Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.223.983
 
Ba bức thư của một người không hạnh phúc
Phan Nhiên Hạo

Thư Một. Jan. 23, 1998

Tôi viết cho bạn không phải để phá vỡ sự êm đềm của đời sống bạn, sự đều đặn mà có thể đôi khi bạn cũng thoáng cảm thấy tẻ nhạt nhưng không muốn đánh đổi cho một cái gì kích động hơn. Tôi viết cho bạn không phải để mong bạn chia xẻ gì với tôi. Vì đối với một kẻ cô đơn thì không ai chia xẻ gì được. Tôi viết cho bạn không phải để khuyên bảo bạn khi bản thân tôi không khuyên bảo được tôi. Đời sống của tôi co giãn giữa những chuyến đi xa trong tâm tưởng rồi về lại điểm bắt đầu như một sợi dây cao su. Tôi đi ra khỏi tôi như người bộ hành bước ra khỏi những con đường tối trong một thành phố hiểm nguy vì sự an toàn phút chốc. Nhưng rồi tôi bao giờ cũng trở về chỗ cũ, một căn phòng có những vật dụng luôn thay đổi sau mỗi lần dời nhà. Nhưng mọi sự thật ra chẳng thay đổi gì. Khi mới lớn, tôi tin rằng người ta thay đổi với thời gian. Nhưng sự trưởng thành đã giúp tôi nhận ra rằng phần lớn người ta không thể thay đổi. Người ta chỉ sống theo một cung cách nhất định nào đó và ngày càng vây rào chung quanh đời sống đó. Đời sống có thể trở nên phong phú hơn, phức tạp hơn, hiểu biết hơn, nhưng hiếm khi vượt ra khỏi cái cung cách mà người ta đã bắt đầu. Có người dao động như quả lắc đồng hồ, có người xoay như bông vụ, và có người như cành phi lao trong gió. Nhưng tựu chung thì người ta không đi ra khỏi những con đường quen thuộc. Con đường của bạn là con đường của kẻ hạnh phúc và bạn lướt đi trên đời sống như con thuyền hướng về một bến bờ trong tầm mắt. Tôi không có thuyền. Tôi bơi vật vã trên sóng và khi biển bình yên tôi lặn xuống chạm tay vào đáy cát. Tôi thấy vẩy của các loại cá sống không cần mặt trời sáng lên trong bóng tối. Tôi nhận ra các con ốc đang di chuyển thong thả, tự tin, và không bao giờ va vào các vật thể khác. Đôi khi tôi nghĩ tôi sẽ xây một ngôi nhà trên mặt nước và sống với những cọng rong bể. Nhưng dĩ nhiên đó chỉ là một ý nghĩ màu mè. Tôi là một người của đô thị. Tôi sống trong những căn phòng thắp điện và tôi trải qua những giờ khắc cô đơn, không hạnh phúc, nhưng cũng không muốn thay đổi. Đáy biển của tôi là sự một mình và các con sóng là những dao động trong cung cách tôi đã chọn lựa, hay bị chọn lựa bởi đời sống. Tôi chỉ mất sự liên lạc với các nguồn cảm hứng đôi khi. Những con bạch tuộc, những con ốc tối, những nhành san hô hình dáng lạ kỳ, những người bạn có thể nhìn xuyên qua đời sống một cách thông minh và bình thản. Những người hiếm hoi mà tôi không còn gặp lại. Và đó thật sự là mất mát lớn của một người nhập cư.

Tôi viết cho bạn chỉ để nói với bạn rằng có một đời sống khác ngoài đời sống hạnh phúc của bạn, và tôi không mời mọc bạn nhập vào gì cả. Sẽ chẳng có thể thay đổi gì khi mỗi người đã bắt đầu đời sống theo một cách riêng. Có một đêm tôi trở về sau một cuộc vui tầm phào với mấy người bạn học. Lúc ấy đã ba giờ sáng và tôi lái xe vào một khu tối tăm. Đó là một cái thú phiêu lưu chứa đựng nhiều cạm bẫy hiểm nguy. Vào giờ đấy chỉ có những người đàn ông bán ma túy đứng trong bóng tối vẻ đe dọa. Nhưng khi tôi lái xe chậm lại và quan sát họ kỹ hơn, tôi nhận ra chính họ cũng đang nhìn tôi một cách lo âu và e dè. Tôi thấy họ như những đứa trẻ bị bỏ rơi trong căn phòng tắt điện, và cuối cùng quen dần với bóng tối một cách sợ hãi, hận thù. Họ không tìm thấy tự do trong bóng tối.

