Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.489
 
Nơi còn xót lại những cây su già
Nguyễn Thanh

Lần thứ năm, mất ba hôm ở Lâm trường 184, Hảo mới có dịp tháp tùng theo ba bốn nhân viên Lâm trường, trong đó có Đạt, ngồi võ lãi vào xóm Cây Su nhận đất rừng đang được khai thác để nuôi tôm. Mãi đến lúc trời chập choạng tối mới tới lượt anh lính phục viên nhận đất. Hảo có cảm giác vừa mừng vừa lo khi kéo một đầu dây từ cuồng dây trên tay anh Đạt chuyên chỉ đạo trồng rừng đứng trơ trơ như một chiếc bóng nhìn Hảo. Hai người chỉ căng kéo được một đoạn dây đo đạc xong chiều ngang nằm ven rạch Cây Su thì trời sẩm nặng. Còn chiều dài, mặt hậu của vuông tôm, đành chịu, phải chờ dịp khác.

 

Đập vào tai Hảo tiếng chim gõ kiếng nghe khắc khoải, bồn chồn làm sao ! Hảo ngơ ngác nhìn quanh. Trước mắt anh hiện ra những lùm dây leo, trảng nước lờ mờ, và xa hơn, đàn chim nhao nhác bay về phía chân trời in những vệt đen thẫm, lừng lững.

 

Thế là kết thúc một chặng chạy vạy, ngượng ngập ăn chực cơm Lâm trường 184, cầm lá đơn lên lên xuống xuống Lâm trường ... Hảo mừng thấp thỏm. Nhưng Hảo phải quay về chợ kịp chuyến đò chạy theo nước lớn giữa đêm. Anh phải về vì còn xếp cho thằng cháu gọi anh bằng cậu - thằng Cảnh - xuống Cây Su kịp lúc. Nhân tiện, Hảo báo tin mừng cho Bích và cô Quyên. Nhân tiện, Hảo sẽ kéo Bích đi chuyến đầu tiên tới tận nơi ăn chốn ở lâu dài của cậu cháu anh.

 

Mới mờ trời, Hảo tới nhà Bích trong lúc cô Quyên chưa thức, chỉ một mình Bích nghe tiếng Hảo vội vàng ra mở cửa.

 

- Cầm chắc trong tay rồi nghe Bích. Được rồi. Miếng vuông ! - Hảo xăng xốm khác thường.

 

Bích cười một tiếng nhỏ rồi tự nhiên kéo Hảo lên gác xép. Vẫn một thân hình tròn lẵn, với chiếc quần ngắn bó mông phơi đôi chân trần trắng lồ lộ. Bích bấu xiết vai Hảo bước lên thang gác.

 

Chiếc thang ván yếu ớt chuyển động, và sàn ván bắt đầu khẽ run lên chập lâu ... Xong xuôi một việc thường tình của đôi tình nhân, Bích ra vẻ lo lắng cho Hảo.

 

- Anh về sớm quá, mà mặt mày anh đen thui đen thít kia. Anh đi tắm đi - Giọng Bích buồn buồn, từ tốn.

 

Hảo nghe nhưng cứ nằm thiêm thiếp vì phải thức suốt đêm qua trên chiếc đò chở đầy ắp tôm đông lạnh. Hảo không quen đi lại kiểu nầy. Và hơn một năm qua chân ướt chân ráo sống ở một thị xã xa lạ, ngoài công việc hành chính cho Vĩnh, Hảo luôn bị xáo trộn, vật vã.

 

Gốc gác Hảo người Sài Gòn. Sau giải phóng vài năm, Hảo cùng tốp bạn dưới dạ cầu Chữ Y đi làm nghĩa vụ quân sự tận biên giới Việt Nam - Campuchia trên đất Trà Phô, Hà Tiên. Mãn hạn, Hảo tình nguyện phục vụ trong quân đội với thời gian khá lâu, và khi về Sài Gòn Hảo lập tức vớ lấy một nghề tạm bợ mà cha anh đã tần tảo, đeo đuổi gần hết một đời người. Đó là nghề rang cà-phê bỏ mối. Cháu Hảo - thằng Cảnh - không chịu ở nhà với cha mẹ bên Phú Nhuận sang cầu Chữ Y sống với cậu và ông bà ngoại. Không rang cà-phê bỏ mối như cậu, Cảnh thuê xích-lô tự kiếm sống.

