Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.398
 
6- Hồng Quang1
Phan Thế Hải

6- Hồng Quang1

Hồng Quang là tên hiệu ảnh ở cạnh cầu Dinh, bây giờ thuộc đất thị trấn. Ngày xưa đấy là đất Hoa Thành. Đó là khu đắc địa, gần sông, gần đường lại gần chợ. “nhất cận thị, nhị cận giang” ở đây, đất của nhà ảnh Hồng Quang đạt được các tiêu chí mà sách phong thủy bên xứ Tàu đã từng tổng kết.

Cũng là dân phi nông nghiệp nhưng với nhà ảnh Hồng Quang lại ở một đẳng cấp khác, sang trọng và uy nghi. Bởi lẽ, ông Hồng Quang là người chụp ảnh duy nhất ở huyện. Còn xã thì đương nhiên rồi. Trong các ngày lễ trọng đại, họp hành, phát động ra quân, đặc biệt là các dịp đại hội này nọ, ông là người ghi lại những khoảnh khắc quý hiếm đó.

Ông Hồng Quang cũng không nói tiếng Hoa Thành, nhưng do nghề nghiệp, lại quen biết rộng, nên ông được coi là một ngoại lệ. Hồi học ở trường cấp 3 Yên Thành (bây giờ gọi là trường Phan Đăng Lưu). Ngày nào tôi cũng đi qua nhà ông, nhưng lần đầu tiên vào nhà ông là đầu năm 1977, dịp mà chúng tôi làm hồ sơ thi vào đại học, phải vào đó để chụp ảnh dán vào tờ khai lý lịch.

Trong khi xếp hàng chờ đến lượt, tôi tranh thủ quan sát nhà ông. Cùng với dãy nhà ngói 3 gian là khuôn viên, ao hồ được tôn tạo khá công phu mà ở quê tôi chưa thấy bao giờ. Người con trai của ông bấm máy, bà ngồi ghi phiếu, thu tiền, còn ông và những người con khác thì loay hoay trong phòng tối rửa ảnh. Tất cả đều ngăn nắp như một dây chuyền sản xuất mà lần đầu tiên tôi được chứng kiến.

Tấm ảnh chân dung đen trắng hồi đó chỉ hết vài ba hào gì đó, tôi không nhớ rõ, nhưng với nông dân đó là một tài sản. Vào mùa tuyển sinh, nhà ông đông vô kể. Sự trật tự trong lúc chờ đợi, sự mù mờ của tôi về kỹ thuật làm ảnh càng khiến cho tôi nể phục ông và coi đó như là một thế giới thần bí mà mình không thể bước chân vào được.

Sau này tôi mới biết Hồng Quang là tên con gái ông. Cô học sau tôi 4 lớp. Khi tôi đi bộ đội, hết nghĩa vụ, xuất ngũ thì cô cũng vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, về dạy ở trường làng. Hồi đó tôi làm phó bí thư đoàn xã, phụ trách đội thiếu niên. Hồng Quang là giáo viên làm Tổng phụ trách. Lần đầu tiên gặp cô, tôi run bắn. Cô xinh chỉ là một phần, cái cơ bản, cô là con ông Hồng Quang, người mà cả huyện đều biết tiếng.

Thế rồi, trong quan hệ công việc, chúng tôi gần gũi nhau hơn. Đôi lúc không chỉ vì công việc mà chỉ vì một lý do vu vơ nào đó. Dường như cô cũng đã từng run rẩy vì tôi. Tôi cảm nhận được điều đó nhưng không dám đẩy vấn đề đi xa hơn. Không lâu sau đó, có anh Lân bên Chu Trạc đi Nga về. Lân học trên tôi hai lớp, ngày trước nổi tiếng là học giỏi. Sau khi vào ngành công an được ít lâu, anh được cử đi Liên Xô học.

Lúc này, chiến tranh đã kết thúc được chục năm, người ta bắt đầu chán việc tôn thờ nghèo khó. Thay vào đó là sự vọng ngoại. Việc một người đi nước ngoài về là một sự kiện. Thêm vào đó, anh còn mang về một con Minsk hai bánh nổ máy nghe binh binh như súng liên thanh. Mỗi khi xe của anh chạy qua, hàng trăm người nhoai ra đường nhìn ngó một cách trầm trồ. Có người còn nói một cách vu vơ: được lấy thằng này làm vợ 3 cũng đáng!

