Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.804
 
Hạnh phúc kiếm tìm
Nguyễn Hồng Nhung

 (Gửi Phan Nhiên Hạo sau khi đọc tùy bút Ba Bức Thư…)

Đọc xong những dòng chữ êm đềm của một người viết chưa tìm thấy sự êm đềm cho mình, tôi khóa cửa, đi ra bến xe điện.

Chỉ cần sau ba chặng đỗ, chiếc tàu điện vàng leng keng này sẽ đưa tôi đến một khoảng đất rộng mênh mông, được quây lại bởi những conteno đen đủi xấu xí, tạo thành một mảng đời thường, mang tên: chợ giời quốc tế.

Bạn sẽ nghĩ gì, tác giả không hạnh phúc của câu chuyện tôi vừa đọc, khi cùng tôi bước chân vào khu chợ đầy ăm ắp hàng hóa và lố nhố những người ngoại quốc (Tàu, Việt, Thổ, Ả rập…), khu chợ như một biểu tượng thay đổi của nền chính trị đương thời ở xứ Đông Âu này.

Bạn và tôi sẽ bắt tay chào những người cùng giống nòi, và nếu ta có thời gian, họ sẵn lòng cùng ta trò chuyện từ sáng đến sẩm tối bằng tiếng mẹ đẻ về tất cả mọi đề tài trên đời, liên quan đến cuộc sống di dân của họ. Từ việc năm nay làm ăn ở chợ kém lắm, càng ngày càng kém, nhưng biết làm sao khi con cái dở dang học hành, mình về quê nhà làm gì để sống? Đến việc từ đầu năm tới giờ cảnh sát bắt được bao nhiêu vụ trồng cần sa, người ta đồn mối trồng cần sa đầu tiên là nước Anh nhập vào, rồi ở chợ này mới có một dịch vụ “đi tù” hộ, nếu cảnh sát bắt được, sẽ có những kẻ vật vờ tay trắng dạt từ một phương trời nào đó đến đây, vào tù thay cho các “thương gia” lớn, hoặc người nhà của họ.

Vì tiền. Tất cả đều vì tiền.

Chẳng phải ngoài cuộc di dân vĩ đại vì chiến tranh , còn một cuộc di dân cũng vĩ đại khác tại các nước vừa chấm dứt chủ nghĩa cộng sản hay sao.

Vì chiến tranh, vì chế độ hậu chiến, hay vì tiền, hay vì cần hạnh phúc, mà dân mình kéo nhau lũ lượt ra đi?

Có lẽ vì tất cả.

Chẳng ai có thời gian đâu mà suy nghĩ. Sống cái đã.

Bạn cứ việc lặp đi lặp lại lịch trình một ngày đều đặn trong một công sở nào đấy, ở một thành phố nào đấy bên Mỹ.

Cũng như ở đất nước bé nhỏ Đông Âu này, một người Việt nhỏ thó cứ việc lặp đi lặp lại cái vòng quay: hàng-tiền-hàng của anh ta trong một góc chợ.

Có gì đảm bảo ở xứ sở sinh ra chúng ta, con người hạnh phúc hơn những kẻ như chúng ta – lũ dân Việt vất vưởng khắp xó xỉnh trái đất?

Nếu hạnh phúc là một trưa nắng đẹp, ta dang đôi tay, gối đầu lên bậc thang dẫn xuống dòng Đanuýp, nhắm mắt lại, cảm nhận sự ấm áp vô hình ngày mỗi rạo rực hơn của mặt trời rực rỡ trên cao chiếu lên mặt, lên cơ thể, nếu đấy được gọi là cảm giác hạnh phúc thì chúng ta – kẻ di dân – luôn luôn rét, luôn luôn thiếu hạnh phúc.

Tôi hay đụng phải cái vô hình thiếu vắng trong tôi, mỗi khi từ biệt ra đi. Hôm đó là ngày cuối cùng tôi ở Việt Nam. Tôi đi mua một chồng sách, đang loay hoay đưa mắt tìm một người lái xe ôm, bỗng cô bán nước ngồi ngay cạnh hiệu sách bảo:

-Chị tìm xe ôm? Em là xe ôm đây.

