Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.084
 
Tương tác trên net
Đỗ Ngọc Thạch

(Tác giả đối thoại với Bạn đọc về Truyện ngắn)

 

Bạn đọc: Tôi là “Cư dân Mạng” đã 9 năm nay, tôi đọc trên nhiều lĩnh vực nhưng khu vực văn học, nghệ thuật tôi quan tâm nhiều hơn. Hình như ông mới “Vô Mạng” vào những ngày trước Tết năm con Trâu ?

 

Đ.N.T: Đúng vậy. Tôi làm quen với  Internet hơi muộn và cho đến nay vẫn còn nhiều thao tác trên Mạng chưa biết, chưa thành thục, máy móc có vấn đề là phải kêu thợ! Và có lẽ gần giống như bạn, tôi “Lướt Mạng” khắp nơi, khắp chốn và dừng lại lâu ở khu vực văn học, nghệ thuật!

 

Bạn đọc: Tuy là cư dân Mạng mới được hơn 8 tháng, nhưng ông đã xuất hiện trên nhiều  trang Web với nhiều thể loại. Có phải ông nhờ có Mạng mà lao vào nghiệp viết văn?

 

Đ.N.T: Trước khi in trên “Báo Mạng”, tôi đã hành nghề “Viết lách” trên báo giấy và làm việc ở những cơ quan chuyên ngành về văn học, nghệ thuật. Từ năm l988, tôi đã bỏ nhiệm sở  và lăn vào cuộc sống – xã hội Kiếm sống theo đúng nghĩa đen. Vào Sài Gòn, tôi gặp một số bạn học cũ giúp tôi làm việc ở các cơ quan báo chí,vì thế lại trở về với công việc viết văn! Thế mới biết, chữ Nghiệp ấy thật đáng sợ, nó như cái ách đeo lên cổ con trâu, muốn thoát mà không được!...

 

Những gì tôi đã gửi đăng trên các Trang Web là những cái đã in trên báo giấy trước đây, có sửa chữa ít hoặc nhiều và những cái mới viết từ năm 2005 đến nay. Nếu nhìn tổng thể thì tôi chỉ nhờ Internet công bố một nửa tác phẩm của mình. Nói cụ thể như với Thể loại Truyện ngắn, đến nay tôi đã đăng 52 truyện ngắn trên các trang Web chuyên về văn học, nghệ thuật (như  phongdiep.net, trieuxuan.info, vanvn.net, vanchuongviet.org, newvietart.com…) thì 26 cái truyện ngắn đã in rải rác trên báo trước đó và gom lại in trong tập “Quà tặng tuổi hai mươi” (NXB. Công An ND, năm 2005), còn 26 cái là mới viết từ năm 2005 đến nay…

 

Bạn đọc: Ông vừa nói tới thể loại Truyện ngắn. Có phải đó là thể loại mà ông lựa chọn để đầu tư nhiều nhất?

 

Đ.N.T: Khi còn là anh sinh viên Văn khoa nhiều mơ mộng thì tôi làm thơ, có thơ đăng báo từ năm thứ Nhất hồi đó là oai lắm! Ra trường, khi làm công tác nghiên cứu (ở Viện Văn học và Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật) thì tôi viết phê bình, nghiên cứu, đến khi  “phiêu bạt giang hồ” (từ1988) thì tôi mới viết truyện ngắn nhiều hơn hai thể loại kia. Nói vậy để thấy rằng hoàn cảnh sống đã chọn cho tôi thể loại.  Hoặc nói cách khác, tôi không thể tự chọn thể loại mà thể loại nó đã chọn tôi!...

 

Bạn đọc: Như vậy thì tôi có thể hiểu tại sao truyện của ông đều có hoàn cảnh khá nghiệt ngã và tính cách các nhân vật của ông thì rất mạnh mẽ, quyết liệt. Có phải vì chúng được viết ra khi ông gian nan, cực khổ nhất?

 

Đ.N.T: Đúng vậy. Dân Khu 4 có câu rất hay: “Lời nói đọi máu”, đọi là chén, bát . Tuổi thanh niên tôi ở trong quân ngũ 4 năm thì 3 năm ở khắp Khu Bốn, tôi thấy câu thành ngữ ấy là từ cuộc sống của người dân Khu 4 sinh ra, chắc nó đã “mang nặng đẻ đau”  không chỉ 9 tháng 10 ngày. Tôi muốn mượn cách nói đó của người Khu 4  để nói về truyện ngắn của mình: “Truyện ngắn thấm máu”!

