Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.569
 
Giai điệu trầm quê hương của Trần Vạn Gĩa
Lê Khánh Mai

TRẦM KHÚC

 

Chiều ơi và ngọn gió may

Thổi bao đời cát đã bay trên đồi

Hình như trong gió có lời

Ru tôi tìm lại một thời cỏ non

Hình như trong trái bần giòn

Mùi thơm con gái có còn trong cây

 

Ném thơ về một phương này

Để bay theo gió. Để bay theo tình

Những đồi cát vẫn trắng tinh

Chỉ tôi với bóng lặng thinh trên đường

Tạ ơn làng.

Thắp nén hương.

 

Trần Vạn Gĩa

 

Nhà thơ Trần Vạn Giã là một trong số ít các nhà thơ quê ở Khánh Hoà từng có tác phẩm tham gia phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trước giải phóng 1975. Anh cùng với lớp  nhà thơ trẻ lúc bấy giờ là Trần Quang Long, Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê, Trần Hoài Dạ Vũ, Lê Nhược Thuỷ… nói lên  tiếng nói yêu nước, nhận diện kẻ thù, thức tỉnh tinh thần dân tộc qua các bài thơ đăng trên các tạp chí tiến bộ ở Sài Gòn như Trình bày, Đứng dậy, Làm dân, Tiếng nói…

 

Sau năm 1975 nhà thơ Trần Vạn Giã tiếp tục sáng tác. Thơ anh là sự tiếp nối và phát triển nguồn mạch của tình yêu nước, thương dân.

 

Quê hương là chủ đề nổi bật và xuyên suốt trong thơ Trần Vạn Giã. Dù viết về quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh hay trong những khung cảnh yên ả thời bình, thơ anh vẫn tràn đầy cảm xúc trữ tình yêu thương gắn bó, ân nghĩa thuỷ chung và luôn day dứt bởi những kỷ niệm.

 

Bài thơ “Trầm khúc” là một giai điệu trầm về quê hương cất lên tự hồn của một người con xa quê nay trở về.

 

Người làm thơ có nghề hiểu rất rõ viết về quê hương là một thử thách, bởi khó lòng đạt tới hoặc vượt qua những đỉnh cao trước đó của bao thế hệ nhà thơ. Với “Trầm khúc” Trần Vạn Giã đã khôn ngoan chọn một lối đi hẹp, một không gian, thời gian hẹp và một giọng trầm. Bài thơ sẽ không đặt ra những vấn đề lớn như Tổ quốc – nhân dân thông qua chủ đề quê hương như nhiều nhà thơ đã thành công, và như vậy nó tránh được lối mòn hay ít nhất là không vay mượn một cách vô tình.

 

“Chiều ơi và ngọn gió may

thổi bao đời cát đã bay trên đồi”

 

Thời gian được xác định là “chiều” với lời thốt gọi “Chiều ơi”. Thời gian cuối ngày, hay cũng là thời gian đời người. Đó cũng là cái khoảng thời gian cần và phù hợp với  những trạng thái cảm xúc lắng sâu, thanh lọc.

 

Không gian ở đây không nghiêng về tính bao quát mang tầm vũ trụ kỳ vĩ, mà chỉ là những chi tiết, cụ thể, hình ảnh quen thuộc mà rất gợi. Anh chọn ngọn gió may, cát, trái bần, những hình ảnh thật bình thường, nhỏ bé, khiêm nhường để trải tình, tạo nên những câu thơ chân thật, ý tưởng mới lạ. Gió may vốn là những ngọn gió nhẹ, vậy mà những ngọn gió mong manh ấy từng thổi bao đời cát bay  trên đồi.

 

Hình ảnh cát đã phần nào định danh cái quê hương mà nhà thơ đang nói đến, đó là dải đất duyên hải miền Trung, nơi, những cơn gió cuốn từng đợt  cát trắng loá thuỷ tinh, bay nhẹ nhàng như làn mây  mỏng và bồi lên thành gò, thành đồi trải dài như vô tận.

 

Vì sao không phải là hạt cát, bụi cát hay cồn cát mà là đời cát? Một từ, một hình ảnh đắc địa trong câu thơ này tạo nên hiệu quả nghệ thuật khá bất ngờ. Người đọc rung cảm, liên tưởng  đến thân phận con người nhỏ nhoi, lặng lẽ, vô danh đã bền bỉ cùng tháng năm bồi đắp nên những đồi cát trắng tinh, làm nên sức vóc của thiên nhiên, của vùng đất. Soi vào đời cát  trắng tinh ấy ta thấy hiện lên tính cách và phẩm  chất người miền Trung. Cát ở đây là biểu tượng, là đặc trưng của miền Trung, như thể cây đa bến nước sân đình của Bắc Bộ, như thể bóng dừa kênh rạch của Nam Bộ.

