Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.223.054
 
Chùm truyện mi ni
Dương Đức Khánh

Nhờ bộ “sơ-vin”!

 

Hai năm sau ngày thống nhất tôi mới có dịp vào lại Huế.

 

Hôm chuẩn bị lên đường, vợ tôi mang về hai bộ đồ “sơ-vin” mới tinh cô ấy vừa đặt ở cửa hàng may đo ngoài thị xã, mất hết mấy tạ  thóc. Nàng một hai bảo tôi mặc thử.

 

- “Ôi giời, nhìn sang ra phết! Hàng trong Nam đưa ra, toàn vải Nhật cả đấy!...Bố nó cứ mặc quân phục mà đi tầu cho tiện, nhưng vào đấy là cứ phải “sơ vin”, đừng có mà “lớ ngớ bộ binh” là mắc khốn!...Bác Cả nhà mình đấy, chuyến vừa rồi vào trong ấy vớ phải bao nhiêu quả lừa, còn khuân ra toàn “hàng mã!”...

 

Vào đến nơi gặp lại thằng Phan, thằng Đấu - hai thằng bạn ở Huế cùng đơn vị. Đứa qua công chức hành chính, đứa cán bộ thương nghiệp, dân cậu mệ đế đô có khác, trắng trẻo phương phi,  trông vào chẳng còn  tí mùi mẻ rừng rú lính tráng nào.

     

Mục đích chuyến vào Huế của tôi lần này trước là thăm đồng đội cũ, sau đó là cả ba  cùng chu du một chuyến ngược mạn Dương Hòa, Nam Đông...thăm lại bà con đồng bào Kơ Tu; từng cưu mang cả đơn vị tôi suốt những năm khốc liệt cho đến ngày về giải phóng Huế. Chắc bà con sẽ mừng lắm.

 

Cả hai cùng đang bận công tác. Mấy hôm đầu, hai thằng tranh thủ thay phiên nhau đưa tôi tham quan các địa chỉ gần quanh thành Huế. Còn chuyến lên trên ấy cũng mất ít nhất vài ba hôm nên phải chờ phép tắc, thu xếp này nọ nữa.

 

Mỗi sáng quây quần chuyện trò, cà phê xong, hai đứa đều vào cơ quan. Ngồi nhà mãi cũng chán, tôi tản bộ qua cầu Tràng Tiền, tham quan dọc phố Đông Ba, xuống Gia Hội…cũng thú ra phết. Đi bộ chán, tôi sà vào kệ nước chè một bà cụ gọi một bát, ngồi nhẩn nha ngắm phố phường, kẻ qua người lại.

 

Bên phải cạnh bà cụ là Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh, thấy bên ngoài có tấm biển phụ ghi bằng phấn trắng: “Hôm nay có: Bánh bột sắn nhân đậu đỏ: 4 cái/ 1 hào”. Nhiều người đang xúm vào mua. Bên trái cạnh bà cụ là hai gã trung niên người Thượng ngồi bên hai chiếc gùi bày bán mấy thứ thuốc quý trên núi. Mặt mày trông rầu rĩ, thảm hại.

 

Một gã bước qua chỉ tay vào Cửa hàng mậu dịch hỏi bà cụ: “Cưa  hang  đo  la  cua “giai phong”  phai  khon,  mê?”. Bà cụ cười răng đen nhánh: “Ừ!…thì cửa hàng của Nhà nước…là của Giải phóng, chơ răng nữa mà hỏi!”.

Gã liền khúm núm bước vô, mặt mày lấm lét…Một lát thấy gã thất thểu bước ra, theo sau là tiếng hằm hè, đuổi xua quát tháo the thé của cô mậu dịch viên.

 

Bà cụ như hiểu ra chuyện, lật đật cầm hào bạc chạy qua mua liền mấy cái dúi vô tay gã. Cả hai run run lột lá, cắn nhai ngấu nghiến.

 

Vừa rót thêm nước vào bát cho tôi, bà cụ vừa thở dài: “Tội nghiệp! Hai ba ngày ni vất vơ vất vưởng, chẳng chộ bán được đồng xu mô! Chắc đói hung lắm!”. Cụ rót liền hai bát nước, rồi vẫy vẫy.

 

Cả hai khép nép bước qua, mặt mày  tươi tỉnh hẳn, một gã chắp tay: “Cam  ơn  mê! Mê  tôt  lăm!...”. Gã vừa hớp từng ngụm nước vừa như kể lể, phân trần: “ ... Ơ, hoi  chien  tranh,  buôn  tao  trông  nhiêu  lua nhiêu  săn  nhiêu  băp…nuôi  nhiêu  giai  phong,  ăn  no  cai  bung,  đi  băn  thăng  giăc,  băn   thăng  My…Chư  đoi  cai  bung,   xin  cai  banh  săn  ăn,  giai  phong  không  cho,  đuôi!....”