Lúc trời bắt đầu sáng, trên đường về nhà tôi ghé một sạp báo mua tờ tạp chí khỏa thân. Bạn có bao giờ thật sự đọc một tạp chí khiêu dâm? Tôi nói là thật sự đọc chứ không chỉ xem hình. Đứng bán báo là một người nhập cư Ấn Độ và tôi tự hỏi ông ta làm gì suốt đêm giữa các chồng báo đủ loại nếu không đọc các tạp chí khiêu dâm. Có thể ông ta cũng luyện Yoga. Và tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ thích một cái nghề như vậy. Làm việc trong một sạp báo với đủ các loại tạp chí suốt đêm, ngủ ngày trong một căn phòng dán đầy hình phụ nữ trần truồng. Có thể ông ta là một người hạnh phúc theo cách khác. Và có thể ông ta không hạnh phúc gì cả. Dù sao ông ta cũng là một người khá can đảm vì ở Los Angeles, một sạp báo ban đêm như vậy có thể bị cướp bóc bất cứ lúc nào.

Tôi viết cho bạn, một người hạnh phúc vì thực ra tôi không hạnh phúc, bởi vì tôi không tin vào hạnh phúc, và tôi sẽ chán hạnh phúc nếu tôi có hạnh phúc, mặc dù tôi cứ luôn đi tìm hạnh phúc. Bạn có hạnh phúc mà sao bạn không chán hạnh phúc thật đáng khâm phục.

Chào.

*

Thư Hai. Jan. 25, 1998.

Tôi đã không làm được gì suốt mấy ngày nghỉ cuối tuần. Thường đó là khoảng thời gian tôi phải hoàn thành việc đọc sách cho các lớp học. Tôi phải thú nhận với bạn rằng tôi không còn đọc sách một cách nhanh chóng và hào hứng như mười năm về trước khi chưa đến hai mươi tuổi. Ngày đó tôi có thể ngốn ngấu vài trăm trang chỉ trong một buổi chiều, đọc mê mải cho đến khi không còn đủ ánh sáng từ mặt trời đang lặn. Bây giờ tôi đọc một cách khó khăn hơn và tôi không còn thích các tác phẩm nặng tính chất thể nghiệm văn chương. Tôi đang đọc “Catch-22” của Joseph Heller cho một lớp học về văn chương hiện đại Hoa Kỳ. Đây không phải là một tác phẩm khó đọc so với những gì tôi đã đọc trước kia, nhưng sự lòng vòng của ngôn từ làm tôi bực mình. “Catch-22” được xem là tác phẩm gần nhất với chủ nghĩa Hiện Sinh trong văn chương Mỹ, một tác phẩm nói về sự phi lý của đời lính trong chiến tranh thế giới thứ Hai, qua những đối thoại ngớ ngẩn gần với kiểu “Wating for Godot” của Beckett. Nhưng kịch của Beckett ngắn và súc tích, trong khi để đọc năm trăm trang chữ nhỏ của Heller với một giọng văn ngớ ngẩn như vậy đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Tôi cũng đã nghe Joseph Heller nói chuyện ở UCLA. Đó là một ông già cao lớn, nói nhanh và hơi lắp bắp. Giọng New York rất nặng.