Về nhà hôm trước thì hôm sau, Lân lên hiệu ảnh Hồng Quang. Một tháng sau đó, Hồng Quang lên xe hoa với Lân. Lần đầu tiên tôi cảm nhân được một sự mất mát thực sự, mặc dù không lý giải nổi đó là sự mất mát gì.

Khi tôi đang học năm thứ hai đại học Kinh tế QD, Hồng Quang trở thành góa phụ. Nghe nói, Lân bị đột tử vì nhồi máu cơ tim sau khi đi nhậu về. Đơn vị cho xe đưa quan tài chở từ Phan Thiết về quê. Đám tang của anh to nhất làng. Cái chết của anh vẫn là một đề tài để người dân Hoa Thành bàn luận trong nhiều năm sau.

 

7- Hồng Quang2

Chơi với mấy anh bạn người Diễn Châu, sau nhiều lần ngồi với nhau, tôi được biết thêm, ông Hồng Quang là người đã từng tham gia cách mạng. Ông  quê ở người Diễn Minh- Diễn Châu. Lý do để ông lập nghiệp ở đất Hoa Thành là do một thời ông đã nhiệt tình cách mạng quá mức.

Đất Diễn Minh ai cũng biết ông, lý do đơn giản, gia đình ông thuộc dòng dõi khá giả. Ông lại là người tham gia hoạt động phong trào ngay từ khi còn niên thiếu. Đầu tiên là các phong trào thiếu niên, đặc biệt là thời cải cách ruộng đất. Cha ông do lắm ruộng nên được quy là địa chủ, thuộc thành phần bóc lột. Mà đã là bóc lột đều phải đấu tố. Đấu tố để tẩy rửa đầu óc bóc lột, để chứng minh tính đúng đắn của cuộc đấu tranh giai cấp, để chứng minh tính đúng đắn của một học thuyết do mấy ông ở đâu tận bên Tây bên Tàu gì đó phát minh ra.

Cha đã bị đấu tố thì với con, việc tham gia cách mạng là khó khăn bội phần. Điều đầu tiên là ông phải chứng minh được lập trường của mình. Dù là người được sinh ra trong một gia đình bóc lột nhưng sớm nhận ra sự sai lầm của gia đình, sớm giác ngộ cách mạnh, kiên quyết thoát ly khỏi truyền thống đáng hổ thẹn ấy. Cùng với sự nhiệt tình, sự xả thân trong các hoạt động, ông đã vinh dự được là đối tượng đoàn.

Sau khi đã học tập điều lệ, thuộc 5 bài lý luận cơ bản, trước khi được kết nạp vào đoàn, người ta bắt ông phải vượt qua thử thách cuối cùng là chứng minh lập trường của mình với gia đình. Cách mà họ gợi ý cho ông là đưa cha ra đầu làng, lội xuống vũng nước, trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng, ông túm vào gáy cha, rồi dúi xuống vũng nước khiến người cha khốn khó phải sặc nước, tím tái cả mặt mũi.

Mỗi lần dúi xuống như thế, ông phải gầm lên: Này bóc lột này, bóc lột này!... Trước sự hả hê của đám đông, ông mãn nguyện vì đã làm được một việc diệu kỳ như thế.

Sau khi đã được kết nạp vào đoàn, không ít lâu sau đó là sự kiện sửa sai. Cuộc cải cách ruộng đất với tôn chỉ là “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” đã gây ra không ít oan sai. Với một số cán bộ chủ chốt có nguồn gốc là trí thức hay địa chủ là giống như việc người ta tự cầm đá ghè vào chân mình. Khi say không thấy đau, nhưng khi tỉnh lại thì nhức nhối lắm.

Lúc có thời gian, ngẫm lại những hành vi của mình thấy đó là những việc làm vô đạo, cảm thấy xấu hổ thì đã muộn. Ngày xưa đám quần chúng được kích động hả hê bao nhiêu thì giờ đây dân làng lại lên án ông bấy nhiêu.

Chuyện người ta kể là vậy, không biết độ chính xác được bao nhiêu nhưng chuyện ông bỏ làng ra đi là có thật. Thêm nữa, việc ông rời đất Diễn Minh thoáng đãng để lập nghiệp ở Hoa Thành, vốn là nơi không cởi mở với dân tứ chiếng hẳn là phải có lý do nào đó.