Rồi cô gọi ời ời, anh chồng xuất hiện, cô bàn giao quán nuớc, mở khóa chiếc xe máy dựng ở vỉa hè, tống đống sách trên tay tôi vào giỏ phía trước, vèo vèo chở tôi đi.

Lúc đó là buổi trưa, tôi đói, hỏi cô, cô bảo “em chở chị đi ăn bánh đúc nóng ở quán nổi tiếng nhất Hà nội”.

Phóng xe vào một ngõ nhỏ sâu (như trăm nghìn ngõ nhỏ Hà nội khác), chúng tôi bước vào một căn nhà chật ních. Phải đi qua một cái sân gạch bé xíu, nhưng thật kỳ lạ, đủ chỗ cho tất cả các quy trình làm bánh nấu nướng, dọn rửa, sắp xếp.

Chỉ thấy những cái đầu lố nhố, những cái lưng ngồi xổm, khói, lửa, nước quện với tiếng gọi í ới, tiếng trả lời vội vã, tiếng chân thoăn thoắt ngược xuôi lên nhà, xuống bếp, quện với mùi thơm ngào ngạt của hành mỡ thịt, bánh, mùi tương…

Bước lên nhà trên. Những dãy bàn thấp với ghế thấp quây quần đông nghịt khách xì xụp, chấm húp, cười nói chuyện trò rôm rả. Không đủ chỗ cho khách, chúng tôi được xếp ngồi lên giường có trải chiếu hoa, giữa giường đặt chiếc mâm gỗ, những bát bánh đúc chan canh nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, cả bọn phải cúi rạp xuống xuýt xoa nâng lên hạ xuống cái bát sứ bỏng rẫy.

Đang ăn, có điện thoại, tôi nghe, cô xe ôm phát hiện “chị là Việt Kiều”? Từ phút ấy đến tối mịt, cô đồng ý đưa tôi đi bất kỳ đâu. Cô chở tôi đến viện Bảo tàng dân tộc học: “Nếu chị không bảo, em không bao giờ biết có chỗ này”. Cô chở tôi đi lòng vòng trên khu phố cổ, đợi tôi mua bán, và chúng tôi trò chuyện. Cô kể cho tôi nghe đời sống khó khăn, nhặt từng đồng từng ngày của gia đình cô, bù lại con cô học giỏi, mẹ cô vẫn khỏe mạnh.

Khi chúng tôi chia tay, cô xe ôm bảo: “Chừng nào lại về chơi, chị đến tìm em nhé, em thích nói chuyện với chị lắm, chi đi tây có khác, chị biết nhiều, chị đi tây chị sướng, chả như chúng em lam lũ, bao giờ mà em sướng được như chị…”

Đấy, bạn thấy không ai cũng rét, rét theo kiểu của mình. Ai cũng mơ ước một hạnh phúc kiếm tìm nào đó. Người này cứ tưởng người kia sướng hơn mình, may mắn hơn mình.

Tôi biết, một phần nỗi thiếu vắng vô hình của tôi là thiếu sự ấm áp của môi trường nơi tôi sinh ra, là tiếng mẹ đẻ ríu rít bên tai. Khi gặp lại trong môi trường ấy tôi cảm thấy trò chơi suy tưởng tâm trí của mình dừng lại, tôi chỉ sống, buông mình theo những náo nhiệt đời thường, ấm dần lên như đang phơi trong nắng.

Nhưng cũng ở xứ sở quê hương, tôi đã trải qua những phút rét buốt tâm can.

Tôi vào Sài gòn, gặp bà chị họ, con bác ruột tôi từ Pháp về chơi. Chị thuê tắc xi, đưa tôi đi tới những nơi trước kia gia đình bác tôi ở đó.

Bà chị tôi là một cơ thể được cấu tạo bằng chất người ta gọi là tiền tệ. Lúc nào chị cũng chỉ nói đến vàng, ngoại tệ, nếu không nói đến đề tài đó, chị than vãn, chửi rủa, than thân trách phận, nhiếc móc nhân loại. Vì trong chiến tranh, chị giàu có, chị thầu cho Mỹ, chị có kẻ hầu người hạ, nhà cửa đề huề mà sau này chị phải hiến cho nhà nước hết, để đi.