Tôi có một cuộc hẹn với cô giáo sư dạy lớp học này vào ngày mai để thảo luận thêm về cuốn sách trước khi viết bài. Và tôi chưa đọc hết nửa cuốn sách. Tôi muốn gặp giáo sư của tôi chỉ bởi vì tôi nghĩ là tôi yêu cô ta, nếu bạn muốn biết sự thật. Giáo sư B. là một người chỉ khoảng ba mươi và tôi đoán cô ta vừa mới hoàn thành luận văn tiến sĩ không quá hai năm trước đây. Cô B. cao, mảnh dẻ như một người mẫu, tóc và mắt nâu, luôn ăn mặc tinh tế đúng kiểu một phụ nữ học thức đô thị. Tôi nghĩ giáo sư B. gốc Do Thái và là một người đồng tính luyến ái nữ, bởi vì khi cô ta đề cập đến các vấn đề đồng tính, cô ta luôn nói bằng giọng của người trong cuộc. Nhưng cô B. có cái cách đỏ mặt rất đáng yêu mỗi khi hơi bối rối. Trên làn da hơi nhợt nhạt của cô, hai vết hồng bất chợt hiện lên, lan ra rồi tan đi nhanh chóng như vạt nước xao động trên mặt hồ. Nhưng thường thì cô B. là một người tự tin và dịu dàng. Cô ta có cách lắng nghe bạn rất chăm chú và chia sẻ. Tôi nghĩ cô B. là người trẻ tuổi nhưng đã kinh qua những dằn xé nội tâm dữ dội ẩn dấu sau cái vẻ bề ngoài bình thản và hơi lạnh lùng của cô. Chỉ khi cô ta nhìn thẳng vào bạn với cặp mắt dịu dàng, bạn biết rằng đó không phải là một người đơn giản và yếu đuối. Tôi yêu cô B. vì sự dịu dàng của cô, sự thông minh của cô, vẻ đẹp sáng trí của cô. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không có vấn đề gì để yêu và kết hôn với một phụ nữ như vậy, cho dù thỉnh thoảng cô ta có đi ngủ với những người đàn bà khác. Cô ta sẽ là người bạn đường tốt nhất của tôi bởi vì cô ta không õng ẹo yếu đuối như những người đàn bà khác, cô cũng sẽ không kiêu ngạo một cánh đáng ghét như những cô gái đẹp khác. Và vì trí thức, cô ta sẽ biết giữ cho quan hệ của chúng tôi luôn thú vị. Nhưng dĩ nhiên cô B. chẳng bao giờ biết ý nghĩ của tôi về cô. Tôi luôn đến văn phòng của cô như một sinh viên giỏi và lễ độ.

Bạn thấy không, một người hạnh phúc như bạn sẽ nghĩ rằng đây là ý nghĩ kỳ quặc về tình yêu. Thật sự thì tôi không có ý nói rằng tôi thích kết hôn với một cô gái đồng tính luyến ái. Nhưng thường thì bạn cũng biết rằng những người đàn bà đẹp không được thông minh lắm và ngược lại những người đàn bà thông minh thường làm bạn mất hứng vì vẻ ngoài khô khan của họ. Thỉnh thoảng có những người đàn bà đẹp và thông minh, nhưng họ là những bông hoa quá đắt đỏ mà tôi không bao giờ kham nổi. Tôi không có ý ám chỉ vấn đề tiền bạc. Nhưng những người đàn bà như vậy đòi hỏi bạn phải dâng hết hồn xác cho họ. Họ làm cho bạn điên đầu từ ngày này sang ngày khác với cái tính kiêu kỳ và õng ẹo của họ. Họ muốn bạn phải luôn luôn làm cho họ hạnh phúc và sống trong hạnh phúc miên viễn với họ. Nhưng tôi là một kẻ không sống được lâu với hạnh phúc, và tôi là một nghệ sĩ, có nghĩa tôi phải tiêu pha phần lớn thời gian và sức lực chỉ để đương đầu với những vấn đề của nội tâm tôi. Đời sống sẽ rất căng thẳng nếu cùng một lúc phải đương đầu với chính tôi và với những bông hồng đầy gai như vậy. Nên tôi chỉ tìm kiếm vẻ đẹp trong những bông hoa đơn giản, những người đàn bà dịu dàng biết cách tự chăm sóc mình một cách cảm động. Bạn thấy tôi đang lý luận cái lý luận của một kẻ không hạnh phúc, tức là một kẻ đã từ bỏ tìm kiếm cái toàn vẹn. Giờ đây tôi sẽ rất bằng lòng với một sự chọn lựa tương đối.

Sau cùng thì tất cả những ý nghĩ này chỉ là hoang tưởng, vì tôi biết rằng cô B. sẽ không bao giờ yêu một người như tôi, trước tiên đơn giản chỉ vì tôi sẽ chẳng bao giờ có đủ can đảm để tỏ tình với cô. Tôi chỉ muốn nhìn sâu vào đôi mắt nâu thẫm và thấy cô B. đỏ mặt lên đôi khi. Cô là một người đàn bà hiếm hoi mà bạn chỉ gặp được thi thoảng trong đời từ đám đông những người đàn bà tầm thường. Và đôi khi bạn sợ phá vỡ những hình ảnh hiếm hoi như vậy ngay trong tâm trí bạn.