Là người từng tham gia cách mạng, từng đi bộ đội, đó chính là chiếc giấy thông hành để ông mở rộng các mối quan hệ với chính quyền. Cùng với cái tài ngoại giao, sự độc nhất của nghề nhiếp ảnh đã giúp ông tạo dựng được vị thế khiến nhiều người phải kính nể.

Hồi còn công tác với cô giáo Hồng Quang, con gái ông, đã vài lần, tôi ghé qua nhà ông chơi. Lúc bấy giờ tôi là anh lính xuất ngũ chưa có tương lai, thấy tôi vào, lần nào cũng như lần nào ông đều dương mục kỉnh lên hỏi: anh là ai? con nhà nào? đến đây có việc gì? Hồng nó bận lắm!

Cũng vì lý do đó, trong mối quan hệ với Hồng Quang, tôi không thể tiến xa hơn.

Sau này, có dịp gặp nhau, cùng với việc ôn lại kỷ niệm xưa, tôi không dấu diếm những rung động mãnh liệt của tôi với cô. Đến bây giờ vẫn vậy. Tôi yêu những kỷ niệm đó như yêu chính mảnh đất Hoa Thành, nơi tôi đã được sinh ra, lớn lên với đầy ắp những ký ức. Hồng Quang thường trách tôi là sao ngày đó, anh không nói với em một câu!

 

8- Chu Văn Quềnh

Thật ngẫu nhiên, trong tiểu thuyết nổi tiếng “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường có nhân vật “Chu Văn Quềnh” đầy cá tính. Quê tôi cũng có tên người như vậy nhưng tính cách thì khác hẳn. Ông với mẹ tôi, ông là con chú con bác. Tôi gọi ông bằng cậu họ.

Cậu Quềnh mồ côi cha từ bé, nhưng lớn lên lại là người khỏe mạnh, năng nổ, thường đi đầu trong mọi phong trào. Cậu trạc tuổi mẹ tôi. Sau năm 1954, ông bắt đầu sinh hoạt thiếu niên, rồi trở thành chi đội trưởng, liên đội trưởng, rồi vào đoàn thanh niên. Lúc nào ông cũng đi đầu.

Vì tính chất tiên phong nên mới vào tuổi 20, cậu đã là xã đội trưởng, chỉ huy dân quân làm thủy lợi, quy hoạch đồng ruộng. Gặp mồ mả không ai dám đụng vào thì ông ra tay. Đình chùa, nơi được coi là mê tín dị đoan, ông là người đi tiên phong xóa bỏ nơi thờ cúng.

Mấy năm sau đó cậu làm chủ nhiệm hợp tác xã, rồi được cử đi học đại học nông nghiệp hệ tại chức. Ở trường đại học, ông là Đảng viên, đã từng kinh qua thực tiễn nên oách lắm. Tại đó ông đã yêu một sinh viên người Tày, quê ở Tràng Định- Lạng Sơn. Sau này ra trường, ông theo vợ về công tác ở tỉnh Lạng Sơn, theo nguyện vọng của gia đình vợ.

Dẫu là tại chức nhưng cái bằng đại học thời đó là rất hiếm. Ở tỉnh miền núi như Lạng Sơn lại càng hiếm. Đó là lý do để con đường quan lộ của ông lên vù vù. Ra trường hơn chục năm, ông được đề bạt làm phó chủ tịch thị xã Lạng Sơn. Tưởng như con đường quan chức của ông cứ thế bon bon không có điểm dừng.

Ở quê, khi tôi lớn lên đã được người ta kể về ông như một hình mẫu của sự thành đạt, một người con mồ côi cha, nhưng nhờ cách mạng, nhờ đoàn thể nên đã vượt lên khó khăn để rồi tham gia cách mạng. Những câu chuyện đó không chỉ được kể bên những nồi nước chè xanh vào vụ nông nhàn mà còn được kể trong cả những cuộc họp đoàn thể.

Năm 1992, sau khi ra trường, lê gót đi tìm việc làm khắp mọi ngõ ngách không có kết quả, tôi nghĩ đến cậu đành lặn lội tìm đến. Hồi đó, xứ Lạng mới mở cửa đường biên với Trung Quốc, làm ăn dễ lắm, phố xá nhộn nhịp, xe cộ chở hàng Tàu chạy náo loạn cả một vùng. Sau nhiều lần hỏi thăm tôi cũng tìm đến nhà ông. Thật ngạc nhiên, đó là ngôi nhà ba gian, lợp ngói, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng bên cạnh.