 

Rồi không lâu, nhân vài chuyến Vĩnh lên Sài Gòn chỉnh trang âm thanh, ánh sáng cho Đoàn ca múa kịch do Vĩnh làm trưởng đoàn, Vĩnh mang cả cậu lẫn cháu Hảo về Cà Mau.

 

Thằng Cảnh thích đi xa, nghe được đi xa liền mừng cuống lên trong khi chưa biết làm hậu  đài cho Vĩnh là làm những việc gì ? Hảo tỉnh táo hơn cháu, nhưng thực ra anh chưa hình dung hết công việc hành chính, tổ chức của một Đoàn văn công. Trước hết Hảo thích Vĩnh đàn ghi-ta nghe bùi tai, tính tình rời rộng, tử tế từ lúc Vĩnh sang Đoàn ca múa kịch phục vụ bộ đội biên giới gặp Hảo.

 

Hảo cả tin ...

 

- Dậy đi anh Hải, tắm rửa xong hãy ngủ. Em còn phải chuẩn bị đi làm. Dậy đi - Giọng Bích trở nên van vỉ.

 

Hảo choàng dậy ... Chưa kịp tắm rửa, Hảo liền báo tin nóng hổi ở Cây Su với cô Quyên.

 

Cô Quyên chưa dịch khỏi tấm nệm trải giường, thân hình càng nặng nề hơn so với mấy tháng trước Hảo thường lui tới nơi nầy.

 

- Vậy là con Bích được nhờ, còn cháu sắp thành một ông chủ - Cô Quyên nói sau khi đưa một ngón tay làm dấu thánh giá.

 

Hảo cười :

 

- Chưa biết có tôm cá gì không, cháu thích làm ông chủ rừng ...

 

Cô Quyên mau mắn :

 

- Rừng của ông Hảo ! Nghe hay hay ...

 

Hảo gật đầu, lý giải :

 

- Sau nầy có người qua ngang xóm Cây Su sẽ nhắc tên cháu ..

 

Cô Quyên :

 

- Sẽ nhắc chỗ nầy là rừng ông Hảo !

 

Hảo cười mãn nguyện.

 

Day sang Bích, Hảo tự nhiên :

 

- Vậy là sửa soạn đi một chuyến cho biết, nghe Bích.

 

Hảo chưa dứt, Bích so nhẹ đôi vai :

 

- Lạy chúa ! Khoan đã ...

 

Bích tiếp :

 

- Mà đi tham quan hay sau đó ở lại dưới rừng luôn vậy anh ?

 

Dáng cao lêu khêu của Hảo chập chờn trên vách tường. Người Hảo run lên. Tính nóng nảy, vội vã của Hảo khiến Hảo tay xách tay gói lui ra tới cửa. Cô Quyên thương Hảo, vừa lò dò đi từng bước vừa gọi Hảo giật giọng. Bích lộ vẻ sợ hãi cố cầm giữ Hảo ở lại, nhưng cả hai, không ngăn được Hảo.

 

Ra khỏi nhà, Hảo đi miết về chỗ anh Vĩnh và thằng cháu ...

 

Xóm Cây Su chạy ngoằn ngoèo theo hai bờ rạch tối mờ mờ bởi bóng cây. Nhằm nơi hội tụ phù sa của con sông lớn Tam Giang, đất nổi gò, ít trảng nước sóng sánh, duy nhất một con lung Trời Sanh chạy vắt ngang mặt hậu, dài từ đầu chí cuối xóm. Người ta quen gọi xóm Cây Su vì giữa rừng đước rừng mắm âm u còn sót lại mấy chục cây su đứng trơ trụi, thân sần sùi, già cỗi, lụ khụ. Tán su xòe rộng, xanh rì mùa nắng khô khốc giữa rừng và báo hiệu chính xác những đám mưa đầu mùa đổ ập xuống rừng bằng toàn bộ những chiếc lá cùng lúc vàng rực, lả tả rơi dần đến chiếc cuối cùng, và trên thân su trơ trụi, khẳng khiu, đong đưa những trái tròn xám mốc giông giống trái cám. Vỏn vẹn mười túp chòi mới dựng của mười hộ từ các nơi khác về Cây Su xin đất khai vuông. Xóm mới. Mọi việc khai thác con tôm chỉ bước khởi đầu nên đời sống nhiều mặt của mười hộ xóm Cây Su so với Làng Thương Binh của Lâm trường, so với Lung Ngang, Cây Vông, Cái Cấm ... Cây Su còn lẽo đẽo dưới nấc thang cuối cùng.