 

Nghe đến đấy, tôi lạnh toát cả người!...Vị nước chè đang ngọt lịm cổ họng bỗng dưng đắng ngắt!...Trông lại mình, cũng may nhờ bộ đồ “sơ-vin”!...      

 

Chuyện Bác  Nậy

 

Làng tôi hồi chiến tranh nghĩ cũng lạ. Làng quanh quẩn có bốn xóm, chó sủa đầu làng cuối làng còn nghe. Ban ngày lính tráng đầy đường, nhưng quá chạng vạng là du kích tới từng nhà kêu đi họp, nghe phổ biến chủ trương đường lối rầm rầm.

 

Người đi họp phần đông là mấy ôn mấy mệ tuổi tác lụm cụm. Đàn ông lớp dưới sáu mươi, không thoát ly, không bị quân dịch cũng phải vô lực lượng Nhân dân tự vệ. Nhiều nhà có người tham gia cả hai bên là chuyện thường. Như trường hợp nhà bác Nậy, anh Chạy với anh Đua theo du kích, nhưng bác Nậy phải vô dân vệ (tất nhiên là bị bắt buộc, bởi bác cũng là cơ sở nuôi dấu cán bộ).

 

Ở tuổi cháu nội cháu ngoại cả bầy, ai nấy  kêu bằng ôn cả; tối ngày sấp mặt ngoài đồng mà chiều về chưa kịp chao cặp cẳng lấm bùn, lùa vội miếng cơm là mấy ôn mấy bác í ới nhau, ba chân bốn cẳng cho kịp tập trung, chậm trễ một phút là ăn phạt. Tập trung không đúng giờ cũng rất nguy hiểm, bởi chạng vạng xuống  là cái anh dân vệ với anh du kích dòm giống nhau như đúc, bên ni tưởng bên tê, bắn lầm nhau, chết oan hoài! Có lần nghĩa quân nổ súng, gục hai mạng, tới dòm kỹ té ra hai dân vệ, chú Chắc với bác Lội, tay còn cầm củ khoai nóng hổi!.

 

Có lần bác Nậy bị trễ giờ, chạy thình thịch muốn đứt hơi, giơ tay báo cáo: “Xin lỗi! Trâu đẻ, trâu đẻ!”. Thằng Mại phó ấp an ninh kiêm chỉ huy trưởng dân vệ vốn kêu bác bằng ôn, hắn trợn ngược, dộng báng súng xuống đất: “Đ. mạ, không noái on đơ chi hết, vợ ôn đẻ cũng rứa thôi! Bò ba vòng quanh cột cờ! Kỷ luật là kỷ luật!”…Lâu nay biết tỏng bác có hai thằng con theo du kích, tụi hắn ghét cay ghét đắng. Nhiều lần giở giọng hăm dọa, rồi vận động bác kêu gọi anh Chạy với anh Đua ra chiêu hồi, được chánh phủ quốc gia khoan hồng, trọng thưởng, rồi bác được miễn đi gác dân vệ luôn. Bác nói: “Đồ ẻ! Tụi bây giỏi lên độn mà kêu!”…Nên lần nào tập dượt quân sự, tập bò lết hắn cũng gây sự đá đít bác thẳng cẳng! 

 

Trong làng bảy chục phần trăm gia đình bị xếp vô loại “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” nên nhà ai có việc đám tiệc, kỵ giỗ lớn nhỏ đều phải trình báo, xin phép. Mà làng tôi mỗi nhà một năm vài chục cái kỵ lớn nhỏ là chuyện thường, xin phép có kỵ cũng là dịp được cớ mua đồ tiếp tế Việt Cộng. Tụi hắn luôn chặn đường tra khảo, rình rập đủ trò ...Hôm bác Nậy lập cập xin phép ngày mơi nhà có đám kỵ, thằng Mại dòm bác phùng mang: “Đ. mạ…chơ kỵ chi mà kỵ mãi rứa ôn!”(!).

 

Bác giận tím mặt, chửi lầm bầm “Ui chau là cái đồ đất nẻ chui lên, đồ trời đánh!”.  Tay bác cầm điếu thuốc ngọn run bần bật như cầm vía! “Hắn đè đầu cỡi cổ cả làng chẳng ai dám hé răng nhưng đụng tới kỵ giỗ là đụng tới  tổ tiên ôn mệ, tới người khuất mặt!. Phải cho hắn một trận ra xương!”

