Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.231.924
 
Vài gợi ý cho một “ Lễ hội văn hóa Hà Tiên” định kỳ
Đinh Văn Hạnh

Tngày 26-12-2008 đến ngày 2-1-2009, Ủy ban Nhân dân thị xã Hà Tiên đã tổ chức “Năm văn hóa thị xã Hà Tiên lần thứ I-2009. Lễ hội diễn ra sau thời điểm 300 năm Hà Tiên hình thành và phát triển vừa trôi qua ba tháng nhưng lại là sự khởi đầu cho một dự định tổ chức “Năm văn hóa Hà Tiên” định kỳ.

 

300 năm Hà Tiên, tính từ khi Mạc Cửu trình thư lên chúa Nguyễn xin làm Hà Tiên trưởng và dâng một vùng đất rộng lớn hình vòng cung gần 500km quanh vịnh Thái Lan tới Cà Mau, gồm cả Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau… cho Đại Việt[1]. Sự kiện này là một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với lịch sử phát triển về lãnh thổ, về vị thế chính trị, về kinh tế-thương mại, về quân sự và về văn hóa-nghệ thuật… của vùng đất Hà Tiên cũng như miền Tây Nam Bộ mà còn của cả dân tộc Việt Nam (dưới thời chúa Nguyễn và cả về sau). Do đó sự kiện này rất cần được quan tâm, rất nên có sự chuẩn bị chu đáo để tổ chức một lễ hội văn hóa trọng thể và hoành tráng kỷ niệm (trước mắt là) vào các năm chẵn với những nội dung và chủ đề bám sát từng thời điểm cụ thể của cuộc sống hôm nay.

 

Đã có khá nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu và ngay tại hội thảo Di sản văn hóa Hà Tiên-bảo tồn và phát triển (24-9-2009) cũng nói khá nhiều về Một Tầm Vóc Hà Tiên, nhất là trong thế kỷ XVIII. Bài viết này xin không nhắc lại các giá trị di sản lịch sử, văn hóa nghệ thuật, vị thế của Hà Tiên ở Nam Bộ cũng như vai trò của Hà Tiên đối với quá trình phát triển Đàng Trong, dù đây là những căn cứ để chúng tôi sẽ nói tới việc xây dựng và triển khai một Lễ hội Văn hóa Hà Tiên định kỳ dưới đây.

 

Xét về khía cạnh giao lưu kinh tế-thương mại, với vai trò và những gì đã được lịch sử ghi lại, chúng ta có thể nói rằng Hà Tiên là một Hội An của trời Nam. Nhưng những gì thuộc về di sản vật thể: trấn thành Hà Tiên, cung điện Phương Thành, đồn lũy Giang Thành và đặc biệt phố cảng Hà Tiên vang bóng một thời… gần như không còn lại được bao nhiêu. Nếu như trong thế kỷ XVII-XVIII, miền miền Bắc có phố Hiến, miền Trung có Hội An thì có thể nói nơi tận cùng của Nam Bộ có Hà Tiên, nhưng Hà Tiên đã không may mắn như Hội An còn gìn giữ lại được một phố cổ quý giá[2]. Đó là về di sản văn hóa vật thể. Khác với di sản vật thể, di sản văn hóa phi vật thể của Hà Tiên vẫn tồn tại như những trầm tích bền bỉ với thời gian. Nếu được khơi dậy/ đánh thức và phát huy sẽ là động lực phát triển của Hà Tiên trong tương lai. Chúng tôi nghĩ rằng chính đây mới là tài nguyên mà tiền nhân đã tạo ra trong thời kỳ vàng son thế kỷ XVIII để lại cho hậu thế… Hà Tiên có nhiều thắng cảnh đẹp đến nao lòng mà khi người Việt Đàng Trong, Đàng Ngoài chưa biết nhiều thì tiếng lành đã vượt cõi ra bên ngoài. Người ta nói đó là những cảnh đẹp nên thơ (Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ, lời một ca khúc). “Nên thơ” đó chính là hồn, là sự sinh động, cuốn hút của một vùng đất, hay nói cụ thể và chính xác hơn đó chính là bề dày văn hóa, vốn tài nguyên văn hóa và sức sống văn hóa của Hà Tiên. Chúng tôi muốn nhấn mạnh yếu tố văn hóa Hà Tiên vì mong rằng những gì thuộc về di sản văn hóa của Hà Tiên sẽ được kết tinh trong một lễ hội văn hóa có chiều sâu (bảo tồn được vốn quý của vùng đất cuối cùng-tiền tiêu, ở tây nam của tổ quốc); một lễ hội văn hóa hấp dẫn, cuốn hút (để trở thành một sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch); một lễ hội văn hóa về nguồn (theo hành trình của những người đi mở cõi phương nam)… Sâu xa hơn, một lễ hội văn hóa Hà Tiên như thế là để khẳng định vị thế Hà Tiên trong tiến trình lịch sử dân tộc… Đó là tiêu chí của việc tổ chức một lễ hội văn hóa Hà Tiên định kỳ.