 

Trở lại xóm Cây Su lần thứ hai, qua anh Vĩnh cùng quê Bờ Đập với Tráng nên hai cậu cháu Hảo tạm ở đậu chòi anh Tráng. Dưới bến anh Tráng là lều của Tài Lợi từ Quản Phú mới chuyển xuống Cây Su.

 

So với Tài Lợi bô lô ba la, Tráng lầm lì, im ỉm. Nhưng khi rượu vào, Tráng nói vanh vách và thường xin được ca đâm hơi. Tráng chì hơn Tài Lợi, nổi tiếng bao chiếm đất rừng trái phép. Tráng mang tiếng là vì anh chịu khổ chịu cực sống hẩm hiu như con chù ụ bám gốc su để phạt cây đước cây mắm. Và từ những gốc su trên lung Trời Sanh, nghĩa là từ sau hậu đất, Tráng long kinh mương trổ dần ra mé rạch. Mỗi lần tốp Lâm trường anh Đạt khai đập, khi qua khỏi, Tráng từ gốc su như con chù ụ rời hang mon men ra đắp lại ...

 

Cho đến nay, mọi việc đã an bài : Tráng được làm chủ quyền năm héc-ta đất bao chiếm, phần vôi ra, Lâm trường cắt chia cho hai người không có đất sản xuất ; một phần dành cho Tài Lợi sống lênh đênh trên chiếc xuồng be mười, một cho chị Hai Dành ở xóm Cây Mắm chuyên làm thuê dọn luồng dỡ đất.

 

Tráng yên tâm, tốt bụng. Anh sẵn sàng chỉ dẫn mọi việc khai thác vuông tôm gần như bắt buộc cậu cháu Hảo phải làm theo ý anh. Còn Hai Dành thỉnh thoảng lui tới giúp Cảnh gom củi khô, chỉ cách phát hiện mà vọp trên bãi sình, cách bắt chù ụ và giăng cá đối ... Riêng Tài Lợi thường hú từng hồi dài, thậm chí đích thân Tài Lợi lội ra rừng tìm kiếm cậu cháu Hảo mỗi lần qua cơn mưa to hoặc trời sắp tối mà chưa thấy cậu cháu Hảo lội về ...

 

Hảo cảm thấy ấm áp, thích sống trong tình bà con láng giiềng từ buổi đầu tới xóm Cây Su. Nhưng thực ra, Hảo còn xa lạ, bỡ ngỡ với nhiều sinh hoạt ở một nơi xa xôi hẻo lánh nầy. Lạ đến bấm bụng chịu, từ việc lấy muối thay cho nước mắm kho cá, rang con chù ụ mỗi lần nước ròng bỏ bãi ghe hàng chưa kịp vào rạch, đến việc tiểu tiện phải lội khỏi chòi thật xa leo ngồi chễm chệ trên bộ rễ đước, đi tắm phải ngụp lặn hồi lâu dưới nước mặn mới trồi lên bờ xả lại vài lon nước ngọt chở từ trại đáy anh Chín Truyền, chưa kể ngồi nhậu như thể bị tra tấn. Không phải vì ánh đèn dầu tù mù, khói un muỗi làm cay mắt mà chính vì Tráng say xỉn hay xin được hát đâm hơi, hát hoài ; Tài Lợi nói ron nói ren với người đàn bà góa bụa, thậm chí nằm kê đầu lên bắp vế Hai Dành ...

 

Kể ra, Hảo chịu đựng giỏi. Anh cố nén để nhập cuộc. Lo là lo cho Cảnh. Là vì từ chòi anh Tráng ra tới chỗ khai vuông phải qua trên hai mươi cây cầu khỉ lỏng chỏng, một chặng bờ vuông váng phèn nóng rực dưới nắng trưa. Hảo lưu ý nhiều ở chỗ thằng cháu hay uể oải, buồn dào dào sau buổi cắt rừng đốn cây, đặc biệt những buổi sáng vắng cữ cà-phê không pha đường, gương mặt tròn vạnh, non nớt của Cảnh buồn thiu khác thường. Ví như Cảnh bỏ cuộc biến mất về chợ, Hảo rối rấm không lường trước được. Lý do đơn giản vì nhiều việc lớn như trái núi ở đây chỉ còn trong bản vẽ, nếu không có Cảnh ? Bờ bao. Kinh giữa. Kinh xương cá. Cống bộng ... khối việc chưa làm. Vả lại chưa dọn rừng trồng cây để qua năm năm bước sang công đoạn mới : vừa nuôi tôm vừa khai thác rừng như trong bản hợp đồng đã ký với Giám đốc Lâm trường Dũng Liêm.

