Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.208.030
 
Tìm sắc thu trời Huế
Trần Hạ Tháp

 

Từ lâu, sắc thu Huế chìm khuất trong những mùa mưa đến sớm. Bão bùng, lụt lội khiến thu càng nhạt nhoà tăm dạng. Thời tiết vào tháng bảy âm, tháng chuyển tiếp khi mùa hạ vừa đi, không biết từ bao giờ được ngỡ ngàng trực nhận:"Tháng bảy nước dẫy lên bờ".

 

Thực tế đã chối bỏ mùa thu. Mùa của thi nhân, của khí sắc tiêu sơ man mác. Và vì thế "Tháng bảy mưa ngâu" tìm đâu ra? Khi mù trời tối đất những cơn mưa xuyên suốt đêm ngày.

Huế thơ, nhưng - kỳ lạ - mùa khơi nguồn rung cảm chừng như đã giã biệt nơi nầy. Còn lại đó một nỗi niềm canh cánh"Trời hành cơn lụt mỗi năm" Ẩn hiện đâu đây chăng? Chút thấp thoáng của mùa thu xứ Huế. Câu hỏi ấy tưởng đã chìm dần vào quên lãng.

 

Rất ít khi, mãi đến bây giờ, Huế chưa hề chìm khuất giữa bầu trời chì xám. Và màn mưa "cầm chĩnh đổ" như mọi năm còn đâu đó chưa về. Đôi lúc mưa đám mây chỉ để không lâu sau, nắng hoe dịu và mây trắng vẫn phiêu bồng giữa trời xanh tĩnh lặng. Cho đến mỗi hoàng hôn...

 

Ráng trời chiều. Một góc trời Huế bỗng rực lên sắc màu diễm ảo. Tuỳ ngày, khi vàng tươi kim nhũ, lúc đỏ khé như mắt thú rừng đêm, lắm khi chả phân biệt được thứ nào giữa hai sắc thường xuyên ấy.

 

Lẫn lộn bên trong góc trời rực rỡ là những vờn mây khác màu vắt qua như bút lông điểm xuyết. Bức thuỷ mặc mênh mông, hết sức kỳ vỹ do thiên nhiên sáng tác. Cảnh sắc bao trùm lên núi non thượng nguồn sông Hương, chếch dần về phương nam để chìm khuất khi điện đường bật sáng. Khí sắc của mùa thu đang trở lại. Hoàng hôn Hương giang tuyệt vời như đang trong thần thoại trở về. Ấn tượng phiêu hốt tịch liêu gom nét đẹp chơi vơi của khói sóng Đường thi khi đứng bên bờ sông lặng nhìn, cảm niệm :

 

"Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?"

"Yên ba giang thượng sử nhân sầu"

 

Cảm tác của Thôi Hiệu, lãng tử biền biệt mái nhà xưa đứng dưới bóng trời chiều và khúc sông khói sóng... Ở đây không là lầu Hoàng Hạc, chỉ có mái Nghinh Lương đình lộng gió. Đối diện qua Hương giang, bên kia bờ là Ngự Bình ẩn hiện...

Ký ức tôi bắt gặp lại sắc ráng chiều nơi làng quê Liễu Cốc. Có xa ngái gì đâu xóm Bàu Tháp? Mười cây số quốc lộ, về phía bắc ngoại ô thành phố

Huế. Nhưng những ngày ấy đâu rồi?

 

Đã hẳn Thôi Hiệu không cùng tôi thương nhớ một hoàng hôn. Song

bến bờ thời gian nào cũng như nhau, ngày càng xa tầm vẫy quay về không

biệt lệ vì ai. Các kỷ niệm của kẻ nay, người xưa khác nhau. Song sai biệt về

không-thời-gian và tâm sự nhân thân đã trở thành tiểu tiết. Cảm xúc về quê hương ai không khảm khắc thiêng liêng? Trong hốt nhiên, trực giác làm sao phân biệt ráng chiều Hương giang hay ráng chiều quê tôi từ một thuở...