 

Cũng xin nói thêm: một điều dễ nhận thấy là những năm gần đây nhiều địa phương đã tổ chức festival, lễ hội văn hóa, nghệ thuật... Ở những vùng đất có tiềm năng, thế mạnh du lịch người ta đều làm như vậy. Mục đích chính của những chương trình lễ hội này là giới thiệu tiềm năng thế mạnh của địa phương, xúc tiến và thu hút khách du lịch... Đó là những hoạt động văn hóa du lịch của thời kỳ phát triển và tạo đà để tiếp tục phát triển. (Có thể nói với Hà Tiên điều này không phải là hoàn toàn mới. Vì, nói theo ngôn ngữ hiện đại, Hà Tiên là nơi sớm nhất ở Việt Nam thông qua Tao đàn Chiêu Anh Các đã giới thiệu, quảng bá xứ sở, con người Hà Tiên ra thế giới bên ngoài từ hồi đầu thế kỷ XVIII rồi)…

Các chương trình festival, lễ hội này trước đây từ chỗ chủ yếu chỉ là biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc, trình diễn áo dài, thi hoa hậu/ người đẹp và một vài loại hình thi đấu thể thao… thì hiện nay đang tập trung tái hiện các sự kiện văn hóa, lịch sử, phục dựng đời sống sinh hoạt, nét đẹp văn hóa quá khứ của địa phương, của vùng đất. Xu hướng này tuy mới mẽ, nhưng cũng thu được những kết quả nhất định, ít ra đã có sự đầu tư tìm tòi, góp phần tìm hiểu và bảo tồn di sản văn hóa, là điều kiện để người dân địa phương giới thiệu những gì đẹp nhất, tinh túy nhất với du khách, còn đối với khách du lịch thì việc tái hiện quá khứ luôn hấp dẫn, cuốn hút họ. Một ưu điểm khác là phương thức này đã làm cho những di sản văn hóa vật thể có hồn và sinh động hơn… Với ý nghĩa đó, việc tái hiện sự kiện lịch sử, văn hóa truyền thống, nét đẹp sinh hoạt của địa phương trong các chương trình festival, lễ hội văn hóa đang là xu hướng tốt, hấp dẫn, được đánh giá cao. Theo chúng tôi, trong những năm tới cách làm này vẫn tiếp tục được quan tâm, đầu tư thích đáng hơn (cả cơ sở vật chất lẫn chuyên gia) để chất lượng ngày càng tốt hơn.

 

Vì vậy, theo chúng tôi, tìm tòi những sự kiện lịch sử tiêu biểu, nét sinh hoạt văn hóa, cộng đồng độc đáo để tái hiện trong một lễ hội văn hóa Hà Tiên là điều rất đáng quan tâm và là vấn đề cần chú ý đầu tiên trong kịch bản lễ hội văn hóa Hà Tiên.

 

Hà Tiên là một vùng văn hóa đa dạng (về tộc người với quá trình đan xen, tiếp biến, về chiều sâu lịch sử qua các quá trình, thời kỳ phát triển, với sơn thủy hữu tình)… Sự đa dạng hiếm thấy của cảnh quan, địa hình trên một diện tích không lớn, nét độc đáo hấp dẫn của văn hóa kết nối qua các thời kỳ của Hà Tiên tự nó đã là sản phẩm du lịch. Hà Tiên sinh ra là để làm du lịch. Ngay vị trí cuối trời nam của Hà Tiên cũng là một mong muốn của biết bao người Việt, ao ước một lần trong đời được đặt chân đến tham quan, trong tâm thế người Việt phải biết tận cùng đất Việt.

 

Quá trình phát triển của Hà Tiên là kết quả lao động sáng tạo của nhiều tộc người, nhiều thế hệ. Người Hà Tiên nổi bật ở sự năng động của một vùng đất hướng ra biển, của một phố cảng nằm trên ngã tư đường. Nhưng là một vùng đất có hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt, không giống nhiều vùng đất khác nên trong sự đóng góp chung của mọi người đã nổi rõ vai trò, đóng góp của những con người cụ thể mà lịch sử ghi nhận như Mạc Cửu và các con cháu của ông. Tôn vinh những con người này trong một lễ hội văn hóa là việc rất đáng làm và cần làm nhiều hơn nữa. 