 

Cảnh hiểu ý cậu, cố gánh hết việc nặng nhọc thay cậu. Đến lượt sắp đắp đập chắn ngang lung Trời Sanh, Cảnh nẩy ra một sáng kiến :

 

- Phải mướn thôi cậu.

 

Hảo do dự :

 

- Để coi, vốn mình ít ỏi quá.

 

Cảnh nằm buồn thiu bên gốc su bỗng lồm cồm ngồi dậy. Giọng Cảnh cay cay khác lạ :

 

- Ít thì chịu ! Không có thì nhờ người khác, nhờ cậu Vĩnh, đừng nhờ vả cô Bích ...

 

Hảo bắt được mạch đứa cháu : Vốn Cảnh không thích Bích ăn mặc xun xoe, sống buông thả không hợp với cậu mình.

 

Hảo xẵng giọng :

 

- Làm gì có chuyện nhờ vả cô Bích ? Không. Một chút vẫn không !

 

Sau một lúc ngồi im thin, Hảo vả lả :

 

- Thôi thì tính thế nầy : Cậu cháu mình đốn cây xốc cừ, việc chở đất đắp đập mướn tốp dân công đang làm cho cậu Tráng. Được không ?

 

Cảnh gật đầu đồng tình.

Hôm sau từ chòi anh Tráng hai cậu cháu Hảo cắt rừng khuân vác về bờ ao hơn trăm cây đước, cây dá lẫn cây vẹt. Phải dùng xuồng chuyển mớ cây qua nhiều chặng kinh cạn sệt nối liền con lung Trời Sanh nước sâu đến ngực chứa vô số cá đối và tôm bạc thẻ. Chạm phải cá đối chạy ngời ngời trên mặt nước, tôm bạc thẻ búng lách chách, Cảnh trầm mình dưới nước chập lâu chưa thấm lạnh. Còn Hảo đứng chông chênh trên xuồng, vừa choãi sào vừa ngửa mặt lên trời cười thích thú.

 

Ba ngày đội nắng chang chang, hai cậu cháu Hảo mới xốc xong hai hàng cừ chứa đất. Tiếp đến là việc của Tráng, Tài Lợi và Hai Dành với tốp dân công chuyển đất. Cậu cháu Hảo day sang công việc tay mặt của chị Hai Dành : Dọn luồng.

 

Lại được thêm nhiều dịp bới tung hang ổ loài chù ụ. Những con chù ụ bò ngang như cua,  ngồi cao dàn hơn ba khía chạy đen trên mặt đất. Chúng trú ngụ trong những bóng râm, ngồi ủ rũ trên những mô đất khi dứt tiếng động, dáng mệt phờ, hờn trách, dửng dưng.

 

Kể ra dọn luồng là việc của đàn bà và trẻ nhỏ nhẹ nhàng gấp nhiều lần so với bứng gốc sau khi đào kinh xong. Không có Cảnh, Hảo vô phương đỡ nổi những bộ rễ cây to tướng.

Những gốc cây ngồi xếp xó giữa lòng kinh đào đen đặc, chơm chởm giống như một đàn chù ụ. Gốc đước xồm xàm nhưng bật lên thật dễ. Gốc mắm xô đến mấy vẫn không lay nổi những thân bánh lái day cứng chắn ngang kinh một cách bướng bỉnh. Không có cách nào khác hơn phải dùng cưa búa bâm rễ mắm ra từng đoạn. Gặp phải gốc su chắn ngang kinh cống, đành chịu, chỉ cách khoanh tay ngồi chờ chiếc xáng của tốp anh Thọ mang cần cẩu đến xúc đổ đi.

Hảo thường đứng ngắm những gốc su được khoác lên bằng những nhánh rễ đỏ au, no bóng, liên tưởng đến đôi bàn tay to bè của chi Hai Dành. Hai Dành đẫy đà sinh lực khiến Tài Lợi dở hơi thua cuộc là phải ! Hảo nghĩ và cười thầm kiểu biện bạch chân chất, mộc mạc của Tài Lợi trước mặt Hai Dành : "Do ăn cực đó thôi !".