Tôi đã định nói với bạn về việc đọc sách và văn chương, rằng tôi ngày càng không chịu được sự màu mè dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả những thể nghiệm nhân danh trí thức, mặc dù những cuốn sách như vậy đã là niềm thích thú của tôi mười năm về trước. Giờ đây tôi luôn muốn nhìn thấy ngay cái cốt lõi của đời sống trong những sáng tạo nghệ thuật. Những hội hóa trang làm tôi chán ngấy. Nhưng tôi sẽ nói thêm với bạn về vấn đề này vào dịp khác, vì bây giờ cô B. đã choáng hết tâm trí tôi rồi. Tôi sẽ viếng thăm cô vào ngày mai.

Chào.

*

Thư Ba. Feb.18, 1998

Mấy hôm nay trời mưa, thứ hai vừa qua là ngày lễ, vì thế tôi đã có một cuối tuần dài. Tôi đã không ra khỏi nhà suốt mấy hôm ngoại trừ hơn một tiếng đồng hồ đi hớt tóc. Tay hớt tóc ở SuperCut mặc đồ đen, mang ủng da tới gối, tóc hai bên tai cắt trọc lên gần tới đỉnh đầu, phía sau để dài đến vai, kiểu dân chơi heavy metal trông rẻ tiền. Tôi đã thầm cầu mong cho không phải bị kêu vào ghế của hắn, vì ở SuperCut, bạn đi vào, người tiếp viên ghi tên rồi giao bạn cho tay thợ hớt tóc nào vừa xong trước nhất, trừ khi bạn yêu cầu được hớt bởi một người quen. Tôi bị giao vào tay hắn, nhưng rất ngạc nhiên là hắn đã cắt cho tôi một cái tóc thật cẩn thận và vừa ý chưa từng có. Trực giác của tôi rất nhiều khi sai lạc cho dù cũng như nhiều kẻ khác, tôi vẫn thường tin vào trực giác của mình.

Tôi đã trải qua phần lớn thời gian của những ngày cuối tuần chỉ để đọc và ngủ. Tôi chiều chuộng các cơn buồn ngủ khi chúng đến không một chút cưỡng lại. Tôi đi chợ Lucky ở ngay phía sau nhà, mua tất cả những thức ăn mà tôi thích, ăn bất cứ lúc nào tôi thích, cố gắng không nghĩ đến những khủng hoảng tiền bạc đang đến gần. Tôi có một căn phòng rộng và sạch sẽ, người bạn học ở chung nhà với tôi là một người rất trầm lặng, hiếm khi ra khỏi phòng của hắn. Tôi có thời gian, và tự do gần tuyệt đối, và tôi biết đấy là đời sống mà tôi không muốn đánh đổi cho một cái gì khác. Có thể bạn nghĩ rằng tôi đã trải qua những ngày cuối tuần một cách rất cô đơn và đáng chán, vì bạn là một người hạnh phúc.

 Ngày hôm nay không còn mưa mặc dù buổi sáng hơi có gió, và lạnh. Lần đầu tiên tôi đi xe bus ở Los Angeles. Vì một vài lý do ngớ ngẩn mà tôi thậm chí không muốn kể lại, tôi mất giấy phép đậu xe trong trường. Một phần lớn diện tích trong khuôn viên đại học bị chiếm chỗ bởi các tòa nhà cao tầng dùng làm chỗ đậu xe, vậy mà vẫn không đủ chỗ cho hàng ngàn chiếc xe hơi. Phải rất chật vật mới mua được giấy phép đậu xe, gần 500 dollars cho ba mùa học. Tôi thật sự không muốn nói nhiều về trường UCLA mà tôi đang học. Tôi ghét nó, nếu bạn muốn biết sự thật. Trường này nổi tiếng, đã có bảy giáo sư đoạt giải Nobel, và là một trường giàu có, nhưng chính vì vậy mà mọi hoạt động trong trường được quản lý như một tổ hợp kinh doanh khổng lồ. Và khách hàng là các sinh viên. Có cả một khu mua sắm đồ sộ ngay trong campus, trong khi những tòa nhà cứ tiếp tục được đập ra rồi xây mới lại từ năm này sang năm khác như thể người ta chẳng biết dùng tiền vào chuyện gì khác. Đây là một ngôi trường mà bạn có thể thấy rất rõ những khía cạnh đáng chán bên cạnh những mặt tốt đẹp của văn hóa Mỹ: sự thực tế quá độ, tính phô trương, một tinh thần khỏe mạnh kiểu thể thao, cái không khí hạnh phúc đề huề trưởng giả. UCLA làm cho bạn không nghĩ gì hơn là trở thành một nha sĩ nhổ răng, một chuyên viên điện toán, hoặc khá lắm là một tay viết kịch bản Hollywood. Nói tóm lại là nhũng tay làm rất nhiều tiền. Tôi nghĩ rằng các trường đại học Mỹ với đường lối giáo dục thực tiễn của họ quá chú trọng đến việc đào tạo những con người của giấc mơ Mỹ, những kẻ thành công trong xã hội. Nhưng chính đường lối giáo dục như vậy cũng làm trương phình thêm sự trống rỗng của đời sống trong xã hội tiêu thụ. Dĩ nhiên ở đâu cũng có những kẻ suy nghĩ khác, nhưng những người này vì quá ít ỏi, luôn bị cô lập và lạc lõng.