 

Bạn đọc: Như thế tức ông rất tâm huyết với Truyện ngắn của mình. Vậy ông có thể nói khi đọc truyện ngắn của ông, người ta sẽ chú ý đến điều gì trước nhất và nhiều nhất: tưởng chủ đạo hay nghệ thuật viết truyện?

 

Đ.N.T : Ý đồ tư tưởng bao giờ cũng là khởi điểm, nó kéo nhà văn đến bàn viết và khi đặt tay lên bàn phím (máy chữ hoặc vi tính) thì nó sẽ dẫn dắt nhà văn đi từ câu mở đầu đến câu kết thúc!

 

Bạn đọc: Ông nói vậy có nghĩa là tư tưởng của tác phẩm quyết định và chọn lựa cách thức thể hiện?

 

Đ.N.T : Đúng vậy! Một tư tưởng lớn tự nó sẽ tìm được một kết cấu nghệ thuật hoàn hảo, giống như một hiệp sĩ sẽ phải tìm cho mình một bộ giáp trụ giáo đâm không thủng, một thanh gươm chém sắt như chém bùn và một con thiên lý mã! Còn một ả gái điếm chỉ cần một mảnh bikini là đủ “chiến đấu tới cùng”! Đó chính là điều lý luận văn học gọi là sự kết hợp hữu cơ giữa nội dung và hình thức!

 

Bạn đọc: Ông nói vậy thì tôi có thể hiểu là: chỉ cần có ý đồ tư tưởng lớn lao, cao sâu là có thể viết truyện ngắn thoải mái! Thế thì những nhà triết học, nhà sử học, nhà chính trị hoặc cả những nhà khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý học,Hóa học, Sinh học… đều có thể trở thành nhà văn?

 

Đ.N.T : Đúng vậy! Trước đây và nay cũng thế, tồn tại một quan niệm sai lầm rằng chuyện văn chương là của nhà văn, người khác “xía vô” thì bị gọi là ngoại đạo, rằng ai muốn viết văn phải qua trường Viết Văn! Song, đây là một vấn đề “dài dòng” sẽ trở lại vào một dịp khác. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến ý tưởng: Khi tác giả có tư tưởng lớn thì mọi thành phần của một kết cấu nghệ thuật sẽ được huy động để tạo nên một hình thức tương xứng với tư tưởng đó! Chẳng hạn khi anh định lắp ráp một tên lửa đẩy vệ tinh thì những kỹ thuật viên sẽ đưa tới những linh kiện tương ứng, còn nếu định lắp một cái xe đạp thì sẽ đem tới những phụ tùng xe đạp!... Còn huy động như thế nào thì đó là cả một quá trình của điển hình hóa: chỉ những ai được Nàng Thơ ban cho sự nhạy cảm đặc biệt trước cuộc sống mới có thể chuyển hóa tư tưởng lớn lao đó thành tác phẩm. Sự nhạy cảm đặc biệt này chính là năng lực diễn đạt tư tưởng lớn lao thành tác phẩm. Ở đây có thể nảy sinh một ý tưởng mới: không có một mẫu số chung cho mọi tác phẩm cả về tư tưởng và hình thức nghệ thuật!

 

Nói tới đây là ta đã đi hơi xa nội dung muốn trao đổi hôm nay, không khéo là lạc vào “vườn địa đàng” của Lý luận văn học... Trở lại câu hỏi anh đã nêu ra: tôi chú ý tư tưởng hay nghệ thuật viết truyện?

Như chúng ta thường thấy, người hom hem, ghẻ lở thường muốn che đậy, giấu đi , tất phải mặc quần áo lòe loẹt (đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại), còn người có cơ thể cường tráng, đẹp như người mẫu thì ngược lại! Tôi có thiên hướng làm sao để truyện ngắn của mình như những người mẫu, cuốn hút người đọc bằng vẻ đẹp của nội dung bên trong chứ không bằng kỹ xảo ngôn từ tạo nên vẻ đẹp bên ngoài!