 

Chị Hai Dành luôn tính thiệt, còn Tài Lợi không bao giờ nghĩ thế vì nỗi đau ê ẩm sau khi dứt khỏi vợ nhà. Nhưng thường đêm, Tài Lợi ngồi bên một gốc su bị đốt nham nhở, vừa dụng khói un muỗi vừa có sẵn lửa mồi thuốc hút ngồi đợi Hai Dành đi qua. Khi đó, Tráng say xỉn trong chòi, kéo dài giọng ca đâm hơi, còn tốp dân công người thức người ngủ, thậm chí ngồi quay quần bên bếp lửa vừa chơi bài vừa nhấp nháp món rượu trắng làm ồn lên khúc xóm.

Tất cả những cái đó diễn ra từng ngày ở xóm Cây Su nơi giáp trời giáp biển. So với cuộc sống lam lũ, mãnh liệt, với rừng rậm, sông nước chốn nầy, cậu cháu Hảo quá bé nhỏ, khắc khoải chịu đựng ...

 

Nửa năm có hơn, Hảo chưa về chợ, không nhận một tin nhỏ từ thị xã, và cũng không nhận được tin anh Vĩnh. Giữa cánh rừng khô kiệt xa thăm thẳm, Hảo trở nên thui thủi bên cạnh đứa cháu, và cả hai, dường như đã hết chuyện nói với nhau. Hảo muốn quên, đúng hơn, Hảo cố xua đuổi hình ảnh một vòm lá xanh rì trước quán giải khát ngang trụ sở của Vĩnh, nhưng càng cố quên, Hảo càng day dứt với nó. Thậm chí Hảo nhớ thật rõ sau những cơn mưa buổi chiều đổ ập xuống thị xã, vòm lá càng xanh thẫm khiến những bông sứ càng trắng muốt, lung linh chuyển động. Chính ở đấy Hảo quen với Bích.

 

Và từ chỗ có vòm lá sứ, Hảo đường đột tìm đến nhà Bích sau lần gặp gỡ không lâu.

Té ra Bích không nói dối Hảo : chỉ một mình Bích sống với người cô họ - cô Quyên - Cha mẹ và ba bốn người anh em của Bích lần lượt ra nước ngoài trước và sau mùa Xuân năm 1975, Bích sống nhàn, hào phóng, và không ai ngờ rằng cô Quyên có một thời nhan sắc nồng nàn, với một tình yêu nghiệt ngã mà tội lỗi thuộc về chàng trai trẻ phản bội nhưng cô câm lặng không bêu xấu người yêu một lời. Sau đó, cô Quyên dần dần biến thành một chiếc bóng mờ bên cạnh Bích, phụ tiếp với Bích việc cơm nước, giặt giũ, trông chừng ngôi nhà trống vắng và nhiều công việc vặt vãnh khác.

 

Hảo vờ vĩnh đi qua ngang mặt cô Quyên và được Bích đưa ngay lên gác xép. Không mào đầu khúc khuỷu, dài dòng như Hảo tưởng, Bích quyến rũ, dễ dãi khiến anh không khỏi bỡ ngỡ, luống cuống từ buổi đầu. Nhưng mặt khác, Hảo cảm giác sờ sợ, hoang mang trước những cử chỉ dạn dĩ, tự nhiên của Bích. Nhưng dần dần, Hảo yên tâm vì Bích luôn nuông chiều anh, không vòi vĩnh, vụ lợi, trong lúc anh còn là một nhân viên phụ việc hành chính trong cơ quan nhỏ bé.

 

Thấy Hảo thức khuya dậy sớm với Vĩnh, Bích hỏi :

 

- Anh Hảo biết không, đi làm không bao nhiêu tiền nhưng có khối người đi làm ? Tại sao ?

 

- Đơn giản để kiếm sống, chưa kể đến mục tiêu, lý tưởng - Hảo đáp nhanh.

 

Bích lắc đầu. Hảo không bỏ lỡ một dịp tìm hiểu về Bích :

 

- Thế sao Bích lui tới Trạm 6 làm gì ?

 

Bích nhún vai :

 

- Anh muốn em hóa thành một bà già như cô Quyên ? Đi làm để giết chết thời giờ trống trải, vô nghĩa. Đi làm để giao tiếp với xã hội bên ngoài ...

 

Hảo ngồi lặng thinh. Anh nghĩ Bích nói đúng.

Do một quan niệm sống như thế khiến Bích tự nguyện chôn chân mấy năm ở Trạm 6 - một Chi nhánh Công ty liên doanh Tấn Phát tranh thu mua, vận chuyển về Sài Gòn vài mặt hàng đặc sản. Hảo chưa một lần ghé qua chỗ Bích làm. Ngược lại, Bích vào ra trụ sở của Vĩnh thường xuyên, quen biết hết tốp nhân viên của Vĩnh, kể cả nắm bắt một thông tin mới nhất về Đoàn ca múa kịch của Vĩnh tinh giảm biên chế thành Đội ca múa.