Tôi đi học bằng xe bus hôm nay. Tôi đi xe bus số 6 về nhà vào khoảng sáu giờ chiều, đường phố mùa đông đã bắt đầu tối, xe cộ gần như tắc nghẽn vào giờ tan sở. Ngồi trên xe bus, tôi có cảm giác là lạ của một khách du lịch, như thể đây là lần đầu tiên tôi đến Los Angeles. Tôi phải nhìn các bảng tên đường để khỏi xuống sai chỗ, và cái cách như vậy làm cho tôi có cảm tưởng tôi vừa rời sân bay đang trên đường đến khách sạn trong một thành phố lạ. Có những thành phố mà bạn mến yêu ngay lần gặp đầu tiên. New York chẳng hạn, bởi cái năng lượng kinh hồn của đời sống ở đó. Seattle chẳng hạn, bởi vẻ đẹp ảm đạm và dịu dàng của biển, của sương mù, của mưa tầm tã. Nhưng Los Angeles là một thành phố mà tôi nghĩ rằng khó chiếm được cảm tình của ai, ngoại trừ những tay cải lương Hollywood. Thành phố này trải ra trên một diện tích quá rộng và vì vậy không có cái vẻ tập trung của một đô thị. Khu dowtown với những tòa nhà chọc trời thường vắng hoe sau sáu giờ chiều và ngày cuối tuần. Thời tiết ấm nắng mà người ta luôn miệng ca ngợi thực ra luôn bị vẩn đục bởi khói xe. Vì sống xa trung tâm nên dân chúng phần đông đều tự lái xe đi làm, và ở Los Angles, nếu bạn không có xe riêng, thường là vì bạn không có việc làm hoặc không đủ tiền mua xe. Nếu không có xe, bạn thật sự là một kẻ tàn phế ở Los Angeles. Diện tích rộng lớn của thành phố sẽ lấy mất của bạn hàng giờ mà chẳng đi đến đâu nếu dùng phương tiện giao thông công cộng. Ở Los Angeles, nhân cách của bạn được đánh giá qua chiếc xe bạn lái, một nền văn hóa xe cộ. Ở Los Angeles, mọi sự rất rởm và người ta có xu hướng đi đến tận cùng của sự rởm đó. Không ở đâu mà bạn thấy nhiều trung tâm thể dục thẩm mỹ như Los Angeles, và điều buồn cười là người ta tập thể dục trong những nhà kính khổng lồ sát ngay mặt đường để được chiêm ngưỡng. Mỗi buổi chiều lái xe ngang qua LA Fitness ở khu Westwood, tôi không nhịn cười được khi thấy hàng dãy đàn ông đàn bà hì hục chạy bộ trên những cỗ máy tập, mặt hướng ra phố như một bầy khỉ đang làm trò cho khách qua đường. Vào những lúc kẹt xe, tôi thường có dịp quan sát những con người đó. Dĩ nhiên không có gì sai trái với việc tập luyện thân thể. Nhưng cái cách mà người ta trưng bày tất cả mọi sự ra như vậy có lẽ chỉ thấy ở Los Angeles. Người ta tìm mọi cơ hội khoe khoang sự khỏe mạnh và hạnh phúc một cách hết sức lố bịch. Đây là một thành phố mà tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ yêu mến cho dù khó có một thành phố nào khác so được với Los Angeles về sự phồn thịnh. Tôi dám chắc không ở nơi nào khác bạn thấy nhiều xe mắc tiền trên đường phố như Los Angeles, nhất là quanh khu Westwood và Beverley Hills gần trường tôi học. Đây là nơi mà nếu bạn chán ghét khía cạnh thực dụng của đời sống Mỹ, bạn sẽ muốn tự tử. Và vì vậy đây là nơi mà một kẻ không hạnh phúc có thể sống được, vì hắn luôn ở tận cùng sự cô đơn của hắn.

