thấy sao?

 

Lập im lặng một chút, không hiểu nghĩ gì nó bỗng phì cười:

- Cháu có nói rồi mà, ảnh gàn lắm chú ơi!

Buổi chiều, Quảng ngồi tâm sự với tôi:

- Lập nó gan góc, bản lĩnh lắm chú à. Hơn nửa đời người cầm súng chiến đấu còn có lý do, nhưng cả chục năm hòa bình rồi mà tôi mới chấm được một người làm vợ thì chắc là tôi khó tính lắm phải không chú. Nói tôi thương Lập là chưa đủ. Phải thêm là tôi phục nó nữa. Có người xầm xì, nói tôi là thằng đào mỏ. Họ làm như qua mặt được Lập dễ lắm vậy.

Lập dẫn con Lan, đứa con của nó với Thoan từ khu đồi nhà hàng xóm về, khoe:

- Có cà phê nanh chồn đặc biệt đây, chú với anh Quảng chờ một lát.

 

Cà phê thật ngon. Lập và Quảng cãi nhau về loại cà phê này trước mặt tôi. Lập nói đây là những hột cà phê có một đầu nhọn như nanh chồn được chọn riêng nên rất ngon. Quảng lắc đầu trề môi: "Bậy nà!" và giải thích rằng có những con chồn hương lẻn vào vườn ăn trái cà phê chín, hột cà phê vào bụng nó không tiêu hóa được phải thải ra, những cái hộ đó tình cờ được tẩm dịch thơm trong bụng chồn nên làm tăng hương vị của cà phê. "Đúng ra phải gọi là cà phê cứt chồn". Anh ta kết luận. Lập hất mặt lên:

- Xí! Anh là thằng cha gàn!

 

Quảng cười hắc hắc vẻ như rất thích được gọi như thế. Tôi nhấp thêm một ngụm cà phê. Dù là Lập hay là Quảng đúng cũng chẳng hề gì, cái chính là cà phê ngon, rất ngon. Tôi không khỏi nghĩ đến sự kỳ diệu của thịên nhiên. Từ đâu trong lòng đất, mùi hương tụ lại những cánh hoa cà phê? Từ đâu trong những tế bào lá, tế bào thân, vị đắng dịu dàng tập trung vào những hột cà phê nhỏ xíu? Để bây giờ tôi có cái cảm giác lâng lâng, sảng khoái và quá yêu đời. Tôi nghĩ đến cuộc đời của Lập. Nó không chịu chỉ là cây cà phê có hương, mà phải là cây có trái, có loại hột nanh chồn cho ra những giọt cà phê sánh đặc ngon lành nhất.

Tôi đợi Quảng vắng mặt ra sau nhà mới hỏi Lập:

- Thằng Quảng coi bộ khá. Nhưng cháu có thật tin nó chưa?

- Cho tới lúc này thì cháu vẫn tin rằng ảnh là người chồng tốt.

- Còn tương lai?

- Có phải chú muốn nói nếu mai kia cháu lại phát hiện ra một cái gì không chấp nhận được ở ảnh chớ gì? - Lập nhìn như soi vào mắt tôi - Chú có tin là cháu lại dám bỏ chồng một lần nữa hay không?

- trời! Con nhỏ này!

 

Hương hoa cà phê từ ngoài vườn lại ùa vào vây lấy tôi. Nhưng cái mùi hương hoa lài hắc ấy không còn khiến tôi thấy khó chịu nữa.../.

 

1987

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2406
Ngày đăng: 07.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gió mát ở sau lưng - Trần Lệ Thường
Điệu Valse địa ngục - Di Li
Pho sách gia truyền - Nguyễn Chính
Phương pháp Schartz-Metterklume - H.H. Munro
Bèo giạt mây trôi - Trần Quang Vinh
Đình thiêng - Nguyễn Bản
Sen Victoria - Đinh Gia Hưng
Đĩ về hưu - Võ Công Liêm
Người chợ kệ - Dương Đức Khánh
Vì tôi là con của mẹ - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)