Kể từ ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định. Và, chỉ trong vòng 8 năm, bằng những thủ đoạn chính trị, quân sự, Pháp đã xâm chiếm toàn bộ 6 tỉnh miền Nam. Trước sự nhu nhược, chủ trương cầu hòa với Pháp của triều đình Tự Đức, nhiều sĩ phu yêu nước ở miền Nam đã tập hợp dân chúng khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1859 đến năm 1875, nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã nổ ra. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Hữu Huân...
Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1816, quê ở phủ Kiến An, tỉnh Định Tường, nay là huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Năm 1852, ông thi đỗ đầu khoa kỳ thi hương tại trường thi Gia Định nên người đời thường gọi là Thủ khoa Huân. Được triều đình bổ nhiệm chức giáo thụ ở phủ Kiến An. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Hữu Huân chiêu mộ quân nghĩa dũng tham gia chiến đấu chống Pháp. Sau hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, ông đem lực lượng ứng nghĩa gia nhập lực lượng nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo tiếp tục chống Pháp. Năm 1863, khi căn cứ kháng chiến chống Pháp ở Gò Công bị vỡ, Nguyễn Hữu Huân đưa quân về xây dựng căn cứ kháng chiến tại Bình Cách và trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Định Tường. Khi Pháp tấn công Bình Cách, ông rút quân sang An Giang, kết hợp cùng thủ lĩnh Võ Duy Dương tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Tháng 7 năm 1864, ông bị quan chủ tỉnh An Giang bắt nộp cho Pháp và bị kết án tù khổ sai chung thân, đày đi Réunion. Đến năm 1869 mới được trả về và bị Pháp quản thúc tại Chợ Lớn. Thời gian này, Nguyễn Hữu Huân vẫn tìm mọi cách để liên lạc với những người yêu nước để mưu tính một cuộc khởi nghĩa lớn.
Nguyễn Hữu Huân là một người có tài về thơ văn. Thơ của ông mang nặng tình quê hương đất nước, nêu cao tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Khi bị lưu đày sang xứ người, ông đã viết một bài thơ, thể hiện ý chí của mình:
"Muôn việc cho hay ở số trời,
Cái thân chìm nổi biết là nơi.
Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
Chén rượu Tân-đình nào luận tiệc,
Câu thơ cố quốc chẳng ra lời.
Cương thường bởi biết mang nên nặng,
Hễ đứng làm trai chuốc nợ đời.
Năm 1872, Nguyễn Hữu Huân bỏ trốn về vùng Mỹ Tho, Tân An. Ông cùng Âu Dương Lân và nhiều người khác khởi binh chống Pháp. Phong trào chống Pháp do Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo đã lan khắp miền Tây Nam Kỳ. Một hệ thống kháng chiến được xây dựng đến tận thôn xã ở tỉnh Mỹ Tho. Đến năm 1874, lực lượng nghĩa quân suy yếu do thiếu khí giới và đạn dược. Thực dân Pháp liền huy động một lực lượng lớn tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân tan vỡ. Nguyễn Hữu Huân thoát chạy về Chợ Gạo. Đầu năm 1855, Nguyễn Hữu Huân trở lại vùng Tân An để tập họp lại lực lượng tiếp tục con đường chống Pháp, nhưng bị Pháp và tay sai bao vây lùng bắt. Sau khi bắt được Nguyễn Hữu Huân, thực dân Pháp đưa ông lên Sài Gòn. Sau đó, lại giải về Mỹ Tho để xử tử ông tại Bến Tranh vào ngày 19 tháng 5 năm 1875. Trước khi hành hình, giặc Pháp đóng gông, bắt ông ngồi trên mũi thuyền chở từ nhà ngục Mỹ Tho đến Bến Tranh. Giặc Pháp cho đánh trống inh ỏi để quy tụ dân chúng, hòng uy hiếp tinh thần của những người yêu nước. Trên đường bị áp giải, Nguyễn Hữu Huân làm bài thơ "Mang gông", tỏ rõ khí phách của mình và lên án những kẻ đầu hàng làm tay sai cho Pháp:
Hai bên thiên hạ thấy hay không?
Một gánh cang thường há phải gông!
Oằn oại đôi vai quân tử trúc,
Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng.
Thác về đất Bắc danh còn rạng,
Sống ở thành Nam tiếng bỏ không.
Thắng bại dinh hư trời đất chịu
Phản thần đéo hỏa đứa cười ông!
Không để cho kẻ thù hành quyết mình, Nguyễn Hữu Huân đã cắn lưỡi tự tử ngay tại pháp trường. Trước khi chết, ông tự làm hai câu thơ tự điếu mình:
"Duy công bất tựu, diệc quyên bất tử báo quân ân
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị";
(Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết
Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm)
Bản dịch của PHẠM THIỀU
Thương tiếc người anh hùng Nguyễn Hữu Huân, nhân sĩ miền Nam đã làm thơ khóc ông:
"Hãn mà gian quan vị quốc cừu,
Chỉ nhân binh bại trí thân hưu.
Anh hùng mạc bả dinh du luận,
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu,
Vô bố dĩ kinh Hồ lỗ phách,
Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu.
Đương niên Tho thủy ba lưu huyết,
Long đảo thu phong khởi mộ sầu".
(Ruổi dong vó ngựa trả thù chung
Binh bại cho nên mạng phải cùng
Tiết nghĩa vần lưu cùng vũ trụ
Hơn thua sá kẻ với anh hùng!
Nổi xung mất vía quân Hồ lỗ,
Quyết thác không hàng rạng núi sông
Tho thủy ngày rày pha máu đỏ,
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong).
Bản dịch Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế
Sau này, khi đến Mỹ Tho, chí sĩ Phan Châu Trinh đã làm thơ khóc Nguyễn Hữu Huân:
Tam phiên khẳng khái thệ đồng cừu,
Bất tử sa trường chí bất lưu.
Trương tướng hùng phong bi tịnh trí.
Văn sơn chính khí sử trường lưu,
Bi tai quốc thế nguy huyền phát,
Tử nhỉ nam nhi sĩ khấu đầu.
Thập lí Tho giang ba lăng nộ,
Cô chu nguyệt dạ bất thăng sầu.
(Hăng hái thề bồi quyết bấy lâu
Liều mình vì nước trả thù sâu
Gan liều Trương tướng bia còn mãi
Chính khí Văn Sơn sách để sau
Thế nước đến nguy treo sợi tóc
Tài trai thà chết chẳng nghiêng đầu
Sông Tho mấy dặm cồn cơn sóng
Trăng dõi quanh thuyền nghĩ chạnh đau).
Bản dịch Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế
Nguyễn Hữu Huân hy sinh lúc chưa đầy 60 tuổi. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của người anh hùng, Nguyễn Hữu Huân một lòng phục vụ đất nước và nhân dân, trong gian khó vẫn kiên trì chống giặc Pháp xâm lược đến cùng. Như những thủ lãnh, nghĩa quân chống Pháp ở Nam Kỳ, cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của Nguyễn Hữu Huân sống mãi cùng non sông đất Việt.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, 1992)
- Thơ văn yêu nước thế kỷ 19 (NXB Văn học, 1970)
- Lịch sử Việt Nam (Nguyễn Phan Quang – Võ Xuân Đàn, 2005)
- Kẻ sĩ Việt Nam (Thái Doãn Hiểu – Hoàng Liên, 1997)