Một lần Bích gạn Hảo :

 

- Không lẽ anh Vĩnh bỏ rơi anh với Cảnh ? Mà anh Vĩnh chưa xếp tới anh !

 

Nghe nói thế, tự nhiên Hảo gắt gỏng :

 

- Đợi đến lúc anh Vĩnh xếp cho mình ? Mình phải tự xếp trước để bạn bè đỡ phải rắc rối mới phải.

 

- Nhưng sao anh không kiếm chuyện nhàn nhàn ở chợ mà làm. Người ta tính đi lên, đi ra, còn anh đi ngược xuống nơi khỉ ho cò gáy. Lạ chưa ? Như cô Quyên, cô ấy vẫn sống tàng tàng !

Hảo lập lại : "Như cô Quyên ! ... Như một chiếc bóng mờ !" rồi day mặt về hướng khác ...

Hảo ngồi im ... Anh nhớ rất rõ lúc ấy anh vẫn ngồi im hằng giờ, và câu chuyện giữa anh và Bích tạm khép lại từ đó ...

 

Mãi đến nay, quan hệ giữa Hảo và Bích không có gì nữa để nói thêm. Thực ra không phải hảo không có dự định về chợ, không nhớ Bích. Riêng Cảnh đoán biết tâm trạng cậu, thấy hảo buồn dào dào, Cảnh nhắc :

 

- Sắp xếp đi một chuyến thôi cậu, để hết việc ở đây cháu gánh. Cháu nói thiệt mà ...

Hảo đang một chút bối rối với đứa cháu. Tội nghiệp Cảnh, Hảo nghĩ. Nhưng không biết làm cách nào dứt ra khỏi công việc lúc nầy. Thế là chuyến về chợ của Hảo đã nhiều lần bị bỏ dở.

 

Loay hoay đã vào mùa tôm giống - những tháng 4,5,6,7 trong năm - Ngưng non một tháng cải tạo  liền bước sang vụ tôm mùa. Những tháng giáp Tết giữa vụ tôm mùa, nước dâng mấp mé bờ bao, ấy thế, xóm Cây Su xổ mỗi nước tôm chỉ đủ đong gạo. Riêng miếng vuông hẹp té chiều ngang của cậu cháu Hảo còn mới nguyên, rễ cây tươi làm thối nước và chắt ra chưa hết chất chua mặn khiến mớ tôm bạc thẻ trên lung Trờ Sanh dạo cậu cháu Hảo chống xuồng qua ngang nay vụt biến mất. Mỗi túi lưới phăng lên từ mương cống chỉ cộm lên một ít tôm đất, tôm bạc trộn lẫn rác rưởi, nhánh nhóc làm rách bươm tấm lú mới mua. Thêm cống bị mội, nước xoáy xa trong phần đất mềm buộc phải phá cống ra và làm lại cống mới . Chưa làm xong một cái cống chắc chắn, chỉ dựng lên một túp chòi ở riêng. Đạt đã tới chòi thúc trồng trái đước kịp mùa. Không thể không thúc mười hộ xóm Cây Su khi mùa mưa sắp tàn, đặc biệt với Hảo mới vừa được mười hộ xóm Cây Su bầu làm Trưởng ban tự quản.

 

Đạt nói một thôi một hồi với cậu cháu Hảo rồi nhảy thót xuống võ lãi sang nơi khác. Lần nào gặp Hảo cũng vậy, Đạt ân cần , gấp gảy.

 

Tiếng máy của Đạt nghe chưa dứt hẳn, chòi Hảo đã có khách tới : Khi Tráng xuất hiện, khi Tài Lợi, Hai Dành, kể cả nhiều người trong ngọn rạch đổ ra ... Dường như ngày nào cũng có khách lui tới chòi anh "Trưởng ban tự quản khu vực" bàn việc thu dọn nhánh nhóc án ngữ lòng rạch để thông đường xuồng, nhờ "Trưởng ban" viết hộ lá đơn xin chuyển mấy khúc mắm đến trại cưa, đơn vay vốn Lâm trường ...