Chị đưa tôi đến nhà một họ hàng khác, ở trong một xóm nghèo chật ních người và các loại xe, các loại tiếng động, các loại hỗn loạn khiến cả tôi lẫn chị cứ giật mình thon thót. Người họ hàng không đon đả, cũng chẳng lạnh nhạt, vì như chị kể “chính sách viện trợ” của chị đã dừng lại sau khi má chị, bác tôi mất.

Tối hôm đó, trên ban công một khách sạn nhìn ra sông Sài gòn, bà chị họ tôi bận đi xem một vài món trang sức, tôi ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ, gió từ sông thổi về mát rượi không xoa dịu được nỗi lòng tê buốt của tôi.

Cứ như thể tôi và chị không phải họ hàng, không nói cùng chung ngôn ngữ, chưa bao giờ biết đến nhau, trước kia, bây giờ, và mai sau cũng thế.

Tôi nhớ đến bác tôi, má chị, và cũng là chị ruột của cha tôi. Bác tôi duy nhất một lần về thăm cha tôi ở Hà nội, lúc đó bà đã hơn tám chục tuổi, cứ nhắc đi nhắc lại một câu giữa đôi dòng nước mắt: “Em ơi, em Cún của chị ơi, 48 năm rồi chị em mình mới nhìn thấy nhau”.

Mọi người trong gia đình tôi đón tiếp bác một cách kính cẩn và lo lắng, luôn hốt hoảng nhìn quanh xem có thiếu thốn gì trong những ngày bác ở với gia đình không. Còn tôi lặng lẽ ngắm tất cả mọi người bằng con mắt luôn luôn phải từ xa chiêm ngưỡng, ngẫm nghĩ, tuy trong lòng không bao giờ câm lặng, con mắt của một kẻ đi dân.

Tôi nhận ra chỉ cha tôi và bác tôi có mối liên hệ ruột thịt gần nhất, thật kỳ lạ, sau gần nửa thập kỷ không hề trông thấy nhau, gặp nhau, nhưng từ một câu nói một cái nắm tay, một câu hỏi, một cái tên nhắc lại, một câu chuyện, cho thấy hai tâm hồn cùng máu mủ này chưa bao giờ xa nhau. Hai chị em như quên hết thực tại, vội vã cùng nhớ lại và cùng hưởng chung với nhau một cái gì đấy mà người ngoài không có quyền xâm phạm.

Đấy có phải là hạnh phúc kiếm tìm của con tim xa cách, chỉ con người mới hiểu, hay đơn giản chỉ là cái giá của tất cả những gì từ trước tới nay tôi biết qua một khái niệm ngắn ngủi: chiến tranh Việt Nam?

Không rõ, tôi và bạn, và nhiều người khác có cùng một niềm day dứt khi kiếm tìm hạnh phúc hay không?

Vì chúng ta cùng là dân Việt .

Chưa chắc.

Tôi đôi khi ra khỏi bộ da dân tộc hẹp hòi của mình, ngập đầu vào những trang sách, thơ thẩn khắp các viện bảo tàng trong thành phố, các di tích ở nơi tôi đang sống, so sánh lịch sử và văn hóa của đất nước này, để kiếm tìm một cảm giác trú ngụ bình yên nào đấy.

Đôi khi, tôi ngập được vào những cơn đau của một dân tộc khác, của châu Âu của dân Do thái, của những nhà văn, nhà văn hóa bị vùi dập dưới những hệ tư tưởng vớ vẩn vô lý sinh ra từ những bộ óc điên cuồng không còn tính người ở xứ sở này.

Cho dù, duy nhất chỉ những công việc xâm nhập văn hóa cứu tôi khỏi những cơn buồn bã, tuyệt vọng của những ngày sống kiếp di dân, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình yên ổn. Bao giờ tôi cũng quay về với cơn rét buốt riêng của mình.

Vẫn một tia nắng ấm áp từ một nơi xa thẳm nào đấy mời chào, vẫy gọi, tha thiết…

Tôi không chỉ phân thân như một kẻ lưu vong trên đất người.

Ngay trên xứ sở sinh ra tôi, tôi đã nếm trải thêm những cảm giác phân thân khác. Từ những suy tầng văn hóa và từ mức độ cảm nhận tự do khác nhau.