Biết được sự băn khoăn của tôi, cậu giải thích, rằng, chiến tranh biên giới, ông phải di chuyển nhiều lần, con đông nên làm được mấy gian như vậy là cố gắng lắm rồi. Hiện vẫn còn nợ tiền một số anh em. Lúc đó, ông đã thôi chức phó chủ tịch thị xã từ lâu rồi chuyển về làm Chánh thanh tra ruộng đất. Cả tỉnh chỉ có mỗi chức Chánh thanh tra, ông là người ngoại tỉnh, lên đến đó cũng khiến nhiều người phải ghen tỵ.

Cậu đi làm vào buổi sáng bằng xe đạp. Buổi chiều thường về muộn trong trạng thái nồng nặc mùi rượu. Có hôm ông uống say quá, không tự đi về được mà phải nhờ xe Uoat thùng chở về, trong trạng thái mềm như sợi bún. Đó chính là những lúc mà vợ con ông cảm thấy sung sướng nhất vì trong tình trạng say mềm ông sẻ ngủ yên cho tới sáng hôm sau. Nếu không đủ say, ông thường quát mắng bọn trẻ con, sai vợ mua thêm rượu, nếu trái ý ông đánh đập vợ. Những trận đòn lúc ông say không chỉ để lại thương tích cho vợ mà còn để lại những gánh nặng về tinh thần.

Khi hết say, giải thích cho tình trạng đó, ông cho biết, do phải giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực đất đai nên ông không nỡ từ chối những cuộc tiếp khách. Mới đây, gặp lại ông cùng vợ đi dự đám cưới ở Hà Nội, ông đã là một ông già hiền lành, chán chế độ nhưng vẫn yêu rượu. Vợ ông cho biết, ông đã nghỉ hưu được hơn chục năm rồi. Ông ít uống hơn, ít say hơn. Lý do đơn giản, không còn công tác, ít được mời. Thêm vào đó, sức khỏe kém, không uống được nhiều. Con cái đã lớn, đã nên vợ nên chồng còn nhà cửa thì vẫn vậy, sống bằng lương hưu, tháng nào cũng có tiền nhưng chỉ đủ uống rượu còn để sửa nhà thì không thể.

 

9- Đặng Văn Hiền

Tên thật của hắn là Đặng Văn Hiền, nhà đàng sau nhà tôi. Hiền là con ông Bá, một người Bắc ngụ cư. Ông Bá làm nghề bán phở, nên Hiền được gọi thêm tên đệm là Hiền Phở. Vợ chồng ông Bá là dân ngụ cư ở Hoa Thành nhưng không làm ruộng, đành phải sống bám vào chợ.

Không biết việc buôn bán thế nào nhưng nhà ông rất đông con, đứa nọ chưa biết đi đứa khác đã thòi ra, một lũ lít nhít sàn sàn nhau. Hiền học dưới tôi hai lớp. Tôi biết Hiền vì hắn đá bóng rất hay. Ở ngoài đời trông hiền lành, lờ đờ vậy nhưng vào sân nhanh như một con sóc bông. Trưởng thành từ bóng đá quả bưởi, khi có phong trào, vào sân lập tức trở thành ngôi sao của xóm.

Trong một lần cùng đội xã thi đấu giải của huyện, Hiền đã gặp Hảo. Lúc bấy giờ đang là cô thôn nữ vừa tốt nghiệp phổ thông. Đón đường chuyền dài từ đồng đội, Hiền chạy theo nhưng không kịp, bóng ra ngoài biên, xô dạt cả đám cổ động viên lúc nào cũng chực ùa vào sân. Thay vì cúi xuống nhặt bóng, Hiền khựng lại trước đôi má đỏ hồng của cô nữ sinh quyến rũ kia. Bốn mắt gặp nhau, như một tia lửa điện. Mối tình sét đánh của họ bắt đầu như vậy. Không lâu sau đó họ nên vợ nên chồng.

Tình yêu của họ thì đẹp vô cùng nhưng cuộc sống hôn nhân thì không kéo dài được bao nhiêu. Sau những ngày nồng nàn, họ có với nhau con gái đầu lòng, hơn con Thu nhà tôi một tuổi. Đến đứa thứ hai, là con trai, cả hai đều khỏe mạnh sáng sủa trông thật đáng yêu.