 

Lực lượng dân vệ toàn là thành phần “không tin tưởng”, thường tới giờ tập trung mới được nhận súng ống. Tới sáng là phải nộp lại, không ai được mang súng về nhà. Mấy bác mấy ôn cũng như mấy tấm bia đỡ đạn cho tụi hắn mặc sức suốt đêm rượu chè bài bạc.

 

Đêm đó chờ tới phiên gác một mình nửa đêm, Bác Nậy bất thình lình nổ khan hai phát súng ra phía hàng rào ấp chiến lược rồi lập tức hô “Xung phong, xung phong!”...Thằng Mại chỉ huy mấy toán sau lao tới. Chờ lúc đội hình hỗn loạn, bác quay mũi súng nhắm ngay hắn. Lúc đầu bác nhắm ngay ót, rồi chợt nghĩ lại, cái thằng “vô đầu vô vị” nhưng mà…cũng cháu chắt mình. Tội nghiệp hắn còn bầy con dại, cảnh cáo thôi. Bác liền chĩa xuống  “đoàng!”. Ngay cẳng! Hắn nhảy dựng lên rồi quay súng về hướng tiếng nổ, hoảng hốt: “A! Đ. mạ ôn Nậy bắn tau! Đoàng! Đoàng!”. Bác Nậy gục xuống! Rồi hắn vừa tự băng bó vừa hô xung phong, xua lực lượng tiến lên bắn xối xả ra phía ruộng…

 

Trời chưa sáng, tiếng loa phát thanh đã dội khắp làng “…Vào lúc 12 giờ đêm qua, một toán Cộng quân đã đột nhập vào ấp bị quân ta phát hiện. Sau một hồi giao tranh ác liệt, lực lượng Nhân dân tự vệ đã chiến đấu đánh bật, gây thiệt hại lớn cho quân địch. Bên ta, một chiến sĩ dân vệ đã anh dũng hy sinh và một cán bộ chỉ huy bị thương nhẹ!...”

 

Hôm sau, xã tổ chức buổi mít-tin trọng thể, có cả quận trưởng về dự. Dọc đường làng đỏ rực băng cờ với khẩu hiệu hùng hồn HOAN HÔ TINH THẦN CHIẾN ĐẤU  DŨNG CẢM CỦA DƯƠNG VĂN NẬY!, HÃY NOI GƯƠNG DƯƠNG VĂN NẬY!...

Trong bài phát biểu đầy sắt máu, quận trưởng còn cao hứng đề nghị, phải cho đặt tên con đường  dọc hàng rào chiến lược của ấp là đường ANH HÙNG DƯƠNG VĂN NẬY!...

 

Đêm đó, du kích cũng tới từng nhà kêu đi họp. Mở đầu buổi họp là....lễ truy điệu Đồng chí Dương Văn Nậy – đã hy sinh anh dũng trong công cuộc “trừ gian diệt tề”!...NHIỆT LIỆT BIỂU DƯƠNG TINH THẦN HY SINH ANH DŨNG CỦA ĐỒNG CHÍ DƯƠNG VĂN NẬY!...

 

Người tướng quan

 

Nội tôi có ba người con trai. Bác Trực tôi đi tập kết “biệt mù cà cưỡng” từ hồi năm tư. Cha tôi theo du kích được mấy tháng thì hy sinh ngay tại làng. Chỉ còn mình chú Cương con út nên mệ nội coi chú như cục vàng. Chú là người giống ông nội như khuôn đúc, mặt sáng trán rộng, đẹp trai quắc thước…Ông nội tôi là con nhà quan nên cả làng kêu bằng “ôn ấm”, rồi kêu chú bằng “cậu ấm con”. Nhìn tướng mạo chú, khỏi cần thầy tướng số cũng dám chắc sau này tệ lắm  phải là quan hàng tá!...

 

Giữa đám trai làng “rời lưng trâu là đi sau cán cày”, chú là cậu “công tử bột” chánh hiệu. Năm học lớp đệ nhị, lần chú vô chụp ảnh ở cái tiệm trước cửa Thượng Tứ, thấy gương mặt chú đẹp trai như tài tử xi-nê, quá “ăn ảnh”, chủ tiệm liền phóng  to gần hai thước, trưng làm mẫu trong tủ kính - tấm chân dung lớn nhứt các tiệm ảnh ở Huế lúc đó.  Chú trở thành người nổi tiếng, bao tiểu thư trâm anh đài các của xứ Huế chết mê chết mệt. Tiệm ảnh ngày càng đông khách, nhiều nhứt là nữ sinh các trường Đồng Khánh, Nữ Thành Nội, Kiểu Mẫu…Nhiều cô còn lân la hỏi thăm “lai lịch”, rồi năn nỉ xin chủ tiệm “sang” cho một tấm 6x9, kín đáo ép trong ngăn cặp!...