Tôi biết mỗi khi về nước, tôi rất yêu cái cảm giác sống hừng hực vui tươi của một xã hội mà người trẻ chiếm đa số, cảm giác này giống như ta khi mới muời tám đôi mươi, nhìn đời bằng đôi mắt xanh non và háo hức hiến dâng một cơ thể mạnh khỏe đầy sức sống.

Tôi yêu phút được nghe một cô gái trẻ tự dạo đàn và hát bài hát riêng của mình, cũng như tôi luôn tò mò xem tranh của các họa sĩ trẻ, dù chẳng hiểu chút gì, hoặc bật cười đọc một vài câu tuyên ngôn trong bài phỏng vấn về một nhà văn trẻ.

Tôi chỉ chợt ớn lạnh khi tự hỏi: những người trẻ này họ sẽ thành ai khi trưởng thành hơn một chút, khi trung niên, khi già trong cái môi trường ấy? Khi họ hiểu ra những hệ thống, thể chế xã hội đầy rẫy những quy định chính trị, khi thấy sinh hoạt văn hóa chỉ là trò chơi ngông giữa những kẻ cầm bút đi theo vạch quy ước? Tất nhiên, họ sẽ giẫy dụa như cha chú hiện tại, như cá ngột hơi, thỉnh thoảng ngoi lên khỏi mặt nước ngầu đớp bọt, rồi lại chìm nghỉm

Thời gian, đang lẽ để họ thử nghiệm tài năng bản thân, trước khi tìm ra con đường riêng đến với chân lý vĩnh cửu của sự sống, thời gian đó bị quy định, bị lãng phí vung vãi trong những bi hài sống theo những chuẩn mực ngu ngốc, khiến đôi khi ta – chỉ ở bên ngoài nhìn vào – cũng đã cuồng lên bởi cảm giác bực bội và phẫn uất.

Rồi đau. Bao giờ dân Việt mình : Bằng cách tự nhận thức ra những điều nhố nhăng và vô văn hóa trong xã hội.

Khó lắm.

Bởi sự thống trị của cái ngu muội có hàng nghìn tên gọi mỹ miều diêm dúa.

Bởi không phải người Việt nào cũng vào một ngày đẹp trời giữa Pari, sửng sốt đọc một cuốn sách nói về những gì đã xảy ra trên đất nước của mình trong nửa thế kỷ qua, một cách khác hẳn so với những gì mình đã biết, hoặc đã học, như tôi, khi bỏ nước ra đi. Để rồi sau đó đọc nhiều hơn, ngẫm nhiều hơn về một nửa kia của đất nước trong chiến tranh, với những con người, sự kiện, và một nền văn hóa từng có thật. Để hiểu, cắt đi một phần cơ thể sống, như là nó, chỉ vì nó như là nó, thật là một nỗi đau buồn bã. Bao giờ con người mới hiểu ra những nỗi đau?

Trên ban công khách sạn nhìn ra sông Sài gòn, tôi đã buốt giá khi hiểu, có thể phải rất nhiều thế hệ nữa, người ta mới nhìn cuộc chiến tranh đã đi qua trên đất Việt Nam như một hiện thực khách quan,với tất cả góc cạnh phơi bày sự thật của nó.

Đến chừng đó, bạn và tôi biết làm gì hơn trong những cơn ưu tư đi tìm hạnh phúc, ngoài việc viết cho nhau những dòng chữ này, để chia xẻ một cảm giác khát khao, sẽ có một ngày gặp lại những tia nắng ấm áp từ một mặt trời duy nhất trên cao tỏa sáng.

 (Budapest 09.09.2009)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3573
Ngày đăng: 18.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tìm sắc thu trời Huế - Trần Hạ Tháp
Nỗi lòng trí thức mùa Vu Lan - Vũ Ngọc Tiến
Một nhà thơ không đến được vườn Thơ IDS - Phạm Toàn
Sợ ! - Trần Huy Thuận
Nhớ lắm đồng trăng - Huỳnh Kim Bửu
Chiếc đòn gánh - Nguyễn Minh Phúc
Thơ & Người Thơ (1) - Lê Vũ
Bài thơ vu lan - Diệp Hồng Phương
Những bước lên trời với ruộng bậc thang - Minh Nguyễn
Em Và Đêm Sương Nội Thành… - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)