Nhưng chiều nay, lúc ngồi trên xe bus, tôi chợt nhận ra rằng thành phố này, đất nước này đã trở nên một phần đời sống tôi, rằng có lẽ nếu đi ra khỏi đất nước này một thời gian, tôi sẽ có cảm giác của kẻ nhớ nhà. Ngồi trên xe bus, tôi có đúng cái cảm giác nôn nao như mỗi lần trở lại Sài Gòn sau mấy ngày về thăm nhà ở Phan Thiết trong những năm học đại học ở Việt Nam. Tôi ở Sài Gòn khoảng sáu năm, bốn năm đại học và hai năm lang bang sau ngày ra trường cho đến lúc rời Việt Nam. Suốt thời gian đó thường tôi chỉ về thăm nhà vào mấy ngày Tết, mà nếu không vì nhớ mẹ và các em thì có lẽ tôi đã ăn Tết luôn ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ tôi đã cảm thấy xa lạ như thế nào mỗi lần về Phan Thiết, cái thành phố nóng bụi mà gia đình tôi đã sống một thời gian dài sau khi bỏ hết nhà cửa, gia sản, tháo chạy từ Kontum về năm 1975. Phan Thiết cũng là một thành phố mà bạn có thể sống hàng năm nhưng khó lòng yêu mến nó. Nóng, cát, và những con người ưa lý sự làm cho thành phố có cái vẻ gân guốc nhà quê. Kontum, đối với tôi, dĩ nhiên là nơi hoàn hảo. Hình ảnh những người Thượng rời nhà thờ trong buổi chiều vàng óng, lặng lẽ đi hàng một xuống con dốc vắng, quá vắng và sâu đến làm người ta khóc được. Dòng sông Dakla chậm rãi với những cuộn thép gai rỉ sét quấn quanh chân cầu. Và tiếng súng nổ mỗi đêm.

Chiều nay, ngồi trên xe bus từ trường về nhà, nhìn dòng xe cộ di chuyển nặng nề bên ngoài cửa kính, tôi biết rằng nếu trở về Việt Nam vào lúc này, tôi sẽ có cảm giác xa lạ như đối với Phan thiết năm xưa. Không phải vì Sài Gòn đô thị hơn Phan Thiết và Los Angles đô thị hơn Sài Gòn, nhưng bởi vì ở những nơi mà tôi đã rời bỏ, tôi thường không sao tìm lại được chính mình khi trở lại. Có lẽ vì tôi chưa già, tôi không có được sự quyến luyến của một người hay nhìn lại phía sau. Tôi nghĩ rằng khi người ta đã học được cách hòa nhập vào một nơi chốn mới, nơi chốn cũ sẽ chỉ còn đẹp trong ký ức, nhưng thường thất vọng khi trở lại. Ngồi trên xe bus đông người nhưng sạch sẽ trong thành phố Los Angeles, tôi biết rằng tôi không còn thật sự thuộc về Sài Gòn, hay Phan Thiết, hay Đà Nẵng, hay ngay cả Kontum. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không hoàn toàn thuộc về đất nước rộng lớn này, cho dù tôi đang sống hết mình đời sống của tôi nơi đây.

Tôi xuống xe ở góc đường Palm và Sepulveda, trời đã tối, gió lạnh. Tôi đi nhanh về nhà, nấu bữa ăn cho chính tôi, và tôi biết rằng tôi là một người không hạnh phúc. Nhưng tôi sẽ không đánh đổi cuộc sống này cho một cuộc sống nào khác. Ít nhất là trong lúc này.

Chào.

(1998, đọc lại 2009)

Phan Nhiên Hạo
Số lần đọc: 2431
Ngày đăng: 18.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm sắc thu trời Huế - Trần Hạ Tháp
Nỗi lòng trí thức mùa Vu Lan - Vũ Ngọc Tiến
Một nhà thơ không đến được vườn Thơ IDS - Phạm Toàn
Sợ ! - Trần Huy Thuận
Nhớ lắm đồng trăng - Huỳnh Kim Bửu
Chiếc đòn gánh - Nguyễn Minh Phúc
Thơ & Người Thơ (1) - Lê Vũ
Bài thơ vu lan - Diệp Hồng Phương
Những bước lên trời với ruộng bậc thang - Minh Nguyễn
Em Và Đêm Sương Nội Thành… - Lê Huỳnh Lâm