 

Tao đàn Chiêu Anh Các, tao đàn thứ hai của Đại Việt, đã làm được hơn tao đàn trước là đưa danh tiếng của một vùng đất xa xôi như Hà Tiên vượt ra ngoài bờ cõi. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu còn băn khoăn không biết liệu Chiêu Anh Các có cơ sở hay một địa chỉ cụ thể hay không, nhưng gần đây, với những phát hiện mới của các nhà nghiên cứu tại Hà Tiên thì gần như đã xác định được “văn phòng” của Chiêu Anh Các. Do đó việc tái hiện sinh hoạt nghệ thuật của Tao đàn Chiêu Anh Các không phải là không làm được. Đây cũng sẽ là một trong những sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của Lễ hội Văn hóa Hà Tiên.

 

Cung điện Phương Thành đã bị quân Xiêm phá hủy đến mức khó phục hồi trọn vẹn từ hơn 200 năm trước, nhưng những gì ghi lại về nó vẫn còn. Việc phục dựng nó không phải là không thể. Nhiều người cho rằng cung điện Phương Thành như “triều đình của một vương quốc” hay một lãnh địa phong kiến trên đất Đàng Trong. Điều này chỉ đúng một phần, vì họ Mạc ở Hà Tiên ngoài thực thi các công việc “nội chính” như của “một vương quốc” thì cung điện của họ là nơi trực tiếp điều hành thương cảng hoạt động buôn bán, tàu bè vào ra, là huấn luyện thủy quân, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng đất, vùng biển cửa ngõ... Bao quanh cung điện là phố cảng, là làng nghề (kể cả làm nông), là hoạt động thương mại sôi nổi… Đó là một “cung điện trong lòng dân”. Sân khấu hóa tái hiện một ngày trong cung điện Phương Thành có lẽ sẽ rất hấp dẫn, độc đáo và chúng tôi cho rằng sẽ làm được.

 

Đối với Văn miếu Hà Tiên cũng vậy. Niềm tự hào về Văn miếu Hà Tiên không chỉ có trong lòng người dân Hà Tiên mà còn cả người dân đi mở cõi Nam Bộ. Nó là dẫn liệu phản biện khi nói những người đi khẩn hoang Nam Bộ không quan tâm đến chuyện học hành. Chữ Hán, chữ Nôm đều được dạy, người giàu, người nghèo đều được học đó là tính nhân văn, là thành tựu lớn lao/ nổi trội của Văn miếu Hà Tiên. Nếu có thể, những người con của vùng đất Hà Tiên quan tâm nghiên cứu, kiếm tìm sự kiện, chi tiết sinh động để phục dựng, tái hiện một mặt sinh hoạt nào đó của Văn miếu trong Lễ hội Văn hóa Hà Tiên thì đó cũng là một việc hữu ích nên làm.

 

Thủy binh Hà Tiên trong thế kỷ XVIII là một lực lượng mạnh, không chỉ có khả năng bảo vệ thương thuyền trong ngoài nước ra vào phố cảng mà còn bảo vệ cả một vùng biển rộng lớn trước sự đe dọa của ngoại xâm và hải tặc. Chúa Nguyễn hoàn toàn tin tưởng và yên tâm với lực lượng thủy binh này. Để tôn vinh nó, thiết nghĩ nên tổ chức một loại hình hoạt động thể thao trên biển, như đua thuyền biển chẳng hạn, trong đó lồng ghép những nội dung, ý tưởng gợi nhớ, hoặc ôn lại một thời oai hùng của lực lượng thủy binh trấn Hà Tiên. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch bổ ích, độc đáo của Hà Tiên, sẽ tạo nên không khí sôi động trên biển trong dịp lễ hội, chắc chắn sẽ lý thú, hấp dẫn khách du lịch.

 

Tất nhiên, để có một Lễ hội Văn hóa Hà Tiên trọn vẹn, đa dạng cần có những nội dung văn hóa nghệ thuật khác nữa... 

 

Trên đây là một số gợi ý ban đầu, hay nói chính xác hơn là bày tỏ mong muốn khai thác kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Hà Tiên hầu mong tạo những điểm nhấn, độc đáo trong Lễ hội Văn hóa Hà Tiên, để địa danh lịch sử sáng ngời cuối trời nam thế kỷ XVIII tiếp tục là ngôi sao sáng của du lịch đất Việt trong thế kỷ XXI. /.

 (*) Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Tiền biên, Quyển VIII.

[2] Trong các năm 1767, 1769, 1770 Hà Tiên bị quân Xiêm, Chân Lạp và cả cướp biển cướp phá, đặc biệt từ năm 1771-1773 trấn Hà Tiên bị vua Xiêm tấn công tàn phá hết sức năng nề.

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 2752
Ngày đăng: 09.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chúng ta làm gì cho con cháu? - Đinh Văn Hạnh
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)