 

Bạn đọc: Nói vậy có nghĩa là ông chỉ cho nhân vật của mình trình diễn bikini?

 

Đ.N.T : Vừa đúng vừa không đúng! Đúng là nhân vật của tôi lấy trình diễn bikini làm sở trường. Không đúng là không chỉ có trình diễn bikini, còn có trình diễn áo dài, trang phục dạ hội và cả y phục nghi lễ trang trọng. Đó là sự đa dạng của sắc thái thẩm mỹ!

 

Bạn đọc: Làm được như vậy không dễ. Ông có tự làm khó cho mình không?

 

Đ.N.T: Nếu muốn tìm sự dễ dãi thì đi viết “Điếu văn”!

 

Bạn đọc: Thực ra là ông đã nói về nghệ thuật viết truyện ngắn rồi đó! Chỉ có điều là ông nói gián cách, hoặc nói nôm na là  “vòng vo Tam quốc”! Tôi bỗng nhớ đến bài viết “Truyện ngắn – đặc trưng thể loại” của ông đã đăng trên trang web vanvn.net và phongdiep.net, bài viết này rất thú vị nhưng hơi dài khiến tôi đọc xong cứ “nhớ nhớ quên quên” không biết ông đã nói gì? Ông có thể nói về một điều quan trọng cần nhớ nhất?

 

Đ.N.T: Bạn không có thói quen ghi chép như thế hệ U60 chúng tôi. Khi đọc một cái gì đó, thấy hay hay thì ghi lại vào Sổ tay những điều tâm đắc! Song quên đi cũng là một cách đọc, chỉ cần bạn nhớ tên bài viết đó và nó có ở đâu là đủ! Nếu cần nói lại điểm nào quan trọng thì tôi thấy vấn đề đặc biệt quan trọng là sự tác động qua lại giữa các thể loại, đó là trong Truyện ngắn có cả đặc trưng thể loại của Thơ và Tiểu thuyết.

 

Bạn đọc: Có phải ông muốn nói Truyện ngắn, Thơ và Tiểu thuyết luôn tác động qua lại và xâm nhập lẫn nhau, hòa vào nhau? Và liệu điều đó có xóa đi ranh giới giữa các thể loại?

 

Đ.N.T: Bạn đã nói gần đúng điều tôi định nói rồi đó. Truyện ngắn có kết cấu độc đáo và tạo cảm xúc mạnh có thể nói đó là một Bài thơ văn xuôi. Còn Truyện ngắn có chứa đựng một dung lượng hiện thực lớn, nhìn vào đó ta thấy được cả quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân vật thì có thể nói đó là một cuốn Tiểu thuyết. Vì thế Truyện ngắn còn có tên gọi là Đoản thiên Tiểu thuyết. Cả hai kiểu kết cấu Truyện ngắn này đều đẹp, đều chứng tỏ khả năng vô hạn của thể loại Truyện ngắn, trong đó có nhiều điều bí ẩn mà không phải ai cũng khám phá hết. Còn một kiểu kết cấu Truyện ngắn nữa giống như một vở Kịch nói. Kiểu kết cấu này rất khó bởi Kịch nói là thể loại văn học khó nhất, Đại văn hào M. Gorki đã nói vậy! Truyện ngắn cũng khó không kém, như thế người viết đứng trước cái khó nhân đôi! Loại kết cấu này ít thấy! Song, tôi nghĩ tương lai nó sẽ bứt phá ngoạn mục bởi nhịp sống hiện đại nhanh mạnh, gấp gáp nên con người hiện đại thích đối thoại hơn là bay bổng suy tư trong cảm xúc trữ tình của Thơ hoặc miên man theo dòng chảy vô tận của cuộc đời trong khối lượng khổng lồ các nhân vật, sự kiện   Tiểu thuyết!...