Nhà có 4 sào ruộng, cày cấy xong là hết việc. Vợ lo việc vườn tược, lợn gà còn chồng thì buồn thiu. Lý do đơn giản, bóng đá thì chỉ thỉnh thoảng đá giải ăn theo các ngày lễ kỷ niệm này nọ, thường vào các năm chẵn. Gọi là giải thôi, chứ phần thưởng thì hẻo, xã chiêu đãi vài bữa cơm coi như là một sự đãi ngộ để nuôi phong trào. Ở nhà mãi đâm buồn, đành tụ tập bạn bè đánh bài. Đánh suông mãi cũng chán, đành cược tiền cho vui. Mỗi ván ù chỉ vài ngàn.

Tiếng là vài ngàn nhưng thua mãi cũng là một khoản đáng kể. Với nhà nông, việc có được dăm bảy ngàn là cả một vấn đề. Một vài bận thua bài, đành liều xúc trộm dăm cân lúa ra chợ. Bị vợ phát hiện trong nhà lập tức có chuyện lục đục.

Con cái càng lớn, vấn đề chi tiêu càng thúc bách, mật độ cãi vã ngày một dày thêm. Đầu tiên họ ly thân, muỗi đứa ngủ một nơi, sau đưa nhau ra tòa. Con mỗi người một đứa, nhà mỗi người một gian. Tiếng là ly hôn, nhưng hai người vẫn ở trong vuông vườn cạnh nhà tôi, bọn trẻ thì vẫn ở với nhau. Hiền không đủ khả năng chợ búa, nấu nướng, chăm sóc con nên đành phó mặc cho vợ.

Nhìn chồng sống với cảnh cơm niêu nước lọ bữa đực bữa cái nghĩ cũng tội. Không lâu, sau khi nguôi dận Hảo mời chồng về ăn cơm. Hiền biết như thế là không phải nhưng đói quá đành chấp nhận. Thế rồi họ lại ở với nhau. Vợ vẫn lo việc ruộng vườn, còn chồng khi hết việc nặng nhọc lại nhàn rỗi, lại bị lôi vào những chiếu bài…. lại bị vợ ca cẩm lại lục đục…

Thế rồi, hàng xóm thỉnh thoảng có người mất cái nọ cái kia, không biết là ai lấy, nhưng đều chĩa sự nghi ngờ sang nhà Hiền. Họ nói bóng nói gió, chửi rủa theo những bài truyền thống nghe thật nhói tai.

Một hôm, Hiền đi lang thang một vòng quanh xóm, gặp mẹ tôi, Hiền nói: Bà Sơn ạ, tui sắp đi xa đây! Mẹ tôi hỏi lại: - Đi mô? sang Lào à? Hiền bảo: - xa hơn nhiều! Ờ đi mô kiếm được việc, kiếm được tiền về nuôi con cho đỡ khổ. Nghe nói vậy Hiền rơm rớm nước mắt chào mẹ tôi rồi ra về.

Sáng hôm sau, nghe tiếng Hảo thất thanh, hàng xóm chạy sang thì thấy Hiền lơ lửng trên xà nhà. Xác đã lạnh tanh. Nhìn thấy Hảo khóc vật vã, hai đứa trẻ ngơ ngác chưa kịp biết chuyện gì đã xẩy ra!

 

10- Chu Văn Lịnh

Bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi nó là thằng Lịnh. Nó với tôi cùng tuổi, cha nó tên Liện nên chúng tôi vẫn gọi nó là Lịnh Liện. Nhà nó ở đầu ngõ, cách nhà tôi chỉ hơn trăm mét. Chúng tôi chơi với nhau từ thuở biết đi. Nó người nhỏ con, thông minh, nhanh nhẹn còn tôi, to cao hơn nó nhưng khờ khạo.

Dẫu khác về tính cách, nhưng chúng tôi thân nhau lắm. Học với nhau nhưng một buổi không gặp là nhớ. Chăn trâu cùng nhau, đi ăn trộm ổi cùng nhau, đi củi với nhau như hình với bóng. Tưởng như hai đứa là một phần của nhau. Nhưng rồi, một sự kiện khiến tôi không thể quên khiến mỗi đứa một nơi, xa rời vĩnh viễn.

