Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.393
 
“Thất trảm sớ” và nhân cách của một con người
Đinh Kim Phúc

Chu Văn An (1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt. Quê ông ở làng Văn Thôn xã Quang Liệt huyện Thanh Đàm (nay thuộc phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh (danh hiệu tiến sĩ đời Trần) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số môn đệ ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm ông ngày càng lan xa. Đức độ và uy tín của ông như vậy, khiến cho học trò đến theo học càng nhiều.

Vua Trần Minh Tông (1314–1329) vời ông ra làm nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiển Tông).

Sống trong hoàng cung và được làm bạn với quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái.Và, nhìn lên từ đời Anh Tông, Minh Tông thấy trong triều đã nảy sinh những cận thần hèn kém, chuyên nghĩ cách làm thỏa mãn những thị hiếu của vua, còn những người thẳng thắng can ngăn thì bị cách chức (Anh Tông cách chức Phạm Mai, Minh Tông cách chức Nguyễn Trung Ngạn...) khiến ông ngao ngán.

Ban đầu, Dụ Tông còn ít tuổi, quyền bính đều do Thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn còn nền nếp. Từ năm 1358 trở đi, Thượng hoàng mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn.

Trần Dụ Tông chẳng những bỏ bê triều chính mà còn ra lệnh cho xây cung điện, tạo sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi. Trong khi đó tại triều đình, các bọn gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng. Các quan ngự sử vốn chuyên lo việc can ngăn vua nhưng cũng không làm theo. Vua ChampaChế Bồng Nga mấy lần đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long khiến triều Trần nhiều phen khốn đốn.

Vốn là người chính trực, có uy tín cao trong triều, sau nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, Chu Văn An đã soạn Thất trảm sớ và dâng lên Dụ Tông để đề nghị chém 7 người mà ông cho là gian thần. Đó là Thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử.

Hiện Thất trảm sớ bị thất truyền nên chúng ta không rõ nội dung của nó thế nào, ngay đương thời cũng không ai được biết ông đã xin chém những ai, chỉ biết thời Dụ Tông có những tên gian thần nổi tiếng như Trâu Canh, Bùi Khoan, Trần Ngô Lang... Thế nhưng vua chỉ xem qua và im lặng.

Do Thất trảm sớ không được thực hiện, Chu Văn An đã “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, lui về ở ẩn tại tại núi Phương Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Dương).

Theo ông, là người làm quan phải mạnh dạn nói lên sự thật, cốt sao cho nhân dân được no ấm, thiên hạ thái bình, triều đình vững mạnh. Hãy đem hết lòng trung nghĩa để phụng sự nhân dân. Cái quan trọng của người làm quan không phải là chức tước mà là ở phẩm cách. Giữ một chức quan nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý còn hơn chức tước cao trọng mà không làm gì có lợi được cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa lý gì.

Về Chí Linh, ngoài việc dạy học, Chu Văn An còn viết sách, làm thơ. Ông viết “Tứ thư thuyết ước” tổng kết bài giảng cùng phương pháp dạy học. Về thơ có “Quốc âm thi tập”, “Tiều ẩn thi tập”, “Tiều ẩn quốc ngữ thi tập”. Thời gian ông ở Chí Linh xảy ra việc Dương Nhật Lễ giữ ngôi nhà Trần. Nhưng ít lâu sau, dưới sự chỉ huy của Trần Phủ và chị gái là công chúa Thiên Ninh, lại được sự ủng hộ của Trần Nguyên Đán, Trần Ngạc… đã lấy lại được ngôi vua. Trần Phủ lên ngôi tức Trần Nghệ Tông, lúc này Chu Văn An đã gần 70 tuổi, ông vẫn chống gậy về Thăng Long để bày tỏ tấc lòng của mình với đất nước, bởi hơn ai hết, Chu Văn An kỳ vọng vị vua này có thể thay đổi thời cuộc, cứu vãn cơ đồ nhà Trần. Thế mới biết tấm lòng yêu nước sâu nặng của ông như ngó sen đã đứt mà tơ còn vương vậy. Một năm sau, ngày 28 tháng 11 năm Canh Tuất (năm 1370) ông mất tại làng Kiệt Đắc (nay là xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương), thọ 78 tuổi.

Trân trọng tài năng, nhân cách và sự cống hiến của ông, vua Nghệ Tông đã ban tên thuỵ là Văn Trinh, cho người mang lễ vật đến viếng và cho thờ ông ở Văn Miếu.

Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỷ 19 trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã thích nghĩa hai chữ “Văn Trinh” như sau: (Văn, đức chi biểu dã; Trinh, đức chỉ chính cổ dã. Văn là sự bên ngoài (thuần nhất )của đức; Trinh là tính chính trực, kiên địch của đức). Tên thụy như vậy nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã, hiền hòa với bên trong chính trực, kiên định. Trong lịch sử giáo dục nước nhà, ông cũng đã giành được địa vị cao quí bậc nhất, xứng đáng đứng đầu các nhà giáo từ xưa tới nay. Ông đã vượt qua ngưỡng cửa: làm thầy giáo giỏi của một đời để đạt tới làm thầy giáo giỏi của muôn đời như Phan Huy Chú đã ngợi ca ông: “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”.

Thay lời kết:

Trần Dụ Tông đã im lặng trước “Thất trảm sớ”. Có lẽ sự im lặng khủng khiếp đó đã một phần nào đẩy nhà Trần, một triều đại lừng lẫy chiến công trong lịch sử nhanh chóng suy thoái mà không thể nào cứu vãn được./.

 

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3397
Ngày đăng: 08.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Môt Viện giáo dục –một chiếc áo-một bài báo và 30 triệu đồng! - Đinh Kim Phúc
Quan Hệ Trung-Nhật và Bài Học Kinh Nghiệm cho Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Thủ Lĩnh Nguyễn Hữu Huân :Người anh hùng tự điếu mình - Lê Ngọc Trác
Hai trang web-hai thái độ - Đinh Kim Phúc
Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông - Nhiều Tác Giả
Một cái chết bất tử - Nguyễn Tam Phù Sa
Nguyễn Thái Học "Chết vì tổ quốc, chết vinh quang" - Lê Ngọc Trác
Bản đồ "đường lưỡi bò" trên biển Đông: Bất chấp sự thật lịch sử và pháp lý quốc tế! - Nguyễn Nhã
Tổng hợp sơ bộ nghiên cứu về Biển Đông - Đinh Kim Phúc
Hoàng Diệu : Ngàn năm sáng ngời chính khí - Lê Ngọc Trác
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)