 

Bạn đọc: Tôi muốn ông nói về một vấn đề rất thời sự mà cũng rất muôn thuở của văn học, đó là Đề tài. Thông thường, tôi thấy mỗi nhà văn chuyên viết về một đề tài nào đó. Chẳng hạn như mấy nhà văn miệt vườn Miền Nam chuyên về người nông dân ĐBSCL, mấy nhà văn quân đội chuyên về người lính, mấy nhà văn vùng cao chuyên về người dân tộc, các nhà văn vùng mỏ chuyên về người công nhân, còn mấy nhà văn “cậu ấm, cô chiêu” thì chuyên về sex,  kinh dị, ma quái, v.v… Còn ông, tôi thấy có nhiều vùng đất, từ Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển với nhiều loại người, nhiều đẳng cấp khác nhau, có cả người lính, người nông dân, lại có cả tướng lãnh, quan chức, đại gia, đẹp như người mẫu, dị dạng như nạn nhân chất độc màu da cam,v.v.. nói chung là không chuyên về đề tài nào, không tập trung vào loại người nào cả? Vì sao vậy?

 

Đ.N.T: Về vấn đề này, tôi đã nói tương đối rõ trong bài tiểu luận “Suy nghĩ về đề tài trong sáng tác văn học”. Nay có thể nhắc lại luận điểm bao trùm là: tôi viết với đề tài duy nhất là chống cái Xấu, cái Ác, ca ngợi cái Thiện, cái Đẹp! Còn nhân vật của tôi là thuộc loại người nào thì đó là do ngẫu nhiên tôi bắt gặp khi quan sát cuộc sống, họ đi vào tác phẩm của tôi dường như là duyên nợ từ tiền kiếp!

 

Bạn đọc: Một câu hỏi nữa: truyện của ông thường có nhiều yếu tố ngẫu nhiên và dị biệt .Vậy nó có làm giảm đi tính chân thực của tác phẩm không?

 

Đ.N.T: Ngẫu nhiênDị biệt cũng là cuộc đời, cũng là một hiện thực có tính đặc thù. Sao ta lại e ngại khi dùng nó? Vấn đề là đặt nó ở đâu cho đắc địa? Đó là cả một bí ẩn lớn của nghệ thuật viết Truyện ngắn. Tôi thích câu được ghi trong sổ tay từ lâu, mờ mất tên tác giả: Thiên cổ do truyền kỳ tuyệt sự!...

 

 

*

 

 

Bạn đọc: Tôi là “Cư dân Mạng” đã gần chục năm nay, tôi đặc biệt chú ý đến các Trang Web về văn học, nghệ thuật, nhất là phần Lý luận, Phê bình. Có vẻ như khu vực này “lắm chuyện” hơn cả! Ông thấy thế nào?

 

Đ.N.T: Vừa đúng vừa không đúng!

 

Bạn đọc: Sao ông hay “nói nước đôi” thế? Đen là đen, trắng là trắng chứ chẳng lẽ lại vừa đen vừa trắng?

 

Đ.N.T: Lần này thì bạn nói đúng rồi đấy! Tôi diễn đạt rõ hơn ý bạn nhé: đó là tình trạng trắng đen lẫn lộn, đúng sai đan cài, thật giả nháo nhào… không biết đâu mà lần! Hoặc nói theo cách nói dân gian là “Thiên lý vạn lý”, “U u minh minh”,v.v…

 

Bạn đọc: Ông có thể nói một cách ngắn gọn ta nên hiểu PBVH như thế nào cho đúng?

 

Đ.N.T: Có một cách hiểu PBVH khá phổ biến lâu nay là người ta bám ngay vào cụm từ “Phê bình văn học” rồi giải thích nghĩa của từ. Chẳng hạn như cách phân tích như sau:


    “ Xét về ngôn ngữ thì trong cụm từ này chữ phê đặt trước chữ bình đặt sau. Đó là hai mặt thống nhất của một hiện tượng văn học nghệ thuật nằm trong văn chương. Nhưng chữ phê trong cụm từ phê bình văn học ở đây không hẳn là phê phán mà theo chúng tôi chỉ có nghĩa là lời nhận xét, ở Việt Nam ngày xưa chuyện thi cử là thi văn chương thơ phú, bởi vậy khi học cũng như khi chấm thi người ta thường phê văn, đó là lời nhận xét đánh giá một bài văn hoặc bài thơ. Đã là lời nhận xét thì nó có thể tốt mà cũng có thể xấu, có thể hay mà cũng có thể dở, lời phê có thể khách quan, có thể chủ quan, có thể có căn cứ mà cũng có thể cảm tính… Tất nhiên lời phê trong phê bình văn học có sự khuôn thước nghiêm túc hơn, nó có giá trị hơn, nó là phần không thể thiếu của cuộc sống văn chương nghệ thuật. Còn nếu ai đó nói trong phê bình văn học có cái việc tìm tòi và phát hiện cái xấu trong văn chương dù với mục tiêu nào đi nữa thì điều đó xét trên phương diện khách quan cũng đã đi ra ngoài phạm trù phê bình văn học vì bản chất chung của văn học trong đó có phê bình văn học là sáng tạo và phát hiện ra cái hay cái đẹp. Việc làm cho cái xấu nổi bật trong văn chương về bản chất là đi ngược lại mục tiêu chung của văn học nghệ thuật. Phê bình văn học cũng có thể là phê phán, nhưng nó phải nằm trong môi trường cái đẹp, của văn hoá nói chung và văn chương nói riêng, phải nằm trong không gian chân thiện mỹ vốn là hồn cốt của mọi loại hình nghệ thuật trong đó có văn chương.

       

Mặt thứ hai của cụm từ phê bình văn học là từ bình, tôi cam đoan với bạn rằng dù có lật giở hết các trang từ điển ở Việt Nam cũng như thế giới, bạn cũng chẳng tìm ra được cụm từ “bình cái xấu” hoặc “bình cái dở” cả, bởi không ai làm việc đó trong văn chương nghệ thuật. Nhiệm vụ chủ yếu của từ bình là phải làm cách nào đó để cái hay, cái đẹp, cái hoàn mỹ của văn chương nghệ thuật hiện hình ra trước mọi người. Đó là công việc hoàn toàn không dễ dàng trong phê bình văn học. Như vậy, cái điểm mang tính nhãn tự của cụm từ phê bình văn học là ở từ bình.”

 

Bạn đọc : Cách phân tích như  thế có từ rất lâu, người ta gọi là Triết tự. Ông có thể nói vì sao phương pháp Triết tự này lại khá phổ biến và nhiều khi trở thành phương pháp chủ đạo?

 

Đ.N.T: Phương pháp Triết tự  dễ thuyết phục người nghe vì nó “trực quan sinh động”, thích hợp với những người thích kiểu “mắt thấy tai nghe”. Nếu người phân tích có “năng khiếu sư phạm” thì sau khi phân tích hai chữ Phê và chữ Bình, người nghe sẽ hoàn toàn thỏa mãn và nhớ những điều đã được nghe suốt đời, trở thành quan niệm bền vững. Cách Triết tự này, như thế có thể nói nó dễ thuyết phục người nghe, giống như thể Lục bát dễ đi vào lòng người, có tính phổ cập. Song Thơ Lục bát cũng dễ bộc lộ rất nhiều nhược điểm nếu như người sử dụng nó không cao tay. Cũng như vậy, phương pháp Triết tự  chỉ có thể dẫn đến kết quả tốt khi các từ tạo nên thuật ngữ (cụm từ) mà ta cần tìm hiểu chứa đựng hết nội dung mà cụm từ đó biểu đạt và người dùng cách Triết tự phải có kiến văn sâu rộng. Còn nếu cụm từ mà ta cần tìm hiểu là loại từ đa nghĩa hoặc là từ  đa nghĩa do lai ghép, vay mượn giữa các loại ngôn ngữ  và kiến văn của người phân tích bằng phương pháp Triết tự lại hạn hẹp hoặc phiến diện thì sẽ không bao giờ dẫn đến kết quả đúng đắn!

 

Bạn đọc: Ông không giải thích thuật ngữ “Phê bình văn học” bằng cách triết tự, vậy ông có thể nói cách của mình một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất được không?