 

Trong khi bao người đẹp đang mơ về chú thì năm đó chú thi rớt tú tài. Vừa tới tuổi quân dịch. Chú phải về làng trốn chui trốn nhũi…

 

Còn mình chú như “thỏng mắm đầu giàn”, mệ nội tôi chạy sấp chạy ngữa tìm cách lo cho chú cái giấy “hoãn dịch” mãi không xong. Chú đòi thoát ly theo Giải phóng, mệ khóc lóc tới đổ bệnh. Cuối cùng chú đành phải vô nghĩa quân, an phận làm anh lính quèn quanh quẩn trong làng. Vậy là số chú chẳng ứng với cái “tướng quan” như mọi người từng đoán, bởi cái anh nghĩa quân tới già giỏi lắm cũng tới chức trung đội trưởng, chẳng hàm hiệu “lon lá” chi! Được cái ít hiểm nguy chết chóc như các thứ lính khác. Sau này nhiều lúc vui chú hay tiết lộ cái “bí mật quân sự”, tôi mới biết cái anh lính làng là thứ sợ chết “một cây”!. Chú nói:  “Đơn giản, đường mô của “mấy ôn” trên núi thường xuyên đi về thì tránh ra!...Ban đêm chấm địa điểm phục kích chỗ này nhưng dời chỗ khác, dại chi đưa đầu vô miệng cọp, chết uổng mạng!..”. Vậy nên mới có cảnh lính tráng đầy đường nhưng đêm nào Việt Cộng cũng về làng như đi chợ. “Nhưng thỉnh thoảng cũng phải mần vài trận giả, nổ súng kịch liệt, liệng lựu đạn, hô xung phong y như thiệt rồi gọi bên chi khu nã về mấy trái pháo giữa đồng trống, sáng ngày báo cáo “địch thất bại hoàn toàn, số bị thương, chết được đồng bọn mang đi”! Rứa là được tuyên dương, lãnh tiền thưởng!

 

Tới ngày Giải phóng sắp tiến vô, các thứ lính chủ lực đều bỏ chạy vắt cẳng. Còn thành phần nghĩa quân đa số lột áo tháo súng, lặng lẽ trở lại cuốc cày…

 

Mấy ngày đó mệ tôi cứ đi ra đi vô, nhìn cái trán hói, cái “tướng quan” của chú, rồi lắc đầu thở dài ái ngại: “…Mơi mốt “mấy ôn” vô, dòm bộ dạng con…không ai tin là thằng “lính chay”, lính làng cả!...”. Mệ cứ nghĩ quẫn tới chuyện không lành! Rốt cuộc mệ giúi cho chú cả cục tiền, vàng, dặn dò ba câu rồi khoác tay, hối chú phải đi cho mau…

 

Thời điểm cận kề, đường bộ bị cắt đứt từ đèo Hải Vân. Chú chạy về  cửa Thuận, chẳng còn tàu bè nào trong bờ. Mấy chiếc tàu lớn của hải quân đang tít ngoài khơi. Một  tốp lính “rằn ri” bị bỏ rơi, đã quăng hết súng ống, đang điên cuồng gào thét…Thấy dạng chú, mấy cặp mắt vằn lên đỏ ngầu nhìn chú lăm lăm, đa số nói giọng Nam: “Đ. má, lính tráng đâu hết, tính chuồn một mình sao…trung úy!...Trung úy lột “lon” quăng đâu rồi?. Muốn tụi em xẻo tai, mổ bụng moi lá gan trung úy coi to nhỏ không?!... Đẹp trai như trung úy, chết uổng lắm à!...”. Chú như hươu non sa hang cọp, run run quỳ xuống lạy trối chết rồi móc cái “giấy nghĩa quân” dạ dạ, trình hai tay. Tụi hắn đá cho chú mấy “bốt-đờ-sô”*, thụi mấy thụi, bỏ đi...

 

Chú chạy qua làng biển, xòe tiền, vàng ra đòi thuê ghe gọ đưa ra tàu bằng mọi giá! Bà con nhìn chú, chắp tay: “Chừ cho vàng đống tụi tui cũng chịu, không dám chở…sĩ quan! Lính dù, thủy quân lục chiến hắn bắn chết  liền, ngày qua bị mấy chiếc rồi, ớn lắm, khiếp lắm!...”. Cùng đường, chú xin tá túc qua buổi nhưng bà con cứ đừa qua đẩy lại, chẳng nhà ai dám chứa chấp chú cả!