Hồi đó chúng tôi đang học lớp cuối cấp 2, trong một buổi chăn trâu ở ngoài hầm Văn Hội. Hai đứa đánh trận giả, nó dùng dây thừng đánh tôi một cái rất đau. Tôi nổi cáu, hai đứa chửi nhau. Thoạt đầu là mả cha, mả mẹ, sau đó là lôi cả ông bà tổ tiên, nội ngoại. Cuối cùng nó kết tội tôi là con nhà bóc lột. Sau này tôi mới hiểu được, đó chỉ là một câu độc địa mà đám trẻ con học được từ người lớn, nhưng lúc đó tôi tức đến tận cổ. Khốn nỗi chúng tôi lúc đó không còn quá bé để dễ quên, cũng không quá lớn để đủ bỏ qua những xích mích kiểu trẻ con.

Năm đó, tôi thi đỗ tiếp tục lên học cấp ba, còn nó bị trượt nên đành phải ở nhà chờ năm sau thi lại. Có lẽ cùng vì phải học chậm lại 1 năm, nên năm 1977, nó tròn 18 tuổi trúng tuyển phải  đi lính. Lúc đó tôi đang học cuối cấp nên được miễn nghĩa vụ. Trước ngày lên đường nó đi một vòng quanh xóm chia tay bà con, trong đó có vào nhà tôi.

Đã ba năm không chơi với nhau, chuyện cũ đã tạm quên nhưng nhìn nhau vẫn còn ngượng lắm. Tôi hỏi thăm dăm ba câu, nó tươi cười vui vẻ, chúc tôi thi đỗ đại học rồi ra về. Lúc đó, tôi cũng không hình dung được đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.

Năm đó, xã tôi nhập ngũ khá đông. Toàn thanh niên 18 tuổi. Sau khi huấn luyện bộ binh được dăm tháng, cả lũ được điều động vào biên giới phía Tây Nam. Lúc bấy giờ, người anh em láng giềng Polpot đang gây chiến mạnh ở phía biên giới. Khi tôi học hết đại học năm thứ nhất thì nghe tin có giấy báo tử. Cùng đợt đó, xã tôi có gần chục người, trong số đó còn có Hùng, em ruột anh Tân, đương kim bí thư Huyện ủy. Những người khác tôi không để ý, nhưng với nó tôi xúc động đến run người.

Tôi sang nhà hai bác mà không cầm nổi nước mắt. Chuyện tôi với nó, chỉ hai đứa biết, không ai hiểu được những uẩn khúc giữa hai chúng tôi. Nó hy sinh rồi, tôi là người duy nhất sở hữu điều bí mật đó. Thắp cho nó một nén hương, tôi nghĩ thầm: nếu không có câu nói độc địa kia, có lẽ chúng tôi lại chơi với nhau. Trẻ con mà! dận lúc đó nhưng nhanh quên. Nếu còn chơi với nhau chắc nó cũng không đến nỗi thi trượt. Sức học nó khá, thậm chí có môn còn hơn tôi, nhưng sự đơn độc làm sức học nó giảm.

Giờ đây, em trai nó là Chu Văn Đức, sau khi du học ở nước ngoài về, hiện đang giảng dạy tại Đại học Luật Hà Nội. Đức mới bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Mỗi lần nhìn thấy Đức, tôi lại nhớ đến Lịnh, người bạn thuở thiếu thời với bao kỷ niệm buồn vui, hờn dận. Tôi coi Đức như em vậy.

Nếu không có câu nói độc địa đó, nếu không có cuộc xích mích đó, nếu không có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam giữa hai người anh em! biết đâu, giờ đây nhà ông Liện không chỉ có một tiến sỹ, mà là hai. Hoa Thành sẽ có thêm một tiến sỹ và điều quan trọng hơn tôi vẫn còn một người bạn từ thuở hàn vi./.

 

Phan Thế Hải
Số lần đọc: 1895
Ngày đăng: 20.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạn học lớp hai - Đỗ Ngọc Thạch
Giấc mơ - Phùng Văn Khai
7 ngày trên sa mạc - Di Li
Bươm bướm ơi, mi đã từng yêu…? - Đỗ Mai Quyên
Tuy Hòa, mùa gió nồm … - Mang Viên Long
Hắn và những chuyện linh tinh của đàn ông - Trần Quang Vinh
Ranh giới mong manh - Trần Quang Lộc
Cá Lóc nướng trui - Phùng Phương Quý
Bên kia sông - Phùng Văn Khai
Một ngày và một đời - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Chuyện Quê tôi (truyện ngắn)
Củ khoai Hồng Lục (truyện ngắn)
6- Hồng Quang1 (truyện ngắn)
16- Phan Sỹ Minh 2 (truyện ngắn)