 

Hảo chịu khó ngồi hằng giờ với khách, sẵn sàng giúp mười hộ xóm Cây Su khi họ cần đến anh. Riêng cảnh dần dà nhập cuộc, hăm hở với khách từ ngày có chòi riêng. Tự Cảnh xách chai đi đong rượu, và khác hẳn lúc ở đậu chòi anh Tráng, Cảnh xông vào bếp thay cậu, siêng theo tốp bạn trai cùng xóm câu cua, giăng lưới ...

 

Cảnh tự tin khiến Hảo mừng cho cháu, nhưng lúc nào Hảo cũng không yên : Tôm - Nợ ... Và rõ mới biết làm ra đồng tiền không dễ dàng. Đồng tiền thật ma quái ! Hảo nghĩ. Hảo vẫn không yên. Anh thường nghe tiếng chim gõ kiếng khắc khoải, buồn bã hơn. Cũng thường ngắm đàn chù ụ tốp bò nghễnh ngãng, tốp ngồi hờn dỗi, vô tư lự.

 

Vốn ngán ngại đôi càng to cộm, rắn chắc của loài chù ụ song Hảo cố bới tìm tận hang bắt cho được mớ chù ụ nhốt vào chiếc giỏ tre để dưới gầm sàn. Thêm một đôi sóc nhỏ nhờ Tráng bắt hộ Hảo nuôi trong chiếc lồng kẽm treo ngay trước cửa.

 

Chắc chắn Bích không biết những con vật lạ sống ở giữa rừng nầy ! Hảo nghĩ bâng quơ và thường ngóng ra hướng sông lớn mỗi chiều. Dứt cữ đò chiều, Hảo nấn ná trên bờ bao nhìn những cây su già lụ khụ, những thân mắm trắng mốc nơi phát ra tiếng chim gõ kiếng, và con đê đứt quãng dẫn ra Đội khai thác của anh Giao nơi chiếc đò Bảo Vỉ thường đỗ lại ... tất cả đều chìm dần trong bóng đêm...

 

Hảo hoài công vô ích.

Bích bận việc chăng ? Đúng như Hảo đoán : Chi nhánh thu mua, vận chuyển đặc sản Trạm 6 đang phất lên. Và theo Vĩnh, Bích ít khi vắng mặt nơi nầy. Vì nặng tình với Hảo, mang Hảo từ một đô thị lớn phía Nam để tìm việc làm, Vĩnh lo cho Hảo trước sự đổi khác không bình thường của người yêu Hảo. Thỉnh thoảng Vĩnh trông thấy bích hiện ra trước nhà hàng ăn với bộ mi-ni-giuyp thời trang, những kiểu áo cổ rộng quá cỡ, quần bò bó mông vào ra Trạm 6, hoặc ngồi chễm chệ sau yên xe hon-da mang thư sang bưu điện ... Bích như được quần áo, son phấn, nước hoa biến thành một con người khác lúc gặp Hảo.

 

Vĩnh quyết định cho Đội ca múa của anh ngưng hoạt động trước Tết mười hôm để tập vượt một chương trình mới cho công diễn mùa khô. Đích thân Vĩnh ngồi đò Bảo Vỉ theo bản đồ Hảo vẽ để lại cho Bích xuống tận xóm cây Su tìm bạn.

 

Hảo ngồi nghe chuyện Bích nhưng cố vờ đi. Cực chẳng đã sáng sớm mồng hai Tết Hảo cùng về chợ chung chuyến đò với Vĩnh.

 

Mười một giờ trưa, đò cặp bến. Vội vã chia tay Vĩnh, một mình Hảo kéo lê đôi dép nhựa lẹp kẹp trên đường lỗ chỗ xác pháo và dòng người đi chơi Tết đông nghịt, dửng dưng. Một tay Hảo túm gói khô cá, tay kia xách hai chiếc lồng nhỏ động đậy : Nhữngcon chù ụ vẫn tính nào tật ấy, ngồi rũ rượi, giận dỗi, vô tư. Còn đôi sóc nhỏ của Tráng luôn xạo xự, ngoe nguẩy chiếc đuôi dài thậm thượt và chốc chốc xù cả bộ lông xam xám, lồng lộn. Bất giác Hảo cảm thấy mình thật xa lạ, lẻ loi đến ái ngại. Gần giống như một gã tâm thần đi rong ngoài phố những ngày hội hè ! Không. Anh cưỡng lại ý nghĩ ấy. Anh chính là Hảo người Sài Gòn kia. Và anh thầm nhủ người ta sẽ bảo rằng chắc chắn anh có đứa con bé bỏng, nghịch ngợm ham thích đồ chơi. Hai chiếc lồng nhỏ cầm trên tay là hai món quà đặc biệt dành cho nó.