 

Miếu Cây Kéc hàng trăm năm soi mặt nước bến Bàu. Nơi ấy lưu giữ những hình ảnh đã một đi không trở lại. Bầy trâu lùa xuống nước, nhô mấy sống lưng đen kịt để những đứa trẻ bám sừng, té tát ướt mặt nhau. Bến Bàu ấy đục ngầu, nhuộm thêm sắc chiều tà bỗng xôn xao, tràn lan từng tiếng cười hoang dại...

 

Đôi đứa trẻ trong số ấy điều kiện hơn, ra thành phố học hành. Kỳ nghỉ về quê, tìm chơi những đứa thất học còn ở luỹ tre làng chuyên cắt cỏ, chăn trâu. Biết còn không? Trong thời đại ngày nay, mối chân tình trong sáng qua đối đáp thật thà ngây ngô, vô phân biệt. Vâng, những đối đáp - mãi đến tuổi hoa râm - tôi vẫn lục tìm như những hạt trân châu từng rơi quên, phung phí:

 

- Ê, nói học chữ thì cái chi cũng biết, răng giữ trâu không được. Coi

tụi tau, mi chộ chưa mi.Ai dạy mô nờ? Biết mau lắm.

- Đi học làm cái chi tau biết mô. Chơi ít không bằng ngón út. Có Đinh Bộ Lĩnh giữ trâu làm vua. Tau ưa giữ trâu. Cho tau chơi với.

- Dang nắng, ở trần mi chịu chi thấu? Chộ con rắn hổ là khiếp đừng có nói trạng cóc. Khi mô cũng đứng ngoài xa...

- Thì tụi bây dạy. Tau cho mượn quyển sách vẽ cọp voi bây chưa chộ.

- Sách vẽ chi?Ai cần thứ giả đò. Ăn rồi ngồi nơi cái bàn, cứ chằm hăm quyển sách biết chi mô nữa. Mi coi sách cho hung, cái chi cũng sợ.

- Không sợ răng được. Có cách chi không sợ nói tau với.

- Mược kệ... Không sợ là không sợ. Đứa mô sợ, không biết cái chi hết,

ở nhà đòi bú. Cả tụi chia phe chơi đập bậy, tắm Bàu, đói tát cá nướng ăn. Mi lội nước lo đỉa. Bắn ná nói trúng con mắt. Leo tổ chim thì ngợp, tới khi chun vô bụi sợ chộ con rắn hổ nằm đó... Học cái chi rứa mà học.

- Thì bây đi trước, tau sau lưng chi mô nờ. Không được bỏ chạy hết đểtau một chắt là được. Mệ tau nói nơi cây nớ có ông ăn trộm thầy thắt cổ.

- Nghéo tay. Mà mi phải vác cái tròng tát nước của tau.

- Ừ , tau nhổ bại nước miếng. Đứa mô nói láo phải liếm.

- Mau không thôi tắt mặt trời, lạnh mược kệ.

 

Không như bây giờ, ráng chiều ngày xưa chừng như nhiều vô kể. Nổi rõ lên nền trời là những chiếc bóng bé nhỏ mãi xô đẩy, cõng lên nhau cùng chơi trò vật lộn. Những chiếc bóng kỳ diệu ấy chưa bao giờ phai nhạt dẫu có khi chủ nhân lạc mất, để mặc chúng giữa làng quê lặng lẽ. Cảm ơn sắc thu vừa trở lại. Dù chỉ trong khoảnh khắc, với tôi mùa thu Huế vẫn còn đây.

 

(Thành nội - Huế.10/2008)

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 3083
Ngày đăng: 17.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một nhà thơ không đến được vườn Thơ IDS - Phạm Toàn
Sợ ! - Trần Huy Thuận
Nhớ lắm đồng trăng - Huỳnh Kim Bửu
Chiếc đòn gánh - Nguyễn Minh Phúc
Thơ & Người Thơ (1) - Lê Vũ
Bài thơ vu lan - Diệp Hồng Phương
Những bước lên trời với ruộng bậc thang - Minh Nguyễn
Em Và Đêm Sương Nội Thành… - Lê Huỳnh Lâm
Mưa rơi TIỄN ĐƯA NHẠC SĨ ƯNG LANG - Dương Ðình Hùng
Mùa lang bạt kỳ hồ - Huỳnh Minh Tâm
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)