 

Đ.N.T: Tất nhiên là tôi không thể từ chối. Về vấn đề này, tôi đã trình bày khá ngắn gọn trong bài viết MỘT CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CỦA VĂN HÓA (Phê bình văn học – Vị trí và chức năng trong nền văn hóa nghệ thuật) trên báo Văn Nghệ, số 15, ngày 11-4-2009 và trên phongdiep.net,  trieuxuan.info. Cách làm của tôi là quan sát bộ môn Phê bình văn học một cách toàn diện trong cơ chế vận hành của một quá trình hoạt động nghệ thuật gồm ba bộ phận: sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuậtcảm thụ nghệ thuật – ba hệ thống phụ của cấu trúc một quá trình hoạt động nghệ thuật – đều có những cơ sở nảy sinh, những nhu cầu tất yếu của sự có mặt của bộ môn Phê bình nghệ thuật. Bộ môn Phê bình nghệ thuật nảy sinh từ trong quá trình vận hành của ba hệ thống phụ đó và ngay lập tức quay trở lại tác động vào quá trình vận hành ấy. Như vậy có thể nói: Phê bình nghệ thuật là hệ thống phụ thứ tư của hệ thống văn hóa nghệ thuật – một thể thống nhất khép kín.

 

Bạn đọc: Như vậy Phê bình văn học là một hoạt động nằm trong cơ chế vận hành của nền văn hóa nghệ thuật, nó là một cơ chế đặc thù của văn hóa nghệ thuật. Tôi hiểu như thế có đúng không?

 

Đ.N.T:  Không thể đúng hơn! Có một vấn đề mà trong bài báo trên tôi chỉ nói lướt qua, đó là : Phê bình văn học là Khoa học hay là Nghệ thuật?

Tôi xin nói ngay: cách hiểu mà bạn vừa nói thì Phê bình văn học là Nghệ thuật, nhà Phê bình là Nghệ sĩ. Tức là: PBVH là đối tượng quan sát, nghiên cứu của các bộ môn khoa học về văn học, nhà Phê Bình VH là đối tượng để các nhà khoa học về văn học phân tích, mổ xẻ. Sản phẩm của nhà PBVH là Tác phẩm văn học chứ không phải là một công trình khoa học nghiên cứu về văn học. Chẳng hạn như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh là một tác phẩm văn học – một kiệt tác. Chính vì thế mà giáo sư Đỗ Đức Hiểu trong cuốn Đổi mới phê bình văn học, khi viết về Thi nhân Việt Nam đã có một kết luận rất hay, rất chính xác rằng : Thi nhân Việt Nam là một siêu văn bản của Thơ Mới.

 

Bạn đọc: Tôi đã hiểu ý ông nói. Song ông có thể nói thêm về chuyện tại sao cho đến nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng Phê bình văn học vừa là Khoa học về văn học vừa là nghệ thuật văn chương, nhà Phê bình vừa là nghệ sĩ vừa là nhà Khoa học?

Đ.N.T:  Tại sao người ta lẫn lộn hai nhiệm vụ của Phê bình VH và Nghiên cứu VH? Vấn đề này tôi trình bày khá rõ trong bài báo nói trên, chỉ xin nêu lại hai ý cơ bản là: Nhà PBVH bộc lộ năng lực cảm thụ tác phẩm thông qua cảm xúc thẩm mỹ cá nhân của mình là chính để phát hiện, tìm ra các cấp độ giá trị của bản sắc thẩm mỹ của tác phẩm (nói nôm na là xác định giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thông qua xúc cảm thẩm mỹ của cá nhân), chứ không nhìn tác phẩm như một đối tượng nghiên cứu cần phân tích bằng các công cụ của khoa học về văn học của nhà nghiên cứu để xác định phẩm chất của các giá trị cùng những qui luật vận động của tác phẩm trong tiến trình lịch sử văn học. Còn việc nhà PBVH có thể hiện tính khoa học trong tác phẩm PBVH của mình thì cũng như nhà khoa học về văn học cũng thường thể hiện tính nghệ sĩ trong công trình nghiên cứu khoa học của mình về văn học. Không ai cấm nhà PBVH sử dụng các công cụ của khoa học nghiên cứu văn học trong hoạt động PBVH cũng như không ai có thể ngăn cản nhà khoa học về văn học nói những  “lời có cánh” trong các công trình nghiên cứu khá nặng nề và lạnh lùng! Ta có thể thấy các chương đoạn của Thi nhân Việt Nam được “Kết nối” chặt chẽ bởi những “đường truyền” khoa học hợp cách của lối tư duy khoa học khách quan thì cũng thấy cảm xúc lúc bay bổng khi lắng sâu của một tâm hồn đa cảm, của một trái tim ưu thời mẫn thế trong các công trình nghiên cứu văn học công phu, đồ sộ của những nhà nghiên cứu văn học mở đầu của khoa học nghiên cứu văn học Việt Nam như Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan!