 

Nhưng Hảo vẫn với vẻ ngơ ngác ...

Nhà Bích khoảng nầy, chỗ nầy ! Hảo nhận ra ngay. Anh đứng sững trước cánh cửa ván khép hờ trông vào chỗ đặt chiếc bàn tiếp khách hoàn toàn không có ánh điện. Dấu hiệu nhà có khách phát ra qua tiếng cười đùa khe khẽ, tiếng ly tách va chạm lách cách và ánh sáng vàng vọt hắt lên từ gian sau. Khác hơn nhiều lần trước đến đây, Hảo bước khỏi chỗ đợi Bích nơi chân cầu thang để tạm lánh cô Quyên đang ngồi thừ ra lần chuỗi hạt trong lúc tâm trí anh bất ổn và anh khẽ run lên vì xúc động được gặp lại cô Quyên. Anh nhìn một thoáng về hướng cô Quyên đang ngồi bất động, nhập nhòa xế thang gác khiến anh muốn bật kêu to nhưng cố nén kịp.

 

Qua khỏi bức tường chấm hết gian phòng khách mấy bước, Hảo chạm ngay vài người đàn ông ở Trạm 6, kể cả vài người lạ mặt, kể cả Bích ngồi dụm tròn dưới nền gạch. Lăn lóc dưới chân Hảo là những vỏ bia, cô-ca cô-la, ly tách và những thức ăn choán gần hết gian sau của ngôi nhà.

 

Hảo vẫn đứng bất động trước bốn năm gương mặt đàn ông lém lỉnh, ửng đỏ cứ im thinh nhìn nhau. Bích hóa ra xồ xề trong chiếc áo thun thêu hình cá sấu, quần ngắn bó mông mau mắn dịch ra khỏi khuôn ngực người đàn ông đang tựa lưng vào chân tường. Bích nổi bật nhất. Bích lấy lại tự nhiên, reo lên :

 

- A ! Khách của cô Quyên đây rồi ! Mời anh Hảo ...

 

Hảo bị hoa mắt và đứng sững mấy giây. Tất cả sự vật vã hơn một năm qua giữa cánh rừng trỗi dậy. Hảo trừngmắt về phía Bích : "Nói dối !"

 

Hảo đáp nhanh, và lập tức, anh vội vã ra khỏi gian nhà đến đỗi bỏ quên hai chiếc lồng nhỏ và quên không chào từ giã cô Quyên. Hảo ân hận chỉ vì việc nầy.

 

Thế là Hảo không còn có lý do nào khác phải nấn ná ở lại thị xã ngoài việc mua một ít cà-phê, thuốc hút cho Cảnh có bán đầy chợ Chà Là, Cái Keo dọc đường về Cây Su. Cũng không nên đến chỗ Vĩnh. Vĩnh dư biết cái kết cục không hay ho nầy. Hảo nghĩ. Hảo bước vội vã để kịp chuyến đò xuất bến muộn màng chạy tuyến Tam Giang. Và thật may mắn cho anh, anh đã tới bến đò kịp lúc.

 

Trên một quãng dài sông rạch xa thăm thẳm, nước lớn đầy khiến con đò uể oải đổ ngược dòng. Dáng chiều ửng đỏ phía sau con đò, còn trước mặt, một làn sương mỏng giăng mờ trên lớp lớp sóng vỗ. Càng gần chặng cửa sông Tam Giang, đò vạch nước làm nhào lộn những trái đước, trái mắm trôi nổi dập dềnh. Hảo tỉnh hẳn sau lái đò, mắt dò tìm và bắt gặp vài trái su tròn rắn rỏi đang lượn lờ, thách thức với sóng gió. Hảo đoán chắc chắn những trái su anh vừa trông thấy đều từ xóm Cây Su đổ ra .

 

Lâm trường 184 - tháng 11 năm 1992

 

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3146
Ngày đăng: 21.10.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm má đâu có dể - Nguyễn Ngọc Tư
Chờ đò - Nguyễn Thanh
Đau gì như thể - Nguyễn Ngọc Tư
Lời nhắn - Nguyễn Ngọc Tư
Cô dừa xiêm đa cảm - Kim Ba
Lão cua kình - Kim Ba
Nắng xuân - Kim Ba
Tiếng hát trên bãi hoang - Kim Ba
Dấu hỏi lặng - Nguyên Tùng
Nghiệp dĩ - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)