 

Với tâm thế một người xa quê trở về, nhà thơ soi tìm kỷ niệm. Và ngọn gió may đã giúp anh lần mở những ngăn ô ký ức:

 

“Hình như trong gió có lời

ru tôi tìm lại một thời cỏ non

Hình như trong trái bần giòn

Mùi thơm con gái có còn trong cây”

 

Câu thơ được diễn đạt bằng trực cảm. Nhờ trực cảm mà nhà thơ nhận biết quê hương cả bằng thính giác “Trong gió có lời ru”, vị giác: “Trái bần giòn” và khứu giác: “Mùi thơm con gái”. Nhưng tất cả chỉ là giả định “hình như”. Bởi những âm thanh , hương vị kia không phải là cái đang hiển hiện mà là cái đang được tái tạo bằng hồi ức.

 

Lời ru nhắc về một thời cỏ non, thời thanh xuân tươi đẹp của đời người, mà mỗi khi nhớ lại tâm hồn không khỏi xao động.

 

Trái bần có lẽ là một thứ trái rất hiếm khi được đưa vào thơ (?). Nó là “đặc sản” của vùng ngập mặn. Nhưng vì trái bần mang chứa nhiều kỷ niệm nên cái vị giòn của nó đã theo suốt cuộc đời nhà thơ và nó trở nên rất thơ.

 

Và cái mùi  thơm con gái, cái mùi thơm không thể định tính này như đã ủ men trong tâm hồn rồi bất chợt dậy hương trong buổi xế chiều của đời người. Mới hay cái mùi hương tình yêu đầu đời đã bền bỉ vượt thời gian lưu giữ trong cây, trong hồn người giữa quê hương.

 

Có thể nói, với bài thơ “Trầm khúc”  kỷ niệm đã trở thành chất liệu quí cho thơ.

 

“Thơ là nhu cầu mình tâm sự với chính mình” (Hoàng Ngọc Hiến). Đúng vậy. Ở khổ thơ thứ hai, nhân vật trữ tình (tác giả) đã hiện ra rõ nét:

 

“Những đồi cát vẫn trắng tinh

Chỉ tôi với bóng lặng thinh trên đường”

 

Nhà thơ  trở về quê hương với tâm trạng cô  đơn  và nỗi  buồn dịu ngọt. Đó là trạng thái tâm hồn tác nhân thăng hoa một tình yêu quê hương ở độ sâu, ở sự chiêm nghiệm.

 

Trước những đồi cát trắng tinh, nhà thơ – đứa con của quê hương chợt nhìn lại mình. Quê hương vẫn đẹp, trong ngần dù trải bao biến cố thăng trầm. Còn nhà thơ, anh sẽ làm gì? Yêu thương, biết ơn, tạ lỗi sẽ là chưa đủ. Nhà thơ đã nhận ra trách nhiệm của mình:

 

“Ném thơ về một phương này

Để bay theo gió. Để bay theo tình”

 

Phải sống cho thơ. Sống cho quê hương. Sống đến tận cùng cuộc sống như những đời cát kia vẫn bay theo gió, bồi đắp nên đồi. Nhẹ nhàng, chân thành, bài thơ lục bát gieo vào lòng người những nốt nhạc trầm và nó sẽ ở trong mãi trong ngóc ngách tâm hồn, và nó sẽ bất ngờ ngân vang./.

 

 

Lê Khánh Mai
Số lần đọc: 2815
Ngày đăng: 08.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vấn đề con người trong tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai - Trần Thị Ngọc Lan
Mai Văn Phấn, Hai tập thơ, Hai mảng màu hiện thực - Lê Vũ
Ngô Thị Thanh Vân – Vĩ thanh lụa và thơ - Nguyễn Thị Anh Đào
Hiện thực giả định và hiện thực tâm tưởng trong hai tập thơ mới của nhà thơ Mai Văn Phấn - Dương Kiều Minh
Nhân vật trong tiểu thuyết của J.M.Coetzee. - Nguyễn Thị Minh Duyên
Mai Văn Phấn với “ hôm sau” & “ và đột nhiên gió thổi “ - Vĩnh Phúc
Tạ Hùng Việt – Xộc Xệch nỗi Đam Mê - Lê Khánh Mai
Sholokhov đập Solzhenitsyn : Thư Sholokhov gửi Ban Thư ký hội Nhà văn Liên xô - Mikhail Sholokhov
Đọc Chân Phương cuối hè - Nguyễn Hồng Nhung
Nhà thơ - Huế - và những cơn mưa - Nguyễn Trung Bình
Cùng một tác giả
Nết (truyện ngắn)
Hỏi (thơ)
Những con thiêu thân (truyện ngắn)
Giọng Bắc (tạp văn)
Thay đổi (tạp văn)