Song, dứt khoát không thể nói Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh là một công trình nghiên cứu khoa học vể Thơ Mới, cũng như thế không thể gọi những công trình nghiên cứu văn học của Dương Quảng Hàm và của Vũ Ngọc Phan là những Tác phẩm văn học!

 

Bạn đọc: Ông có thể nói đôi điều về tình hình Phê bình văn học hiện nay?

 

Đ.N.T: Đây là một vấn đề rất thú vị song cũng rất phức tạp. Thú vị vì cho đến nay mà nói, chưa ai có thể nói là đã nói đúng và nói hay về Phê bình văn học. Người ta chê bai, hạ thấp PBVH đủ điều, song đó đều là kiểu nói của người “vụng tay khéo mắt”! Và thực tế là càng chê bai, hạ thấp thì số người tham dự vào hoạt động PBVH càng gia tăng. Bằng chứng là các nhà thơ mà “bí vần” thì nhảy sang đất PBVH là nhanh nhất. Đối với nhà văn cũng vậy. “Đất” dành cho PBVH trên các báo (cả giấy và “Mạng”) đã được nới rộng. Nhà Phê bình VH không thể kêu ca rằng không có “Đất dụng võ” và có thể nói đã có không ít những bài PBVH có giọng điệu mới, màu sắc mới! Nói chung, chúng ta có thể hy vọng vào một vận hội mới của PBVH trong tương lai gần!

Song, PBVH là một khu vực khá phức tạp, nếu nhiều người đã nói văn học vừa qua và hiện nay như một cái “Chợ Giời” thì có thể nói riêng đối với PBVH rằng nó là một “Siêu Chợ Giời”! Nói nó là “Siêu Chợ Giời” bởi nó “Loạn chuẩn” và “Không chuyên nghiệp”! Hai điều này luôn song hành bởi rất dễ để thấy rằng “Loạn chuẩn” vì nó “Không chuyên nghiệp” và cũng có thể dễ thấy rằng  “Không chuyên nghiệp” tất dẫn đến  “Loạn chuẩn”! Để giải quyết hai vấn đề muôn thuở này, phải có những Tài năng lớnVận hội mới!

 

Bạn đọc: Tôi  luôn nghĩ rằng văn học nói riêng và văn hóa, nghệ thuật nói chung, đều do con người tạo ra, vì thế cần phải tác động mạnh vào tiến trình vận động và phát triển của nó. Và chúng ta đã làm nhiều, song hiệu quả thì còn rất khiêm tốn…Cần phải đổi mới từ trong cốt lõi, tôi nhớ nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả của tiểu thuyết độc đáo “Mảnh đất lắm người nhiều ma”,  nói như thế từ khá lâu! Và tôi cứ nghĩ hoài về câu nói đó: Đổi mới từ trong cốt lõi, có phải  chăng là chúng ta phải thiết kế lại một “Ngôi nhà văn học” mới khả dĩ qui tụ được nhiều tài năng văn học. Ông thấy thế nào?

 

Đ.N.T: Ý bạn là  cần đổi mới chính tổ chức Hội Nhà Văn VN, từ trong cốt lõi và thật quyết liệt? Điều này không phải bây giờ tôi mới nghe bạn nói. Song ai sẽ làm chuyện này và làm như thế nào thì quả là những Bài Toán không bao giờ tìm ra cách giải!

 

Bạn đọc: Nếu vậy thì Bạn đọc chúng tôi đành phải chờ đợi…

 

Đ.N.T: Thời gian sẽ cho chúng ta lời đáp sau khi lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ quý giá!...

 

Sài Gòn, Tháng 9-2009

 

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3680
Ngày đăng: 29.09.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở về cội nguồn minh triết Việt - Hà văn Thùy
Tranh Luận với Francois Jullien - Hà văn Thùy
Ðại cương Nho giáo -1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -3 - Nguyễn Ước
Ðại cương Nho giáo -4 - Nguyễn Ước
Vì sao loài người làm thơ? - Triệu Từ Truyền
Ðại cương Ðại thừa -1 - Nguyễn Ước
Ðại cương Ðại thừa -2 - Nguyễn Ước
Ðại cương Ðại thừa -3 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)