 

Sáng ngày, có dấu hiệu của quân giải phóng tới…Khi tiếng loa phóng thanh phát lời kêu gọi, chú cùng với số lính tráng bị kẹt lại lật đật lột hết quần áo, còn độc tà lỏn, tất cả dong hai tay lên trời, đi thành hàng một ra giữa bãi cát…

 

Anh giải phóng trẻ măng, mang băng đỏ, khoác AK đứng trình bày về chủ trương “khoan hồng” của cách mạng…Lát sau anh tiếp: “Vậy, trong các anh, ai là sĩ quan, đề nghị tự giác đứng qua một hàng riêng!”. Không ai nhúc nhích. Anh đi từ đầu tới cuối hàng lính, nhìn ngay mặt chú: “Anh mà là lính à!...Các anh không qua mắt được chúng tôi đâu!”…Vậy là chú được “tiếp nhận” theo “chế độ sĩ quan”!...

 

Làng nô nức những ngày đoàn viên. Bác Trực tôi cũng từ ngoài Bắc lù lù về. Mệ tôi vui mừng nhưng trong bụng thì như lửa đốt bởi chưa có tin tức gì về chú Cương!...Khi mệ kể về chú, thấy bác gục gặc, nhưng gương mặt ra vẻ ngờ ngợ, không tin cho lắm!...

 

Bác chỉ ở làng được hai hôm, thăm hỏi bà con họ hàng bà con xong, bác lật đật xin phép lên đường vì còn bận công tác. Bác không nói gì về chức vụ của mình nhưng nhìn bác, đoán chắc phải cỡ cấp tá là chót! Tôi chạy khoe đại liền với tụi bạn trong xóm: “Bác tau…đại tá cách mạng! He he!…”. Cả xóm cả làng cũng tin chắc thế, bởi nhà tôi “dòng dõi nhà quan” mà!

 

Mấy bữa sau, bác lại về bằng xe “rép Liên Xô”! Đi cùng mấy ông “cốp” nữa!. Tụi con nít xúm chật đường xóm. Bác xoa đầu tôi giới thiệu với mấy đồng chí của bác: “Con của thằng em ruột kế mình, bố nó hy sinh trong này!...Lát nữa theo bác, bác đưa qua phố chơi nhá!”…Mệ tôi hôm đó thì thiệt vui. Mệ cứ đi lui đi tới, ấp úng muốn nói gì đó với bác nhưng thấy không tiện!...Số là mệ vừa nghe tin chú Cương, chú vẫn “bình yên vô sự”, đang kẹt ở một trại cải tạo sĩ quan, chờ xác nhận, nay mai sẽ về!...

 

Tôi ngồi lên xe, mũi phồng như trái đào. Tụi con nít chạy theo la dậy xóm!...Trên đường qua phố xe ghé mấy nơi nữa, bác luôn miệng giới thiệu với quan khách: “Thằng cháu gọi mình bằng bác, con thằng em liệt sĩ!”

 

Lúc xe chạy ngang cửa Thượng Tứ, tôi bỗng kêu: “Bác ơi, chú Cương tề!” Bác giật nẩy mình cho xe dừng lại, nhìn theo tay tôi “Đâu, đâu? Thằng Cương đâu!”…

 

Lúc này tiệm ảnh đã chuyển qua mua bán gì đó, biển hiệu không còn nữa nhưng cái tủ kính có tấm ảnh chú vẫn “hoành tráng” ngay giữa nhà. Bác nhận ra ngay bởi người trong ảnh giống bác y như đúc, chỉ có trẻ hơn (anh em cốt nhục mà!). Cả mấy bác đồng chí trong xe đều ngoái ra: “Em ruột đồng chí đấy à!... Ảnh to thế! Phải cấp “trung ương” trong này đấy nhỉ!”… Nét mặt bác nghiêm lại vẻ giận dữ, môi  mím chặt, hất hàm “Đi thôi!”.

                                                                                                                            

 * Loại giày da cao cổ của lính VNCH.       

 

Dương Đức Khánh
Số lần đọc: 2108
Ngày đăng: 13.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cha con hội ngộ - John Cheever
Có tật giật mình - Huỳnh Văn Úc
Nhật ký của một siêu người mẫu chân dài (phần 1) - Đỗ Ngọc Thạch
Cocktail - Di Li
Phượng Ý - Trần Quang Phong
Đôi mắt rồng - Nguyễn Chính
Sắc sắc không không - Trần Quang Vinh
Thiên sứ về trời. - Như Như Kim
Hương hoa cà phê - Khôi Vũ
Cái ghẻ - Di Li